Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 31/05/2018: Âm mưu của Bắc Hàn lừa gạt Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II
30/05/2018 12:00:00 SA

1. Ơn Toàn Xá cho những ai tham dự hay hiệp thông trong lời cầu nguyện với Đại Hội Gia đình Thế giới tại Dublin

Những người Công Giáo tham dự Đại Hội Gia đình Thế giới tại Dublin vào tháng Tám này và cả những ai không thể tham dự được nhưng cầu nguyện chung với gia đình trong thời gian từ 21 đến 26 tháng Tám có thể nhận được ơn Toàn Xá. Tòa Thánh đã cho biết như trên.

Ơn Toàn Xá là ân xá Giáo hội ban cho các tín hữu nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu, Ðức Mẹ và các Thánh, nhằm tha tất cả mọi hình phạt gây ra bởi tội lỗi cần phải đền, dù các tội lỗi ấy đã được thứ tha trong Bí Tích Hòa Giải.

Chủ đề của Đại Hội Gia đình Thế giới tại Dublin, mà Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tham dự, là “Tin Mừng của Gia Đình: Niềm Vui cho Thế Giới.”

Trong thông cáo đưa ra hôm 22 tháng Năm, Bộ Giáo dân, Gia đình và Cuộc sống cho biết:

“Để các tín hữu chuẩn bị tinh thần sốt sắng tham gia vào sự kiện này một cách tốt nhất, Đức Thánh Cha Phanxicô vui lòng ban ơn Toàn Xá này”.

Nghị định ban ơn Toàn Xá, được ký bởi Đức Hồng Y Mauro Piacenza, là Chánh Tòa Ân Giải Tối Cao, cho biết ơn Toàn Xá lần này được ban phát cho tất cả những người Công Giáo, bất kể họ ở đâu, nếu họ cầu nguyện cùng với Đức Thánh Cha cho gia đình.

Một cách cụ thể, những người vì hoàn cảnh không thể đến Dublin để tham dự Đại Hội Gia đình Thế giới vào tháng 8 vẫn có thể nhận được ơn Toàn Xá, “nếu kết hiệp trong tinh thần với các tín hữu hiện diện ở Dublin, cầu nguyện chung trong gia đình và đọc kinh Lạy Cha, kinh Tin Kính và những lời cầu nguyện đạo đức khác” cho sự thánh hóa các gia đình thế giới.

Để nhận được ơn Toàn Xá này các tín hữu còn phải tuân giữ các qui tắc và hội đủ các điều kiện luật định, nghĩa là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha “cho sự thánh hóa của các gia đình, theo gương thánh gia của Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh Giuse” và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi.

Khi công bố nghị định này Bộ Giáo dân, Gia đình và Cuộc sống cho biết thêm “Hiện nay, đã có khoảng 22,000 người ghi danh tham gia Đại Hội Gia đình Thế giới. Họ đến từ 103 quốc gia và một nửa trong số những người ghi danh đến từ bên ngoài Ái Nhĩ Lan. Trong số những người đã ghi danh có 28% dưới 18 tuổi. Không kể Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới là biến cố chuyên biệt cho người trẻ, Đại Hội Gia đình Thế giới là một trong các biến cố có tỷ lệ thanh niên cao nhất.

2. Đức Hồng Y Robert Sarah sẽ là người công bố danh tính vị Tân Giáo Hoàng

Đức Hồng Y Robert Sarah đã trở thành Hồng Y “trưởng đẳng phó tế” – “proto-deacon”: nghĩa là trong trường hợp mật nghị bầu Giáo Hoàng, ngài sẽ chịu trách nhiệm công bố tên của vị Tân Giáo Hoàng, với lời công bố “Habemus papam” nổi tiếng từ ban công Đền Thờ Thánh Phêrô. Tờ La Croix, số ra ngày 21 tháng 5 năm 2018, đã cho biết như trên.

Điều đó, tất nhiên, chỉ xảy ra nếu mật nghị Hồng Y bầu Giáo Hoàng xảy ra trước khi nhiệm kỳ trưởng đẳng phó tế của ngài kết thúc ... và trong mật nghị này bản thân ngài không được bầu làm giáo hoàng!

Đức Hồng Y Sarah, 72 tuổi, đã trở thành trưởng đẳng phó tế, sau khi Đức Hồng Y Raffaele Martino không còn là Hồng Y cử tri nữa vì quá 80 tuổi. Hôm 19 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thay đổi thứ bậc của các Hồng Y, một số vị từ Hồng Y đẳng phó tế đã trở thành Hồng Y đẳng linh mục.

Trong quá khứ, vị Hồng Y trưởng đẳng phó tế cũng là người đội vương miện cho vị Tân Giáo Hoàng - biểu tượng của quyền năng ba cấp của Đức Giáo Hoàng là giám mục của Rôma, người đứng đầu nhà nước Vatican, và là huấn quyền phổ quát toàn thể Hội Thánh.

Kể từ khi Đức Phaolô VI bãi bỏ lễ đăng quang Giáo Hoàng, vị Hồng Y trưởng đẳng phó tế thay vì đội vương miện sẽ đeo dây pallium, biểu tượng của quyền bính mục vụ, trên vai của vị Tân Giáo Hoàng trong buổi lễ khai mạc sứ vụ chủ chăn toàn thể Hội Thánh.

Đức Hồng Y Sarah hiện nay là Tổng Trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích. Ngài là người gốc Conakry, Guinea, và đã được thụ phong linh mục tại tổng giáo phận này vào năm 1969. Ngài được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bổ nhiệm tổng giám mục Conakry vào năm 1979. Từ năm 2001 ngài đã phục vụ trong giáo triều Rôma.

3. Bắc Hàn từng mời Đức Gioan Phaolô II sang thăm, và làm nhà thờ giả để gạt Tòa Thánh

Một cuốn hồi ký của Thae Yong-ho, nhân vật số 2 tại Đại sứ quán Bắc Triều Tiên ở London và bây giờ là một nhà tranh đấu chống chế độ, đã bán được 50,000 bản chỉ trong 10 ngày.

Cuốn sách phơi bày những khía cạnh của chế độ mà Thae chứng kiến tận mắt, rất phong phú với những sự kiện bất ngờ về một chế độ kín như bưng mà người ta chỉ có thể đoán mò qua các giai thoại, tin đồn và những hình thái suy luận có lý.

Một khía cạnh thú vị là mối quan hệ của Bắc Triều Tiên với tôn giáo. Trong số những đề tài được Thae thuật lại, là câu chuyện Bắc Triều Tiên đã xây dựng một nhà thờ giả ở Bình Nhưỡng.

Năm 1991, cùng với sự sụp đổ của khối cộng sản tại Đông Âu, Bắc Triều Tiên rơi vào tình trạng kiệt quệ kinh tế đến mức nạn đói xảy ra ở nhiều nơi. Trong một cố gắng thoát khỏi sự cô lập quốc tế, Bắc Triều Tiên muốn mời Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II sang thăm nước này. Vị Giáo Hoàng người Ba Lan đã từng thăm Nam Hàn đến 2 lần vào tháng 5, 1984 và tháng 10, 1989.

Khi Vatican yêu cầu Bắc Triều Tiên trưng ra bằng chứng về sự hiện của người Công Giáo, chế độ cộng sản này xây dựng cấp tốc một nhà thờ giả gọi là nhà thờ “chánh tòa Bình Nhưỡng”. Các hàng ghế trong nhà thờ đầy chật những người cộng sản cực đoan.

Thae thuật lại rằng theo thời gian, một số người đóng giả để quay phim đã thực sự bắt đầu tìm hiểu Kitô giáo.

Thae cho biết thêm: “Bắc Triều Tiên rất quyết liệt với tôn giáo. Ở các nước cộng sản châu Âu, nhà nước thắt chặt quyền tự do tôn giáo, nhưng họ không phá hủy các nhà thờ. Thậm chí có những nơi thờ phượng vẫn còn được hoạt động ít nhiều. Nhưng tại Bắc Triều Tiên, cộng sản đã phá hủy tất cả các nơi thờ phượng và đổ thừa cho máy bay ném bom của Mỹ. Các nhà lãnh đạo từ Kim Nhật Thành trở xuống đều muốn người ta đừng tôn thờ thần nào khác ngoài những vị thần là Kim Nhật Thành và con cháu của hắn. Hiến pháp bảo đảm quyền tự do tôn giáo, nhưng Đảng Công nhân nói rằng chỉ có giáo lý của các lãnh tụ nhà họ Kim mới là những lời hướng dẫn thực sự.”

Chính vì thế, khi muốn chứng minh với Tòa Thánh sự hiện hữu của người Công Giáo, họ phải cấp tốc làm nhà thờ giả.

Tuy nhiên, có lẽ các thủ thuật này không qua mặt được vị Giáo Hoàng Ba Lan là người đã từng phải sống trong một chế độ cộng sản. Một chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng đã không xảy ra.

Các quan sát viên quốc tế cho rằng cái khó khăn lớn nhất của Kim Jong Un hiện nay là tình trạng kinh tế kiệt quệ vì bị cô lập, và nỗi lo sợ bị Trung Quốc lật đổ nhằm có một ảnh hưởng sâu đậm hơn tại Bắc Triều Tiên. Chính vì thế, trong năm 2017, Kim Jong Un lời qua tiếng lại với tổng thống Mỹ Donald Trump, kể cả với những đe dọa chiến tranh hạt nhân. Tất cả các động thái này đều nhằm kích thích mong muốn thương thảo của đối phương, và tối hậu là thoát ra được tình trạng cô lập như hiện nay.

4. Tân Sứ Thần Tòa Thánh tại Triều Tiên hy vọng vào tiến trình hòa giải, và thống nhất của Hàn Quốc

Đức Tổng Giám Mục Alfred Xuereb, Tân Sứ Thần Tòa Thánh tại Triều Tiên và Mông Cổ đã cử hành Thánh Lễ với Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào sáng Thứ Năm 24 tháng 5, trước khi ngài bay đến Hán Thành vào ngày Chúa Nhật để bắt đầu sứ mệnh ngoại giao của mình.

Đức Cha Xuereb hy vọng tiến trình cải thiện quan hệ giữa hai miền Triều Tiên sẽ được thuận lợi bất chấp nhiều trở ngại cần phải vượt qua.

“Tiến trình hòa bình giữa hai miền Triều Tiên, bắt đầu với cuộc họp lịch sử giữa hai lãnh đạo Hàn Quốc hôm 27 tháng 4, mang lại nhiều hy vọng to lớn”, Đức Tổng Giám Mục Alfred Xuereb, nói với Vatican News trong một cuộc phỏng vấn.

Ngài lưu ý rằng “con đường vẫn còn ở giai đoạn đầu và chắc chắn sẽ là một con đường dài với nhiều trở ngại cần vượt qua”. Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời toàn thể Giáo hội cầu nguyện để hỗ trợ các bên liên quan xây dựng hòa bình và mang đến cho các thế hệ tương lai một viễn tượng hài hòa và thịnh vượng.

Vị Tổng giám mục người Malta nhận nhiệm vụ ngoại giao trong bối cảnh có những cải thiện quan hệ giữa hai miền Triều Tiên. Sau Chiến tranh Triều Tiên 1950-53, kết thúc bằng một cuộc đình chiến, chứ không phải là một hiệp ước hòa bình, hai miền vẫn được xem là còn trong tình trạng chiến tranh với nhau.

Dưới chế độ độc tài cực đoan, Bắc Triều Tiên đã làm trầm trọng thêm sự cô lập chặt chẽ của mình với phần còn lại của thế giới qua tham vọng hạt nhân của nó. Washington và Bình Nhưỡng đã có những căng thẳng rất cao trong nhiều tháng qua vì các chương trình hạt nhân và tên lửa của Bắc Hàn. Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un không ngớt tung ra những lời lăng mạ và đe dọa chiến tranh.

Tuy nhiên, kể từ tháng 11 năm ngoái, Bắc Triều Tiên đã không thực hiện bất kỳ thử nghiệm hạt nhân và tên lửa nào, và một số phát triển tích cực đầy ấn tượng đã diễn ra giữa hai miền Nam Bắc. Trump và Kim được dự trù sẽ tham dự một cuộc họp lịch sử vào ngày 12 tháng 6 tại Singapore.

Trong cuộc phỏng vấn với Vatican News, Đức Tổng Giám Mục Xuereb lưu ý rằng trong 23 năm qua, Giáo Hội Công Giáo ở Hàn Quốc đã tập trung vào mỗi thứ Ba dưới chân Đức Trinh Nữ Maria tại Nhà thờ Chính Tòa Mân Đông của Hán Thành để cầu xin ân sủng thống nhất. “Tôi chắc chắn rằng từ thiên đàng Đức Mẹ đã và đang nhìn với một ánh mắt từ ái đối với con cái mình ở Hàn Quốc,” vị tổng giám mục 59 tuổi nói.

Việc phân chia bán đảo Triều Tiên đã diễn ra vào cuối thời cai trị thuộc địa trong suốt 35 năm của Nhật Bản vào năm 1945 sau khi Nhật Bản đầu hàng vào cuối Thế chiến II. Quân đội Liên Xô chiếm khu vực phía bắc vĩ tuyến 38, và quân đội Mỹ ở phía nam, với miền bắc theo chủ nghĩa cộng sản và miền nam hướng tới dân chủ.

Ủy ban quản trị lâm thời do Mỹ và Liên Xô thành lập phải sắp xếp các cuộc bầu cử toàn quốc để tái thống nhất Hàn Quốc vào năm 1948, nhưng không bên nào tin tưởng đối phương và mơ ước tái thống nhất đến nay vẫn chưa thành hiện thực.

5. Hội Đồng Giám Mục Nicaragua giải thích lý do đứng ra làm trung gian hoà giải đất nước

“Hòa bình mà chúng tôi đang tìm kiếm không phải là hòa bình của nghĩa trang, cũng không phải của tình trạng sống không khác gì nô lệ, đó là hòa bình được phát sinh từ những người có tinh thần hòa giải. Chúng tôi đã chấp nhận làm những người hòa giải cho cuộc Đối thoại Quốc gia để đất nước này không cần phải nhờ đến sự can thiệp của nước ngoài hoặc quốc tế. Chúng tôi, với tư cách là Giám mục, đã có khả năng gặp gỡ các nhóm khác nhau, để thể hiện mối quan tâm của chúng tôi và sự thiếu niềm tin của chúng tôi đối với các thỏa thuận không minh bạch và bí mật trước đây” Đức Cha José Silvio Baez, Giám Mục Phụ Tá của Managua, được Hội Đồng Giám Mục Nicaragua ủy nhiệm để thông báo cho báo chí về tiến trình đối thoại đang diễn ra tại Đại Chủng viện Managua.

Trong cuộc họp báo, được quay video và gởi đến thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, Đức Cha Baez nhấn mạnh rằng “trò chơi bẩn thỉu ở Nicaragua phải kết thúc! Chúng tôi, là Giám mục, không chấp nhận điều đó trong cuộc đối thoại này!”

Ngài kêu gọi dân chúng Nicaragua “Đồng bào hãy tin tưởng vào các Giám mục, chúng tôi không muốn làm bất cứ ai thất vọng! Chúng tôi đang làm mọi thứ có thể cho tình yêu của Chúa Giêsu Kitô và cho tình yêu của đất nước Nicaragua chúng ta!”

Các Giám Mục đã nhận lời làm trung gian hòa giải sau khi đã có hơn 70 người bị các lực lượng an ninh trung thành với tổng thống Ortega bắn chết trong các cuộc biểu tình.

Các sinh viên và những người biểu tình đã yêu cầu Tổng thống Ortega từ chức ngay lập tức trước tình trạng nền kinh tế của quốc gia này đang trong bờ vực phá sản trong khi chính phủ đàn áp dã man đối lập. Đại diện sinh viên, Lesther Aleman, nói với Đức Cha José Silvio Baez rằng điều kiện duy nhất họ có thể chấp nhận được là Daniel Ortega cút đi. Anh nói “Chúng tôi chỉ có vài người trong bàn thương thảo này, nhưng có hàng ngàn người ủng hộ chúng tôi bên ngoài, thực sự là hàng triệu người”.

Các Giám Mục có lẽ sẽ áp lực Daniel Ortega ra đi một cách hòa bình.

Nicaragua có 5.8 triệu dân trong đó gần 60% dân số là người Công Giáo.

Daniel Ortega, là một lãnh tụ cộng sản trong phong trào Mác Sandinista đã lật đổ chế độ độc tài của tướng Anastasio Somoza Debayle, và đã cai trị Nicaragua từ năm 1979 cho đến năm 1990 khi trào lưu cộng sản bị lật nhào trên quy mô toàn thế giới.

Trong những năm sau đó, Daniel Ortega đã diễn nhiều vở kịch hay: tuyên bố sám hối vì tội lỗi với Giáo Hội Công Giáo, đi nhà thờ, tham dự các nghi lễ tưởng niệm. Nhờ khả năng diễn xuất quá thành công, nhờ những khó khăn trong buổi đầu chuyển từ thời cộng sản sang kinh tế thị trường tự do, Ortega lại dần dần lấy lại được uy tín và giành được thắng lợi trong các cuộc bầu cử tổng thống năm 2006 và 2011.

Ngồi vững trở lại trên quyền lực, Daniel Ortega lại bắt đầu những chiến dịch đàn áp Giáo Hội một cách tinh vi và nham hiểm hơn.

Vì thế, tất cả các Giám Mục nước này cùng với Đức Tổng Giám Mục Fortunatus Nwachukwu là sứ thần Tòa Thánh tại đây đã yêu cầu được gặp và chất vấn Daniel Ortega vào ngày 21 tháng 5, 2014.

Trước cuộc gặp gỡ này, Hội Đồng Giám Mục Nicaragua đưa ra một tuyên bố nảy lửa kêu gọi “những ai từng bỏ phiếu cho con người này cần phải sám hối”.

Các giám mục đã tuyên bố ba ngày cầu nguyện và sám hối để chuẩn bị cho cuộc họp: ngày 15 tháng 5 chầu Thánh Thể và dâng Thánh Lễ; Ngày 17, cầu nguyện cùng Đức Trinh Nữ Maria; ngày 18 Thánh Lễ cầu cho sự thành công của cuộc đối thoại.

Năm 2014, dân chúng vẫn chưa sáng mắt ra nên các Giám Mục rất cô đơn trong cuộc đấu tranh với trùm cộng sản Daniel Ortega. Kỳ này, trước sự hậu thuẫn mạnh mẽ của sinh viên và đông đảo dân chúng thất vọng với những chính sách kinh tế của Ortega, có thể các Giám Mục sẽ thành công trong việc chấm dứt “những trò chơi bẩn thỉu” như Đức Cha José Silvio Baez đã hy vọng.

6. Venezuela trục xuất hai nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ

Venezuela đã ra lệnh trục xuất hai nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ ở nước này hôm thứ Ba 22 tháng 5, buộc tội họ tham gia vào các hoạt động gián điệp và âm mưu lật đổ chính quyền. Diễn biến này xảy ra sau khi Washington thắt chặt các lệnh trừng phạt kinh tế vì cho rằng Nicolas Maduro gian lận bầu cử để tái đắc cử.

Cuộc bỏ phiếu đã bị tẩy chay bởi các đảng đối lập chính và bị kết án rộng rãi bởi cộng đồng quốc tế, đứng đầu là Hoa Kỳ.

Tổng thống Venezuela tuyên bố hai nhà ngoại giao Mỹ là Todd Robinson và Brian Naranjo “phải rời khỏi đất nước này trong 48 giờ”. Ông ta nói rằng quyết định này được đưa ra để “phản đối Hoa Kỳ và bảo vệ phẩm giá của quê hương Venezuela”.

Một quan chức Bộ Ngoại giao nói với AFP rằng Washington đã “không nhận được thông báo từ chính phủ Venezuela thông qua các kênh ngoại giao”, nhưng nếu việc trục xuất được xác nhận, “Hoa Kỳ có thể có những hành động đáp lại thích hợp.”

Hôm thứ Hai, Tổng thống Donald Trump đã thắt chặt các biện pháp trừng phạt chống lại Caracas, khiến chế độ Maduro khó bán tài sản nhà nước.

Maduro nói trong bài phát biểu: “Tôi chống lại tất cả các biện pháp trừng phạt chống lại Venezuela, bởi vì những biện pháp như thế gây hại cho quốc gia, và tạo ra đau khổ cho người dân Venezuela.”

Ông ta hứa sẽ trưng ra các “bằng chứng” rằng cả hai nhà ngoại giao đã tham gia vào một “âm mưu chính trị, quân sự và kinh tế”.

Washington và Caracas đã không trao đổi đại sứ kể từ năm 2010, và quan hệ giữa hai nước đã căng thẳng kể từ khi Tổng thống cánh tả Hugo Chavez, là người tiền nhiệm của Maduro, nắm quyền lực vào năm 1999.

Maduro đã tuyên bố chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu với 68 phần trăm số phiếu bầu, nhưng đa số dân chúng đã không đi bỏ phiếu trong một cuộc tuyển cử mà họ cho rằng chỉ là một trò hề.

7. Gương sáng Ủy ban Công Lý và Hoà Bình Hội Đồng Giám Mục Venezuela: 11 giờ đêm đi đòi công lý cho các tù nhân

Trong tuyên bố đưa ra hôm thứ Năm 24 tháng 5, Hội Đồng Giám Mục Venezuela đã lên tiếng đòi công lý cho các tù nhân chính trị bị tra tấn dã man tại nhà tù Heliocide ở Caracas.

Thông báo cho biết “Lúc 11h tối thứ Tư, Ủy ban Công Lý và Hoà Bình của Hội Đồng Giám Mục Venezuela đã đến trụ sở của cơ quan tình báo quốc gia Venezuela để xác minh tình trạng của những người bị giam giữ trong nhà tù Helicoide theo yêu cầu từ thân nhân của các tù nhân là những người đã biểu tình phản đối chế độ lao tù và tình trạng hành hạ các tù nhân chính trị vào buổi sáng cùng ngày”.

Các Giám Mục Venezuela kêu gọi các nhà chức trách Venezuela phải “tôn trọng mạng sống của những người bị giam giữ trong các cơ quan của nhà nước Venezuela, và tôn trọng nhân quyền của mọi người để đạt được một giải pháp hòa bình cho vấn đề.”

Nhiều nhân vật nổi tiếng trong giới chính trị Venezuela bị giam tại tại nhà tù Heliocide được tường thuật tham gia vào các cuộc biểu tình, trong đó có cựu thị trưởng Daniel Ceballos của San Cristóbal, lãnh tụ đối lập sinh viên Lorent Saleh, và Tướng Ángel Vivas, người bị bắt vì bất tuân lệnh đàn áp người biểu tình của cựu tổng thống Hugo Chávez.

Một bức ảnh của một trong những tù nhân, là nhà bất đồng chính kiến Gregory Sanabria, được đưa lên các phương tiện truyền thông xã hội hôm thứ Năm, cho thấy những thương tích nghiêm trọng trên mặt ông sau một vụ đánh đập. Các tù nhân cho rằng các lính canh trả tiền cho các tù thường phạm để thực hiện các vụ tấn công nhắm vào các tù nhân chính trị.

8. Đức Hồng Y Brandmüller nói những ai kêu gọi phong chức linh mục cho phụ nữ là “lạc giáo” và “tuyệt thông” với Giáo Hội

Những người thúc đẩy việc phong chức linh mục cho phụ nữ “có đủ các yếu tố của tội lạc giáo” và đương nhiên tuyệt thông với Giáo Hội, Đức Hồng Y Walter Brandmüller đã nói như trên khi bình luận về những nhận xét gần đây của một chính trị gia người Đức.

Đức Hồng Y Brandmüller, một trong bốn vị Hồng Y “dubia”, đã chỉ trích mạnh mẽ Annegret Kramp-Karrenbauer, Tổng thư ký Đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo Đức, sau khi bà này kêu gọi Giáo Hội Công Giáo phong chức linh mục cho phụ nữ.

Kramp-Karrenbauer, là người được coi là dẫn đầu trong danh sách các ứng viên thay thế cho thủ tướng Angela Merkel, đã nói trong một cuộc phỏng vấn với Die Zeit rằng: “Điều rất rõ ràng: phụ nữ phải nắm giữ các vị trí lãnh đạo trong Giáo hội.”

Bà nói thêm rằng bà muốn thấy có các nữ linh mục, nhưng hiện tại Giáo hội nên tập trung vào “mục tiêu thực tế hơn, là phong chức phó tế cho phụ nữ”.

Tuy nhiên, Đức Hồng Y Brandmüller cho biết ý tưởng phong chức thánh cho nữ giới đã bị Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II loại trừ một cách dứt khoát, và vì thế bất cứ ai khăng khăng thúc đẩy ý tưởng này đã “rời bỏ nền tảng của đức tin Công Giáo” và “có đủ các yếu tố lạc giáo, và hệ quả là, tuyệt thông với Giáo Hội”

Đức Hồng Y nói thêm rằng Giáo hội không phải là một “tổ chức trần thế”, nhưng sống theo “các hình thức, cấu trúc và luật lệ được trao ban cho mình bởi người Sáng lập Chí thánh mà không ai có quyền lực để thay đổi – cả các giáo hoàng lẫn các công đồng cũng không thể thay đổi.”

Đức Hồng Y nhận xét rằng thật “đáng kinh ngạc” khi thấy tại Đức người ta vẫn cứ nằng nặc tranh cãi về các chủ đề nhất định “luôn luôn giống nhau: nữ linh mục, tình trạng độc thân cuả các linh mục, cho người Tin Lành được rước lễ, cho người ly dị và tái hôn được rước lễ. Mới gần đây lại có thêm chuyện ‘đồng ý’ với cái gọi là hôn nhân đồng tính”

Mới đây, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier cũng tham gia vào cuộc tranh luận về giáo lý, kêu gọi Giáo Hội Công Giáo “chia sẻ” việc rước lễ với người Tin Lành.

9. Quân Syria giải phóng được toàn bộ thủ đô Damascus

Các lực lượng chính phủ Syria đã giương cao quốc kỳ trên trại tị nạn Yarmouk của người Palestine ở Damascus hôm thứ Ba 22 tháng 5. Các phương tiện truyền thông nhà nước cho biết đây là phần cuối cùng của thủ đô được giải phóng khỏi bọn khủng bố IS và các nhóm dân quân Hồi giáo.

Xe cảnh sát gắn những lá cờ lớn gầm rú khi tiến vào các khu phố đổ nát trong một phóng sự truyền hình của truyền thông nhà nước, trong khi một nhóm binh sĩ chính phủ hò reo từ các mái nhà của một tòa nhà đổ nát.

Các nghi lễ, được phát sóng trên đài truyền hình al-Ikhbariya của nhà nước, cho biết những cư dân của Damascus đã được an toàn lần đầu tiên kể từ khi các cuộc biểu tình chống lại Tổng thống Bashar Assad nổ ra vào năm 2011. Chính quyền đã đàn áp các cuộc biểu tình, làm nổ ra cuộc nội chiến kéo dài cho đến nay.

Quân đội Syria tuyên bố đã chiếm lại trại tị nạn của người Palestine và các vùng lân cận từ các nhóm dân quân Hồi giáo vào ngày thứ Hai, đưa toàn bộ thủ đô và vùng phụ cận nằm dưới sự kiểm soát hoàn toàn của chính phủ lần đầu tiên kể từ năm 2011.

10. Đức Thánh Cha cầu nguyện cho dân tộc Trung Hoa

Trong buổi triều yết ngày thứ Tư 23 tháng 5 tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã xin mọi người cầu nguyện cho anh chị em Công Giáo tại Trung Quốc.

Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi tất cả các Kitô hữu hiệp thông với những tín hữu Công Giáo ở Trung Quốc, cầu nguyện cho họ sống đức tin trong sự hiệp thông trọn vẹn với Tòa Thánh.

Phát biểu trong buổi triều yết chung tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng nhắc nhở mọi người rằng ngày thứ Năm 24/5, là Ngày Lễ “Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu”. Lễ này được mừng kính rất đặc biệt và long trọng tại linh địa Xà Sơn ở Thượng Hải..

Đức Thánh Cha cũng nhắn nhủ rằng: “Không có Chúa Thánh Thần, chúng ta chẳng là gì cả”. Ngài nói thêm: “Cùng với các môn đệ của Chúa tại Trung Quốc, Giáo Hội Toàn Cầu đang hướng về anh chị em và cầu nguyện cho anh chị em, để dù phải đối diện với nhiều khó khăn thử thách, anh chị em luôn tín thác vào bàn tay yêu thương quan phòng của Thiên Chúa”.

Đức Thánh Cha Phanxicô kết luận Đức Mẹ sẽ không bao giờ bỏ rơi anh chị em, Mẹ sẽ chở che anh chị em trong tình yêu hiền mẫu của Mẹ.

Sáng thứ Năm 24 tháng 5, ngày thế giới cầu nguyện cho Giáo Hội tại Trung Hoa, tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dâng thánh lễ kính Đức Mẹ Xà Sơn với những ý chỉ hướng về ‘dân tộc Trung Hoa cao thượng’.

Trong thánh lễ, Đức Thánh Cha cũng đặc biệt cảnh giác các tín hữu hãy cẩn thận với những của cải thế gian vì chúng có khả năng lôi cuốn và nô lệ hóa con người.

11. Giám Mục Trung Quốc bị vạ tuyệt thông xây nhà thờ và nhà xứ trị giá 11 triệu Mỹ Kim

Một khu phức hợp trị giá 11 triệu Mỹ Kim bao gồm nhà thờ, nhà xứ và có thể có cả một tu viện đang được hoạch định xây dựng bởi một Giám Mục bất hợp lệ của Trung Quốc.

Mặc dù chưa được Tòa Thánh công nhận, và thậm chí còn bị vạ tuyệt thông, “giám mục” Giuse Quách Kim Tài của giáo phận Thường Đức cho biết đang tiến hành xây dựng ngôi nhà thờ được cho rằng lớn nhất ở miền bắc Trung Quốc.

Tỉnh Hà Bắc có một triệu người Công Giáo, trong đó có 30,000 người thuộc giáo phận Thừa Đức. Cha Lombardi, khi còn là Giám Đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết, giáo phận Thừa Đức là giáo phận ma. “Giáo Hội Công Giáo không có giáo phận nào là giáo phận Thừa Đức,” ngài nói hôm 18 tháng 11, 2010.

Việc xây dựng khu phức hợp rộng 15,000 mét vuông này trị giá đến 70 triệu nhân dân tệ. Nhà cầm quyền tỉnh Hà Bắc nói một phần trong số tiền này được Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc ở tỉnh Hà Bắc và Ủy ban Quản lý Công Giáo Hà Bắc tài trợ. Gần một nửa là do chính “giám mục” Giuse Quách Kim Tài quyên góp.

Nếu thỏa thuận giữa Trung Quốc và Vatican được ký kết, bảy giám mục bất hợp lệ và bị vạ tuyệt thông của Trung Quốc trong đó có Quách Kim Tài sẽ được Tòa Thánh công nhận.

Thánh lễ khởi công xây dựng nhà thờ đã được tổ chức vào ngày 15 tháng 5 bởi “giám mục” Giuse Quách Kim Tài và chín giám mục khác thuộc Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc.

Tuy nhiên, người Công Giáo ở Thừa Đức chủ yếu là nông dân sống rất khó khăn. Một nguồn tin cho UCANews biết thu nhập của họ không có cách nào để tài trợ cho một dự án lớn như vậy. Dự án này có lẽ chỉ là một dự án ma để vơ vét tiền của dân.

12. Đức Hồng Y Arinze: Chúng ta không thể chia sẻ Thánh Thể với người không Công Giáo như bia hay bánh ngọt

Thánh Thể được dành riêng cho người Công Giáo trong trạng thái có ơn nghĩa với Chúa và không phải là một thứ gì đó có thể được chia sẻ giữa bạn bè như bia hay bánh ngọt, một cựu cố vấn cao cấp của hai triều giáo hoàng đã nói như trên.

Đức Hồng Y Francis Arinze cho biết bất kỳ động thái nào nhằm cho phép tiếp cận đại trà với Thánh Thể như cho những người ly dị và tái hôn được rước lễ hay cho những người phối ngẫu của người Công Giáo được rước lễ là những thách thức “nghiêm trọng” đối với giáo lý của Giáo Hội Công Giáo về Thánh Thể.

Trong một cuộc phỏng vấn với Catholic News Service, ngài phản đối việc cho phép những người Công Giáo ly dị và tái hôn được rước lễ trong những hoàn cảnh nhất định.

Đức Hồng Y Arinze nói thêm rằng: “Nếu một người ly hôn rồi tái hôn trong khi mối hôn nhân đầu tiên chưa bị tiêu hôn thì có vấn đề ở đây”. Chúa Giêsu dạy rằng kết hiệp mới này của họ cấu thành tội ngoại tình.

“Không phải chúng ta là những người đã giảng dạy điều đó”. Vị Hồng Y, 85 tuổi, đã phục vụ với tư cách là Tổng Trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích dưới thời Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 nhấn mạnh rằng “Chính Chúa Kitô đã nói điều đó.”

“Chúng ta không thể cho rằng mình có lòng thương xót hơn Chúa Kitô. Nếu bất kỳ ai trong chúng ta nói rằng người ấy được sự cho phép của Chúa Kitô để thay đổi một trong những điểm chính mà Chúa Kitô đã ban cho chúng ta trong Tin Mừng, chúng tôi muốn thấy giấy phép đó và cả chữ ký nữa.”

“Đó là điều không thể. Ngay cả khi tất cả các giám mục trên thế giới này đồng ý đi chăng nữa, cũng không thể thay đổi được. Điều này khá nghiêm trọng, bởi vì nó chạm vào đức tin về Thánh Thể, Hơn nữa kết hiệp hôn nhân đã thành sự là bất khả phân ly và không có quyền lực con người nào có thể giải trừ.”

Trong phỏng vấn tại tu viện Buckfast, một tu viện dòng Biển Đức đang kỷ niệm 1000 năm, Đức Hồng Y Arinze cũng nói rằng việc chia sẻ Thánh Thể dành cho người phối ngẫu Tin Lành không phải là vấn đề hiếu khách.

Ngài nói rằng trong khi mong muốn những điều tốt lành cho các Kitô hữu không Công Giáo, ngài cũng mong họ hiểu rằng “Thánh Thể không phải là sở hữu riêng của chúng tôi mà chúng tôi có thể chia sẻ với bạn bè của mình.”

“Tách trà, chai bia là những thứ chúng tôi có thể chia sẻ được với bạn bè” Đức Hồng Y Arinze nói.

“Không phải đơn thuần là chuyện hiếu khách hay không. Sau thánh lễ, bạn có thể đến nhà ăn và uống một tách trà, thậm chí là một ly bia và một chút bánh ngọt. Như thế là được. Nhưng thánh lễ không giống như vậy,”.

“Điều rất quan trọng là chúng ta phải nhìn vào giáo lý. Cử hành Thánh Thể không phải là một dịch vụ đại kết. Nó không phải là một cuộc tập hợp của những người tin vào Chúa Kitô, nhưng là việc kính nhớ những mầu nhiệm của Chúa Kitô, Đấng đã chết cho chúng ta trên thập tự giá và bảo các tông đồ hãy 'làm điều này để nhớ đến Thầy.'“

“Cử hành Thánh Thể là sự cử hành của cộng đồng đức tin - những người tin vào Chúa Kitô, họ đang giao tiếp trong đức tin, và trong các bí tích, và trong sự hiệp thông giáo hội… hiệp nhất với mục tử của họ, giám mục của họ và Đức Giáo Hoàng. Đó là cộng đồng tưởng niệm Thánh Thể. Bất cứ ai không phải là thành viên của cộng đồng đó đều không phù hợp chút nào”.

Đức Hồng Y nói thêm nếu người Tin Lành muốn nhận được Thánh Thể trong các nhà thờ Công Giáo thì họ nên trở thành người Công Giáo.

“Hãy đến, bạn sẽ được nhận vào Giáo Hội, và sau đó bạn có thể nhận Mình Thánh Chúa bảy lần một tuần. Nếu không thì thôi vậy” Đức Hồng Y Arinze nói.

Đức Hồng Y đã bay từ Rôma đến Anh vào ngày 22 tháng 5 để tham dự Thánh Lễ hôm 24 tháng 5 để kỷ niệm 1000 năm thành lập tu viện Buckfast vào năm 1018. Tu viện bị Vua Henry VIII giải thể trong thời bách hại Công Giáo vào thế kỷ 16, nhưng đã được xây dựng lại một thế kỷ trước trên chính xác cùng địa điểm.

13. Đức Thánh Cha gặp gỡ với các Giám Mục Ý tham dự cuộc họp thường niên của Hội đồng Giám mục

Tối thứ Hai 21 tháng 5, trong phòng họp Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới tại Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có cuộc gặp gỡ với các Giám mục Ý, nhân dịp các vị tập trung tại Vatican tham dự cuộc họp thường niên của Hội đồng Giám mục Ý (Conferenza Episcopale Italiana, “CEI”).

Trong bài phát biểu của mình với các Giám mục, Đức Thánh Cha đã nói về một số vấn đề mà ngài quan tâm, nhấn mạnh rằng không phải là ngài muốn “đánh phủ đầu” các vị, nhưng thực tâm là muốn chia sẻ mối quan tâm của ngài để các vị có thể thảo luận về nhiệm thể Giáo Hội. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng những suy tư của ngài là một phần của cuộc thảo luận, trong đó các Giám mục đáp trả với những câu hỏi, lo lắng, cảm hứng của riêng của các ngài, và thậm chí cả những lời chỉ trích. Đức Thánh Cha nói: “Chỉ trích Đức Giáo Hoàng ở đây không có tội đâu! Điều đó không phải là một tội lỗi, có thể làm điều đó.”

Đức Thánh Cha, sau đó, đã nêu bật ba mối quan tâm chính: cuộc khủng hoảng trong ơn gọi; nhân đức thanh bần trong Giáo Hội và tính minh bạch; việc tinh giảm và củng cố các giáo phận.

Liên quan đến ơn gọi, Đức Thánh Cha khuyến khích các Giám mục Ý quảng đại trong việc chia sẻ các ơn gọi, mà ngài mô tả như một món quà của đức tin. Nói về nhu cầu phải minh bạch và nhân đức thanh bần, Đức Thánh Cha nhắc nhở các Giám Mục rằng hành vi của các ngài đối với thiện ích của Giáo Hội phải là những gương mẫu, vì một ngày nào đó các ngài sẽ phải trả lời về việc quản trị của mình. Liên quan đến việc tinh giảm và củng cố các giáo phận, ngài nói rằng điều này có thể và phải được thực hiện, với những xem xét mục vụ của tất cả những người có liên quan, đặc biệt là với những nơi mà mọi người cảm thấy bị bỏ rơi.

Ý hiện có đến 225 giáo phận và tổng giáo phận, với 25,694 giáo xứ, 44,906 linh mục dòng và triều, 25,694 nữ tu và 23,719 nam tu sĩ không có chức linh mục. Giáo Hội tại Italia có đến 517 Giám Mục trong đó có 41 vị Hồng Y (20 vị là Hồng Y cử tri).

“Đây là ba mối bận tâm của tôi, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói,” điều mà tôi muốn chia sẻ với các hiền huynh là những gợi ý để suy tư.”

Đức Thánh Cha khích lệ các Giám Mục xem xét những nhận xét của ngài, cảm ơn các ngài vì sự thẳng thắn, sẵn sàng nói chuyện cởi mở và tự do.

14. Đức Hồng Y tân cử Giovanni Angelo Becciu được bổ nhiệm tân Tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh

Trong thông cáo báo chí ngày 26 tháng 5, 2018, Tòa Thánh cho biết:

“Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm Đức Cha Giovanni Angelo Becciu vào chức vụ Tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh. Ngài sẽ nhậm chức vào cuối tháng Tám. Trong khi chờ đợi, ngài vẫn giữ chức vụ hiện nay là Phụ tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh cho đến ngày 29 tháng 6, và tiếp tục là Đặc Sứ của Đức Thánh Cha tại dòng Malta”.

Vị Tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh hiện nay là Đức Hồng Y Angelo Amato, sẽ qua tuổi 80 vào ngày 8 tháng Sáu tới đây. Ngài đã giữ chức vụ này từ ngày 9 tháng 7 năm 2008 đến nay.

Đức Hồng Y tân cử Giovanni Angelo Becciu sinh năm 1948 tại Pattada, Sardinia, Italia. Sau khi hoàn thành các chương trình thần học và triết học, ngài được thụ phong linh mục vào ngày 27 tháng 8 năm 1972. Sau đó, ngài theo học tại Học viện Giáo Hoàng về Giáo Hội, nơi ngài đạt được bằng tiến sĩ về giáo luật.

Ngày 1 tháng 5 năm 1984, ngài gia nhập ngành ngoại giao Tòa Thánh. Ngài đã làm việc tại các tòa Sứ Thần Tòa Thánh tại Cộng hòa Trung Phi, Sudan, New Zealand, Liberia, Anh, Pháp và Hoa Kỳ.

Ngoài tiếng Ý là tiếng mẹ đẻ, Đức Hồng Y tân cử Giovanni Angelo Becciu thông thạo tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Bồ Đào Nha.

Ngày 15 tháng 10 năm 2001, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm ngài là Sứ Thần Tòa Thánh tại Angola, đồng thời nâng ngài lên hàng Tổng Giám Mục hiệu tòa Rusellae.

Ngày 15 tháng 11 cùng năm, ngài được bổ nhiệm làm Sứ Thần Tòa Thánh tại São Tomé và Principe.

Gần 8 năm sau đó, ngày 23 tháng 7 năm 2009, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 bổ nhiệm ngài làm Sứ Thần Tòa Thánh tại Cuba.

Hai năm sau đó, ngày 10 tháng 5 năm 2011, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã bổ nhiệm ngài làm Phụ Tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, thay thế cho Đức Tổng Giám Mục Fernando Filoni được cử vào chức vụ mới là Tổng Trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc và được vinh thăng Hồng Y vào ngày 18 tháng Hai 2012 .

Ngày 2 tháng 2 năm 2017, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử ngài làm Đặc Sứ tại dòng Malta

Hôm 20 tháng 5 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô thông báo ngài sẽ thăng Đức Tổng Giám Mục lên hàng Hồng Y vào ngày 29 tháng 6.

Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/244091.htm

CÁC TIN KHÁC: