Đâu là những dấu chỉ của sự biến đổi? (CN II Mùa Chay C)



ĐÂU LÀ NHỮNG DẤU CHỈ CỦA SỰ BIẾN ĐỔI?
Chúa Nhật Tuần II Mùa Chay Năm C
(St 15, 5-12. 17-18; Pl 3, 17 - 4, 1; Lc 9, 28b-36)

Tác giả: Jaime L. Waters

WHĐ (10.3.2022) - Tôi tớ Chúa Nữ tu Mary Elizabeth Lange đã thay đổi cuộc đời của nhiều người, đặc biệt là các phụ nữ và trẻ em da đen ở Baltimore, Maryland. Sơ đã thành lập một nhóm các chị em Dòng Ba. Sơ cùng với các chị em trong dòng của mình xây dựng nhiều trường học, các cơ sở đào tạo và nhà ở cho những người góa bụa và trẻ mồ côi nhằm cung cấp các kỹ năng và nguồn lực cần thiết giúp họ thay đổi cuộc sống. Trong mọi công việc, Sơ Lange luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cầu nguyện, vì thế Sơ đã tạo cảm hứng và truyền đạt điều đó đến các chị em trong cộng đoàn. Sơ Lange nhận ra tầm quan trọng của việc cầu nguyện, Sơ mở cửa nhà nguyện của cộng đoàn để đón nhận tất cả mọi người, Sơ xem đây như một thiên đường cho những người Công giáo Da đen đến để thờ phượng và cầu nguyện. Bài Tin Mừng Chúa Nhật II Mùa Chay cũng nhắc nhở mỗi người chúng ta về sức mạnh của sự biến đổi và việc cầu nguyện.

Hôm nay, chúng ta nghe trình thuật theo thánh Luca về cuộc hiển dung của Chúa Giêsu. Thánh Luca đã lồng ghép việc cầu nguyện vào sự kiện này, một yếu tố không có trong các trình thuật của thánh Matthêu và Maccô. Theo thánh Luca, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Gioan và Giacôbê lên núi cầu nguyện và trong khi cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói lòa. (Thánh Matthêu và Maccô mô tả cuộc hành trình lên núi, nhưng không nhấn mạnh mục đích của việc lên núi là để cầu nguyện). Sau đó, Môsê và Êlia hiện ra đàm đạo với Chúa Giêsu, nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giêrusalem.

Việc Chúa Giêsu hiển dung cho chúng ta thấy nhiều ý nghĩa đằng sau. Đối với Chúa Giêsu, cuộc biến hình thay đổi Ngài về mặt thể chất và tâm linh: dung mạo Ngài đổi khác, y phục Ngài trắng tinh chói lòa. Khi Chúa Giêsu gặp Môsê và Êlia, Ngài xuất hiện trong vinh quang, nói chuyện với các ông và các môn đệ - những người đã nhìn thấy ​​vinh quang của Ngài. Theo truyền thống Kinh Thánh, vinh quang Thiên Chúa được kết hợp với ánh sáng chói lòa như một dấu hiệu về sự hiện diện của Thiên Chúa. Trong khi Chúa Nhật tuần trước chúng ta đã nghe về việc Chúa Giêsu chịu cám dỗ làm nổi bật nhân tính của Ngài, thì tuần này, việc Chúa Giêsu hiển dung nhấn mạnh đến thần tính của Ngài.

Từ góc nhìn của các môn đệ, sự kiện này mang nhiều ý nghĩa biểu trưng. Sự biến hình xảy ra trên một ngọn núi, một địa điểm truyền thống của cuộc gặp gỡ thần linh. Cả Môsê và Êlia đang hiện diện cũng gặp Chúa trên một ngọn núi, và các ông được liên kết với các lời tiên tri trong tương lai và thời đại của Đấng Thiên Sai. Môsê và Êlia cũng được liên kết với lề luật và các tiên tri, những điều sẽ được ứng nghiệm qua Chúa Giêsu. Sau khi Chúa Giêsu hiển dung, một đám mây bao phủ ngọn núi, đó là một dấu hiệu khác về sự hiện diện của Thiên Chúa, đặc biệt liên quan đến cuộc gặp gỡ giữa Môsê và Thiên Chúa trên Núi Sinai.

Theo Tin mừng thánh Luca, việc Chúa Giêsu hiển dung cũng được lặp lại ở các phần khác. Ví dụ, khi Chúa Giêsu chịu phép rửa, thì cũng có tiếng từ trời phán rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta”, tương tự với ngôn từ của Tin Mừng ngày nay: Chúa Giêsu là Người Con được chọn. Cũng vậy, tư thế của các môn đệ trong khi cầu nguyện cũng đáng được chú ý. Khi cầu nguyện, Phêrô, Gioan và Giacôbê ngủ mê mệt, nhưng khi tỉnh hẳn các ông nhìn thấy vinh quang của Chúa Giê-su. Việc ngủ trong thời điểm quan trọng trong khi cầu nguyện được lặp lại trong phần cuối cuốn Tin Mừng Luca, khi Chúa Giêsu cầu nguyện trên núi Ôliu. Thánh Luca không chỉ trích thái quá về việc các môn đệ ngủ vào thời điểm đó, thánh Luca giải thích đó là dấu hiệu của sự đau buồn tột độ về cái chết sắp tới của Chúa Giê-su. Trong khi biến hình, mặc dù các môn đệ có vẻ buồn ngủ, nhưng họ vẫn thức để chứng kiến ​​ vinh quang của Thiên Chúa.

Sau khi Chúa Giêsu hiển dung, Môsê và Êlia từ biệt Chúa Giêsu, Chúa Giêsu cùng với ba môn đệ ra đi, cả bốn người đều đã được biến đổi. Sự im lặng này cho thấy một sự biến đổi cá nhân mà không được công khai vào thời điểm đó. Thánh Luca lồng ghép việc cầu nguyện vào thời khắc quan trọng trong sứ vụ của Chúa Giêsu, điều này làm nổi bật sức mạnh của việc cầu nguyện: để gặp gỡ và mặc khải. Qua lời cầu nguyện, Chúa Giêsu bày tỏ vinh quang của Ngài cho các môn đồ thấy, và sự hiện diện của Môsê và Êlia càng khẳng định vai trò của Chúa Giêsu trong dòng lịch sử cứu độ. Khi tiếp tục hành trình Mùa Chay, mỗi người chúng ta hãy tìm cho mình những cách thức để thực hành việc cầu nguyện cá nhân và cộng đoàn, hầu chúng ta được biến đổi và nuôi dưỡng mối dây liên kết với Chúa và với anh chị em của mình.

Jos. Đăng Vũ
Chuyển ngữ từ: americamagazine.org (06.3.2022)