Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 17/01/2019: Panama trước thềm Ngày Giới Trẻ Thế Giới 2019
16/01/2019 12:00:00 SA

Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức Hồng Y Trần Nhật Quân bênh vực Đức Thánh Cha trong quyết định bổ nhiệm Giám quản Tông tòa tại Hương Cảng

Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân (陳日君, Zen Ze-kiun) người thường chỉ trích Vatican vì các chính sách liên quan đến Trung Quốc, đã bất ngờ lên tiếng bênh vực Tòa Thánh trong việc bổ nhiệm Đức Hồng Y Gioan Thang Hán (湯漢,John Tong Hon) làm Giám quản Tông tòa giáo phận Hương Cảng sau cái chết của Đức Cha Micae Dương Minh Chương (楊鳴章, Yeung Ming- cheung).

Nhiều người Công Giáo tại Hương Cảng và cả trên thế giới đã cáo buộc Vatican “hạ mình” trước Trung Quốc một lần nữa trong việc bổ nhiệm Đức Hồng Y Gioan Thang Hán, một người nổi tiếng “phò Bắc Kinh”, làm Giám quản Tông tòa giáo phận Hương Cảng.

Người được trông đợi sẽ được bổ nhiệm vào vị trí này là Đức Cha Giuse Hạ Chí Thành (夏志誠, Ha Chi-shing), hiện là Giám Mục Phụ Tá Hương Cảng. Ngài rất được lòng người dân Hương Cảng vì lập trường ủng hộ dân chủ và tự do tôn giáo ở Hương Cảng và cả ở Hoa Lục.

Đức Hồng Y Gioan Thang Hán, từng là Giám Mục Hương Cảng, và chỉ mới giao lại chức vụ này 17 tháng trước đây cho Đức Cha Dương Minh Chương, người vừa qua đời. Việc bổ nhiệm một vị đã từng làm Giám Mục một giáo phận quay trở lại làm Giám quản Tông tòa cho chính giáo phận ấy là một điều không bình thường đối với nhiều người.

Đức Hồng Y Gioan Thang Hán nổi tiếng là người ủng hộ thỏa thuận Trung Quốc -Vatican nên việc bổ nhiệm ngài trong chức vụ Giám quản Tông tòa của giáo phận đã vấp phải những chỉ trích gay gắt từ những người trẻ Công Giáo, các chính trị gia, và các nhà trí thức. Đối với nhiều người, việc bổ nhiệm Đức Hồng Y Gioan Thang Hán là “một cách để Vatican câu giờ” và để bảo đảm rằng giai đoạn chuyển tiếp này “sẽ không gây khó khăn trong quan hệ với Bắc Kinh”.

Các nguồn tin của AsiaNews tại Hương Cảng cho rằng sự lựa chọn của Vatican - mặc dù không bình thường – vẫn có những thuận lợi vì giáo phận có thể tiếp tục làm việc hết công suất, trong khi chờ đợi việc bổ nhiệm giám mục mới.

Hơn nữa, một Giám quản Tông tòa “trung lập”, tức là một người không nằm trong số những ứng viên có thể được bổ nhiệm giám mục Hương Cảng, là cần thiết bởi vì ngài là người chịu trách nhiệm công bố danh tính vị giám mục mới.

Từ quan điểm này, việc không chỉ định Đức Cha Giuse Hạ Chí Thành làm Giám quản Tông tòa cho thấy ngài có khả năng được chọn là Giám Mục Hương Cảng trong tương lai gần.

Hôm 8 tháng Giêng, Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân cũng lên tiếng bảo vệ quyết định của Tòa Thánh theo chiều hướng đó. Ngài cho rằng người giáo dân nên tôn trọng quyền của Đức Giáo Hoàng trong việc chọn người làm Giám quản Tông tòa. Ngài cũng nhấn mạnh rằng việc lựa chọn Đức Hồng Y Gioan Thang Hán, là người chỉ mới rời vị trí giám mục giáo phận cách đây hơn một năm, sẽ cho phép Giáo hội tại Hương Cảng ngay lập tức có một người có một vị thành thạo công việc. Hơn nữa, ngài nhấn mạnh rằng nếu Đức Cha Giuse Hạ Chí Thành được chọn làm Giám quản Tông tòa thì điều này có nguy cơ khiến ngài rơi vào tình huống bối rối khi phải công bố giám mục mới. Cũng như nhiều người Hương Cảng khác, Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân bày tỏ hy vọng của mình rằng Đức Cha Giuse Hạ Chí Thành sẽ được chọn làm Giám Mục Hương Cảng trong tương lai gần.

Cuối cùng, Đức Hồng Y than phiền rằng quá nhiều điều ở Hương Cảng đang “bị chính trị hóa”.


2. Đức Thượng Phụ Kirill cảnh báo: Tên Phản Kitô khống chế mạng lưới điện toán toàn cầu

Sự phụ thuộc của mọi người vào điện thoại thông minh và công nghệ hiện đại có thể dẫn đến đến sự xuất hiện của tên Phản Kitô, nhà lãnh đạo của Giáo hội Chính thống Nga đã đưa ra lời cảnh báo trên hôm 8 tháng Giêng.

Trong một cuộc phỏng vấn với truyền hình nhà nước Nga, Đức Thượng Phụ Kirill nhận định rằng người dùng điện thoại thông minh nên cẩn thận khi sử dụng “các tiện ích trên mạng lưới toàn cầu”, vì nó dẫn đến những cơ hội để giành quyền kiểm soát toàn cầu trên nhân loại.

“Tên phản Kitô đang cố gắng khống chế mạng lưới điện toán toàn cầu để kiểm soát tất cả loài người,” ngài nói.

“Mỗi khi bạn sử dụng các tiện ích trên mạng lưới điện toán toàn cầu, dù muốn hay không, dù bạn có cho người ta biết vị trí của mình hay không, ai đó có thể tìm ra chính xác bạn đang ở đâu, chính xác những gì bạn quan tâm và chính xác những gì bạn lo sợ,” Đức Thánh Cha Kirill nói với thông tấn xã Rossiya 1.

“Nếu không phải hôm nay, thì ngày mai các phương pháp và công nghệ thông tin có thể sẽ không chỉ cung cấp quyền truy cập vào tất cả thông tin này mà còn cho phép việc sử dụng những thông tin ấy vào bất cứ mục đích gì.”

“Hãy nghĩ đến tình huống khi quyền lực tập trung vào tay những người nắm được những kiến thức về những gì đang diễn ra trên thế giới. Một sự kiểm soát như vậy tiên báo sự khống chế của tên Phản Kitô.”

Đức Thượng Phụ Kirill nhấn mạnh rằng Chính Thống Giáo không chống lại các tiến bộ công nghệ, nhưng chống lại sự phát triển của một hệ thống nhằm kiểm soát bản sắc của con người.”

Trong một thập niên trở lại đây, đã bùng nổ hiện tượng cố gắng thu thập các chi tiết riêng tư của người dùng trên mạng lưới điện toán toàn cầu. Những mạng xã hội, như Facebook chẳng haạn, cố gắng biết địa chỉ, số phone, nơi sinh, ngày sinh, cha mẹ, anh em, bạn bè, học vấn, sở thích.. của người dùng trong khi đó các loại email như Yahoo, AOL đang ra sức “scan” tất cả mọi emails của người dùng để những nhà quảng cáo trên thế giới này có những hình ảnh rất rõ nét và chính xác bạn là ai, và thị hiếu của bạn là gì. Những điều ấy xác nhận những lo ngại của Đức Thượng Phụ Kirill là hoàn toàn có cơ sở.

Sự lan tràn các hình ảnh khiêu dâm trên mạng lưới điện toán toàn cầu càng củng cố thêm tiên đoán của Đức Thượng Phụ về sự khống chế của tên Phản Kitô.

Tuy nhiên, không phải tất cả người dùng phương tiện truyền thông xã hội cảm thấy thuyết phục trước những nhận định của Đức Thượng Phụ Kirill.

Đức Thượng Phụ quá gần gũi với Tổng thống Nga Vladimir Putin, là người tham gia tất cả các lễ kỷ niệm lớn của Chính Thống Giáo Nga và đã đi hành hương đến Núi Arlington và các địa điểm Chính thống nổi tiếng khác. Vào thời điểm các quyền tự do internet ngày càng bị hạn chế ở Nga - và các nhà chức trách được cho là đang cố gắng tạo ra một mạng internet độc lập của Nga - sự gần gũi này đã khiến một số người hoài nghi những nhận định xác đáng của Đức Thượng Phụ.

3. Giáo sĩ Hồi Giáo Ai Cập cứu hai nhà thờ Kitô khỏi bị đặt bom

Một vụ đánh bom nhắm vào hai nhà thờ ở phía đông Cairo đã được ngăn chặn nhờ hành động kịp thời của một giáo sĩ Hồi giáo, Imam Saad Askar, là người đã la làng lên và báo cho cảnh sát.

Vụ việc xảy ra vào hôm thứ Bảy 5 tháng Giêng khi người Công Giáo tại nhà thờ Đức Trinh Nữ Maria đang chuẩn bị kết thúc mùa lễ Giáng sinh trong khi nhà thờ Abu Seifin của Chính Thống Giáo Coptic đang chuẩn bị mừng lễ Giáng sinh tại quận Ezbat al-Haganah, thuộc thành phố Nasr, ở ngoại ô phía đông thủ đô Ai Cập.

Hai sinh viên của trường Đại Học al-Azhar nói với Imam Askar rằng họ thấy một người lạ lảng vảng quanh khu vực hai nhà thờ cùng với một chiếc vali. Cùng với công nhân đang làm việc trong đền thờ Hồi giáo Gouda tên là Shaaban Khalifa, 63 tuổi, Askar chạy theo người lạ mặt, nhưng hắn đã trốn khỏi hiện trường để lại cái vali trên một chiếc xe đẩy.

Imam Askar la làng lên để cảnh báo các tín hữu Kitô và Hồi Giáo đang có mặt tại hiện trường và gọi điện thoại báo cho cảnh sát.

Một video được đăng trên phương tiện truyền thông xã hội cho thấy các tín hữu trong đền thờ Hồi Giáo Gouda và các Kitô hữu trong hai nhà thờ Kitô đã nhanh chóng rời khỏi khu vực. Khi cảnh sát đến, họ đã thiết lập một khu cấm người qua lại.

Thiếu tá Mostafa Ebeid al-Azhari, từ đội tháo bom mìn của Tổng cục An ninh Cairo đã đến hiện trường và đích thân ông tháo gỡ được hai quả bom trước khi quả thứ ba phát nổ, giết chết viên thiếu tá can đảm này.

4. Lần đầu tiên kể từ năm 1923, Thổ Nhĩ Kỳ cho phép xây dựng một nhà thờ Kitô Giáo

Hôm 8 tháng Giêng vừa qua, quận trưởng Bulent Kerimoglu của quận Bakirkoy tại thủ đô Istanbul, tuyên bố việc xây dựng một nhà thờ mới đầu tiên ở Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 1923 đến nay, sẽ được bắt đầu vào tháng Hai. Diễn biến này đã xảy raa sau cuộc gặp gỡ giữa ông Kerimoglu và Tổng Giám Mục Trưởng Yusuf Cetin, của Giáo hội Chính thống Syro ở Thổ Nhĩ Kỳ. Công trình xây dựng sẽ kéo dài tối đa là hai năm. Nhà thờ sẽ được xây dựng tại Yesilkoy thuộc khu vực Bakirkoy, không xa sân bay quốc tế Ataturk, với sức chứa hơn 700 tín hữu.

Việc xây dựng nhà thờ mới đã được thủ tướng Ahmet Davutoğlu công bố vào năm 2015, trong cuộc họp với đại diện của các nhóm tôn giáo thiểu số không phải Hồi giáo. Vào thời điểm đó, cộng đồng Chính thống Syro hiện diện ở Thổ Nhĩ Kỳ đã chứng kiến sự gia tăng các tín hữu đáng chú ý khi những người tị nạn đến từ Syria tràn sang Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong thời gian gần đây, có những dấu hiệu đáng chú ý về sự thay đổi trong chính sách của các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đối với các nhóm thiểu số Kitô Syria. Các quan sát viên đã đề cập đến sự tồn tại của một “kế hoạch Thổ Nhĩ Kỳ” nhằm biến nước này thành một “quê hương” mới cho nhiều Kitô hữu Syria đang cư trú ở Syria và châu Âu.

Hiện tại, có khoảng 25 ngàn Kitô hữu Syria sống ở Thổ Nhĩ Kỳ, chủ yếu tập trung ở ngoại ô Istanbul. Nhiều người trong số họ sống ở các khu vực gần với nơi mà nhà thờ mới sẽ được xây dựng.

5. Lo âu của Đức Thánh Cha Phanxicô về cuộc bầu cử tại Cộng Hòa Dân Chủ Congo

Hôm thứ Hai 7 tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có cuộc gặp gỡ thường niên với ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh. Trong dịp này, ngài đã đọc một thông điệp quan trọng về tình hình thế giới.

Đề cập đến Cộng hòa Dân chủ Congo, Đức Thánh Cha nói:

“Tôi đặc biệt quan tâm đến tình hình đang phát triển tại Cộng hòa Dân chủ Congo và tôi bày tỏ hy vọng rằng đất nước này có thể khôi phục sự hòa giải mà họ đã chờ đợi từ lâu và thực hiện một hành trình quyết định hướng đến phát triển, và như thế chấm dứt tình trạng bất an đang tiếp tục ảnh hưởng đến hàng triệu người, trong đó có nhiều trẻ em. Hướng đến mục tiêu này, việc tôn trọng kết quả của tiến trình bầu cử là yếu tố quyết định cho một nền hòa bình bền vững.”

Quốc gia tại miền Trung châu Phi này đã phải trải qua một giai đoạn khủng hoảng chính trị nghiêm trọng vì tổng thống nước này tham quyền cố vị. Theo hiến pháp, nhiệm kỳ thứ hai và cuối cùng của Tổng thống Joseph Kabila đã hết hạn vào ngày 20 tháng 12 năm 2016, nhưng ông tuyên bố sẽ tiếp tục nắm chính quyền và không chấp một cuộc bầu cử lại.

6. Cuộc tổng tuyển cử tại Cộng Hòa Dân Chủ Congo

Cuộc tổng tuyển cử ban đầu được dự trù vào ngày 27 tháng 11 năm 2016, nhưng đã bị trì hoãn với lời hứa sẽ có tuyển cử vào cuối năm 2017. Lời hứa này sau đó cũng bị phản bội.

Tình trạng bất ổn - bao gồm các cuộc biểu tình và bạo động, đã diễn ra sau các cuộc buộc cho rằng tổng thống Joseph Kabila âm mưu duy trì quyền lực vô thời hạn.

Trước các áp lực của quốc tế và quốc nội, cuộc tổng tuyển cử đã được tổ chức tại Cộng hòa Dân chủ Congo vào ngày 30 tháng 12 năm 2018, để xác định người kế nhiệm Tổng thống Joseph Kabila.

Theo dự trù, kết quả sơ bộ phải được công bố vào ngày 6 tháng Giêng vừa qua, và kết quả cuối cùng được công bố vào ngày 15 tháng Giêng. Sau đó, lễ nhậm chức của tân tổng thống sẽ diễn ra vào ngày 18 tháng Giêng.

Tuy nhiên, vào ngày 5 tháng Giêng, ủy ban bầu cử loan báo rằng việc công bố kết quả sơ bộ sẽ bị trì hoãn, vì ủy ban chỉ mới kiểm được chưa đến một nửa số phiếu.

Các Giám Mục Cộng hòa Dân chủ Congo đã bày tỏ lo ngại ủy ban bầu cử có thể bị chi phối bởi đảng cầm quyền để kéo dài việc kiểm phiếu và cuối cùng thực hiện những trò gian lận.

7. Diễn biến bất ngờ trong cuộc tổng tuyển cử tại Cộng Hòa Dân Chủ Congo

Trong một diễn biến khá bất ngờ, vào ngày 10 tháng Giêng, ủy ban bầu cử đã tuyên bố Félix Tshisekedi, lãnh đạo đảng đối lập Liên minh Dân chủ và Tiến bộ Xã hội, là người chiến thắng trong cuộc bầu cử.

Tổng thống đương nhiệm Kabila không đủ tư cách tranh cử nhiệm kỳ thứ ba. Ông và đảng cầm quyền, là Đảng Nhân dân Tái thiết và Dân chủ, ủng hộ ứng cử viên Emmanuel Ramazani Shadary, nguyên là Bộ trưởng Bộ Nội vụ, là người đã chính thức tranh cử như một ứng cử viên độc lập. Sau tuyên bố của ủy ban bầu cử, Tổng thống Kabila tuyên bố chấp nhận sự thất bại của Shadary.

Trong khi đó, Hội Đồng Giám Mục Cộng hòa Dân chủ Congo ra tuyên bố cho rằng kết quả bầu cử đã bị thao túng. Các Giám Mục tin rằng người thắng cử thực sự là ông Martin Fayulu, người về nhì trong cuộc đua. Các quan sát viên tin rằng lãnh tụ đối lập Tshisekedi đã đạt được mật ước với tổng thống Kabila.

Hai chính phủ Pháp và Bỉ ra tuyên bố nghi ngờ kết quả bầu cử. Trong khi đó, ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt nói chính phủ Anh “rất quan ngại về sự thao túng” kết quả bầu cử.

8. WYD 2019: Giới thiệu quốc gia chủ nhà Panama

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 34, với chủ đề “Vâng, tôi đây nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần truyền” (Lc 1:38), sẽ diễn ra từ 22 đến 27 tháng Giêng tại thành phố Panama.

Dưới đây là các chi tiết dành cho các ký giả Công Giáo từ Trung Tâm Báo Chí Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới Panama.

Địa dư và dân số

Panama có tên gọi gọi chính thức là nước Cộng hoà Panama, là một quốc gia ở Trung Mỹ. Quốc gia này có biên giới với Costa Rica về phía tây, Colombia về phía đông nam, biển Caribê về phía bắc và Thái Bình Dương về phía nam. Thủ đô và thành phố lớn nhất là Panama City, đó là một đại đô thị và là nơi cư trú của hơn 2 triệu dân trong tổng số gần 4 triệu dân của nước này.

Panama rộng 75,420 km2, đứng thứ 110 về diện tích trong số các quốc gia thế giới, trong đó 74,320 km2 là đất liền và 1,080 km2 là biển và sông hồ. Panama có chiều dài duyên hải 2,490 km.

Rừng rậm bao phủ 40% diện tích đất liền Panama, tại đó có nhiều loài động thực vật nhiệt đới, một số không thấy được ở những nơi khác.

Theo thống kê vào tháng 7, 2018, Panama hiện có 3,800,600 dân trong đó người Công Giáo chiếm 85% và Tin Lành chiếm 15% còn lại.

9. Lịch sử cận đại của Panama

Trước khi người Tây Ban Nha đến vào thế kỷ 16, Panama là vùng đất của các bộ lạc bản địa người da đỏ. Panama tách khỏi Tây Ban Nha vào năm 1821 và gia nhập một liên hiệp mang tên Cộng hoà Đại Colombia. Đến khi Đại Colombia giải thể vào năm 1831, Panama trở thành Cộng hoà Colombia. Do được Hoa Kỳ giúp đỡ, Panama ly khai từ Colombia vào năm 1903, và cho phép Hoa Kỳ xây dựng kênh đào Panama từ năm 1904 đến 1914. Năm 1977, một hiệp định được ký kết theo đó Hoa Kỳ chuyển giao toàn bộ kênh đào cho Panama cho quốc gia này vào ngày 31 tháng 12 năm 1999.

Doanh thu từ thuế kênh đào tiếp tục chiếm một phần đáng kể trong thu nhập quốc dân của Panama. Tuy nhiên, thương mại, ngân hàng và du lịch cũng là các lĩnh vực đang phát triển và mang lại nhiều nguồn lợi lớn cho quốc gia này. Năm 2015, Panama đứng thứ 60 trên thế giới về chỉ số phát triển nhân bản. Kể từ năm 2010 đến nay, Panama giữ vững vị trí là quốc gia có nền kinh tế phát triển mạnh thứ nhì tại Mỹ Latinh.

10. Cơ cấu chính phủ Panama

Panama theo chế độ dân chủ lập hiến, trong đó tổng thống Panama vừa là lãnh đạo quốc gia vừa là lãnh đạo chính phủ.

Cơ quan hành pháp gồm có Tổng thống, và 2 Phó Tổng thống, được bầu với nhiệm kỳ 5 năm. Nội các được chỉ định bởi Tổng thống.

Cơ quan lập pháp bao gồm Quốc hội lập pháp lưỡng viện gồm 71 thành viên được bầu cử với nhiệm kỳ 5 năm.

Cơ quan tư pháp bao gồm Tối Cao Pháp Viện gồm 9 thẩm phán được chỉ định với nhiệm kỳ 10 năm; 5 tòa án tối cao, và 3 tòa thượng thẩm.

11. Tổng thống Panama Juan Carlos Varela /hʊ̈an ka:rlohs va:lera/

Tổng thống Panama hiện nay là ông Juan Carlos Varela. Ông sinh ngày 13 tháng 12 năm 1963 là một chính trị gia người Panama và là Tổng thống Panama từ năm 2014. Ông Varela từng là Phó Tổng thống Panama từ năm 2009 đến 2014. Trước đó, ông từng là Bộ trưởng Ngoại Giao từ tháng 7 năm 2009 đến tháng 8 năm 2011. Ông cũng từng là Chủ tịch của đảng Panameñistas là đảng chính trị lớn thứ ba ở Panama, từ năm 2006 đến 2016.

Tổng thống Juan Carlos Varela là một người Công Giáo nhiệt thành và là thành viên của phong trào Opus Dei. Ông là con của một gia đình giầu có vào bậc nhất tại Panama và đã từng theo học kỹ sư tại Hoa Kỳ. Năm 1992, ông kết hôn với nữ ký giả Lorena Castillo. Hai người đã có 3 người con.

Phủ tổng thống Panama có tên gọi là Palacio de las Garzas. Theo chương trình, lúc 9 giờ 45 sáng thứ Năm 24 tháng Giêng, chính quyền Panama sẽ chính thức đón tiếp Đức Thánh Cha Phanxicô tại đây.

Sau các nghi thức lúc 10 giờ, Đức Thánh Cha sẽ gặp riêng Tổng thống Juan Carlos Varela. Sau 40 phút hội kiến, lúc 10 giờ 40, Đức Thánh Cha sẽ gặp chính quyền dân sự và đại diện các tầng lớp văn hóa xã hội Panama và ngoại giao đoàn tại dinh Bolivar gần đó.

12. Địa điểm diễn ra Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới

Địa điểm diễn ra các biến cố chính của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới là khu vực Cinta Costera. Cinta Costera là tiếng Tây Ban Nha, có nghĩa là Vành đai Duyên hải. Cinta Costera là một dự án cải tạo đất rộng 26 ha (64 mẫu Anh) ở thành phố Panama, được hoàn thành vào năm 2009 với chi phí 189 triệu đô la.

Vành đai Duyên hải này kéo dài từ Paitilla đến El Chorrillo. Chính phủ Panama chia dự án thành hai phần gọi là Cinta Costera I và Cinta Costera II. Năm 2014, dự án Cinta Costera III được khai trương với những khoản đầu tư quốc tế rất lớn. Trong dự án này, Panama đã xây sân vận động Maracana, các đường xa lộ và hàng loạt các cầu vượt bao quanh khu vực khảo cổ Casco Viejo và khu thành cổ Panama, là nơi đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Trong thời gian xảy ra Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, Cinta Costera I được đặt tên là Campo Santa María la Antigua /ka:mpoh santa maˌrɪˈa latɪˈgʊa/. Antigua là tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là cổ xưa. Khi người Tây Ban Nha đến Panama vào thế kỷ 16, họ mang theo trong cuộc hành trình vượt biển một bức ảnh Đức Mẹ từ nhà thờ chánh tòa thành Seville, và gọi đó là bức ảnh Santa María la Antigua, hay Đức Mẹ Cố Hương, Đức Mẹ nơi nhà thờ chánh tòa cũ, ở quê hương Tây Ban Nha của họ. Bức ảnh này được tin tưởng đã mang đến nhiều phép lạ cho các tín hữu Panama. Vì thế, Giáo Hội Panama nhận Santa María la Antigua là quan thầy.

Campo được người dân Nam Mỹ dùng để chỉ các thảo nguyên mênh mông ít có cây cối. Campo Santa María la Antigua nếu dịch là “Cánh đồng Đức Mẹ thành Seville” có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng khu vực này, được dùng chủ yếu cho các buổi học giáo lý và cho cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha Phanxicô vào ngày thứ Năm 24 tháng Giêng, là một khu đô thị với các công viên rộng lớn, chứ không phải một vùng nông thôn.

Các biến cố khác như chặng đàng Thánh Giá ngày thứ Sáu 25 tháng Giêng, Đêm Canh Thức 26 tháng Giêng và thánh lễ bế mạc được tường trình sẽ diễn ra tại một khu vực rộng lớn hơn ở Cinta Costera II, nơi được đặt tên là Juan Pablo II, tức là Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong thời gian Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới.

13. WYD 2019: Giới thiệu Giáo Hội Công Giáo tại Panama

Theo thống kê vào tháng 7, 2018, Panama hiện có 3,230,000 người Công Giáo, tức là chiếm 85% trong tổng số 3,800,600 dân.

Giáo Hội tại Panama nhận Đức Mẹ Thành Seville, tiếng địa phương gọi là Santa María la Antigua /santa maˌrɪˈa latɪˈgʊa/, làm bổn mạng.

Giáo Hội tại Panama đã từng được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viếng thăm trong chuyến tông du của vị Giáo Hoàng Ba Lan vào tháng Ba năm 1983.

Giáo Hội tại Panama gồm một tổng giáo phận, 5 giáo phận, một miền Giám quản Tông tòa và một miền Phủ Doãn Tông tòa

Tổng giáo phận thủ đô Panama là giáo phận xưa nhất tại Mỹ Châu, đã được thành lập vào năm 1514 sau khi các nhà truyền giáo thuộc dòng Phanxicô đặt chân đến quốc gia này.

14. Hàng giáo phẩm Panama

Hàng giáo phẩm hiện nay của Panama gồm có một vị Hồng Y và 2 Tổng Giám Mục và 9 Giám Mục.

Đức Hồng Y José Luis Lacunza Maestrojuán sinh năm 1944, năm nay 74 tuổi, được tấn phong Giám Mục vào năm 1985. Ngài được Đức Thánh Cha Phanxicô tấn phong Hồng Y vào ngày 14 tháng Hai năm 2015. Diễn biến này gây sửng sốt cho nhiều người vì Đức Hồng Y cai quản một giáo phận tương đối nhỏ là giáo phận David với dân số chỉ có 415,500 người so với 1,729,000 người Công Giáo tại tổng giáo phận thủ đô Panama.

Theo niên giám 2017 của Tòa Thánh, giáo phận David có 26 giáo xứ, 47 linh mục trong đó có 13 linh mục triều và 33 linh mục dòng, 6 phó tế vĩnh viễn, 37 nam tu sĩ không có chức linh mục, 53 nữ tu và 8 chủng sinh.

2 vị Tổng Giám Mục của Panama là Đức Tổng Giám Mục José Dimas Cedeño Delgado và Đức Tổng Giám Mục José Domingo Ulloa Mendieta.

Đức Tổng Giám Mục José Dimas Cedeño Delgado, 85 tuổi, là Tổng Giám Mục Hiệu tòa của tổng giáo phận thủ đô Panama, và Đức Tổng Giám Mục José Domingo Ulloa Mendieta, 62 tuổi, là Tổng Giám Mục đương chức của tổng giáo phận này, và cũng là Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Panama.

Theo niên giám 2017 của Tòa Thánh, tổng giáo phận thủ đô Panama có 1,729,000 tín hữu, 96 giáo xứ, 205 linh mục trong đó có 84 linh mục triều và 121 linh mục dòng, 68 phó tế vĩnh viễn, 236 nam tu sĩ không có chức linh mục, 256 nữ tu và 67 chủng sinh.

Tổng giáo phận thủ đô Panama có hai vị Giám Mục Phụ Tá là Đức Cha Pablo Varela Server, 76 tuổi và Đức Cha Uriah Ashley, 74 tuổi.

Bên cạnh các vị Hồng Y, Tổng Giám Mục và Giám Mục đang làm mục vụ tại Panama, tưởng cũng nên kể thêm hai vị Giám Mục là người gốc Panama đang ở nước ngoài là Đức Tổng Giám Mục Mario Alberto Molina Palma cai quản tổng giáo phận Los Altos, của Guatemala và Đức Cha Julio César Terán Dutari hiện nghỉ hưu sau khi coi sóc miền Phủ Doãn Tông Tòa Santo Domingo của Ecuador trong 3 năm. Trước đó, ngài từng là Giám Mục Phụ Tá của thủ đô Quito trong 9 năm và Giám Mục Ibara trong 7 năm.

15. Sứ thần Tòa Thánh tại Panama

Từ năm 1923, Tòa Thánh và Panama đã thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ, và Đức Tổng Giám Mục Angelo Rotta là Sứ Thần Tòa Thánh tiên khởi tại Panama.

Vị Sứ Thần Tòa Thánh hiện nay là Đức Tổng Giám Mục Mirosław Adamczyk, người Ba Lan, 56 tuổi.

Đức Cha Mirosław Adamczyk sinh ngày 16 tháng 7 năm 1962. Ngài được thụ phong linh mục vào ngày 16 tháng 5 năm 1985. Sau khi tốt nghiệp trường ngoại giao Tòa Thánh, ngài được tấn phong Tổng Giám Mục vào ngày 27 tháng Tư năm 2013. Ngài đã từng là Sứ Thần Tòa Thánh tại Giambia và Sierra Leone trước khi được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm Sứ thần Tòa Thánh tại Panama vào ngày 12 tháng 8, 2017.

16. Bài hát chủ đề chính thức của Đại hội Giới trẻ Thế giới Panama 2019.

Bài hát chính thức của Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 34 năm 2019 là bài “Hágase en mí, según tu palabra” (Xin làm cho tôi như lời sứ thần truyền) do nhạc sĩ Abdiel Jiménez, người Panama sáng tác, được lấy cảm hứng từ nhịp điệu đặc trưng của người Panama, và từ chủ đề chính thức đã được Đức Thánh Cha chọn “Vâng, tôi đây nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần truyền” (Lc 1:38).

Tối hôm 4 tháng 7 năm ngoái, trong bữa tiệc gây qũy hàng năm ATLAPA lần thứ 48 cho Đại chủng viện San José, bài hát được thu âm bằng 5 ngôn ngữ chính thức (Tây Ban Nha, Anh, Pháp, Ý và Bồ Đào Nha) đã được ra mắt.

Jiménez vừa là một nhạc sĩ, vừa là một giáo lý viên và là một một giảng viên về Thánh vịnh tại giáo xứ Cristo Resucitado ở San Miguelito. Ông là tác giả của nhiều tác phẩm phụng vụ, và là thành viên của nhiều ca đoàn khác nhau tại Panama. Ông tốt nghiệp môn Khoa học Tôn giáo tại Đại Học La Universidad Católica Santa Maria La Antigua.

Bài thánh ca này sẽ được hát và thưởng thức trên khắp năm châu nhờ sự cộng tác của nhiều nhạc sĩ tài hoa trên thế giới.

Phiên bản tiếng Ý được soạn bởi nhạc sĩ Marco Frisina, người nổi tiếng với tác phẩm “Jesus Christ You Are My Life” (Chúa Giêsu Kitô là Sự sống của con). Phiên bản tiếng Bồ Đào Nha đã được dịch bởi Ziza Fernandes, người Brazil. Phiên bản tiếng Anh đã được Cha Robert Galea của Úc dịch, và phiên bản tiếng Pháp được dịch bởi các nhạc sĩ và nhà soạn nhạc tài năng của Cộng đồng Chemin Neuf ở Pháp.

17. Giới trẻ tại Panama

375,000 người trẻ Panama đã ghi danh tham dự với ban tổ chức Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2019. Với các hoạt động nhộn nhịp, sáng tạo và đa dạng của giới trẻ tại quốc gia này như các cuộc rước, các chương trình văn nghệ, các khóa tĩnh tâm.. Giáo Hội tại Panama hy vọng sẽ có hơn nửa triệu bạn trẻ tham gia trong cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha vào ngày thứ Năm 24 tháng Giêng tại Campo Santa María la Antigua.

Hoa Kỳ, Á Căn Đình, Ba Tây là các nước được hy vọng là có đông đảo người trẻ tham gia vào biến cố này.

Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/248443.htm

CÁC TIN KHÁC: