Sự trung thực và sáng suốt của người con hoang đàng (Chúa Nhật 4 Mùa Chay, Năm C)
CHÚNG TA CÓ THỂ HỌC HỎI
SỰ TRUNG THỰC VÀ SÁNG SUỐT NƠI NGƯỜI CON HOANG
ĐÀNG
Chúa Nhật Tuần IV Mùa Chay Năm C
(Gs 5, 9a. 10-12; Tv 33; 2 Cr 5, 17-21; Lc 15, 1-3. 11-32)
Tác giả: Jaime L. Waters
WHĐ (24.3.2022) - Hai bài Tin mừng của Chúa Nhật thứ 3 và thứ
4 mùa Chay có một mối hỗ tương. Trong bài Tin Mừng của Chúa nhật tuần trước,
Chúa Giêsu mời gọi chúng ta ăn năn sám hối để được ơn tha tội, và hôm nay chúng
ta nghe dụ ngôn về người con hoang đàng xoay quanh những chủ đề này. Chúa Nhật
Thứ Tư Mùa Chay còn được gọi là Chúa Nhật Laetare
– Chúa Nhật “Vui Mừng”, và lễ này
truyền cảm hứng cho chúng ta lắng nghe Lời Chúa dưới ánh sáng của niềm vui đến
từ việc sám hối và sự tha thứ.
Dụ ngôn mở đầu với hình ảnh người cha có hai cậu con trai.
Người con thứ đòi quyền thừa kế của mình, sau đó cậu đã ăn tiêu hết sạch và ra
sức làm việc để nuôi sống bản thân. Bấy giờ cậu mới ăn năn về hành động thiếu
suy nghĩ của mình, cậu trở về nhà và nói: “Thưa Cha, con đã lỗi phạm đến Trời
và đến cha. Con không còn xứng đáng được gọi là con cha nữa”.
Câu nói của người con thứ rất đáng được chú ý vì sự trung thực
và sáng suốt của cậu. Đầu tiên, cậu thẳng thắn thừa nhận rằng cậu đã phạm tội
trong hành động của mình, cậu chịu trách nhiệm về việc làm của mình và điều này
đã thúc đẩy cậu trở về nhà. Người con thứ đã mạnh dạn thừa nhận mình đã xúc phạm
đến Thiên Chúa và cha mình. Hình ảnh người con thứ là một ví dụ cho chúng ta về
những gì chúng ta phải làm khi chúng ta giục lòng sám hối tội lỗi, đó là nhận
ra những thiếu sót của mình, những người chúng ta đã xúc phạm và cầu xin sự tha
thứ. Hơn nữa, người con thứ tuyên bố rằng cậu không xứng đáng được gọi là con
trai của cha mình nữa, điều này thể hiện sự khiêm tốn về những lỗi lầm của cậu.
Rõ ràng là người con thứ đã lỗi phạm đến cha mình, khi cậu rời
bỏ cha mình để “trẩy đi phương xa, nơi đó
cậu đã sống phóng đãng, phung phí hết tài sản.” Người con thứ yêu cầu quyền
thừa kế trước khi cha cậu qua đời và sau đó đã lạm dụng nó. Việc cậu khẳng định
rằng mình đã phạm tội chống lại Thiên Chúa là điều rất quan trọng, vì điều đó
nhắc nhở chúng ta rằng các vấn đề và sự lạm dụng trong các mối quan hệ của
chúng ta với nhau cũng làm rạn nứt mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa.
Người cha và người con cả phản ứng theo những cách trái ngược
nhau, và chúng ta nên xem xét cách chúng ta phản ứng khi ai đó yêu cầu sự tha
thứ. Người cha là hình mẫu của sự cởi mở đón nhận. Khi thấy con mình trở về,
ông đã chạnh lòng thương, giống như Chúa Giêsu khi Ngài đáp lại những người
đang cần đến Ngài. “Ông chạy ra ôm anh ta và hôn lấy hôn để.” Theo sau sự chào
đón nồng nhiệt này là một bữa tiệc để ăn mừng sự trở về của người con thứ.
Người con cả phản ứng rất gay gắt - mặc dù những lý lẽ của cậu
ấy dường như rất hợp lý. Cậu ta chỉ trích cả cha và em trai của mình. Cậu ta đặt
câu hỏi và chỉ trích lòng thương xót của người cha và tự hỏi tại sao cậu không
bao giờ có được một bữa tiệc như vậy. Cậu ta chỉ trích về sự tiêu xài phung phí
của em trai mình, nhưng sau đó quay về lại được người cha mở tiệc ăn mừng. Người
con cả dường như không chấp nhận sự ăn năn, từ bỏ tội lỗi của em mình.
Người cha trầm ngâm đáp lại người con cả và câu trả lời của
ông nói lên lý do tại sao chúng ta nghe dụ ngôn này vào Chủ nhật 4 Mùa Chay –
Chúa nhật Vui mừng: “Chúng ta phải ăn mừng,
phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy"
(Lc 15,31). Các dụ ngôn trước dụ ngôn “người cha nhân hậu” tập trung vào việc
tìm kiếm đồ bị mất: dụ ngôn con chiên lạc, dụ ngôn đồng xu bị mất; và mỗi câu
chuyện kết thúc bằng lời kêu gọi hãy vui mừng hoặc tìm thấy niềm vui khi tìm thấy
những gì đã mất. Việc người cha mở tiệc ăn mừng giúp người con thứ biết ăn năn
thống hối lỗi lầm, vì nó báo hiệu sự biến đổi và trưởng thành nơi người con thứ.
Bằng cách hạ mình để trở về nhà phục vụ cha, người con thứ đã nhận ra lỗi của
mình và sửa đổi. Bữa tiệc này không chỉ để chào đón cậu trở về mà còn cho những
điều đã xảy ra trong cuộc đời của cậu, một bước ngoặt đưa cậu đến gần hơn với
cha mình và với Chúa. Việc người cha nói: con ta đây đã chết mà nay sống lại
cho chúng ta thấy người con thứ đang đón nhận cuộc sống mới đến từ sự ăn năn và
tha thứ.
Dụ ngôn không cho chúng ta thấy thái độ cuối cùng của người
anh cả. Liệu cậu ta có được thuyết phục để đón nhận sự trở lại của em mình hay
cậu ta vẫn tiếp tục từ chối em mình và không chấp nhận sự tha thứ của người
cha? Liệu rằng mối tương quan của họ sẽ trở nên bền chặt hơn hay sẽ càng căng
thẳng? Hy vọng rằng, trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta biết noi gương hành
động của người con thứ và người cha, luôn biết cầu xin sự tha thứ khi chúng ta
phạm tội và sẵn sàng tha thứ cho người khác với sự bao dung và tình yêu thương.
Jos. Đăng Vũ
Chuyển ngữ từ: americamagazine.org
(21.3.2022)