Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Video: Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô – Lễ mở cửa Thánh tại Đền Thờ Đức Bà Cả
06/01/2016 12:00:00 CH

1. Lễ nghi mở cửa thánh tại Đền Thờ Đức Bà Cả

Đền Thờ Đức Bà Cả tại Rôma là đền thờ cuối cùng trong 4 đại đền thờ nơi các cửa Năm Thánh Lòng Thương Xót đã được mở. Không phải vì đền thờ này kém phần quan trọng nhưng thật là chính đáng và xứng hợp để thực hiện nghi thức này trong ngày lễ kính Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa.

Vào lúc 5 giờ chiều ngày thứ Sáu 1 tháng Giêng, Đức Thánh Cha đã đến nhà thờ Đức Bà Cả chủ sự thánh lễ và nghi thức mở Cửa Năm Thánh. Tham dự thánh lễ đặc biệt có 350 người nghèo, ăn xin và vô gia cư ở Roma.

Sau lễ nghi sám hối Đức Thánh Cha đã đọc lời nguyện sau đây: “Lậy Thiên Chúa là Cha toàn năng và thương xót, Chúa ban cho Giáo Hội Chúa một thời gian của ơn thánh, sám hối, và tha thứ, để Giáo Hội được vui mừng canh tân nội tâm nhờ công trình của Chúa Thánh Thần, và luôn luôn trung thành hơn bước đi trong các đường lối Chúa, loan báo cho thế giới Tin Mừng cứu độ. Một lần nữa xin hãy mở cửa lòng thương xót Chúa và một ngày kia đón nhận chúng con vào trong nhà Chúa trên trời, nơi Đức Giêsu Con Chúa, đã đi trước chúng con, Người là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.”

Tiếp đến cộng đoàn hát kinh xin Chúa Thánh Thần đến. Khi kết thúc, Đức Thánh Cha lặng lẽ bước lên bậc mở Cửa Thánh, dừng lại cầu nguyện trên ngưỡng cửa, rồi bước vào bên trong, theo sau là các vị đồng tế và đại diện giới tu sĩ nam nữ và giáo dân. Trong khi Đức Thánh Cha và đoàn đồng tế tiến tới bàn thờ ca đoàn hát bài thánh ca Năm Thánh Lòng Thương Xót.

Tất cả các bài sách thánh cũng giống như trong thánh lễ ban sáng và đều được đọc hay hát bằng tiếng Ý.

Cùng Mẹ Maria bước qua Cửa Năm Thánh và để cho Mẹ đồng hành với chúng ta trong cuộc sống

Giảng trong thánh lễ Đức Thánh Cha đã quảng diễn ý nghĩa bài thánh ca “Kính chào Mẹ của lòng thương xót, Mẹ của Thiên Chúa và Mẹ của sự tha thứ, Mẹ của hy vọng và Mẹ của ơn thánh, Mẹ tràn đầy niềm vui thánh thiện”. Ngài nói: “Trong ít lời này gói ghém tổng hợp đức tin của các thế hệ tín hữu, dán mắt nhìn hình ảnh của Đức Trinh Nữ và xin Mẹ bầu cử và ủi an. Cửa Thánh vừa mở là một Cửa của Lòng Thương Xót. Bất cứ ai bước qua ngưỡng cửa này đều được mời gọi dìm mình trong tình yêu thương xót của Thiên Chúa Cha, với sự tin tưởng tràn đầy không chút sợ hãi, và từ Vưong cung thánh đường này cơ thể ra đi với xác tín Mẹ Maria đồng hành bên cạnh. Mẹ là Mẹ của lòng xót thương, bởi vì Mẹ đã sinh ra trong cung lòng Mẹ chính Gương mặt lòng xót thương của Thiên Chúa là Đức Giêsu, Emmanuel Thiên Chúa ở cùng chúng ta, Đấng được mọi dân tộc trông đợi, “Hoàng Tử Hoà Bình” (Is 9,5). Con Thiên Chúa nhập thể làm người để cứu rỗi chúng ta đã ban cho chúng ta Mẹ Người, Đấng cùng chúng ta hành hương để không bao giờ chúng ta cô đơn trên con đường cuộc sống, nhất là trong những lúc không chắc chắn và khổ đau.

Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa thứ tha, vì thế chúng ta có thể nói rằng Mẹ là Mẹ của tha thứ. Từ tha thứ bị tâm thức trần tục hiều lầm biết bao, trái lại ám nó chỉ hoa trái tinh tuyền nguyên thuỷ của đức tin kitô. Ai không biết tha thứ, thì đã không biết sự tràn đầy của tình yêu. Và chỉ có ai yêu thương thật sự, mới có thể đạt sự tha thứ, bằng cách quên đi sự xúc phạm đã nhận lãnh. Dưới chân thập giá Mẹ Maria trông thấy Con mình dâng hiến tất cả chính Ngài, và như vậy Mẹ chứng kiến việc yêu thương như Thiên Chúa yêu thương có nghĩa là gì. Trong lúc đó Mẹ nghe Chúa Giêsu nói lên các lời mà chắc hẳn dấu ẩn điều Mẹ đã dậy Ngài ngay từ nhỏ: “Lậy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,24). Trong lúc đó Mẹ Maria đã trở thành Mẹ của sự tha thứ đối với tất cả chúng ta. Noi gương Chúa Giêsu và với ơn thánh Ngài ban, chính Mẹ đã có khả năng tha thứ cho những người đang giết Người Con vô tội của Mẹ.

Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài giảng: Đối với chúng ta, Mẹ Maria trở thành hình ảnh Giáo Hội phải trải dài sự tha thứ cho những ai kêu cầu ơn ấy làm sao. Mẹ của sự tha thứ dậy Giáo Hội rằng sự tha thứ đã được cống hiến trên đồi Golgotha không có giới hạn. Luật lệ với các lý luận chi li của nó cũng như sự khôn ngoan của thế giới này với các phân biệt của nó không thể ngăn chặn được sự tha thứ. Sự tha thứ của Giáo Hội cũnv phải trải dài ra như sự tha thứ của Chúa Giêsu trên thập giá và của Mẹ Maria đứng dưới chân Người. Không có lựa chọn nào khác. Chính vì thế Chúa Thánh Thần dã khiến cho các Tông Đồ trở thành các dụng cụ hữu hiệu của sự tha thứ, bởi vì những gì đã có được do cái chết của Chúa Giêsu có thể tới với mọi người, tại khắp nơi và trong mọi thời (x. Ga 20,19-23).

Sau cùng, bài thánh thi của Mẹ Maria tiếp tục nói: “Mẹ của niềm hy vọng và Mẹ của ơn thánh, Mẹ tràn đầy niềm vui thánh thiện”. Hy vọng, ơn thánh và niềm vui thánh thiện là chị em với nhau: tất cả là ơn của Chúa Kitô, còn hơn thế nữa, chúng là tên gọi của Ngài được viết trên thịt xác của Ngài. Món quà mà Mẹ Maria ban cho chúng ta khi cho chúng ta Chúa Giêsu Kitô là ơn tha thứ canh tân cuộc sống, cho phép nó lại thực thi ý muốn của Thiên Chúa, và làm cho nó tràn đầy hạnh phúc đích thật. Ơn ấy mở rộng trái tim để nhìn tương lai với niềm vui của người hy vọng… Sức mạnh của ơn tha thứ là liều thuốc chống lại sự buồn phiền do hận thù và báo oán gây ra. Sự tha thứ mở ra cho niềm vui và sự thanh thản, bởi vì nó giải thoát linh hồn khỏi các tư tưởng của sự chết, trong khi hận thù và báo oán xúi bẩy tâm trí và xé nát con tim, bằng cách lấy mất đi sự nghỉ ngơi và an bình.

Chúng ta hãy đi qua Cửa Thánh Lòng Thương Xót với xác tín về sự đồng hành của Đức Trinh Nữ, Thánh Mẫu của Thiên Chúa, bầu cử cho chúng ta. Hãy để cho Mẹ đồng hành với chúng ta để tái khám phá ra vẻ đẹp của cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Con Mẹ. Hãy mở toang cánh cửa con tim chúng ta ra cho niềm vui của sự tha thứ, ý thức về niềm hy vọng tin tưởng được trả lại cho chúng ta, để biến đổi cuộc sống thường ngày của chúng ta trở thành một dụng cụ khiêm tốn của tình yêu Thiên Chúa.

Các lời nguyện giáo dân được hát bằng tiếng Ý xin Chúa thánh hoá Giáo Hội trong chân lý và sự thật, ban cho các nhà lãnh đạo sự khôn ngoan và trí phân định, giải thoát các tù nhân của thù hận và tội lỗi, làm nảy sinh ra các thừa sai mới của Tin Mừng và ơn tha thứ, làm sống dậy trong gia đình tình yêu thương và lòng trung thành, hướng dẫn người trẻ tới ơn trao ban chính mình và sống thánh thiện, cúi xuống trên người nghèo với sự hiền dịu và quan phòng, đón nhận các anh chị em đã qua đời vào nước của ánh sáng và niềm vui.

2. Nguyện Chúa ghé mắt nhìn anh em và rủ lòng thương anh em

Trong bài huấn dụ trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa ngày đầu Năm Dương Lịch, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khích lệ mọi người noi gương Mẹ Maria biến tất cả mọi sự trong đời thành lời cầu nguyện, mở rộng con tim và chú ý tới tha nhân, vì đó là con đường giúp chinh phục hoà bình. Ngài nói: “Bắt đầu năm mới thật là đẹp trao đổi với nhau các lời cầu chúc. Như thế chúng ta canh tân ước mong cho nhau rằng điều chờ đợi chúng ta tốt đẹp hơn một chút. Nói cho cùng, đó là một dấu chỉ của hy vọng linh hoạt chúng ta và mời gọi chúng ta tin vào sự sống. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng năm mới sẽ không thay đổi tất cả, biết bao nhiêu vấn đề của ngày hôm qua sẽ vẫn là những vấn đề của ngày mai. Vì thế tôi muốn gửi tới anh chị em một lời cầu chúc được một niềm hy vọng cụ thể nâng đỡ, mà tôi rút tiả ra từ phụng vụ hôm nay.

Đó là những lời mà chính Chúa đã xin để chúc lành cho dân Ngài: “Nguyện Chúa làm cho gương mặt Ngài rạng ngời trên anh em… Nguyện Chúa ghé mắt nhìn anh em và rủ lòng thương anh em” (Ds 6,25-26).

Đức Thánh Cha đã cầu chúc mọi người như sau:

Tôi cũng xin cầu chúc anh chị em điều này: xin Chúa ghé mắt nhìn anh chị em để anh chị em có thể vui mừng, biết rằng mỗi ngày gương mặt thương xót của Ngài rạng rỡ hơn mặt trời ngời sáng trên anh chị em, và không bao giờ lặn! Khám phá ra guơng mặt của Thiên Chúa canh tân cuộc sống. Vì Ngài là một Người Cha si mê con người, không bao giờ mệt mỏi bắt đầu trở lại với chúng ta để canh tân chúng ta. Tuy nhiên, Thiên Chúa không hứa các thay đổi ảo thuật. Ngài không dùng cây đũa thần. Ngài thích thay đổi thực tại từ bên trong, với lòng kiên nhẫn và tình yêu thương; Ngài xin được vào trong cuộc sống chúng ta với sự tế nhị, như mưa rơi trên đất để làm cho nó sinh hoa kết trái. Và Ngài luôn luôn chờ đợi chúng ta với sự dịu hiền. Mỗi sáng, khi thức dậy, chúng ta có thể nói: “Hôm nay Chúa làm cho gương mặt Ngài rạng ngời trên tôi”.

Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ: “Lời chúc lành của Thánh Kinh tiếp tục như sau: “Xin Chúa ban bình an cho ngươi” (c. 26). Hôm nay chúng ta cử hành Ngày Hoà Bình Thế Giới, với đề tài: “Chiến thắng thờ ơ và chinh phục hoà bình”. Hoà bình mà Thiên Chúa Cha ước mong gieo vãi trong thế giới, phải được chúng ta vun trồng. Không chỉ có thế, nó cũng phải được chinh phục. Điều này bao gồm một cuộc chiến đấu đích thật, một cuộc chiến tinh thần xảy ra trong con tim chúng ta. Vì kẻ thù của hoà bình không chỉ là chiến tranh, mà cả sự dửng dưng nữa, khiến cho người ta chỉ nghĩ tới mình và tạo ra các hàng rào, nghi ngờ, sợ hãi và khép kín. Cám ơn Chúa, chúng ta có biết bao tin tức; nhưng đôi khi chúng ta bị chìm ngập trong tin tức đến độ lo ra không để ý tới các thực tại, tới người anh chị em cần chúng ta giúp đỡ. Chúng ta hãy bắt đầu mở rộng con tim, bằng cách chú ý đến tha nhân. Đó là con đường để chinh phục hoà bình.

Xin Đức Nữ Vương Hoà Bình, Mẹ Thiên Chúa, mà chúng ta mừng lễ trọng hôm nay, giúp chúng ta. Phúc Âm hôm nay khẳng định rằng Mẹ “giữ gìn mọi điều ấy và suy gẫm trong lòng” Lc 2,19). Đó là những điều gì vậy? Chắc chắn đó là niềm vui vì Chúa Giêsu sinh ra, nhưng cũng là các khó khăn Mẹ đã gặp: Mẹ đã phải đặt Con Mẹ trong một máng cỏ, vì đã “không có chỗ cho họ trong quán trọ” (c. 7) và tương lai rất vô định. Các niềm hy vọng và các lo lắng, lòng biết ơn và các vấn đề, tất cả những điều đã xảy ra trong đời, trong tim Mẹ Maria, đã trở thành lời cầu nguyện, đối thoại với Thiên Chúa. Đó là bí quyết của Mẹ Thiên Chúa. Và Mẹ cũng làm như thế cho chúng ta: giữ gìn các niềm vui và tháo gỡ các nút thắt của cuộc sống chúng ta, bằng cách đem chúng đến với Chúa.

Chiều hôm nay tôi sẽ đến Đền Thờ Đức Bà Cả để mở Cửa Thánh. Chúng ta hãy phó thác cho Mẹ năm mới, để cho hoà bình và lòng thương xót lớn lên.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành toà thánh đầu năm cho mọi người.

3. Trông cậy vào lòng thương xót của Thiên Chúa sẽ mở ra những khung trời tự do.

Trong bài giảng thánh lễ sáng ngày 14 tháng 12, tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ đề tài “Trông cậy vào lòng thương xót của Thiên Chúa sẽ mở ra những khung trời tự do. Sự cứng lòng của các thượng tế và kỳ mục, như được nhắc đến trong bài đọc Tin Mừng, đã khép kín con tim và từ đó gây ra nhiều điều tồi tệ.

Bài đọc một trích sách Dân Số kể về chuyện ông Bi-lơ-am. Ông là vị tiên tri được nhà vua phái đi để nguyền rủa Israel. Chắc chắn, ông Bi-lơ-am đã gây ra những lỗi lầm, thậm chí đã phạm tội. Bởi vì tất cả mọi người đều có tội. Tất cả đều là tội nhân. Nhưng chúng ta đừng hoảng sợ, vì Thiên Chúa cao cả hơn tội lỗi chúng ta. Trong cuộc hành trình của mình, ông Bi-lơ-am gặp thiên thần của Thiên Chúa và tâm hồn ông đã được biến đổi, không chỉ là thay đổi chọn theo bên nào nhưng là biến đổi từ điều lầm lạc sang chân lý. Hơn hết, ông đã dám nói điều ông chứng kiến. Thực vậy, khi đứng nhìn về sa mạc nơi dân Thiên Chúa đang đóng trại, Bi-lơ-am đã thấy hoa trái thánh thiện, vẻ đẹp và sự vinh thắng của dân tộc Israel. Ông đã mở lòng mình ra, đã hoán cải, đã nhìn ra xa và nhìn thấy chân lý. Với ý hướng tốt lành, người ta luôn có thể nhìn thấy chân lý. Và chính chân lý ấy sẽ đem đến niềm trông cậy.

Đức Thánh Cha nói tiếp như sau:

Trông cậy là một nhân đức Kitô giáo. Mỗi người chúng ta đều có nhân đức ấy, vì nó là món quà tuyệt vời Thiên Chúa ban tặng. Nhân đức Cậy giúp chúng ta nhìn ra xa; nhìn vượt lên trên những khó khăn, những vấn nạn, những đau khổ và thách đố; và nhìn vượt lên trên tội lỗi của chúng ta. Chính niềm trông cậy giúp chúng ta nhìn thấy vẻ đẹp của Thiên Chúa.

Một người có lòng cậy trông sẽ được mạnh sức để đối diện với những khoảnh khắc tồi tệ của cuộc sống: khi ốm đau, bệnh tật; khi vất vả lo lắng cho con cái hoặc một người thân trong gia đình. Với nhân đức Cậy, dù giữa những khổ đau, người ta luôn có được đôi mắt sắc bén, luôn có tự do để nhìn vượt lên trên thực tại để chạm tới niềm hy vọng. Đây chính là lời tiên tri mà hôm nay Giáo Hội nhắn gởi chúng ta: Giáo Hội muốn chúng ta là những người biết cậy trông, nhất là trong những khó khăn, thách đố của cuộc sống. Lòng trông cậy mở ra những khung trời tự do chứ không phải gông cùm nô lệ. Nhân đức Cậy luôn có chỗ để sắp xếp và xử lý mọi trạng huống trong cuộc sống.

Trong bài Tin Mừng ngày hôm nay, những thượng tế và kỳ mục trong dân đã chất vấn Đức Giêsu về quyền nào để Ngài làm những điều ấy. Và như thế, họ đã không hề có những chân trời rộng mở. Họ khóa kín mình trong những toan tính cá nhân. Họ bị cầm tù nô lệ trong chính sự cứng lòng của mình. Những con người toan tính luôn đóng kín cánh cửa tâm hồn và dập tắt tự do, trong khi đó niềm hy vọng cậy trông lại dẫn chúng ta đến vùng trời chan hòa ánh sáng.

Sự tự do, tính cao thượng và lòng trông cậy đẹp đến là dường nào. Nhưng thật là xấu xa và tội tệ nếu con cái Giáo Hội lại cứng đầu bướng bỉnh, lòng chai dạ đá. Sự cứng lòng chính là thái độ của những người không có lòng trông cậy. Trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này, có hai con đường mở ra phía trước: Con đường thứ nhất dành cho những ai trông cậy vào lòng thương xót của Thiên Chúa và biết rằng Thiên Chúa là Cha luôn tha thứ, tha thứ tất cả. Đằng sau sa mạc khô cằn của tội lỗi là cái ôm nồng thắm và sự thứ tha của Thiên Chúa đang đón chờ. Con đường thứ hai dành cho những người đi tìm nơi trú ẩn trong kiếp sống nô lệ của sự cứng lòng và chẳng biết gì về lòng thương xót của Thiên Chúa. Có thể họ là những bậc tiến sỹ, đã học hành và nghiên cứu thật nhiều, nhưng sự hiểu biết và những bằng cấp ấy không thể cứu được họ.”

Đức Thánh Cha kết thúc bài giảng bằng cách kể một câu chuyện đã xảy ra năm 1992 ở Buenos Aires, nước Argentina, trong một thánh lễ dành cho bệnh nhân: “Có một bà cụ đã 80 tuổi đến xưng tội thật lâu. Tuy mắt mũi đã kèm nhèm nhưng cụ lại có lòng trông cậy và có thể nhìn vượt lên trên những thực tại tầm thường. Tôi nói với bà: ‘Ngoại ơi, ngoại đến xưng tội ạ?’ Hỏi như thế, vì tôi vừa mới bước ra khỏi tòa giải tội để chuẩn bị đi. Bà cụ đáp: ‘Dạ.’ Tôi nói với cụ: ‘Ngoại làm gì có tội mà xưng?’ Bà cụ đáp: ‘Cha ơi, con là kẻ tội lỗi. Con phạm rất nhiều tội. Nhưng chắc chắn Chúa sẽ tha thứ cho con. Chúa tha thứ tất cả, phải không cha?’ Tôi hỏi lại: ‘Nhưng tại sao cụ biết Thiên Chúa tha thứ tất cả?’ Cụ đáp: ‘Thưa cha, nếu Thiên Chúa không tha thứ tất cả, thế giới này đã tan thành tro bụi, chứ chẳng thể tồn tại được.’ Quả vậy, trước mặt bà cụ này chỉ có sự tự do và niềm trông cậy. Và chính điều đó đã kéo xuống cho bà lòng thương xót của Thiên Chúa. Sự khép kín, cái tôi chủ nghĩa chỉ khiến con người rơi vào tình trạng nô lệ vì cứng lòng mà thôi. Chúng ta hãy nhớ bài học của bà cụ 80 tuổi này: Thiên chúa tha thứ tất cả. Ngài đang trông chờ chúng ta bước lại gần Ngài.”

4. Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha Phanxicô trong tháng Giêng

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Trong tháng Giêng 2016, ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha là:

Ý chung: Cầu cho việc đối thoại chân thành giữa những người thuộc các tôn giáo khác nhau, mang lại các kết quả hoà bình và công lý.

Ý truyền giáo: Cầu cho các Kitô hữu, có thể vượt qua những chia rẽ, nhờ các phương thế đối thoại, tình bác ái huynh đệ và ân ban của Chúa Thánh Thần.

5. Bi kịch trong mầu nhiệm nhập thể của Con Thiên Chúa

Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật ngày 03 tháng Giêng với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi mọi người hãy biết mở lòng ra để đón nhận Ngôi Hai Thiên Chúa đã nhập thể làm người.

Mở đầu bài huấn dụ, Đức Thánh Cha nói:

“Các bài đọc phụng vụ ngày hôm nay, Chúa Nhật thứ hai sau lễ Giáng Sinh, trình bày cho chúng ta Lời Tựa mở đầu Phúc Âm theo thánh Gioan. Đoạn Lời Tựa ấy đã tuyên bố rằng: ‘Ngôi Lời – hay Ngôi Lời Thiên Chúa tạo dựng – đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta’ (Ga 1, 14). Ngôi Lời, Đấng ngự trên trời, đã đến trần gian để chúng ta được lắng nghe, được nhận biết và có thể tiếp chạm vào tình yêu của Thiên Chúa là Cha. Ngôi Lời Thiên Chúa cũng chính là người Con Một, Đấng đã nhập thể làm người, luôn tràn đầy ân sủng và sự thật (Ga 1, 14). Đó chính là Đức Giêsu.

Đức Thánh Cha nói tiếp:

Thánh Sử Gioan đã không hề che dấu tính bi kịch trong mầu nhiệm nhập thể của Con Thiên Chúa khi cho thấy rằng con người đã khước từ, không chấp nhận quà tặng tình yêu của Thiên Chúa. Ngôi Lời chính là ánh sáng, nhưng con người lại ưa thích bóng tối; Ngôi Lời đã ở giữa thế gian, nhưng thế gian lại không nhận biết Người (Ga 9-10). Thế gian đã khép cửa chối từ Con Thiên Chúa. Sự dữ đang đe dọa cuộc sống của chúng ta và đòi hỏi chúng ta phải thận trọng vì nó đang diễn ra lan tràn khắp nơi. Sách Sáng Thế đề cập đến một câu rất hay giúp chúng ta hiểu được điều này: Tội lỗi đang ‘nằm phục ở cửa’ (St 4,7). Thật khốn cho chúng ta nếu chúng ta để cho tội lỗi đi vào nhà mình. Bởi vì, một khi tội lỗi đã đi vào, nó sẽ đóng kín cánh cửa tâm hồn chúng ta lại và không hề mở ra cho bất kỳ ai nữa. Nhưng chúng ta lại được mời gọi phải mở cửa tâm hồn trước Lời Chúa, chính là Đức Giêsu, để nhờ đó mà ta được trở nên con cái của Thiên Chúa.

Trong ngày lễ Giáng Sinh, Lời Tựa mở đầu trong Tin Mừng thánh Gioan cũng đã được lọng trọng công bố. Ngày hôm nay, chúng ta lại được lắng nghe thêm một lần nữa. Qua đó, Mẹ Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy đón nhận Ngôi Lời cứu độ, mầu nhiệm của ánh sáng. Nếu chúng ta đón nhận Ngôi Lời, đón nhận Đức Giêsu, chúng ta sẽ được triển nở trong sự hiểu biết và trong tình yêu mến Thiên Chúa, chúng ta sẽ học biết để có được lòng thương xót như Ngài. Trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này, chúng ta được mời gọi làm cho Tin Mừng trở thành một phần trong đời sống chúng ta. Chúng ta hãy lắng nghe Tin Mừng, suy niệm Tin Mừng, và nội tâm hóa Tin Mừng trong cuộc sống thường ngày. Đó sẽ là cách thức tốt đẹp để chúng ta hiểu biết hơn về Đức Giêsu và có thể đem Giêsu đến cho người khác. Ơn gọi và niềm vui của bất kỳ ai đã lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội là giới thiệu và trao tặng cho người khác chính Đức Giêsu. Nhưng để làm được điều này, chúng ta phải biết Đức Giêsu và để cho Ngài đi vào trong tâm hồn chúng ta, và trở thành Thiên Chúa của cuộc sống chúng ta. Thiên Chúa sẽ bảo vệ chúng ta khỏi sự dữ, khỏi ác thần, là những kẻ luôn rình rập trước cánh cửa tâm hồn chúng ta và chực chờ để bước vào.

Bằng tấm lòng của người con thảo hiếu, một lần nữa chúng ta hãy tín thác nơi Mẹ Maria: Mẹ là Mẹ Thiên Chúa và cũng là mẹ chúng ta. Chúng ta đã có dịp chiêm ngắm Mẹ nơi hang đá, trong suốt những ngày này.

6. Noi gương khiêm nhường của Thiên Chúa trở thành trẻ thơ để cứu rỗi loài người

Sáng thứ Tư 30 tháng 12 là buổi tiếp kiến chung cuối cùng trong năm 2015. Tuy trời mùa đông Roma khá lạnh, nhưng buổi tiếp kiến vẫn diễn ra tại công trường thánh Phêrô vì có hơn 20.000 người tham dự, trong đó có 6.000 trẻ em thuộc hàng trăm ca đoàn về Roma hành hương Năm Thánh và tham dự đại hội quốc tế các ca đoàn thiếu nhi lần thứ 40.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã khích lệ mọi người học hỏi nơi Chúa Giêsu cung cách sống bằng cách nhìn cuộc sống của các trẻ em, từ bỏ yêu sách tự lập và tiếp nhận sự tự do đích thực là hiểu biết Đấng chúng ta có trước mặt và phục vụ Ngài, là Con Thiên Chúa đến cứu độ chúng ta.

Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói:

Trong các ngày lễ Giáng Sinh này Chúa Giêsu Hài Đồng được đặt trước chúng ta. Tôi chắc chắn là trong các nhà của chúng ta vẫn còn có biết bao gia đình đã làm hang đá máng cỏ, tiếp tục truyền thống tốt đẹp này đã bắt đầu với thánh Phanxicô thành Assisi, và duy trì sống động trong con tim chúng ta mầu nhiệm của Thiên Chúa làm người.

Đề cập tới lòng tôn sùng Chúa Hài Đồng Đức Thánh Cha nói:

Lòng tôn sùng Chúa Hài Đồng rất phổ biến. Biết bao nhiêu vị thánh nam nữ đã vun trồng lòng tôn sùng ấy trong lời cầu nguyện thường ngày của các vị, và đã ước mong nhào nặn cuộc sống của mình theo cuộc sống của Chúa Giêsu Hài Đồng. Tôi đặc biệt nghĩ tới thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu và của Nhan Thánh. Chị cũng là tiến sĩ Giáo Hội đã biết sống và làm chứng cho “con đường thơ ấu thiêng liêng”, mà chị thấm nhuần bằng cách theo học trường của Mẹ Maria suy gẫm về sự khiêm nhường của Thiên Chúa đã trở nên bé nhỏ vì chúng ta. Đây là một mầu nhiệm cao cả, Thiên Chúa khiêm nhường! Chúng ta là những người kiêu căng, tràn đầy khoe khoang, và tin mình là cái gì vĩ đại, nhưng chúng ta không là gì cả. Chúa là Đấng cao cả, khiêm tốn và trở thành trẻ thơ. Đây quả là một mầu nhiệm đích thật! Thiên Chúa khiêm nhường. Điều này thật đẹp!

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Đã có một thời, trong đó nơi Bản Vị Thiên Chúa - Con Người của Chúa Kitô, Thiên Chúa đã là một trẻ thơ, và điều này phải có một ý nghĩa đặc biệt đối với đức tin của chúng ta. Có đúng thật là cái chết trên thập giá và sự sống lại của Ngài diễn tả tột đỉnh tình yêu cứu độ của Ngài, nhưng chúng ta không được quên rằng tất cả cuộc đời dương thế của Ngài là mạc khải và giáo huấn. Trong mùa giáng sinh chúng ta nhớ tới cuộc sống thơ ấu của Ngài. Để lớn lên trong đức tin chúng ta cần chiêm ngưỡng Chúa Giêsu Hài Đồng thường xuyên hơn. Chắc chắn là chúng ta không biết gì về giai đoạn thơ ấu này của Ngài. Các chỉ dẫn hiếm hoi mà chúng ta có nói tới việc đặt tên cho Ngài tám ngày sau khi sinh ra, và việc dâng Ngài vào Đền Thánh (x. Lc 2l, 21-28); ngoài ra còn có cuộc viếng thăm của ba Đạo Sĩ với hậu quả là việc chạy trốn sang Ai Cập (c. Mt 2,1-23). Thế rồi, có một bước nhảy vọt cho tới năm lên 12 tuổi, khi Chúa Giêsu cùng Mẹ Maria và cha thánh Giuse đi hành hương lên Giêrusalem dịp lễ Vượt Qua, và thay vì trở về nhà với cha mẹ, thì Ngài ở lại trong Đền Thờ đàm đạo với các tiến sĩ luật.

Từ đó Đức Thánh Cha rút tiả ra kết luận sau đây:

Như thấy đó, chúng ta biết ít về Chúa Giêsu Hài Đồng, nhưng chúng ta có thể học hiểu nhiều từ Ngài, nếu chúng ta nhìn cuộc sống của các trẻ em. Đây là một thói quen đẹp mà các cha mẹ, các ông bà có, đó là nhìn trẻ em, nhìn những điều chúng làm.

Trước hết, chúng ta khám phá ra rằng các trẻ em muốn sự chú ý của chúng ta. Chúng phải là trung tâm, tại sao? Tại vì chúng kiêu căng? Không, tại vì chúng cần cảm thấy được che chở. Chúng ta cũng cần để Chúa Giêsu vào trung tâm cuộc sống chúng ta và biết rằng chúng ta có trách nhiệm che chở Ngài, cả khi xem ra có thể là mâu thuẫn. Ngài muốn ở trên cánh tay chúng ta, Ngài ước mong được nâng niu và gắn chặt cái nhìn của Ngài trên cái nhìn của chúng ta.

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: Ngoài ra, đó là để làm cho Chúa Hài Nhi mỉm cười hầu chứng tỏ với ngài tình yêu và niềm vui của chúng ta, bởi vì Ngài sống giữa chúng ta. Nụ cười của Ngài là dấu chỉ của tình yêu trao ban cho chúng ta sự chắc chắn biết mình được yêu.

Sau cùng, các trẻ em thích chơi giỡn. Tuy nhiên làm cho một trẻ em chơi giỡn có nghĩa là từ bỏ cái luận lý của chúng ta để bước vào cái luận lý của nó. Nếu chúng ta muốn rằng các trẻ em vui đùa, cần phải hiểu chúng thích cái gì và không ích kỷ khiến cho chúng làm những gì chúng ta ưa thích. Đây là một giáo huấn cho chúng ta. Trước Chúa Giêsu chúng ta được mời gọi từ bỏ yêu sách tự lập của chúng ta – đây là cốt lõi của vấn đề: yêu sách tự lập - để tiếp nhận hình thức đích thực của sự tự do, hệ tại việc hiểu biết chúng ta có ai trước mặt và phục vụ Ngài. Ngài, trẻ thơ là Con Thiên Chúa đến để cứu rỗi chúng ta. Ngài đã đến giữa chúng ta để cho chúng ta thấy gương mặt của Thiên Chúa Cha giầu tình yêu và lòng thương xót. Vì thế, chúng ta hãy ôm chặt Hài Nhi Giêsu trong vòng tay, và phục vụ Ngài: Ngài là suối nguồn tình yêu và sự thanh thản. Và sẽ là một điều tốt đẹp hôm nay, khi chúng ta trở về nhà, đến gần hang đá, hôn Chúa Hài Đồng Giêsu và nói: “Lậy Chúa Giêsu con muốn khiêm nhường như Chúa, khiêm nhường như Thiên Chúa”, và xin Chúa ơn này.

7. Sự thịnh vượng của Giáo hội hệ tại nơi người nghèo, chứ không phải nơi của cải vật chất

Giáo Hội khiêm tốn, khó nghèo và luôn tín thác vào Thiên Chúa. Đây là điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cập đến trong bài giảng thánh lễ sáng ngày 15 tháng 12, tại nhà nguyện thánh Marta. Đức Thánh Cha nói rằng sự nghèo khó là mối phúc đầu tiên trong Bát Phúc. Sự thịnh vượng đích thực của Giáo Hội chính là người nghèo, chứ không phải tiền bạc hay quyền lực thế gian.

“Bài đọc một trích sách Xô-phô-ni-a cho thấy hệ quả của một dân tộc đã trở thành phản loạn và ô uế vì không nghe lời Thiên Chúa. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu đã mạnh mẽ lên án các thượng tế và cảnh cáo rằng những người thu thuế và những cô gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước họ. Từ đó, Đức Thánh Cha nói rằng ngay cả ngày hôm nay cám dỗ cũng có thể làm lũng đoạn những chứng nhân của Giáo Hội.

Giáo Hội thực sự trung tín với Thiên Chúa khi Giáo Hội khiêm nhường, khó nghèo và tín thác. Một Giáo Hội khiêm nhường không bao giờ phô trương quyền lực hay tỏ ra mình lớn mạnh. Khiêm nhường cũng không có nghĩa là một người yếu đuối, nhu nhược, uể oải với cặp mắt trắng dã thiếu sức sống. Khiêm nhường không phải là màn kịch diễn trên sân khấu, cũng không phải là giả vờ khiêm nhường hay xem có vẻ khiêm nhường. Người khiêm nhường thực sự là người nhận ra mình tội lỗi. Nếu tôi không có khả năng để nói với chính mình mình: tôi là kẻ có tội và người khác tài giỏi hơn tôi, thì tôi thật sự không khiêm nhường. Như vậy đặc nét đầu tiên của một Giáo Hội khiêm nhường là tự nhận thấy mình là tội nhận, và đó cũng là đặc nét đầu tiên của mỗi người chúng ta. Nếu người nào trong chúng ta có thói quen hay săm soi lỗi lầm của người khác và bàn tán về điều đó, người ấy chẳng hề khiêm nhường. Trái lại, người ấy tin rằng mình là thẩm phán có quyền xét xử người khác. Chúng ta phải liên lỉ cầu nguyện để Giáo Hội luôn khiêm nhường, bản thân tôi được khiêm nhường và mỗi người chúng ta được khiêm nhường.

Đức Thánh Cha quảng diễn tiếp như sau:

Tính cách thứ hai là khó nghèo. Khó nghèo là mối phúc tiên hết trong Bát Phúc. Tinh thần nghèo khó có nghĩa là chỉ gắn bó với sự giàu có của Thiên Chúa mà thôi. Như thế, không hề có một Giáo Hội gắn bó với tiền bạc, suy nghĩ về tiền bạc hay tìm cách để kiếm tiền. Như tôi được biết trong một nhà thờ của giáo phận, để bước qua Cửa Thánh, người ta vô tư nói với giáo dân là phải bỏ tiền dâng cúng rồi mới bước qua. Đó không phải là Giáo Hội của Đức Giêsu, nhưng là Giáo Hội của các linh mục, thượng tế đam mê tiền bạc, của cải.

Vị phó tế tử đạo Lorenzo là một chứng nhân anh hùng trong những thế kỷ đầu của Giáo hội. Khi nhà vua ra lệnh cho ngài phải trao nộp hết của cải và tài sản của Giáo Hội, nếu không sẽ bị giết. Ngài đã vâng lời ra đi và quay trở lại cùng tất cả những người nghèo trong Giáo hội. Người nghèo chính là tài sản của Giáo Hội. Anh chị em là chủ của một ngân hàng. Nếu anh chị em có một tâm hồn khó nghèo, không bám víu vào tiền của, việc điều hành ngân hàng của anh chị em sẽ trở thành một hành vi phục vụ người nghèo. Nghèo khó là có tâm hồn tách rời khỏi tiền của để phục vụ tha nhân, phục vụ những ai thiếu thốn. Giáo Hội của chúng ta là Giáo hội của những người khiêm nhường và khó nghèo, nhưng chúng ta có thực sự sống khó nghèo và khiêm nhường chưa?

Tính cách thứ ba, Giáo Hội phải luôn tín thác vào Danh Thánh Thiên Chúa. Niềm tín thác của tôi đặt ở nơi đâu? Nơi quyền lực, hay nơi bạn bè, tiền của? Phải đặt nơi Thiên Chúa! Gia sản Thiên Chúa hứa cho chúng ta là ‘sẽ cho sót lại giữa ngươi một dân nghèo hèn và bé nhỏ; chúng sẽ tìm nương ẩn nơi Danh Đức Chúa.’ Bé nhỏ khiêm nhường vì họ nhận thấy mình tội lỗi; khó nghèo vì tâm hồn họ luôn gắn bó với sự giàu có của Thiên Chúa và nếu có của cải thì họ cũng chỉ là quản gia phân phối những của cải đó cho người khác; tín thác nơi Thiên Chúa vì họ biết rằng chỉ có Thiên Chúa mới là Đấng tốt lành thánh thiện. Những vị thượng tế mà Đức Giêsu lên án không hiểu được ba đặc nét này. Và như thế, Đức Giêsu phải cảnh tỉnh họ rằng những cô gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước họ.

Trong mùa Giáng Sinh năm nay, chúng ta hãy nài xin Thiên Chúa ban cho chúng ta một con tim khiêm nhường, một tâm hồn nghèo khó và trên hết là luôn biết tín thác vào Thiên Chúa, Đấng không bao giờ thất hứa hoặc khiến chúng ta phải thất vọng.

Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/172543.htm

 

CÁC TIN KHÁC: