Điều răn trọng nhất (21.8.2015 – Thứ sáu Tuần 20 Thường niên)
Điều răn trọng nhất
Lời Chúa:
Mt 22, 34-40
Khi nghe tin Ðức
Giêsu đã làm cho nhóm Xađốc phải câm miệng, thì những người Pharisêu họp nhau
lại. Rồi một người thông luật trong nhóm hỏi Ðức Giêsu để thử Người rằng: “Thưa
Thầy, trong sách Luật Môsê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?” Ðức Giêsu
đáp: “Ngươi phải yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn
và hết trí khôn ngươi. Ðó là điều răn trọng nhất và điều răn đứng đầu. Còn điều
răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như
chính mình. Tất cả Luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn
ấy.”
Suy niệm:
Theo
truyền thống hội đường Do thái, Luật gồm 613 điều răn.
365 điều cấm làm và 248 điều phải
làm.
Giữa một rừng điều răn như thế,
người thông luật đã hỏi Đức Giêsu:
“Điều răn nào trọng nhất trong Luật
Môsê?” (c. 36).
Đức Giêsu đã trả lời bằng một câu
trong kinh Shema,
kinh mà người Do thái phải đọc mỗi
ngày.
“Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi,
với tất cả trái tim ngươi, tất cả
linh hồn ngươi, tất cả trí khôn ngươi” (Tl 6, 5).
Và Ngài còn thêm một điều răn thứ
hai nữa (c. 39).
“Ngươi phải yêu mến người thân cận như chính mình” (Lv 19, 18).
Tất cả Luật Môsê nằm trong hai điều
răn đó.
Hai điều răn được gói trong một
động từ yêu.
Mọi điều cấm làm và mọi điều buộc
làm, đều bắt nguồn từ và qui về tình yêu.
Các bạn
trẻ thường nghĩ yêu là chuyện dễ.
Nhưng yêu với tất cả trái tim, tất
cả linh hồn, tất cả trí khôn, tất cả sức lực,
nghĩa là yêu với trọn cả con người
mình, thì điều đó không dễ.
Đối với người Do thái, trái tim là
nơi phát sinh toàn bộ đời sống tinh thần.
Yêu mến Thiên Chúa bằng tất cả trái
tim của mình
là để cho Ngài chi phối mọi tư
tưởng, mọi ý muốn, mọi tình cảm.
Tất cả đều nhằm làm cho Ngài được
mọi người nhận biết và tôn vinh.
Yêu người
thân cận như chính mình cũng là điều rất khó.
Có bao người làm chúng ta đau khổ
và bị xúc phạm.
Yêu thương và tôn trọng họ đòi một
sự từ bỏ mình không nhỏ.
Nhưng chúng ta cũng dễ coi mình là
trung tâm và qui tất cả về mình.
Chúng ta lạnh lùng trước nỗi đau,
thiếu sẻ chia và độc đoán,
đôi khi dùng tha nhân như phương
tiện lót đường để ta tiến thân.
Nói chung, dù yêu Chúa hay yêu
người, chúng ta cũng phải ra khỏi mình,
trao đi chính mình và chấp nhận mọi
hy sinh mà tình yêu đòi hỏi.
Đức Giêsu
đã tóm Luật Môsê trong động từ yêu mến.
Và Ngài đã hoàn thiện Luật này bằng
cách đẩy yêu mến đến cùng.
Kitô hữu chẳng những yêu mến Thiên
Chúa với trọn con người mình,
mà còn được mời yêu mến Đức Giêsu
trên mọi thụ tạo khác,
trên mọi của cải, trên những người
ruột thịt, và trên cả mạng sống.
Kitô hữu là người mang mối tình sâu
đậm với Đức Giêsu,
“Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng
vì tôi” (Gl 2, 20),
đến nỗi họ có thể tuyên xưng như
Phêrô: “Thầy biết con mến Thầy.”
Đức Giêsu cũng không chỉ đòi yêu
tha nhân như chính mình.
Ngài còn đòi ta phải yêu như Ngài
đã yêu (Ga 13, 34-35).
Một tình yêu tha thứ đến vô cùng,
một tình yêu đối với cả kẻ thù,
một tình yêu phục vụ như người tôi
tớ, một tình yêu dám hiến mạng.
Kitô hữu tự bản chất là người biết
yêu và cuộc đời chỉ là tình yêu.
Tình yêu đích thực với Thiên Chúa
thì đưa tôi về với anh em.
Tình yêu đối với anh em lại đòi tôi
phải trở về với Thiên Chúa.
Chỉ mong đời tôi đong đưa giữa hai
tình yêu đó, để chúng nên một tình yêu.
Cầu nguyện:
Con đã yêu Chúa quá muộn màng!
Ôi lạy Chúa là vẻ đẹp vừa cổ kính,
vừa luôn mới mẻ,
con đã yêu Chúa quá muộn màng!
Bấy giờ Chúa ở trong con
mà con thì ở ngoài,
con cứ chạy đi tìm Chúa ở ngoài.
Con thật hư hỏng,
khi chạy theo các thụ tạo xinh đẹp.
Bởi thế, bấy giờ Chúa ở với con
mà con lại không ở với Chúa.
Các thụ tạo xinh đẹp kia cứ giữ con
ở xa Chúa,
trong khi chúng hiện hữu được là nhờ
Chúa.
Chúa đã gọi con, đã gọi
to
và phá tan sự điếc lác của con.
Chúa đã soi sáng
và xua đi sự mù lòa của con.
Chúa đã tỏa hương thơm ngát
để con được thưởng thức,
và giờ đây hối hả quay về với Chúa.
Con đã nếm thử Chúa
và giờ đây con đói khát Người.
Chúa đã chạm đến con,
nên giờ đây con nóng lòng
chạy đi tìm an bình nơi Chúa.
(Thánh Âu-Tinh)
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ