Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Video: Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: 18-24/09/2014 - Câu chuyện Đức Mẹ Lộ Đức
24/09/2014 12:00:00 SA

1. Giáo Hội là Công Giáo và Tông Truyền

Khi tuyên xưng đức tin chúng ta khẳng định rằng Giáo Hội là Công Giáo và tông truyền, nghĩa là Giáo Hội đại đồng vì được phổ biến khắp nơi và được sai đi loan báo Tin Mừng cho tất cả mọi người, không phân biệt ai.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 50 ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 17 tháng 9 tại quảng trường Thánh Phêrô.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giải thích hai từ “Công Giáo” và “tông truyền” rồi áp dụng vào cuộc sống cụ thể của tín hữu. Đức Thánh Cha giải thích ý nghĩa từ “Công Giáo” bằng cách trích lại định nghĩa của thánh Cirillo thành Giêrusalem như sau:

“Giáo Hội chắc chắn được gọi là Công Giáo nghĩa là đại đồng, vì sự kiện Giáo Hội được phổ biến khắp nơi từ biên giới này tới biên giới kia của trái đất; và bởi vì Giáo Hội dậy tất cả các sự thật phải đến với sự hiểu biết của con người liên quan tới các sự trên trời cũng như các sự dưới dất một cách phổ quát và không khiếm khuyết” (Giáo lý XVIII, 33),

Dấu hiệu hiển nhiên của tính cách Công Giáo đó là Giáo Hội nói tất cả mọi thứ tiếng. Và điều này không gì khác hơn là kết quả của lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống (x. Cv 2,1-13): thật thế, chính Chúa Thánh Thần đã cho các Tông Đồ và toàn Giáo Hội làm vang lên Tin Mừng của ơn cứu độ và tình yêu của Thiên Chúa cho tất cả mọi người, cho tới tận cùng bờ cõi trái đất. Giáo Hội sinh ra đã là Công Giáo, ngay từ đầu đã là “hòa tấu” và chỉ có thể là Công Giáo, được dự phóng cho việc rao truyền Tin Mừng và gặp gỡ tất cả mọi người. Ngày nay Lời Chúa được đọc trong mọi thứ tiếng, mọi người đều có sách Tin Mừng trong tiếng của mình để đọc. Và tôi xin trở lại cùng ý niệm này: đó là chúng ta hãy đem theo một sách cuốn Tin Mừng nhỏ trong túi, trong xách tay, và trong ngày đọc một đoạn. Điều này sinh ích lợi cho chúng ta. Tin Mừng được phổ biến trong mọi thứ ngôn ngữ, bởi vì Giáo Hội, lời loan báo Chúa Giêsu Kitô Cứu Thế, ở khắp nơi trên thế giới.

Nếu Giáo Hội sinh ra đã là Công Giáo, thì có nghĩa là Giáo Hội đã sinh trong tư thế “đi ra ngoài”, là thừa sai. Nếu các Tông Đồ đã ở lại đó trong Nhà Tiệc Ly, mà không đi ra và đem Tin Mừng, thì Giáo Hội sẽ chỉ là Giáo Hội của dân tộc ấy thôi, của thành phố ấy, của Nhà Tiệc Ly ấy. Nhưng tất cả đã ra đi khắp nơi trên thế giới, từ lúc Giáo Hội khai sinh, từ lúc Chúa Thánh Thần xuống trên các vị. Vì thế Giáo Hội sinh ra đã đi ra, nghĩa là truyền giáo.

Và đó là điều mà chúng ta diễn tả bằng tính từ “tông truyền”, bởi vì apostolos là người được sai đi loan báo tin vui sự phục sinh của Chúa Giêsu. Từ này nhắc nhớ chúng ta rằng Giáo Hội, được xây dựng trên nền tảng các Tông Đồ và trong sự tiếp nối với các vị, các Tông Đồ đã ra đi thành lập các các Giáo Hội mới, đã cắt cử các giám mục mới, và như thế trên toàn thế giới, liên tục. Ngày nay chúng ta tất cả tiếp nối nhóm các Tông Đồ đã nhận được Chúa Thánh Thần rồi ra đi rao giảng, được sai đi đem lời loan báo Tin Mừng tới cho tất cả mọi người, đi kèm với các dấu chỉ sự hiền dịu và quyền năng của Thiên Chúa. Cả điều này nữa cũng phát xuất từ biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống: thật thế, chính Chúa Thánh Thần thắng vượt mọi kháng cự, chiến thắng cám dỗ tự khép kín trong chính mình, giữa ít người được tuyển chọn, và coi mình là những người duy nhất nhận được phước lành của Thiên Chúa.

Chẳng hạn nếu vài kitô hữu làm điều này và nói: “Chỉ có chúng tôi mới là những người được tuyển chọn thôi”, sau cùng họ chết. Họ chết trong linh hồn trước, rồi chết trong thân xác, bởi vì họ không có sự sống, không có khả năng sinh ra sự sống, sinh ra người khác, sinh ra các dân tộc khác: họ không phải là các tông đồ.

Và chính Chúa Thánh Thần dẫn đưa chúng ta tởi chỗ gặp gỡ các anh em khác, kể cả những người xa xôi nhất trong mọi nghĩa, để họ có thể chia sẻ với chúng ta tình yêu thương, hòa bình, niềm vui mà Chúa phục sinh đã để lại cho chúng ta.

Vậy sự kiện là thành phần của Giáo Hội Công Giáo và tông truyền bao gồm điều gì đối với các cộng đoàn và từng người trong chúng ta? Đức Thánh Cha trả lời câu hỏi này như sau:

Trước hết nó có nghĩa là lưu tâm tới ơn cứu rỗi của toàn nhân loại, không thờ ơ hay lạ lùng trước số phận của biết bao nhiêu các anh chị em của chúng ta, nhưng cởi mở và liên đới với ho. Ngoài ra nó còn có nghĩa của sự trọn vẹn, của sự bổ túc, của sự hòa hợp của cuộc sống kitô, luôn luôn khước từ các lập trường thiên vị, một chiều tự khép kín trong chính mình.

Là thành phần của Giáo Hội tông truyền có nghĩa là ý thức được rằng đức tin của chúng ta được bỏ neo nơi lời loan báo và chứng tá của chính các Tông Đồ của Chúa Giêsu; và vì thế cảm thấy mình luôn luôn được gửi đi, được sai đi, trong niềm hiệp thông với những người kế vị các Tông Đồ, loan báo Chúa Kitô và tình yêu của Người cho toàn nhân loại với con tim tràn đầy niềm vui.

Ở đây tôi muốn nhớ tới cuộc sống anh hùng của biết bao nhiêu thừa sai nam nữ đã bỏ quê hương của mình để ra đi loan báo Tin Mừng cho các quốc gia khác, trên các đại lục khác. Có một Hồng Y người Brail nói với tôi rằng ngài làm việc khá nhiều tại vùng Amazzonia. Mỗi khi đến một vùng hay một thành phố, ngài luôn luôn đến nghĩa trang để thăm mộ của các thừa sai, các linh mục, tu huynh và nữ tu đã ra đi rao giảng Tin Mừng. Các vị là các tông đồ. Và ngài nghĩ rằng tất cả các thừa sai này đều có thể được phong thánh ngay bây giờ, các vị đã bỏ tất cả để ra đi loan báo Chúa Giêsu Kitô.

Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì Giáo Hội đã có biết bao nhiêu thừa sai và còn cần có nhiều thừa sai hơn nữa! Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì điều đó. Có lẽ trong số các bạn trẻ nam nữ hiện diện tại đây có vài người muốn trở thành thừa sai. Hãy tiến lên! Thật là đẹp đem Tin Mừng của Chúa Giêsu tới với người khác. Hãy can đảm lên!

Vậy chúng ta hãy xin Chúa canh tân nơi chúng ta các ơn sủng của Chúa Thánh Thần, để mọi cộng đoàn kitô và từng tín hữu được rửa tội diễn tả mẹ Giáo Hội thánh thiện, Công Giáo và tông truyền.

2. Đức Thánh Cha nói về giáo huấn xác kẻ chết sống lại

“Giáo huấn Kitô giáo về mầu nhiệm xác kẻ chết sống lại là chói tai với nhiều người. Họ không thể hiểu được”.

Đức Thánh Cha đã nói như trên trong thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta sáng thứ Sáu 19 tháng 9.

Có mấy người thuộc nhóm Xađốc đến gặp Ðức Giêsu. Nhóm này chủ trương không có sự sống lại. Mấy người ấy hỏi Ðức Giêsu: “Thưa Thầy, ông Môsê có viết cho chúng ta điều luật này: ‘Nếu anh hay em của người nào chết đi, đã có vợ mà không có con, thì người ấy phải cưới lấy nàng, để gầy dựng một dòng giống cho anh hay em mình.’ Vậy nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả lấy vợ, nhưng chưa có con thì đã chết. Người thứ hai, rồi người thứ ba đã lấy người vợ goá ấy. Cứ như vậy, bảy anh em đều chết đi mà không để lại đứa con nào. Cuối cùng, người đàn bà ấy cũng chết. Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai, vì cả bảy đều đã lấy nàng làm vợ?”

Ðức Giêsu đáp: “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, là con cái sự sống lại.”

Câu chuyện này cho thấy quan điểm bình dân về sự sống lại trông đợi một sự kế tục của những gì đang tồn tại trước khi cái chết xảy đến. Người ta mong đợi được sống lại với cùng một thân xác như khi sinh tiền - nếu được Chúa cho trẻ trung hơn, khoẻ mạnh hơn, đẹp trai, đẹp gái hơn thì càng tốt, và có một ước mong mãnh liệt là được sống lại cùng với tất cả những quan hệ mà khi sinh tiền người ta quý chuộng.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng trong thư thứ nhất gởi giáo đoàn Côrintô, Thánh Phaolô khẳng định có sự sống lại. “Thánh Phaolô đã đưa ra những lý luận khá rõ ràng sau: Nếu chúng tôi rao giảng rằng Ðức Kitô đã từ cõi chết chỗi dậy, thì sao trong anh em có người lại nói: không có chuyện kẻ chết sống lại? Nếu kẻ chết không sống lại được, thì Ðức Kitô đã không chỗi dậy. Mà nếu Ðức Kitô đã không chỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng ra hư không … Ðức Kitô đã chỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu”. (1 Cr 15: 12-20)

Tuy nhiên, Thánh Phaolô cho biết thêm:

“Thưa anh em, điều tôi muốn nói là xác thịt và khí huyết không thể thừa hưởng Nước Thiên Chúa được, cũng như cái hư nát không thể thừa hưởng sự bất diệt được”.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng, như thế thư thứ nhất gởi giáo đoàn Côrintô của Thánh Phaolô "có những ý tưởng khác" với quan niệm bình dân. “Chắc chắn, những người công chính khi chết đi thì không sa hoả ngục - quá tốt! - Nhưng họ sẽ đi vào vũ trụ, tan vào trong không khí - chỉ còn là một linh hồn đứng trước mặt Thiên Chúa", và như vậy Thánh Phaolô đã đưa ra một "sự sửa sai khó khăn" trong quan niệm về sự sống lại của nhiều người. Không phải chỉ những Kitô hữu Côrintô là những người duy nhất gặp khó khăn với lời giáo huấn này. Người Hy Lạp tại Athens, nơi Thánh Phaolô cũng đã rao giảng – thậm chí cả các nhà triết học khôn ngoan - cũng sợ hãi khái niệm này.

Đức Thánh Cha ghi nhận rằng “có một sự phản kháng chống lại sự biến đổi, chống lại các hoạt động của Chúa Thánh Thần mà chúng ta nhận được khi chịu phép Rửa tội, là điều sẽ biến đổi hoàn toàn chúng ta để hướng đến mầu nhiệm Phục Sinh. Khi đề cập đến sự sống lại, ngôn ngữ của chúng ta nói rằng: ‘Tôi muốn lên thiên đàng, tôi không muốn sa hỏa ngục,’ nhưng chúng ta dừng lại ở đó không ai trong chúng ta nói: ‘Tôi sẽ sống lại như Chúa Kitô đã sống lại.’ Không, ngay cả đối với chúng ta điều này rất khó hiểu. "

“Đây là tương lai đang chờ đón chúng ta và sự biến đổi thân xác chúng ta tạo ra một sự phản kháng nơi chúng ta, và có cả sự phản kháng lại căn tính Kitô của chúng ta. Tôi có thể nói là có lẽ chúng ta chẳng ngán ông thần dữ trong sách Khải Huyền, chẳng ngán kẻ phản Kitô là kẻ phải xuất hiện trước - có lẽ chúng ta chẳng ngán y đâu. Chúng ta có lẽ cũng không sợ tiếng nói của Tổng Lãnh Thiên Thần hay âm thanh của tiếng kèn của Ngài- tung hô vang dội chiến thắng của Chúa Phục sinh. Nhưng chúng ta lại sợ sự sống lại, sợ là tất cả chúng ta sẽ được biến đổi. Sự biến đổi này phải là kết thúc của cuộc hành trình Kitô của chúng ta".

Để kết luận, Đức Thánh Cha nói:

“Căn tính Kitô là con đường, là cuộc hành trình trong đó chúng ta kề cận với Chúa như các môn đệ Ngài để cuối cùng sau tiếng kèn của Tổng Lãnh Thiên Thần chúng ta được ở lại với Ngài và kề cận với Chúa mãi mãi”.

3. Câu chuyện Đức Mẹ Lộ Đức

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Lộ Đức nằm dưới chân dẫy núi Pyrénées, miền Tây Nam nước Pháp là một điểm hành hương nổi tiếng nhất thế giới dù rằng nơi đây chỉ là một ngôi làng nhỏ bé hẻo lánh thuộc địa phận Tarbes.

Marie Bernarde Soubirous là con cả trong một gia đình có 9 người con. Cha cô là một người thợ xay bột. Tháng 2 năm 1858, sáu thành viên trong gia đình của cô sống trong căn nhà nhỏ chật hẹp này.

Từ ngày 11 tháng 2 đến ngày 16 tháng 7 năm 1858, Đức Trinh Nữ Maria đã hiện ra với Bernadette tất cả 18 lần. Mỗi lần Đức Mẹ hiện ra, Người đều khuyên Bernadette hãy siêng năng lần hạt và làm việc đền tội thay cho các người tội lỗi, yếu đuối. Đức Mẹ còn yêu cầu người ta hãy xây cất cho Ngài một ngôi thánh đường ở Lộ Đức để dâng kính Mẹ. Bernadette đã nhìn thấy Đức Mẹ nhiều lần, nhưng các trẻ em khác thì không được diễm phúc nhìn thấy Mẹ Maria. Ngày 1 tháng 3 năm 1858, một phụ nữ đang mang thai nhúng cánh tay bại liệt của bà vào dòng nước mà Bernadette đã nghe lời Mẹ đào bới, bà đã được chữa lành một cách vô cùng kỳ lạ. Tin đồn này lan truyền khắp nơi. Người ta tuôn đến Lộ Đức càng ngày càng đông.

Với những phép lạ diệu kỳ của Mẹ Maria, Bernadette đã trình với Cha sở Lộ Đức về những lần Mẹ hiện ra với em tại hang đá Lộ Đức. Cha sở lúc đó đã xin Bernadette hỏi tên Mẹ là gì . Ngày 25 tháng 3 năm 1858, Đức Mẹ hiện ra với Bernadette và em đã hỏi Đức Mẹ, Đức Trinh nữ Maria đã mạc khải: “Ngài là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội”. Cha Sở đã tin vào việc Đức Mẹ hiện ra với Bernadette tại Lộ Đức. Lộ Đức từ đó đã trở thành nơi hành hương cho toàn thể thế giới. Một ngôi thánh đường nguy nga đã được xây cất để dâng kính Mẹ Maria theo lời yêu cầu của Mẹ Maria Vô Nhiễm.

Tại Lộ Đức, Đức Mẹ với tấm lòng yêu thương dạt dào đã chữa lành biết bao bệnh nhân tật nguyền với biết bao loại bệnh khác nhau và ban cho nhiều người ơn ăn năn sám hối. Từ 1 tháng 3 năm 1858 cho tới nay, mỗi ngày đều có rất nhiều người từ khắp nơi trên thế giới tới Lộ Đức để xin Đức Mẹ chữa lành, cầu nguyện, tắm suối hoặc xin nước nơi dòng nước mà chân phước Bernadette đã tìm ra. Biết bao nhiêu người đã nhận được ơn làn hồn xác. Tuy sau khi điều tra kỹ lưỡng, Giáo Hội chỉ nhìn nhận chính thức có 68 phép lạ do lời cầu bầu của Đức Mẹ Lộ Đức, nhưng con số thống kê của Y Tế cho thấy đã có 7000 trường hợp được chữa lành tai đó. Từ năm 1890 Đức Thánh Cha Lêô XIII đã ban phép cho giáo phận Tarbes được mừng kính lễ Đức Mẹ Lộ Đức. Tới năm 1907, Đức Giáo Hoàng Piô X đã phổ biến lễ này trong toàn Giáo Hội.

4. Chúng ta cần can đảm nhìn nhận mình là người có tội

Trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm 18 tháng 09 tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha nói chúng ta cần can đảm nhìn nhận mình là người có tội để nhận được sự tha thứ nhưng không và sự yêu thương của Chúa Kitô.

Bài Tin Mừng trong ngày kể lại việc người phụ nữ tội lỗi đã khóc dưới chân Chúa và lấy dầu thơm xức chân Ngài và lấy tóc mình mà lau. Người Biệt Phái, tầng lớp cao trong xã hội, đã mời Chúa Giêsu đến nhà ông để “muốn lắng nghe và tìm hiểu thêm về những giáo lý của Chúa”. Nảy lên trong tâm trí ông là lời phán xét cả Chúa Giêsu lẫn người phụ nữ tội lỗi, vì ông nghĩ rằng nếu Chúa Giêsu “thực sự là một ngôn sứ thì phải biết hạng phụ nữ đang chạm vào người mình là ai”.

Người Biệt Phái “thực ra không phải xấu”, đơn giản là ông “không thể hiểu được hành động của người phụ nữ”. Ông không thể hiểu được cử chỉ đơn giản của một con người bình thường. Có lẽ ông đã quên mất cách làm thế nào để âu yếm một đứa trẻ, làm thế nào để an ủi một người già. Có lẽ ông là một thành viên trong nhóm Biệt Phái, với một mớ lý thuyết, lối nghĩ, cơ chế đã làm ông quên đi những cử chỉ đơn giản của cuộc sống thường nhật, như cử chỉ đứa bé sơ sinh lần đầu tiên nhận được sự âm yếm của cha mẹ nó. Chúa Giêsu khiển trách người Biệt Phái này rất “nhẹ nhàng và khiêm nhường”, “kiên nhẫn và yêu thương để mong cứu vớt”.

Ngài giải thích cử chỉ của người phụ nữ, mà theo quan điểm của người Biệt Phái là khiếm nhã, để ông hiểu. Và trong khung cảnh đám đông đang bàn tán về hành động của người phụ nữ, Chúa Giêsu nói với chị: “Tội con đã được tha”. “Hãy đi bình an, đức tin của con đã cứu chữa con!” Chúa Giêsu đã nói lời ban ơn cứu độ cho người phụ nữ tội lỗi “đức tin của con đã cứu chữa con”. Chúa Giêsu nói điều đó vì chị đã khóc cho tội lỗi của mình, thú nhận tội mình và đã than lên: “con là một kẻ có tội”. Chúa Giêsu không nói cùng cách như vậy với những ai không nhìn nhận mình là người có tội.

Với những tội nhân như: những người thu thuế, gái điếm … Chúa Giêsu nói lời này: “con đã được cứu, con hãy bình an. Chúa chỉ dành những từ ấy cho những ai mở rộng tâm hồn và nhìn nhận mình là người có tội. Ơn cứu độ chỉ đụng chạm đến những tâm hồn biết mở lòng nhìn nhận sự thật về tội lỗi của mình. Nơi ưu tiên gặp được Chúa Giêsu Kitô là tội lỗi của chúng ta, dường như đây là một “lời chói tai” nhưng như Thánh Phaolô đã nói ngài chỉ tự hào về tội lỗi của mình và nhờ đó ngài được Chúa Kitô Phục Sinh cứu thoát.

Nơi ưu tiên gặp được Chúa Giêsu Kitô là tội lỗi, đó là nhìn nhận tội lỗi của chính mình, đau khổ vì những tội của mình, nhận ra con người thật của mình để mở lòng ra đón nhận sự âu yếm, tha thứ của Chúa, đón nhận Lời ‘đi bình an, đức tin của con đã cứu con’ của Chúa. Như thế anh chị em là con người dũng cảm, dũng cảm để mở rộng tâm hồn mình cho Đấng duy nhất có thể cứu anh chị em. Chúa Giêsu nói với những kẻ đạo đức giả rằng, “Quả thật, Ta bảo các ngươi, những người thu thuế và các cô gái điếm vào nước Thiên Chúa trước các ngươi”. Đây là những lời rất mạnh mẽ vì chính những ai thấy mình tội lỗi mới “mở rộng tâm hồn thú nhận tội lỗi của mình để gặp gỡ Chúa Giêsu, Đấng đã dùng chính máu của Ngài cứu độ tất cả chúng ta”.

5. Bài giảng hay chẳng lợi ích gì khi chủ chăn xa cách đàn chiên

Bài giảng hay sẽ chỉ là vô ích nếu người chủ chăn không hiểu về đàn chiên mình, không bị lôi cuốn bởi tín hữu và không đem lại cho họ niềm hy vọng. Bài giảng đó chỉ là hư vô. Đó là ý tưởng mà Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi tín hữu suy gẫm trong thánh lễ sáng thứ Ba 16 tháng 9 tại nhà nguyện Santa Marta nhân lễ kính nhớ thánh Giáo Hoàng Cornelio và Giám mục Cypriano tử đạo.

Tin Mừng hôm nay nói về Chúa Giêsu tiến gần đến đám tang của người con trai duy nhất bà góa thành Naim vừa qua đời. Đức Thánh Cha nói rằng không chỉ Chúa thực hiện phép lạ phục hồi sự sống cho con trai của bà mà Ngài còn làm điều lớn lao hơn rất nhiều cho bà. “Thiên Chúa đã viếng thăm dân Ngài.” Khi Đức Chúa Trời viếng thăm sẽ mang đến điều gì đó lớn lao hơn, một ý nghĩa đặc biệt hơn, đó chính là sự hiện diện của Ngài”. Và trong ý nghĩa đó Chúa Giêsu đang hiện diện.

Ngài đang hiện diện giữa dân. Một vị Thiên Chúa gần gũi và thấu cảm được tâm hồn của con người. Chúa Giêsu nhìn thấy đoàn đưa tang và Ngài tiến đến gần. Thiên Chúa đến thăm dân Ngài, ở giữa dân Ngài và tiếp cận với dân Ngài. Đó là cách của Thiên Chúa. Một cách thức tiếp cận dân Ngài được lặp đi lặp lại nhiều lần trong Kinh Thánh. Đó chính là: Chúa động lòng thương xót. Theo Tin Mừng, động lòng thương xót là khi Chúa Giêsu nhìn thấy dân chúng như đàn chiên không người chăn dắt. Khi Thiên Chúa viếng thăm dân, Ngài rất gần gũi với họ, chạy đến ôm lấy họ và đổ đầy lòng thương xót của Ngài vào lòng họ.

Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay cũng đã vô cùng thổn thức như khi Ngài đứng trước mộ của Lazaro. Giống như Cha đã chạy đến ôm lấy con “khi ông nhìn thấy người con trai hoang đàng trở về nhà”. Sự gần gũi và lòng thương xót đó là cách thức mà Chúa viếng thăm dân Ngài. Và đó cũng là nội dung khi chúng ta muốn loan báo Tin Mừng Chúa Giêsu. Các Luật Sĩ, Kinh Sư và Biệt Phái đã theo cách thức khác là tách mình ra khỏi dân chúng. Họ dạy lề luật rất tốt. Nhưng chính họ lại xa rời dân chúng. Và đó không phải là cách thức Thiên Chúa viếng thăm dân Ngài. Đó là một cái gì khác. Dân chúng không nhận ra đó là một ân sủng, bởi vì nó thiếu sự gần gũi, thiếu lòng thương xót, thiếu cảm thức cùng đau khổ với dân .

Khi Chúa Giêsu đụng vào chàng thanh niên thì anh ta được hồi sinh và bắt đầu nói lại. Chúa Giêsu trao anh lại cho bà mẹ góa.

Khi Thiên Chúa viếng thăm dân, Ngài sẽ tái sinh họ trong niềm hy vọng. Đó là cách thức mà những nhà giảng thuyết và truyền giáo đã thành công trong dọc dài lịch sử. Nếu bài giảng của nhà truyền giáo không gieo hy vọng cho dân, bài giảng đó sẽ thất bại, sẽ vô ích. Đó là chỉ phù phiếm.

Chiêm ngắm Chúa Giêsu, Đấng đã phục hồi cho con trai của bà góa, chúng ta nghiệm ra ý nghĩa việc Thiên Chúa viếng thăm dân Ngài. Và vì vậy chúng ta nài xin ơn Chúa cho đời Kitô hữu trở nên chứng nhân trong việc gieo niềm hy vọng và sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dân Ngài.

6. Nhận định của Đức Thánh Cha về chuyến tông du Albania

Trong buổi triều yết chung thứ Tư 24 tháng 9, Đức Thánh Cha đã nhận định như sau về chuyến tông du đến Albania của ngài:

Anh chị em thân mến,

Chuyến tông du của tôi đến Albania Chúa Nhật vừa qua là một dấu chỉ của sự gần gũi của tôi, và của Giáo Hội hoàn vũ, với những người Albania, là những người phải chịu đựng nhiều năm dài dưới một chế độ vô thần và vô nhân đạo, nhưng bây giờ họ đang làm việc cùng nhau để xây dựng một xã hội hòa bình đánh dấu bởi sự tôn trọng lẫn nhau và sự hợp tác trong việc phục vụ lợi ích chung.

Đặc biệt quan trọng trong vấn đề này là tinh thần cùng tồn tại và đối thoại giữa các cộng đồng tôn giáo khác nhau của Albania, vì tất cả đều phải chịu đựng khủng bố cay đắng cho niềm tin của mình vào Thiên Chúa.

Trong cuộc gặp gỡ những người thuộc các tôn giáo khác nhau, tôi khuyến khích chứng tá quan trọng này, với niềm tôn trọng lẫn nhau dựa trên bản sắc của mỗi tôn giáo. Với anh chị em Công Giáo tôi vinh dự được biết đến những chứng tá anh hùng của nhiều vị tử đạo mà sự đau khổ của họ đã mang lại những hoa quả tái sinh thiêng liêng. Tôi đã mời gọi các Kitô hữu hãy là men của lòng nhân từ, bác ái và hòa giải trong xã hội Albania.

Thông qua lời cầu bầu của Đức Mẹ Chỉ Bảo Đàng Lành, xin Thiên Chúa tiếp tục truyền cảm hứng cho những người Albania trong việc xây dựng một xã hội công bằng, hòa bình và đoàn kết.

Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/129912.htm

CÁC TIN KHÁC: