Giáo xứ Bình An: Chúa nhật 33 Thường niên - Năm A


Ngày 19/11/2023

Giáo xứ Bình An: Chúa nhật 33 Thường niên - Năm A

 

Chúa Nhật 33 Thường Niên – Năm A

(Mt 25, 14-30)

DỤ NGÔN NHỮNG YẾN BẠC

“Bấy giờ, Đức Giê-su kể cho các môn đệ nghe dụ ngôn này: "Người kia sắp đi xa, liền gọi đầy tớ đến mà giao phó của cải mình cho họ. Ông cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tuỳ khả năng riêng mỗi người. Rồi ông ra đi. Lập tức, người đã lãnh năm yến lấy số tiền ấy đi làm ăn buôn bán, và gây lời được năm yến khác. Cũng vậy, người đã lãnh hai yến gây lời được hai yến khác. Còn người đã lãnh một yến thì đi đào lỗ chôn giấu số bạc của chủ. Sau một thời gian lâu dài, ông chủ đến tính sổ với các đầy tớ và thanh toán sổ sách với họ. Người đã lãnh năm yến tiến lại gần, đưa năm yến khác, và nói : "Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi năm yến, tôi đã gây lời được năm yến khác đây". Ông chủ nói với người ấy: "Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!". Người đã lãnh hai yến cũng tiến lại gần và nói: "Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi hai yến, tôi đã gây lời được hai yến khác đây". Ông chủ nói với người ấy: "Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!". Rồi người đã lãnh một yến cũng tiến lại gần và nói: "Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu yến bạc của ông dưới đất. Của ông đây, ông cầm lấy!". Ông chủ đáp: "Hỡi đầy tớ tồi tệ và biếng nhác! Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi, thì đáng lý anh phải gởi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ!. Vậy các ngươi hãy lấy yến bạc khỏi tay nó mà đưa cho người đã có mười yến. Vì phàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi. Còn tên đầy tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng.”

-------------------------

Bài chia sẻ

DỤ NGÔN NHỮNG YẾN BẠC

Để các môn đệ và mọi người khỏi hoang mang, hụt hẫng, lo sợ mà khoanh tay chờ ngày cánh chung, ngày Chúa quang lâm, Đức Giêsu đưa ra 3 dụ ngôn:

- Người tôi tớ trung tín (Mt 24,45-51)

- Mười trinh nữ (Mt 25,1-13)

- Và dụ ngôn những yến bạc (Mt 25,14-30) mà chúng ta được nghe hôm nay.

Là một trong số 12 tông đồ đã trực tiếp nghe Chúa Giêsu giảng nhưng khi viết lại thì Matthêu dựa vào bản tường thuật của Marcô và không còn nghi ngờ gì nữa là Matthêu còn dựa vào một nguồn khác nữa để viết lại dụ ngôn này.

Phải, cả hai dụ ngôn “Mười trinh nữ” và dụ ngôn “Những yến bạc” đều nhằm triển khai Phúc Âm Marcô 13,32-36:

“Còn về ngày hay giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay Người Con cũng không, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi. Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến. Cũng như người kia trẩy phương xa, để nhà lại, trao quyền cho các đầy tớ của mình, chỉ định cho mỗi người một việc, và ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức. Vậy anh em phải canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến: Lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng. Anh em phải canh thức, kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ.”

Hơn thế nữa, khi tường thuật dụ ngôn “Những yến bạc”, Matthêu còn nhằm chú giải điều Marcô ghi ở đoạn 4,25:

“Vì ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái đang có cũng sẽ bị lấy mất"

Sứ điệp của dụ ngôn cũng rất phong phú về nhiều mặt:

Trước hết dụ ngôn bật lên một tín hiệu tức thời, chỉ cho mọi người một mẫu mực sống trong khi chờ đợi ngày Con Người đến, thúc đẩy chúng ta sử dụng một cách có trách nhiệm những yến bạc là của cải và tài năng Chúa ban chờ ngày phán xét sắp tới.

Tuy nhiên, cái tính hiệu trước tiên vẫn là sự khiển trách các thượng tế và đầu mục Do Thái về thái độ cứng nhắc của họ đối với truyền thống tôn giáo, từ chối sự thăng tiến. Tên đầy tớ vô dụng gói kỹ nén bạc, chôn chặt xuống đất rồi lại đào lên trao cho chủ không những là hình ảnh của những kẻ lười biếng chỉ nói mà không làm mà còn tiêu biểu cho lớp người quá thủ cựu, vụ lề luật.

Từ “Talent” mà người ta gọi là yến bạc ở dụ ngôn này thực sự là một đồng cân được đúc bằng đồng, bạc hay vàng. Nếu được đúc bằng bạc thì cũng có giá trị bằng khoảng một lạng vàng. Ở đây nói đến tài sản chủ giao là yến bạc: người thì năm yến, kẻ hai yến, người một yến. Ở dụ ngôn Tên đầy tớ hung ác thì món nợ lên đến mười ngàn yến bạc. Bạc vàng đâu mà lắm thế! Từ yến bạc có lẽ chỉ muốn nói là “nhiều lắm”. Phong tục Việt Nam cũng vậy: Trong nghi lễ cưới hỏi, khi mở quả khem ra thì một người chẳng cần phải xem phải đếm mà cứ xướng oang lên: “trong đây có tiền trăm bạc chục”, nghĩa là nhiều tiền lắm.

Talent (yến bạc) là quà tặng mà Thiên Chúa ban cho ta thì nhiều lắm: khả năng tinh thần vật chất, trí tuệ sức lực với bao năng khiếu là vốn quí Chúa trao. Với số vốn quí ấy, chúng ta phải làm ăn sinh lời. Theo nghĩa thường thì chúng ta phải lao dộng, buôn bán, đầu tư; còn theo nghĩa tôn giáo, chúng ta còn có trách nhiệm sinh lời cái vốn “đức tin” của mình nữa. Trách nhiệm chuyển giao đức tin cho người khác là sứ vụ của mọi người Công giáo chúng ta.

Còn việc ông chủ trách tên đầy tớ chôn chặt yến bạc mà không đem gởi nơi ngân hàng để ông chủ thu cả vốn lẫn lời thì sao? Phải chăng đây là thái độ ủng hộ tư bản? Vàng bạc hay cả tiền giấy có giá trị vì nó tiêu biểu, chứa đựng, cân đo cái vốn liếng tinh thần và vật chất của con người.

Vốn ấy có thể sinh lợi không? Đó là vấn đề đã một thời lâu dài tranh cãi dẫn đến xung đột đẫm máu. Điều làm cho chúng ta phải ngạc nhiên là ngay từ hơn hai ngàn năm về trước mà Đức Giêsu đã dạy con người cái nhìn tiến bộ ấy.

Hướng mở thì tốt đấy, nhưng mở tới mức độ nào thì chúng ta còn phải mở sách Tân Cựu Ước ra mà đọc để nắm cho vững.

Sách Huấn Ca Cựu Ước 26,29-27,1-3 khuyến cáo người làm nghề buôn bán:

“Làm thương mại khó tránh khỏi tham lam,
đi buôn bán không thoát được tội lỗi.
Vì ham lợi mà nhiều người mắc lỗi,
mải làm giàu, người ta cứ ngoảnh mặt làm ngơ.
Chiếc cọc cắm sâu vào kẽ đá,
tội lỗi cũng ăn sâu vào việc mua đi bán lại.
Ai không bền lòng kính sợ Đức Chúa,
cửa nhà người đó sẽ sớm bị sụp đổ”
Cũng chính vì thế mà Huấn Ca Cựu Ước 37,11 căn dặn chúng ta:
“Đừng bàn với kẻ bán về việc mua
cũng đừng bàn với người mua về việc bán”
Đối với những người cho vay, Huấn Ca Cựu Ước 29,1 dạy rằng:
“Cho đồng loại vay là làm điều từ thiện
ra tay giúp đỡ họ là giữ lệnh Chúa truyền”

(theo bản dịch của linh mục Nguyễn Thế Thuấn)

Sách Xuất Hành 22, 24 còn khuyên nên cho người nghèo mượn không lấy lời:

“Nếu ngươi cho một người trong dân Ta, một người nghèo ở với ngươi vay tiền, thì ngươi không được xử với nó như chủ nợ, không được bắt nó trả lãi ”

Đối với những kẻ quá nghèo không thể trả nổi nợ, sách Lêvi 25,35-37 dạy rằng:

“Nếu người anh em của ngươi lâm cảnh túng thiếu, và không trả nợ được ngươi, thì ngươi phải nâng đỡ nó, dù nó là ngoại kiều hay khách trọ, để nó có thể sống bên ngươi. Với nó, ngươi không được lấy lãi ăn lời, nhưng ngươi phải kính sợ Thiên Chúa, và người anh em của ngươi sẽ có thể sống bên ngươi. Ngươi không được cho nó vay bạc của ngươi để lấy lãi và vay lương thực của ngươi để ăn lời.”

Với kẻ đi vay, Huấn Ca Cựu Ước 29,2-4 dạy:

“Khi người ta cần, con hãy cho vay mượn, 
khi con vay mượn, hãy trả đúng hạn kỳ.
Hãy giữ lời và trung tín luôn luôn, 
thì bất cứ lúc nào cần điều chi, con cũng sẽ được.
Nhiều người coi của vay mượn như của nhặt ngoài đường,
khiến ai giúp họ cũng buồn phiền chán nản”

Trong dụ ngôn những yến bạc, người được giao 5 yến đã làm lời được 5 yến khác, người được giao 2 yến cũng làm lời được 2 yến khác. Cả hai người đều được chủ khen một câu như nhau: “Hỡi đầy tớ tài giỏi và trung tín…”. Cả hai lại được chủ giao nhiều hơn. Cái phần thưởng mà chủ ban cho hai người cũng như nhau: “Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ ngươi”.

Tất cả là hồng ân. Được giao nhiều hay giao ít, con xin cảm tạ Chúa. Mọi nơi mọi lúc và trong mọi tình huống, xin cho con luôn là tôi tớ trung thành, cần mẫn sinh lợi vốn quí Chúa ban và sẵn sàng tính sổ với Chúa bất cứ lúc nào.

Linh mục Chánh xứ Bình An
Giuse Trịnh Văn Viễn

Nguồn: http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20111113/13420