Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
<b>Video: Giáo Hội Năm Châu 12 – 18/04/2016: Tông Huấn Amoris Laetitia và phản ứng của các nhà lãnh đạo Giáo Hội trên thế giới</b>
17/04/2016 12:00:00 SA

Hôm thứ Sáu 8 tháng Tư, Tòa Thánh đã công bố Tông Huấn Amoris Laetitia, nghĩa là Niềm Vui Yêu Thương. Đây là văn bản giáo hoàng dài nhất mọi thời đại, cho đến nay, với 60,000 từ và dài 264 trang. Chúng tôi xin dành chương trình này để thứ nhất là tóm tắt mười điểm chính của Tông huấn Amoris Laetitia; tiếp đến là tường trình với quý vị và anh chị em một vài phản ứng của các nhà lãnh đạo Giáo Hội trên thế giới.

1. Tóm tắt mười điểm chính của Tông huấn Amoris Laetitia

Thứ Nhất: Giáo Hội cần phải hiểu các gia đình và các cá nhân trong tất cả sự phức tạp của họ. Giáo Hội cần phải gặp gỡ họ ở nơi họ đang sống. Thế nên các mục tử phải “tránh những xét đoán không lưu tâm đến tính phức tạp của những hoàn cảnh khác nhau” (296). Không được “đóng khung hoặc xếp loại con người một cách quá cứng nhắc mà không dành chỗ cho sự phân định mang tính mục vụ và riêng biệt” (298). Nói cách khác, không có một tiêu chuẩn chung cho tất cả mọi người. Mọi người đều được khuyến khích sống theo Phúc Âm, nhưng cũng cần được đón nhận vào trong một Giáo Hội biết trân trọng những phấn đấu của riêng họ và đối xử với họ với lòng thương xót. Cần tránh kiểu suy nghĩ rằng “mọi sự không trắng thì đen” (305). Và Giáo Hội không thể dùng luật lệ luân lý như “những tảng đá đè nặng trên cuộc sống con người” (305). Tóm lại, Ðức Thánh Cha kêu gọi phải có sự cảm thông, thương xót và đồng hành.

Thứ Hai: Vai trò của lương tâm là tối quan trọng trong những quyết định về luân lý. “Lương tâm cá nhân cần phải được hợp nhất với thực hành của Giáo Hội trong những hoàn cảnh vốn vượt khỏi sự hiểu biết của chúng ta về hôn nhân một cách khách quan” (303). Vì thế, các mục tử cần giúp đỡ các tín hữu không chỉ tuân theo lề luật, mà còn biết “phân định”, tức là đưa ra quyết định sau khi cầu nguyện (304).

Thứ Ba: Người Công Giáo ly dị và tái hôn cần phải được hội nhập vào Giáo Hội đầy đủ hơn. Bằng cách nào? Bằng cách xem xét các chi tiết cụ thể hoàn cảnh của họ, bằng cách ghi nhận “những tình tiết giảm nhẹ, khuyên bảo họ ở “tòa trong” (nghĩa là cuộc nói chuyện riêng giữa linh mục và người ấy hoặc cả hai vợ chồng), và bằng cách tôn trọng điều này: lương tâm của một người có quyền quyết định cuối cùng về mức độ tham gia vào đời sống Giáo Hội (305, 300). Các đôi vợ chồng ly dị và tái hôn cần cảm thấy mình thuộc về Giáo Hội. “Họ không bị vạ tuyệt thông và không nên được đối xử như vậy, vì họ vẫn thuộc về Giáo Hội” (243).

Thứ Tư. Mọi thành viên trong gia đình cần được khuyến khích sống đời sống Kitô hữu tốt. Phần lớn nội dung Amoris Laetitia gồm các suy niệm Phúc Âm và giáo huấn của Giáo Hội về tình yêu, gia đình và trẻ em. Nhưng nó cũng bao gồm rất nhiều lời khuyên thiết thực của Ðức Thánh Cha, có khi trích từ những bài huấn dụ và bài giảng về gia đình. Ðức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở các đôi vợ chồng rằng một cuộc hôn nhân tốt đẹp là một “tiến trình động” và mỗi bên phải chịu đựng những gì không hoàn hảo. “Tình yêu không buộc phải hoàn hảo để cho chúng ta ca tụng” (122, 113). Với tư cách mục tử, Ðức Thánh Cha khuyến khích không chỉ các đôi vợ chồng đã kết hôn, nhưng cả những người đính hôn, những người sắp làm mẹ, cha mẹ nuôi, người góa bụa, cũng như cô dì, chú bác, và các ông bà. Ðức Thánh Cha nhấn mạnh rằng đừng ai cảm thấy mình không quan trọng hoặc bị loại ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa.

Thứ Năm. Ðức Thánh Cha nói rõ: “Không thể đơn giản nói rằng tất cả những người sống trong 'hoàn cảnh bất thường' là sống trong tình trạng mắc tội trọng” (301). Những người sống trong 'hoàn cảnh bất thường', hoặc các gia đình không-truyền-thống, chẳng hạn các bà mẹ đơn thân, cần được “cảm thông, an ủi và đón nhận” (49). Khi nói đến những người này, mà thực ra với tất cả mọi người, Giáo Hội cần chấm dứt cách áp dụng luật luân lý, như thể chúng là -theo kiểu nói sống động của Ðức Thánh Cha- “những tảng đá đè nặng trên cuộc sống con người” (305).

Thứ Sáu. Ðiều áp dụng được ở nơi này có thể không áp dụng được ở nơi khác. Ðức Thánh Cha không chỉ nói về các cá nhân, nhưng còn về mặt địa lý nữa. “Mỗi quốc gia hoặc khu vực... có thể tìm kiếm các giải pháp phù hợp hơn với nền văn hóa của mình và nhạy cảm với những truyền thống của mình và nhu cầu của địa phương mình” (3). Thậm chí điều có ý nghĩa mục vụ ở nước này có thể không đúng ở nước khác. Vì lý do này và nhiều lý do khác, như Ðức Thánh Cha nói ở phần đầu của Tông huấn, không phải mọi vấn đề đều có thể được giải quyết bởi huấn quyền (3).

Thứ Bẩy. Hôn nhân là giữa một người nam và một người nữ, là bất khả phân ly; và kết hiệp đồng giới không thể được xem là hôn nhân. Giáo Hội tiếp tục đưa ra lời mời gọi xây dựng hôn nhân lành mạnh. Ðồng thời, cần xem xét xem liệu chúng ta có áp đặt lên con người một “lý tưởng thần học giả tạo về hôn nhân”, tách khỏi cuộc sống đời thường của con người (36). Có khi những lý tưởng này trở thành “gánh nặng to lớn”(122). Vì thế, các chủng sinh và linh mục cần được đào tạo tốt hơn để thấu hiểu những phức tạp trong đời sống hôn nhân của con người. “Các thừa tác viên có chức thánh thường thiếu sự đào tạo cần thiết để đối phó với các vấn đề phức tạp mà các gia đình đang phải đối mặt” (202).

Thứ Tám. Trẻ em phải được giáo dục về giới tính và tính dục. Trong một nền văn hóa thường thương mại hóa và hạ giá những diễn tả tính dục, trẻ em cần phải hiểu biết về giới tính trong “khung cảnh rộng lớn hơn của một nền giáo dục cho tình yêu và trao hiến cho nhau” (280). Ðáng buồn thay, thân xác thường được xem đơn giản chỉ như “một đồ vật để sử dụng” (153). Giới tính luôn phải được hiểu là mở ra để đón nhận món quà của sự sống mới.

Thứ Chín. Những người đồng tính cần được tôn trọng. Trong khi khẳng định dứt khoát rằng kết hiệp đồng giới không thể được xem là hôn nhân, Ðức Thánh Cha nói rằng ngài muốn tái khẳng định “trước hết” rằng người đồng tính cần phải được “tôn trọng trong phẩm giá của họ và được đối xử ân cần, và phải cẩn thận tránh 'mọi dấu hiệu phân biệt đối xử bất công', nhất là bất kỳ hình thức công kích hoặc bạo lực nào”. Gia đình có người đồng tính, lưỡng tính, chuyển giới cần được Giáo Hội và các mục tử “hướng dẫn mục vụ với lòng tôn trọng” để người đồng tính có thể thực hiện trọn vẹn ý muốn của Thiên Chúa trong đời sống của họ (250).

Thứ Mười. Mọi người đều được đón nhận. Giáo Hội phải giúp đỡ các gia đình bất cứ gia đình ấy thuộc kiểu nào, và mọi người bất cứ ở trong hoàn cảnh sống nào, vì, ngay cả trong những khiếm khuyết của họ, họ vẫn được Thiên Chúa yêu thương và có thể giúp cho người khác cảm nghiệm tình yêu ấy. Tương tự như vậy, các mục tử phải làm sao cho mọi người thấy mình được ân cần tiếp đón ở trong Giáo Hội. Amoris Laetitia đề ra nhãn quan về một Giáo Hội mục tử và thương xót, khích lệ mọi người cảm nghiệm “niềm vui tình yêu”. Gia đình là một phần thiết yếu tuyệt đối của Giáo Hội, bởi vì xét cho cùng, Giáo Hội chính là “gia đình của các gia đình” (80).

2. Đức Hồng Y Raymond Burke: Người Công Giáo nên đón nhận Tông Huấn Amoris Laetititia với sự kính trọng và tránh các diễn dịch sai lầm

Trong một bài phân tích được đăng trên tờ National Catholic Register với tựa đề “‘Amoris Laetitia’ and the Constant Teaching and Practice of the Church”, nghĩa là “Tông Huấn Amoris Laetitia và Giáo Huấn cũng như Thực Hành Thường Hằng của Giáo Hội”, Đức Hồng Y Burke khẳng định rằng người Công Giáo nên đón nhận tài liệu này của Đức Giáo Hoàng với niềm trân trọng, và họ không nên rơi vào “những xu hướng sai lầm giải thích lời của Đức Giáo Hoàng như là chủ trương duy lương tâm, mà tất nhiên là vô lý.”

Theo Đức Hồng Y, trong Tông Huấn Amoris Laetititia, Đức Thánh Cha Phanxicô không hề thay đổi và không thể thay đổi những giáo huấn về hôn nhân Công Giáo. Ngài nói: “Chìa khóa duy nhất để diễn dịch đúng đắn Amoris Laetitia là giáo huấn và kỷ luật của Giáo Hội là những điều bảo vệ và nuôi dưỡng giáo huấn này.”

Trong Tông Huấn Amoris Laetititia, Đức Thánh Cha viết: “Tôi mời gọi các tín hữu đang sống trong những hoàn cảnh phức tạp hãy tín thác đến nói chuyện với các vị mục tử của mình hoặc với những giáo dân đang sống tận tụy với Chúa. Họ sẽ không luôn luôn tìm thấy nơi những vị ấy một sự khẳng định cách lý tưởng và những ước muốn của mình, nhưng chắc chắn họ sẽ nhận được một ánh sáng giúp họ hiểu rõ hơn điều đang xảy ra và họ có thể khám phá một hành trình trưởng thành bản thân. Và tôi mời các vị mục tử hãy thân ái lắng nghe trong sự thanh thản, với ước muốn chân thành đi vào thảm kịch của con người và hiểu quan điểm của họ, để giúp họ sống tốt đẹp hơn và nhìn nhận chỗ đứng của họ trong Giáo Hội” (AL 312).

Như vậy, rõ ràng là anh chị em tín hữu “đang sống trong những hoàn cảnh phức tạp” cần phải tham vấn “với các vị mục tử của mình hoặc với những giáo dân đang sống tận tụy với Chúa” dưới ánh sáng của Lời Chúa và giáo huấn của Giáo Hội, chứ không phải là tự mình quyết định theo “lương tâm” trước những thực hành và kỷ luật của Giáo Hội như những diễn dịch sai lầm của một số phương tiện truyền thông thế tục.

Trong thời gian Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình, Tổng Giám Mục Blaise Cupich của Chicago đưa ra một chủ trương duy lương tâm. Ngài nói: “Tôi nghĩ rằng khi người ta lên rước lễ, không một thừa tác viên phân phối Thánh Thể nào có quyền quyết định về sự xứng đáng hay thiếu xứng đáng của người đó. Điều đó tùy thuộc vào lương tâm cá nhân.”

Ngài nói thêm: “Tôi hy vọng rằng những người Công Giáo địa phương nào trước đó đã không dám rước lễ xin hãy đón nhận vào lòng mình thông điệp này của Chúa Giêsu: ‘Tất cả các con hãy cầm lấy mà ăn’, và hãy nhớ rằng Chúa Giêsu chào đón tất cả mọi người vào bàn tiệc mà không đặt ra bất cứ điều kiện nào, thậm chí Ngài đón nhận cả Giuđa.”

Quan điểm cực đoan của Tổng Giám Mục Blaise Cupich không tiêu biểu cho quan điểm của các nghị phụ Hoa Kỳ tại Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình. Tuy nhiên, nó phù hợp với nhiều phương tiện truyền thông từ trước đến nay vẫn có ác cảm với giáo huấn của Giáo Hội về hôn nhân và gia đình nên được “lăng xê” tối đa. Theo cái đà đó, người ta cũng cố diễn dịch sai lạc Tông Huấn Amoris Laetitia theo chiều hướng “duy lương tâm” của Tổng Giám Mục Blaise Cupich.

Bàn về quan điểm cực đoan này của Tổng Giám Mục Chicago, Đức Cha Thomas John Joseph Paprocki, Giám Mục giáo phận Springfield, Illinois viết: “Điều quan trọng là phải thẳng thắn nói rằng” trái với quan điểm của Tổng Giám Mục Cupich cá nhân phải đào luyện lương tâm của họ phù hợp với giáo huấn của Giáo Hội, chứ không thể nại đến lương tâm để bác bỏ hay chấp nhận giáo huấn của Giáo Hội.

Ngài nói thêm: “Giáo luật 916 khuyên ‘những ai ý thức mình đang mắc tội trọng’ không được Rước Mình Thánh Chúa”. Bên cạnh đó, giáo luật 915 cũng yêu cầu hàng giáo sĩ không được cho rước lễ “những người bị vạ tuyệt thông và những người bị cấm chế sau khi hình phạt đã được tuyên kết hay tuyên bố, cũng như những người ngoan cố sống trong tội trọng tỏ tường”.

Đức Cha Paprocki nhắc nhở rằng dụ ngôn tiệc cưới là một lời cảnh giác cho những ai rước lễ không xứng đáng:

“Bấy giờ nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới, mới hỏi người ấy: ‘Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới?’ Người ấy câm miệng không nói được gì. Nhà vua liền bảo những người phục dịch: ‘Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng!’” (Mt 22: 11-13).

Đức Hồng Y Burke kết thúc những suy tư của ngài bằng cách lưu ý rằng trong suốt sứ vụ linh mục của mình, ngài đã chăm sóc cho một số người Công Giáo sống trong những hoàn cảnh hôn nhân phức tạp. Ngài cho biết: “Mặc dù đau khổ của họ rất tỏ tường với bất kỳ ai có một tâm hồn từ bi, điều tôi thấy rõ ràng hơn bao giờ trong những năm qua đó là dấu chỉ đầu tiên của sự tôn trọng và tình yêu đối với họ là phải nói sự thật với họ trong tình yêu.”

3. Các phản ứng khác của các nhà lãnh đạo Giáo Hội

Nhiều vị lãnh đaọ Giáo Hội trên khắp thế giới đã chào mừng và đón nhận Tông huấn này với thái độ tích cực, dù các ngài cũng nhận ra sự thất vọng của một số người. Ðiểm nổi bật của Tông huấn chính là “giọng văn” của lòng thương xót được thể hiện trong Tông huấn, như Ðức Hồng Y Wilfrid Napier of Durban, của Nam Phi nhận định. Ngài nói: “Tông huấn kêu gọi các thừa tác viên hãy dịu dàng thân thiện trong cách các ngài gặp gỡ những người đang ở trong những tình cảnh khó khăn”, và cũng lưu ý là không có một cách thế tiếp cận phù hợp cho tất cả mọi trường hợp, và Giáo Hội địa phương được mời gọi thích nghi giáo huấn của Thượng hội đồng cho những hoàn cảnh cụ thể.

Các Giám mục nhìn nhận đây là một văn kiện dài, nhưng như Ðức Thánh Cha Phanxicô đã nói, bạn không thể lướt qua nó, nhưng cần suy tư. Ðức Tổng Giám mục Diarmuid Martin của Dublin gọi Tông huấn “Amoris Laetitia” là một bách khoa toàn thư, và giống như các bách khoa toàn thư, nhiều nội dung giá trị của nó bị bỏ qua bởi vì nguời ta chỉ quan tâm đến một hay hai khía cạnh. Ngài cho biết tài liệu này không phải là một sưu tập của những chương riêng rẽ, nhưng có một dây liên kết là: Phúc âm về gia đình đang bị thách đố và đòi hỏi, nhưng với ơn Chúa và lòng thương xót của Người, nó có thể đạt được và hoàn thành, làm phong phú và đáng giá.

Ðức Cha Peter Doyle của Northampton, Anh quốc, Chủ tịch Ủy ban Hôn nhân gia đình của Hội đồng Giám mục Anh quốc và xứ Welsh, cũng là tham dự viên của Thượng hội đồng, lập lại ý tưởng của Ðức Thánh Cha Phanxicô: “mỗi tình huống thì khác nhau và cần được tiếp cận với tình yêu, lòng thương xót và trái tim mở rộng”, để trả lời cho những người thất vọng vì tài liệu không đưa ra một giải quyết rõ ràng, phân định trắng đen. Ngài nhận xét: “Thông điệp chú trọng đặc biệt đến sự cần thiết của việc đồng hành với những nguời cảm thấy bị loại trừ và làm cho mọi người biết rằng họ được Thiên Chúa yêu thương, và đó là một tình yêu dịu dàng, nhưng cũng thách đố chúng ta thay đổi”.

“Tài liệu gói gọn cái nhìn của Ðức Thánh Cha về Giáo Hội như một bệnh viện dã chiến, điều trị các người bị thương tích và chờ đợi những người có nhu cầu”, là nhận xét của Ðức Cha Pedro Maria Laxague, chủ tịch Ủy ban về Giáo dân và gia đình của Hội đồng Giám mục Ác-hen-ti-na. Ðức cha nói: “Không có một gia đình tốt hay một gia đình xấu. Tất cả đều cần các quan tâm mục vu.” Ngài nói: Tông huấn đề cập đến các thực tại mà gia đình có thể gặp. Ngài cũng nói: Hôm nay Giáo Hội đã tỉnh thức trước các thực tế của gia đình. Chúng tôi có thể đồng hành với các dạng gia đình như một Giáo Hội, một cộng đoàn trong mọi tình huống. Cũng trong ý tưởng này, cha Hugo Valdemar, phát ngôn của Tổng giáo phận Mexico khen ngợi văn kiện đã bao gồm các quan điểm khác nhau, cả những quan niệm bảo thủ, và cho phép các lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo địa phương vài cách biện phân để quyết định cách mở rộng cánh của Giao hội cho những ai bị gạt qua một bên theo truyền thống. Theo cha, “có một sự cởi mở nhưng trong truyền thống.”

Cha David Neuhaus, dòng Tên, đại diện Thượng phụ của cộng đoàn nói tiếng Do thái của tòa Thượng phụ Latin ở Giê-ru-sa-lem nhận đinh: những ai chờ đợi những tiêu đề ngon ngọt sẽ thất vọng. Văn kiện mời gọi mọi người đọc, suy tư và giúp cho các Linh mục và Giám mục nhận ra là không có ai ở bên ngoài sự chăm sóc của Giáo Hội. Cha nói: “Không có ai ở bên ngoài Giáo Hội, không có vấn đề dù cho hoàn cảnh thế nào# bạn không thể mang sách luật ra và phán 'anh phải đi ra ngoài lề'. Mọi người phải được cư xử cách tôn trọng và với tình yêu thương.”

Ðức Tổng Giám mục Mark Coleridge of Brisbane nhận định là tài liệu này cũng là hướng dẫn quý giá cho các người làm công tác mục vụ đồng hành với các cặp hôn nhân. Một đàng văn kiện vẫn theo giáo huấn của Tin mừng và Giáo Hội, đàng khác là những thực hành khôn ngoan, là kết quả của kinh nghiệm mục vụ lâu dài cho các đôi bạn và gia đình. Ðức Tổng Giám mục Paul-Andre Durocher của Gatineau, Quebec, nói: “phương thức tiếp cận này đã được các nhân viên mục vụ và các Linh mục khuyến khích từ lâu nhung bây giờ nó được cung cấp một nền tảng thần học chắc chắn hơn.” Theo Ðức cha, tài liệu mời gọi chúng ta theo các giáo huấn của Thánh kinh và Hội thánh cách nghiêm túc đồng thời cũng đón nhận thực tế là các đôi vợ chồng đang gặp nhiều khó khăn.

Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/182556.htm

CÁC TIN KHÁC: