Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Video: Giáo Hội Năm Châu 04/03/2019: Hội Nghị Bảo Vệ Trẻ Vị Thành Niên Trong Giáo Hội
03/03/2019 12:00:00 SA

Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Trong mấy ngày qua, VietCatholic đã cố gắng cung cấp một số thông tin liên quan đến Hội Nghị Thương Đỉnh về Bảo Vệ Trẻ Em Trong Giáo Hội, chú trọng nhiều tới các bài phát biểu của Đức Giáo Hoàng và các nhân vật khác mà chúng tôi cho là chủ yếu để nắm được đường hướng giải quyết nạn lạm dụng tình dục trong Giáo Hội, một nạn đau lòng đến độ làm cho một vị Hồng Y phải tức tưởi khóc trong lúc đọc bài thuyết trình của mình. Dòng nước mắt này nhất định mang nhiều ý nghĩa cả hối hận lẫn hối tiếc và tức giận.

Nay hội nghị đã kết thúc, trong chương trình Giáo Hội Năm Châu tuần này, chúng tôi muốn duyệt lại toàn bộ các sự kiện đã diễn ra trong thời gian 4 ngày qua.

1. Ngày đầu tiên 21 tháng Hai

“Trách nhiệm, giải trình trách nhiệm, và minh bạch” cần phải là “thành phần trong DNA của Giáo Hội”. Đó là câu mở đầu Ông Alessandro Gisotti, Giám Đốc lâm thời của Phòng Báo Chí Tòa Thánh, dùng để dẫn nhập buổi họp báo Ngày Một của Hội Nghị “Bảo Vệ Trẻ Em Trong Giáo Hội”.

Ông Bộ Trưởng Bộ Truyền Thông của Tòa Thánh, Paolo Ruffini, là người đầu tiên lên tiếng với các nhà báo năm châu. Ông tóm tắt các bài phát biểu trong buổi sáng. Trước nhất là bài phát biểu của Đức Hồng Y Luis A. Tagle, Tổng Giám Mục Manila. Bài thứ hai là của Đức Tổng Giám Mục Charles Scicluna, phụ tá tổng thư ký của Bộ Giáo Lý Đức Tin; và đề cập tới các buổi hỏi thưa sau đó.

Theo vị phối trí viên Hội Nghị là Cha Federico Lombardi, SJ, Hội Nghị đi đúng đường vào sáng thứ Năm vì đã bàn tới các hạn từ chủ chốt quan yếu. Cha nhận diện được các chữ như “Lắng nghe”, “tính đồng nghị”, “tính cụ thể”, “tính mạnh bạo”, “hoán cải” và “thanh tẩy”.

Sau đó, Cha Lombardi nhắc đến “21 điểm” được Đức Giáo Hoàng Phanxicô trình bầy cho các tham dự viên lúc khởi đầu các cuộc tranh nghị buổi sáng. Các điểm này sau đó đã được nhắc đến như “một bản đồ chỉ đường” để các giám mục thảo luận, cung cấp cho các ngài “các đề xuất cụ thể” giúp các ngài tiến bước. Sau đó, Đức Tổng Giám Mục Scicluna minh xác đây không phải là các “quyết định” của Đức Giáo Hoàng, mà chỉ là “các suy tư” giúp các giám mục cả lúc các ngài ở trong hội nghị lẫn lúc đã trờ về nhà.

Trong các điểm được chú ý đặc biệt, là gợi ý của Đức Phanxicô nhằm nâng tuổi tối thiểu một thiếu nữ có thể kết hôn từ 14 lên 16, bằng tuổi của các thiếu nam, theo Giáo Luật.

Đức Tổng Giám Mục Scicluna cho hay ngài hết sức xúc động khi lắng nghe các chứng từ của các nạn nhân và người sống sót lúc bắt đầu Hội Nghị tại Phòng Họp của Thượng hội đồng giám mục vào sáng thứ Năm. Hơn một lần, ngài nhấn mạnh đến việc “lắng nghe”; ngài nói rằng nó giống như “mảnh đất thánh thiêng”: lắng nghe các nạn nhân nhưng, trong trường hợp này, cũng lắng nghe “các hiền huynh giám mục” những người xuất thân từ nhiều thực tại văn hóa và địa dư đa dạng. Đức Tổng Giám Mục nhắc lại chính diễn từ của ngài ngỏ với các giám mục trong phiên họp toàn thể buổi sáng. Ngài tóm tắt bằng các chữ “khôn ngoan”, “thực hành tốt” và “cùng làm việc với nhau”. Ngài bảo “ta không thể để các giám mục cô đơn”. Về phương diện này, chúng ta cũng cần “tạo lực cho cộng đồng”, trợ giúp và nâng đỡ đặc biệt các giám mục nào đang sống trong các khu vực chỉ có thể tiếp cận rất ít các nguồn tài lực, các chuyên gia hay nhân viên.

Quan trọng hơn cả, Đức Tổng Giám Mục Scicluna cho hay điều sinh tử là Giáo Hội phải di chuyển “từ nền văn hóa im lặng qua nền văn hóa tiết lộ”. Chúng ta phải “đối diện và giải quyết tác phong xấu xa, sửa lại nó ngay từ đầu”.

Đức Tổng Giám Mục của Brisbane, Úc, Mark Coleridge, mô tả phiên họp đầu tiên vào buổi sáng như một ‘hành trình khám phá”; ngài nói rằng nó hoàn toàn khác với bất cứ Thượng hội đồng nào ngài từng tham dự. Ngài nói tới “nghị lực” và “hăm hở” trong việc các tham dự viên đề cập tới vấn đề. Ngài bảo: “chúng tôi lắng nghe Thiên Chúa, lắng nghe các người sống sót, và lắng nghe nhau”. Đức Tổng Giám Mục đánh giá cao các bài trình bầy rất khác nhau của Đức Hồng Y Tagle và của Đức Tổng Giám Mục Scicluna, tóm tắt chúng bằng hai chữ “viễn kiến” và “chiến thuật”. Ngài nói: “chúng ta cần cả hai”.

Cha Hans Zollner SJ là thành viên của Ban Tổ Chức Hội Nghị. Ngài bắt đầu lên tiếng bằng cách cám ơn các người sống sót và nạn nhân về các chứng từ của họ, trong đó, ngài nói: “không tha điều gì” vì chúng “nóng bỏng, sống sượng [brutal], và trung thực”. Cha cho hay sau khi nghe các chứng từ này, đại diện cho năm châu và đủ mọi ngôn ngữ, các tham dự viên đã ngồi thừ ra đó trong 2 phút, tuyệt đối im lặng. Cha kết luận rằng qui định luật pháp, buộc phải giải trình trách nhiệm không đủ, trừ khi chúng được đi kèm với điều cha gọi là “cam kết tận đáy lòng”.

2. Ngày thứ hai: 22 tháng Hai

Chủ đề ngày thứ hai, 22 tháng Hai, là “Giải Trình Trách Nhiệm” (“Accountability”) và cuộc họp báo nhắc đến các đóng góp của hai Đức Hồng Y Cupich và O’Malley.

Cha Federico Lombardi bắt đầu buổi họp báo bằng cách mô tả “bầu khí” của Hội Nghị là “tích cực, xây dựng, hữu ích và cần thiết”.

Ngài nhắc đến sự hợp tác giữa Tòa Thánh và Marta Santos Pais, đại diện đặc biệt của Tổng thư lý Liên Hiệp Quốc về “bạo lực chống trẻ em”. Văn phòng Liên Hiệp Quốc đã chia sẻ các số thống kê và các chi tiết trong các cố gắng bảo vệ trẻ em của họ, và những điều này đã được phân phối cho các giám mục tại Vatican hôm thứ Sáu.

Cha Lombardi cũng cho hay “21 điểm” mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô trình bày với các Giám mục vào ngày thứ nhất, đã trở thành cơ sở để thảo luận và suy ngẫm trong các nhóm làm việc, khi các nhóm này cố gắng đem ra thực hành lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng phải có các đề nghị và kết quả cụ thể.

Ông Bộ trưởng Truyền thông Vatican, Paolo Ruffini, đã cung cấp các bản tóm tắt, đầu tiên là về các Phiên toàn thể, và sau đó là về các nhóm làm việc chiều thứ Năm. Các vấn đề phát sinh trong cả hai phiên nhóm này bao gồm tầm quan trọng của việc cùng nhau làm việc theo cách hợp đoàn, và của việc nhận ra rằng lạm dụng là một tội ác, bất kể nền văn hóa của bất cứ quốc gia chuyên biệt nào. Một hệ luận (out-take) của phiên họp buổi sáng là việc Cam kết của Giáo hội trong việc áp dụng các quy tắc và hướng dẫn bảo vệ trẻ vị thành niên đã dẫn đến sự sụt giảm số lượng các vụ lạm dụng ở nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, nó cũng nhấn mạnh điều này: thảo luận về tình dục không thể bị coi là điều cấm kỵ, và cần phải được xử lý như là một phần của sự đào tạo trong chủng viện.

Các nhóm làm việc nhỏ của hôm thứ Năm đã bàn đến nhiều vấn đề khác nhau, nhưng tập trung vào nhu cầu phải dành ưu tiên cho các nạn nhân và cố gắng phá vỡ chu kỳ khiến một số người bị lạm dụng, trở thành kẻ lạm dụng. Các nhóm cũng thảo luận về sự cần thiết phải tạo ra các nhóm đặc nhiệm hỗn hợp để hỗ trợ các Giáo hội nhỏ hơn và có ít tài nguyên hơn.

Đức Hồng Y Sean Patrick O’Malley, Tổng Giám mục Boston, đã phát biểu tại Buổi họp báo; ngài khẳng định “không có gì quan trọng hơn” so với việc giải quyết vấn đề bảo vệ trẻ vị thành niên này. Ngài cũng nói về việc phải tập chú vào các nạn nhân, và mô tả kinh nghiệm bản thân của ngài về việc gặp gỡ những người sống sót bị lạm dụng “giữa khi cuộc sống thay đổi”. Đức Hồng Y O’Malley nói rằng chỉ khi nào chúng ta gặp gỡ các nạn nhân, “giới lãnh đạo Giáo hội mới học được sự tàn phá giáng lên cuộc sống của họ bởi các kinh nghiệm này”.

Đức Hồng Y nói đến sự cần thiết phải có “các kế hoạch hành động”, và về vấn đề này, ngài đã ca ngợi những “ý tưởng cụ thể” của ông Cameron phía sau các trình bày của Đức Hồng Y Blase Cupich, Tổng Giám mục Chicago. Ngài cũng xác nhận tầm quan trọng của việc bao gồm các giáo dân trong việc giúp khôi phục niềm tin trong Giáo hội.

Về phần mình, Đức Hồng Y Cupich nói thêm rằng các cuộc gặp gỡ nạn nhân “đã khiến chúng ta tập chú”. Ngài nói: Mỗi câu chuyện đều độc đáo. Đức Hồng Y nói rằng nhận vấn đề làm của mình, liên quan đến trách nhiệm, liên quan đến trách nhiệm của các Giám mục, xét theo cá nhân hay nhóm, đều là “động lực thúc đẩy” đứng phía sau hội nghị về Bảo vệ trẻ vị thành niên trong Giáo hội này. Ngài nói: những gì xảy ra ở một nơi ảnh hưởng đến mọi người, mọi nơi. Đức Hồng Y Cupich cũng nói về tầm quan trọng của “chiến lược”: ngài kết luận rằng Đức Giáo Hoàng muốn “những bước và các kết quả cụ thể”.

Trong Buổi họp báo này, Đức Tổng Giám Mục Charles Scicluna của Malta, đã nhắc đến bài phát biểu của Đức Hồng Y Oswald Gracias, về “Tính hợp đoàn” (Collegiality). Ngài nói: chúng tôi được kêu gọi phục vụ Giáo hội hoàn vũ trong tư cách Giám mục, và, “chúng tôi có trách nhiệm giải trình với giáo dân của chúng tôi”. Đức Tổng Giám Mục cũng đề cập đến vấn đề giáo dân tham gia vào lĩnh vực bảo vệ trẻ vị thành niên: “Việc tham gia của giáo dân không phải là một tùy chọn, hay một phụ lục, nó không phải là một việc thêm vào”. Ngài nói thêm: giáo dân là “nền tảng cho phúc lợi và ‘hữu thể’ của Giáo hội”, vì “chúng tôi đang cùng bước đi với nhau”.

3. Ngày thứ ba: 23 tháng Hai

Ngày thứ ba của Hội Nghị Bảo vệ Trẻ vị Thành niên trong Giáo hội tại Tòa thánh đã tập trung vào chủ đề Minh bạch. Trong số các vị tham dự buổi họp báo, có một nữ tu Châu Phi, Bề trên Cả Dòng Tên và Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức.

Buổi họp báo bắt đầu với Cha Federico Lombardi trình bày điều ngài gọi là bốn “quan sát” của ngài trong 24 giờ qua. Ngài đã mô tả chứng từ của một nạn nhân sống sót vào tối thứ Sáu, như là “khoảnh khắc thâm hậu nhất trong cuộc gặp gỡ của chúng ta cho đến nay”. Ngài nói, mọi người đều xúc động sâu xa bởi chứng từ của cô”; ngài cho rằng điều này xác nhận: việc “đích thân lắng nghe” đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Sau đó, Cha Lombardi đã bình luận về sự đóng góp của phụ nữ tại Hội Nghị này: Tiến sĩ Linda Ghisoni, Phó Tổng thư ký phân bộ Giáo dân của một bộ của Tòa thánh, người đã nói về chủ đề “Hiệp thông: làm việc với nhau”; và Nữ tu Veronica Openibo, Nigeria, người đã nói với các Giám mục về “Cởi mở: được sai ra thế giới”.

Cha Lombardi nói thêm: các thái độ và nhạy cảm nơi các Giám mục đã thay đổi sau ba ngày. Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của việc theo dõi dựa trên các suy tư và kết luận của các nhóm làm việc nhỏ.

Bộ trưởng Truyền thông Vatican, Paolo Ruffini, đã cung cấp một bản tóm tắt ngắn gọn về những can thiệp của các nhóm làm việc, một trong số đó mô tả Hội Nghị “Bảo vệ trẻ vị thành niên” này như “một điểm bất phản hồi đầy tích cực”. Một số nhóm thảo luận tầm quan trọng của việc đồng hành với các nạn nhân và xây dựng lại các mối liên hệ với những người sống sót và gia đình họ. Các nhóm khác thăm dò các chủ đề hợp đoàn và đồng bộ, và làm thế nào để áp dụng chúng.

Các vấn đề tiếp theo bao gồm vai trò của giáo dân và gia đình, huấn luyện trong chủng viện và đào tạo linh mục, và nhu cầu sàng lọc và lựa chọn ứng viên chính xác hơn. Cuộc khủng hoảng trong gia đình được nhận diện là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng “non nớt tình cảm” nơi một số cá nhân. Kết luận phổ quát là “mọi dân Thiên Chúa được kêu gọi thực thi trách nhiệm”, để bảo đảm việc bảo vệ trẻ vị thành niên trong Giáo hội và thế giới.

Đức Hồng Y Reinhard Marx, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, đã phát biểu tại Hội Nghị hôm Thứ Bảy về chủ đề, “Minh bạch trong một cộng đồng tín hữu”. Hôm thứ Sáu, Đức Hồng Y đã gặp trong khoảng 90 phút 16 người sống sót việc lạm dụng thuộc Nhóm ECA (Ending Clerical Abuse = Kết thúc việc Giáo sĩ Lạm dụng), bên ngoài Vatican. Ngài cho biết “Chúng tôi đã nói chuyện với nhau một cách không thể có được từ nhiều năm trước”. Thực thế, chúng ta đã đạt được tiến bộ trong lĩnh vực “đối thoại và cởi mở”, Đức Hồng Y Marx nói thế và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “diễn dịch từ ngữ thành sự kiện”. Ngài nói thêm: Kêu gọi mà thôi không đủ. Chúng ta cần theo dõi và kiểm nghiệm, “bảo đảm chúng ta đang làm những gì được chỉ định trong các hướng dẫn”. Đức Hồng Y đã mô tả Hội Nghị “Bảo vệ Trẻ Vị Thành niên trong Giáo hội” này là “một bước tiến về phía trước”, nhưng là “một bước tiến tốt về phía trước”.

Cũng trong Buổi họp báo này, Cha Arturo Sosa Abascal, SJ, Bề trên Cả Dòng Tên đã nói về “công lý và hàn gắn”, về trách nhiệm giải trình, tránh nền văn hóa im lặng, cầu xin sự tha thứ cho những sai lầm đã làm và tiến về phía trước một cách nhất quán và gắn bó. Cha Sosa cũng đề cập đến vấn đề đào tạo linh mục, nói rằng việc đào tạo như vậy cần cổ vũ “sự trưởng thành về cảm xúc cho phép chúng ta có những mối quan hệ lành mạnh”. Cha Bề trên Cả dòng Tên nói rằng, “việc thừa nhận sự thật về lạm dụng, tự nó, là một bước tiến lớn”. Tuy nhiên, theo ngài, điều cũng quan trọng là phải “nhận diện các nguyên nhân, để tìm ra thuốc chữa và áp dụng các chiến lược”.

Trong phần can thiệp của mình, Nữ tu Veronica Openibo đã mô tả phản ứng của bà đối với chứng từ của một nạn nhân lạm dụng tại Phòng Thượng hội đồng tối thứ Sáu: bà nói: “Một điều gì đó đã xảy ra trong Hội trường đó khi chúng tôi lắng nghe, như thể chúng tôi được mục kích những gì cô ấy đã trải qua”. Nữ tu Veronica cho biết chứng từ bản thân gây xúc động của người sống sót này đã làm tăng khả năng “lắng nghe, thấu cảm [empahty] và thiện cảm” của các giám mục.

Bà cho hay: một phần trong phản ứng của bà là nhớ đến điều này: tất cả chúng ta phải là “người của Hy vọng”. Đồng thời, chúng ta phải “có các kế hoạch chuyên dành cho việc bảo đảm để không những các người trẻ tuổi, mà mọi người dễ bị tổn thương đều được an toàn”. Bà kết luận “quyết định nằm trong tay các vị giám mục”, nhưng tất cả chúng ta phải “cùng nhau làm việc” để chấm dứt nạn lạm dụng.

Cuối cùng, Đức Tổng Giám Mục Charles Scicluna của Malta ca ngợi sự đóng góp của phụ nữ vào Hội Nghị “Bảo vệ trẻ vị thành niên trong Giáo hội” này. Ngài gọi nó là “một chứng tá phi thường của phụ nữ” một chứng tá “mang lại khôn ngoan mà chúng ta cần”, và nhắc lại định nghĩa của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về “Giáo hội là Phụ nữ”.

Lặp đi lặp lại lời kêu gọi của ngài về một “nền văn hóa tiết lộ”, Đức Tổng Giám Mục Scicluna nói tới minh bạch như là “hiệp thông và chia sẻ”. Ngài nói: Chúng ta cần thông đạt nhiều hơn với các nạn nhân; ngài tuyên bố rằng họ là những người “không được thông tri” và xác nhận rằng họ có “một vai trò để đóng”.

Để kết luận, Đức Tổng Giám Mục đã cảm ơn tất cả những người, trên khắp thế giới, đang đồng hành cùng các Giám mục và những người tham dự Hội Nghị này bằng lời cầu nguyện của họ: ngài nói: “Chúng ta cần Thiên Chúa giúp đỡ, nếu chúng ta muốn làm tốt việc này”

4. Ngày thứ Tư: 24 tháng Hai

Trong cuộc họp báo tại Vatican vào ngày kết thúc Hội Nghị Bảo Vệ Trẻ Vị Thành Niên Trong Giáo Hội, các cam kết và sáng kiến cụ thể để bảo vệ trẻ em và chống lạm dụng đã được trình bầy.

Một câu hỏi mặc nhiên (và minh nhiên) đã làm nổi bật cuộc họp báo hôm nay: “Chuyện gì bây giờ đây?” Các kỳ vọng vốn khá cao, đặc biệt vì Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã giao nhiệm vụ cho những người tham gia, lúc bắt đầu Hội nghị, phải đưa ra các sáng kiến cụ thể để giúp Giáo hội bảo vệ trẻ vị thành niên.

Các Sáng kiến cụ thể

Cha Federico Lombardi SJ, trong tư cách là Người điều hợp Hội Nghị về “Bảo vệ trẻ vị thành niên trong Giáo Hội”, đã công bố ba sáng kiến sau đây:

1. Công bố nay mai một tự sắc của Đức Giáo Hoàng, cung cấp các quy tắc và quy định để bảo vệ an toàn cho các vị thành niên và người lớn dễ bị tổn thương trong Thị Quốc Vatican.

2. Phân phối một vademecum (thủ bản, hoặc sách quy tắc) cho các Giám mục trên khắp thế giới, giải thích các nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý và mục vụ của các ngài liên quan đến việc bảo vệ trẻ em.

3. Thành lập một “lực lượng đặc nhiệm”, bao gồm các chuyên gia có năng quyền, để hỗ trợ các Hội đồng Giám mục nào thiếu các nguồn lực hoặc chuyên môn cần thiết để đương đầu với vấn đề bảo vệ trẻ vị thành niên và xử lý việc lạm dụng.

Có một giải đáp thứ tư cho câu hỏi “Chuyện gì bây giờ đây?”, đó là sự kiện Ban tổ chức sẽ họp với những vị đứng đầu các bộ sở của Giáo Triều để thảo luận việc theo dõi và suy tư về câu hỏi có liên quan: “Chuyện gì tiếp theo đây?”

Các liên hệ truyền thông

Hội Nghị “Bảo vệ trẻ vị thành niên” tại Vatican đã nhận được sự đưa tin rộng rãi trên khắp các phương tiện truyền thông trong vài ngày qua. Bộ trưởng Truyền thông Vatican, Paolo Ruffini, đã thừa nhận như vậy khi ông cảm ơn các nhà báo vì công việc của họ. Ông nhấn mạnh vai trò của các nhà báo như là vai trò “Tìm kiếm và báo cáo sự thật”. Ông đã nói tới tầm quan trọng của việc “lắng nghe không thiên kiến”, và nhìn nhận việc “không thể nào có truyền thông nếu ai cũng nói mà không có người lắng nghe”. Ông Ruffini, và các vị khác trên bàn chủ tọa Cuộc họp báo, đã ca ngợi nhà báo Mexico, Valentina Alazraki, vì sự đóng góp “can đảm” của cô cho Hội Nghị hôm Thứ Bảy, khi cô ngỏ lời với các Giám mục về chủ đề minh bạch: “Truyền thông cho mọi người”.

Phát biểu tại buổi họp báo, Valentina Alazraki khuyến khích việc “cùng nhau làm việc với Giáo hội” về vấn đề này, nhưng nhắc nhở các Giám mục đừng bao giờ nói “miễn bình luận”, và phải bảo đảm cung cấp cho truyền thông “những thông tin kịp thời và công bằng”.

Các ấn tượng cuối cùng

Khi được hỏi mang về được gì từ Hội Nghị, Đức Hồng Y Oswald Gracias, Tổng giám mục của Bombay, đã cho nó là “điều kịp thời, hữu ích và cần thiết”. Ngài nói: ngài và các hiền huynh giám mục đã ra về với một sự hiểu biết và ý thức phổ quát rằng đương đầu với vấn đề lạm dụng là “một ưu tiên đối với Giáo hội”. Ngài cũng ca ngợi sự đóng góp của phụ nữ tại cuộc gặp gỡ, nêu bật giá trị của “những hiểu biết thông sáng và quan điểm nữ tính của họ”.

Đức Tổng Giám Mục Charles Scicluna của Malta đã cung cấp “những đoạn hồi tưởng của riêng mình trong bốn ngày này”. Ngài nói rằng ngài rất có ấn tượng bởi bài diễn văn bế mạc của Đức Cha Thánh và sự rõ ràng của ngài, định nghĩa cả việc lạm dụng lẫn việc bao che nó là “tội ác cực kỳ nghiêm trọng”. Đức Tổng Giám Mục nói: “không có chuyện trở lui nữa”. Ngài cũng nói rằng sự hiện diện của các nạn nhân sống sót là một phần quan yếu của trải nghiệm. Ngài nói thêm “Chúng ta không thể không lắng nghe các nạn nhân sống sót”. Đức Tổng Giám Mục Scicluna nhấn mạnh “dù sao, thay đổi cõi lòng mới là điều quan trọng”. Chúng ta cần động lực đúng đắn và, vì để được điều đó, chúng ta cần lắng nghe các giọng nói khác nhau - bao gồm giọng nói của phụ nữ, những người (trong trường hợp Hội Nghị này) đã mang đến “không khí tươi mát”.

Cha dòng Tên Hans Zollner, là thành viên của Ban tổ chức và Đứng đầu Trung tâm Bảo vệ Trẻ em tại Giáo hoàng Đại học Gregorian. Ngài đã nói tới “một bước nhảy vọt về phẩm và lượng dọc hành trình hàng thập niên, một bước nhẩy vọt sẽ tiếp tục”. Ngai nói, các thái độ đã thay đổi, và con người đã biến đổi: họ quyết tâm “trở về nhà và làm một điều gì đó về nó”.

Cha Zollner kết luận ngay bây giờ, “Chúng ta cần tập chú vào những gì chúng ta đã làm ở đây”, tại Hội Nghị ở Vatican và xử lý “các gốc rễ có hệ thống của vấn đề”. Những điều này, các chủ đề trong ba ngày của Hội Nghị, phản ánh cả vấn đề lẫn giải pháp: Trách nhiệm, Giải trình Trách nhiệm và Minh bạch.

Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/249165.htm

CÁC TIN KHÁC: