Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 22/02/2018: Nữ tu nhận được phép lạ Lộ Đức làm chứng cho quyền năng Đức Mẹ
21/02/2018 12:00:00 SA

1. Sơ Bernadette Moriau nói “Tôi không phải là siêu sao”

Người nữ tu nhận được phép lạ của Đức Mẹ Lộ Đức, sơ Bernadette Moriau, đã là nhân vật chính trên trang nhất của nhiều tờ báo tại Pháp và trên thế giới. Tuy nhiên, trong cuộc gặp gỡ với giới báo chí vào hôm thứ Ba 13 tháng Hai do giáo phận Beauvais tổ chức, sơ Bernadette Moriau khẳng định rằng sơ không phải là một “siêu sao” như nhiều người nói nhưng chỉ là một “nữ tu bé nhỏ” vui mừng vì có thể đi lại một cách tự do trở lại.

Trong cuộc họp báo này, Đức Cha Jacques Benoit-Gonin, là Giám mục Giáo phận Beauvais, nhấn mạnh đến các yếu tố “bất ngờ, tức khắc và hoàn toàn” trong sự kiện lành bệnh của sơ Bernadette Moriau. Phép lạ xảy đến với sơ Bernadette Moriau có những yếu tố giống như những phép lạ chính Chúa Giêsu đã thực hiện khi Ngài đến trong thế gian. Ngài bảo người mù sáng mắt, lập tức người ấy thoát cảnh đui mù. Ngài bảo người què đứng dậy đi, tức khắc người ấy đi được.

Bác sĩ Alessandro de Franciscis của Ủy ban Y khoa nói ông đã chủ trì các cuộc điều tra về việc lành bệnh ngoại thường của sơ và “hoàn toàn thuyết phục” rằng không có lời giải thích y khoa nào về sự kiện này.

Sơ Moriau nói với các phóng viên rằng sau khi trở về nhà dòng của mình ở gần thành phố Beauvais sau chuyến hành hương Lộ Đức và đang khi cầu nguyện trong nhà nguyện “Tôi cảm thấy một luồng sinh lực mạnh mẽ chạy khắp cơ thể mình, một sự thư giãn, ấm áp ... Tôi về phòng của mình, và ở đó có một giọng nói với tôi “tháo nẹp con ra đi”, “Thật kinh ngạc, tôi có thể đi đứng như thường”. Sơ Moriau cho biết thêm ngay lập tức sơ quăng hết tất cả cả dụng cụ trợ giúp, từ cái nẹp sắt, đến cái xe lăn và cả những ống morphine - và đi bộ 5km một vài ngày sau đó.

Sơ nói thêm “Tôi đến đây để làm chứng cho quyền năng của Đức Mẹ, chứ tôi không đến đây để làm cho các bạn tin tôi.”

Đây là sự kiện 70 được chính thức công nhận là một hành động can thiệp của Thiên Chúa tại Lộ Đức, một địa điểm hành hương ở miền Nam nước Pháp.

2. Phản ứng của Đức Tổng Giám Mục Thomas Wenski về vụ thảm sát ngày Thứ Tư Lễ Tro ở Florida

Đức Tổng Giám Mục Thomas Wenski của tổng giáo phận Miami, Florida, đã kêu gọi các thành viên cộng đồng hãy “hỗ trợ lẫn nhau trong thời khắc đau buồn này” sau vụ thảm sát kinh hoàng ở trường trung học Marjory Stoneman Douglas ở Parkland, gần Miami khiến ít nhất 17 người bị thiệt mạng trong đó đa số là các học sinh.

Đức Tổng Giám Mục Wenski nói:

“Với sự trợ giúp của Thiên Chúa, chúng ta vẫn có thể mạnh mẽ và kiên quyết chống lại sự dữ trong tất cả các biểu hiện của nó. Xin Chúa chữa lành những người đau khổ và an ủi sự buồn bã như chúng ta khi một lần nữa lại phải đối diện như một quốc gia với một hành động bạo lực vô nghĩa và một sự dữ đáng kinh hoàng.”

Đức Tổng Giám Mục Wenski nói thêm: “Thứ Tư Lễ Tro này, chúng ta bắt đầu Mùa Chay là thời khắc chúng ta được kêu gọi sám hối và hoán cải. Xin Chúa giúp chúng ta vững vàng và và kiên quyết chống lại những điều gian ác trong lòng chúng ta và trong xã hội.”

Cảnh sát đã xác định nghi phạm vụ nổ súng này là Nikolas Cruz, 19 tuổi, là cựu học sinh trường này đã bị đuổi vì lý do kỷ luật.

Cảnh sát trưởng quận Broward là ông Scott Israel cho biết vào chiều ngày Thứ Tư Lễ Tro 14 tháng 2, Cruz đã trở lại trường mang theo một khẩu súng trường AR-15 và “vô số tạp chí”. Y kích hoạt hệ thống báo động của nhà trường để học sinh tràn ra khỏi các lớp học. Lúc đó, y lạnh lùng nổ súng.

Một trợ tá cho đội túc cầu của nhà trường là huấn luyện viên Aaron Feis xông ra đỡ đạn cho các học sinh trong khi hò hét các em chạy ngược lại vào trong các lớp học để tránh bị bắn chết. Anh hùng Aaron Feis bị thương nặng và được nhà trường thông báo là đã chết sau đó vì vết thương quá nặng.

Trong số 17 người tử vong, có 12 người bị giết bên trong trường, hai người đã chết bên ngoài trường học, một người qua đường cũng bị giết chết, và hai người khác chết tại bệnh viện.

Ít nhất 14 học sinh bị thương đã được đưa đến bệnh viện. Trong số này có 5 học sinh đang trong tình trạng nguy kịch.

Hung thủ Nikolas Cruz lẩn trốn trong số các học sinh đang tìm cách thoát ra bên ngoài nhà trường nhưng đã bị cảnh sát nhận diện và bắt sống.

Trong phiên tòa khẩn cấp vào sáng ngày thứ Năm 15 tháng 2, một thẩm phán quận Broward đã tuyên án Nikolas 17 tội danh liên quan đến việc giết người với những tình tiết nghiên trọng và truyền tức khắc giam giữ như một kẻ nguy hiểm cho xã hội, không được tại ngoại hầu tra.

Trước tòa tên Nikolas Cruz mặt lạnh như tiền không lộ chút xúc động nào về tội ác của mình. Khám nhà tên Nikolas, cảnh sát cho biết tên này đã từng viết trên các mạng xã hội “ước muốn” trở thành “một sát thủ chuyên nghiệp tấn công trường học”.

3. Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ về vụ thảm sát trong ngày Thứ Tư Lễ Tro tại Florida

Đức Hồng Y Daniel DiNardo của tổng giáo phận Galveston-Houston, là chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, cho biết ngài bàng hoàng trước tội ác kinh hoàng diễn ra tại trường Trung Học Marjory Stoneman Douglas đúng vào ngày Thứ Tư Lễ Tro, ngày mà mọi người được kêu gọi sám hối và hoán cải.

Đức Hồng Y kêu gọi các tín hữu Công Giáo Hoa Kỳ gia tăng lời cầu nguyện xin Chúa an ủi và chữa lành các nạn nhân và gia đình họ, và phó thác linh hồn những người đã chết cho Lòng Thương Xót Chúa.

Trong tuyên bố thay mặt cho các Giám Mục Hoa Kỳ, Đức Hồng Y viết:

“Chúng tôi rất buồn trước vụ bắn giết tại quận Broward, Florida, và trước sự mất mát vô ích và bi thảm của quá nhiều mạng sống con người. Cầu xin Lòng Thương Xót Chúa an ủi các gia đình đang phải than khóc và nâng đỡ những người bị thương trong tiến trình chữa lành. Người Công Giáo và nhiều Kitô hữu khác đã bắt đầu Mùa Chay ngày hôm nay. Tôi khích lệ chúng ta hiệp nhất trong những lời cầu nguyện và những hy sinh của chúng ta cho việc chữa lành và an ủi tất cả những ai bị ảnh hưởng bởi bạo lực trong những tuần qua; và cho một việc hoán cải tâm hồn. Xin cho các cộng đồng và quốc gia chúng ta sẽ được ghi dấu bởi hòa bình. Tôi cũng cầu nguyện cho sự hiệp nhất của chúng ta trong việc kiến tạo một xã hội bớt đi những bi kịch vô nghĩa do bạo lực súng đạn gây ra. Hy vọng của chúng ta được đặt nơi Chúa, như Người đã phán hứa sau khi sống lại, “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28:20).

Đức Hồng Y đã nhắc đến “tất cả những ai bị ảnh hưởng bởi bạo lực trong những tuần qua” vì theo tổ chức Everytown for Gun Safety, vụ thảm sát hôm thứ Tư Lễ Tro đã là vụ nổ súng thứ 18 trong các trường học tại Hoa Kỳ từ đầu năm 2018 đến nay.

Trong một diễn biến có liên quan, ông Robert Lasky, phát ngôn viên của Cục điều tra Liên bang Hoa Kỳ, gọi tắt là FBI, cho biết cơ quan này đã nhận được một lời cảnh báo hồi năm ngoái về một vụ thảm sát tại trường học có thể xảy ra trong tương lai.

Một người đàn ông tên Ben Bennight, đã đăng một video lên YouTube. Sau đó, ông nhận được một lời bình luận như sau: “Tôi sẽ trở thành một sát thủ trường học chuyên nghiệp”. Hoảng sợ trước lời bình luận này Ben Bennight đã liên lạc với FBI, nhưng đáng tiếc là cơ quan này không thể tìm ra người viết lời bình luận trên.

“Không có thông tin nào khác được đưa ra cùng với nhận xét đó, chúng tôi không có một chỉ dấu nào về thời gian hoặc bản sắc đích thực của người đã bình luận”, ông Robert Lasky nói.

“Các nhà điều tra không thể tìm được người bình luận”, ông nói thêm.

4. Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ sự đau buồn trước vụ thảm sát trong ngày thứ Tư Lễ Tro tại Florida, Hoa Kỳ

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một thông điệp bày tỏ sự gần gũi và lời cầu nguyện của ngài cho những người bị ảnh hưởng bởi vụ thảm sát tại trường Trung Học Marjory Stoneman Douglas đúng vào ngày Thứ Tư Lễ Tro khiến ít nhất 17 người thiệt mạng, trong đó đa số là những người trẻ.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ tình liên đới và nói rằng ngài đang cầu nguyện cho các nạn nhân và tất cả những người bị ảnh hưởng bởi vụ thảm sát kinh hoàng này.

Trong một bức điện tín được Đức Hồng Y Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, gởi đến Đức Tổng Giám Mục Thomas Wenski của tổng giáo phận Miami, Florida thay mặt cho ngài, Đức Thánh Cha Phanxicô nói ngài rất buồn khi biết tin về những thiệt hại nhân mạng và con số đông đảo những người bị thương trong bạo lực vô nghĩa này.

Ngài bày tỏ tình liên đới chân thành với tất cả những ai bị ảnh hưởng bởi bi kịch này và cho biết ngài đang cầu nguyện đặc biệt cho linh hồn những người quá cố và ơn chữa lành tinh thần và thể xác cho những người bị thương.

Đức Thánh Cha Phanxicô bảo đảm với “tất cả những ai bị ảnh hưởng bởi cuộc tấn công khủng khiếp này sự gần gũi thiêng liêng của ngài với niềm hy vọng rằng những hành động bạo lực vô nghĩa như thế sớm được chấm dứt. Ngài xin Chúa ban phép lành hòa bình và sức mạnh cho cộng đồng Nam Florida.”

Toàn văn bức điện của Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh như sau:

Kính gửi Đức Cha Thomas Gerard Wenski

Tổng giám mục Miami

Đức Thánh Cha Phanxicô đau buồn khi được biết về vụ thảm sát xảy ra tại Trường Trung học Marjory Stoneman Douglas ở Parkland. Ngài bảo đảm với tất cả những người bị ảnh hưởng bởi cuộc tấn công hủy diệt này sự gần gũi tinh thần của mình, và cầu nguyện xin Thiên Chúa Toàn Năng cho những người chết được nghỉ ngơi đời đời, cũng như chữa lành và an ủi cho những người bị thương và những người đang phải đau buồn. Với hy vọng rằng các hành động bạo lực vô nghĩa như thế có thể sớm chấm dứt, Đức Thánh Cha Phanxicô khẩn cầu cùng Chúa ban ân sủng bình an và sức mạnh cho tất cả anh chị em.

Hồng Y Pietro Parolin

Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh

5. Mùa Chay của các tín hữu Công Giáo Đông phương

Tại Tu viện thánh Phanxicô Assisi ở Bayada, phía bắc Beirut, các tín hữu đã tham dự Thánh Lễ Ngày Thứ Hai Lễ Tro vào ngày 12 tháng Hai.

Theo Lịch Phụng Vụ của Công Giáo Maronite, lễ Tro được cử hành vào ngày Thứ Hai, chứ không phải là thứ Tư, nghĩa là hai ngày trước Phụng Vụ truyền thống về Mùa Chay của Giáo Hội Latinh. Điều này cho phép người Công Giáo Maronite giữ chay đúng 40 ngày Mùa Chay, nhưng đồng thời có thể cử hành hai ngày lễ quan trọng của Giáo Hội mà việc ăn chay là không bắt buộc, đó là ngày lễ Thánh Giuse và lễ Thiên Thần Truyền Tin cho Đức Mẹ.

Cha Nidal Abourjaily, một linh mục của Giáo Hội Công Giáo Melkite, nói trong bài giảng thánh lễ trước khi xức tro.

“Thay đổi tính cách của chúng ta là một chuyện thật khó khăn, vì thế chúng ta cần cầu xin Chúa ban ơn để có thể giữ chay nghiêm nhặt”,

Cha Nidal, một tu sĩ Dòng Phanxicô và là bề trên của tu viện, nói thêm: “Việc nhịn ăn sẽ giúp chúng ta tiến gần hơn đến Thiên Chúa khi chúng ta kết hợp những đau khổ của chúng ta với Người, và đây là điều quan trọng bậc nhất.”

Thông thường, ở Li-băng, người Công Giáo thực hành rất nghiêm nhặt các quy định họ liên quan đến việc chay tịnh trong Mùa Chay. Ví dụ, Giáo hội Maronite yêu cầu ăn chay hàng ngày từ nửa đêm cho đến 12 giờ trưa và những người có sức khoẻ tốt được khuyên bảo kiêng thịt cũng như các sản phẩm từ bơ sữa. Chúa Nhật và các ngày lễ trọng không được xem là ngày buộc ăn chay hay kiêng thịt.

Cha Nidal giải thích với Catholic News Service rằng: “Quy định về chay tịnh của Giáo Hội Công Giáo Maronite, theo cách nào đó, là một sự pha trộn từ các truyền thống Công Giáo, bao gồm Maronite, Melkite, cũng như Công Giáo La mã”

Cô Berthe Obeid, một thiếu nữ Công Giáo Melkite, nói với Catholic News Service rằng cô thuờng nhịn ăn cho đến trưa và đôi khi đến 3 giờ chiều.

Cô Obeid nói thêm: “Tôi rất thích chocolate và các loại hạt, vì thế tôi cũng cố gắng ngừng ăn những thứ này trong Mùa Chay”.

6. Giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh nói Đức Giáo Hoàng thường xuyên gặp gỡ những nạn nhân bị lạm dụng tính dục

Hôm thứ Năm 15 tháng 2, ông Greg Burke, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, cho biết Đức Giáo Hoàng thường xuyên có những cuộc gặp gỡ với những nạn nhân bị lạm dụng tính dục và điều này vẫn đang diễn ra.

“Tôi có thể khẳng định rằng vài lần trong một tháng, Đức Thánh Cha có những cuộc gặp gỡ với những nạn nhân bị lạm dụng tình dục từng cá nhân cũng có và theo nhóm cũng có”, ông Greg Burke nói. “Đức Thánh Cha Phanxicô lắng nghe các nạn nhân và cố gắng giúp họ chữa lành các vết thương nghiêm trọng do sự lạm dụng mà họ phải chịu đựng. Các cuộc họp diễn ra với một thời lượng tối đa có thể được nhằm thể hiện sự tôn trọng nỗi đau khổ của họ.”

Ông Greg Burke đã nói như trên khi được yêu cầu bình luận về một bài báo đăng trên tờ Civiltà Cattolica, là một tạp chí của dòng Tên ở Rôma.

Tờ Civiltà Cattolica, nghĩa là Văn Minh Công Giáo, trong số ra cùng ngày có bài tường thuật về cuộc gặp gỡ giữa Đức Giáo Hoàng với các linh mục dòng Tên tại Lima vào ngày 19 tháng Giêng vừa qua trong chuyến thăm Peru của ngài.

Trong cuộc gặp gỡ này, Đức Thánh Cha Phanxicô nói với các linh mục cùng dòng với ngài ở Peru rằng ngài thường có những cuộc gặp gỡ vào những ngày thứ Sáu với những người bị lạm dụng tình dục.

Đức Thánh Cha cho biết các cuộc họp này thường không được công bố đã cho ngài thấy rõ rằng quá trình hồi phục của những người từng bị lạm dụng “rất là khó khăn. Họ vẫn bị tan nát tâm hồn. Thật thế, bị tan nát”

Theo Đức Thánh Cha, những vụ tai tiếng lạm dụng tình dục chỉ ra sự “mỏng dòn” của Giáo Hội Công Giáo. Hơn thế nữa, “chúng ta hãy nói trắng ra rằng - chúng còn cho thấy mức độ đạo đức giả của chúng ta.”

Trong những chuyến đi nước ngoài, Đức Thánh Cha Phanxicô thường dành thời gian với các cộng đồng dòng Tên địa phương và tổ chức các buổi hỏi đáp với các vị. Vài tuần sau, một bản sao của cuộc trao đổi được xuất bản bởi tạp chí Văn Minh Công Giáo ở Rôma.

Bản dịch các cuộc đối thoại của Đức Thánh Cha Phanxicô với các linh mục Dòng Tên ở Chilê vào ngày 16 tháng 1 và ở Peru ba ngày sau đó đã được tạp chí Văn Minh Công Giáo công bố vào ngày 15 tháng 2 với sự chấp thuận của Đức Thánh Cha.

Các linh mục dòng Tên ở Chí Lợi đã không hỏi Đức Giáo Hoàng về vụ tai tiếng lạm dụng, mặc dù đây là đầu đề của hầu hết các tờ báo địa phương, đặc biệt là do những tranh cãi đang diễn ra đối với việc Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm Đức Cha Juan Barros làm Giám Mục giáo phận Osorno vào năm 2015. Đức Cha Juan Barros đã làm Giám Mục 20 năm được tiếng là một Giám Mục thánh thiện và tận tụy với đàn chiên khi còn là Giám Mục giáo phận quân đội Chí Lợi. Tuy nhiên, ngài bị cáo buộc bao che sự lạm dụng của cha Fernando Karadima, là thầy của mình.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp các linh mục dòng Tên ở Santiago vào cuối ngày đầu tiên của ngài ở Chi Lê. Trong ngày hôm đó ngài đã gặp một nhóm nhỏ những nạn nhân người Chí Lợi bị lạm dụng.

7. Công Giáo Hương Cảng tổ chức cầu nguyện suốt đêm để phản đối thỏa thuận giữa Vatican và Bắc Kinh.

Hàng trăm người Công Giáo ở Hương Cảng đã tổ chức một buổi cầu nguyện suốt đêm để phản đối một thỏa thuận sắp xảy ra giữa Vatican và Bắc Kinh.

Hơn 200 người đã tụ tập cầu nguyện tại nhà thờ Thánh Bonaventura dưới sự hướng dẫn của các linh mục để phản đối một thỏa thuận mà các nhà phê bình nói sẽ “bán đứng” các tín hữu Công Giáo Trung Quốc từ trước đến nay vẫn luôn trung thành với Tòa Thánh.

“Đây là một tình huống rất nguy hiểm. Có một mối nguy hiểm thực sự về một sự ly giáo” một linh mục nói với thông tấn xã Reurers tại buổi cầu nguyện.

Anh chị em tín hữu Công Giáo Trung Quốc sinh hoạt trong hai cộng đoàn khác nhau. Một bên là cộng đoàn Giáo Hội “hầm trú”, gồm những người trung thành với Đức Giáo Hoàng; và một bên là cộng đoàn công khai do Hiệp Hội Công Giáo Yêu Nước lãnh đạo. Hiệp Hội này được bọn cầm quyền Bắc Kinh thành lập trong mưu toan tách Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc khỏi quỹ đạo của Vatican. Các “giám mục” công khai Trung Quốc được Lưu Bách Niên (Liu Bainian), thường được gọi là Giáo Hoàng Đen của Trung Quốc bổ nhiệm mà không có sự chấp thuận của Rôma.

Theo thỏa thuận mới, Vatican sẽ công nhận 7 “giám mục” Trung Quốc đã bị vạ tuyệt thông vì chấp nhận để cho bọn cầm quyền Bắc Kinh tấn phong giám mục mà không có sự phê chuẩn của Đức Giáo Hoàng. Hai vị Giám Mục hầm trú luôn trung thành với Tòa Thánh cũng bị buộc phải từ chức để trao quyền chăn dắt đàn chiên Chúa lại cho những “giám mục” đã bị vạ tuyệt thông này trông nom.

Đổi lại, Trung Quốc để cho Tòa Thánh có quyền quyết định sẽ chọn ai làm giám mục trong số các ứng viên do chính bọn cầm quyền Bắc Kinh đưa ra.

Đêm canh thức xảy ra sau khi một nhóm trí thức Công Giáo Hương Cảng đã ký một lá thư ngỏ cảnh báo về một sự “ly giáo” không thể tránh khỏi nếu Vatican tiến tới thỏa thuận này.

Bức thư nói rằng các giám mục do Bắc Kinh bổ nhiệm “không được lòng tin của các tín hữu, và chưa bao giờ tỏ ra ăn năn công khai về tội lỗi của họ. Nếu họ được công nhận là hợp pháp, thì các tín hữu ở Trung Quốc sẽ rơi vào một tình trạng hoang mang và đau đớn, và một sự ly giáo là điều không thể tránh khỏi trong Giáo hội ở Trung Quốc “.

Bức thư nói thêm: “Chúng tôi đang lo lắng rằng thỏa thuận này không những chẳng mang lại sự bảo đảm nào cho một ít tự do giới hạn mà Giáo Hội mong muốn; mà còn làm tổn hại đến tính thánh thiện, Công Giáo và tông truyền của Giáo hội và gây ảnh hưởng đến sức mạnh luân lý của Giáo Hội”.

Bức thư của các trí thức Công Giáo gởi đến các Hội Đồng Giám Mục trên toàn thế giới nói tiếp rằng:

“Chúng tôi khẩn khoản xin các vị, vì tình yêu đối với dân Chúa, kêu gọi Tòa Thánh: Xin hãy suy nghĩ lại bản thỏa hiệp hiện tại, và dừng lại đừng dấn sâu thêm vào những sai lầm thật là đáng tiếc và không thể đảo ngược lại được.”

8. Hội Đồng Giám Mục Nam Phi “nhảy mừng trong hân hoan” trước việc tổng thống Jacob Zuma tuyên bố từ chức

Trong tuyên bố đưa ra hôm thứ Tư Lễ Tro 14 tháng Hai, Hội Đồng Giám Mục Nam Phi tuyên bố các ngài hân hoan trước việc tổng thống Jacob Zuma tuyên bố từ chức.

Dưới đây là toàn văn tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục Stephen Brislin, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Nam Phi:

Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Nam Phi hân hoan chào đón việc từ chức của Tổng thống Jacob Zuma. Đây là điều đã được chờ mong quá lâu. Đối với một số người điều này có thể là một sự kiện không vui, nhưng chúng tôi kêu gọi mọi người chấp nhận quyết định của ông như một phần trong tiến trình dân chủ của chúng ta.

Thực tế là ông Zuma đã được để cho giữ vị trí cao nhất của đất nước này quá lâu rồi bất chấp những bằng chứng trong bao năm qua càng ngày càng nhiều và đầy thuyết phục về sự bất lực của ông đối với chức vụ này, làm tổn hại to lớn đến danh tiếng của đất nước chúng ta trên trường quốc tế, làm cho nền kinh tế chúng ta bị kiệt quệ, đặc biệt là gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với những người nghèo nhất và những công dân dễ bị tổn thương nhất của chúng ta.

Một cách tổng quát, chúng ta có thể nhận thấy rằng triều đại Tổng thống Zuma đã làm xuống cấp các tiêu chuẩn về đạo đức và danh dự trong cuộc sống công cộng của chúng ta và đã thúc đẩy tham nhũng cũng như việc lơ là nhiệm vụ ở tất cả các cấp chính quyền.

Chúng tôi kêu gọi Quốc Hội Nam Phi lưu ý cẩn thận cách thức mà chính quyền của tổng thống Zuma đã để cho tình hình ra đến nông nỗi này trong 10 năm qua và chúng tôi kêu gọi Quốc Hội Nam Phi cam kết thực hiện việc đánh giá lại toàn bộ các tiêu chuẩn và các cơ chế được chính quyền này lưu hành nội bộ để quy trách nhiệm một cách thích đáng.

Trong năm sinh nhật thứ 100 của Nelson Mandela, chúng tôi hy vọng và cầu nguyện để chúng ta có thể trở về với lý tưởng lãnh đạo trong tinh thần phục vụ mà Nam Phi đã được ban phước trong những năm đầu của nền dân chủ.

Tuần này, Kitô hữu trên toàn thế giới đã bắt đầu mùa Mùa Chay, là thời kỳ dấn thân cho những khởi đầu mới, đả phá tính ích kỷ và những tội lỗi ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Chúng tôi cầu nguyện rằng, trong những tuần tới, khi chúng ta tiến hành cuộc hành trình thiêng liêng của chúng ta hướng đến việc đổi mới trong hy vọng Phục Sinh, đất nước chúng ta cũng sẽ bắt đầu cuộc hành trình chính trị của mình cho một tương lai đầy những hy vọng mới và đầy những quyết tâm theo đuổi những lý tưởng đã được Hiến pháp của chúng ta vạch ra.

Với tinh thần đó, chúng tôi cam kết sự hỗ trợ bằng lời cầu nguyện của chúng tôi đối với chính quyền mới và tất cả những ai giữ các chức vụ công quyền ở nước ta để họ có thể phục vụ tất cả mọi người Nam Phi một cách siêng năng, trung thực và với sự liêm chính mà những người đau khổ của quốc gia này xứng đáng được hưởng.

+ Đức Tổng Giám Mục Stephen Brislin

Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Nam Phi.

9. Đức Hồng Y Zenari, sứ thần Tòa Thánh tại Syria, cảnh giác chiến tranh đang lan rộng tại quốc gia này

Sứ thần Tòa Thánh tại Damsacus cảnh báo về cuộc khủng hoảng nhân đạo sâu sắc tại Syria khi cuộc xung đột tại quốc gia này bước sang năm thứ bảy

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Quan Sát Viên Rôma của Vatican, Đức Hồng Y sứ thần nói rằng tại Syria đang xảy ra một tình trạng khẩn cấp về sức khoẻ và lương thực. Ngài kêu gọi cộng đồng quốc tế đừng quên những người đau khổ ở Syria.

Đức Hồng Y nói rằng bạo lực đang tiếp diễn và có nguy cơ lan rộng khiến mọi người sống trong một bầu không khí lo sợ liên tục, và nhiều gia đình không dám ra khỏi nhà và con cái họ không dám đi học.

Chính phủ Damascus hôm thứ Ba cảnh cáo rằng Israel sẽ phải đối mặt với “những điều ngạc nhiên hơn nữa” nếu quốc gia này vẫn cứ tiếp tục tấn công lãnh thổ của Syria.

Lời bình luận trên được đưa ra vài ngày sau khi các máy bay tiêm kích của Syria bắn rơi một máy bay chiến đấu F-16 của Israel đang trên đường trở về sau khi thực hiện một cuộc không kích vào các vị trí của Syria được Iran hậu thuẫn.

Ông Ayman Sussan, phụ tá Bộ trưởng Ngoại giao Syria, nói: “Những kẻ xâm lăng có thể tin chắc rằng chúng sẽ đi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác bởi vì chúng nghĩ rằng quốc gia bị chiến tranh tàn phá này trong nhiều năm đã bị kiệt quệ không thể đáp trả lại các cuộc tấn công.”

Trong khi đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã kêu gọi các bên tham chiến tại Syria phải ngưng bắn ngay tức khắc vì thường dân đã phải chịu đựng quá nhiều.

Ông cảnh báo về một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ hơn bao giờ khi quốc gia này đang chứng kiến một giai đoạn cực kỳ tàn bạo trong cuộc xung đột.

Trong một diễn biến có liên quan, Washington đã cam kết viện trợ 200 triệu đô la để ủng hộ “các nỗ lực chống lại bọn khủng bố Hồi Giáo IS tại Syria”. Tuy nhiên, trong thực tế số tiền này thường được chia chủ yếu cho các nhóm phiến quân chống lại chính phủ của tổng thống Bashar al-Assad. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson tuyên bố tăng cường viện trợ tài chính tại Liên minh Quốc tế chống Nhà nước Hồi giáo ở Kuwait, bắt đầu hôm thứ Ba 13 tháng Hai.

Cũng trong ngày thứ Ba, các quan chức quân đội của Thổ Nhĩ Kỳ ở Ankara đã xác nhận rằng có tới 31 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đã thiệt mạng và 143 người khác bị thương kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ phát động một chiến dịch quân sự ở miền bắc Syria hồi tháng trước. Việc tham chiến của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria đã làm tình hình tại đây thêm căng thẳng.

10. Liên Hiệp Quốc cảnh báo chiến tranh tại Syria đã trở nên tồi tệ hơn bao giờ

Cuộc chiến tại Syria đã trở nên tồi tệ hơn bao giờ trong suốt 7 năm qua kể từ khi Liên Hiệp Quốc kêu gọi ngừng bắn ngay tức khắc trong vòng một tháng để các nguồn viện trợ có thể đến được với những thường dân đang tuyệt vọng

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã thất bại trong việc thông qua một quyết nghị liên quan đến Syria vào tuần trước nhưng đang xem xét một bản dự thảo mới có thể được các bên thông qua.

Nhiều giờ trước cuộc đàm phán, điều phối viên nhân đạo của Liên Hiệp Quốc tại Syria, là ông Ali al-Zaatari, đã cho biết như sau: “Kể từ khi lệnh ngừng bắn được tuyên bố hôm 6 tháng 2, khi các đại diện Liên Hiệp Quốc ở Syria kêu gọi chấm dứt chiến sự trong một tháng, tình hình đã trở nên tồi tệ hơn bao giờ.”

Ông nói thêm: “Chúng tôi đang chứng kiến những trang tồi tệ nhất trong toàn bộ lịch sử cuộc xung đột này, với các báo cáo trong đó hàng ngàn thường dân vô tội bị thiệt mạng và bị thương, những cuộc tản cư khổng lồ cùng với việc phá hủy các cơ sở hạ tầng dân sự, bao gồm cả các cơ sở y tế.”

Trong tuần vừa qua, các máy bay của chính phủ Syria đã không kích dữ dội vào các khu vực của phe đối lập tại phía Đông thành phố Ghouta gần Damascus, nơi phiến quân dùng làm cứ điểm bắn hoả tiễn vào thủ đô Damascus.

Một cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ ở phía tây bắc Syria cũng đã khiến hàng chục ngàn gia đình phải di tản dọc theo biên giới phía bắc.

“Chúng tôi nhấn mạnh sứ điệp của chúng tôi, rằng nỗi đau khủng khiếp của dân Syria phải được dừng lại ngay tức khắc. Họ đã chịu đựng quá nhiều những áp lực từ cuộc xung đột tàn bạo này”, ông Zaatari nói.

“Tôi tái kêu gọi tất cả các bên, và những người có ảnh hưởng đối với họ, hãy lắng nghe chúng tôi và những người bị ảnh hưởng trong cuộc chiến này: xin hãy chấm dứt sự thống khổ không thể chịu đựng nổi của con người”.

Các cuộc đàm phán bắt đầu ở New York vào hôm thứ Hai 19 tháng Hai để thảo luận một bản dự thảo mới của Thụy Điển và Kuwait yêu cầu ngừng bắn trong 30 ngày và chấm dứt các cuộc bao vây.

Hơn 13.1 triệu người Syria đang cần viện trợ nhân đạo, bao gồm 6.1 triệu người đã phải di tản trong nội địa Syria trong cuộc chiến tranh kéo dài gần bảy năm này.

11. Tự sắc Imparare a congedarsi (Học cách nói lời tạm biệt) của Đức Thánh Cha Phanxicô

Hôm 12 tháng 2, Đức Thánh Cha đã ký ban hành một Tông Thư dưới dạng Tự Sắc có tên là Imparare a congedarsi, nghĩa là “Học cách nói lời tạm biệt” liên quan đến việc từ chức vì lý do tuổi tác của các Giám Mục trên thế giới.

“Việc kết thúc một chức vụ trong giáo hội cần phải được coi là một phần không thể tách rời của sứ vụ đó, vì nó đòi hỏi một hình thức mới của thái độ sẵn sàng”, Đức Thánh Cha Phanxicô viết như trên trong lời giới thiệu của Tự Sắc này

Những thái độ nội tâm

Đức Thánh Cha đã đưa ra một suy tư về những thái độ nội tâm nhất định là điều cần thiết cho những vị phải đối mặt với việc từ chức vì tuổi tác, cũng như đối với những vị mà chức vụ của các ngài cần phải được kéo dài do những nhu cầu thực tế. Ngài mời gọi những vị chuẩn bị rời khỏi vị trí lãnh đạo hãy “phân định qua lời cầu nguyện cách sống trong giai đoạn sắp tới, và lập ra một dự án mới cho cuộc sống.”

Đối với những vị có thể được yêu cầu phục vụ thêm sau hạn định nghỉ hưu (75 tuổi), Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng “quyết định này không phải là đương nhiên, nhưng đó là một hành động cai quản, và do đó đòi hỏi đức tính thận trọng trong việc đưa ra một quyết định phù hợp”. Khi một vị được yêu cầu một cách ngoại lệ tiếp tục việc phục vụ trong một thời gian dài hơn thì “tình trạng này không thể xem là một đặc ân, hay một chiến thắng cá nhân, hoặc một ân huệ xuất phát từ sự đòi buộc của tình bạn hay một quan hệ gần gũi nào đó, và cũng không phải là một sự thưởng công vì đã làm việc hữu hiệu. Những sự gia hạn như thế chỉ nên hiểu là vì những lý do liên hệ tới công ích của Giáo Hội”. Dịp này, Đức Thánh Cha cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với các vị đã quảng đại từ bỏ những dự phóng mới riêng của các ngài để tiếp tục phục vụ Giáo Hội.

Dù vẫn duy trì nội dung của sắc lệnh Rescriptum ex audienia ban hành ngày 3 tháng 11 năm 2014, Đức Thánh Cha Phanxicô nói ngài muốn đưa ra một số sửa đổi cho điều 2 của văn kiện đó, như sau: “Việc thôi giữ các chức vụ mục vụ nói trên chỉ có hiệu quả từ thời điểm điều này được chấp thuận bởi thẩm quyền hợp pháp. “

Những thay đổi

Với Tự Sắc này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đưa ra hai thay đổi đối với các đạo luật trước đây:

Thứ nhất, sau khi nộp một lá thư xin từ chức, người đó vẫn giữ chức vụ cho đến khi nhận được “thông báo chấp nhận đơn từ chức” hoặc “thông báo gia hạn chức vụ”, “trong một khoảng thời gian cụ thể hoặc không được xác định, sẽ được thông báo cho đương sự” (Điều 5). Điều này là một sự thay đổi đối với điều 189 triệt 3 của Bộ Giáo Luật và điều 970 triệt 1 của Bộ Giáo Luật dành cho các Giáo Hội Đông phương, trong đó quy định một thời gian nhất định là ba tháng.

Thứ hai, những người đứng đầu các cơ quan của Giáo triều Rôma, mà không phải là Hồng Y, cũng như các vị giám chức khác đang nắm giữ các chức vụ tại Tòa Thánh hoặc các vị Đại diện của Đức Giáo Hoàng không tự động ngừng giữ chức vụ khi tròn 75 tuổi. Thay vào đó, các vị phải đệ đơn từ chức lên Đức Thánh Cha và ngài “sẽ quyết định sau khi đánh giá theo từng hoàn cảnh cụ thể” (Điều 2 và 3).

Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong Tự Sắc rằng ngài “nhận thức được sự cần thiết phải cập nhật các quy tắc về thời gian và phương thức từ chức khi đạt đến độ tuổi giới hạn.” Và ngài viết rằng những gì ngài quy định “chỉ được đưa ra sau các cuộc thảo luận cần thiết.”

12. Các nhà lãnh đạo Giáo hội ở Jerusalem cương quyết chống lại việc đánh thuế các tài sản của Giáo hội

Các nhà lãnh đạo Giáo hội ở Jerusalem đã chính thức yêu cầu chính quyền thành phố Jerusalem thu hồi lại tuyên bố của họ về việc áp đặt thuế địa phương đối với các tài sản của Giáo hội.

Một tuyên bố được công bố vào hôm Thứ Tư Lễ Tro của các Thượng Phụ và các nhà lãnh đạo các Giáo hội tại Jerusalem nói rằng ý định áp đặt thuế địa phương lên các Giáo hội mâu thuẫn với tương quan lịch sử giữa các Giáo hội và các cơ quan dân sự trong nhiều thế kỷ qua.

Tuyên bố nhấn mạnh rằng các quan chức dân sự đã luôn luôn nhìn nhận ra và tôn trọng những đóng góp to lớn của các Giáo hội Kitô như việc đầu tư hàng tỷ Mỹ Kim xây dựng các trường học, bệnh viện và nhà cửa cho người cao niên và những người chịu thiệt thòi ở Thánh Địa.

Tuyên bố nhận xét rằng việc đóng thuế đối với các Giáo hội phá hoại tính cách thiêng liêng của thành Giêrusalem, và gây nguy hiểm cho khả năng của các Giáo Hội trong việc thực hiện sứ vụ của mình trên mảnh đất này thay mặt cho các cộng đồng và các Giáo Hội trên toàn thế giới.

Các Thượng Phụ và các nhà lãnh đạo các Giáo hội tại Jerusalem, vì thế, chính thức yêu cầu chính quyền địa phương rút lại tuyên bố của họ và bảo đảm rằng nguyên trạng hiện tại đã được lịch sử phân định phải được duy trì, và đặc tính thánh thiêng của Thành Thánh Giêrusalem phải được tôn trọng. Tuyên bố này được ký bởi mười ba vị thủ lãnh của Giáo hội và cộng đồng Kitô hữu hiện diện tại Jerusalem.

Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/242517.htm

CÁC TIN KHÁC: