Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
<b>Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 14/4 – 20/04/2016: Các Giám Mục Hoa Kỳ và Tông Huấn Amoris Laetitia</b>
19/04/2016 12:00:00 SA

1. Ngày Thế Giới cầu cho ơn gọi tại Vatican

Sáng Chúa Nhật 17 tháng Tư, là Chúa Nhật thứ tư mùa Phục Sinh, cũng là Ngày Thế Giới cầu cho ơn gọi lần thứ 53, Đức Thánh Cha đã chủ sự thánh lễ lúc 9 giờ 15 tại Đền thờ Thánh Phêrô để truyền chức linh mục cho 11 thày Phó Tế gồm 9 người được đào tạo tại các chủng viện ở Roma: 4 thầy tại chủng viện Mẹ Đấng Cứu Chuộc của Con đường Tân Dự Tòng, 3 thày tại Đại chủng viện Roma, 1 thầy tại Học viện Capranica và 1 thày khác tại Chủng viện Đức Mẹ Tình Yêu Thiên Chúa. Trong 2 thày còn lại, có 1 thày người Iraq và một thày thuộc dòng cầu nguyện cho ơn gọi. Tân linh mục trẻ nhất là 26 tuổi sẽ làm việc mục vụ trong giáo phận Roma; 2 tân linh mục lớn tuổi nhất là 44 tuổi.

Đồng tế với Đức Thánh Cha có Đức Hồng Y Agostino Vallini, Giám quản Roma, 7 Giám Mục phụ tá, và các linh mục giám đốc chủng viện cùng với cha sở của các tiến chức, trước sự hiện diện của 8 ngàn tín hữu.

2. Phản ứng của Ủy ban Giám Mục Liên hiệp Âu Châu về chuyến viếng thăm Lesbos của Đức Thánh Cha

Linh mục Patrick Daly, Tổng thư ký Ủy ban Giám Mục Liên hiệp Âu Châu gọi tắt là Comece, chào mừng cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha tại đảo Lesbos và khẳng định rằng “Đây là lúc quyết định cho câu trả lời của Âu Châu đối với cuộc khủng hoảng tị nạn. Ngay từ đầu triều đại Giáo Hoàng, qua cuộc viếng thăm tại đảo Lampedusa, cực nam Italia, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết số phận của người tị nạn là điều rất quan trọng đối với ngài.

Cha Daly kêu gọi các quốc gia thành viên Liên hiệp Âu Châu hãy xử lý cuộc khủng hoảng tị nạn trong tinh thần liên đới: “Lối thoát duy nhất cho cuộc khủng hoảng này là một sự tiến hành có phối hợp giữa mọi chính phủ thuộc Liên hiệp Âu Châu”.

Cha Daly cũng đặc biệt đề cao khía cạnh đại kết trong cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha cùng với hai vị lãnh đạo của Chính Thống Constantinople bên Thỗ Nhĩ Kỳ và Chính Thống giáo tại Hy Lạp. Chiều kích này thật là quan trọng đối với công việc của tổ chức Comece.

3. Đức Thánh Cha viếng đền thờ Đức Bà Cả trước khi thăm đảo Lesbos

Lúc 7 giờ chiều tối ngày 14 tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến cầu nguyện trước ảnh Đức Mẹ là Phần Rỗi của dân Roma tại Đền Thờ Đức Bà Cả, để cầu xin ở phù trợ của Đức Mẹ trước cuộc viếng thăm của ngài tại đảo Lesbos, Hy Lạp, trong ngày thứ Bẩy 16 tháng Tư.

Đức Thánh Cha đã dâng kính Đức Mẹ bó hoa hồng mầu trắng và xanh dương là mầu cờ của Hy Lạp.

Theo thói quen từ đầu triều đại Giáo Hoàng, trước và sau mỗi chuyến viếng thăm ở nước ngoài cũng như trước các biến cố quan trọng, Đức Thánh Cha đều đến Đền Thờ Đức Bà Cả để cầu nguyện.

Trong cuộc họp báo hôm thứ Năm, 14 tháng Tư, Cha Lombardi Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, đã kêu gọi giới báo chí và dư luận đừng nhìn chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha tại trại tị nạn ở Lesbos dưới khía cạnh chính trị, và đây không phải là một sự phê phán chính sách của Liên hiệp Âu Châu về những người tị nạn và di dân. Cha Lombardi giải thích rằng “Cuộc viếng thăm này có tính chất hoàn toàn là nhân đạo và đại kết, theo nghĩa cuộc viếng thăm này cùng được Đức Thánh Cha, Đức Thượng Phụ chung của Chính Thống giáo và Đức Tổng Giám Mục Chính Thống Athènes và toàn Hy Lạp thực hiện.”

Theo linh mục giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, cuộc viếng thăm tại trại tị nạn Lesbos này sinh từ mối quan tâm lo lắng của Đức Thánh Cha trước tình trạng những người di dân và tị nạn. Đây cũng là quan tâm của Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô và Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp là quốc gia đang trải qua tình trạng rất trầm trọng như chúng ta biết”.

4. Cử chỉ hào hiệp: Vua Jordan giúp tiền trùng tu Mộ Chúa

Trong một bức thư gửi cho Đức Thượng Phụ Chính thống giáo Hy Lạp tại Giêrusalem, vua Abdullah II của Jordan thông báo rằng ông sẽ đóng góp kinh phí để trùng tu ngôi mộ của Chúa Kitô tại Nhà thờ Mộ Chúa.

Đức Thượng Phụ Theophilos III của Giêrusalem ca ngợi nghĩa cử cao cả này như sau:

“Quốc vương Abdullah thể hiện trong hành động, chứ không chỉ bằng lời nói suông, sự chia sẻ trong cuộc sống giữa người Hồi giáo và Kitô hữu khắp nơi trên thế giới và đặc biệt là tại Thánh Địa,”

Đức Giám Mục phụ tá William Shomali của Tòa Thượng Phụ Công Giáo Nghi Lễ La Tinh thí nói:

“Đây là một tin tuyệt vời, một tin từ một nhân vật có tính biểu tượng cao độ, vì Thánh Mộ là nơi thiêng liêng nhất đối với Kitô hữu của tất cả các truyền thống. Quyết định này cho thấy sự tử tế của nhà vua đối với các Kitô hữu và mối quan tâm liên tục của mình đến việc bảo tồn di sản của Kitô giáo, trong đó có vai trò của nhà vua như là người bảo lãnh cho những nơi thánh thiêng của Kitô giáo và Hồi giáo tại Giêrusalem”

5. Đức Thánh Cha bổ nhiệm Tân Sứ Thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ

Hôm 12 tháng Tư, Tòa Thánh đã công bố quyết định của Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm Đức Tổng Giám mục Pierre Christophe là Sứ Thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ thay cho Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò.

Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò đã được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 bổ nhiệm làm Sứ thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ vào ngày 19 tháng 10 năm 2011 và đã đến tuổi nghỉ hưu vào tháng Giêng năm nay.

Sinh tại Pháp vào năm 1946, Đức Tổng Giám mục Pierre đã được thụ phong linh mục tại Tổng Giáo Phận Rennes vào năm 1970. Ngài đã từng là Sứ Thần Tòa Thánh tại Haiti (1995-1999), Uganda (1999-2007), và Mễ Tây Cơ (2007-16).

Tưởng cũng nên biết qua vài dòng lịch sử. Tòa Khâm Sứ Tòa Thánh đã được thành lập tại Hoa Kỳ vào ngày 24 tháng Giêng năm 1893, và được đặt tại số 3339 Đại lộ Massachusetts Northwest, Washington, DC. Đó là kết quả của một nỗ lực của Tòa Thánh dưới thời Đức Giáo Hoàng Lêô XIII và của Tổng thống Hoa Kỳ Benjamin Harrison.

Tòa Sứ Thần Tòa Thánh - Đức Thánh Cha thăm Hoa Kỳ

Vị Khâm Sứ Tòa Thánh đầu tiên là Đức Tổng Giám Mục Francesco Satolli. Ngài giữ trọng trách này từ 1893 đến 1896.

Vị Khâm Sứ Tòa Thánh chỉ làm nhiệm vụ liên lạc giữa Tòa Thánh và Giáo Hội địa phương, không làm nhiệm vụ đại sứ của Tòa Thánh tại quốc gia sở tại.

Ngày 10 tháng Giêng năm 1984, tình bạn của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Tổng thống Ronald Reagan đã giúp nâng cấp quan hệ ngoại giao lên hàng Sứ thần Tòa Thánh với Đức Tổng Giám Mục Pio Laghi là Sứ Thần Tòa Thánh đầu tiên tại Hoa Kỳ.

6. Đức Thánh Cha sẽ thăm ba nước trong khu vực Caucasus

Văn phòng Báo chí Tòa Thánh đã công bố rằng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thực hiện một chuyến tông du gồm hai phần đến khu vực Caucasus.

Từ ngày 24 đến 26 Tháng Sáu, Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm Armenia, một quốc gia có 3 triệu dân trong đó chỉ có 6% dân số là người Công Giáo, trong khi 93% là tín hữu của Giáo Hội Armenia Tông Truyền. Giáo Hội này không hiệp thông với Tòa Thánh sau Công Ðồng Chung Chalcedon năm 451.

Thông cáo của Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết: “Nhận lời mời của Đức Tổng Thượng Phụ Karekin II của mọi người Arméni, của chính quyền dân sự và của Giáo Hội Công Giáo, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến Armeni từ ngày 24 đến 26 tháng 6 tới đây. Đồng thời, đón nhận lời mời của Đức Thượng Phụ Ilia II, Giáo Chủ Chính Thống Giorgia, chính quyền và giáo quyền tại nước này cũng như tại Azerbaigian, Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm tại miền Caucase, viếng thăm hai nước này từ ngày 30-9 đến 2 tháng 10 năm nay.

Georgia có 3.7 triệu dân trong đó 84% là Chính Thống Giáo Đông phương, 10% người Hồi giáo, và 2% Công Giáo, trong khi Azerbaijan, có 9.6 triệu dân và có không tới 1,000 người Công Giáo. 93% dân số là người Hồi giáo và 3% theo Chính Thống Giáo Đông phương.

Các ký giả tại Phòng báo chí Tòa Thánh đã hỏi cha Lombardi, Phát ngôn viên của Tòa Thánh, xem Đức Thánh Cha có dừng lại ở miền Nagorno-Karabakh nơi đang xảy ra xung đột giữa người Arménia và Azerbaigian, hay không, cha đáp: “Tôi chỉ được thông tin là sẽ có hai cuộc viếng thăm, tại Arméni và Giorgia với Azerbaigian. Hiện thời không có cuộc viếng thăm nào khác”

7. Phản ứng tiêu biểu của các Giám Mục Hoa Kỳ trước Tông Huấn Amoris Laetitia

Các Giám Mục Hoa Kỳ chào đón Tông Huấn Amoris Laetitia của Đức Thánh Cha Phanxicô, và khen ngợi lời mời gọi của Ngài trong việc khích lệ và hỗ trợ cách cẩn trọng cho đời sống gia đình và trong việc dự phần vào những thách đố mà các gia đình đang phải đối diện.

Các giám mục cũng lặp lại lời mời gọi của Đức Thánh Cha hãy đọc kỹ lưỡng và có suy xét văn kiện này, trong khi kêu gọi người Công Giáo tìm cách áp dụng những đề nghị của Đức Thánh Cha trong gia đình và xã hội.

Đức Cha Joseph E. Kurtz, Tổng Giám Mục Louisville và là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, nói trong buổi họp báo hôm Thứ Sáu tuần qua:

“Đức Thánh Cha đã gửi cho chúng ta một bức thư tình – một bức thư tình cho gia đình”. Văn kiện này, theo Đức Tổng Giám Mục, thách đố người tín hữu hãy trưởng thành trong tình yêu và trong niềm tín thác vào lòng thương xót của Thiên Chúa khi đối diện với những gian truân. “Chúng ta hãy nhớ rằng không một trở ngại nào mà Đức Kitô không thể vượt qua”.

Đức Tổng Giám Mục Kurtz cũng lặp lại lời lưu ý của chính Đức Thánh Cha chống lại “việc đọc văn kiện một cách vội vàng” khi tìm đến văn kiện như một sự hướng dẫn và thông hiểu về mục vụ. “Tôi thực sự khích lệ mỗi người chúng ta hãy đọc và suy tư kỹ lưỡng những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô – và cách thức mà chúng ta có thể áp dụng những lời này vào đời sống, gia đình và xã hội của chúng ta”.

Đức Tổng Giám Mục Kurtz là một trong 8 tham dự viên của Thượng Hội Đồng trong cả hai Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình chuẩn bị cho tông huấn này. Tông Huấn là kết luận của một quá trình thượng hội đồng hai năm thảo luận về cả vẻ đẹp và những thách thức của cuộc sống gia đình ngày nay. Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình khóa đặc biệt từ ngày 5 đến 19 tháng 10 năm 2014 có chủ đề là “Những thách đố mục vụ về gia đình trong bối cảnh Tân Phúc Âm Hoá”. Thượng Hội Đồng này quy tụ 253 tham dự viên trong đó có 181 nghị phụ có quyền bỏ phiếu.

Chủ đề của Thượng Hội Đồng thường lệ năm 2015 là “Ơn gọi và sứ mạng của gia đình trong Giáo Hội và thế giới hiện đại”, diễn ra từ 4 đến 25 tháng 10 năm 2015 với 279 nghị phụ có quyền bỏ phiếu và 90 chuyên gia.

Đức Cha Richard J. Malone, Giám Mục giáo phận Buffalo, chủ tịch Uỷ Ban Giáo Dân, Hôn Nhân và Đời Sống Gia Đình và Giới Trẻ thuộc Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, nói tông huấn là một “suy tư đẹp và khuấy động về tình yêu và gia đình”, thách đố việc mục vụ phải có tính “truyền giáo” hơn nữa và phải tham gia vào “thực tại cụ thể” của đời sống anh chị em trong giáo xứ.

Ngài hứa rằng các giám mục Hoa Kỳ “đứng về phía các gia đình và tìm cách hỗ trợ những ai đang gặp phải các thách đố của tình trạng nghèo khó, nạn buôn người, những gian truân khi phải di dân, tình trạng bạo lực gia đình và phim ảnh khiêu dâm”.

Ngài nhận định rằng: “Chúng ta có chỗ cho sự trưởng thành và cải thiện, và chúng ta chào đón sự khích lệ của Đức Thánh Cha về một chứng tá canh tân trước sự thật và vẻ đẹp của hôn nhân và một sự gần gũi dịu dàng hơn nữa với các cặp vợ chồng và những gia đình đang trải qua những khó khăn thực sự”.

Đức Cha Malone cũng nhấn mạnh với thông tấn xã Công Giáo CNA rằng bước đầu tiên đối với các giám mục và mục tử là áp dụng lời khuyên được trình bày trong Amoris Laetitia đó là dành thời gian để đọc và thực sự hiểu Tông Huấn này. Ngài nhấn mạnh “Chúng ta không thể vội vàng giải thích về điều chúng ta đang có trong tay. Chúng ta đừng tách ra từng mảnh của văn kiện này khỏi ngữ cảnh của chúng”.

Mặc dù thật còn quá sớm để biết được tác động toàn diện của tông huấn này, Đức Cha Malone nói rằng các giám mục và các vị mục tử Hoa Kỳ sẽ tìm cách củng cố việc chuẩn bị hôn nhân và hỗ trợ cho các đôi đã kết hôn – cả hai chủ đề này đã được Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh trong Tông Huấn. Đức Tổng Giám Mục Kurtz đồng ý với vị Giám Mục bạn, và nói với CNA rằng những cải tiến đối với việc chuẩn bị hôn nhân và hỗ trợ cho các đôi bạn sau kết hôn “có thể là tác động lớn nhất” tại Hoa Kỳ.

Đức Tổng Giám Mục José H. Gomez của Los Angeles, cũng là nghị phụ tại Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình, đã đón nhận văn kiện này như là một quà tặng cho cả Giáo Hội, lẫn những ai “muốn hiểu ý định thực sự của Thiên Chúa dành cho hạnh phúc thật của chúng ta”. Đức Tổng Giám Mục nói trong một thông cáo rằng ngài sẽ “đọc những suy tư của Đức Thánh Cha cách chậm rãi và kỹ lưỡng”, và ngài cảm thấy được khích lệ bởi sự nhấn mạnh của Đức Thánh Cha về việc chuẩn bị kết hôn và hỗ trợ cho các đôi bạn trong những năm đầu tiên đời hôn nhân.

Đức Tổng Giám Mục nói thêm:

“Tôi cũng bị đánh động bởi lời mời gọi của Đức Thánh Cha dành cho tất cả chúng ta trong Giáo Hội là hãy vươn ra với lòng thương cảm trước các gia đình bị thương tổn và những người đang sống trong hoàn cảnh khó khăn”.

Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput của Philadelphia nhấn mạnh rằng mặc dù văn kiện “không thay đổi giáo huấn hay kỷ luật của Giáo Hội, nhưng văn kiện thực sự nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự nhạy bén mục vụ trong khi giải quyết những hoàn cảnh khó khăn mà nhiều đôi bạn kết hôn ngày nay đang đối diện”. Đức Tổng Giám Mục Chaput cũng là nghị phụ tại Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình, và đã tổ chức Đại Hội Gia Đình Thế Giới vào tháng 09 năm ngoái 2015 tại Philadelphia.

Đức Tổng Giám Mục Chaput cũng nói đến độ dày của tông huấn – hơn 260 trang – và khen ngợi lời khuyên của Đức Thánh Cha hãy đọc Tông Huấn Amoris Laetitia cách cẩn thận và chậm rãi, hứa hẹn nhiều suy tư hơn nữa của riêng ngài khi ngài đọc xong tông huấn này. Trước mắt, Ngài cám ơn Đức Thánh Cha vì những tư tưởng và sự phân tích của ngài về “chứng tá độc đáo” của hôn nhân Kitô Giáo. Đức Tổng Giám Mục kết luận rằng: “Đối với bất kỳ xã hội nào, không có gì là thiết yếu hơn cho bằng sức khoẻ của hôn nhân và gia đình”.

8. Đức Cha Nunzio Galantino phản ứng trước việc truyền hình Italia “lăng xê” Mafia

Tổng thư ký của Hội Đồng Giám Mục Ý đã thề rằng ngài sẽ không bao giờ xuất hiện trên một chương trình truyền hình vừa thực hiện một cuộc phỏng vấn với con trai của một tên trùm mafia bị kết án.

“Tôi hoàn toàn từ chối không xem chương trình này, và nếu có ai mời tôi đến Porta a Porta nói chuyện, tôi sẽ dứt khoát không bao giờ đi, để khỏi phải ngồi trên cùng chiếc ghế đó”, Đức Cha Nunzio Galantino nói trong một phản ứng trước sự xuất hiện của Salvo Riina, con trai của một nhân vật khét tiếng có biệt danh “ông trùm của các ông trùm” Toto Riina.

9. Giám Mục Bernard Fellay nói Đức Thánh Cha dự định ban năng quyền giải tội cho các linh mục thuộc Huynh Đoàn Thánh Piô X

Giám mục Bernard Fellay, lãnh đạo Huynh Đoàn Thánh Piô X, nói với một cơ quan truyền thông Pháp rằng trong cuộc họp diễn ra hôm 1 tháng Tư, Đức Thánh Cha nói rằng ngài dự định ban năng quyền giải tội cho các linh mục thuộc Huynh Đoàn Thánh Piô X khi kết thúc Năm Thánh. Ông nói thêm rằng Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ mong muốn bình thường hóa tình trạng của Huynh Đoàn Thánh Piô X, và đề cập đến nhóm này như là “một phần của Giáo Hội.”

Tháng Chín năm ngoái, 2015, Huynh đoàn Thánh Piô X đã hoan nghênh “cử chỉ hiền phụ” của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với Huynh đoàn như được nêu trong bức thư Đức Thánh Cha gửi cho Ðức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về Tân Phúc âm hoá, liên quan đến việc cử hành Năm Thánh Lòng Thương xót.

Trong một thông cáo được phổ biến ngay trong ngày Toà Thánh công bố bức thư trên, tức là ngày thứ Ba 01 tháng Chín năm 2015, Huynh đoàn Thánh Piô X đã bày tỏ vui mừng về quyết định của Đức Thánh Cha Phanxicô nhìn nhận là hợp pháp việc nhận lãnh ơn xá giải nơi các linh mục thuộc Huynh đoàn Thánh Piô X trong suốt Năm Thánh Lòng Thương xót.

Trong bức thư, Đức Thánh Cha “cho phép những ai đến với các linh mục thuộc Huynh đoàn Thánh Piô X để cử hành bí tích Hoà giải trong Năm Thánh Lòng Thương xót, có thể nhận được ơn xá giải thành sự và hợp pháp”.

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã tha vạ tuyệt thông cho Huynh đoàn Thánh Piô X vào năm 2009, nhưng các linh mục trong Huynh đoàn “vẫn không được cử hành một cách hợp pháp bất kỳ thừa tác vụ nào trong Giáo Hội”. Điều này đã được Uỷ ban Toà thánh Ecclesia Dei, là Uỷ ban phụ trách đối thoại với nhóm Lefèbvre tại Roma, nhắc lại hồi tháng Mười Một năm 2012.

10. Khủng bố Hồi Giáo IS giết chết 21 Kitô hữu trên đường rút lui khỏi Al-Qaryatayn

21 Kitô hữu đã bị giết bởi quân khủng bố Hồi Giáo IS trước khi thành phố Al-Qaryatayn được quân đội Syria giải phóng. Người đứng đầu của Giáo Hội Chính Thống Syria đã cho thông tấn xã BBC biết như trên.

Thành phố Al-Qaryatayn đã rơi vào tay quân khủng bố Hồi Giáo IS vào tháng 8 năm 2015; và được lực lượng chính phủ Syria tái chiếm vào ngày 03 tháng Tư.

Theo Đức Thượng Phụ Ignatius Aphrem II “một số đã chết trong khi cố gắng trốn thoát, trong khi những người khác đã thiệt mạng vì bị quân khủng bố Hồi Giáo IS xử tử với cáo buộc là họ đã vi phạm các điều khoản của 'hợp đồng dhimmi,” trong đó đòi hỏi họ phải tuân thủ nghiêm nhặt các quy luật của đạo Hồi”.

11. Đức Thánh Cha Phanxicô tái kêu gọi các vị lãnh đạo chính quyền các quốc gia bãi bỏ án tử hình và tha nợ quốc tế.

Trong sứ điệp gửi Hội nghị quốc tế do Phong trào Pax Christi Hòa bình của Chúa Kitô và Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình cùng tổ chức ở Roma từ ngày 11 đến 13-4-2016 này, Đức Thánh Cha viết:

“Tôi mời gọi tất cả quí vị hiện diện tại Hội nghị này hãy hỗ trợ 2 lời thỉnh cầu mà tôi đã gửi đến các vị lãnh đạo các nước, trong Năm Thánh này, đó là bãi bỏ án tử hình tại nơi nào vẫn còn, cùng với sự ân xá, và hủy bỏ hoặc điều chỉnh lại nợ nần quốc tế qua sự quản trị có thể chấp nhận được dành cho các nước nghèo nhất”.

Hội nghị quốc tế vừa nói có chủ đề là “Bất bạo lực và Hòa bình công chính: góp phần vào quan niệm của Công Giáo về bất bạo động và sự dấn thân cho bất bạo động”.

Trong sứ điệp Đức Thánh Cha nhấn mạnh một điểm thiết yếu, đó là: “trong tư cách là Kitô hữu, chúng ta biết rằng chỉ khi nào coi những người đồng loại như anh chị em với nhau, chúng ta mới có thể vượt thắng chiến tranh và xung đột. Giáo Hội không ngừng lập lại rằng điều ấy có giá trị không những trên bình diện cá nhân, nhưng cả trên bình diện các dân nước, đến độ Giáo Hội coi cộng đồng quốc tế như “gia đình các dân nước”.

Đức Thánh Cha viết thêm rằng “Trong tư cách là Kitô hữu chúng ta cũng biết rằng chướng ngại lớn cần loại bỏ để có gia đình các dân nước chính là chướng ngại do bức tường dửng dưng lãnh đạm dựng lên. Tin tức thời sự gần đây cho chúng ta thấy, khi tôi nói về bức thường, thì đó không phải là ngôn ngữ chỉ nghĩa bóng, nhưng đó là một thực tại đau buồn. Thực tại dửng dưng, không những chỉ liên hệ đến con người, nhưng cả môi trường tự nhiên, với những hậu quả nhiều khi đau thương về mặt an ninh và hòa bình xã hội.

Đức Thánh Cha cũng nhận xét rằng: “Sự dấn thân vượt thắng sự dửng dưng chỉ thành công, nếu chúng ta có khả năng sử dụng lòng từ bi thương xót. Lòng thương xót được biểu lộ qua tình liên đới 'chính trị', vì tình liên đới tạo nên thái độ luân lý và xã hội đáp ứng hữu hiệu sự ý thức về những tai ương thời nay và sự lệ thuộc lẫn nhau giữa đời sống cá nhân, cộng đoàn gia đình, địa phương và hoàn cầu”

12. Luật trợ giúp tự tử làm người già sợ hãi bệnh viện

Bóng ma của trợ tử làm cho các người già “sợ một tổ chức lẽ ra họ không phải sợ, nhưng cuối cùng họ lại phải sợ, đó là bệnh viện.” Đức Tổng Giám mục Richard Smith của Edmonton nhận định như thế.

Trong một buổi nói chuyện tại nhà thờ Corpus Christi Đức Tổng Giám mục nói: “Cảm giác mạnh mẽ của những người già là ‘nếu tôi không thể tự nói, nếu tôi chỉ có một mình và không có người thân, họ sẽ giết tôi?’” Đó là câu hỏi xuất phát cách tự nhiên từ quyết định của Tòa án Tối cao hồi tháng Giêng cho phép các vụ tự tử được trợ giúp bởi bác sĩ trong một số điều kiện nào đó.

Đức Tổng Giám mục nói: “quyết đinh này lật ngược mối liên hệ giữa bệnh nhân và bác sĩ, giữa bệnh nhân và bệnh viện, nó làm xói mòn niềm tin đáng ra phải có trong các mối liên hệ này.” Một loạt các buổi nói chuyện trên khắp Tổng Giáo Phận Edmonton đã thu hút đông đảo người tham dự và đặt ra những câu hỏi sâu sắc về an tử và tự tử được bác sĩ hỗ trợ.

Trước đó, trong một buổi tiếp xúc với những người cao niên, Đức Tổng Giám mục Richard Smith đã nghe cảm tưởng của những người già trước áp lực không muốn mình trở thành gánh nặng cho con cái và xã hội. Đức Cha nói: “đó là nơi mà “quyền được chết” biến thành “nghĩa vụ phải chết”. Đức Cha cho biết, trong những vùng pháp lý mà vấn đề tự tử với sự hỗ trợ của bác sĩ đã trở thành hợp pháp, trong các lý do trả lời cho câu hỏi tại sao người ta lại tìm đến tự tử, lý do để tránh đau đớn chỉ đứng ở cuối danh sách, trong khi lý do để không trở thành gánh nặng đứng hàng đầu.

13. Các nhà thờ tiếp tục bị đốt tại các cộng đồng Mapuche, Chi-lê

Thêm một nhà nguyện Công Giáo trong vùng Antiquina của quận Canete, miền Biobio, Chi-lê, bị đốt vào rạng sáng hôm 12 tháng Tư. Theo tin tức của cảnh sát, vụ hỏa hoạn dữ dội đã tiêu diệt hoàn toàn ngôi nhà thuộc giáo xứ Đức Bà núi Carmen. Giống như các vụ hỏa hoạn xảy ra vào tháng 3 và hồi đầu tháng 4, một tấm vải được tìm thấy có những dòng chữ tố cáo Giáo Hội Công Giáo đồng lõa với nhà nước chống lại người dân Mapuche.

Một nguồn tin địa phương cho hãng tin Fides biết là hôm mùng 2 tháng 3, đại chủng viện San Fidel thuộc giáo phận Villarrica, đã bị giải tỏa. Chủng viện này trước đây bị chiếm giữ bởi các thành viên của nhóm hành động thuộc cộng đồng Mapuche Trapilhue, và nhóm nầy tuyên bố quyền sở hữu phần đất trên mà chủng viện được xây. Lãnh đạo của nhóm này khẳng định là Giáo Hội đã chứng tỏ mình là một thành phần của nhà nước, và sẽ không có hòa bình bao lâu Giáo Hội chưa bị loại khỏi lãnh thổ Mapuche. Do đó các nhà thờ trong vùng đã bắt đầu bị đốt phá.

Vào đầu tháng 4, một nhà thờ Tin lành hiệp nhất các Ki-tô hữu ở Ercilla đã bị đốt cháy. Ở đây người ta cũng tìm thấy các bảng viết: “Tất cả các nhà thờ sẽ bị đốt cháy.”

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho báo địa phương, Đức Cha Hector Eduardo Vargas đã giải thích rằng “các nhà thờ bị đốt nằm trong vùng Mapuche, chúng ta phải nghĩ là những nhà thờ này đã được chính họ xây dựng lên. Các người Mapuche, ví dụ như nhóm “loncos”, là những linh hoạt viên đầu tiên của các cộng đoàn. Họ dạy giáo lý, là những giáo dân truyền giáo, họ cũng có các chủng sinh. Bây giờ dân chúng đang lo sợ. Các cuộc tấn công này không chỉ ảnh hưởng đến Giáo Hội mà đến chính các cộng đoàn.” Đức Cha nhấn mạnh: “người dân Mapuche sùng đạo sâu sắc, và giải pháp triệt để phải bắt đầu từ đối thoại.”

Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/182595.htm

CÁC TIN KHÁC: