Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Video: Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 05/03/2018: Ơn lạ xuất hiện hai nơi cùng lúc của Cha Piô
05/03/2018 12:00:00 SA

1. Xin ơn biết xấu hổ và không đi xét đoán người khác.

Chúng ta hãy xin ơn biết hổ thẹn và không xét đoán người khác. Hãy xin ơn biết tha thứ! Ðức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng thứ Hai 26 tháng 02 năm 2018 tại nhà nguyện Marta.

Chúng ta có xu hướng xét đoán và lên án người khác. Ðừng làm như thế! Tốt hơn là hãy tha thứ! Chúng ta có thể tự nhủ lòng rằng, tôi đâu có xét đoán ai, lên án ai. Nhưng kỳ thực, cứ thử nghĩ lại thái độ của bản thân mà xem. Biết bao lần trong các cuộc nói chuyện, chúng ta đi xét đoán phán xử người khác! Hãy chú ý rằng, chỉ có Chúa mới có quyền phán xét xem ai là xấu, điều gì là xấu. Nhưng chúng ta cũng thừa biết, xu hướng của con người là dễ xét đoán người khác.

Trong những lần hội họp, bữa ăn trưa chẳng hạn, hoặc một dịp nào đó, trong suốt thời gian nói chuyện qua lại, ví dụ kéo dài 2 tiếng đồng hồ. Trong thời gian 2 tiếng ấy, chúng ta dành bao nhiêu phút để xét đoán đánh giá người khác? Có điều đồng ý, có điều thì không. Nhưng chúng ta hãy có lòng nhân từ, lòng thương xót. Chúng ta hãy có lòng thương xót, như Cha chúng ta là Ðấng hay xót thương. Hãy sống quảng đại! Hãy cho đi, chúng ta sẽ được nhận lại. Nhưng chúng ta sẽ nhận lại cái gì đây? Ðó là những đấu đầy tràn. Ðó là lòng quảng đại của Chúa. Khi chúng ta đầy tràn lòng quảng đại, đầy tràn lòng thương xót của Chúa, chúng ta sẽ không còn xét đoán nữa. Chúng ta cần thương xót người khác, bởi vì Chúa đã xót thương chúng ta trước.

Hội Thánh mời gọi chúng ta có thái độ khiêm tốn trước mặt Chúa. Khiêm tốn có nghĩa là nhận biết thân phận tội lỗi của chính bản thân.

Chúng ta biết rằng, sự công bằng của Thiên Chúa chính là lòng thương xót. Cần thân thưa thế với Chúa này: Ôi lạy Chúa, Ngài thật công chính, còn con đáng xấu hổ! Khi chúng ta thực thi đức công bằng của Chúa, chúng ta đồng thời phải xấu hổ, nhưng ở đó chúng ta gặp được ơn tha thứ. Tôi có tin rằng, tôi đã phạm tội đã xúc phạm Chúa hay không? Tôi có tin rằng Chúa là Ðấng công chính? Tôi có tin rằng Ngài là Ðấng xót thương? Tôi có biết hổ thẹn trước mặt Chúa vì mình đã phạm tội không? Nếu thế, hãy đơn sơ thân thưa với Chúa: Lạy Chúa là Ðấng công chính, xin cho con biết xấu hổ vì tội con đã phạm.

Chúng ta cần biết xấu hổ, cần biết giữ liêm sỉ, cần xin ơn biết xấu hổ khi đứng trước mặt Chúa.

Ơn biết xấu hổ, ơn biết hổ thẹn, ơn biết thẹn thùng, đó là một ơn rất lớn. Vì thế, chúng ta hãy nhớ lại thái độ mà chúng ta đối xử với những người thân cận, với làng xóm láng giềng. Hãy nhớ lại những kiểu cách mà ta đánh giá người khác. Nếu ta xét đoán và lên án người khác, thì đến lượt mình, chính chúng ta cũng sẽ bị xét đoán và bị lên án. Như thế, hãy đối xử rộng lượng với mọi người, đừng xét đoán. Hãy sống hãy hành xử với tình yêu thương. Còn trước mặt Chúa, hãy đơn sơ chân thành thân thưa rằng: Lạy Chúa, Ngài là Ðấng công chính, còn con thật đáng xấu hổ vì những gì con đã làm!

2. Câu chuyện Thánh Piô Năm Dấu Thánh xuất hiện 2 nơi cùng lúc.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Sáng ngày thứ Bẩy 17 tháng Ba tới đây, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm đền thánh Giovanni Rontondo là quê hương, và cũng là nơi có mộ phần của Cha Thánh Piô Năm Dấu Thánh.

Đức Phanxicô là vị Giáo Hoàng thứ Ba đến viếng mộ Cha Thánh Piô Năm Dấu Thánh. Thật vậy, cách đây 31 năm, vào ngày 23/5/1987, Đức Gioan Phaolô II đã đến viếng thăm mộ của cha Piô, vị giải tội mà ngài đã từng gặp khi còn là một linh mục sinh viên ở Rôma 40 năm về trước. Ngày 21/6/2009, Đức Bênêđictô thứ 16 đã là vị giáo hoàng thứ hai đến viếng thăm mộ của vị thánh linh mục hầu như suốt đời chỉ thi hành hai tác vụ là dâng Thánh lễ (đôi lúc kéo dài 3 giờ đồng hồ) và ban bí tích giải tội.

Cha Thánh Piô là một linh mục dòng Capucinô, sinh năm 1887 và qua đời năm 1968. Từ năm 1918, cha đã được bề trên cử về San Giovanni Rotondo, là đền thờ dâng kính thánh Gioan Tẩy giả, được cất từ thế kỷ thứ Bẩy, để hoạt động mục vụ cho đến khi qua đời.

Ngài được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tuyên Chân Phước vào ngày 2 tháng 5 năm 1999. Ba năm sau đó, ngày 16 tháng 6 năm 2002, trước hơn 300,000 người sùng mộ, Đức Gioan Phaolô II đã tuyên phong hiển thánh cho ngài.

Nhân dịp này, Như Ý xin giới thiệu mẫu chuyện về một đặc sủng rất ngoại thường của Cha Thánh Piô. Ngài có khả năng xuất hiện cùng một lúc ở hai nơi. Câu chuyện được trình bày bởi linh mục Mark Goring, giám đốc Catholic Charismatic Center tại Houston, Texas, và là một nhà giảng thuyết trong chương trình ‘Food for Life’ của Công Giáo Hoa Kỳ; qua lời dịch sang Việt Ngữ của Như Ý.

Trong Sách Công vụ Tông Đồ, có một câu chuyện thật lạ lùng về sự biến mất của thánh Philipphê. Anh chị em hẳn đã biết câu chuyện diễn ra như thế nào. Đó là trong chương 8 sách Công vụ Tông Đồ.

Ông Philipphê làm phép rửa cho viên thái giám người Ethiopia này và sau đó như được đề cập trong câu 39 khi hai ông lên khỏi nước, Thần Khí Chúa đem ông Philípphê đi mất, và viên thái giám không còn thấy ông nữa. Nhưng ông tiếp tục cuộc hành trình, lòng đầy hoan hỷ. Còn ông Philípphê thì Thánh Thần đưa đến một chỗ khác. Tôi gọi ân sủng này là ơn “relocation”, ơn dời vị trí đang đứng - sang một nơi khác, là một ơn mà tôi rất thích có được để tôi khỏi mất công đối diện với những hàng rào kiểm tra anh ninh tại phi trường và tất cả những thứ như thế. Trong thời đại chúng ta, chúng ta cũng thấy một ơn sủng tương tự nơi Thánh Piô Năm Dấu Thánh, một linh mục dòng Capuchin khiêm tốn, và là một trong những vị Thánh vĩ đại nhất trong thời đại chúng ta.

Ngài nổi danh được ơn “bilocation”, nghĩa là xuất hiện cùng một lúc ở hai nơi. Lần đầu tiên ngài trải nghiệm ơn này là khi ngài, lúc ấy còn là một chủng sinh, đang đứng hát trong một dàn hợp xướng, thì ngài đột nhiên thấy mình đứng trong một gia đình giàu sang, và ở đó có một người phụ nữ sắp sinh con, nhưng mà chồng bà thì lại đang hấp hối. Bất thình lình, trong ngôi nhà đó, Đức Trinh Nữ Maria hiện ra với ngài và nói Pio ta ủy thác hài nhi sơ sinh này cho con: nó là con gái đặc biệt của ta, ta muốn anh chăm sóc nó. Nhưng Pio nói làm thế nào đây vì con thậm chí không biết mình đang ở đâu nữa. Và Mẹ Maria nói rằng đứa con gái này sẽ gặp ngài ở Rôma. Người mẹ vừa sinh con, sau đó, đã nói với mọi người rằng bà nhìn thấy một tu sĩ dòng Capuchin bước ra khỏi phòng chồng bà.

17 năm sau, cô gái nay đã 17 tuổi. Tên của cô là Giovanna. Cô ở Rome và cô đi đến Đền Thờ Thánh Phêrô bởi vì cô có những nghi ngờ về đức tin trong lòng mình và cô ấy muốn nói chuyện với một linh mục về những nghi ngờ ấy. Cô không thể tìm thấy bất cứ linh mục nào cho đến khi cô nhìn thấy một tu sĩ Capuchin và cô nói: “Thưa cha, con có thể nói chuyện với cha được không?” Vị tu sĩ Capuchin mời cô vào một Tòa Giải Tội. Cô chia sẻ những hoài nghi của mình và vị linh mục Capuchin giải thích cho cô và mang an bình đến cho tâm hồn cô.

Sau đó cô ấy muốn gặp vị tu sĩ này lần nữa nhưng vì ngài vẫn còn ngồi trong tòa giải tội nên cô chờ bên ngoài. Và cuối cùng khi Đền Thờ Thánh Phêrô đóng cửa, những người trông nom Đền Thờ mời cô ra về. Cô nói “Không, tôi muốn gặp vị tu sĩ đang ngồi trong tòa giải tội kia”. Nhưng người ta nhìn vào tòa giải tội và nói rằng không có tu sĩ nào ở đó. Không có ai trong tòa giải tội cả.

Một năm sau, cô bé nay đã 18 tuổi, cô đến Đền Thờ San Giovanni Rotondo, nơi cha Pio đang sống. Cha Pio thấy cô thì nói: “Giovanna, cha biết con, con chào đời vào ngày cha con qua đời.” Cô ấy sửng sốt nói: “Trời đất ơi. Con chưa bao giờ gặp cha, sao cha biết”.

Ngài nói: “Vâng, cha đã gặp con ở Rôma hồi năm ngoái”. Cô nhớ lại mọi sự và ngài bảo cho cô biết rằng ngài đã có mặt lúc cô chào đời. Cô bắt đầu khóc và nói: “Thưa cha, xin hướng dẫn con”. Cha Pio nói: “Được, Đức Mẹ đã trao phó con cho cha, hãy lên Đền Thánh Giovanni Rotondo và cha sẽ chăm sóc linh hồn con theo ý nguyện của Mẹ Trên Trời”

Đây là một câu chuyện rất hay, Chúa tiếp tục cho thấy những dấu chỉ và những điều kỳ diệu qua các thánh của Ngài. Vì thế chúng ta hãy cầu nguyện cùng các thánh, cách riêng là Thánh Piô Năm Dấu Thánh.

3. Nơi tòa giải tội không có sự đe dọa, nhưng có sự tha thứ, dịu dàng, và tin tưởng.

Thiên Chúa không mệt mỏi mời gọi mỗi người chúng ta thay đổi cuộc sống, đến với Người để hoán cải và Người mời gọi chúng ta với sự dịu dàng và tin tưởng của một ngừời cha. Các linh mục giải tội hãy làm như thế: đừng đe dọa, nhưng với sự dịu dàng, hãy tạo nên lòng tin tưởng. Ðó là trọng tâm bài giảng của Ðức Thánh Cha Phanxicô trong Thánh lễ tại nhà nguyện thánh Marta sáng thứ Ba 27 tháng 02, dựa trên bài đọc thứ nhất trích từ sách ngôn sứ Isaia.

Trong bài đọc thứ nhất trích từ sách ngôn sứ Isaia, Thiên Chúa mời gọi dân của Người hoán cải. Ðó là lời mời gọi thật sự. Trước tội lỗi của chúng ta, Chúa Giêsu đã tỏ một thái độ đặc biệt. “Không đe dọa nhưng là mời gọi với sự dịu dàng và tạo cho chúng ta sự tin tưởng.”

“Các ngươi hãy đến và đối chất với Ta”, Thiên Chúa kêu mời các thủ lãnh thành Sôđôma và dân thành Gômôra đến với Người. Trong lời mời gọi này, Thiên Chúa đã chỉ cho họ sự dữ cần phải tránh và điều tốt cần phải theo. Thiên Chúa cũng làm như thế với chúng ta:

Thiên Chúa nói: “Các ngươi hãy đến và đối chất với Ta. Chúng ta hãy nói chuyện với nhau một tí.” Người không đe dọa chúng ta. Giống như người cha có đứa con mới lớn, nó làm những điều cà chớn và người cha phải quở trách nó. Chúa biết rằng nếu Người cầm cái roi thì sự việc sẽ không diễn tiến tốt đẹp, mà phải đối thoại với sự tin tưởng. Thiên Chúa trong đoạn sách này mời gọi chúng ta như thế: “Ðến đây. Chúng ta uống cà phê cùng nhau. Chúng ta hãy nói chuyện, hãy thảo luận. Ðừng có sợ. Ta không muốn đánh con.” Và vì Người biết là đứa con nghĩ: “Nhưng mà con đã làm những điều này kia...” Người trả lời ngay lập tức: “Ngay cả nếu mà tội của con có màu đỏ thắm thì cũng sẽ trở nên trắng như tuyết; cho dù đỏ như vải điều, cũng sẽ trở nên trắng như len.”

Như người cha cư xử với đứa con vị thành niên, với “một cử chỉ tin tưởng, Chúa Giêsu mang chúng ta đến gần sự tha thứ và thay đổi tấm lòng chúng ta. Chúa Giêsu đã kêu gọi hai ông Giakêu và Matthêu và Người cũng làm như thế trong cuộc sống chúng ta, Người tỏ cho chúng ta thấy “làm thế nào tiến bước trong hành trình hoán cải.”

Chúng ta cảm ơn Chúa vì lòng tốt của Người. Người không muốn đánh và kết án chúng ta. Người đã hiến mạng sống vì chúng ta và đây là lòng tốt của Người. Người luôn tìm cách để đi vào tâm lòng chúng ta. Các Linh mục, trong vai trò của Chúa, phải cảm thấy sự hoán cải, cả các Linh mục phải có thái độ của lòng tốt này, như Thiên Chúa nói: “Hãy đến, chúng ta thảo luận, không có vấn đề gì, nhưng có sự tha thứ, và không có sự đe dọa, ngay từ đầu.

Ði đến với Chúa với tâm hồn mở rộng: Chúa là người cha đang chờ đợi chúng ta

Có một vị Hồng Y trong một lần giải tội, ngài nghe tội nhân xưng một tội rất nặng, ngài không nhấn mạnh đến tội đó nhưng tiếp tục cuộc đối thoại. Ðiều này mở lối vào trái tim của hối nhân và họ cảm thấy sự bình an. Thiên Chúa cũng làm như thế với chúng ta, Người nói: “Ðến đây, chúng ta thảo luận, nói chuyện. Hãy cầm lấy giấy chứng nhận tha thứ. Có ơn tha thứ.”

Người cha với đứa con mà ông tin tưởng, tin rằng con đã lớn và đang ở giữa hành trình lớn lên. Và Thiên Chúa biết rằng tất cả chúng ta đang trên hành trình và nhiều lần chúng ta cần điều này, cần được nghe câu nói: “Nào, đến đây, đừng sợ, đến đây. Ở đây có sự tha thứ.” Ðiều này khuyến khích chúng ta. Ði đến với Chúa với trái tim rộng mở: đó là người cha đang chờ chúng ta.

Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/242690.htm

CÁC TIN KHÁC: