Tiểu Dẫn vào Các Sách Sử Truyện => Tiểu Dẫn vào Các Sách Sử Truyện | Kinh Thánh Cựu Ước (Bản dịch Việt Ngữ của Linh Mục Nguyễn Thế Thuấn, CSsR.)



Tiểu Dẫn

Các Sách Yôsua, Thẩm Phán,

Rut, Samuel Và Các Vua

 

 

Trong qui điển Thánh kinh Hipri, các sách Yôsua, Thẩm phán, Samuel, và các Vua được đặt trong phần "Các tiên tri" và được gọi là các tiên tri "tiền" đối chiếu với các tiên tri "hậu" (Ysaia, Yêrêmia, Ezêkiel và mười hai tiên tri nhỏ). Gọi là các sách tiên tri vì có truyền thống cho rằng các sách này do chính các tiên tri biên soạn (coi Josephus, Barba, 14e và 15a): Yôsua biên soạn các sách mang tên ông, Samuel, sách Thẩm phán và sách Samuel; Yêrêmia, sách các Vua. Mặt khác, các sách này cũng trình bày dung mạo của một số tiên tri (Samuel, Gađ, Natan, Elya, Elisa, Ysaya, Yêrêmia...) hoạt động giữa dân được chọn. Các ngài nói với dân Lời của Thiên Chúa và đồng thời vạch ra những việc bất trung, thất tín của Israel trong liên lạc với Yavê, Ðấng đã lập giao ước với dân.

Nhưng xét về nội dung thì cũng có thể nói được rằng các sách này nối tiếp các sách Ngũ kinh: nhân vật chính của sách Yôsua đã xuất hiện trong Ngũ kinh và được chỉ định nối tiếp sứ mạng của Môsê, trong phần cuối sách Thứ Luật. Và cho rằng các sách này, cùng với Kinh Thứ luật, làm thành một khối diễn lại một giai đoạn lớn của lịch sử tôn giáo của Israel kéo dài tới tận cuối thời các Vua: Israel là dân được tuyển chọn và được Thiên Chúa ban cho một lề luật (Tl). Dân được tuyển chọn ấy tới định cử tại Ðất được hứa ban (Yôs). Nhưng cuộc sống của dân được chọn tại đây là một chuổi những bội giáo rồi trở lại (Thp). Lý tưởng về Thần quyền, bị lung lay sau cuộc khủng hoảng đưa tới việc thành lập vương quyền, đã được thực hiện dưới triều đại Ðavít (S). nhưng sự suy đồi đã khởi đầu từ triều đại Salômon và sau một chuỗi những bất trung của dân, Thiên Chúa đã ra án phạt (V). Sách Thứ luật có thể đã được tách ra khỏi khối này khi người ta muốn thu tập tất cả những gì liên quan đến con người và sự nghiệp của Môsê.

Về mặt văn chương người ta cũng nhận thấy có một sự thống nhất nào đó giữa hai khối tuy rằng khó mà phân biệt các nguồn văn khác nhau trong các sách Yôs, Thp, S và V, như đã làm trong Ngũ kinh. Ảnh hưởng của tinh thần và đạo lý Thứ luật trên các sách này phải nhận là rõ rệt.

Giả thuyết về sự "nhất khối" trên đây có thể chấp nhận được. Nhưng cần phải để ý điểm này là việc soạn thảo trong khuynh hướng Thứ luật đã dựa trên các văn kiện, tài liệu khác nhau về thời buổi và tính chất. Do đó có sự kiện này là các sách, hoặc các phần trong một quyển sách vẫn giữ nguyên tính cách cá biệt của nó. Mặt khác việc soạn thảo trong khuynh hướng Thứ luật này đã không được thực hiện một lúc và mỗi sách còn mang những dấu chứng của nhiều đợt ấn hành. Nguyên về sách các Vua, - dấu chứng rõ ràng nhất - người ta nhận ra có ít là hai đợt soạn thảo. Một đợt sau cuộc cải cách tôn giáo của Yosias, một đợt sau cuộc lưu đày.

Trong hình thức cuối cùng, các sách này là một công trình của một trường phái gồm những người có lòng đạo, thấm nhuần tư tưởng Thứ luật, đã suy nghĩ về quá khứ của dân và đã rút ra một bài học tôn giáo. Nhưng họ cũng còn giữ lại được những truyền thống, hay những văn bản lên tới thời đánh chiếm Ðất Hứa và những trình luật về những biến cố nổi bật của lịch sử Israel. Như thế lịch sử Israel, trong các sách này, đã được trình bày như một "lịch sử thánh". một lịch sử nhìn dưới nhãn giới tôn giáo. Và sử gia cũng như các tín hữu vẫn có thể tìm thấy ở đây những giá trị. Người tín hữu sẽ không chỉ nhìn ra bàn tay của Thiên Chúa trong tất cả mọi biến cố, mà còn nhận ra trong chính mối ưu ái kèm theo những đòi hỏi của Thiên Chúa đối với dân Người chọn, một sự chuẩn bị dần dần cho một Israel mới, cộng đồng các tín hữu.

- Sách Yôsua: có thể chia ra làm ba phần:

a) Ðánh chiếm Ðất Hứa, 1-12

b) Phần chia đất đai giứa các chi tộc, 13-21

c) Cuối đời Yôsua, cách riêng diễn từ cuối cùng của ông và hội nghị tại Sikem, 22-24

Trong phần I, người ta nhận ra, trong các ch. 2-9 một số truyền thống, đôi khi song song với nhau, dính với Ðên thờ của nhóm Benyamin tại Gilgal và trong các chương 10-11 hai tường thuật về chiến trận, Gabaôn và Mêrôm, gắn liền với cuộc chinh phục các miền Nam rồi cả miền Bắc Phalêtin.

Sự kiện các trình thuật của các chương 2-9, gốc từ Gilgal, tức xuất phát từ nhóm Benyamin đã không làm lu mờ dung mạo của Yôsua - trong các trình thuật này, tuy ông thuộc chi tộc Ephraim, - bởi vì các phần tử Benyamin và Ephraim đã cùng vào Canaan trước khi đóng đô tại phần đất của họ. Không thể chối cải chiều hướng giải nghĩa các sự kiện hay hoàn cảnh có thể quan sát được của các trình thuật này. Nhưng tính cách suy luận luận ấy chỉ nhắm vào những hoàn cảnh, hay những hậu quả của các biến cố hay người ta không thể phủ nhận tính cách lịch sử của chúng, trừ trường hợp về đánh hạ thành Hai.

Phần II có tính cách một bản đồ địa dư. Chương 13 đặt vị trí cho Ruben, Gađ và nửa chi tộc Manassê đã có phần ở bên kia sông Yorđan, vào sinh thởi của Môsê, theo Ds 32 (coi Tl 3 12-17) Các chương 14-19 liên quan tới các chi tộc phía Tây Yorđan, đã đấu kết hai loại văn kiện: một văn kiên mô tả ranh giới các chi tộc. Mức độ chính xác không đều và phần chính yếu có thể lên tới thời tiền quân chủ. Và văn kiện khác là danh sách các thành. Chi tiết nhất là danh sách các thành của Yuđa,15. Danh sách này, được bổ sung bởi một phần các thành của Benyamin, 18:25-28, đã phân các thành ra làm mười hai khu. Danh sách này phản ảnh nền hành chánh của vương quốc Yuđa, có thể dưới thời Yosaphat. Chương 20 kê khai các thành tị nạn, danh sách các thành này hẳn không có trước triều đại Salômon. Ch. 21, các thành Lêvit, được thêm sau thời lưu đày, nhưng đã sử dụng những ký ức về thời quân chủ.

Trong phần III, ch. 22 về việc trở về của các chi tộc bên kia Yorđan và việc lập tế đàn ở bờ sông, mang dấu tích của soạn thảo theo chiều hướng Kinh Thứ luật và tư tế. Gốc của chương này là một truyền thống riêng, nhưng thời kỳ và ý tưởng của truyền thống này khó xác định. Ch. 24 giữ lại một ký ức xưa và xác thực về hội nghị tại Sikem và về khế ước tôn giáo được ký kết tại đây.

Ðiều chắc được là không phải chính Yôsua đã là tác giả trực tiếp của sách mang tên ông. Sách đã được viết ra dựa vào nhiều nguồn tài liệu khác nhau, và là một trong những tập sách hỗn tạp nhất của Thánh kinh Cựu Ước. Chung chung, có thể kể như được soạn thảo theo hướng Thứ luật các đọan sau: Ch. 1 (phần lớn ): 8:30-35 10:16-43 11:10-20 12 22:1-8 23 24. Sự kiện ch. 24, được duyệt theo tinh thần Thứ luật. Ðược duy trì bên cạnh ch. 23 do một bàn tay khác sọan nhưng dựa vào chương 24, là dấu cho thấy có hại đợt ấn hành sách kế tiếp nhau.

Sách Yôsua đã trình bày cuộc đánh chiếm trọn vẹn Ðất Hứa như công trình của toàn thể mọi chi tộc hợp lực lại và dưới quyền chỉ huy của Yôsua, nhưng trình thuật trong sách Thp 1 thì lại khác: trình thuật này cho thấy mỗi chi tộc chiến đấu riêng rẽ để giành phần đất riêng cho mình và thường xuyên bị thất bại. Trình thuật này thuộc truyền thống gốc Yuđa và có nhiều yếu tố của truyền thống này được đưa vào trong phần trình bày khung cảnh địa dư của của sách Yôsua: 13:1-6 14:6-15 15:13-19 17:12-18. Hình ảnh gợi lại một sự chinh phục Ðất Hứa một cách riêng rẽ và từng phần một này hợp với thực tế của lịch sử hơn (thực ra, cũng chỉ là phỏng đoán!) Việc định cư tại Miền Nam Phalệtin đã được thực hiện từ Cađès và Namsa và chính yếu là do bởi các nhóm sẽ chỉ sát nhập vào Yuđa một cách từ từ: nhóm Caleb, nhóm Qênizzi v.v và nhóm Simêon. Việc lập cư ở trung phần Phalệtin là công trình của các nhóm đã qua sông Yorđan dưới quền chỉ huy của Yôsua gồm các phần tử của các chi tộc Ephraim. Manassê và Benyamin. Trường hợp ở phía Bắc thì lại khác. Việc lập cư ở đây có một lịch riêng. Các chi tộc Zabulon, Issakhar, Asher và Neptali có thể đã lập nghiệp ở đây vào một thời không xác đinh được và đã không xuống Aicập. Các chi tộc này đã được tiếp xúc với lòng tin vào Yavê của các nhóm do Yôsua cầm đâu mang đến và tại Sikem, họ đã công khai chấp nhận lòng tin vào Yavê đó. Họ đã làm chủ thực thụ vùng đất của họ sau khi đánh bại người Canaan đã từng ức hiếp hay đe dọa họ. Tại các vùng, các miền khác nhau ấy, việc lập cư đã được thực hiện bằng nhiều cách khác nhau: bằng quân sự, bằng sự xâm nhập từ từ và trong hòa bình, bằng những giao ước với các dân đã ở sẵn trong miền. Phải coi là có tính cách lịch sử vai trò của Yôsua trong việc định cư ở Trung phần Phalệtin, từ biến cố qua sông Yorđan tới hội nghị tại Sikem. Xét thời buổi của cuộc xuất hành (coi tựa), có thể đề nghị một niên biểu sau: Xâm nhập phía Nam vào khoảng 1250; các nhóm từ bên kia sông Yorđan vào đánh chiếm trung phần Philệtin, từ năm 1225, và các nhóm phía Bắc bắt đầu bành trướng vào khoảng 1200 trước kỷ nguyên.

Về giai đoạn lịch sử phức tạp và được thiết lập lại theo giả thiết trên đây. Sách Yôsua đã đưa ra một hình ảnh được đơn giản hoá và lý tưởng hoá. Lý tưởng hoá: cuộc đánh chiếm được trình bày như một anh hùng ca nối tiếp Xuất hành trong đó người ta thấy Thiên Chúa tiếp tục can thiệp trực tiếp và một cách ngoạn mục để bênh vực dân của Người. Ðơn giản hoá vì Yôsua đã được trình bày như một nhân vật có mặt trong tất cả mọi biến cố, người điều khiển trận chiến của nhà Yuse, 1-12. người ta gán cho ông việc phân chia đất đai cũng không phải là đã được thực hiện trong một thời gian ngắn. 13-21 và sách kết thúc với những lời gĩa từ của Yôsua và cái chết của ông, 23 24 29-31. Quả thực, từ đầu tới cuối sách, ông đã là nhân vật chính. Các Giáo phụ coi ông như một dung mạo báo trước Ðức Yêsu: không phải chỉ vì ông đã mang cùng một cái tên với Ngài, nhưng còn là việc qua sông Yorđan đưa người ta cùng ông vào Ðất Hứa là hình ảnh Bí tích thanh tẩy trong Ðức Yêsu, Ðấng đưa người ta vào Thiên Chúa. Và cuộc đánh chiếm đất đai đã trở thành hình bóng của sự bành trướng của Giáo Hội.

Quả thực, mảnh đất Canaan này trong nhãn giới của Cựu ước là đề tài đích thực của sách Yôsua: dân đã tìm thấy Thiên Chúa của mình trong sa mạc, này được lãnh nhận phần đất của mình, và lãnh nhận từ bàn tay Thiên Chúa của mình, bởi vì các Yavê đã đánh giặc cùng với Israel, 23:3-10 24:12-22 và đã ban cho họ làm gia nghiệp đất hứa cho cha ông họ, 23:5-14.

Sách Các Thẩm Phán gồm ba phần không đều nhau: a) phần dẫn nhập 1:1-2 5 b) phần chính 2:6 - 16:31 c) và hai đoạn được thêm vào nói về cuộc di dân của nhóm Ðan, với việc thành lập đền thờ của họ, 17-18 và trận chiến phạt tội con cái Benyamin đã phạm tại Gibơah 19-21.

Phần dẫn nhập, 1:1 - 2:5, trình bày một cách sơ sài việc các chi tộc lập cư ở Canaan. Các chi tộc này đã hoạt động một cách lẻ tẻ và thường xuyên gặp thất bại. Trong hình thức hiện tại, phần này muốn cắt nghĩa tình trạng bị đe dọa của Israel. Thời các thẩm phán. Bức tranh lịch sử này khác với bức tranh trog Yôs và được trình bày dưới nhãn giới của nhóm Yuđa.

Phần chính, 2:6 - 16:31 đề cập đến lịch sử các thẩm phán. Các học giả hiện tại phân biệt sáu khuôn mặt thẩm phán "lớn": Otniel, Ehuđ, Baeaq (và Ðêbôrah) Ghêđêon, Yeptrê và Samson. Hành động của các vị thẩm phán này được kể một cách tỷ mỉ. Và sáu Thẩm phán nhỏ: Shamgar, Tôla, Yair, Ibxan, Eglôn và Abđôn. Những người này chỉ được nhắc qua. Bản văn thì không phân biệt theo kiểu này, nhưng cũng đã cho thấy có một sự khác biệt thâm sâu giữa hai nhóm, và danh hiệu thẩm phán được đặt chung cho họ là do việc soạn thảo đã gộp các yếu tố không ăn nhằm gì với nhau. Các "Thẩm phán lớn" là những anh hùng Giải phóng. Các "thẩm phán lớn" này tuy khác về gốc gác, về tính tình, về hành động, nhưng đều có một nét chung: họ đã lãnh nhận một ơn riêng, họ được Thiên Chúa chọn đặc biệt để sung vào sứ vụ giải thoát. Truyện về họ, trước tiên được truyền khẩu dưới nhiều hình thức khác nhau, rồi dần già, nhiều yếu tố khác nhau được thêm vào. Cuối cùng, các truyện này được gom vào làm thành một cuốn sách, "sách các người giải phóng" được soạn trong vương quốc phía Bắc vào buổi đầu thời quân chủ. Sách gồm truyện về Ehuđ, về Baraq và Ðêbôrah, có lẽ đã chịu ảnh hưởng của trình thuật Yôs 11 về Yabin tại Khaxor, truyện Ghêđêon, Yêrubbaal, truyện Yeptê, hai bài thơ cổ, ca vịnh Ðêbôrah, 5, và lời kêu gọi của ông Yôtam 9:7-15. Trong sách này, những vị anh hùng của vài chi tộc được phóng đại và được đưa lên hàng quốc gia điều khiển thánh chiến cho cả Israel. Các "Thẩm phán nhỏ" phát xuất từ một truyền thống khác. Không thấy các thẩm phán nhỏ này có hoạt động giải thoát nào. Người ta chỉ cho biết qua về gốc của họ, về gia đình và nơi chôn cất họ, và nơi họ đã làm "thẩm phán" trên Israel trong một số năm nhất định. Thẩm phán bởi động từ shâphât, có nghĩa là sửa trị, gần với cai trị, cầm quyền. Quyền hành của họ không vượt qua một thành hay một khu. Ðó là một thể chế chính trị giữa chế độ bộ lạc và chế độ quân chủ. Các nhà soạn thảo đầu tiên, theo khuynh hướng Thứ luật có những hiểu biết đích xác về các thẩm phán này, nhưng đã phóng đại quyền hành của các thẩm phán Israel và đã xếp đặt cho họ theo thứ luật trong niên biểu. Các soạn giả đã đem gắn danh hiệu thẩm phán lên trên các vị ạnh hùng trong "sách các anh hùng Giải phóng" và các vị anh hùng này do đó trở thành những "thẩm phán của Israel". lấy chỗ nọ đắp chỗ kia, người ta đã đạt được con số mười hai thẩm phán, tượng trưng cho tất cả mười hai chi tộc của Israel.

Và cũng chính việc soạn tác đã tạo ra khung cảnh thời gian có trong sách. Soạn tác Thứ luật, tuy duy trì những hiểu biết đích xác về thẩm phán nhỏ, nhưng đã cắm chặng các trình thuật bằng những mốc thời gian giả tạo với các con số ước lệ là bốn mươi năm - một thế hệ mới - hay gấp đôi lên là tám mươi năm, hoặc chỉ có một nửa là hai mươi năm, cố là sao để, cộng với các dữ kiện khác của Thánh kinh, có thể có một tổng số là bốn trăm tám mươi năm, phù hợp với khoảng cách, theo nhãn giới Thứ luật, giữa thời Xuất hành khỏi Aicập và lúc xây dựng Ðền thờ, 1V 6:1. Trong khoảng cách đó, lịch sử các thẩm phán lấp đầy giai đoạn từ khi Yôsua chết tới lúc Samuel khởi đầu sứ vụ của ông.

Ðiều trước tiên các soạn giả theo khuynh hướng Thứ luật đã đem lại sách Thẩm phán là cái ý nghĩa tôn giáo của nó: Ý nghĩa này được diễn tả trong phần nhập đề chung, 2:6 - 3:6 và trong phần nhập đề riêng của truyện Otniel, thuộc soạn tác Thứ luật và được dùng để đóng khung các truyện tiếp theo sau: con cái Israel đã bất trung cung Yavê và đã bị Yavê phó nộp cho kẻ áp bức chúng. Con cái Israel đã kêu cầu danh Yavê và đươc Người đoái thương ban cho một vị cứu tinh, một thẩm phán. Nhưng rồi dân lại ăn ở bất trung, rồi bị phạt... Sách Thẩm phán này có ít là hai đợt ấn hành. Nhưng dấu chứng rõ rệt nhât là: hai yếu tố nối tiếp nhau trong phần nhập đề, 2:11-19 và 2:6-10 + 2:20 - 3:6 và hai kết luận cho truyện Samson, 15:20 và 16:30, có nghĩa là ch. 16 đã được thêm vào.

Sách này chưa có các phụ chương. 17-21. Các chương này không kể chuyện các thẩm phán mà lại nói các biến cố xảy ra trước việc thiết lập thể chế quân chủ và do đó các chương này đã được đưa vào phần cuối sách, sau khi lưu đày về. Các chương này họa lại những truyền thống cổ xưa và đã có một quá trình văn chương dài hay tiền văn chương, trước khi được đưa vào đây. Các ch. 17-18 thuộc một truyền thống của nhóm Ðan và các chương 19-21 thuộc về truyền thống khác có thể đã xuât phát từ Benyamin và duyệt lại tại Yuđa trong chiều hướng chống lại vương quyền Saul tại Gibơah

Sách Thẩm phán hầu như là nguồn duy nhất cho chúng ta biết về thời đại các thẩm phán. Nhưng không thể dựa vào đây để viết một lịch sử liên tục về thời này. Niên biểu đưa ra trong sách có tính cách giả tạo. Những cách áp bức cũng như các cuộc giải phóng chỉ liên quan tới một phần đất đai. Và giai đoạn các thẩm phán không kéo dài qua một thế kỷ rưỡi.

Các biến cố chính ký ức còn giữ lại chỉ có thể được định thời gian một cách phỏng chừng. Cuộc toàn thắng Tanak dưới thời Ðêbôrah và Baraq, 4-5, có thể xảy ra vào khoảng giữa thế kỷ XII, trước khi quân Mađian xâm nhập (Ghêđêon) và trước khi dân Philitin bành trướng ra ngoài phần đất của họ (Samson). Và có thể rút ra kết luận là trong giai đoạn lộn xộn này, người Israel đã phải chiến đấu không chỉ với dân cư Canaan, như các dân trong đồng bằng Izrơel bị Ðêbôrah và Baraq đánh bại, mà còn phải đương đầu với cả các dân sung quanh: Moab (Ehuđ) Ammon (Yaptê) Mađian (Ghêđêon) và Philitin mới kéo tới (Samson). Trước sự đe doạ đó, mỗi nhóm lo bảo vệ lấy phần đất của mình, thương thì liên minh với nhóm bên cạnh, 7:23, nhưng cũng có trường hợp một chi tộc hùng mạnh có thể phản đối vì đã không được mời chia chiến lợi phẩm, 8:1-3 12:1-6. bài ca Ðêbôrah, 5, chế diễu các chi tộc đã không đáp lại lời kêu gọi, nhưng điều đáng chú ý là Yuđa và Simêon đã không được nhắc đến tên.

Hai chi tộc này sống ở phía Nam, cách biệt vơi phía Bắc bởi các thành Gabaôn và Yêrusalem không thuộc Israel và tình trạng cô lập này là mầm mống cho sự ly khai sau này. Ngược lại cuộc toàn thắng trên Tanak đã đem về cho Israel cánh đồng Izrơel và nối liền nhà Yuse với các chi tộc phía Bắc. Nhưng sự thống nhất giữa các thành phần khác nhau ấy được bảo đảm trước tiên bởi sự thống chia cùng một lòng tin: tất cả thẩm phán là những kẻ tin nơi Yavê và đền thờ hòm bia ở Silô đã thành trung tâm qui tụ mọi nhóm. Mặt khác, các cuộc đấu tranh này rèn luyện nên tinh thần quốc gia và chuẩn bị cho giờ phút, trước một đe doạ chung, tất cả sẽ hợp lực lại, dưới thời Samuel.

Sách thẩm phán dạy con cái Israel bài học này là, sự áp bức là hình phạt do lòng bất tín và sự chiến thắng là hậu quả của sự trở về với Thiên Chúa. Sách huấn ca, ca ngợi sự trung thành của Thẩm phán, Hc 46:11-12. Họ trình bày các thành công của họ như phần thưởng cho lòng tin của họ, họ thuộc về khối "đám mây nhân chứng" khuyến khích tín hữu bỏ tội lỗi và can đảm gắng chịu thử thách, Hr 11:32-34 12:1.

Sách Bà Rút trong bản LXX, Vulg, và các bản dịch hiện đại, được đặt sau sách Thp. Trong T.K Hipri, Rut được đặc trong phần "các thư trước" như một trong năm cuốn sách được đọc trong các ngày lễ lớn. Rut được dùng trong lễ năm mươi. Mặc dù đề tài của Rut đưa về thời các thẩm phán, coi 1:1, nhưng sách không thuộc soạn tác theo tinh thần Thứ luật, mặc dù soạn tác này chạy dài từ Yôsua tới cuối các Vua.

Ðây là câu chuyện về bà Rut, người Moab, vợ một người ở Bêlem tới lập cư tại Moab. Sau khi chồng chết, bà đã trở về Yuđa với mẹ chồng là bà Noêmi và đã cưới Boaz, một người bà con của chồng, theo luật "anh em chồng". Con của hai người là Obeđ, sẽ là ông của Ðavit.

Một đoạn thêm vào, 4:18-22, trình bày môt phổ hệ Ðavít, song song với1 Ks 2:5-15.

Người ta tranh luận rất nhiều về thời kỳ soạn tác sách này. Mọi thời từ Ðavit, Salômon tới Nêhêmia được đưa ra làm giả thiết. Ðây là một câu chuyện xây dựng, mục đích chỉ là vạch cho thấy lòng tin tưởng đặt nơi Thiên Chúa quan phòng và tinh thần phổ quát ấy là giáo huấn của trình thuật. Sự kiện Rut nhìn nhận là tổ mẫu của Ðavit đã đem lại cho cuốn sách một giá trị đặc biệt và thánh Mt sẽ ghi tên của Bà Rut trong gia phả của Ðức Kitô, Mt 1:5.

Các Sách Samuel trong T.K. Hipri chỉ là một. Việc phân chia ra làm hai quyển là do bản dịch Hilạp. Bản dịch này đã đặt các sách Samuel cùng với sách các Vua, dưới cùng một đầu đề: bốn sách về các Triều đại, bản Vulg. Gọi là bốn sách các Vua. Gọi là sách Samuel, vì truyền thống cho rằng chính Samuel đã soạn ra.

Bản văn là một trong số những bản Cựu Ứơc được giữ lại trong một tình trạng bết bát nhất. Bản Hilạp của bản LXX đưa ra một bản văn thường khá khác, dựa vào một nguyên bản mà nhiều khúc được tìm thấy trong các hang Qumran. Do đó hẳn là phải có nhiều hiệu duyệt bằng tiếng Hipri của các sách Samuel.

Có thể chia sách ra làm năm phần:

a) Samuel, 1S 1-7

b) Samuel và Saul 1S 8-15

c) Saul và Ðavit: 1S 16 tới 2S 1

d) Ðavit 2S 2-20

e) Phụ thêm 2S 21-24.

Tác phẩm đâu kết hoặc sắp xếp nhiều nguồn văn và nhiều truyền thống khác nhau về buổi đầu của thời quân chủ. Có một truyền thống về thời Hòm Bia bị cầm giữ nơi người Philitin, 1S 4-6, và liên tục trong 2S 1. Câu truyện đươc đóng khung giữa một trình luật về một thời thơ ấu của Samuel. 1S 1-3, và một trình thuật trình bày Samuel như vị thẩm phán cuối cùng và phóng về trước giải thoát khỏi ách quân Philitin, 7. Samuel đóng một vai trò cốt cán trong lịch sử thành lập vương quyền, 1S 8-12. Từ lâu người ta đã phân biệt trong phần này hai nhóm truyền thống: 9, 10:1-16 11 và 8, 10:17-24 12. Nhóm thứ nhất, là khuynh hướng vương quyền và biến cố, và nhóm thứ hai, khuynh hướng bài quân chủ. Khuynh hướng thứ hai phải muộn thời hơn khuynh hướng thứ nhất. Thực ra, cả hai truyền thống đều xưa và chỉ nói lên những khuynh hướng khác nhau, chứ không phải đối chọi. Khuynh hướng thứ hai không đến nỗi quá "bài quân chủ" như người ta nghĩ. Khuynh hướng này chỉ chống một nên quân chủ không tôn trọng quyền của Thiên Chúa. Ch. 13-14 trình bày các cuộc chiến của Saul chống lại Philitin dưới nhãn giới bài Saul 13:7b-5a; nhãn giới bài bác này gặp lại trong 15, liên quan tới trận chiến chống lại dân Amalek. Sự bài kích Saul này chuẩn bị cho việc Samuel xức dầu cho Ðavit và về sự xung khắc giữa ông với Saul, được gộp lại trong 1S 16:14 - 2S 1. Phần cuối của câu truyện nằm trong 2S 2-5: Vương quyền của Ðavit tại Hêbron, cuộc chiến chống dân Philitin và việc đánh chiếm Yêrusalem đảm bảo cho việc xác nhận Ðavit là vua trên toàn cõi Israel, 2S 5 12. Ch. 6 tiếp câu truyện về khám. Lời tiên tri của Natan, 7, xưa, nhưng đã được sửa lại. Ch. 8 là một bản tóm lược do soạn tác. Từ 2S 9, bắt đầu một trình thuật dài sẽ chỉ kết thúc với thời đầu các vua, 1V 1-2. Ðó là câu chuyện về gia đình Ðavit cùng với các cuộc xung đột sau vụ nối ngôi, được kể bởi một nhân chứng nhãn tiền trong buổi đầu của triều Salômon. Câu chuyện bị đứt quãng bởi 2S 21-24, gộp lại các mảnh vụn, gốc khác nhau về triều đại Ðavit.

Ngoài phần 2S 9-20, có thể có nhiều phần khác đã được cấu tạo từ những thế kỷ đầu của thời quân chủ: truyện Samuel, hai truyện về Saul và Ðavit. Cũng có thể các phần này đã được đấu kết với nhau vào khoảng năm - 700, nhưng chỉ được đưa vào trong tác phẩm dưới hình thức cuối cùng của nó vào thời lịch sử trong tinh thần Thứ luật. Tuy vậy, ảnh hưởng của Thứ luật ở đây không rõ rệt trong Thp và sách của Vua. Người ta có thể nhận ra ảnh hưởng này cách riêng trong những chương đầu tác phẩm như 1S 2 22-36 7 và 12, có lẽ trong việc sửa lại lời tiên tri Natan, 2S 7, nhưng trình thuật của 1S 9-20 đã được giữ lại hầu như nguyên vẹn.

Các sách Samuel bao trùm giai đoạn từ đầu thời quân chủ tại Israel cho tới cuối thời Ðavit. Sự bành trướng của dân Philitin - chiến trận Aphek, 1S 4, vào khoảng năm - 1050 - đe dọa chính sự sống của Israel và bắt đầu cuộc sống còn của Israel và bắt buộc đưa tới nền quân chủ. Saul, vào khoảng năm - 1030, xuất hiện như kẻ nối tiếp các thẩm phán, như được tất cả các chi tộc nhìn nhận, uy tín và quyền hành của ông có tính cách bao quát và bền bỉ: vương quyền ra đời. Chiến tranh giải phóng bắt đầu và người Philitin bị đánh lui về phần đất của họ, 1S 14, nhưng các cuộc chạm trán vẫn tiệp tục xảy ra ở ven rìa đất Israel, 1S 17; 28 và 31. Trận cuối cùng thật bại và Saul chết khoảng năm - 1010. Sự thống nhất quốc gia lại một lần nữa bị đe doạ. Và Ðavit được xức dầu làm vua Hêbron do người Yuđa; các chi tộc phía Bắc thì đặt Ishbaal nhưng bị ám sát chết và Ðavit được nhìn nhận là vua trên cả Israel. Thống nhất được tái lập.

Sách thứ hai Samuel chỉ ghi lại vắn tắt những kết quả chính trị của triều đại Ðavit. Nhưng kết quả thật lớn lao. Quân Philitin bị đẩy lui vĩnh viễn, thống nhất đất nước được hoàn tất, Yêrusalem trở thành kinh đô chính của vương quốc. Tất cả những vùng bên kia Yorđan phải thuần phục và Ðavit mở rộng quyền kiểm soát trên người Aram trong vùng nam Syri. Nhưng, vào lúc Ðavit chết, khoảng năm - 970. Sự thống nhất quốc gia chưa thực sự được thực hiện; Ðavit là vua Israel và Yuđa nhưng hai khối thường chống đôi nhau: cuộc nổi loạn của Absalôm được các người phương Bắc ủng hộ, Shơba thuộc chi tộc Benyamin đã muốn xuối dân nổi dậy. Ðã có mầm mống cho sự li khai.

Các sách này mang một tín thư tôn giáo: loan báo những điều kiện và những khó khăn ở một nước Thiên Chúa ở trần gian. Lí tưởng chỉ đạt tới dưới triều Ðavit; trước đó Saul đã thất bại và tiếp theo sau là mọi bất trung của nền quân chủ, đưa tới án phạt của Thiên Chúa và được nuôi dưỡng với những lời hứa cho nhà Ðavit. Tân Ước nhắc tới ba lần, Cv 2:30 ,2C 6:18 Hr 1:5. Ðức Giê su thuộc giống Ðavit, và khi dân gọi ngài là "con Ðavit", là nhìn nhận ngài là Mêsia. Các giáo phụ đã so sánh đời của Ðavit với cuộc đời của Ðức Yêsu. Ðức Kytô được chọn để cứu chuộc mọi người, làm vua dân thiêng liêng của Thiên Chúa, nhưng ngài lại bị chính người nhà bách hại.

Cũng như sách Samuel, Sách Các Vua 1 và 2, trong thánh kinh Hipri chỉ là một tác phẩm. Hai cuốn này tương ứng với hai cuốn của bộ sách Triều đại trong bản dịch Hilạp và bản Vulg. gọi là sách các vua.

Sách các vua tiếp liền sách Samuel. Phần cuối của tài liệu 2S 9-20 nằm trong 1V 1-2. 1V 3-11 là một trình thuật dài về triều đại Salômon, một triều đại giàu sang với những công trình xây cất lớn lao huy hoàng; vua thì đầy sự không ngoan. Nhưng tinh thần chinh phục của triều đại Ðavit không còn: người ta chỉ lo duy trì, tổ chức, nhất là khai thác. Tình trạng xung khắc giữa hai thành phần dân tộc vẫn còn, và khi Salômon chết, năm - 931, vương quốc được chia ra làm hai do sự li khai của mười chi tộc phía Bắc. Tình trạng càng trở nên trầm trọng khi sự li khai này kéo theo sự ly khai về mặt tôn giáo, 1V 12-13. Từ 1V 14 tới 2V 17 là lịch sử song song của hai vương quốc, Israel và Yuđa: thường là lich sử của những cuộc xung đột của giữa hai vương quốc anh em và của những cuộc tấn công từ bên ngoài, của Aicập, của dân Aram. Nguy hiểm gia tăng khi các đạo quân của những cuộc tấn công khi các đạo quân của Assur bắt đầu xuất hiện trong vùng vào thế kỷ - IX và VIII. Năm - 721, Samari thất thủ. Yuđa đã là một nước chư hầu. Lịch sử Yuđa tiếp tục một mình cho đến ngày Yêrusalem bị phá huỷ, năm - 587 trong 2V 18-25 21. Trình thuật đã đặc biệt chú trọng vào hai triều đại, triều Ezêkias, 2V 18-20 và triều Yosias, 2V 22-23 được đánh dấu bởi sự thức tỉnh của tinh thần quốc gia và cuộc cải cách tôn giáo. Các biến cố chính trị lớn khi ấy là cuộc xâm lăng của Sennakêreb dưới triều Ezêkias năm - 701 và sự sụp đổ của Assur và sự thành lập đế quốc Kanđê, dưới triều Yosias. Yuđa buộc lòng phải thuần phục những người chủ mới của Phương Ðông. Nhưng sẽ nổi dậy và hậu quả là hình phạt: năm - 597, các đạo quân của Nabuchođonosor tới chiếm Yêrusalem và đưa một số dân đi đày. Mười năm sau, một âm mưu dành lại độc lập đã kéo theo sự can thiệp mới của Nabuchođonosor, kết thúc năm - 587. Yêrusalem bị sụp đổ và đợt đi đày thứ hai. Sách các 1V kết thúc với hai phụ chương ngắn, 2V 25 22-30.

Tác phẩm kể tên ba trong số các nguồn văn của mình: một lịch sử của Salômon, Ký sự các vua Israel và các kí sự vua của Yuđa. Ngoài ra còn các nguồn văn khác, ngoài phần cuối của tài liệu quan trọng về Ðavit, 1V 1-2, một phần mô tả Ðền thờ, gốc tư tế, 1V 17 2V 1 và 2V 2-13. Các trình thuật về triều Ezêkias, đề cập tới Ysaya xuất phát từ các đồ đệ của tiên trị này.

Khi việc soạn tác không sử dụng các nguồn văn thì các biến cố được đóng khung trong một khuôn mẫu nhất định: mỗi triều đại được đề cập tới một cách riêng rẽ, đầu và cuối các triều đại được ghi bằng những công thức hầu như nhất định, kèm theo một sự phê phán về thái độ tôn giáo của vua. Tất cả mọi vua Issrael đều bị lên án vì cái tội "nguyên thuỷ" của vương quốc này: đó là việc thành lập đền thờ Bêthel; trong số các vua của Yuđa, chỉ có tám vị là được khen ngợi vì sự trung tín đối với lệnh truyền của Yavê. Nhưng sự khen ngợi này đã sáu lần bị giới hạn bởi nhận xét: "các cao đàn không bị huỷ"; chỉ có Ezêkias và Yosias là được tán tụng không dè dặt.

Các sự phê phán hiển nhiên dựa vào luật Tl về sự thống nhất đền thờ. Nhưng hơn nữa: việc khám phá ra Tl dưới triều Yosias và cuộc cải cách tôn giáo là điểm cao của tất cả lịch sử này và tất cả tác phẩm là một sự minh chứng cho luân thuyết căn bản của Tl và được lập lại trong 1V 8 và 2 v17: nếu dân tuân giữ giao ước ký kết với Thiên Chúa sẽ được chúc lành, còn nếu vi phạm sẽ bị sử phạt. Ảnh hưởng của Tl này còn thấy trong điệu văn mỗi khi soạn giả khai triển hoặc chú giải các nguồn văn.

Có thể việc soản thảo thứ nhất theo tinh thần Tl được thực hiện trước lưu đày, trước khi Yosias chết tại Mơgiđđô - 609, và lời khen ngợi này, 2V 23 25 (trừ các câu cuối) sẽ là phần kết luận của tác phẩm tiên khởi. Một ấn bản thứ hai, cũng thuộc Tl, được thực hiện trong thời lưu đày, sau năm 562 nếu phần cuối sách hiện tại là 2V 52 22-30, và sớm hơn một chút, nếu tác phẩm ngừng sau trình thuật về cuộc đưa đi đày lần thứ hai, 2V 25 21. Và cuối cùng, có thêm ít khúc, trong và sau lưu đày.

Sách các V phải được đọc trong tinh thần, theo đó các sách này đã được viết ra: một lich sử của cuộc cứu thoát. Thái độ vô ơn của dân được chọn, sự sụp đổ kế tiếp nhau của hai phần của dân tộc xem ra đã làm hỏng kế đồ của Thiên Chúa. Nhưng người ta thấy luôn luôn có môt nhóm trung tín không chịu quì gối trước Baal, một số sót của Sion trung tín với Giao ước, để bảo đảm tương lai. Tính cách vững chắc của quyết định của Thiên Chúa được bộc lộ trong sự tồn tại liên liên tục lạ lùng của dòng dõi Ðavit, mang các lời hứa về Mêsia. Và tác phẩm, dưới hình thức cuối cùng của nó, kết thúc trên ân huệ được ban cho Yuiakin, như trên bình minh của sự cứu chuộc.