Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Video: Hiện trạng Giáo Hội tại Thành Thánh Giêrusalem – Phỏng vấn các hiệp sĩ Quản Thủ Thánh Địa
12/06/2018 12:00:00 SA

Sau cuộc phỏng vấn với Đức Sứ Thần Tòa Thánh tại Israel, chúng tôi đã có một cuộc phỏng vấn với các linh mục, tu sĩ Dòng Phanxicô Quản Thủ Thánh Địa, là các vị được Giáo Hội ủy thác cho việc chăm sóc các nơi thánh tại Thánh Địa Giêrusalem và toàn vùng Trung Đông, cũng như chăm sóc cho các tín hữu Kitô hành hương đến những nơi này.

Hôm Chúa Nhật 25/2, cách Tuần Thánh đúng một tháng, các nhà lãnh đạo của ba Giáo Hội chịu trách nhiệm coi sóc Đền Thờ Thánh Mộ tại Giêrusalem, đã quyết định đóng cửa đền thờ để phản đối chính quyền thành phố Giêrusalem áp đặt thuế Arnona với con số lên đến 185 triệu Mỹ Kim. Chính quyền Do Thái đã lùi bước và đền thờ được mở lại 3 ngày sau đó.

Tuy nhiên, biến cố vô tiền khoáng hậu này đã gây ra những xao xuyến trong lòng các tín hữu Kitô trên thế giới. Chính vì thế, trong các phóng sự tại Thánh Địa Giêrusalem, chúng tôi đã mong muốn thực hiện một cuộc phỏng vấn với các linh mục tu sĩ dòng Phanxicô quản thủ Thánh Địa.

Lúc 10h sáng thứ Hai 28 tháng 5, 2018, cha David Grenier, tổng thư ký Đoàn Hiệp Sĩ Quản Thủ Thánh Địa, đã dành cho chúng tôi một buổi phỏng vấn tại trụ sở của Đoàn Hiệp Sĩ tại Tu viện Saint Saviour số 1 Saint Francis Street, Giêrusalem. Tu viện này được xây vào thế kỷ thứ 16 và tọa lạc tại New Gate trong khu vực cổ thành Giêrusalem.

Thánh Phanxicô thành Assisi, đấng sáng lập dòng Anh Em Hèn Mọn hay thường được gọi tắt là dòng Phanxicô, đã thành lập Tỉnh Dòng Thánh Địa vào năm 1217 với trọng trách là bảo vệ các nơi thánh tại Giêrusalem và phần còn lại của Trung Đông, là miền đất “được thánh hóa bởi sự hiện diện của Chúa Giêsu”. Các linh mục, tu sĩ thuộc Tỉnh Dòng Thánh Địa được gọi là các hiệp sĩ quản thủ Thánh Địa. Năm 1342, Đức Giáo Hoàng Clêmentê thứ Sáu trong chiếu chỉ Gratiam Agimus còn giao cho các hiệp sĩ quản thủ Thánh Địa việc chăm sóc cho những người hành hương đến thăm các nơi thánh này, thay mặt cho Giáo Hội Công Giáo.

Tỉnh Dòng Thánh Địa ngày nay có khoảng 300 linh mục và nam tu sĩ, và 100 nữ tu sống tại Israel, Palestine, Jordan, Syria, Lebanon, Ai Cập, Cyprus và Rhodes. Tỉnh Dòng sở hữu rất nhiều tài sản tại Thánh Địa, chỉ đứng sau Giáo hội Chính thống Giêrusalem. Ngoài hai đền thờ lớn là đền thờ Thánh Mộ ở Giêrusalem và Nhà thờ Chúa Giáng Sinh ở Bethlehem, mà các hiệp sĩ quản thủ Thánh Địa sở hữu và quản lý chung với Chính Thống Giáo Giêrusalem và Giáo Hội Armenia Tông Truyền, Dòng còn coi sóc đền thờ Truyền Tin tại Nagiarét và 73 đền thờ và nhà bảo tàng trên khắp Thánh Địa, bao gồm cả các tài sản ở Syria và Jordan.

Trong cuộc phỏng vấn, cha David Grenier khẳng định quyết tâm của Tòa Thánh duy trì sự hiện diện của người Công Giáo tại Thánh Địa bất chấp rất nhiều khó khăn chồng chất. Ngài nhấn mạnh rằng sự hiện diện của các đoàn hành hương trên khắp thế giới là một cử chỉ huynh đệ và liên đới thiết thực với các tín hữu địa phương và là một yếu tố quyết định giúp duy trì sự hiện diện của Kitô Giáo trong vùng.

Trong viễn tượng đó, cha David Grenier thay mặt cho các linh mục, tu sĩ trong Đoàn Hiệp Sĩ Quản Thủ Thánh Địa ca ngợi và bày tỏ lòng cảm kích đối với sáng kiến của các Giám Mục Việt Nam xây dựng tượng đài Đức Mẹ La Vang tại nhà thờ Ark of Covenant và đặt Bia Tám Mối Phúc Thật bằng tiếng Việt trên đồi Bát Phúc ở Capernaum, cũng như tổ chức các đoàn hành hương nhân dịp kỷ niệm 30 năm tuyên phong 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam.

Câu hỏi đầu tiên chúng tôi đặt ra với ngài là:

Thưa Cha David Grenier, chúng tôi biết rằng các anh chị em của chúng ta trong đức tin sống ở đây phải tiếp tục chịu đựng những khó khăn, thử thách và bất an. Trong tư cách là tổng thư ký đoàn hiệp sĩ quản thủ Thánh Địa, xin cha cho quý khán thính giả của VietCatholic một đánh giá cụ thể về tình hình theo nhận định của cha.

Về cơ bản tình hình của các tín hữu Kitô tại Thánh Địa ngay thời điểm hiện nay, trong toàn vùng và nơi chúng ta đang ngồi đây khá phức tạp. Chúng ta biết những gì đang diễn ra tại Iraq và Syria nơi đông đảo dân chúng phải đi nơi khác. Tại những nơi này, dân số Kitô hữu chỉ còn có một phần 10 so với trước đây.

Ở đây, tình hình có khác. Những lý do di cư có khác. Tại Thánh Địa này, tỷ lệ các Kitô hữu chỉ có 1.4% dân số vì thế chúng ta chỉ là một thiểu số. Gần đây, một thống kê của người Palestine vừa được công bố cho thấy Kitô hữu chiếm chưa đến 1% dân số. Vì thế, các tín hữu Kitô phải đối diện với rất nhiều khó khăn. Chúng tôi đã rất cố gắng trước hết là tìm ra bản sắc của mình vì chúng ta biết trong nhiều năm qua chúng ta không có tiếng nói trong các cuộc thảo luận vì 1.4% dân số không có nghĩa lý gì cả. Điều quan trọng là chúng ta phải duy trì sự hiện diện của người Công Giáo tại nơi trọng yếu này vì thế, theo chúng tôi nghĩ, tỉ lệ phần trăm này là điều đáng báo động.

Thưa Cha, có dấu chỉ nào đáng lạc quan không?

Có chứ. Lúc này đây chúng tôi rất hạnh phúc và lạc quan vì có nhiều người hành hương đến đây. Con số những người hành hương đã tăng vọt. Chúng tôi trông mong rằng năm nay mọi sự sẽ diễn tiến rất trôi chảy. Chúng tôi cũng phải nói thêm là con số những người hành hương năm nay đã gấp đôi số người hành hương vào năm 2016. Chúng tôi đánh giá cao điều này vì nó cho dân chúng địa phương thấy được sự hiện diện sinh động của các Kitô hữu tại những nơi thánh này.

Thưa Cha, như thế có hy vọng trước mắt nào tìm ra được giải pháp không?

Chúng ta là Kitô hữu, tin tưởng vào Thiên Chúa nên chúng ta là những con người với đức tin và đức cậy. Nhưng tình hình là rất khó khăn và phức tạp, nếu chúng ta nhìn theo quan điểm loài người. Khi nhà nước Do Thái được hình thành vào năm 1948, Kitô hữu chiếm 45%. Năm 1967, con số Kitô hữu giao động trong khoảng 20% nhưng sau đó có một làn sóng di cư rất lớn. Chúng tôi đã làm mọi cách để giữ người ta ở lại. Chúng tôi đã ở đây 8 trăm năm qua và chứng kiến bao nhiêu những cố gắng trong những thế kỷ này. Bao nhiêu lần tình thế còn bi đát hơn nhưng chúng ta vẫn có thể vượt qua. Vì thế chúng ta cần phải giữ hy vọng, và cần phải nói với các gia đình trẻ hãy ở lại. Chẳng hạn, như chúng tôi đã xây nhiều chung cư ở nhiều nơi. Đến nay, chúng tôi đã xây 140 căn hộ chung cư cho các gia đình trẻ với chi phí chỉ có 25% so với chi phí bình thường để các gia đình trẻ có thể lưu lại đây và xây dựng tương lai của họ. Chúng tôi có 1,200 nhân viên làm việc trong 42 dự án với những công việc khác nhau để giữ cho người dân không phải đi nơi khác sinh sống. Hiện nay, làn sóng di cư vẫn còn. Tình hình vẫn còn những bất ổn. Đông đảo Kitô hữu đang sống tại Bethlehem, vẫn còn nhiều Kitô hữu sống ở Bethlehem hơn những nơi khác nhưng họ có khuynh hướng di cư để tìm kiếm công ăn việc làm và các cơ hội cho họ. Đa số người dân cũng chỉ muốn có một cuộc sống bình thường. Ở đây chúng tôi có những căng thẳng khi sống chung với người Do Thái Giáo và Hồi Giáo. Kitô hữu không thực sự dính líu vào cuộc xung đột nhưng nó ảnh hưởng đến toàn bộ xã hội. Tôi chưa thấy có ánh sáng nào cho tình hình hiện nay.

Các nhà lãnh đạo các Giáo Hội Kitô tại Giêrusalem đã quyết định đóng cửa Đền Thờ Thánh Mộ để đáp lại các động thái của chính quyền Giêrusalem đòi thu thuế hàng trăm triệu đô la từ các Giáo Hội, cũng như thông qua các dự luật nhằm tịch thu đất đai thuộc sở hữu của Giáo Hội. Vấn đề thuế má hiện nay ngã ngũ ra sao, thưa cha?

Thuế má là một phần của vấn đề nhưng còn một lý do khác nữa là điều mà chúng tôi gọi là dự luật về đất đai của Giáo Hội. Có một dự án luật được tin là sẽ được trình bày [tại Quốc Hội Do Thái] vào ngày chúng tôi đóng cửa đền thờ [tức là ngày 25 tháng 2, 2018]. Nếu thành luật, nó sẽ cho nhà nước khả thể trong một số trường hợp nhất định tịch thu các tài sản của Giáo Hội và chỉ các tài sản của Giáo Hội. Như tôi đã nói trước đây, Kitô hữu chỉ có 1.4% dân số. Một dự luật trao cho nhà nước quyền có thể tịch thu tài sản cuối cùng chỉ ảnh hưởng đến những người chỉ chiếm 1% dân số. Tôi muốn nói là người Do Thái và người Hồi Giáo nếu xảy ra những trường hợp tương tự sẽ không bị ảnh hưởng. Thành ra, họ đồng ý như thế vì họ không có vấn đề gì cả. Dự luật như thế có tính chất phân biệt. Dự luật đó xem ra bị hoãn vô hạn định. Tôi được biết trong tuần này là thủ tướng Benjamin Netanyahu hình thành ra một ủy ban và cần gặp gỡ với các Giáo Hội để bàn thảo các vấn đề. Trong khi đó, trong tuần qua lại có tin là chính nhân vật đưa ra dự luật bị tạm hoãn giờ đây lại muốn tung ra một dự luật khác ít nhiều cũng tương tự với dự luật cũ, chỉ khác cái tên thôi. Chuyện khôi hài như vậy nhưng đó là những gì tôi biết.

Còn về chuyện thuế má thì thế này. Chúng tôi nhận được yêu cầu phải đóng các thứ thuế rất là bất bình thường kèm theo những lời hăm dọa sẽ tịch thu một số nhà thờ của chúng ta và đóng băng các trương mục ngân hàng của chúng tôi nữa. Mặt khác, luật này của họ còn có tính hồi tố đến 7 năm. Và như thế từ ngày đầu đến ngày cuối tính ra chúng tôi phải đóng hàng triệu Mỹ Kim. Điều này là một thay đổi rất lớn ảnh hưởng rất nhiều đến Giáo Hội.

Vấn đề không chỉ đơn thuần là chuyện thuế má nhưng nó còn vi phạm những hiệp ước đã có giữa quốc gia Israel và Vatican theo đó cần phải duy trì nguyên trạng những hiệp ước với người Thổ Nhĩ Kỳ.

Cha và cô cũng biết là Giáo Hội đóng góp rất nhiều cho đời sống xã hội với các trường học, với các cơ sở bác ái được xã hội công nhận. Ngay cả những hoạt động thương mại của chúng tôi cũng không phải là nhằm thu tóm tiền bạc vào các trương mục của mình nhưng luôn luôn trao lại cho cộng đồng.

Thoả ước Nguyên Trạng quy định rằng chúng tôi không phải đóng thuế và cũng nói rằng chúng tôi không nhận được gì. Nếu tôi phải vào nhà thương, tôi không nhận được tài trợ từ hệ thống chăm sóc y tế của chính phủ. Tôi phải trả mọi thứ.

Giáo Hội cũng đón nhận nhiều trẻ em mồ côi.

Ý tưởng chính tôi muốn nói ở đây là có những hiệp ước quốc tế giữa những quốc gia với nhau. Những hiệp ước ấy cần phải được tôn trọng. Nó không thể bất thình lình thay đổi được mà không có những bàn bạc, thương thảo với nhau.

Cuộc xung đột Israel-Palestine vẫn đang tiếp diễn, đặc biệt là những diễn biến mới nhất trong các cuộc biểu tình ở Gaza và Bờ Tây khi Hoa Kỳ di chuyển đại sứ quán đến Giêrusalem. Chuyện này gây ra những quan ngại nhất định đối với một số người muốn đến đây hành hương. Xin cha cho quý khán thính giả của VietCatholic biết đánh giá của cha như thế nào về điều kiện an ninh cho những người hành hương.

Những người hành hương không cần phải sợ. Thực tình mà nói, đáng tiếc cũng có những xung đột trong nhiều năm qua, rất trầm trọng. Nhưng tôi đã sống tại đây 10 năm rồi. Những nơi các khách hành hương đến thăm là những nơi các xung đột không diễn ra. May mắn là những nơi trọng yếu đối với các tín hữu cũng là quan trọng đối với người Do Thái. Dĩ nhiên, thu nhập lớn nhất cho quốc gia này là từ du lịch.

Thực tình mà nói, tôi cảm thấy bất an khi sống ở Washington DC hơn là sống tại Giêrusalem này. Chẳng hạn, khi ở Washington DC tôi đọc trên một tờ báo hồi tháng 11 rằng có 160 người bị giết trong một năm.

Những tin tức như thế không được nhanh chóng truyền đi khắp thế giới. Do đó, mọi người đều thấy rằng Washington DC là một thành phố đáng sống. Nhưng thực sự, ở đây với các yếu tố chính trị chi phối, tin tức về các vụ giết người nhanh chóng được truyền đi toàn cầu, tạo cho người ta cái cảm giác nơi này thật là nguy hiểm và luôn xảy ra các cuộc tấn công khủng bố.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, cha có điều gì muốn nói thêm với những người Công Giáo Việt Nam đang cân nhắc có nên thực hiện chuyến hành hương đến Thánh Địa trong dịp này không?

Có thể nói đất nước Israel và Giêrusalem là bản Tin Mừng thứ 5, bản Tin Mừng sống động. Khi đến tận nơi này quý vị sẽ cảm nhận được những thực tại được đề cập đến trong Tin Mừng mà có thể không cảm nhận được khi đọc Tin Mừng ở Việt Nam hay ở những nơi khác. Ban đêm khi ra ngoài nhiệt độ chỉ khoảng 40 độ Farenheit hay 5 độ C. Chúng ta có cảm nhận xúc động hơn khi nghĩ đến Chúa trần trụi trên thánh giá trong khi chúng ta phải trùm kín người trong những chiếc áo dầy.

Trong cuộc hành trình từ Giêrusalem đến Bethlehem trên các chuyến xe buýt thoải mái, chúng ta hãy nhìn những con đường gập ghềnh cheo leo trong suốt đoạn đường, hãy nghĩ đến hành trình của Đức Mẹ, tuy đang mang thai, nhưng Mẹ đã lặn lội trong đêm tăm tối để đi thăm người chị họ Elizabeth của mình. Chúng ta sẽ cảm nhận được những đau khổ của Mẹ.

Mặc dù, bạn cũng có thể cảm nhận được những tâm tình này ở những nơi khác nhưng cái cảm nhận đó không thể sâu sắc như những gì bạn thấy tại nơi cụ thể này của thế giới.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Những lời sau cùng, cha Tổng Thư Ký David Grenier muốn nói với chúng tôi là thay mặt cho các linh mục, tu sĩ trong Đoàn Hiệp Sĩ Quản Thủ Thánh Địa, ngài ca ngợi và bày tỏ lòng cảm kích đối với sáng kiến của các Giám Mục Việt Nam xây dựng tượng đài Đức Mẹ La Vang tại nhà thờ Ark of Covenant và đặt Bia Tám Mối Phúc Thật bằng tiếng Việt trên đồi Bát Phúc ở Capernaum, cũng như tổ chức các đoàn hành hương nhân dịp kỷ niệm 30 năm tuyên phong 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam.

Ngài cũng thay mặt cho các Hiệp Sĩ Quản Thủ Thánh Địa Giêrusalem cám ơn VietCatholic, qua hai phóng viên là chúng tôi đã cho ngài có cơ hội trình bày về tình trạng hiện nay tại Thánh Địa.

Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/244297.htm

CÁC TIN KHÁC: