Chương 1 => Tiểu Dẫn vào Tân Ước | Kinh Thánh Tân Ước (Bản dịch của LM Nguyễn Thế Thuấn)



 

Các sách Tân Ước

Hai mươi bảy văn thứ, dài vắn khác nhau, nội dung và ngoại diện cũng có lắm điều thù dị, đã được thu lại làm thành một bộ, và mang tên chung là Tân Ước, hay nói cho rõ hơn: Kinh Thánh của Giao Ước Mới. Các văn thư này đã được viết ra với mục đích là dẫn dắt tín hữu.

1) Trước hết có những sách doãn lại đời Chúa Yêsu: các lời Ngài nói, các việc Ngài làm. Ðó là các sách mà ta gọi là Tin Mừng (Phúc Âm):

- Tin Mừng theo Thánh Mátthêô (Mt)

- Tin Mừng theo Thánh Marcô (Mc)

- Tin Mừng Theo Thánh Luca (Lc)

- Tin Mừng theo Thánh Yoan (Yn)

2) Rồi sách

- Công Vụ Các Tông Ðồ (Cv)

cho ta biết việc các Tông đồ (ít là hai vị chính Phêrô và Phaolô) đã làm, để lập Hội Thánh trong dân Do Thái và nơi Dân ngoại.

3) Khi Hội Thánh đã được thành lập, các Tông đồ (nhất là Phêrô) đã dẫn dắt Cộng đoàn tân tòng, để đào tạo họ sống theo ơn Thiên Chúa đã kêu gọi, hay là để phòng chống lại những lầm lạc đương thời, có thể làm tổn thương đến lòng đạo chân chính. Các ngài dùng thư từ để dạy dỗ họ:

a) Các thư của thánh Phaolô:

- Thư gửi Tín Hữu Rôma (Rm)

- Thư thứ nhất gửi Tín Hữu Côrinthô (1C)

- Thư thứ hai gửi Tín Hữu Côrinthô (2C)

- Thư gửi Tín Hữu Galat (Ga)

- Thư gửi Tín Hữu Êphêsô (Ep)

- Thư gửi Tín Hữu Philip (Ph)

- Thư gửi Tín Hữu Côlôsê (Co)

- Thư thứ nhất gửi Tín Hữu Thessalonikê (1Th)

- Thư thứ hai gửi Tín Hữu Thessalonikê (2Th)

- Thư thứ nhất gửi cho Timôthê (1Tm)

- Thư thứ hai gửi cho Timôthê (2Tm)

- Thư gửi cho Titô (Tt)

- Thư gửi cho Philêmôn (Phm)

- Thư gửi cho Tín Hữu Hipri (Hr)

b) Các thưgọi là Thư Chung:

- Thư của Thánh Yacôbê (Yc)

- Thư thứ nhất của Thánh Phêrô (1P)

- Thư thứ hai của Thánh Phêrô (2P)

- Thư thứ nhất của Thánh Yoan (1Yn)

- Thư thứ hai của Thánh Yoan (2Yn)

- Thư thứ ba của Thánh Yoan (3Yn)

- Thư của Thánh Yuđa (Yđ)

4) Sau cùng trong buổi cấm cách ghê sợ: đế quốc Rôma muốn diệt đạo Chúa Kitô, chúng ta thấy xuất hiện:

- Khải Huyền của Thánh Yoan (Kh)

với mục đích ủy lạo khuyến khích tín hữu kiên tâm chịu đựng vì Chúa.

 

I. Tân Ước Là Sách Của Hội Thánh

 

a) Ðã phát xuất làm một với Hội Thánh

Nhưng các sách ấy chẳng những là để dạy dỗ Hội Thánh mà thôi. Các sách ấy cũng đã được phát xuất từ giữa Hội Thánh và được thành hình làm một với Hội Thánh.

Về đoàn thể tôn giáo ấy, ai lại không biết: xuất hiện vào lối giữa tiền bán thế kỷ thứ nhất, với một số người ít oi bé nhỏ. Nhưng lối mười năm sau, nhóm người ấy đã mạnh dạn băng qua cương giới cổ truyền về địa dư cũng như về tinh thần, để nghiễm nhiên thành một đạo công cộng đối với nhân loại, để thành một đế quốc Rôma và đã không may bị đế quốc để ý đến. Và từ lúc ấy kéo dài hơn hai thế kỷ, Cộng đoàn ấy đã phải điêu đứng với một đế quốc toàn năng. Nhưng rốt cuộc, đế quốc đã đầu hàng. Và chính Cộng đoàn ấy, chừngba thế kỷ đã cầm giữ cho đế quốc khỏi bị tiêu diệt dưới làn sóng của các rợ man di xâm nhập. Và khi đế quốc tan rã, thì chính Cộng đoàn ấy đã duy trì gia tài căn minh La Hi mà chuyển lại cho các quốc gia Tây phương sau này. Rồi Cộng đoàn ấy cứ tiếp tục lan truyền thêm mãi cho đến ngày nay. Hội thánh của Chúa Kitô là một sự kiện lịch sử. Ðiều đó đã quá rõ.

Xét về những hậu quả lịch sử trong nhân loại, thì ai cũng phải nhận rằng, lúc mà Cộng đoàn ti tiểu "đoàn chiên bé nhỏ" ấy xuất hiện một biến cố lịch sử quan trọng vào bậc nhất đã diễn ra.

Cũng như nhiều phong trào mới khác. Cộng đoàn Kitô giáo sơ khởi đã diễn tiến theo ba giai đoạn: bành trướng, xung đột với bên ngoài, và củng cố nội bộ. Các sách Tân Ước phản ảnh lại các giai đoạn ấy. Duyệt qua các giai đoạn ấy là dịp để ta đặt niên biểu cho các sách Tân Ước. Va nhờ niên biểu, chúng ta cũng được rõ bối cảnh lịch sử của các sách: một điều có ích lợi không phải là nhỏ trong việc tìm hiểu các sách Tân Ước.

1. Giai đoạn thứ nhất bắt đầu ngay ít lâu sau khi Chúa Yêsu chết tại Yêrusalem, dưới triều Hoàng đế Tibêriô (năm 30). Thời này là một thời khuếch trương không ngừng, kéo dài chừng ba mươi năm. Không đầy một đời người, ta đã thấy những Cộng đoàn Kitô giáo rải rác khắp các tỉnh Phương Ðông của đế quốc Rôma, và lan mãi đến đất Ý (có lẽ cả Pháp và Tâybannha, mút cùng thế giới đối với những người Phương Ðông như các Tông đồ đầu tiên): Một thành công đáng để ý của một nhóm người vô danh tiểu tốt, khởi từ những thôn xóm của một nước nhỏ bé. Một điều đáng để ý nữa là sự bành trướng về địa dư, lại đi đối với việc xây đắp nền móng đạo lý, tinht hần Kitô giáo. Những náng văn chương độc đáo về tôn giáo đã ra đời, mang đến cho nhân loại một tư tưởng thâm thúy, đầy hiên ngang, đầy nhựa sống.

Tiêu biểu cho giai đoạn này là các thư của thánh Phaolô, một tông đồ siêu bạt, một nhà thần học thượng trí. Các thư ấy hầu hết đã ra đời nhân dịp những nhu cầu cấ bách của Cộng đoàn, giữa thời hoạt động ráo riết và lao đao của vị Tông đồ, như ta thấy ám chỉ trong thư thứ hai gửi tín hữu Corinthô (6:1-10; 11:1tt). Các thư ấy rọi lại một thời phấn khởi, một sức hăng hái chinh phục không ngừng của một trào lưu đang vươn tiến.

Thời đó cũng còn được rọi lại trong các chương của sách Công vụ các Tông đồ. Sách này tuy xét về thời soạn tác thì muộn, nhưng vẫn giữ được nhiều di tích và tinh thần của buổi đầu.

2. Hội thánh đang hùng dũng tiến mạnh, thì đùng một cái, lối đi bị nghẽn. Số là lối tháng bảy năm 64, một cuộc hỏa tai kinh khủng đã xảy ra tại Rôma. Tương truyền rằng Nêrô, vị hoàng đế đương thời đã xố tình cho lịnh phóng hỏa. Người ta đồn rằng trong lúc hỏa tai thì ông gảy đàn, vừa ngắm cảnh, vừa ngâm thơ Hômêrô về cuộc khói lửa binh thành Trôa. Dù sao đi nữa, thì hỏa tai ấy cũng rất phù hợp với những đồ án vĩ đại của ông về việc tu bổ kinh đô. Nhưng dân chúng phẫn uất. Chính quyền phải tìm ai làm bung xung cho hả lòng căm hờn của bá tính. Người ta đập vào tín hữu. Họ bị coi là những kẻ theo tà đạo quốc cấm, và họ bị truy nã gắt gao cùng hành tội rất tàn nhẫn. Ba mươi năm điêu đứng. Tuy rằng cuộc cấm cách không phải là luôn luôn ác liệt, nhưng tín hữu cũng cảm thấy địa vị mình rất mong manh giữa một xã hội thù địch.

Văn chương Tân Ước thời này không phiêu diêu hứng khởi bằng thời trước. Ðó là thời thấy xuất hiện các thư như thư thứ nhất của thánh Phêrô; thư cho tín hữu Hipri; Khải huyền của thánh Yoan. Cả ba thư tịch đều đề cập đến vấn đề cấm đạo, và mục đích một phần là để ủy lạo những kẻ phải "chịu khó" vì Chúa Kitô. Chắc hơn, Khải huyền đã được viết vào cuối triều Ðômitianô (81-96).

Cấm cách cầm chân việc bành trướng đã rồi. Nhưng tất nhiên cấm cách còn kéo thêm cái nạn khác: hàng ngũ những chứng tá tiên khởi bắt đầu thưa bớt một cách lanh chóng. Ðã đến lúc phải tìm cách giữ lại các ký ức về thời đã gần qua: vì thế mới có các Tin Mừng nhất lãm.

Trong các văn thư hiện có của Tân Ước nói về sự nghiệp Chúa Yêsu thì Tin Mừng theo thánh Marcô là cựu trào nhất. Trước kia đã xuất hiện những sưu tập về Lời của Chúa (logia) và có lẽ có cả những sách hạnh Ngài (xem Lc 1:1-2 và truyền thống còn nhớ đến sách Tin Mừng của thánh Matthêô bằng tiếng Aram). Nhưng các thư tịch ấy đã mai một cả. Marcô soạn sách của Ngài vào lối đầu cuộc cấm cách thứ nhất (trước năm bảy mươi). Hoàn cảnh hình như cũng lộ ra nơi việc Ngài nhấn đến gương chịu đau khổ của Chúa Kitô, đến luật phải vác khổ giá đi theo Ngài.

Rồi ít lâu sau, các sách Tin Mừng khác cũng ra đời: Tin Mừng theo thánh Matthêô và Luca. Thời nào? chúng ta không nói được một cách dứt khoát, nhưng chung chung là phải sau năm bảy mươi, và trước khi hoàng đế Ðomitianô chết (năm 96). Matthêô hiện có đã dựa trên một văn kiện nào na ná như Mc để thuật lại sự nghiệp trần thế của Chúa. (Tin Mừng Matthêô bằng tiếng Aram?) và những sưu tap này khác về các di ngôn của Chúa, mà làm thành một trình thuật bao quát, có hệ thống về đạo lý của Chúa: cốt là năm diễn từ. Ðó là Luật mới, đối chiếu với Luật cũ trong Ngũ kinh của Môsê. Sách đã được làm căn cứ cho sinh hoạt nội bộ của Hội thánh. Còn sách Tin Mừng của Luca lại theo một chiều hướng khác. Ðó là quyển thứ nhất của một bộ sách muốn doãn lại cả thời sơ khai của Kitô giáo. Quyển thứ hai của bộ sách là Công vụ của các Tông đồ. Toàn bộ, tác giả đề tặng một nhân vật trong chính quyền có thiện cảm: "Ngài Thêôphilô". tác giả dường như có ý định ngỏ cùng những người trí thức có thiện chí trong xã hội La hi thời bất giờ, trông dằng một khi người ta minh tường được Hội thánh Kitô giáo là gì, thì lắm điều xung khắc tị hiềm chất xung quanh tín hữu cũng sẽ tiêu tan được phần nào.

3. Ðomitianô chết, một loạt hoàng đế nhân đạo và sáng suốt lần lượt kế vị. Sắc chỉ cấm đạo vẫn không được bãi bỏ, Kitô giáo vẫn là tà đạo quốc cấm. Nhưng tình cảnh của tín hữu cũng khá hơn trước. Các sách Tân Ước thời này ít nói đến cấm cách.

Sau nhiều năm kinh nghiệm, Hội thánh cảm thấy cần phải củng cố nội bộ sinh hoạt cộng đoàn: vừa để có thể kiên tâm trung thành, dù có cả một thế giới chống đối bên ngoài, vừa để bảo tồn sự thuần khiết trong đức tin và đạo đức của tín hữu trước những bè lạc đạo đã bắt đầu hoạt động. Vì những lẽ ấy, văn thư thời này thường bàn đến việc đề cao trật tự kỷ luật, sửa dạy những điều sai lạc về đức tin và đời sống.

Nhưng công việc không phải chỉ bây giờ mới bắt đầu. Người ta bây giờ thấy phổ biến ra (hay được soạn lại) các thư gọi là "Mục thư" (các thư của thánh Phaolô viết cho Timôthê và Titô). Rồi các Thư chung kế tiếp ra đời; các thư của thánh Yoan, của Yuđa và thư gọi là thư thứ hai của thánh Phêrô. Thư này có lẽ là thư xuất hiện sau hết của Tân Ước. Các thư này cho ta biết những năm lạc đạo đã nảy mộng.

Thời này cũng là thời của Tin Mừng thánh Yoan: ra đời ít lâu trước hay sau năm 100. Mục đích là đào sâu vào ý nghĩa của sự nghiệp Chúa Kitô, một cách khả dĩ mở lối cho những tâm hồn mộ đạo của thế giới Hilạp nhìn nhận được rằng, những điều ước vọng ngay chính nhất về tôn giáo của họ, chỉ có thể được thực hiện nơi Chúa Kitô, Ðấng đang tiếp tục sống trong Hội thánh một cách huyền diệu và bằng các bí tích.

Ðến đây chúng ta sang thế kỷ thứ hai. Những sách cuối cùng này đã là đồng thời với những văn thư của các Giáo phụ như các sách Ðiđakhê (Giáo huấn của các Tông đồ), sách của herma, văn thư của thánh Clêmentê Giáo hoàng, Ignatiô, Pôlycarpô. Vài chụcnăm sau, chúng ta đã thấy thành lập Qui điển (canon); tức là số Sách thánh Tân ước (ít ra là những văn thư chính của Tân Ước), để cùng với qui luật đức tin (như kinh Tin kính) và hàng chỉ đạo chân truyền, mà chống lại các bè lạc đạo đã thịnh hành đương thời.

 

b) Tân Ước cho ta biết Hội thánh

Các thư tịch Tân Ước xuất hiện trước sau đại khái như thế. Nhưng vấn đề thời gian ở đây không quan trọng bằng trong Cựu Ước. Tất cả đã làm xong trong vòng không đầy một thế kỷ sau khi Chúa về trời. Trong khi Cựu Ước phải để hơn một ngàn năm mới thành hình, theo một con đường lịch sử dài dằng dặc với bao biến cố thăng trầm, thì Tân Ước chỉ trình bày một biến động cuối cùng độc nhất, biến cố đã làm cho hai mươi bảy văn thư, thù dị về nhiều mặt này, được gọi là Tân Ước hay Kinh thánhc ủa Giao Ước mới: Giao Ước Thiên Chúa đã thiết lập chiếu theo lời hứa của Người ngang qua các tiên tri trong quá khứ.

Nói đến Giáo ước mới, tức là phải nghĩ ngay đến Giao ước cũ.

Lịch sử Cựu Ước cho ta thấy một cộng đoàn xuất hiện đầu tiên như một mớ bộ lạc thuộc chủng tộc Sem, lảng vảng giữa hai nền văn minh cao nhất cổ thời: Lưỡnghàđịa và Aicập, rồi dần dần kết thành một dân với tước hiệu là Israel. Lịch sử Cựu Ước cho ta thấy những biến động, những bước tiến, ngang qua đó Israel đã được nắn đúc dưới sự Thiên Chúa quan phòng để thành "Dân của Thiên Chúa": một dân có liên lạc đặc biệt với Thiên Chúa. Liên lạc ấy được tả bằng tiếng Giao ước. Giao ước: sự giao kèo thỏa thuận giữa hai phe (người với người hay dân tộc với dân tộc), nhờ đó mối tương quan giữa đôi bên được qui định do sự thỏa thuận với nhau. Giao ước giữa Thiên Chúa và người ta dĩ nhiên không thể hoàn toàn tương đồng với sự thỏa thuận giữa hai người bình đẳng với nhau. Như Thứ luật thư nói: "Nào có thần nào đã đến kiếm cho mình một dân giữa m65t dân tộc khác không?" Thiên Chúa đã có sáng kiến trước, và đã thi hành bởi quyền năng của Người. Giao ước ấy được kết trong mệnh đề này: Yavê là thần của Israel, và Israel là dân của Người, một liên lạc vượt quá liên lạc vốn đã có giữa thụ tạo và Ðấng tạo hóa. Nhưng tuy rằng Israel đã sống lâu đời trong Giao ước, những tinh thần sáng suốt, những kẻ thành tín nhất vẫn cảm thấy là mối liên lạc kia vẫn khiếm khuyết, vẫn còn chưa thành sự, chưa chung kết. Dân Chúa còn phải chờ đợi một cái gì nữa trong tương lai. Luôn luôn Israel là Dân của Thiên Chúa, nhưng một trật vẫn chưa là Dân của Thiên Chúa theo một nghĩa đầy đủ. Những đặc tính lý tưởng các tiên tri hiểu về Dân Thiên Chúa, phải chờ một thời khác sẽ đến mới nên thực thụ, thời Thiên Chúa can thiệp một cách uy quyền để đem ý định của Người đến nơi đến chốn. Một trong các tiên tri lớn hơn cả đã lên tiếng, Yêrêmya báo hiệu một Giao ước mới (Yr 31:31tt).

Bây giờ, các tác giả Tân Ước lấy lại những đặc tính lý tưởng ấy mà áp dụng cho Hội thánh: Hội thánh là Israel của Thiên Chúa, là "dân được chọn làm sở hữu củaThiên Chúa", các người ở trong đó là "đế vương", là "tư tế" cho Thiên Chúa, là "số sót" lại theo lời tiên tri Ysaya, là dân Giao ước mới của Yêrêmya, là Israel mới được sống lại từ cõi chết theo Êzêkiel, là dân được "chuộc lại", của Ysaya thứ hai, là dân tộc gồm những thánh của Ðấng Tối Cao: "thánh" đây chỉ các tín hữu, không phải vì họ có đức độ cao cả nhưng nguyên chỉ vì họ là những người thuộc cộng đoàn hiến dâng, tác thánh dành cho Thiên Chúa. Các điều ấy không phải là những câu hoa mỹ, thốt ra trong lúc lòng lâng lâng bồng bột. Ðó là cố ý áp dụng al5i lời của các tiên tri. Lời lẽ ấy có nghĩa là dân Chúa nay đã ngang qua biến động cùng tột rồi. và đã đạt đến hình thức haòn bị, chung kết.

Thánh Phaolô trình bày vấn đề một cách rành rẽ khi Ngài lấy thí dụ đứa trẻ sinh ra để hưởng một cơ nghiệp lớn lao.