Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Video: Phóng sự đặc biệt 50 năm Con đường Tân Dự Tòng
06/05/2018 12:00:00 SA

Sáng thứ Bẩy 5 tháng Năm, tại Tor Vergata, ở ngoại ô phía đông Roma, nơi đã từng đón tiếp 2 triệu người trong Ngày Quốc tế Giới trẻ Năm thánh 2000, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ 150 ngàn thành viên Con đường Tân Dự Tòng từ 135 quốc gia trên thế giới về Rôma mừng kỷ niệm 50 năm thành lập.

Con đường Tân Dự Tòng là một phong trào sống tinh thần Phúc Âm và truyền giáo do ông Kiko Arguello và bà Carmen Hernandez khởi xướng vào đầu thập niên 1960 ở ngoại ô Madrid, Tây Ban Nha.

Hiện nay phong trào lan rộng trên thế giới với 21,300 cộng đoàn trong 6,270 giáo xứ, với 1,668 gia đình đang đi truyền giáo. Ngoài ra, Con đường Tân Dự Tòng có 120 đại chủng viện để đào tạo các linh mục truyền giáo.

Hiện diện trong buổi lễ mừng 50 năm này cũng có 10 Hồng Y và 90 Giám Mục từ các nước trên thế giới.

Trong diễn từ với những người hiện diện, Đức Thánh Cha Phanxicô nói:

Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!

Tôi rất vui được gặp anh chị em và nói với anh chị em ngày hôm nay: cảm ơn anh chị em! Tạ ơn Chúa, và cũng cám ơn anh chị em, đặc biệt là cám ơn những người đã thực hiện một hành trình dài để đến đây. Cảm ơn anh chị em vì lời “xin vâng” anh chị em đã nói, cám ơn anh chị em vì đã đón nhận lời mời gọi của Chúa để sống phúc âm và truyền giáo. Và một lời cảm ơn nhiệt thành đến với những người đã bắt đầu con đường Tân Dự Tòng cách đây 50 năm.

Năm mươi là một con số quan trọng trong Kinh Thánh: vào ngày thứ năm mươi, Thánh Thần của Chúa Phục Sinh ngự xuống trên các Tông Đồ và khai mở Giáo Hội cho thế gian. Trước đó, Thiên Chúa đã ban phúc lành cho năm thứ năm mươi “năm thứ năm mươi sẽ là thời kỳ toàn xá” (Lêvi 25:11). Đó là một năm thánh, trong đó dân được chọn sẽ trải nghiệm lần đầu tiên những thực tại mới, như được giải phóng và được trở về nhà thoát khỏi áp bức: Chúa nói “hãy tuyên cáo trong xứ lệnh ân xá cho mọi người sống tại đó. Mỗi người trong các ngươi sẽ trở về phần sở hữu của mình, mỗi người sẽ trở về dòng họ của mình.” (câu 10). Vì thế, sau năm mươi năm của Con Đường, sẽ thật là đẹp nếu mỗi người trong anh chị em có thể nói “Cảm ơn Chúa, bởi vì Chúa đã thực sự giải phóng con; vì con đã thấy Giáo hội là gia đình của mình; bởi vì trong Phép Rửa của anh chị em, những điều cũ đã trôi qua và con tận hưởng một cuộc sống mới” (xem 2 Cor 5: 17); “bởi vì qua Con Đường này Chúa đã chỉ cho con đường lối khám phá tình yêu dịu dàng của Chúa Cha”

Anh chị em thân mến,

Cuối cùng anh chị em sẽ hát kinh “Te Deum tạ ơn tình yêu và lòng trung tín của Chúa”. Điều này thật đẹp: cảm ơn Chúa vì tình yêu và sự trung tín của Chúa. Thường thì chúng ta cảm tạ Chúa vì ân sủng chúng ta nhận được, vì những gì Ngài ban cho chúng ta, và thật tốt khi làm điều này. Nhưng còn đẹp hơn khi tạ ơn Chúa vì những gì Chúa là, vì Chúa là Đấng trung tín trong tình yêu. Lòng tốt của Chúa không phụ thuộc vào chúng ta. Bất kể những gì chúng ta làm, Thiên Chúa tiếp tục yêu thương chúng ta một cách trung tín. Đây là nguồn cậy trông của chúng ta, niềm an ủi lớn lao của cuộc sống. Vì vậy, hãy can đảm, đừng buồn sầu! Và khi những vấn nạn dầy đặc như một đám mây đen vần vũ trong đời ta, hãy nhớ rằng tình yêu trung tín của Thiên Chúa luôn tỏa sáng, giống như mặt trời không bao giờ lặn. Hãy giữ trong ký ức anh chị em sự tốt lành của Ngài, mạnh mẽ hơn bất cứ điều gì xấu xa; và ký ức ngọt ngào về tình yêu của Thiên Chúa sẽ giúp anh chị em trong bất kỳ sự đau khổ nào.

Vẫn còn một lời cảm ơn quan trọng dành cho những người sắp ra đi truyền giáo. Tôi muốn nói với anh chị em những điều chân thành từ trái tim, đặc biệt là về việc truyền giáo, về việc Phúc Âm hóa, là ưu tiên của Giáo Hội ngày nay. Bởi vì truyền giáo là cất cao tiếng nói cao rao tình yêu trung tín của Thiên Chúa, là loan báo rằng Chúa quan tâm đến chúng ta và sẽ không bao giờ mệt mỏi với tôi, với anh, với chị, với em, với chúng ta và thế giới của chúng ta. Truyền giáo là trao ban những gì chúng ta đã nhận được. Truyền giáo là thực hiện sứ vụ Chúa đã ủy thác cho chúng ta mà tôi muốn suy tư cùng anh chị em: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28:19).

Hãy đi. Truyền giáo đòi hỏi chúng ta phải ra đi. Nhưng trong cuộc sống, có một sự cám dỗ mạnh mẽ muốn ở lại, hài lòng với mọi sự đều yên ổn. Ở nhà dễ dàng hơn, được bao quanh bởi những người yêu thương chúng ta, nhưng đó không phải là đường lối của Chúa Giêsu. Ngài sai chúng ta đi: “Hãy đi”. Ngài không sử dụng các phương thế nửa vời. Chúa không cho phép chúng ta giản lược các chuyển đổi hoặc thu ngắn các cuộc hành trình, nhưng Ngài nói với các môn đệ mình một từ duy nhất: “Đi!”. Hãy đi là một lời mời gọi mạnh mẽ vang dội trong mọi ngóc ngách của đời sống Kitô; một lời mời rõ ràng hãy cất bước lên đường, hãy là những người hành hương trên thế giới để tìm kiếm những anh chị em chưa biết đến niềm vui trong tình yêu của Thiên Chúa.

Nhưng chúng ta ra đi thế nào? Cần thiết là chúng ta phải ra đi cách nhẹ nhàng, anh chị em không thể mang theo mọi thứ trong nhà với mình. Kinh Thánh dạy chúng ta điều này: khi Thiên Chúa giải thoát dân được chọn, Ngài khiến họ đi vào sa mạc với hành lý duy nhất là niềm tín thác nơi Ngài. Và Ngài hóa thân làm người, chính Ngài bước vào cảnh nghèo khó không có nơi để gối đầu (x. Lc 9: 58). Ngài yêu cầu cùng một phong cách như thế nơi những ai theo Ngài. Để tiến bước cần thiết là phải ra đi cách nhẹ nhàng. Để công bố Tin Mừng điều cần thiết là phải biết từ bỏ. Chỉ có một Giáo Hội biết từ bỏ thế gian mới có thể công bố Chúa một cách hiệu quả. Chỉ có một Giáo Hội được giải thoát khỏi quyền lực và tiền bạc, thoát khỏi chủ nghĩa vênh vang và chủ nghĩa giáo sĩ trị, mới có thể làm chứng một cách đáng tin cậy rằng Chúa Kitô giải phóng con người, và những người, vì yêu mến Ngài, học cách từ bỏ những cái cũ, thì đón nhận được kho báu vĩ đại này: đó là sự tự do. Họ không còn bị níu kéo bởi của cải riêng mình, là thứ luôn luôn đòi hỏi phải có nhiều hơn nữa nhưng không bao giờ mang lại bình an; và họ cảm thấy trái tim được mở rộng ra, không bồn chồn nữa, và sẵn sàng cho Thiên Chúa và cho anh em chị em mình.

“Đi” là động từ của việc truyền giáo, và nó nói với chúng ta một điều khác nữa: động từ này phải được chia dưới dạng số nhiều. Chúa không nói “Anh đi, rồi tới anh này đi, sau đó tới lượt anh này đi”, [từng người một] mà là “đi với nhau!” Những ai đi một mình không truyền giáo một cách đầy đủ, chỉ những người đi cùng với nhau mới làm được. Đi cùng với nhau luôn là một nghệ thuật chúng ta cần phải học mỗi ngày. Điều cần thiết là chúng ta phải cẩn thận, ví dụ, đừng áp đặt nhịp độ cho người khác. Thay vào đó, chúng ta nên đi cùng và chờ đợi nhau, và nhớ rằng hành trình của người khác không giống với tôi. Cũng như trong cuộc sống, không ai lặp lại chính xác các bước tương tự, trong đức tin và sứ vụ truyền giáo cũng thế: Chúng ta tiến bước với nhau, mà không cô lập chính mình và không áp đặt hướng đi của mình cho người khác, nhưng hiệp nhất, như Giáo Hội, với các Mục Tử, với tất cả anh chị em chúng ta, không vội vã đi trước, và cũng không phàn nàn những ai chậm lụt phía sau. Chúng ta là những người hành hương, được anh chị em mình tháp tùng, và chúng ta tháp tùng anh chị em khác, và thật là tốt khi chúng ta biết tự mình gánh vác sứ vụ truyền giáo, với sự quan tâm và tôn trọng cuộc hành trình của mỗi người và không áp đặt sự phát triển của bất cứ ai, bởi vì sự đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa chỉ trưởng thành trong sự tự do chân thực và chân thành.

Chúa Giêsu Phục Sinh nói: “làm cho muôn dân trở thành môn đệ”. Sứ vụ truyền giáo là như thế. Người không nói: hãy chinh phạt, chiếm đóng, mà đúng hơn, hãy “làm cho muôn dân trở thành môn đệ”, tức là, chia sẻ với người khác món quà mà chúng ta đã nhận được, là cuộc gặp gỡ với tình yêu đã thay đổi đời ta. Trung tâm của sứ vụ truyền giáo là làm chứng rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta và rằng với Người tình yêu thật sự là điều có thể, tình yêu đó dẫn chúng ta đến sự trao ban cuộc sống mình ở khắp mọi nơi, trong gia đình, tại nơi làm việc, như những người thánh hiến, hay như những người lập gia đình. Truyền giáo là mang vào hàng ngũ các môn đệ những môn đệ mới của Chúa Giêsu. Đó là tìm lại một phần của một Giáo Hội môn đệ. Chắc chắn, Giáo hội là thầy dạy, nhưng Giáo Hội chỉ có thể là thầy dạy nếu trước hết Giáo Hội là môn sinh; cũng như Giáo Hội chỉ có thể là Mẹ nếu trước hết Giáo Hội là con cái. Đây là Mẹ của chúng ta: một Giáo Hội khiêm nhường, con gái của Chúa Cha và là môn đệ của Thầy Chí Thánh, hạnh phúc được làm chị em với nhân loại. Và tính năng động này của tình môn đệ - nghĩa là môn đệ tạo ra các môn đệ mới - hoàn toàn khác với việc chiêu dụ tín đồ.

Đây là sức mạnh của lời công bố, để thế giới có thể tin. Điều đáng kể không phải là những lý lẽ đầy thuyết phục, nhưng chính là cuộc sống thu hút; không phải là khả năng áp đặt, mà là lòng can đảm để phục vụ. Và anh chị em có trong “DNA” của anh chị em ơn gọi này để công bố, trong khi sống trong bối cảnh gia đình, theo tấm gương của Thánh Gia Thất nghĩa là trong sự khiêm tốn, giản dị, và trong lời khen ngợi Chúa. Anh chị em mang bầu không khí gia đình này vào rất nhiều nơi hoang liêu và không được quan tâm đến. Hãy để mình được gọi là anh chị em của Chúa Giêsu. Hãy gọi mọi người là anh chị em của mình và hãy là bằng hữu của tất cả mọi người.

“Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ”. Và khi Chúa Giêsu dùng từ mọi người, Ngài dường như muốn nhấn mạnh rằng trong lòng Ngài có chỗ cho muôn dân. Không ai bị loại trừ. Là con của cùng một một người cha và một người mẹ, cho dù họ đông đảo, nhiều hay ít, họ yêu nhau với tất cả trái tim của họ. Bởi vì tình yêu, khi trao ban chính mình, không nhỏ đi, nhưng lớn lên. Và nó luôn luôn tràn trề hy vọng. Như cha mẹ, những người không chú trọng đến những khiếm khuyết và yếu điểm con cái của họ, chỉ biết đó là con mình, các thừa sai cũng hành xử như thế với dân được Chúa yêu thương. Họ không làm nổi bật những khía cạnh tiêu cực và những điều phải thay đổi, nhưng thay vào đó họ “nhìn với con tim”, với một ánh mắt trân trọng, với một sự tiếp cận tôn trọng, một sự tin tưởng nhẫn nại. Hãy đi và làm như thế trong sứ vụ truyền giáo của anh chị em, trong khi suy nghĩ như đang “chơi ở nhà”. Bởi vì Chúa ở nhà với mọi dân tộc và Thần Khí Chúa đã gieo ngay cả trước khi anh chị em đến. Và, khi nghĩ đến Cha chúng ta, Đấng yêu mến thế gian quá đỗi (x Ga 3: 16), anh chị em hãy đam mê nhân loại, và hãy là các cộng tác viên đem lại niềm vui cho mọi người (x 2 Cor 1: 24), hãy nói như người có thẩm quyền vì anh chị em ở gần đó, và lắng nghe bởi vì anh chị em gần gũi với họ. Hãy yêu các nền văn hóa và truyền thống của các dân tộc, mà không áp đặt các mô hình từ những định kiến. Đừng bắt đầu với những lý thuyết và những lề lối tư duy cố định, nhưng từ những tình huống cụ thể: như thế Thần Khí Chúa sẽ hình thành nên việc công bố đúng thời điểm và đúng đường lối của Ngài. Và Giáo Hội sẽ phát triển theo hình ảnh của Ngài: là hiệp nhất trong sự đa dạng của các dân tộc, các ân sủng, và đặc sủng.

Anh chị em thân mến,

Đặc sủng của anh chị em là một món quà tuyệt vời Thiên Chúa ban cho Giáo Hội trong thời đại của chúng ta. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì năm mươi năm này. Một tràng pháo tay cho năm mươi năm! Và khi chiêm ngắm sự trung tín hiền phụ, huynh đệ và yêu thương của Người, đừng bao giờ mất niềm tin: Người sẽ bảo vệ anh chị em, theo dõi anh chị em khi anh chị em ra đi, như các môn đệ thân yêu của Ngài, để đến với tất cả các dân tộc, với một lòng sự khiêm nhu giản dị. Tôi tháp tùng anh chị em và khuyến khích anh chị em: hãy tiếp tục! Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi, khi tôi ở lại đây!

Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/243725.htm

CÁC TIN KHÁC: