Suy niệm Thánh kinh và Lời nguyện trong Tuần cầu cho các Kitô hữu hiệp nhất (18/1-25/1/2022)
SUY NIỆM THÁNH
KINH VÀ LỜI NGUYỆN
8 NGÀY CẦU CHO CÁC
KITÔ HỮU HIỆP NHẤT
18/1-25/1/2022
Chuyển ngữ: Sr. Phương Thúy (OA)
Văn phòng Đối thoại liên tôn
& Đại kết - HĐGMVN
Từ: christianunity.va
WHĐ (13.01.2022) - Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất của các Kitô hữu năm 2022 sẽ diễn ra từ ngày 18 đến 25/01, với chủ đề được trích từ Tin Mừng thánh Matthêu “Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người” (Mt 2, 2). Hội đồng Tòa Thánh Hiệp nhất các Kitô hữu cùng với Hội đồng Đại kết các Giáo hội Kitô đã soạn thảo những bài suy niệm và lời nguyện được sử dụng trong tuần cầu nguyện này. Sau đây là bản dịch Việt ngữ của Sr. Phương Thúy (OA) thuộc Văn phòng Đối thoại liên tôn & Đại kết – HĐGMVN:
* * * * *
NGÀY THỨ NHẤT
«Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Ðông» (Mt 2,
2)
Xin nâng chúng con dậy và dẫn chúng con tới ánh sáng diệu
huyền
Bài đọc
Dcr 4, 1-7: Tôi
thấy một trụ đèn toàn bằng vàng
TV 139, 1-10: Cánh tay
hùng mạnh giữ lấy con
2 Tm 1, 7-10: Ân sủng
đó….giờ đây mới được biểu lộ, vì Ðấng cứu độ chúng ta là Ðức Kitô Giêsu đã xuất
hiện.
Ga 16, 7-14: Khi nào
Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn.
Suy niệm
Sống trong thế giới mong manh và bấp bênh này, chúng ta tìm
tia sáng và tia hy vọng ở đằng xa. Khi sự dữ vây quanh, chúng ta lại khao khát
sự lành. Chúng ta tìm kiếm sự lành bên trong nội tâm chúng ta, nhưng chúng ta
thường bị choáng ngợp bởi sự yếu đuối của bản thân, đến nỗi đánh mất cả niềm hy
vọng. Sự tin tưởng của chúng ta đặt để nơi Thiên Chúa, Đấng chúng ta tôn thờ. Bằng
sự khôn ngoan của Chúa, Đấng giúp chúng ta hy vọng vào sự tác động thánh thiêng
của Chúa; tuy nhiên, chúng ta không thể mường tượng nổi sự tác động ấy sẽ được
biểu lộ qua dạng thức của một con người, và chính Chúa là ánh sáng cư ngụ giữa
chúng ta. Điều này vượt quá sự mong đợi của chúng ta. Món quà mà Thiên Chúa ban
tặng cho chúng ta là «thần khí của sức mạnh
và tình yêu». Chẳng phải nhờ sức riêng hay khả năng của bản thân mình,
nhưng bởi Thần Khí của Chúa mà chúng ta được dẫn dắt trên nẻo đường ánh sáng diệu
huyền.
Trong bóng tối và sự lang thang phiêu bạt của nhân loại,
ngôi sao phương Đông đã chiếu soi. Trong Ngài, chúng ta nhìn thấy tia sáng
xuyên qua bóng tối sâu thẳm ngăn cách chúng ta. Ánh sao này không chỉ soi chiếu
vào một thời điểm cụ thể nào đó trong lịch sử, mà còn tiếp tục chiếu soi và
thay đổi cục diện thời đại. Qua mọi thời và kể từ khi ngôi sao lần đầu tiên xuất
hiện, thế gian nhận ra ngang qua cuộc sống của các môn đệ của Đức Kitô về niềm
hy vọng nhờ Thánh Thần soi dẫn. Các môn đệ làm chứng cho công việc Chúa làm qua
dòng thời gian và qua sự hiện diện bất biến của Chúa Thánh Thần. Bất chấp những
thăng trầm của lịch sử và những tình cảnh khác nhau, Đấng Phục sinh vẫn tiếp tục
soi sáng và mặc khải qua dòng lịch sử tựa như ngọn hải đăng soi chiếu cho tất cả
chúng ta trong ánh sáng diệu huyền và chiến thắng bóng tối ngăn cách chúng ta với
nhau.
Niềm khát khao vượt qua bóng tối đang chia rẽ chúng ta, mời
gọi chúng ta cầu nguyện và làm việc cho sự hiệp nhất các Kitô hữu.
Lời nguyện
Lạy Chúa là Thiên Chúa, xin soi sáng cho chúng con bằng ánh
sáng của Đức Kitô, Đấng đi bước trước và soi đường dẫn lối cho chúng con. Xin
làm sáng lên tâm hồn chúng con và cư ngụ ở giữa chúng con. Xin dẫn dắt và giúp
mỗi người khám phá máng cỏ nhỏ xinh trong con tim chúng con nơi ánh sáng huy
hoàng còn ngủ mê. Chúa là Đấng mang lại ánh sáng, chúng con xin cảm tạ Chúa vì
món quà là ngôi sao không hề bị khuất mờ, là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con và
Đấng Cứu độ chúng con. Xin Chúa là ngọn hải đăng soi chiếu cho khách lữ hành
chúng con. Xin hàn gắn những vết thương chia rẽ và quy hướng chúng con về phía
ánh sáng của Chúa, để chúng con tìm thấy sự hợp nhất giữa chúng con trong Ngài.
Amen.
NGÀY THỨ 2
«Ðức Vua dân Dothái mới sinh, hiện ở đâu?» (Mt 2, 2)
Sự khiêm nhường của các nhà lãnh đạo xô đổ các bức tường
và xây dựng bằng tình yêu
Bài đọc
Gr 23, 1-6: Vị vua lên ngôi trị vì sẽ là người khôn ngoan
tài giỏi, vua sẽ thi hành điều chính trực công minh.
TV 46: Người chấm dứt chiến tranh trên toàn cõi thế
Ph 2, 5-11: Người không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị
ngang hàng với Thiên Chúa
Mt 20, 20-28: Con Người đến không phải để được người ta phục
vụ, nhưng là để phục vụ
Suy niệm
Đối với Giêrêmia, các vua Israel là những kẻ dẫn đường tồi tệ
vì họ đã chia rẽ và phân tán các dân nước. Dưới thời các vua này trị vì, các nước
bị tàn phá và dân chúng phải lưu đày. Thay vào đó, Đức Chúa đã hứa ban một vị
vua sẽ trở thành mục tử và «trị vì bằng sự
khôn ngoan tài giỏi, thi hành điều chính trực công minh trong đất nước» và
quy tụ mọi phần tử của đàn chiên.
Thế giới của chúng ta cần những nhà lãnh đạo tốt lành và
không ngừng tìm kiếm một vị lãnh đạo có thể đáp ứng được kỳ vọng này. Làm thế
nào để tìm được một nhà lãnh đạo như thế? Thưa, duy chỉ trong Đức Kitô chúng ta
mới tìm thấy mẫu gương của một vị vua hay Đấng trị vì thi hành theo thánh ý và
con tim của Chúa. Được kêu gọi đi theo Người, chúng ta cũng được mời gọi thi
hành theo cách riêng của Người, cách mà Người ngự trị thiên hạ và trong Giáo hội.
Đức Kitô không hủy diệt cũng không chia rẽ nhưng xây dựng và quy tụ để làm rạng
ngời vinh quang của Chúa. Luật pháp của Người không bị tác động hay xui khiến bởi
sự ích kỷ và đặc biệt Người không hề sử dụng vũ lực. Trái lại, trong Người,
chúng ta tìm thấy một người tôi tớ khiêm nhường và ngập tràn tình yêu, Đấng không
nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Người là Đấng đến
không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và các môn đệ của Người
cũng được kêu gọi thi hành tương tự như vậy.
Ngày hôm nay, một bộ phận cư dân của Trung Đông buộc phải
lưu đày do «sự công minh và chính trực»
trở nên ngày càng khan hiếm, không chỉ ở khu vực này mà trên toàn thế giới. Mặc
dù xung quanh chúng ta «các dân tộc rên gầm»
và «các vương quốc đang bị lung lay»,
nhưng niềm hy vọng của chúng ta vẫn bất di bất dịch. Các nhà lãnh đạo trần thế và trong Giáo hội, có bổn phận và trách
nhiệm quy tụ dân Thiên Chúa hơn là phân tán hay chia rẽ. Tham vọng, ham muốn
quyền lực và tư lợi là gốc rễ căn nguyên của mọi sự chia rẽ, gây tác hại cho thế
giới và cho Giáo hội. Các Kitô hữu càng trung thành noi gương Đức Kitô vị tôi
trung thì sự chia rẽ trên thế giới và trong Giáo hội càng được khắc phục. Trong
khi thi hành cho sự công minh, chính trực, công lý và hòa bình vì ích chung,
chúng ta khiêm tốn làm chứng cho vị vua mục tử và dẫn dắt nhiều người khác sống
trong sự hiện diện của Người.
Lời nguyện
Lạy Chúa, Chúa là nơi chúng con nương náu và là sức mạnh duy
nhất của chúng con, chúng con xin tôn vinh Chúa, vì Chúa là Thiên Chúa công
minh, chính trực và tốt lành. Chúng con thú nhận rằng chúng con thường ra sức bảo
vệ những kiểu mẫu mà các nhà lãnh đạo trần thế phô bày cho chúng con. Xin giúp
chúng con tìm kiếm Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con, không phải trong cung điện
nguy nga của kẻ quyền thế nhưng nơi máng cỏ đơn sơ khiêm nhường, và noi gương
lòng nhân từ của Người. Xin cổ võ chúng con biết dành chỗ để đón tiếp lẫn nhau
theo thánh ý Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Người hằng sống và hiển
trị cùng Chúa, hợp nhất với Chúa Thánh Thần trong vinh quang đến muôn thuở muôn
đời. Amen.
NGÀY THỨ 3
«Nghe tin ấy, vua Hêrôđê bối rối, và cả thành Giêrusalem cũng xôn xao»
(Mt 2, 3)
Sự hiện diện của Đức Kitô làm xáo trộn và đảo lộn thế giới
Bài đọc
Nkm 4, 15: Chúng tôi làm việc, từ tảng sáng cho đến khi các
ngôi sao xuất hiện
TV 2, 1-10: Sao chư dân lại ồn ào náo động...?
2 Tx 2, 13-3;5: Chúa là Ðấng trung tín: Người sẽ làm cho anh
em được vững mạnh
Mt 2, 1-5: Vua Hêrôđê bối rối, và cả thành Giêrusalem cũng
xôn xao
Suy niệm
Chúa đã đến cư ngụ giữa chúng ta. Sự xuất hiện của Đức Kitô
phá vỡ đường lối của thế gian. Trái ngược với các nhà lãnh đạo trần thế, Chúa
đã đến trong sự khiêm hạ để lên tiếng chống lại sự dữ của bất công và áp bức,
đi kèm song song với tham vọng quyền lực và thành công xã hội. Chúa Giêsu đến
kêu gọi những người nam cũng như người nữ sự hoán cải con tim và biến đổi đời sống,
để được giải thoát khỏi những gì làm mất nhân tính và là nguyên nhân gây ra sự
tuyệt vọng của con người. Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa ở
cùng những ai đau khổ, vì mỗi người có quyền được tôn trọng như con yêu dấu của
Thiên Chúa. Sự hiện diện của Chúa Giêsu cũng gieo rắc rối, chính xác là vì Đức
Kitô đã rập rình lắc dọc con thuyền của kẻ giàu sang và quyền thế, những kẻ chỉ
làm vì tư lợi mà bỏ qua ích chung. Nhưng đối với những người làm việc vì hòa
bình và sự hiệp nhất, Đức Kitô đến mang ánh sáng và niềm hy vọng cho họ.
Ngày nay, chúng ta được mời gọi hành động một cách mang tính
xây dựng, để tình yêu và công lý được hiện thực hóa trong thế giới của chúng
ta. Điều này ngụ ý rằng chúng ta suy ngẫm và nhận ra những cảnh huống mà đường
chúng ta đi đôi khi không phải là con đường công bình của Thiên Chúa. Khi các
Kitô hữu cùng nhau đứng về phía công lý và hòa bình, nỗ lực của họ sẽ trở nên mạnh
mẽ hơn. Và khi các Kitô hữu làm như vậy, lời đáp trả của họ cho lời cầu nguyện
cho sự hiệp nhất các Kitô hữu trở nên sáng rõ hơn đối với những người khác, từ
đó những người này có thể phân định sáng suốt và nhận ra sự hiện diện của Chúa
trong thế giới hôm nay nơi các môn đệ của Đức Kitô. Qua ngôn từ và hành động của
mình, chúng ta có thể mang tia sáng hy vọng cho biết bao người đang sống trong
bóng tối của sự bất ổn chính trị, đói nghèo và phân biệt giai cấp, chủng tộc.
Tin Mừng, là Thiên Chúa trung tín với chúng ta, Ngài không ngừng củng cố và bảo
vệ chúng ta khỏi mọi sự dữ, thúc đẩy chúng ta hành động vì ích lợi của người
khác, đặc biệt là những người đang sống trong bóng tối của đau khổ, hận thù, bạo
lực và nỗi thống khổ đớn đau.
Lời nguyện
Lạy Chúa, Chúa đã dẫn đưa chúng con đi từ tối tăm đến với
Chúa Giêsu. Chúa đã làm cho Ngôi sao hy vọng tỏa sáng trong cuộc đời chúng con.
Xin giúp chúng con hiệp nhất trong những gì chúng con dấn thân cho công cuộc
xây dựng Vương quốc tình yêu, công lý và hòa bình, cũng như trở thành tia sáng
hy vọng cho tất cả những ai đang sống trong bóng tối của sự tuyệt vọng và thậm
chí vỡ mộng. Lạy Chúa, xin nắm lấy tay chúng con để chúng con bước theo Chúa
trong cuộc sống hằng ngày. Khi chúng con theo chân Chúa, xin xóa tan sự lo lắng
và sợ hãi của chúng con. Xin hãy chiếu tỏa ánh sáng của Chúa trên chúng con và
nung nấu con tim mỗi người chúng con để tình yêu và hơi ấm của Chúa ngập tràn
tâm hồn chúng con. Xin nâng chúng con lên tới Chúa, Đấng đã từ bỏ chính mình vì
ơn cứu độ của chúng con, hầu cuộc sống của chúng con làm vinh danh Chúa, là Cha
và Con và Thánh Thần. Amen.
NGÀY THỨ 4
«Phần ngươi, hỡi Bêlem,… ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất» (Mt 2,
6)
Dù nhỏ bé và chịu đau khổ nhưng chúng ta chẳng thiếu thốn
gì
Bài đọc
Mk 5, 2-5a,7-8 ...:Từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị
có sứ mạng thống lãnh Israel
TV 23: Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì
1 Pr 2, 21-25...:Nhưng anh em nay đã quay về với Vị Mục Tử,
Ðấng chăm sóc linh hồn anh em
Lc 12,32-40: Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ
Suy niệm
Chính từ thành Bêlem nhỏ bé và khiêm tốn, mà Con Thiên Chúa,
Chúa chúng ta đã xuống thế làm người. Xuất thân từ một ngôi làng đơn sơ, khiêm
tốn, Người đã làm người và chọn sống kiếp người trong sự ẩn dật và sự đơn sơ.
Người đã tự mình làm hạt giống trên cánh đồng, làm men trong bột, làm tia sáng
yếu ớt cho đôi mắt của chúng ta, và ánh sáng ấy đã bao phủ toàn cõi địa cầu. Từ
nơi tối tăm của Épratha đã xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh, vị mục tử và
là Ðấng chăm sóc linh hồn chúng ta. Và mặc dù Người là Mục Tử của chúng ta,
nhưng đã trở thành Con Chiên gánh tội thế gian, hầu chúng ta được ơn cứu độ.
Mặc dù ít có tầm ảnh hưởng quan trọng và nhỏ bé so với các
thị tộc lớn của Giuđa, nhưng Bêlem được nổi danh nhờ sự ra đời của vị Mục tử của
các mục tử, vị Vua các vua. Bêlem, có nghĩa là "nhà bánh mì", có thể
được xem như một ẩn dụ cho Giáo hội, là nơi mang bánh sự sống cho thế gian.
Giáo hội, Bêlem hôm nay, tiếp tục trở thành nơi tiếp đón những người nghèo, những
người không có địa vị, quyền thế và những người bé mọn, bởi vì trong Giáo hội,
mỗi người đều có chỗ đứng cho mình. Tất cả những loại hạt giống này đan kết lại
với nhau tạo thành một vụ mùa bội thu. Loại men độc đáo này có sức mạnh phi thường.
Các tia sáng này chụm lại tạo thành chùm sáng soi lối dẫn đường cho chúng ta.
Bị mắc kẹt trong sự bất ổn chính trị, một nền văn hóa hám của
và lạm quyền đang gia tăng trên thế giới, các Kitô hữu cũng như những người
khác ở Trung Đông, là nạn nhân của sự ngược đãi và bị gạt ra ngoài lề xã hội, sống
trong sự lo sợ bạo lực và bất công. Nhưng họ không sợ hãi, vì có vị Mục tử cùng
bước đi với họ, hiệp nhất họ lại với nhau thành đàn chiên và làm cho họ trở
thành dấu chỉ của sự hiện diện đầy yêu thương của Thiên Chúa. Trong sự hiệp nhất
của các Kitô hữu, họ giống như men làm dậy bột. Trong Người, họ tìm thấy một mẫu
gương của sự khiêm nhường, họ lắng nghe lời kêu gọi của Người để vượt qua sự
chia rẽ và hợp nhất với nhau trong cùng một đàn chiên. Dù số lượng ít ỏi, nhưng
trong cơn hoạn nạn, họ đi theo bước chân của Con Chiên, Đấng đã chịu đau khổ để
cứu độ nhân loại. Mặc dù nhỏ bé và ít ỏi, nhưng họ neo đậu trong niềm hy vọng
và họ không thiếu thốn gì.
Lời nguyện
Lạy Mục Tử Nhân Lành, những chia rẽ trong đàn chiên nhỏ bé của Chúa đã làm chùn bước Thánh Linh. Xin tha thứ cho những nỗ lực yếu ớt và sự lề mề, chậm chạp của chúng con trong việc làm theo thánh ý của Chúa. Xin ban cho chúng con những vị mục tử nhân lành, hành động theo con tim của Chúa và xin hướng dẫn các Hội Thánh trong sự công bình và thánh thiện. Xin cũng giúp chúng con biết nhận ra tội lỗi của sự chia rẽ và hướng chúng con tới sự hiệp nhất trong Người. Xin lắng nghe lời nguyện cầu của chúng con. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hợp nhất với Chúa Thánh Thần trong vinh quang đến muôn thuở môn đời. Amen.
NGÀY THỨ 5
«Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Ðông, lại dẫn đường cho họ» (Mt
2,9)
Được Thiên Chúa dẫn đường
Bài đọc
Xh 13, 17-14, 4: Ðức Chúa đi đằng trước họ…ở trong cột
mây
TV 121: Tôi ngước mắt nhìn lên rặng núi, ơn phù hộ tôi đến tự
nơi nao?
Kh 22, 5-9: Ðức Chúa là Thiên Chúa sẽ chiếu sáng trên họ
Mt 2, 7-10: Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Ðông, lại dẫn
đường cho họ
Suy niệm
Kinh Thánh thường xuyên nhắc nhở chúng ta rằng Chúa là Đức
Chúa cùng bước đi với dân, bảo vệ và ngày đêm dõi theo dân Ngài. Tuy nhiên, đường
đi không phải lúc nào cũng thẳng tắp: đôi khi chúng ta phải dò lại bước chân của
mình, đôi khi phải quay đầu bằng một lối đi khác. Nhưng trên hành trình ấy,
chúng ta có thể chắc chắn rằng Thiên Chúa là Đấng “không đành chợp mắt ngủ yên” đang che chở, bảo vệ chúng ta vì e rằng
chúng ta sẽ bị chùn chân, trật bước và té nhào.
Ngay cả trong bóng tối sâu thẳm nhất, ánh sáng của Chúa vẫn ở
với chúng ta. Ánh sáng ấy chiếu soi qua các vị ngôn sứ được sai đến để hướng dẫn
dân Thiên Chúa trên đường đi và nhắc nhở dân về giao ước mà Ngài đã ký kết với
dân. Điển hình, vào thời viên mãn, Thiên Chúa sai Con Một của Ngài, Đức Giêsu
Kitô. Người là ánh sáng soi đường cho muôn dân, là vinh quang của Thiên Chúa
nơi trần gian, là nguồn sống thần linh và đóng dấu giao ước mới bằng máu của
Người.
Con đường phía trước để đạt được sự hiệp nhất và kết hợp mật
thiết hơn với Đức Kitô không phải lúc nào cũng hữu hình và sáng rõ. Trong những
nỗ lực chân thành của chúng ta để xây dựng sự hiệp nhất, thật tiếc là đôi khi
chúng ta dễ dàng đánh mất sứ điệp căn bản của Thánh Kinh: Đức Chúa không bỏ rơi
dân Ngài, ngay cả khi thất bại ê chề và chia rẽ. Đây không chỉ là sứ điệp về niềm
hy vọng cho các Kitô hữu mà còn cho toàn thế giới. Như câu chuyện của các nhà
Chiêm tinh nhắc nhở chúng ta, dù chúng ta là ai, thì chính nhờ sự tỏa sáng của
ngôi sao mà Đức Chúa dẫn tất cả chúng ta đến với Đức Kitô, Đấng là ánh sáng cho
muôn dân,
Thiên Chúa gửi Thần Khí, là ánh sáng trợ giúp chúng ta nhìn
bằng con mắt đức tin chân lý của Hài Nhi, và lắng nghe lời kêu gọi hiệp nhất
cũng như hòa giải mọi sự trong Ngài. Thần Khí dẫn chúng ta đi từ bóng tối và nỗi
thống khổ đớn đau đến với ánh sáng của Đức Kitô cũng như đến với sự sống.
Lời nguyện
Lạy Chúa, là Thiên Chúa và là Cha của chúng con, Chúa đã gửi
ngôi sao dẫn đường các nhà Chiêm tinh đến với Con Một của Chúa. Xin làm lớn lên
trong chúng con niềm hy vọng và cậy trông vào Chúa và giúp chúng con luôn cảm
thấy Chúa đang đi bên cạnh chúng con và đang dõi theo mỗi người chúng con. Xin
dạy chúng con biết để cho Thần Khí Chúa hướng dẫn. Dù đường xa tới đâu, xin để
Ngài dẫn dắt chúng con đến sự hiệp nhất trong Đức Giêsu Kitô, ánh sáng của thế
gian. Xin hãy mở mắt chúng con trước Thánh Linh Chúa và củng cố đức tin của
chúng con, để chúng tôi tuyên xưng rằng Đức Giêsu Kitô là Chúa, và chúng con thờ
lạy Người và hoan hỉ trong Người như các nhà Chiêm tinh đã làm ở Bêlem. Xin
Chúa chúc lành cho chúng con, nhân danh Đức Giêsu Kitô, Con Chúa, Chúa chúng
con. Amen.
NGÀY THỨ 6
«Họ thấy Hài Nhi với thân mẫu là
bà Maria, liền sấp mình bái lạy Người» (Mt 2,11)
Quy tụ lại để thờ lạy Chúa Duy nhất
Bài đọc
Xh 3, 1-6: Ông Môsê che
mặt đi, vì sợ nhìn phải Thiên Chúa.
TV 84: Lạy Chúa Tể
càn khôn, cung điện Ngài xiết bao khả ái!
Kh 4, 8-11: Họ thờ
lạy Người, Ðấng hằng sống đến muôn thuở muôn đời
Mt 28, 16-20: Khi thấy
Người, họ liền sấp mình bái lạy Người
Suy niệm
Khi Ba Vua từ miền xa đến Bêlem và nhìn thấy trẻ nhỏ cùng với
mẹ của Người, họ sấp mình phủ phục trước mặt Người. Trước sự hiện diện mà Chúa
mặc khải ở giữa chúng ta, chúng ta cúi đầu và quỳ gối phục lạy Người. Tương tự
như vậy, khi nhìn thấy bụi cây cháy bừng, Môsê che mặt, sợ nhìn phải Chúa. Khi
các môn đệ nhìn thấy Đức Kitô Phục sinh trên núi ở Galilê, các ông vô cùng kinh
ngạc và bối rối. Tuy nhiên, các ông cúi đầu. Trong việc thờ phượng trên thiên
quốc, hai mươi bốn vị Kỳ Mục phủ phục xuống trước mặt Ðấng ngự trên ngai mà thờ
lạy Người. Khi chúng ta bước vào trong sự hiện diện của Chúa, đây là câu trả lời
của chúng ta: chúng con thấy, chúng con bị lôi cuốn và chúng con thờ lạy Người.
Tuy nhiên, chúng ta có thực sự thấy không? Chúng ta có thực
sự bị lôi cuốn không? Chúng ta có thực sự thờ lạy không? Biết bao nhiêu lần
chúng ta nhìn mà không thấy, phải chăng mắt chúng ta vẫn mù lòa trước sự hiện
diện của Chúa? Làm sao chúng ta có thể thực sự thờ lạy nếu trước hết chúng ta
không thấy? Trong nhãn quan eo hẹp của con người, chúng ta thường chỉ nhận thấy
những bất hòa, chia rẽ, mà quên rằng chi có Chúa là Đấng ban ân sủng cứu độ của
Ngài trên hết thảy mọi dân và quên rằng chúng ta được chia sẻ cùng một Thánh Thần,
Đấng dẫn dắt chúng ta đến sự hiệp nhất. Sự kiêu ngạo thường làm chúng ta điếc
lác, chúng ta tuân phục luật lệ và truyền thống của con người nhân loại chúng
ta và khước từ tình yêu mà chúng ta được kêu gọi để chia sẻ như một dân tộc được
công chính hóa bởi máu của Đức Kitô, trong cùng một đức tin vào Chúa Giêsu, Đấng
Cứu độ chúng ta.
Là những cộng đoàn được Chúa Thánh Thần linh hứng và hoạt động,
các Giáo hội mời gọi chúng ta cùng bước đi trên con đường dẫn đến với Hài Nhi
Giêsu, như một dân duy nhất cùng đến tỏ lòng tôn kính Người. Thánh Thần tình
yêu và nhân từ hướng dẫn chúng ta đến với nhau, cũng như quy tụ và dẫn dắt hết
thảy chúng ta đến với Một Chúa duy nhất. Chỉ khi bước theo chỉ dẫn của Thần
Khí, chúng ta mới có thể «thờ lạy trong
thần khí và sự thật». Tương lai của chúng ta trong Chúa là tương lai của sự
hiệp nhất và yêu mến; Cuộc hành trình của chúng ta hướng tới mục tiêu này phải
phản chiếu cùng một chân lý hiệp nhất trong Đức Kitô.
Lời nguyện
Lạy Chúa từ nhân, Chúa đã ban cho người mù nhận biết Chúa là
Đấng Cứu độ, xin ban cho chúng con sự ăn năn, hoán cải. Nhờ lòng thương xót vô
biên của Chúa, xin hãy mở mắt chúng con và giúp chúng con thờ lạy Chúa, là
Thiên Chúa và là Đấng Cứu độ chúng con. Bất chấp nỗi đớn đau và sự nặng nề của
tội lỗi, xin giúp chúng con yêu mến bằng cả con tim. Ước gì chúng con một lòng
một trí cùng bước đi dưới sự hướng dẫn của ánh sáng Chúa, như chính những môn đệ
xưa kia. Xin Đức Giêsu Kitô ban ân sủng của Chúa trên chúng con, hầu chúng con
cùng nhau ca ngợi vinh quang của Chúa trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần
cũng như làm chứng về Chúa cho tất cả những người xung quanh chúng con. Amen.
NGÀY THỨ 7
«Các nhà Chiêm tinh mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà
dâng tiến» (Mt 2,11)
Ơn hiệp thông
Bài đọc
Hs 6, 1-6: Vì Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ
Ps 100: Hãy vào cửa thánh điện cất tiếng tạ ơn, tới khuôn
viên đền vàng dâng lời ca ngợi
Ac 3, 1-10: Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi
cho anh đây
Mt 6, 19-21: Vì kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó
Suy niệm
Trong chuyến hành hương đến Bêlem, thành phố bánh mì, chúng
ta chiêm ngưỡng những nhà Chiêm tinh đã đến để tỏ lòng tôn kính đối với Hài Nhi
Giêsu. Họ mở bảo tráp lấy vàng, trầm hương và mộc dược dâng lên Vua Hài Đồng.
Sự chia rẽ lịch sử của chúng ta, những quy định mù quáng của
chúng ta về các quy tắc và luật lệ cũng như sự chú tâm của chúng ta đối với thế
sự, đã chia cắt chúng ta. Vậy chúng ta đã chuẩn bị những món quà gì để dâng lên
vị vua, Đấng đến soi sáng cuộc đời chúng ta và dẫn đưa chúng ta đến với ơn hiệp
nhất? Chúng ta biết rằng Thiên Chúa không muốn gia sản hay của lễ toàn thiêu của
chúng ta, nhưng Ngài muốn quyền năng của Ngài hoạt động ngang qua sự nghèo khó
của chúng ta: «Vàng bạc thì tôi không có».
Chúa muốn con tim chúng ta đập nhịp và yêu thương: những con tim tràn đầy tình
yêu đối với Ngài và đối với anh chị em của chúng ta trong Đức Kitô mà chúng ta
đang bị chia cách; những con tim ngập tràn những hoạt động của lòng thương xót
vô biên của Chúa; những tâm hồn thực sự sám hối và mong muốn được biến đổi.
Vậy chúng ta hãy chuẩn bị cho Người lễ vật là con tim tràn
ngập tình yêu. Việc quỳ gối thờ lạy đòi hỏi con tim chúng ta chống chọi với tội
lỗi đã chia rẽ, phân ly và vâng phục Đấng mà chúng ta phục vụ. Sự vâng phục này
làm tươi mới con tim, chữa lành và hòa giải tất cả những gì tan vỡ hay tổn
thương trong chúng ta, xung quanh chúng ta và giữa các Kitô hữu.
Đức Kitô đã trao ban ơn hiệp nhất cho Giáo hội của Người. Sự
hiệp thông của chúng ta triển nở khi chúng ta chia sẻ những ân sủng lãnh nhận từ
các truyền thống khác nhau của chúng ta và khi chúng ta nhận ra rằng Chúa là suối
nguồn ân sủng duy nhất của chúng ta.
Lời nguyện
Ôi lạy Chúa, chúng con xin ngợi khen, chúc tụng và cảm tạ
Chúa. Chúa đã mặc khải chính mình trong sự hiển linh của Con Chúa cho những người
từ lâu đã mong chờ Chúa đến và cho cả những người không mong chờ Chúa. Chúa biết
nỗi đau khổ vây quanh chúng con, nỗi đau do sự chia rẽ của chúng con. Chúa thấy
thế giới chúng con đang đấu tranh và tình trạng đang xấu đi ở Trung Đông ngày
hôm nay - nơi Chúa đã chọn để sinh ra và nơi đã được thánh hóa bởi sự hiện diện
của Chúa. Chúng con cầu xin Chúa: xin làm cho tâm trí chúng con hiểu biết Chúa.
Khi gia nhập cùng với các Chiêm tinh từ miền xa, chúng con cầu xin Chúa hãy mở
rộng con tim của chúng con để đón nhận tình yêu của Chúa và của anh chị em xung
quanh chúng con. Xin ban cho chúng con ý chí và phương tiện để làm việc cho sự
biến đổi của thế giới và để trao tặng cho nhau những món quà nuôi dưỡng sự hiệp
thông của chúng con. Xin ban cho chúng con những ơn lành vô tận của Chúa. Xin
đón nhận lời cầu nguyện của chúng con nhân danh Con của Chúa là Đức Giêsu Kitô,
Đấng hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hợp nhất với Chúa Thánh Thần, đến muôn
thuở muôn đời. Amen
NGÀY THỨ 8
«Họ đã đi lối khác mà về xứ mình» (Mt 2,12)
Vượt lên trên những lối mòn quen thuộc của sự chia rẽ, đi
trên nẻo đường mới của Thiên Chúa
Bài đọc
Gr 31,31-34: Ta sẽ lập
với nhà Israel một giao ước mới
TV 16: Chúa sẽ dạy
con biết đường về cõi sống
Ep 4,20-23: Anh em
phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em
Mt 11,25-30: Con xin
ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều
này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.
Suy niệm
Chúng ta không biết các nhà hiền triết nghĩ gì khi họ được
báo mộng đi lối khác mà về xứ mình, trong khi họ là những chuyên gia về thiên
văn và hàng hải. Có thể họ lạc hướng, nhưng cũng chính ánh sáng này soi rõ bước
chân và chỉ cho họ một lối đi khác, một khả năng khác. Họ được kêu gọi để đổi
hướng.
Chúng ta thường bị ngăn trở bởi cách hành động theo lối mòn
cũ kỹ và tầm nhìn của chúng ta về thế giới. Khi không thể vượt qua được những
con đường này, những “lộ trình” này, chúng ta tự vấn làm thế nào để tiến bước
và tiếp tục cuộc hành trình. Sự quan phòng thánh thiêng của Thiên Chúa luôn hiện
diện để chỉ cho chúng ta một lối đi khác đang mở ra trước mắt chúng ta. Thiên
Chúa hằng hiện diện để làm mới giao ước của Ngài và giúp chúng ta vượt qua rào
cản và trở ngại mà chúng ta gặp phải. Chúng ta chỉ cần tin cậy vào Đấng Hằng hữu,
đã trao ban cho chúng ta ánh sáng và luôn tìm cho chúng ta một lối đi mới khi
những lối mòn quen thuộc chúng ta không đi qua được. Một khởi đầu mới luôn có
thể xảy ra khi chúng ta sẵn lòng và cởi mở với hoạt động của Thánh Linh. Quá khứ
của các Giáo hội có thể được soi sáng, và chúng ta hướng về tương lai để tìm kiếm
những cách thức mới nhằm giúp chúng ta tiếp tục phản chiếu ánh sáng Tin Mừng, với
lòng nhiệt thành tươi mới và đón tiếp lẫn nhau như Đức Kitô đã tiếp đón chúng
ta đến với vinh quang của Thiên Chúa.
Trên những lối mòn cũ, các cộng đoàn Kitô giáo đã lìa xa
nhau. Trên những lối đi mới nơi mà Thiên Chúa dẫn dắt họ, các Kitô hữu được mời
gọi cùng nhau bước đi và trở thành những người bạn đồng hành trong cuộc hành
hương. Việc tìm kiếm những lối đi mới đòi hỏi sự phân định sáng suốt, khiêm nhường
và can đảm. Đã đến lúc phải hoán cải và hòa giải.
Lời nguyện
Lạy Chúa giàu lòng thương xót, khi chúng con chỉ biết một lối đi và nghĩ rằng chúng con phải quay đầu lại, khi chúng con tin rằng mọi lối đi đều bị chặn lại và chúng con tuyệt vọng chịu thua, thì Chúa vẫn hiện diện. Chúa là Thiên Chúa của giao ước mới. Chúa hiện diện và mở lối đi mới trước mắt chúng con, một lối đi bất ngờ cho chúng con. Chúng con cảm tạ Chúa vì Chúa vượt lên trên những mong đợi của chúng con. Chúng con tri ân Chúa vì sự khôn ngoan của Chúa vượt lên trên tầm hiểu biết của chúng con. Chúng con cảm tạ Chúa vì Chúa mở ra cho chúng con những lối đi đầy bất ngờ. Nếu chúng con tìm kiếm trên bản đồ và không tìm thấy lối đi cho mình, thì chúng con luôn tìm kiếm Chúa, Đấng dẫn dắt chúng con trên một nẻo đường hoàn thiện. Xin Chúa luôn dẫn dắt chúng con trở về với Chúa. Nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con, trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.