Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Video: Những kẻ giật Thánh Giá, ảnh tượng Chúa và Đức Mẹ xuống sẽ không có kết quả tốt, bảo đảm!
30/05/2020 12:00:00 SA



1. Hạ viện Hoa Kỳ thông qua dự luật tịch thu tài sản của quan chức Trung Quốc trên đất Mỹ

Trong một cuộc bỏ phiếu muộn ngày 27 tháng Năm, Hạ viện Hoa Kỳ đã tán thành một cách áp đảo các biện pháp lên án Đảng Cộng sản Trung Quốc vì những cáo buộc liên quan đến người Duy Ngô Nhĩ, người dân tộc Kazakhstan và các nhóm thiểu số tôn giáo khác trong các trại cải tạo ở vùng Tân Cương.

Đạo Luật Chính Sách Nhân Quyền Liên Quan Đến Người Duy Ngô Nhĩ, được thông qua với tỉ số 413 trên 1, cũng đòi hỏi hành pháp Hoa Kỳ phải có một phản ứng cứng rắn hơn đối với các vi phạm nhân quyền mà các nhóm thiểu số tôn giáo khác phải chịu. Dân biểu Thomas Massie, của Kentucky, là người duy nhất phản đối dự luật này.

“Tổng thư ký Đảng Cộng sản Trung Quốc là Tập Cận Bình đang thực hiện một tội ác diệt chủng vẫn đang tiếp diễn ra chống lại khoảng 10 triệu người Duy Ngô Nhĩ sống ở Tân Cương ở phía tây bắc Trung Quốc. Điều này đòi hỏi chúng ta phải có hành động, ” Dân biểu Chris Smith, của đảng Cộng Hòa đơn vị New Jersey, cho biết trong một bài bình luận từ diễn đàn Hạ Viện trước khi bỏ phiếu. “Ngày nay, hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ đang ở trong các trại tập trung. Hàng triệu người khác bị quấy rối, đánh đập, hãm hiếp và tra tấn.”

Dân biểu Smith là một người Công Giáo, và là thành viên lâu năm trong Tiểu ban Nhân quyền Toàn cầu của Hạ viện, và cũng là thành viên cao cấp của Ủy ban Điều hành Quốc hội về Trung Quốc, và đồng chủ tịch Ủy ban Nhân quyền lưỡng đảng Tom Lantos. Ông đã phục vụ tại Quốc hội từ năm 1981, và đã chủ trì hơn 60 phiên điều trần về tình trạng vi phạm nhân quyền của Trung Quốc.

Thượng viện đã phê chuẩn phiên bản dự luật ngày 14 tháng Năm. Với việc thông qua của Hạ viện, giờ đây, Tổng thống Donald Trump sẽ ký ban hành luật này.

Như Dân biểu Smith giải thích trong bài phát biểu tại diễn đàn Hạ Viện, luật mới yêu cầu chính quyền của tổng thống Trump phải phân loại và báo cáo về các hành vi vi phạm nhân quyền của bọn cầm quyền Trung Quốc và thực hiện các bước cụ thể theo Đạo luật Magnitsky toàn cầu để xử phạt các quan chức Trung Quốc về những lạm dụng này bao gồm cả việc từ chối visa, tịch thu tài sản trên đất Mỹ cho đến việc cấm tất cả các giao dịch tài chính với những kẻ vi phạm nhân quyền.

Điểm nổi bật trong Đạo Luật Chính Sách Nhân Quyền là việc quy kết trách nhiệm và tiến hành tịch thu tài sản từng cá nhân các quan chức Trung Quốc chứ không lên án chung chung. Lợi nhuận đầu tư rất lớn và thuận lợi dưới thời Obama, cũng như các tính toán nhằm hạ cánh an toàn đã khiến các quan chức Trung Quốc lao vào các khoản đầu tư rất lớn trên đất Mỹ.

Ngoài ra, dự luật yêu cầu Bộ Ngoại giao báo cáo về các vi phạm nhân quyền ở Tân Cương - bao gồm các ước tính chính thức về số lượng cá nhân bị giam giữ trong các trại tập trung - và FBI phải đệ trình báo cáo lên Quốc hội về các nỗ lực của công an Trung Quốc nhằm đe dọa và quấy rối Người Duy Ngô Nhĩ và những người có quốc tịch Trung Quốc đang cư trú hợp pháp tại Hoa Kỳ.

Dân biểu Smith nhắc nhớ lời khai được đưa ra trong phiên điều trần quốc hội năm 2018 của nhân chứng Mihrigul Tursun, người đã kể lại thử thách mà cô phải chịu như tra tấn, lạm dụng tình dục và giam giữ dài hạn trong một trại tập trung.

“Cô ấy đã khóc khi nói với chúng tôi rằng cô ấy đã cầu xin Chúa chấm dứt cuộc sống của mình. Các cai tù Trung Quốc đã khoá tay cô vào một cái bàn và liên tục làm tăng dòng điện chạy qua cơ thể cô và chế giễu niềm tin của cô vào Chúa. Cô bị tra tấn chỉ vì là người dân tộc Duy Ngô Nhĩ và là người Hồi giáo ở Trung Quốc.”

“Có hàng triệu câu chuyện như thế này đang chờ được kể về tội ác chống lại loài người do bọn cầm quyền Trung Quốc gây ra đối với người Duy Ngô Nhĩ, người Kazakhstan và những người có niềm tin tôn giáo”.

Dân biểu Smith cho biết ban đầu chính quyền Trung Quốc đã phủ nhận sự tồn tại của các trại tập trung đông người và thậm chí bây giờ cố gắng còn miêu tả những trại tập trung kinh khủng này là các trung tâm dạy nghề. Tuy nhiên, tờ New York Times và Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế đã thu được các tài liệu vạch trần sự tàn bạo trong các trại tập trung này.

Trong một cuộc phỏng vấn ngày 19 tháng Năm, Dân biểu Smith nói với thông tấn xã Công Giáo CNS của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ: Trung Quốc khét tiếng đối với nạn tra tấn.

Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, gọi tắt là USCIRF, khen ngợi Thượng viện và Hạ viện đã thông qua dự luật.

“Thế giới đã chần chừ quá lâu khi bọn cầm quyền Trung Quốc giam giữ hàng triệu người Hồi giáo trong các trại tập trung, ” ông Nury Turkel, một ủy viên của USCIRF, cho biết ngày 27 tháng Năm. “Luật Đạo luật Chính sách Nhân quyền sẽ là đạo luật lớn đầu tiên tập trung vào việc thúc đẩy quyền của người Duy Ngô Nhĩ và những nhóm tôn giáo khác. Hy vọng rằng các quốc gia khác sẽ theo gương của chính phủ Hoa Kỳ, và có hành động về vấn đề này.”

Theo báo cáo của USCIRF, Trung Quốc bị cáo buộc giam giữ hàng triệu người Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương. Đối với Kitô Giáo, song song với chiến dịch triệt hạ Thánh Giá, chúng ra lệnh phải gỡ xuống hay đục bỏ Mười Điều Răn Đức Chúa Trời và thay bằng các lời dạy của “Bác Tập”.

Ngay sau lệnh dỡ bỏ cô lập tại Vũ Hán, chiến dịch loại bỏ thánh giá vừa được tái tục tại Hoa Lục. Các quan chức của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và Hội Công Giáo Yêu Nước đang yêu sách các nhà thờ phải treo ảnh Tập Cận Bình trang trọng hơn ảnh Chúa và Đức Mẹ nếu muốn được mở cửa trở lại.

Trong cố gắng che đậy sự thật về đại dịch coronavirus kinh hoàng, đảng Cộng sản Trung Quốc đi xa đến mức tô vẽ bọn cầm quyền nước này như các đấng cứu nhân độ thế, và đặc biệt Tập Cận Bình là đấng cứu tinh của thế giới. Chính vì thế, ảnh tượng Chúa và Đức Mẹ trong các nhà thờ phải bị gỡ xuống hay treo vào những chỗ ít trang trọng hơn vì Tập Cận Bình mới là đấng cứu tinh thật sự của nhân loại.

Dự luật lưỡng đảng, do Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio giới thiệu, kêu gọi các biện pháp trừng phạt chống lại những người chịu trách nhiệm đàn áp tự do tôn giáo tại Trung Quốc. Dự luật đặc biệt kêu gọi việc tịch thu tài sản trên đất Mỹ của Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo - 陈全国), ủy viên Bộ Chính Trị ban Thường Vụ Đảng Cộng sản Trung Quốc, là người chịu trách nhiệm việc hoạch định các chính sách bách hại tôn giáo tại quốc gia này.

Động thái của Quốc Hội lưỡng viện diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa chính quyền Trump và Bắc Kinh về đại dịch COVID-19 toàn cầu, mà Washington đã đổ lỗi cho sự thiếu minh bạch của Trung Quốc về sự bùng phát ban đầu ở đó.


Source:Crux

2. Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ trước cái chết của anh George Floyd và các cuộc biểu tình trên toàn quốc

WASHINGTON - Bảy chủ tịch các ủy ban của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã đưa ra một tuyên bố sau trước cái chết của anh George Floyd và các cuộc biểu tình đang nổ ra ở Minneapolis và các thành phố khác của Hoa Kỳ.

Ngày 29 tháng 5 năm 2020

Đức Cha Shelton Fabre của Houma-Thibodaux, Chủ tịch Ủy ban chống phân biệt chủng tộc; Đức Tổng Giám Mục Nelson Pérez của Philadelphia, Chủ tịch Ủy ban Đa Văn hóa trong Giáo Hội; Đức Tổng Giám Mục Paul Coakley của Thành phố Oklahoma, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp và Phát triển Con người Quốc nội; Đức Tổng Giám Mục Joseph Naumann của Thành phố Kansas, Chủ tịch Ủy ban về các hoạt động phò sinh; Đức Giám Mục Joseph Bambera của Scranton, Chủ tịch Ủy ban về các vấn đề đại kết và liên tôn; Đức Giám Mục David O’Connell, Giám Mục Phụ Tá của Los Angeles, chủ tịch Tiểu ban Vận động Công Giáo vì sự phát triển của con người; và Đức Giám Mục Joseph Perry, Giám Mục Phụ Tá của Chicago, chủ tịch Tiểu ban về các vấn đề người Mỹ gốc Phi đã đưa ra tuyên bố sau:

Chúng tôi rất đau khổ, đau lòng và phẫn nộ khi xem một video về một người đàn ông Mỹ gốc Phi bị giết trước mắt chúng tôi. Điều đáng kinh ngạc hơn nữa là điều này xảy ra chỉ trong vòng vài tuần sau một vài biến cố tương tự như vậy. Đây là lời mời gọi thức tỉnh mới nhất cần được đáp trả bởi mỗi người chúng ta trong một tinh thần quyết tâm hoán cải.

Phân biệt chủng tộc không phải là một điều của quá khứ hoặc chỉ đơn giản là một vấn đề chính trị được băng bó lúc nào đó thuận tiện. Đó là một mối nguy hiểm thực sự và hiện tại phải được đáp ứng một cách trực diện. Là thành viên của Giáo Hội, chúng ta phải ủng hộ những hành động đúng đắn và công bằng hơn, thay vì dễ dãi và thờ ơ trước những sai lầm. Chúng ta không thể nhắm mắt làm ngơ trước những hành động tàn bạo này mà vẫn cố gắng rêu rao là tôn trọng cuộc sống của mỗi con người. Hãy nhớ rằng: Chúng ta đang phục vụ một Thiên Chúa của tình yêu, lòng thương xót và công lý.

Chúng tôi được mong đợi sẽ kêu gọi các cuộc biểu tình phi bạo lực ôn hòa, và chúng tôi chắc chắn sẽ làm như thế, nhưng chúng tôi cũng ủng hộ nhiệt tình của các cộng đồng bị xúc phạm một cách quá trắng trợn. Quá nhiều cộng đồng trên khắp đất nước này cảm thấy tiếng nói của họ không được lắng nghe, những lời phàn nàn của họ về nạn đối xử phân biệt chủng tộc không được chú ý, và chúng ta không làm đủ để chỉ ra rằng sự đối xử chết người này là một dấu chỉ phản chứng đối với Tin Mừng Sự sống.

Như chúng tôi đã nói mười tám tháng trước trong lá thư mục vụ gần đây nhất của chúng tôi về chống phân biệt chủng tộc, có nhan đề Hãy Mở Rộng Lòng Chúng Ta Ra, đối với những người da màu, một số tương tác với cảnh sát có thể gây ra nỗi sợ hãi và thậm chí là nguy hiểm. Những người có lương tâm tốt không bao giờ được nhắm mắt làm ngơ khi công dân bị tước đi phẩm giá con người và thậm chí cả mạng sống của họ. Sự thờ ơ không thể là một lựa chọn. Là một Giám Mục, chúng tôi tuyên bố rõ ràng rằng phân biệt chủng tộc là một vấn nạn đối với sự sống.

Chúng tôi hiệp cùng với Đức Tổng Giám Mục Bernard A. Hebda của St. Paul và Minneapolis cầu nguyện cho sự an nghỉ đời đời của linh hồn anh George Floyd và tất cả những người khác đã mất mạng trong các trường hợp tương tự. Chúng tôi cầu xin sự chấm dứt bạo lực sau thảm kịch này và cho các nạn nhân của những cuộc bạo loạn. Chúng tôi cầu nguyện cho sự an ủi cho gia đình và bạn bè anh Floyd đang phải đau buồn. Chúng tôi cầu nguyện cho hòa bình trên khắp Hoa Kỳ, đặc biệt là ở Minnesota, trong khi tiến trình pháp lý được thực hiện. Chúng tôi cũng trông đợi một cuộc điều tra đầy đủ dẫn đến trách nhiệm chính đáng và công lý thực sự.

Chúng tôi tham gia với các Giám Mục anh em của chúng tôi để mời gọi mọi người đến với nhau, đặc biệt là với những người đến từ các nền văn hóa khác nhau. Trong cuộc gặp gỡ này, tất cả chúng ta hãy tìm kiếm sự hiểu biết nhiều hơn giữa Dân Chúa. Quá nhiều người trong lịch sử đã bị tước mất nhân quyền và tiếp tục phải trải qua nỗi buồn và nỗi đau, nhưng họ vẫn nỗ lực để kiên trì và vẫn là người có đức tin mạnh mẽ. Chúng tôi khuyến khích các mục tử của chúng ta gặp gỡ và đồng hành một cách chân thực hơn với họ, lắng nghe câu chuyện của họ và học hỏi từ họ, tìm ra những cách thức thực sự để tạo ra sự thay đổi hệ thống. Những cuộc gặp gỡ như vậy sẽ bắt đầu mang lại sự hoán cải cần thiết trong sự hiểu biết của chúng ta về cuộc sống thực sự, lòng bác ái và công lý ở Hoa Kỳ. Hy vọng, khi đó sẽ có nhiều tiếng nói lên tiếng và tìm cách chữa lành, chống lại sự xấu xa của nạn phân biệt chủng tộc ở vùng đất của chúng ta.

Hướng đến ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống vào cuối tuần này, chúng tôi mời gọi tất cả người Công Giáo cầu nguyện và làm việc cho sự tuôn đổ mới mẻ các ơn Chúa Thánh Thần. Chúng ta hãy cầu nguyện cho một sự khao khát siêu nhiên muốn thoát ra khỏi những tác hại mà sự thiên vị và thành kiến gây ra. Chúng tôi kêu gọi người Công Giáo cầu nguyện với Chúa Thánh Thần để Thần Chân lý chạm đến trái tim của tất cả mọi người ở Hoa Kỳ và tuôn đổ xuống hệ thống thực thi pháp luật và tư pháp hình sự của chúng ta. Cuối cùng, hãy để mỗi người Công Giáo, bất kể sắc tộc của họ, cầu xin Chúa chữa lành quan điểm của chúng ta đối với nhau đã bị đổ vỡ một cách sâu sắc, và xin Người chữa lành xã hội đã tan vỡ sâu sắc của chúng ta.


Source:USCCB

3. Tôi không thở được, xin đừng giết tôi – Lạy Chúa tại sao cảnh kinh hoàng này vẫn còn xảy ra?

Trong khi những kẻ bạo loạn và những kẻ cướp bóc xuống đường, và một phần của thành phố Minneapolis bị đốt cháy, một số người Công Giáo ở bang Minnesota đã kêu gọi công lý, chữa lành và đoàn kết sau khi George Floyd, một người đàn ông da đen bị giết bởi một cảnh sát viên hôm thứ Hai.

“Tôi cảm thấy buồn. Tôi thấy bịnh. Tôi tức giận. Và tôi mệt mỏi. Tôi mệt mỏi vì những điều như vậy cứ xảy ra lặp đi lặp lại. ‘Lạy Chúa, chúng con còn phải chịu đựng những điều như vậy trong bao lâu nữa? ’” Cha Erich Rutten, Cha sở của Giáo xứ St. Peter Claver ở St. Paul, nói như trên trong một thông điệp trên YouTube vào ngày 27 tháng 5, hai ngày sau khi Floyd bị giết.

“Tình yêu của Thiên Chúa, mạc khải trong Chúa Giêsu Kitô, rõ ràng cho chúng ta thấy rằng chúng ta tất cả đều là con cái của một Thiên Chúa duy nhất, và rằng chúng ta đều bình đẳng trước mặt Chúa Kitô là Vua của chúng ta, trong Nước của Cha chúng ta. Chúng ta đều là anh chị em với nhau.”

Giáo xứ này là nơi sinh sống của cộng đồng Công Giáo người Mỹ gốc Phi lớn nhất tại hai thành phố St. Paul và Minneapolis, và, vào năm 1888, là nhà thờ Công Giáo đầu tiên được thành lập bởi và dành cho người Mỹ gốc Phi sống ở Minnesota.

“Đây là một trường hợp trong đó cái chủ nghĩa duy da trắng đã phải trả giá là sinh mạng một người nào đó trong cuộc sống. Ý tưởng sai lầm rằng người da trắng bằng cách nào đó có thể xô đẩy người khác xung quanh, hoặc họ là chủ sở hữu đất nước này, hoặc sở hữu thành phố Minneapolis này, đã dẫn đến sự thiếu tôn trọng khủng khiếp. Dẫn đến nghèo đói. Dẫn đến, trong trường hợp này, bạo lực, và trong nhiều trường hợp, bạo lực, ” Cha Rutten nói thêm trong video của ngài.

“Trường hợp đặc biệt này là rất nghiêm trọng, ” Cha Rutten nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, hôm thứ tư, “nó quá là điên.”

“Đức tin của chúng ta kêu gọi chúng ta phải xa lánh chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, và phải tiến xa hơn trong một sự hiệp nhất triệt để, trong Nước Thiên Chúa, là Vương quốc trong đó chúng ta đều là anh chị em. Tôi thực sự muốn nói: Chúng ta thật sự là anh chị em ruột thịt với nhau, ” Cha Rutten nói thêm.

Giáo xứ St. Peter Claver nằm trong một khu phố nơi các tòa nhà xung quanh bị hư hại bởi những kẻ nổi loạn vào tối thứ Năm. Nhà thờ may mắn không bị hề hấn gì.

“Đó là một đêm điên rồ, với rất nhiều điều xảy ra xung quanh đây, ” Cha Rutten nói trong một đoạn video phát hành sáng thứ Sáu.

“Điều đó chỉ làm chúng ta cảm thấy tệ hại cho cộng đồng của mình, vì quá nhiều nỗi đau và hy vọng chúng ta có thể tìm ra cách chữa lành, hòa giải và hòa bình. Tôi biết điều đó sẽ không dễ dàng.”

Giáo xứ đã livestream một buổi cầu nguyện tối thứ Sáu.

Giáo dân St. Peter Claver cũng đã kêu gọi công lý.

Estelle Jones, 75 tuổi, lãnh đạo ủy ban công lý xã hội tại St. Peter Claver, nhằm hỗ trợ cho các gia đình của những người bị giam giữ.

Hôm thứ Ba, bà nói với CNA rằng “Tôi có cảm giác buồn nôn đến mức rất khó, thậm chí không còn muốn nói về chuyện này.”

“Một cái gì đó phải dừng lại, tôi hy vọng. Thật đáng buồn, nhưng tôi hy vọng cái chết của George Floyd sẽ đánh thức cộng đồng và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, rằng chúng ta phải ngăn chặn bạo lực và sự tàn bạo của cảnh sát, và sự phân biệt chủng tộc này.”

Vào năm 2015, Jones cho biết bà đã phải chứng kiến cảnh sát tấn công cháu trai của chính mình, lúc đó vào giữa tuổi ba mươi, tại một điểm dừng giao thông. Cháu bà “bước ra khỏi xe hơi của mình, và nó hoàn toàn hợp tác với cảnh sát. Nó đang đứng hai tay giơ lên trời. Điều tiếp theo chúng tôi thấy là họ đã quật nó xuống đất và đánh tới tấp bằng roi điện.”

“Chúng tôi đã ở đó. Con gái tôi, mẹ nó và tôi. Đây là một trong những điều kinh khủng nhất, khủng khiếp nhất chúng tôi từng phải chứng kiến xảy ra với một người thân yêu, và chúng tôi đang đứng đó.”

Jones cho biết cháu trai của bà đã phải nhập viện vì vết thương.

Cha Rutten cho biết giáo dân của giáo xứ Thánh Phêrô Claver được kêu gọi để “khuấy động cả trong Giáo Hội và trong thế giới của chúng ta cho công lý và hòa bình chủng tộc và chữa lành, và cho thực tế rằng chúng ta thật sự là anh chị em với nhau.”

“Nhớ đến George, chúng ta cần phải tiếp tục sứ mệnh đó, ” Cha Rutten nói.

Cựu cảnh sát viên thành phố Minneapolis Derek Chauvin, là người đã quỳ trên cổ anh Floyd, đã bị bắt vào ngày thứ Sáu 29 tháng 5 và bị buộc tội giết người cấp ba và ngộ sát. Anh ta và ba cảnh sát viên khác có mặt trong vụ bắt giữ Floyd đã bị sa thải khỏi lực lượng cảnh sát thành phố Minneapolis.

Trái với tuyên bố của cảnh sát vào hôm thứ Ba cho rằng Floyd đã chống cự khi bị cảnh sát bắt ra khỏi xe vì có người cáo buộc anh dùng một tờ 20 Mỹ Kim giả, các camera an ninh của các cửa hàng gần bên được tung lên YouTube cho thấy anh ta hoàn toàn hợp tác với cảnh sát. Anh liên tục kêu: “Tôi không thở được, xin đừng giết tôi.” Các báo cáo nói bất kể những lời van xin của người đi đường, Chauvin đã quỳ trên cổ của Floyd trong khoảng 8 phút và chỉ dừng lại khi một đồng nghiệp sờ vào mũi của Floyd và bảo “Nó chết rồi.”

Đức Tổng Giám Mục St. Paul và Minneapolis, Bernard Hebda, đã dâng một Thánh lễ cho linh hồn của George Floyd và cho gia đình của ông vào ngày 27 tháng Năm.

Trong một diễn biến thật tệ hại, cảnh sát tại phường 3 thành phố Minneapolis, là đơn vị phải chịu trách nhiệm về vụ giết chết Floyd đã phải rút lui khỏi đồn cảnh sát vào lúc 11:30 sáng thứ Năm. Những người biểu tình đã chiếm đồn cảnh sát và đốt cháy trụ sở này.


Source:Catholic News Agency

4. Đại diện Tòa Thánh bày tỏ sự bất mãn trước các chế giễu tôn giáo trong thời đại dịch coronavirus

Khi mọi người dành nhiều thời gian trực tuyến hơn trong thời gian bị cô lập vì đại dịch coronavirus kinh hoàng, những nhận xét tiêu cực và thậm chí kích động hận thù dựa trên bản sắc dân tộc, văn hóa hoặc tôn giáo đã tăng lên, một đại diện của Vatican cho biết như trên.

Đức Ông Janusz Urbanchot, đại diện của Tòa Thánh tại Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu, gọi tắt là OSCE, cảnh báo rằng:

“Phân biệt đối xử trên các phương tiện truyền thông xã hội có thể dẫn đến bạo lực, là bước cuối cùng trong một con dốc trơn trượt bắt đầu bằng sự nhạo báng và bất khoan dung xã hội, ”

Đức Ông Urbanchot là một trong hơn 230 đại diện của các quốc gia thành viên OSCE, các tổ chức liên chính phủ, các cộng đồng bị gạt ra ngoài lề xã hội dân sự tham gia cuộc họp trực tuyến từ ngày 25 đến 26 tháng Năm để thảo luận về những thách thức và cơ hội nhằm tăng cường khả năng chịu đựng trong đại dịch và trong tương lai.

Tuyên bố từ OSCE cho biết:

“Những người tham gia thảo luận về tầm quan trọng của các chính sách bao gồm việc xây dựng các liên minh nhằm củng cố các xã hội đa dạng và đa sắc tộc, cũng như sự cần thiết phải hành động sớm để ngăn chặn sự bất khoan dung đang leo thang thành xung đột mở rộng.”

Theo Vatican News, Đức Ông Urbanchot nói với cuộc họp rằng lòng căm thù đức tin Kitô và các niềm tin tôn giáo khác ảnh hưởng tiêu cực đến nhân quyền và các quyền tự do cơ bản khác của người dân.

Những hành động này bao gồm các mối đe dọa, tấn công bạo lực, giết người và báng bổ niềm tin cũng như những nơi thờ phượng, nghĩa trang và các tài sản tôn giáo khác.

Đức Ông Urbanchot cũng nhấn mạnh Tòa Thánh đặc biệt quan tâm đến vấn đề là một số nhà chức trách một mặt thì rêu rao là tôn trọng tự do tôn giáo, nhưng trong thực tế cố gắng hạn chế tối đa các thực hành tôn giáo và các biểu hiện tôn giáo ở nơi công cộng.

“Ý tưởng sai lầm rằng các tôn giáo có thể có tác động tiêu cực đến xã hội hoặc đại diện cho một mối đe dọa đối với sự thịnh vượng của xã hội chúng ta đang phát triển, ” ngài cảnh báo.

“Một số biện pháp cụ thể mà các chính phủ đã thực hiện để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19 thể hiện rõ sự phân biệt đối xử đối với các tôn giáo và các thành viên của các tôn giáo.”

“Nhân quyền và các quyền tự do cơ bản đã bị hạn chế hoặc bị bôi bác trong toàn bộ khu vực OSCE, kể cả ở những nơi mà các nhà thờ bị ra lệnh đóng cửa và nơi các cử hành tôn giáo phải đối mặt với những hạn chế lớn hơn so với các khu vực khác của đời sống công cộng.”


Source:Crux

Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/256659.htm

CÁC TIN KHÁC: