Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Video: Đức Thánh Cha gặp gỡ với các linh mục, tu sĩ nam nữ và Hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô tại Marốc
01/04/2019 12:00:00 SA

Sáng Chúa Nhật 31 tháng Ba, lúc 9:30, Đức Thánh Cha đã viếng thăm trung tâm nông thôn các dịch vụ xã hội ở Témera.

Sau đó, vào lúc 10:35, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ với các linh mục, tu sĩ nam nữ và Hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô tại nhà thờ chính tòa giáo phận Rabat.

Ngôi nhà thờ này có tên đầy đủ là nhà thờ chính tòa Thánh Phêrô, tọa lạc tại Quảng trường Golan ở trung tâm thủ đô Rabat. Nhà thờ được xây dựng vào đầu thế kỷ 20 theo kiến trúc Art Deco. Việc khởi công xây dựng nhà thờ bắt đầu vào năm 1919. Kiến trúc sư trưởng là Adrien Laforgue. Lễ khánh thành diễn ra 2 năm sau đó, tức là năm 1921 và nhà thờ bắt đầu hoạt động vào tháng 11 cùng năm đó. Hai tòa tháp của nhà thờ, nổi bật trên đường chân trời của thủ đô Rabat, đã được thêm vào trong thập niên 1930.

Trong diễn từ với các linh mục, tu sĩ nam nữ và Hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô, Đức Thánh Cha nói:


Anh chị em thân mến, chào tất cả anh chị em!

Tôi rất hạnh phúc khi có cơ hội được ở bên anh chị em. Tôi đặc biệt cảm ơn Cha Germain và Sơ Mary vì những chứng tá của họ. Tôi cũng xin chào các thành viên của Hội đồng Đại kết Các Giáo Hội Kitô, là một dấu chỉ rõ ràng cho sự hiệp thông được cảm nhận ở Marốc giữa các Kitô hữu của những hệ phái khác nhau trên con đường dẫn đến sự hiệp nhất. Kitô hữu là một thiểu số nhỏ ở đất nước này. Tuy nhiên, theo suy nghĩ của tôi, đây không phải là một vấn đề, mặc dù tôi nhận ra rằng đôi khi nó có thể gây khó khăn cho một số anh chị em. Tình hình của anh chị em làm tôi nhớ đến một câu hỏi của Chúa Giêsu: “Nước Thiên Chúa giống cái gì đây? Tôi phải ví Nước ấy với cái gì?.. . Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men”(Lc 13: 18,21). Phỏng theo những lời của Chúa, chúng ta có thể tự hỏi: Kitô hữu giống như điều gì, ở những vùng đất này? Ta phải so sánh họ với điều chi? Họ giống như một nắm men nhỏ mà Giáo Hội Mẹ muốn trộn vào một lượng bột lớn cho đến khi tất cả được dậy men. Vì Chúa Giêsu không chọn chúng ta và phái chúng ta ra đi để trở nên đông đảo hơn! Ngài mời gọi chúng ta đến với một sứ vụ. Ngài đặt chúng ta vào giữa xã hội như một nắm men: men của Các Mối Phúc Thật và tình huynh đệ, theo đó, là Kitô hữu, tất cả chúng ta đều có thể tham gia làm cho Nước Ngài trị đến. Trong bối cảnh này, tôi nhớ lại lời khuyên của Thánh Phanxicô với các anh em ngài khi ngài sai họ đi: “Hãy đi và rao giảng Tin Mừng: và nếu cần thiết, thì dùng cả lời lẽ [mà biện giải]”.

Anh chị em thân mến,

Điều này có nghĩa là sứ mệnh của chúng ta như những người được rửa tội, các linh mục và những người nam nữ tận hiến, không thực sự được xác định bởi số lượng hoặc chiều kích không gian mà chúng ta chiếm giữ, mà là bởi khả năng của chúng ta có thể tạo ra sự thay đổi và đánh thức sự ngạc nhiên và lòng trắc ẩn. Chúng ta làm điều này bằng cách sống như các môn đệ của Chúa Giêsu, ở giữa những người mà chúng ta chia sẻ cuộc sống hàng ngày, niềm vui và nỗi buồn, đau khổ và hy vọng (x. Evangelii Gaudium - Hiến chế Mục vụ Giáo Hội trong thế giới đương đại, 1). Nói cách khác, con đường truyền giáo không phải là con đường chiêu dụ tín đồ. Xin vui lòng nhớ nhé, những nẻo đường này không phải là những con đường chiêu dụ tín đồ! Chúng ta hãy nhớ lại lời Đức Bênêđíctô XVI đã từng nói: “Giáo Hội không phát triển thông qua việc chiêu dụ tín đồ, nhưng bằng sự lôi cuốn, thông qua các chứng tá”. Những nẻo đường truyền giáo không phải là những nẻo đường của chiêu dụ tín đồ, vì những nẻo đường như thế luôn luôn chỉ dẫn đến đường cùng, nhưng những nẻo đường ấy phải là cách chúng ta sống với Chúa Giêsu và với những người khác. Vấn đề không phải là khi chúng ta ít về số lượng, nhưng là khi chúng ta không còn đáng kể nữa, khi muối đã mất đi hương vị của Tin Mừng, hoặc khi ngọn đèn không còn sáng tỏ nữa – đó mới là vấn đề (x. Mt 5: 13-15).

Tôi tin rằng chúng ta nên lo lắng bất cứ khi nào Kitô hữu chúng ta hoang mang bởi ý nghĩ cho rằng chúng ta chỉ có ý nghĩa nếu chúng ta là bột mì, nếu chúng ta chiếm tất cả các không gian. Anh chị em biết rất rõ rằng cuộc sống của chúng ta là nhằm làm “men”, bất cứ nơi nào và với bất cứ ai, chúng ta gặp gỡ, thậm chí cho dù điều này dường như không mang lại lợi ích tỏ tường hoặc ngay lập tức nào (x. Niềm Vui Tin Mừng, 210). Là Kitô hữu không có nghĩa là gắn bó với một đạo lý, hay với một ngôi đền hay với một nhóm sắc tộc nào. Trở thành Kitô hữu liên quan đến một cuộc gặp gỡ, đó là một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta là Kitô hữu bởi vì chúng ta đã được yêu thương và được gặp gỡ, chứ không phải là kết quả của việc chiêu dụ tín đồ. Trở thành Kitô hữu là biết rằng chúng ta đã được tha thứ và biết rằng chúng ta được yêu cầu phải đối xử với người khác như Chúa đối xử với chúng ta. Vì “mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.” (Ga 13:35).

Anh chị em thân mến, khi suy nghĩ về bối cảnh, trong đó anh chị em được kêu gọi để sống ơn gọi nhận được qua bí tích rửa tội, qua thừa tác vụ và cuộc sống thánh hiến của anh chị em, tôi nhớ lại những lời của Thánh Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục trong thông điệp Ecclesiam Suam (Giáo Hội Ngài): “Giáo Hội phải tham gia vào cuộc đối thoại với thế giới đang sống. Giáo Hội có những điều muốn nói, một thông điệp muốn đưa ra, những điều muốn thông truyền”(số 65). Nói rằng Giáo Hội phải tham gia đối thoại không phải là nói theo mốt thời thượng. Đối thoại đúng là từ ngữ đang thịnh hành ngày nay, nhưng đó không phải là lý do để đối thoại. Đối thoại ít nhiều cũng là một chiến lược để tăng số thành viên của mình, nhưng không, chúng ta không coi đối thoại như một chiến lược. Giáo Hội phải tham gia đối thoại vì lòng trung thành với Chúa và Thầy của mình, Đấng ngay từ đầu, rung động vì tình yêu, đã muốn tham gia đối thoại như một người bạn và yêu cầu chúng ta bước vào tình huynh đệ với Ngài (x. Dei Verbum – Tông huấn Lời Chúa, 2). Là các môn đệ của Chúa Giêsu Kitô, ngay từ ngày được rửa tội, chúng ta đã được mời gọi trở thành một phần của cuộc đối thoại cứu rỗi và tình huynh đệ này, một cuộc đối thoại mà chúng ta là người đầu tiên được hưởng lợi.

Kitô hữu, ở đây trong những vùng đất này, học cách trở thành một bí tích sống động trong cuộc đối thoại mà Thiên Chúa muốn khởi động với mỗi người nam nữ, bất kể họ ở đâu. Đó là một cuộc đối thoại mà chúng ta được kêu gọi để đón nhận theo gương Chúa Giêsu, Đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng (x. Mt 11:29), với tình yêu mãnh liệt và vô vụ lợi, không tính toán và giới hạn, và với niềm tôn trọng tự do của người khác. Theo tinh thần này, chúng ta có thể tìm thấy nơi những người đi trước chúng ta, là những người chỉ đường cho chúng ta, vì qua cuộc sống của họ, họ làm chứng rằng đối thoại là có thể; họ hướng chúng ta đến một “tiêu chuẩn cao” thách thức chúng ta và thúc đẩy chúng ta tiến vào. Làm sao chúng ta có thể không nghĩ đến Thánh Phanxicô thành Assisi, là người khi các cuộc Thập tự chinh đang lên tới cao trào đã đi gặp vua al-Malik al-Kamil? Làm sao chúng ta lại không nghĩ đến Chân Phước Charles de Foucault, là người đã rúng động sâu sắc bởi cuộc sống khiêm tốn và ẩn cư của Chúa Giêsu thành Nagiarét, Đấng mà ngài thầm yêu mến, đến mức muốn trở thành một “người anh em cho tất cả”? Và làm sao chúng ta có thể quên được những Kitô hữu đồng bào của chúng ta đã chọn sống liên đới với người khác, thậm chí đến mức hiến mạng sống mình? Khi Giáo Hội, trong niềm trung tín với sứ mệnh đã nhận lãnh từ Chúa, bắt đầu đối thoại với thế giới và đưa ra thông điệp của mình, Giáo Hội dự phần trong sự trông đợi một tình huynh đệ có nguồn mạch sâu xa nhất không phải nơi chính chúng ta nhưng là trong tình phụ tử của Thiên Chúa.

Là những người tận hiến, chúng ta được mời gọi trải nghiệm cuộc đối thoại cứu độ này trên hết như một lời chuyển cầu cho những người được giao phó cho chúng ta. Tôi nhớ có lần nói chuyện với một linh mục, giống như anh chị em, đang sống ở một vùng đất nơi Kitô hữu chỉ là một thiểu số. Ngài nói với tôi rằng: “Kinh Lạy Cha” đã có một ý nghĩa đặc biệt đối với ngài vì, cầu nguyện ở giữa những người thuộc các tôn giáo khác, ngài cảm thấy sức mạnh của cụm từ “Xin cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”. Lời cầu thay nguyện giúp của ngài, với tư cách là một nhà truyền giáo, đã mở rộng đến những người mà theo một cách nào đó đã được giao phó cho ngài, không phải để cai trị mà là để yêu thương, và điều này khiến ngài cầu nguyện với lời kinh này trong một cảm giác thật đặc biệt. Những người thánh hiến và các linh mục mang lên bàn thờ và vào những lời cầu nguyện của họ cuộc sống của tất cả những người xung quanh; họ giữ cho sống động, như thể qua một cửa sổ nhỏ, sức mạnh ban sự sống của Chúa Thánh Thần. Thật đẹp để biết rằng, trong các phần khác nhau của vùng đất này, thông qua tiếng nói của anh chị em, mọi loài thụ tạo có thể liên tục xướng lên lời cầu của kinh “Lạy Cha”.

Đối thoại, khi đó, trở thành lời cầu nguyện. Chúng ta có thể thực thi điều này hàng ngày nhân danh “tình huynh đệ nhân loại bao trùm tất cả mọi người, hiệp nhất họ và làm cho họ bình đẳng, và nhân danh một tình huynh đệ đã bị xâu xé bởi các chính sách cực đoan và chia rẽ, bởi các hệ thống lợi nhuận tham lam vô bờ bến hoặc bởi các khuynh hướng ý thức hệ hận thù, đang thao túng các hành động và tương lai của những người nam nữ (Tài liệu về tình huynh đệ của con người, Abu Dhabi, 4 tháng 2 2019). Đó là một lời cầu thay nguyện giúp không phân biệt, không phân rẽ hay gạt ra ngoài lề, nhưng bao trùm cuộc sống của người lân cận với chúng ta. Đó là một lời chuyển cầu thân thưa cùng Chúa Cha xin cho “Nước Cha trị đến”, không phải bởi bạo lực, hay lòng thù hận, hay uy thế dân tộc, tôn giáo hay kinh tế, v.v., nhưng bởi sức mạnh của lòng trắc ẩn tuôn tràn từ trên thập giá cho cả nhân loại. Đây là kinh nghiệm của đa số anh chị em.

Tôi cảm ơn Chúa vì tất cả những gì anh chị em đang làm với tư cách là những người theo Chúa Giêsu Kitô ở Marốc, hàng ngày khám phá thông qua đối thoại, hợp tác và tình bạn con đường để gieo rắc một tương lai đầy hy vọng. Bằng cách này, anh chị em sẽ vạch mặt và phơi bầy mọi nỗ lực khai thác những khác biệt và sự thiếu hiểu biết nhằm gieo rắc nỗi sợ hãi, lòng thù hận và xung đột. Vì chúng ta biết rằng nỗi sợ hãi và thù hận, được nuôi dưỡng và thao túng, gây bất ổn cho cộng đồng của chúng ta và khiến họ trở nên vô phương tự vệ về mặt tinh thần.

Tôi khuyến khích anh chị em đừng có mong muốn nào khác ngoài việc làm cho hữu hình sự hiện diện và tình yêu của Chúa Kitô, Đấng vì thiện ích của chúng ta đã trở nên nghèo hèn để làm giàu cho chúng ta bằng sự nghèo khó của Ngài (x. 2Cr 8: 9), và hãy tiếp tục là người lân cận của những người thường bị bỏ lại phía sau, những người nhỏ bé và người nghèo, những tù nhân và người di cư. Cầu mong lòng bác ái của anh chị em tích cực hơn bao giờ và trở nên một con đường hiệp thông giữa các Kitô hữu của mọi hệ phái Kitô hiện diện ở Marốc: đó là con đường đại kết của đức ái. Cầu xin cho đó cũng là một con đường đối thoại và hợp tác với các anh chị em Hồi giáo của chúng ta, và với tất cả những người nam nữ thiện chí. Lòng bác ái, đặc biệt là đối với những người dễ bị tổn thương, là cơ hội tốt nhất mà chúng ta phải tiếp tục làm việc để xây dựng nền văn hóa gặp gỡ. Cầu xin cho đó cũng là một con đường để những người phải chịu đựng đau khổ, vất vả và loại trừ có thể nhận ra rằng họ là thành viên của một gia đình nhân loại, dưới lá cờ của tình huynh đệ. Là môn đệ của Chúa Giêsu Kitô, cầu xin cho anh chị em, trong cùng tinh thần đối thoại và hợp tác đó, luôn quan tâm phục vụ cho sự thăng tiến công lý và hòa bình, giáo dục trẻ em và người trẻ, bảo vệ và đồng hành những người già, những người dễ bị tổn thương, những người tàn tật và những người bị áp bức.

Một lần nữa, tôi cảm ơn tất cả các anh chị em vì sự hiện diện của anh chị em và sứ vụ của anh chị em ở Marốc. Cảm ơn anh chị em vì sự phục vụ khiêm tốn và kín đáo của anh chị em, theo gương những người đi trước chúng ta trong đời tận hiến, trong số đó tôi muốn chào đón niên trưởng của anh chị em, Sơ Ersilia. Thông qua Sơ, Sơ thân mến, tôi gửi lời chào thân ái đến các anh chị em cao niên, vì lý do sức khỏe, không có mặt ở đây, nhưng hiệp nhất với chúng ta trong lời cầu nguyện.

Tất cả các anh chị em là nhân chứng của một lịch sử vẻ vang. Một lịch sử của những hy sinh, những hy vọng, những vất vả hàng ngày, những cuộc sống hao mòn trong sự phục vụ, kiên trì và làm việc chăm chỉ, vì tất cả mọi công việc đều khó khăn, đều phải được thực hiện “bằng cách đổ mồ hôi trán của chúng ta”. Nhưng hãy để tôi nói với anh chị em rằng “anh chị em có một lịch sử vẻ vang để nhớ và kể lại, nhưng cũng là một lịch sử tuyệt vời để thực hiện! Hãy nhìn về tương lai – hãy dự phóng cho những ngày sắp tới - nơi Chúa Thánh Thần đang sai anh chị em đến”(Vita Consecrata – Đời sống thánh hiến, 110). Như thế, anh chị em sẽ tiếp tục là dấu chỉ sống động của tình huynh đệ mà Chúa Cha đã kêu gọi chúng ta, không thối lui hay thụ động, nhưng như những tín hữu biết rằng Chúa luôn đi trước chúng ta và mở ra những không gian hy vọng ở bất cứ nơi nào điều gì đó hay ai đó xem ra tuyệt vọng.

Xin Chúa ban phép lành cho mỗi người trong anh chị em và, thông qua anh chị em, các thành viên của tất cả các cộng đồng của anh chị em. Xin Chúa Thánh Thần giúp anh chị em sinh hoa trái dồi dào: hoa trái của đối thoại, công bằng, hòa bình, sự thật và tình yêu, để ở đây trên vùng đất mà Thiên Chúa yêu thương, tình huynh đệ nhân loại có thể ngày càng lớn mạnh. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn anh chị em!

[Bốn đứa trẻ tiến lên bên cạnh Đức Thánh Cha. Ngài nói bằng tiếng Pháp “Voici le future! Le maintenant et le future!” - Đây là tương lai! Hiện tại và tương lai!]

Và giờ đây, chúng ta hãy đặt mình dưới sự bảo vệ của Đức Trinh Nữ Maria bằng cách đọc kinh Truyền Tin.



Theo thống kê vào tháng Bẩy 2018, Marốc có 34.3 triệu dân, trong đó 99% theo Hồi Giáo Sunni. Giáo Hội Công Giáo tại đây chỉ có khoảng 23,000 tín hữu sinh hoạt trong hai tổng giáo phận là tổng giáo phận thủ đô Rabat và tổng giáo phận Tanger.

Tổng giáo phận thủ đô Rabat được Đức Thánh Cha Piô thứ XII hình thành vào ngày 14 tháng Chín năm 1955 từ Miền Giám Quản Tông Tòa Rabatensis được Đức Thánh Cha Piô thứ XI thành lập vào ngày 2 tháng Bẩy 1923.

Theo thống kê 2017, trong tổng số 29,900,000 dân của thủ đô Rabat, chỉ có 20,000 người Công Giáo sinh hoạt trong 28 giáo xứ, dưới sự coi sóc của Đức Tổng Giám Mục Cristóbal López Romero, dòng Salêsiêng. Tổng giáo phận có 33 linh mục trong đó có 14 linh mục triều và 19 linh mục dòng. Bên cạnh đó còn có 22 nam tu sĩ không có chức linh mục và 101 nữ tu.

Ngày 28 tháng Mười Một, năm 1630, Đức Giáo Hoàng Urbanô VIII thành lập Miền Phủ Doãn Tông Tòa Marruecos. Đến ngày, 14 tháng Tư, 1908, Đức Thánh Cha Piô thứ X nâng miền này lên hàng Giám Quản Tông Tòa. Ngày 14 tháng Mười Một, năm 1956, Miền Giám Quản Tông Tòa Marruecos được Đức Thánh Cha Piô thứ XII nâng lên hàng Tổng giáo phận và được đổi tên là tổng giáo phận Tanger.

Trong tổng số 4,325,500 dân trong vùng, người Công Giáo chỉ có khoảng 3,000 người sinh hoạt trong 7 giáo xứ, dưới sự coi sóc của Đức Tổng Giám Mục Santiago Agrelo Martínez, dòng Phanxicô.

Tổng giáo phận có 15 linh mục, tất cả đều là linh mục dòng. Bên cạnh đó còn có 21 nam tu sĩ không có chức linh mục và 77 nữ tu.

Hầu hết người Công Giáo ở quốc gia này là người nước ngoài đến từ Âu châu, phần lớn là người Pháp và người Tây Ban Nha đã có mặt từ thời thuộc địa.

Nhóm thứ hai gồm những người nhập cư vùng Sahara, chủ yếu là sinh viên. Ngoài tiếng Ả Rập, tất cả người Âu châu có thể nói tiếng Tây Ban Nha và tiếng Pháp. Do đó, tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha là hai ngôn ngữ chính trong các thánh lễ tại Marốc. Người Công Giáo Ả Rập cũng dùng tiếng Berber và tiếng Moor trong các thánh lễ và trong việc dạy giáo lý.

Có rất ít người cải đạo từ Hồi giáo sang Công Giáo, là tôn giáo thống trị tại Marốc.

Trong thời thuộc địa có một số người Hồi giáo cải đạo sang Công Giáo chủ yếu là qua hôn nhân. Ngày nay, dưới các luật lệ khắt khe việc cải đạo sang Công Giáo hầu như không tồn tại.


Source:Libreria Editrice Vaticana

Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/249620.htm

CÁC TIN KHÁC: