Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Video: Giáo Hội Năm Châu 26/02/2018: Nga thương tiếc các tín hữu Chính Thống bị thảm sát tại Dagestan
25/02/2018 12:00:00 SA

1. Khủng bố Hồi Giáo thảm sát các tín hữu Nga vừa cử hành nghi thức chuẩn bị Mùa Chay

Hôm thứ Hai 20 tháng Hai, quân khủng bố Hồi Giáo IS đã tuyên bố chịu trách nhiệm về một vụ tấn công giết chết 5 người tại một nhà thờ Chính Thống Giáo ở Cộng Hòa Dagestan của Liên Bang Nga.

Các nhà chức trách Nga cũng xác nhận tên sát thủ là Khalil Khalilov, 22 tuổi, là một thành viên của quân khủng bố Hồi Giáo IS.

Ít nhất năm người đã thiệt mạng và một số khác bị thương sau khi tên sát thủ bắn loạn xạ vào một nhà thờ Chính Thống Giáo Nga vào chiều Chúa Nhật.

Thị trưởng Alexander Shuvalov nói với hãng tin TASS của Nga rằng vụ thảm sát diễn ra trong khi anh chị em tín hữu đang ra về sau buổi lễ chuẩn bị cho Mùa Chay theo truyền thống ở thành phố Kizlyar, thủ đô của Cộng hòa Dagestan.

Ông Shuvalov cho biết:

“Mọi người đang rời khỏi nhà thờ sau buổi lễ buổi tối thì tên sát thủ mở cuộc tấn công. Hai nhân viên cảnh sát và một phụ nữ đã bị thương. Bốn phụ nữ đã chết tại hiện trường sau khi tên sát thủ dùng một khẩu súng săn bắn vào đám đông và một phụ nữ thứ năm chết sau khi được đưa đến một bệnh viện để phẫu thuật”

Bộ Y tế cho biết có năm người khác bị thương và đang được điều trị tại bệnh viện.

2. Thông cáo báo chí của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc về tình trạng của giáo phận Ahiara, Nigeria

Đức Cha Peter Okpaleke đã được bổ nhiệm làm giám mục giáo phận Ahiara miền Nam Nigeria, bởi Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI vào năm 2012. Tuy nhiên, việc bổ nhiệm này vấp phải sự phản kháng của các linh mục và anh chị em giáo dân. Họ phàn nàn rằng Đức Cha Okpaleke, là người thuộc bộ tộc Igbo, sẽ không được những người thuộc bộ tộc Mbaise tại địa phương chấp nhận.

Tháng Sáu năm ngoái Đức Thánh Cha đã đưa ra một tối hậu thư cho các linh mục giáo phận Ahira cảnh cáo rằng họ sẽ bị treo chén nếu họ không tuân phục và chấp nhận Đức Giám Mục Peter Okpaleke làm giám mục của họ.

Ngài đã ra một hạn định là 30 ngày, bắt đầu từ 9 tháng 6 đến 9 tháng 7, 2017 cho các linh mục của giáo phận Ahiara, Nigeria phải viết thư cho ngài cầu xin sự tha thứ và bày tỏ sự tuân phục. Quá hạn trên những ai không thực hiện lệnh truyền này đương nhiên bị treo chéo.

Đức Thánh Cha đã nhận được hơn 200 thư như vậy, tức là gần một nửa số linh mục triều và dòng trong giáo phận này. Trong khi đó nhiều linh mục giáo phận vẫn tiếp tục chống lại Đức Cha Okpaleke. Một tuyên bố được đưa ra năm ngoái bởi các nhà lãnh đạo giáo dân của giáo phận nhấn mạnh rằng Đức Giám Mục Okpaleke “không có chỗ trong giáo phận Ahiara.”

Tình hình này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng cuộc sống của Giáo Hội trong khu vực. Không có tân linh mục được thụ phong, không có trẻ em được chịu phép Thêm Sức... nên cuối cùng Đức Cha Okpaleke đành từ chức và ngài nói rằng ngài đưa ra quyết định này “vì thiện ích của Giáo Hội.”

Ngày thứ Hai 19 tháng Hai, Tòa Thánh cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức của Đức Cha Okpaleke.

Trước những diễn biến này Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc vừa đưa ra một thông cáo báo chí về tình trạng của giáo phận Ahiara, Nigeria. Toàn văn bản thông báo như sau:

Đức Thánh Cha, sau khi chấp nhận đơn từ chức của Đức Cha Peter Ebere Okpaleke, đã miễn cho ngài khỏi trách vụ chăm sóc mục vụ cho Giáo phận Ahiara, đồng thời cám ơn ngài vì tình yêu đối với Giáo Hội.

Theo Chỉ thị của Đức Thánh Cha Phanxicô, trong tháng Sáu và tháng 7 năm 2017, ngài đã nhận được 200 thư cá nhân của các linh mục trong Giáo phận Ahiara, trong đó các vị bày tỏ sự vâng phục và trung thành. Tuy nhiên, một số linh mục đã cho biết họ có khó khăn về mặt tâm lý trong việc hợp tác với Đức Giám Mục sau nhiều năm xung đột. Tính đến sự ăn năn của họ, Đức Thánh Cha đã quyết định không tiến hành các hình thức trừng phạt theo giáo luật và hướng dẫn Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc viết thư hồi đáp cho mỗi người.

Thực hiện điều này, Bộ đã kêu gọi mỗi linh mục suy ngẫm về những thiệt hại nghiêm trọng đã gây ra cho Giáo hội Chúa Kitô và bày tỏ hy vọng rằng trong tương lai, họ sẽ không bao giờ lặp lại các hành động bất hợp lý này chống lại một vị Giám mục được chỉ định hợp pháp bởi Đức Thánh Cha.

Đức Thánh Cha cảm ơn tất cả các tín hữu: các linh mục, tu sĩ và giáo dân, những người đã tỏ thái độ gần gũi với Đức Cha Okpaleke, và đã nâng đỡ ngài bằng những lời cầu nguyện. Ngài cũng biết ơn các Giám mục trong Hội Đồng Giám Mục Nigeria về sự hỗ trợ dành cho người Giám Mục anh em, là người mà Đức Thánh Cha ưu ái ban Phép Lành Tòa Thánh đặc biệt.

Đức Thánh Cha cảm ơn Đức Hồng Y John Cardinal Onaiyekan vì sứ vụ của ngài trong vai trò Giám Quản Tông Tòa, Đức Tổng Giám Mục Ignatius Kaigama, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Nigeria, và Đức Cha Anthony Obinna, là Tổng Giám Mục Owerri vì những nỗ lực của các ngài nhằm giải quyết tình huống đáng tiếc này.

Trong thời gian này, Đức Thánh Cha không có ý định bổ nhiệm một giám mục mới cho giáo phận Ahiara, nhưng ngài bảo lưu quyền tiếp tục có một mối quan tâm đặc biệt cho Giáo phận này, và bổ nhiệm một Giám Quản Tông Tòa mới, Sede vacante et ad nutum Sanctae Sedis, là Đức Cha Lucius lwejuru Ugorji, Giám mục Umuahia, và ban cho ngài tất cả các năng quyền của một Đấng Bản Quyền.

Đức Thánh Cha đồng hành trong lời cầu nguyện với giáo phận Ahiara trong giai đoạn mới này của cuộc sống Giáo hội tại đây, hy vọng rằng với vị Giám Quản Tông Tòa mới, Giáo hội địa phương sẽ hồi phục sức sống của mình và không bao giờ phải chịu đựng những hành động làm tổn thương Nhiệm Thể Chúa Kitô như thế.

3. Tổng Giám Mục Iraq nói: Đã đến lúc phải ‘thẳng thắn’ trong cuộc đối thoại với Hồi Giáo

Nếu các tín hữu Kitô Trung Đông “thẳng thắn” trong cuộc đối thoại với những đối tác Hồi Giáo thì người Hồi giáo sẽ phải thừa nhận rằng cuộc bách hại các Kitô hữu trong khu vực không chỉ mới bắt đầu với sự lên nắm quyền của Nhà nước Hồi giáo vào năm 2014.

“Chúng ta không chỉ mới gánh chịu điều này trong bốn năm qua, nhưng ròng rã cả hơn 1,400 năm nay rồi”

Đức Tổng Giám Mục Bashar Warda của tổng giáo phận Công Giáo nghi lễ Chanđê Irbil, ở Iraq đã nói như trên trong bài phát biểu tại Đại học Georgetown ở Washington, được tài trợ bởi Dự án Nghiên cứu Tự do Tôn giáo thuộc Trung tâm Tôn giáo, Hòa bình và Thế giới của trường đại học Berkley.

Theo lời Đức Tổng Giám Mục Warda, các Kitô hữu cũng có một phần trách nhiệm trong cuộc đối thoại hiện nay. Ngài nói: “Chúng ta đã không quyết liệt đẩy lùi tận căn những đợt khủng bố theo chu kỳ đã gây ra bao đau đớn kinh hoàng cho tổ tiên chúng ta”. Ngài nói thêm rằng Kitô giáo cần phải trở lại với một tầm nhìn “tiền Constantinô” của Giáo Hội, khi ngài nhắc lại những lời của Chúa Giêsu ngay trước khi bị đóng đinh trên thập giá: “Nước tôi không thuộc về thế gian này”.

Trước quy mô của chiến dịch xóa sạch các Kitô hữu và tất cả những người không phải Hồi giáo khỏi các vùng lãnh thổ mà Nhà nước Hồi giáo kiểm soát (trước khi xảy ra một cuộc phản công làm tan hàng bọn chúng và tái chiếm các lãnh thổ), “chúng ta không còn gì để mất, không còn gì để không dám nói mọi chuyện một cách rõ ràng. Khi không có gì để mất nữa, tình thế trở nên rất tự do.”

Đức Tổng Giám Mục Warda nói thêm: “Chúng tôi phản đối một thứ niềm tin tôn giáo cho rằng mình có quyền giết người khác. Cần có một sự thay đổi và một sự điều chỉnh trong Hồi giáo.”

Theo Đức Tổng Giám Mục, phản ứng điển hình của người Hồi giáo đối với những hành động tàn bạo của Nhà nước Hồi giáo – đã được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lên án diệt chủng vào năm 2016 – là cho rằng “ISIS không đại diện cho Hồi giáo”, nhưng hiếm khi họ chịu đi xa hơn, và tiếp tục phủ nhận sự ngược đãi các tín hữu Kitô trong quá khứ, và chẳng biểu hiện bất cứ sự ăn năn nào về những điều này.

“Trong thời kỳ hậu ISIS, sau khi ISIS đã làm bàng hoàng lương tâm thế giới, và làm rung chuyển cả lương tâm của cả thế giới Hồi giáo, phần lớn những người Hồi giáo vẫn tiếp tục coi chúng ta là ‘quân vô đạo’”

“Ở Trung Đông, chúng tôi đã chuyển từ sợ hãi đến kinh hoàng và khiếp đảm. Chuyện gì tiếp theo đây sau khi hàng trăm ngàn người vô tội đã bị giết.”

Ngài lưu ý rằng “Chúng tôi đã nghe những lời can đảm từ một số nhà lãnh đạo Hồi giáo. Điều đó cần được khuyến khích nhưng chúng ta không nên thụ động, hoặc chỉ đơn giản là cầu mong sao cho điều tốt nhất xảy ra.”

Với số tiền 3 triệu Mỹ Kim do Công Giáo Italia trao tặng, Đức Tổng Giám Mục Warda đã cho ra mắt Trường Đại học Công Giáo Irbil vào năm 2015 với 82 sinh viên, trong đó có 4 người Hồi giáo, với các chương trình cử nhân về nghệ thuật và khoa học. Mặc dù cũng có các trường Cao đẳng Công Giáo khác ở Trung Đông, nhưng nhiều trường không dám xưng mình là Công Giáo để được yên thân. Đức Tổng Giám Mục nghĩ rằng điều quan trọng là các trường cần phải dám xưng mình là “Công Giáo” trong tên gọi của nhà trường.

Hiện nay, các tín hữu Kitô Iraq và người Iraq nói chung vẫn phải tiếp tục chờ đợi các quỹ giúp tái thiết. Đức Tổng Giám Mục Warda cho biết số tiền này là rất cần thiết một cách cấp bách, nhưng các chính phủ chỉ tiếp tục “bàn tán xuông” hơn là chi tiền. Ngài ghi nhận sẽ có một hội nghị từ 14 đến 15 tháng 3 tại khu vực được Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tài trợ. Nhưng ngài nhận xét cay đắng rằng “Có thể họ sẽ còn bàn tán nhiều hơn nữa. Có lẽ vào cuối năm 2020 người Iraq may ra mới thấy được những đồng tiền đã hứa”.

“Các đánh giá về chính sách của các bạn có những hệ quả sinh tử đối với chúng tôi”. Ngài nói rằng người Iraq cần những hỗ trợ vật chất chứ không phải những viện trợ bác ái. “Hãy giúp chúng tôi phát triển những cách thức bền vững để sống còn và làm ra tiền ở Iraq”, với những nhu cầu thiết yếu nhất là giáo dục và y tế.

Đức Tổng Giám Mục Warda cho hay, ước tính chỉ còn khoảng 200,000 Kitô hữu ở lại Iraq – so với con số lên đến 1.5 triệu người vào năm 2003, khi Hoa Kỳ khởi động chiến tranh Iraq.

Đức Tổng Giám Mục Warda kết luận: “Rất nhiều người của chúng tôi đã phải lưu vong, và chẳng còn mấy người dám ở lại” nhưng ngài nói thêm rằng với các gia đình đã quyết định bỏ Iraq để sống ở bất cứ nơi đâu vì sự an toàn của họ hay của con cái họ, ngài không tỏ ra buồn bực với họ. “Mặc dù con số của chúng tôi còn rất nhỏ, chúng tôi vẫn còn đông hơn con số các thánh Tông Đồ”.

4. Tin mới nhất về Đức Hồng Y Pell, tòa án Melbourne có thể không xử vụ ngài bị tố cáo lạm dụng tình dục

Theo nữ Ký Giả Elise Harris của CNA/EWTN News, tại Tòa Án Melbourne vào hôm thứ Tư, ngày 14 tháng 2 vừa qua, có tin loan báo rằng lời tố cáo liên quan đến nhân chứng chủ chốt trong vụ án chống Đức Hồng Y George Pell, bị tố phạm các hành vi lạm dụng tình dục từ những năm xa xưa, sẽ bị thu hồi.

Thực vậy, trong phiên tòa ngày 14 tháng Hai, giám đốc công tố của Tòa Án Melbourne nói rằng dù họ chưa quyết định về vấn đề này, nhưng lời tố cáo của nguyên cáo chủ chốt, người vừa qua đời hồi tháng 1, 2018, chắc phải bị thu hồi.

Luật sư bị cáo Ruth Shann đưa ra luận điểm chống lại tính khả tín của nguyên cáo; bà cho rằng nhóm luật sư của Đức Hồng Y Pell sẽ khảo sát tính khả tín của nhân chứng “bất khả tín” này khi phiên xử kéo dài 4 tuần bắt đầu vào ngày 5 tháng Ba.

Năm 2016, nhân chứng nói trên, Damian Dignan, người qua đời vì chứng ung thư máu đầu tháng 1 vừa qua, và 1 người cùng lớp thuộc trường Thánh Alipius ở Ballarat tố cáo Đức Hồng Y Pell có hành vi tính dục bất xứng khi họ còn vị thành niên. Trước đó, Đức Hồng Y từng bị tố cáo có những hành vi lạm dụng tình dục trẻ em từ năm 1961.

Luật sư Shann nói rằng những lời tố cáo của Dignan, mà ông ta đưa ra trước Ủy Ban Hoàng Gia năm 2015, gần 40 năm sau việc cho là lạm dụng, sau khi đọc các vụ khác của Ủy Ban trên báo chí, có “hiệu quả domino” theo nghĩa theo đuôi người khác trong việc tiếp xúc với cảnh sát.

Bà cho biết các luật sư của Đức Hồng Y Pell đã dùng trát hầu tòa (subpoena) đòi tư liệu từ luật sư của Dignan và họ sẽ đòi các tư liệu có liên quan tới lời tố cáo của ông ta bất kể chúng có được bao gồm như là thành phần của vụ án hay không, vì ông ta là “khởi điểm” và những người tố cáo khác, lên tiếng sau, ta sẽ không hiểu được họ nếu trước nhất không xử lý với việc họ biết lời tố cáo của Dignan.

Tuần trước, nhóm luật sự của Đức Hồng Y Pell dùng trát hầu tòa đòi các hồ sơ y khoa của các nguyên cáo khác để thiết lập lý chứng của họ, nhưng Belinda Wallington, chánh án giám sát phiên toà hôm thứ Tư vùa qua, bác bỏ lời yêu cầu vì thiếu điều bà tin là “có giá trị chứng minh có thực chất” đối với vụ án.

Theo tờ Australian, chánh án trên cũng đặt nghi vấn đối với lời yêu cầu cung cấp hồ sơ y khoa về nguyên cáo của Justice Health, một cơ quan chuyên cung cấp dịch vụ y khoa cho các tù nhân ở Victoria; bà cho rằng bà tạm hoãn đưa ra quyết định cho tới phiên tòa tới.

5. Giáo Hội Ấn Ðộ bênh vực quyền lợi của người cùng đinh Ðalít.

Trong các ngày 2 đến 9 tháng 2 năm 2018 Hội Ðồng Giám Mục Ấn Ðộ gồm ba nghi lễ Latinh, Siro Malabar và Siro Malankara đã nhóm phiên họp khoáng đại tại Bangalore. Giáo Hội Công Giáo Ấn Ðộ có 132 giáo phận, 183 Giám Mục và là Hội Ðồng Giám Mục lớn nhất Á châu và lớn thứ tư trên thế giới. Thánh lễ khai mạc đại hội đã do Ðức Hồng Y Oswald Gracias, Tổng Giám Mục Bombay, kiêm chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục, chủ sự. Ðức Hồng Y cũng là thành viên Hội đồng 9 Hồng Y cố vấn của Ðức Giáo Hoàng.

Trong các ngày nhóm họp các Giám Mục đã đặc biệt thảo luận nhiều vấn đề của Giáo Hội trong đó có việc bênh vực và bảo vệ quyền lợi của các anh chị em cùng đinh Ðalít. Trong thông cáo kết thúc đại hội các Giám Mục Ấn đã nêu bật quyết tâm dấn thân của Giáo Hội trong việc thăng tiến và bênh vực quyền lợi của lớp cùng đinh Ðalít. Tại Ấn Ðộ các kitô hữu chỉ chiếm 2.3% trên tống số 1 tỷ 200 triệu dân. Các anh chị em Ðalít chiếm 60% tổng số kitô hữu.

6. Giáo Hội Ấn Ðộ lên tiếng về nạn bạo hành nữ giới, và bạo lực nói chung trong xã hội

Trong nhóm phiên họp khoáng đại tại Bangalore, các Giám Mục Ấn cũng than phiền về con số các vụ bạo hành nữ giới, các vụ giết người, các cạnh tranh giữa các giai tầng xã hội, bạo lực tập thể, và các vụ tấn kích các cơ cấu và cộng đoàn kitô gia tăng. Một chủ trương ái quốc đích thực thì tôn trọng quyền của mỗi công dân, bất kể họ thuộc nền văn hoá, tôn giáo, ngôn ngữ, vùng miền hay hệ thống kinh tế nào.

Tiếp đến Ðức Hồng Y Cleemis đã khẩn thiết kêu gọi mọi người thiện chí ủng hộ quốc gia pháp quyền như đã được Hiến Pháp quốc gia bảo đảm. Giáo Hội đánh giá cao và muốn cộng tác với chính quyền trong mọi dấn thân duy trì luật lệ và trật tự trong nước để bảo đảm cho tiến bộ và phát triển của mọi người và bảo vệ mội sinh. Giáo Hội Công Giáo ủng hộ giá trị tuyệt đối và siêu việt của sự sống con người là ơn vô cùng quý báu Thiên Chúa ban. Vì thế việc tấn kích sự sống không bao giờ có thể do Thiên Chúa gợi hứng cũng không thể được biện minh bởi bất cứ tín ngưỡng và thực hành tôn giáo nào. Mạng sống của từng người phải được mẹ quê hương trân trọng và bảo vệ. Chỉ có lòng xót thương của Thiên Chúa mới có thể chữa lành các con tim bị thương tích, nối lại các tương quan đã bị bẻ gẫy giữa con người và các cộng đoàn với nhau và nâng những người bị sự bần cùng áp bức từ bao thế kỷ nay. Chính trong tình hình này các môn đệ của Chúa Kitô quyết định trở thành các chứng nhân đích thực của lòng thương xót, là nòng cốt của Tin Mừng và việc biểu lộ ơn gọi là môn đệ kitô như thánh nữ Terexa Calcutta và chân phước Rani Maria đã sống và nêu gương. Trong việc phục vụ của chúng ta đối với quốc gia, đặc biệt là đối với các anh chị em Ðalít, các nhóm bộ tộc và các giai tầng xã hội chậm tiến khác, kitô hữu chúng ta phải chung vai sát cánh với các công dân khác để bảo đảm cho sự phát triển nhân bản đích thật của dân tộc Ấn, được đo lường bằng mức thang nhân bản chứ không phải chỉ bằng mức độ kinh tế mà thôi.

7. Ðức Thánh Cha tiếp các chủng sinh Ðại chủng viện miền Sardegna.

Ðức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các chủng sinh thuộc miền Sardegna hãy chuẩn bị để trở thành các “Linh Mục của dân và cho dân chúng”.

Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 17 tháng 2 năm 2018 dành cho ban Giám đốc, Giảng Huấn và các chủng sinh Ðại chủng viện miền Sardegna ở Italia, tổng cộng là 80 người, nhân dịp kỷ niệm 90 năm thành lập Ðại chủng viện này dành cho 10 giáo phận tại đảo Sardegna.

Trong bài huấn dụ, Ðức Thánh Cha nói với các chủng sinh: “Sự nghèo nàn về vật chất và tinh thần của nhiều người ngày nay càng làm cho điều mà từ xưa đến nay vẫn được yêu cầu, đó là các mục tử phải quan tâm đến người nghèo, có khả năng ở với họ, nhờ một lối sống đơn sơ, để người nghèo cảm thấy các thánh đường của chúng ta trước tiên là nhà của họ. Tôi khuyến khích các thầy ngay từ bây giờ hãy chuẩn bị trở thành các Linh Mục của dân và cho dân, chứ không phải là những người thống trị đoàn chiên được ủy thác cho các thầy” (Xc 1 Pr 5,3), nhưng là những người phục vụ. Giáo Hội rất cần những người của Chúa, biết nhìn điều cốt yếu, sống điều độ và trong sáng, không hoài tưởng quá khứ, nhưng có khả năng nhìn về đằng trước theo truyền thống lành mạnh của Giáo Hội”.

Ðức Thánh Cha cũng nhắc nhở các vị đào tạo ở chủng viện về vai trò chủ yếu của các vị, vì chất lượng của linh mục phần lớn tùy thuộc sự dấn thân của các vị có trách nhiệm đào đạo. Các vị ấy được kêu gọi hoạt động ngay chính và khôn ngoan để phát triển nhân cách lời nói đi đôi với việc làm và quân bình, có khả năng đảm nhận sứ vụ linh mục một cách hữu hiệu và chu toàn trong tinh thần trách nhiệm.

8. Nữ trung sĩ cảnh sát Kitô đầu tiên của Bangladesh.

Bangladesh có nữ trung sĩ đầu tiên là người Công Giáo. Cô tên là Lima Chisim và xuất thân từ một gia đình nghèo ở Biroidakuni, thuộc Giáo phận Mymensingh. Cô học tại trường trung học Biroidakuni ở Mymensingh và sau đó tốt nghiệp đại học công lập tại Dhaka. Ðể có thể trở thành nữ cảnh sát đầu tiên mà không phải thông qua con đường hối lộ, cô đã được sự giúp đỡ nhiệt tình của người anh họ, các chính trị gia Công Giáo.

Sau sáu tháng huấn luyện, Lima Chisim trở thành cảnh sát vào năm 2015. Là con gái của một người cha không mệt mõi trong việc quan tâm chăm sóc các thành viên trong gia đình. Với việc trở thành nữ cảnh sát đầu tiên trong dòng họ Lima đã thay đổi số phận của các thành viên trong gia đình, đem lại niềm vinh dự cho dòng học của cô. Trong cuộc sống, cô theo một cách trung thành các giá trị của Ðức Kitô; hoạt động tích cực trong các sáng kiến của Giáo hội địa phương và thực hiện công tác xã hội với các linh mục và nữ tu. Với công việc này ước mơ của cô là giúp đỡ những học sinh nghèo có thể đến trường học.

Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/242570.htm

CÁC TIN KHÁC: