Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Video: Giáo Hội Năm Châu 28/05/2018: Phản ứng của các vị nhận được tin vinh thăng Hồng Y
27/05/2018 12:00:00 SA

1. Đức Thánh Cha bổ nhiệm đại diện không thường trú tại Việt Nam

Trong thông cáo đưa ra vào hôm thứ Hai 21 tháng 5, Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Marek Zalewski làm Tân Sứ Thần Tòa Thánh tại Singapore và đồng thời là Đại diện không thường trú của ngài tại Việt Nam.

Cho đến nay, Đức Tổng Giám Mục Marek Zalewski là Sứ Thần Tòa Thánh tại Zimbabwe.

Đức Tổng Giám Mục Marek Zalewski sinh ngày 2 tháng Hai năm 1963 tại Augustów Ba Lan. Ngài được thụ phong linh mục ngày 27 tháng Năm, 1989.

Ngài đã gia nhập ngành ngoại giao Tòa Thánh từ ngày 1 tháng Bẩy, 1995 và được tấn phong Tổng Giám Mục Hiệu Tòa Phi Châu khi được bổ nhiệm Sứ Thần Tòa Thánh tại Zimbabwe vào ngày 25 tháng Ba, 2014.

Khẩu hiệu giám mục của ngài là “Lumen Vitae Christus” (Chúa Kitô là Ánh sáng ban Sự sống).

Với bổ nhiệm này, Đức Tổng Giám Mục Marek Zalewski sẽ kế nhiệm Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli. Đức Cha Leopoldo Girelli sinh ngày 13 tháng Ba, 1953, nghĩa là hơn Đức Cha Marek Zalewski 10 tuổi, đã là Sứ Thần Tòa Thánh tại Singapore, Khâm Sứ Tòa Thánh tại Mã Lai Á, và đồng thời là Đại diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam từ ngày 13 tháng Giêng, 2011 đến ngày 13 tháng Chín, 2017, là ngày ngài đã được bổ nhiệm làm Sứ Thần Tòa Thánh tại Israel, và Palestine. Hai ngày sau đó, Tòa Thánh cũng bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli làm Sứ Thần Tòa Thánh tại đảo Síp (Cyprus).

2. Đức Thánh Cha công bố danh sách 14 tân Hồng Y

Trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng trưa Chúa Nhật 20 tháng 5, lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thông báo rằng ngài sẽ tấn phong 14 tân Hồng Y vào ngày 29 tháng 6, lễ hai thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ.

Đức Thánh Cha nói các vị tân Hồng Y đến từ 11 quốc gia, “thể hiện tính phổ quát của một Giáo Hội tiếp tục công bố Lòng Thương Xót của Thiên Chúa cho tất cả mọi người trên trái đất này.”

Trong danh sách các Tân Hồng Y có ba vị trên 80 tuổi “nổi bật vì sự phục vụ của các ngài dành cho Giáo Hội.”

Ngay tại thời điểm hiện nay, khi Đức Thánh Cha công bố quyết định này, Hồng Y Đoàn có 213 thành viên, trong đó có 115 vị dưới 80 tuổi và do đó hội đủ điều kiện bỏ phiếu trong một mật nghị bầu tân giáo hoàng.

Đức Hồng Y Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh, sẽ mừng sinh nhật lần thứ 80 của ngài vào ngày 8 tháng Sáu. Như thế, vào ngày 29 tháng 6, Hồng Y Đoàn dự kiến sẽ có 227 vị trong đó 125 vị là Hồng Y cử tri.

Sau ngày 29 tháng 6, số Hồng Y cử tri do Đức Thánh Cha Phanxicô tấn phong sẽ chiếm gần một nửa. Mười chín vị Hồng Y cử tri do Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tấn phong; và 47 vị do Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 tấn phong.

Các tân Hồng Y đến từ: Iraq, Tây Ban Nha, Ý, Ba Lan, Pakistan, Bồ Đào Nha, Peru, Madagascar, Nhật Bản, Mexico và Bolivia.

Các Hồng Y mới, được liệt kê theo thứ tự được Đức Thánh Cha Phanxicô thông báo, là:

- Thượng phụ Chaldean Louis Raphael I Sako, 69 tuổi, người Iraq.

- Đức Tổng Giám Mục Luis F. Ladaria, 74 tuổi, người Tây Ban Nha, Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin.
- Đức Tổng Giám Mục Angelo De Donatis, 64 tuổi, người Ý, Giám quản Giáo phận Rome.
- Đức Tổng Giám Mục Giovanni Angelo Becciu, 69 tuổi, người Ý, Phụ Tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.
- Đức Tổng Giám Mục Konrad Krajewski, 54 tuổi, người Ý, Quan Phát Chaẩn của Đức Giáo Hoàng.
- Đức Tổng Giám Mục Joseph Coutts của Karachi, 72 tuổi, người Pakistan,.
- Đức Giám Mục Antonio dos Santos Marto của giáo phận Leiria-Fatima, 71 tuổi, người Bồ Đào Nha.
- Đức Tổng Giám Mục Pedro Barreto của Huancayo, 74 tuổi, người Peru.
- Đức Tổng Giám Mục Desire Tsarahazana của Toamasina, 63 tuổi, người Madagascar.
- Đức Tổng Giám Mục Giuseppe Petrocchi của L’Aquila, Ý, 69 tuổi.
- Đức Tổng Giám Mục Thomas Aquinas Manyo Maeda ở Osaka, Nhật Bản, 69 tuổi.
- Đức Tổng Giám Mục Sergio Obeso Rivera, Tổng Giám Mục đã nghỉ hưu của Xalapa, Mexico, 86 tuổi.
- Đức Giám Mục Toribio Ticona Porco, vị giám mục về hưu của Corocoro, Bolivia, 81 tuổi.
- Cha Claretian Aquilino Bocos Merino, 80 tuổi, người Tây Ban Nha.

Sau khi được bầu vào ngôi Giáo Hoàng vào tháng Ba năm 2013, từ năm 2014, mỗi năm Đức Thánh Cha đều tấn phong các tân Hồng Y. Công nghị tấn phong 14 vị lần này là Công Nghị tấn phong Hồng Y lần thứ 5. Trong 4 lần trước, Đức Thánh Cha đã tấn phong tổng cộng 61 vị Hồng Y từ 43 quốc gia, trong đó có 15 quốc gia chưa bao giờ có Hồng Y.

3. Đức Tổng Giám Mục Manyo Maeda của Osaka ngạc nhiên khi được tấn phong Hồng Y.

Theo tin tưởng của nhiều người, các vị tân Hồng Y phải được tiếp xúc và thông báo trước khi Đức Thánh Cha chính thức loan báo với thế giới các ngài được tấn phong Hồng Y. Tuy nhiên, Đức Tổng Giám Mục Manyo Maeda của tổng giáo phận Osaka khẳng định một cách dứt khoát rằng ngài hoàn toàn không hề được biết trước và vô cùng ngạc nhiên khi hay tin mình sẽ được nâng lên hàng Hồng Y.

“Mọi người gửi email đến và gọi điện chúc mừng và nói rằng họ đã nhìn thấy thông báo,” Đức Hồng Y tân cử nói với phóng viên ucanews.com sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô công bố danh sách các tân Hồng Y tại Rôma vào ngày 20 tháng 5.

Đức Hồng Y nói rằng khi người đầu tiên gọi đến chúc mừng, “bản thân tôi không biết về việc công bố này và tôi không hề được tiếp xúc trước. Bản thân tôi không nghĩ rằng tôi là người phù hợp nhất để trở thành một Hồng Y, vì thế tôi vẫn thấy chuyện này khó tin quá.”

Đức Tổng Giám Mục Maeda là phó chủ tịch Hội đồng Giám mục Nhật Bản (CBCJ). Ngài sinh ở tỉnh Nagasaki vào năm 1949 và được thụ phong linh mục tại Tổng Giáo Phận Nagasaki vào năm 1975. Sau khi phục vụ trong thời gian từ 2006 đến 2011 với tư cách tổng thư ký của CBCJ, ngài được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 bổ nhiệm giám mục giáo phận Hiroshima vào tháng Chín 2011. Tháng Tám năm 2014, Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm ngài làm tổng giám mục Osaka.

Là người gốc Nagasaki, Đức Giám Mục Maeda đã tham gia mạnh mẽ vào phong trào hòa bình ở Hiroshima. Ngài cũng làm tham dự vào án phong chân phước cho các “Kitô hữu thầm lặng” là những người đã bị đày đến tỉnh Shimane, thuộc Hiroshima. Khi bùng nổ phong trào bài Kitô ở Nhật Bản 150 năm trước, khoảng 3,400 Kitô hữu từ Nagasaki bị lưu đày đến những nơi khác nhau trong cả nước, và hơn 600 người đã chết rũ tù. Nagasaki trước đây đã từng là cứ địa truyền giáo Đông Á và Đông Nam Á. Các thừa sai từ Âu Châu được đưa đến đây tham dự các khóa học về các ngôn ngữ Á Châu trước khi ra đi truyền giáo.

Đức Tổng Giám Mục Maeda có thể được gọi là người thừa kế chính thức cho các tông đồ ngư dân. Khi còn là một linh mục giáo xứ, ngài thường đi câu cá trên thuyền và treo các phướn đầy mầu sắc như một hiệu kỳ của các ngư dân mỗi khi bắt được nhiều cá.

Trong nhiều năm, ngài cũng tham gia vào các hoạt động giáo dục, đại kết, và chăm sóc cho người khuyết tật của Hội Đồng Giám Mục Nhật.

Đức Hồng Y tân cử cũng là một bậc thầy về thơ ngắn của Nhật Bản, thường được gọi là haiku và các vần thơ của ngài thường xuất hiện trong các bài giảng và bài viết.

Đức Tổng Giám Mục Maeda là vị Hồng Y thứ sáu của Nhật Bản, nhưng không giống như các vị Hồng Y Nhật trước đây, ngài đã không tham gia vào các hoạt động trong lãnh vực quốc tế.

4. Đức Tổng Giám Mục Angelo Becciu cũng thấy bất ngờ khi được tấn phong Hồng Y

Không chỉ có Đức Tổng Giám Mục Maeda ở Nhật Bản xa xôi cảm thấy bất ngờ. Hai vị ở ngay Rôma cũng đầy ngạc nhiên là Đức Tổng Giám Mục Angelo Becciu và Đức Tổng Giám Mục Angelo De Donatis.

Đức Tổng Giám Mục Angelo Becciu – Phụ tá Quốc vụ khanh Tòa Thánh và Đặc sứ của Đức Giáo Hoàng tại Hội Hiệp sĩ Malta – là một trong những vị được Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm. Đức Hồng Y tân cử Angelo Becciu cho biết việc bổ nhiệm này là một bất ngờ đối với ngài. Ngài khẳng định rằng ơn gọi của các Hồng Y là trung thành tuyệt đối với Đức Giáo Hoàng. Do đó các Hồng Y là các chứng tá của sự hiệp thông và hiệp nhất.

Đức Hồng Y tân cử Angelo Becciu cũng chia sẻ rằng các Hồng Y cộng tác với Đức Giáo Hoàng để tìm ra những con đường đúng đắn cho việc loan báo Tin mừng, những hình thức mới và thích hợp cho các thời đại để truyền rao Tin mừng. Ngài nhấn mạnh rằng các Hồng Y luôn hiệp nhất và phải cùng với Đức Giáo Hoàng xây dựng những điều mới mẻ cho Giáo hội.

Đức Tổng Giám Mục Angelo De Donatis – Giám quản Roma – cũng là một trong các vị có tên trong danh sách được Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm làm Hồng Y. Cũng như Đức Tổng Giám Mục Angelo Becciu, ngài cũng bất ngờ khi nghe tin bổ nhiệm. Đức Tổng Giám Mục Giám quản giáo phận Roma chia sẻ: “Tôi đã nhận được tin bổ nhiệm khi đang ở trên xe; tôi đang trở về sau khi thăm giáo xứ thánh Atanasio ở vùng Tiburtina của Roma. Một buổi sáng đẹp trời, một cuộc viếng thăm mục vụ… và trong khi tôi nghe đọc kinh Lạy Nữ vương thiên đàng, vào lúc cuối thì có tin này và nó làm cho tôi không nói được lời nào, bởi vì đó luôn là điều ngạc nhiên…” Ngài chia sẻ tiếp: “Hồng Y là một sự phục vụ hoàn toàn, trên hết là lời nhắc nhở tử đạo, ngay cả khi không tử đạo bằng máu, nó là cuộc tử đạo của lòng bác ái mà chúng ta sống mỗi ngày khi trao ban chính cuộc sống của mình.”

5. Quan phát chẩn của Đức Thánh Cha được tấn phong Hồng Y

Trong số các Hồng Y tân cử cũng có Đức Tổng Giám Mục Konrad Krajewski, người Ba Lan, là quan phát chẩn của Đức Thánh Cha.

Đây thật là một bất ngờ với mọi người, vì trong tư cách là quan phát chẩn của Đức Thánh Cha, Đức Tổng Giám Mục Konrad Krajewski thường lang thang trên hè phố với những người nghèo và người vô gia cư.

Không ai nghĩ một quan phát chẩn của Đức Thánh Cha có thể được tấn phong Hồng Y. Điều này chưa từng xảy ra.

Đối với chính Đức Tổng Giám Mục Konrad Krajewski, việc bổ nhiệm cũng là một bất ngờ và ngài giật mình khi Đức Giáo Hoàng chẳng nói gì với ngài trước đó, rồi tự nhiên, giữa trưa Chúa Nhật lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống vừa qua, tin bất ngờ đã đến. Ngài chia sẻ rằng việc bổ nhiệm này, cách nào đó, dành cho tất cả những người ngài giúp đỡ và cho tất cả những người tình nguyện. Ngài nhớ rằng các Hồng Y đầu tiên là các phó tế, do đó là những người phục vụ những người nghèo vì các phó tế là vì người nghèo.

6. Đức Thượng Phụ Công Giáo Chanđê được tấn phong Hồng Y

Đối với Giáo Hội Công Giáo Chanđê Iraq đang bị đau khổ vì chiến tranh, khủng bố, việc tấn phong Hồng Y cho Đức Thượng phụ Louis Raphael Sako, của Baghdad, là một thúc đẩy của niềm hy vọng. Đức Thượng phụ Sako chia sẻ: “Đối với tôi, việc bổ nhiệm này là một điều ngạc nhiên, thật sự! Tôi rất biết ơn, không vì cá nhân tôi, nhưng vì một Giáo hội đã đau khổ rất nhiều và vì nước Irắc, trong thời gian này: theo tôi, đối với tất cả quốc gia, cả các Kitô hữu cũng như người Hồi giáo, đây là một sự nâng đỡ của Giáo hội hoàn vũ và của Tòa Thánh, là một động lực của hy vọng, của sự khuyến khích tiến đến hòa giải của đất nước.”

Đức Thượng phụ cũng chia sẻ rằng khi có tin bổ nhiệm, ngài đã nhận được nhiều cuộc gọi điện thoại từ các tín hữu Hồi giáo, các Kitô hữu, những người bình dân và các các vị hữu trách của quốc gia. Tất cả nói với ngài rằng việc bổ nhiệm này là cho họ, cho Irắc, cho các tín hữu Hồi giáo.

Một tín đồ Hồi giáo đã nói với ngài rằng việc bổ nhiệm này là cho tất cả những người tin vào Thiên Chúa.

7. Đức Thánh Cha gặp gỡ với các Giám Mục Ý

Tối thứ Hai 21 tháng 5, trong phòng họp Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới tại Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có cuộc gặp gỡ với các Giám mục Ý, nhân dịp các vị tập trung tại Vatican tham dự cuộc họp thường niên của Hội đồng Giám mục Ý (Conferenza Episcopale Italiana, “CEI”).

Trong bài phát biểu của mình với các Giám mục, Đức Thánh Cha đã nói về một số vấn đề mà ngài quan tâm, nhấn mạnh rằng không phải là ngài muốn “đánh phủ đầu” các vị, nhưng thực tâm là muốn chia sẻ mối quan tâm của ngài để các vị có thể thảo luận về nhiệm thể Giáo Hội. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng những suy tư của ngài là một phần của cuộc thảo luận, trong đó các Giám mục đáp trả với những câu hỏi, lo lắng, cảm hứng của riêng của các ngài, và thậm chí cả những lời chỉ trích. Đức Thánh Cha nói: “Chỉ trích Đức Giáo Hoàng ở đây không có tội đâu! Điều đó không phải là một tội lỗi, có thể làm điều đó.”

Đức Thánh Cha, sau đó, đã nêu bật ba mối quan tâm chính: cuộc khủng hoảng trong ơn gọi; nhân đức thanh bần trong Giáo Hội và tính minh bạch; việc tinh giảm và củng cố các giáo phận.

Liên quan đến ơn gọi, Đức Thánh Cha khuyến khích các Giám mục Ý quảng đại trong việc chia sẻ các ơn gọi, mà ngài mô tả như một món quà của đức tin. Nói về nhu cầu phải minh bạch và nhân đức thanh bần, Đức Thánh Cha nhắc nhở các Giám Mục rằng hành vi của các ngài đối với thiện ích của Giáo Hội phải là những gương mẫu, vì một ngày nào đó các ngài sẽ phải trả lời về việc quản trị của mình. Liên quan đến việc tinh giảm và củng cố các giáo phận, ngài nói rằng điều này có thể và phải được thực hiện, với những xem xét mục vụ của tất cả những người có liên quan, đặc biệt là với những nơi mà mọi người cảm thấy bị bỏ rơi.

Ý hiện có đến 225 giáo phận và tổng giáo phận, với 25,694 giáo xứ, 44,906 linh mục dòng và triều, 25,694 nữ tu và 23,719 nam tu sĩ không có chức linh mục. Giáo Hội tại Italia có đến 517 Giám Mục trong đó có 41 vị Hồng Y (20 vị là Hồng Y cử tri).

“Đây là ba mối bận tâm của tôi, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói,” điều mà tôi muốn chia sẻ với các hiền huynh là những gợi ý để suy tư.”

Đức Thánh Cha khích lệ các Giám Mục xem xét những nhận xét của ngài, cảm ơn các ngài vì sự thẳng thắn, sẵn sàng nói chuyện cởi mở và tự do.

8. Khủng bố Hồi Giáo IS tấn công vào một nhà thờ Chính Thống Giáo tại thủ đô Chechen

Chỉ một vài ngày sau vụ tấn công kinh hoàng tại Surabaya (Indonesia), quân khủng bố Hồi Giáo IS đã tấn công vào một nơi thờ phượng Kitô Giáo khác.

Trong một tuyên bố trên các mạng xã hội, bọn khủng bố Hồi Giáo IS tuyên bố chịu trách nhiệm về cuộc tấn công hôm thứ Bẩy 19 tháng 5 vào một nhà thờ Chính thống ở thủ đô Grozny của Chechen, khiến một tín hữu và hai cảnh sát viên bị thiệt mạng.

Được trang bị dao, búa và các thiết bị gây cháy, bốn tên khủng bố xông vào nhà thờ Tổng lãnh thiên thần Micae vào khoảng 3 giờ chiều, khi các tín hữu đang chuẩn bị buổi lễ tối. Bọn khủng bố đã cố gắng bắt một số giáo dân làm con tin, nhưng lực lượng an ninh đã can thiệp và sau một cuộc chạm súng ngắn ngủi, diễn ra bên ngoài nhà thờ, bốn tên khủng bố đã bị bắn chết. Tuy nhiên, một tín hữu và hai cảnh sát viên đã bị thiệt mạng.

Tổng thống Chechen là ông Ramzan Kadyrov, đã đến hiện trường. Ông cho biết, dựa vào các nguồn tin an ninh Chechen, ba trong bốn kẻ khủng bố đến từ một nước phương Tây, và tên cầm đầu bọn chúng đến từ tỉnh Ingushetia. Những kẻ tấn công đều còn rất trẻ, từ 18 đến 19 tuổi.

Giáo trưởng Hồi Giáo Ismail Berdiyev, chủ tịch trung tâm điều phối Hồi giáo Bắc Caucasus, lên án vụ tấn công này. Ông nói: “Vụ tấn công này được thực hiện trong tháng chay Ramadan để làm cho tình hình trở nên bất ổn.”

Vladimir Legoyda, người đứng đầu Bộ Thông tin Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo Nga, cho biết cuộc tấn công là “một nỗ lực khác của những kẻ cực đoan giả danh Hồi giáo nhằm đẩy đưa các Kitô hữu và người Hồi giáo vào tình trạng hận thù lẫn nhau”.

Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/244054.htm

CÁC TIN KHÁC: