Không được phân ly (03.10.2021 – Chúa Nhật 27 TN năm B)
Lời Chúa: Mc 10, 2-12
Khi ấy, những người biệt phái đến gần và hỏi thử Chúa Giêsu rằng:
"Người ta có được phép ly dị vợ mình chăng?" Người đáp: "Môsê đã
truyền cho các ông thế nào?" Họ thưa: "Môsê cho phép làm giấy ly dị
và cho ly dị". Bấy giờ Chúa Giêsu đáp lại: "Chính vì sự cứng lòng của
các ông, mà Môsê đã viết ra điều luật đó. Nhưng lúc khởi đầu cuộc sáng tạo,
Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ. Bởi đó người nam sẽ lìa
cha mẹ để luyến ái vợ mình, và hai người sẽ nên một huyết nhục. Như thế, họ
không còn là hai mà là một huyết nhục. Vậy sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài
người không được phân rẽ".
Về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điểm đó. Và Người bảo các
ông: "Ai bỏ vợ mình và lấy vợ khác, thì phạm tội ngoại tình đối với người
vợ trước. Và người nữ bỏ chồng và lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại
tình".
Bấy giờ người ta đưa những trẻ nhỏ đến cùng Chúa Giêsu để Người đặt
tay trên chúng, nhưng các môn đệ khiển trách họ. Thấy vậy, Chúa Giêsu bất bình
và bảo các ông rằng: "Hãy để các trẻ nhỏ đến cùng Thầy, đừng ngăn cản
chúng, vì nước Thiên Chúa là của những người giống như chúng. Thầy bảo thật các
con: Ai không đón nhận nước Thiên Chúa như trẻ nhỏ, sẽ không được vào nước
đó". Rồi Người ôm chúng, đặt tay ban phép lành cho chúng.
Suy niệm:
Thời xưa, người phụ nữ chưa được tôn trọng.
Người vợ bị coi như một vật sở hữu của người chồng,
nên người chồng hoàn toàn có quyền ly dị vợ.
Ông Môsê cũng đồng ý để chồng bỏ vợ
nếu thấy nơi vợ có điều chi không vừa ý mình (Đnl 24,1).
Tuy vậy các bậc thầy trong Do-thái giáo ở thế kỷ thứ nhất
lại không nhất trí với nhau về thế nào là không vừa ý.
Thầy Shammai bảo là nếu chị ấy không giữ tiết hạnh.
Thầy Hillel bảo chỉ cần chị ấy nấu một món ăn quá dở.
Còn thầy Akiba bảo nếu chồng thấy một cô khác xinh hơn.
Nói chung, người ta luôn có đủ lý do để ly dị vợ.
Có lẽ những người Pharisêu biết lập trường của Đức Giêsu
nên mới đặt câu hỏi để đưa Ngài vào bẫy:
“Chồng có được phép rẫy vợ không?” (Mc 10,2)
Đức Giêsu đã không trả lời câu hỏi này, nhưng hỏi ngược lại.
Ngài đòi họ đưa ra câu trả lời dựa trên Luật Môsê:
“Thế ông Môsê đã truyền dạy các ông điều gì?”
Những ông Pharisêu thông thạo lề luật trả lời ngay:
“Ông Môsê đã cho phép viết chứng
thư ly dị mà rẫy vợ.”
Câu đáp nhanh của người Pharisêu cho thấy
họ đã biết câu trả lời rồi, họ hỏi cốt để dò xét Ngài thôi.
Đức Giêsu có dám nói điều gì ngược với Môsê không?
Ngài đã có dám nói điều gì khác với sách Đệ nhị luật không?
Đức Giêsu không muốn đối đầu với Luật Môsê.
Ngài chỉ muốn biện minh cho Môsê khi ông cho phép ly dị.
Môsê cho phép vì lòng dạ cứng cỏi của dân Israen thời xưa,
và vì lòng chai dạ đá của các ông Pharisêu thời của Ngài.
Cho phép ly dị không phải vì đó là điều tốt,
nhưng là một nhượng bộ khi con người chưa đủ tầm.
Đức Giêsu đưa các ông Pharisêu đi xa hơn sách Đệ nhị luật.
Ngài đưa các ông đi vào sách Sáng thế,
để thấy lúc khởi đầu của công trình tạo dựng (Mc 10,6).
“Thiên Chúa làm ra con người có nam có nữ” (St 1,27).
“Người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình;
cả hai sẽ thành một xương một thịt” (St 2,24).
Những câu trích trên của Đức Giêsu không có gì là mới mẻ.
Điều mới mẻ nằm ở hai kết luận rút ra từ đó:
“Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một thịt.
Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp,
loài người không được phân ly” (Mc 10, 8-9).
Hôn nhân được coi là chuyện riêng của đôi nam nữ.
Yêu nhau thì gắn bó với nhau nên vợ nên chồng.
Nhưng Đức Giêsu cho thấy Thiên Chúa có mặt ở đây,
trong chỗ riêng tư nhất của tình yêu hai người.
Chính Thiên Chúa đã xe duyên, đã phối hợp đôi bạn.
Bởi đó hôn nhân hóa ra là chuyện của Thiên Chúa.
Vợ chồng không được ly dị vì điều đó phạm đến Ngài.
Hôn nhân trong Do-thái giáo không phải là một bí tích,
nhưng Đức Giêsu không hề coi đó là chuyện tự nhiên.
Trái lại, Ngài coi hôn nhân là thánh thiêng, bền vững.
Khi về nhà, Ngài mới nói với các môn đệ điều chưa nói:
Ai bỏ vợ, hay bỏ chồng mà đi lấy người khác
là phạm tội ngoại tình, xúc phạm người phối ngẫu trước.
Hiện nay tỷ lệ ly dị rất cao ở các nước Âu Mỹ.
Ở Việt Nam, gần đây tỷ lệ này cũng tăng lên nhiều.
Cả người Công giáo cũng đưa nhau ra tòa xin ly dị.
Loài người vẫn cứ phân ly điều Chúa liên kết.
Chẳng có hôn nhân nào không gặp sóng gió.
Đừng vội quyết định chia tay để giải quyết nhanh gọn.
Xin Lời Đức Giêsu hôm nay chạm đến khó khăn của ta,
và xin Ngài giúp ta điều chỉnh lại buồm khi ngược gió.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
Sống ở đời chẳng ai thích sóng
gió,
nhưng sóng gió lúc nào cũng có
trong đời người.
Các môn đệ đầu tiên đã nhiều lần
gặp sóng gió ở hồ Galilê.
Sóng gió đến khi Chúa đang ngủ
vùi trên thuyền,
khiến môn đệ phải vội vàng đánh
thức.
Sóng gió đến khi Chúa không ở
trong thuyền,
khiến môn đệ phải chèo chống vất
vả.
Chúa không tránh cho cuộc đời
chúng con khỏi mọi sóng gió,
vì Chúa biết sóng gió làm chúng
con trưởng thành,
tập vượt qua nỗi sợ hãi bằng lòng
tin,
tập vượt qua nỗi lo âu bằng hy vọng.
Chúa để chúng con chiến đấu suốt
đêm với gió ngược,
nhưng lại đến với chúng con khi
trời gần sáng.
Xin cho chúng con yêu quý sự bình
an,
nhưng lại không ngỡ ngàng trước
sóng gió.
Giữa cơn sóng gió, xin cho chúng
con tin rằng
Chúa vẫn hiện diện gần bên chúng
con,
và đang đưa con thuyền Giáo Hội về
đến bến.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.