1. Giáng Sinh tại Bethlehem
Nửa đêm ngày 24 rạng 25 tháng 12, Đức Thượng Phụ Fuad Twal của Công Giáo nghi lễ La Tinh tại Giêrusalem đã chủ sự thánh lễ tại Nhà thờ Giáng Sinh tại Bethlehem nơi có hang đá Đức Mẹ sinh Chúa Hài Nhi vì không tìm được nhà trọ.
Tham dự thánh lễ có Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và Thủ tướng Palestine Rami Hamdallah.
Trước khi cử hành thánh lễ Nửa đêm, Đức Thượng Phụ đã chủ sự nghi thức mở cửa Năm Thánh Lòng Thương Xót tại nhà thờ thánh Catherine, là ngôi nhà thờ nằm ở phía bên trên. Sau nghi lễ mở cửa Năm Thánh, ngài đã dẫn đầu một đoàn rước xuống bên dưới nhà thờ Giáng Sinh để cử hành thánh lễ.
Hàng trăm người bao gồm cả khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới và cư dân địa phương đã dự thánh lễ tại chính nơi theo truyền thống Chúa Giêsu đã được sinh ra.
Số các tín hữu tham dự thánh lễ Nửa Đêm tại chính nơi Ngôi Hai xuống thế làm người đã ít hơn rất nhiều so với năm ngoái. Làn sóng bạo lực đã dẫn đến một sự suy giảm mạnh những người hành hương thăm viếng Bethlehem và phần còn lại của Thánh Địa vào năm nay. Chỉ có khoảng một phần ba các phòng khách sạn có người thuê trong mùa lễ năm nay.
Hàng chục thanh niên Palestine tụ tập gần thành phố vào sáng ngày thứ Sáu 25 tháng 12, ném đá và bom xăng vào lực lượng an ninh Israel. Quân Israel bắn đạn cao su và lựu đạn cay để đáp lạ. Sự gia tăng bạo lực đã được thúc đẩy một phần bởi phe đối lập Hồi giáo khi người Israel thăm viếng khu vực núi đền tại Jerusalem.
Những vụ đâm bằng dao, nổ súng và tông xe cán chết người đã giết chết 20 người Israel và một công dân Hoa Kỳ kể từ tháng Mười vừa qua, trong khi các lực lượng Israel đã giết chết ít nhất 124 người Palestine trong cùng thời gian đó.
Có rất ít dấu chỉ cho thấy bạo lực sẽ sớm kết thúc.
2. Thông điệp Giáng Sinh của Đức Thượng Phụ Fouad Twal
Trong thông điệp Giáng Sinh năm nay, Đức Thượng Phụ Fouad Twal đã tái kêu gọi các tín hữu Công Giáo đến hành hương Năm Thánh tại Thánh Địa dù tình trạng căng thẳng.
Ngài cũng gọi các vị lãnh đạo Israel và Palestine hãy chứng tỏ can đảm thực thi hòa bình, hoạt động cho một nền hòa bình bền vững dựa trên công lý. Đừng hoãn lại nữa!
Đức Thượng Phụ viết:
Một lần nữa, đau đớn thay khi nhìn thấy Thánh Địa yêu thương của chúng ta bị kẹt trong cái vòng bạo lực đẫm máu như hỏa ngục! Đau thương dường nào khi thấy một lần nữa oán ghét trổi vượt hơn lý trí và đối thoại! Đau khổ của các dân tộc trên phần đất này cũng là của chúng ta, chúng ta không thể làm ngơ không biết tới. Đủ rồi! Chúng ta mỏi mệt vì cuộc xung đột này, vì thấy Thánh Địa đẫm máu.
Với các vị lãnh đạo Israel và Palestine, chúng tôi nói rằng nay đã đến lúc chứng tỏ lòng can đảm, và làm việc để thiết lập một nền hòa bình công chính. Đừng trì hoãn, do dự, viện cớ này cớ kia nữa! Hãy tôn trọng các nghị quyết quốc tế, hãy lắng nghe tiếng kêu của dân tộc quí vị đang khao khát hòa bình, và hãy hành động theo quyền lợi của họ. Mỗi dân tộc tại Thánh Địa, người Israel và Palestine, đều có quyền được phẩm giá, một quốc gia độc lập và an ninh lâu bền.
Đáng tiếc thay, tình trạng chúng ta đang sống tại Thánh Địa vang vọng tình trạng của thế giới, đang phải đương đầu với một đe dọa khủng bố chưa từng có. Một ý thức hệ gây chết chóc, dựa trên sự cuồng tín và cứng nhắc về tôn giáo, đang gieo rắc kinh hoàng và man rợ nơi những người vô tội. Trong những thời gian qua, ý thức hệ ấy chiếu cố tới Liban, Pháp, Nga, Hoa kỳ, nhưng từ nhiều năm nay nó tàn hại tại Iraq, và Syria. Đàng khác, trường hợp Syria đang ở trung tâm cuộc khủng hoảng hiện nay; tương lai Trung Đông tùy thuộc sự giải quyết cuộc xung đột này.
Những cuộc chiến tranh kinh khủng được nạn buôn bán võ khí nuôi dưỡng, tệ nạn này có liên hệ tới nhiều cường quốc quốc tế. Chúng ta đang đứng được một sự vô lý và hai mặt hoàn toàn: một đàng, một số nước nói về đối thoại, công lý, hòa bình, nhưng đàng khác họ lại cổ võ việc bán võ khí cho những phe lâm chiến! Chúng tôi nói với những kẻ buôn bán võ khí vô lương tâm và không chút do dự ấy rằng: các người hãy hoán cải. Trách nhiệm của các người thật lớn lao trong những thảm trạng đang đè nặng trên chúng tôi và các người sẽ phải trả lời trước mặt Thiên Chúa về máu của anh chị em các người.
Đức Thượng Phụ nói thêm:
“Tình trạng chính trị hiện nay đề nghị chúng ta giảm bớt việc cử hành trọng thể bên ngoài, và tốt hơn nên đào sâu ý nghĩa tinh thần của lễ Giáng sinh. Vì thế, chúng tôi mời gọi mỗi giáo xứ hãy tắt các điện ở các cây thông giáng sinh trong 5 phút để liên đới với tất cả các nạn nhân của bạo lực và khủng bố. Cũng vậy, thánh lễ Giáng Sinh sẽ được dâng để cầu nguyện cho các nạn nhân và gia đình họ, để các gia đình phục hồi can đảm, và tham gia vào niềm vui mừng và an bình của lễ Giáng Sinh.”
3. Giáng Sinh buồn tại Aleppo, Syria
Đức Tổng Giám Mục Jean-Clément Jeanbart của Aleppo, Syria, đã viết cho tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ như sau:
“Ở đây chúng tôi đang mừng lễ Giáng sinh lần thứ năm trong khi những quả bom vẫn đang rơi xuống. Tôi không biết có bao nhiêu anh chị em đã từng trải qua một kinh nghiệm thất vọng và đau buồn như vậy, nhưng những ngày lẽ ra tốt đẹp và đáng chờ đợi mỗi năm này, đang đến với chúng tôi trong âu lo, giữa sự thiếu hụt mọi thứ và thiếu an ninh, bị tách biệt khỏi phần còn lại của thế giới..
Xin Chúa Toàn Năng nhủ lòng thương xót tất cả chúng ta và xin Người khiến cho tình bạn có thể trị vì trong lòng con người, cho lòng thương xót ngự trị trong lòng chúng ta và hoà bình giữa tất cả các dân tộc trên trái đất.”
4. Giáng Sinh tại Havana
Năm 1969, Fidel Castro hủy bỏ việc coi ngày lễ Giáng Sinh là quốc lễ tại Cuba. Trong vòng 30 năm sau đó, lễ Giáng Sinh không phải là một ngày lễ nghỉ. Dân chúng phải làm việc như bình thường.
Tình hình đã thay đổi sau chuyến tông du của thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào năm 1998. Lễ Giáng Sinh được khôi phục tại đảo quốc này.
Một quyết định tương tự cũng được đưa ra sau chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 vào năm 2012. Ngày thứ Sáu tuần thánh 2012 được coi là ngày nghỉ lễ và từ năm 2013, thứ Sáu tuần thánh, được chính thức công nhận là quốc lễ.
Ngày 30 tháng 6, Cuba và Hoa Kỳ đạt được thỏa thuận mở lại các đại sứ quán và quan hệ ngoại giao chính thức được nối lại vào ngày 20 tháng 7. Với triển vọng tăng cường mậu dịch và đoàn tụ gia đình, bầu khí Giáng Sinh năm nay tại Havana được ghi nhận là tưng bừng hơn mọi năm.
5. Giáng Sinh tại Paris
Các buổi cử hành Phụng Vụ Giáng sinh trong các thánh đường tại Paris đã được tổ chức dưới sự canh phòng đặc biệt. Pháp vẫn đang trong tình trạng khẩn cấp sau các cuộc tấn công kinh hoàng hồi tháng trước bởi quân khủng bố Hồi Giáo.
Cha Antoine de Romanet, linh mục tại nhà thờ Notre Dame nói rằng các tín hữu ý thức về những rủi ro khi tham dự các thánh lễ. “Đó là một tình trạng chung mà tâm trí của tất cả chúng tôi phải cố gắng để đối phó trong khi giữ sự thanh thản và bình tĩnh nhất có thể”
Chính phủ đã thông báo yêu cầu các nhà thờ hạn chế số cửa mở tại các thánh đường và thực hiện việc kiểm tra các túi xách.
Cha Romanet nói có 25 tình nguyện viên an ninh giúp bảo vệ trật tự trong các buổi cử hành Phụng Vụ. Cha nói: “Một số giáo dân đeo băng tay sẽ kiểm tra những người ra vào nhà thờ. Chúng tôi sẽ đóng một số lối vào để tập trung vào cửa chính và hành động này là đủ để cảnh báo và mời gọi tất cả mọi người phải thận trọng.
Bên ngoài nhà thờ chính tòa Notre-Dame, nơi cảnh sát đã tăng cường tuần tra, người dân Paris nói rằng họ hiểu được các biện pháp an ninh bổ sung là cần thiết.
Một tín hữu nói: “Tôi hiểu được những biện pháp này. Tôi không nhìn những biện pháp này một cách tiêu cực, đó là một phần của thực tại mà chúng ta phải đương đầu.”
6. Hai nước trên thế giới cấm không cho dân chúng mừng lễ Giáng Sinh: Brunei và Somalia
Chính phủ của hai quốc gia Hồi giáo Brunei và Somali đã cảnh báo các công dân của họ không được ăn mừng lễ Giáng sinh, một báo cáo được công bố bởi đài truyền hình Al Jazeera có trụ sở tại Qatar đã cho biết như trên
Tổng giám đốc của bộ tôn giáo sự vụ Somalia giải thích lệnh cấm này như sau:
“Tất cả các sự kiện liên quan đến việc mừng Giáng sinh và năm mới đều trái với văn hóa Hồi giáo, và có thể gây tổn hại niềm tin của cộng đồng Hồi giáo”
Trong khi đó, tờ Sydney Morning Herald đưa tin những ai không theo Hồi giáo tại Brunei chỉ được phép tổ chức lễ Giáng sinh trong bầu khí riêng tư và bị cấm không được tiết lộ cho người Hồi giáo biết. Những người Hồi giáo nào gửi thiệp chúc mừng Giáng sinh, sử dụng cây hay đèn Giáng sinh, hoặc tham gia vào lễ Giáng sinh phải ngồi tù đến năm năm.
Brunei, là một quốc gia Đông Nam Á với 416,000 dân trong đó 79%, theo Hồi Giáo 9% theo Kitô Giáo, và 8% theo Phật giáo. Cả ba giáo xứ Công Giáo với 1,900 người Công Giáo đều phải tắt đèn, đóng cửa trong dịp Giáng Sinh.
Somalia, nằm ở vùng Sừng châu Phi, gần như 100% là người Hồi giáo Sunni, chỉ có 100 người Công Giáo sinh hoạt trong một giáo xứ duy nhất.
7. Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu noi gương thánh Stêphanô Tử Đạo tiên khởi
Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa ngày 26-12, Đức Thánh Cha đã mời gọi các tín hữu noi gương tha thứ của thánh Stêphanô tử đạo.
Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, với sự tham dự của 15 ngàn người, Đức Thánh Cha nói:
“Hôm nay chúng ta mừng lễ Thánh Stêphanô. Lễ nhớ vị tử đạo đầu tiên tiếp nối liên sau lễ Chúa Giáng Sinh. Hôm qua, chúng ta đã chiêm ngưỡng tình yêu thương xót của Thiên Chúa, Đấng nhập thể làm người vì chúng ta; hôm nay chúng ta thấy lời đáp trả phù hợp của môn đệ Chúa Giêsu, hiến mạng sống mình. Hôm qua, Chúa Cứu Thế đã sinh ra trên trái đất: hôm nay chứng nhân trung tín của Ngài sinh ra trên trời. Hôm qua cũng như hôm nay, bóng đen phủ nhận sự sống xuất hiện, nhưng ánh sáng tình thương chiến thắng oán ghét và khai mào một thế giới mới càng chiếu sáng hơn nữa”.
Đức Thánh Cha nói tiếp:
“Trong trình thuật hôm nay của sách Tông Đồ Công Vụ, có một khía cạnh đặc biệt đưa thánh Stêphanô gần Chúa. Đó là sự tha thứ của thánh nhân trước khi bị ném đá chết. Khi bị đóng đanh trên thập giá, Chúa Giêsu đã nói: “Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23,34). Cũng vậy, thánh Stêphanô “quì gối và kêu lớn tiếng: Lạy Chúa, xin đừng chấp tội họ” (Cv 7,60). Vì thế, thánh Stêphanô là vị tử đạo, nghĩa là chứng nhân, vì Người làm như Chúa Giêsu; thực vậy, ai cư xử như Chúa, là chứng nhân đích thực: họ là người cầu nguyện, yêu thương, cho đi, và nhất là tha thứ, vì tha thứ, như nghĩa đen của từ này, chính là biểu lộ một sự trao ban cao cả nhất”.
Đức Thánh Cha giải thích về ích lợi của việc tha thứ và nói: “Chúng ta tìm được một câu trả lời trong cuộc tử đạo của thánh Stêphanô. Trong số những người mà thánh nhân cầu xin ơn tha thứ cho họ, có chàng thanh niên tên là Saulo; Saulo bách hại và tìm cách tiêu diệt Giáo Hội (Xc Cv 8,3). Ít lâu sau Saulo trở thành Phaolô, vị đại thánh, Tông đồ của dân ngoại. Người đã nhận ơn tha thứ của thánh Stêphanô. Chúng ta có thể nói rằng Phaolô đã sinh ra từ ơn thánh Chúa và từ tha thứ của Stêphanô”.
Đức Thánh Cha nhận xét rằng “Cả chúng ta cũng sinh ra từ sự tha thứ của Thiên Chúa. Không những trong bí tích Rửa tội, nhưng mỗi lần chúng ta được tha thứ, trái tim chúng ta cũng được tái sinh, được hồi sinh. Mỗi bước tiến trong đời sống đức tin đều mang dấu tích lòng thương xót của Chúa”.
Đức Thánh Cha nhìn nhận rằng tha thứ luôn là điều rất khó khăn. Ngài đặt câu hỏi: “Làm sao chúng ta có thể bắt chước Chúa Giêsu? Bắt đầu từ đâu để tha thứ những xúc phạm lớn nhỏ chúng ta chịu hằng ngày? Thưa trước tiên bằng kinh nguyện, như thánh Stêphanô đã làm. Bắt đầu từ nội tâm: với kinh nguyện chúng ta có thể đương đầu với sự oán hận chúng ta cảm thấy, phó thác cho lòng thương xót của Chúa những người đã gây hại cho chúng ta. Và rồi chúng ta sẽ khám phá thấy rằng cuộc chiến đấu nội tâm ấy để tha thứ, sẽ thanh tẩy ta khỏi sự ác, và kinh nguyện cũng như tình thương giải thoát chúng ta khỏi những xiềng xích oán hận trong nội tâm. Mỗi ngày chúng ta đều có dịp tập luyện tha thứ, để sống cử chỉ rất cao cả này, đưa con người đến gần Thiên Chúa. Như Cha chúng ta trên trời, cả chúng ta cũng có lòng từ bi thương xót, vì qua sự tha thứ, chúng ta chiến thắng sự ác bằng sự thiện, biến oán ghét thành tình thương và như thế làm cho thế giới được thanh sạch hơn”.
8. Đức Thánh Cha được trao giải Charlemagne 2016
Hôm 23 tháng 12, Cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, đã lên tiếng chào mừng quyết định của các nhà tài trợ tại Aachen, Đức, trao giải Charlemagne quốc tế cho Đức Thánh Cha Phanxicô.
Ban tổ chức cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô đã được họ trao giải International Charlemagne 2016, vì ngài đã đưa “một thông điệp hy vọng và khích lệ” tới với châu Âu trong một thời kỳ đầy bất ổn.
Các giải thưởng Charlemagne, được trao hàng năm kể từ năm 1950 cho những ai có những đóng góp nổi bật “cho sự thống nhất châu Âu.” Trong số những người đã được trao giải có thủ tướng Ý Alcide de Gaspari vào năm 1952, thủ tướng Konrad Adenauer của Đức vào năm 1954, chính trị gia Đức Robert Schuman vào năm 1958. Robert Schuman là người thường được gọi là “cha đẻ của châu Âu” và Tòa Thánh đang trong tiến trình xét tuyên phong chân phước cho ngài. Tướng Mỹ George Marshall, nổi tiếng với “Kế hoạch Marshall” kích thích phục hồi kinh tế châu Âu cũng được trao giải vào năm 1959.
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhận được giải thưởng này vào năm 2004.
9. Tổng thống Obama ra tuyên bố về tình trạng bị bách hại các Kitô hữu tại Trung Đông
Trong một tuyên bố được đưa ra hôm 23 tháng 12 về tình trạng bị bách hại các Kitô hữu, tổng thống Obama viết rằng ông và phu nhân “đặc biệt gần gũi trong trái tim và tâm trí với những ai đã bị xua đuổi khỏi quê hương cổ kính của họ bằng những hình thức bạo lực và đàn áp không thể kể xiết”.
“Trong một số khu vực của Trung Đông, nơi tiếng chuông nhà thờ đã từng rung lên trong nhiều thế kỷ qua vào ngày Giáng sinh, năm nay những qủa chuông ấy sẽ phải im bặt; sự im lặng này làm chứng bi thảm cho những tội ác tàn bạo chống lại nhân loại của quân khủng bố Isil”.
Ông nói thêm: “Chúng tôi hiệp cùng với mọi người trên toàn thế giới cầu nguyện xin Thiên Chúa bảo vệ cho các Kitô hữu bị ngược đãi và những người thuộc các tôn giáo khác, cũng như cho những người nam nữ dũng cảm đang dự phần vào những nỗ lực quân sự, ngoại giao và nhân đạo nhằm làm giảm nỗi đau của các nạn nhân và khôi phục sự ổn định, an ninh, và hy vọng cho các quốc gia trong vùng”.
Tuyên bố của tổng thống Obama được đưa ra có lẽ nhằm xoa dịu phản ứng của dư luận sau cuộc điều trần của một phái đoàn chính phủ tại một ủy ban của Hạ Viện Hoa Kỳ diễn ra trước đó vào hôm 17 tháng 12.
Trong năm 2015 chỉ có 29 Kitô hữu Syria được nhận vào Hoa Kỳ tị nạn. Tính chung trong suốt 5 năm qua, chỉ có 53 Kitô hữu Syria được nhận vào Hoa Kỳ. Khi bị chất vấn về những con số quá ít ỏi này Anne Richard, bí thư của văn phòng Population, Refugees, and Migration của Bộ Ngoại Giao Mỹ nói tình trạng của các Kitô hữu Syria là “an toàn” hơn các nhóm khác tại quốc gia này.
10. Giáng Sinh tại Bắc Kinh
Cư dân Bắc Kinh đã phải trải qua một mùa Giáng sinh với một bầu trời ô nhiễm khói nặng đến mức chính quyền phải ban hành một cảnh báo đề nghị hạn chế việc ra đường. Trưa ngày 24 tháng 12, chỉ số ô nhiễm không khí tại thủ đô Bắc Kinh đạt đến 500 là mức ô nhiễm không khí cao nhất.
Trẻ em và người già được khuyên nên ở trong nhà, và tất cả các hoạt động ngoài trời phải giảm đến mức tối thiểu.
Tuy nhiên, các nhà thờ vẫn đầy các tín hữu đến dự lễ.
Thượng Hải và nhiều vùng tại châu thổ sông Dương Tử cũng bị bao phủ bởi sương mù. Nhưng mức ô nhiễm được xem là nhẹ hơn. Chỉ số ô nhiễm không khí tại Thượng Hải là 255, mức coi là bị ô nhiễm nặng, lúc 12 giờ trưa ngày 24 tháng 12.
Trong một động thái bất thường hôm thứ Năm 24 tháng 12, Mỹ, Pháp, Anh, Úc và đã cảnh báo các công dân của mình đang có mặt tại Bắc Kinh hãy cẩn thận đề phòng nguy cơ khủng bố. Đại sứ quán Mỹ cho biết trong một tuyên bố ngắn gọn rằng họ đã “nhận được thông tin về các mối đe dọa có thể” xảy ra tại khu vực Sanlitun, nơi có nhiều đại sứ quán nước ngoài, xung quanh ngày Giáng sinh.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết họ đã nhận được các báo cáo. Người phát ngôn bộ Ngoại Giao Trung quốc là Hong Lei nói: “Chúng tôi đã nhận được các báo cáo có liên quan. Xin vui lòng tham khảo thêm với các cơ quan hữu quan của chính phủ Trung Quốc để có các thông tin chi tiết. Các cơ quan hữu quan của Trung Quốc đã luôn luôn chú trọng đến công tác an sinh xã hội, và không bỏ qua một nỗ lực nào trong việc bảo vệ sự an toàn của công dân Trung Quốc và người nước ngoài”.
Chính thức mà nói, Trung Quốc là một quốc gia vô thần. Do đó, Giáng sinh không phải là một ngày nghỉ lễ tại quốc gia này.
11. Giáng Sinh tại Damascus
Chỉ hai cây số cách Jobar, nơi quân đội Syria đang chiến đấu với phiến quân, hàng trăm Kitô hữu Syria đã tụ tập để thắp sáng một cây Giáng sinh vào tối thứ Năm 24 tháng 12 tại nhà thờ Công Giáo nghi lễ Syria tại khu phố Ghassani.
Kitô hữu đại diện cho mười một phần trăm tổng số dân tại Damascus, là địa danh được nêu rất nhiều trong sách Tông Vụ Tông Đồ.
Nhiều người có mặt tại đây đã bị quân khủng bố Hồi Giáo IS đe doạ phải bỏ nhà cửa di tản đến đây từ khi cuộc nội chiến của nước này bắt đầu vào năm 2011.
Nhiều người trong số họ đang nghĩ đến việc rời bỏ đất nước, trong khi những người khác nhất định ở lại. Họ nói rằng các Kitô hữu là một phần quan trọng của dân số Syria và rằng Syria là đất nước của họ. Cuộc chiến ở Syria ước tính đã giết chết hơn 250,000 người.
Hôm 18 tháng 12, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc gồm 15 nước đã thông qua một nghị quyết tái lập hòa bình cho Syria sau 5 năm nội chiến đẫm máu.
Nghị quyết kêu gọi việc ngưng bắn ngay lập tức giữa quân chính phủ của tổng thống Bashar al-Assad và quân nổi dậy. Tuy nhiên, lệnh ngưng bắn không được áp dụng đối với quân khủng bố Hồi Giáo IS. Bên cạnh đó trong tháng Giêng sắp tới chính phủ của tổng thống Assad phải ngồi vào bàn hội nghị với quân nổi dậy.
Hai vấn đề đe dọa sự thành công của nghị quyết này là vấn đề tương lai của tổng thống Bashar al-Assad và những ai sẽ những đại diện hợp pháp cho quân nổi dậy gồm rất nhiều nhóm khác nhau. Hoa Kỳ và một số quốc gia Tây phương đòi tổng thống Bashar al-Assad phải ra đi, trong khi đa số các quốc gia khác muốn dành quyền quyết định tương lai của tổng thống Assad cho người dân Syria trong một cuộc tổng tuyển cử công bằng và dân chủ.
Hôm 18 tháng 12, tổng thống Bashar và phu nhân Asma đã bất ngờ viếng thăm một ca đoàn Công Giáo nghi lễ Syriac đang tập hát chuẩn bị cho lễ Giáng Sinh tại nhà thờ chính tòa Notre Dame de Damas. Ngôi nhà thờ cổ kính này chỉ cách mặt trận có 2 cây số.
12. Ngày Năm Thánh các gia đình tại Vatican
Lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật 27-12, lễ Thánh Gia Thất cũng là Ngày Năm Thánh của các gia đình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ trong đền thờ thánh Phêrô. Tham dự thánh lễ có một số Hồng Y, các Tổng Giám Mục, Giám Mục, linh mục tu sĩ nam nữ và khoảng 8,000 tín hữu và du khách hành hương. Ca đoàn Sistina của Toà Thánh đã hát thánh thi Năm Thánh Lòng Thương Xót: “Chúng ta hãy thương xót như Thiên Chúa Cha”, trong khi Đức Thánh Cha và đoàn đồng tế gồm bốn Hồng Y và hàng chục linh mục thuộc Hội Đồng Toà Thánh về Gia Đình hay đặc trách việc mục vụ cho các gia đình tiến lên bàn thờ Tuyên Xưng Đức Tin.
Bài đọc một bằng tiếng Anh kể lại chuyện hai ông bà Elkana và Anna đem con là bé Samuel lên trung tâm thờ tự Shilo dâng cho Chúa. Bài đọc hai trích từ thư thứ nhất của thánh Gioan, khẳng định rằng Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta biết bao vì cho chúng ta được gọi là con cái Ngài, và chúng ta thực sự là con cái Thiên Chúa. Thánh vịnh và Phúc Âm đã được hát bằng tiếng Ý.
Giảng trong thánh lễ Đức Thánh Cha nói:
“Các bài đọc Kinh Thánh đã giới thiệu với chúng ta hai gia đình đi hành hương về Nhà Chúa. Ông Elkana và bà Anna đem con là Samuel lên trung tâm thờ tự Shilo và thánh hiến con cho Chúa (x. 1 Sm 1,20-22.24-28). Cũng thế thánh Giuse và Mẹ Maria cùng với Chúa Giêsu hành hương lên Giêrusalem dịp lễ Vượt Qua (x. Lc 2,41-52).
Trong các ngày này cũng có biết bao người hành hương về các Cửa Thánh đã được mở trong tất cả mọi nhà thờ chính toà trên thế giới và tại biết bao nhiêu đền thánh. Nhưng điều đẹp nhất đuợc Lời Chúa nêu bật hôm nay đó là cả gia đình đi hành hương. Cha, mẹ, con cái cùng nhau đi đến nhà Chúa để thánh hoá ngày lễ với lời cầu nguyện. Đây là một giáo huấn quan trọng được cống hiến cho cả các gia đình của chúng ta nữa.
Thật tốt cho chúng ta biết bao, khi nghĩ tới việc Mẹ Maria và cha thánh Giuse đã dậy Chúa Giêsu đọc các lời cầu nguyện! Và biết rằng trong ngày các ngài cùng nhau cầu nguyện, và vào ngày sabát các ngài cùng nhau đến hội đường để lắng nghe Sách Luật và các Ngôn sứ, và cùng toàn dân chúc tụng Chúa. Và chắc chắn khi hành hương lên Giêrusalem, các ngài đã hát các lời của thánh vịnh: “Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi: Ta cùng trẩy lên Đền Thánh Chúa!”. Hỡi Giêrusalem, chân ta đã dừng trên các cửa của ngươi!” (Tv 122,1-2).
Thật quan trọng biết bao cho các gia đình của chúng ta cùng nhau bước đi và cùng nhau có chung một mục đích phải tới! Chúng ta biết rằng mình có một lộ trình chung phải đi, một con đường nơi chúng ta gặp phải các khó khăn, nhưng cũng có những lúc của niềm vui và sự an ủi. Trong cuộc hành hương này của cuộc sống chúng ta cũng chia sẻ lúc cầu nguyện. Áp dụng vào cuộc sống gia đình Đức Thánh Cha nói:
Có điều gì đẹp hơn đối với một người cha và một người mẹ là chúc lành cho con cái mình khi bắt đầu và kết thúc một ngày sống! Vẽ hình thánh giá trên trán chúng như trong ngày Rửa Tội. Đó lại chẳng phải là lời cầu nguyện đơn sơ nhất của các cha mẹ đối với con cái mình hay sao? Chúc lành cho chúng có nghĩa là phó thác chúng cho Chúa, để Chúa che chở và nâng đỡ chúng trong những lúc khác nhau của ngày sống. Thật quan trọng biết bao cho gia đình cùng nhau cầu nguyện trước các bữa ăn, để cảm tạ Chúa về các ơn và để học chia sẻ những gì đã nhận lãnh với người thiếu thốn hơn. Tất cả đều là các cử chỉ nhỏ nhặt, nhưng chúng diễn tả vài trò giáo dục lớn mà gia đình có được.
Sau khi cuộc hành hương kết thúc, Chúa Giêsu đã trở về Nagiarét và vâng phục cha mẹ Người (x. Lc 2,51). Cả hình ảnh này nữa cũng chứa đựng một giáo huấn đẹp đối với gia đình. Thật thế, cuộc hành hương không kết thúc với việc đạt mục tiêu của đền thánh, nhưng khi trở về nhà và lấy lại cuộc sống thường ngày, thực thi các hoa trái thiêng liêng của kinh nghiệm đã sống. Chúng ta biết Chúa Giêsu đã làm gì trong lần đó. Thay vì trở về nhà với cha mẹ, Người dã ở lại trong Đền Thờ Giêrusalem, gây ra cho Mẹ Maria và thánh Giuse một nỗi đau đớn lớn, vì đã không tìm thấy Người. Chắc chắn Chúa Giêsu cũng đã phải xin lỗi cha mẹ về “vụ trốn đi ấy”. Phúc Âm không nói đến, nhưng tôi tin là chúng ta có thể giả thiết như vậy. Câu Mẹ Maria hỏi biểu lộ một trách móc nào đó, minh nhiên cho thấy nỗi âu lo của Mẹ và thánh Giuse, Nhưng khi trở về nhà Chúa Giêsu đã ôm chặt các vị để chứng minh cho thấy tất cả lòng trìu mến và vâng lời của Người.
Trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, ước chi mỗi gia đình có thể trở thành nơi ưu tiên trong đó chúng ta sống kinh nghiệm niềm vui của sự tha thứ. Sự tha thứ là nòng cốt của tình yêu biết hiểu lỗi lầm và sửa đổi. Chính bên trong gia đình mà người ta giáo dục tha thứ, bởi vì người ta xác chắc chắn được hiểu biết và nâng đỡ, mặc dù có các lỗi lầm đã phạm.
Chúng ta đừng mất tin tưởng nơi gia đình! Thật là đẹp luôn luôn rộng mở con tim cho nhau mà không giấu diếm gì cả. Nơi đâu có tình yêu, nơi đó cũng có sự thông cảm và tha thứ. Các gia đình thân mến, tôi xin phó thác tất cả anh chị em, phó thác cho cuộc hành hương gia đình sứ mệnh quan trọng này, mà thế giới và Giáo Hội cần đến hơn bao giờ hết.
Các lời nguyện giáo dân đã được đọc bằng các thứ tiếng: Pháp, Tầu, Bồ Đào Nha, Nga, và Đức: cầu cho Hội Thánh, xin cho ơn thánh đến từ các bí tích xây dựng Giáo Hội trong chân lý và tình bác ái và khiến cho nó trở thành ngôi nhà tiếp đón mọi con cái mình; cầu cho hàng lãnh đạo và các nhà làm luật, được sự khôn ngoan đến từ trên hướng dẫn phục vụ thiện ích của mọi người, bảo vệ sự ổn định và an lành của các gia đình; xin cho các gia đình kitô được niềm vui nâng đỡ trong các lao nhọc thường ngày và rộng mở cho một niềm hy vọng không gây thất vọng; cầu cho sự sống sinh ra, xin cho lòng trung thành của Thiên Chúa đối với các lời hứa làm sống dậy ước muốn sinh con cái và tiếp nhận các sự sống mới và thắng vượt các tâm tình ích kỷ và khép kín; cầu cho các người nghèo và cô đơn, xin cho sự ủi an đến từ lễ Chúa Giêsu giáng sinh và lòng bác ái cụ thể của các kitô hữu bao bọc họ với hơi ấm của sự hiệp thông và tình huynh đệ.
13. Bài Huấn Dụ trong buổi đọc Kinh Truyền Tin lễ Thánh Gia
Trong bài huấn dụ trưa Chúa Nhật 27 tháng 12, Đức Thánh Cha đã khích lệ các gia đình noi gương sống của Thánh Gia Nagiarét là trường học của Phúc Âm để là một “Giáo Hội tại gia”, một cộng đoàn đặc biệt của tình yêu.
Đức Thánh Cha nói:
Trong bầu khí tươi vui là lễ Giáng Sinh trong Chúa Nhật này chúng ta cử hành lễ Thánh Gia Thất. Tôi nghĩ tới cuộc gặp gỡ lớn ở Philadelphia hồi tháng 9 năm nay, tôi nghĩ tới biết bao gia đình đã gặp trong các chuyến tông du, và tôi nghĩ tới các gia đình trên toàn thế giới. Tôi muốn chào thăm tất cả các gia đình với lòng trìu mến và biết ơn, đặc biệt trong thời đại này của chúng ta, trong đó gia đình phải gánh chịu các hiểu lầm và khó khăn đủ loại làm cho nó suy yếu đi.
Phúc Âm hôm nay mời gọi các gia đình tiếp nhận ánh sáng của niềm hy vọng đến từ căn nhà Nagiarét, trong đó tuổi thơ của Chúa Giêsu đã phát triển trong tươi vui, và thánh sử Luca nói rằng Ngài “lớn lên trong khôn ngoan, tuổi tác và ơn thánh trước mặt Thiên Chúa và loài người” (Lc 2,52). Đối với mọi tín hữu và đặc biệt là các gia đình, tổ ấm gia đình của Chúa Giêsu, Mẹ Maria và thánh Giuse là một trường học Phúc Âm đích thực. Đức Thánh Cha khai triển tư tưởng này như sau:
Ở đây chúng ta khâm phục việc thành toàn chương trình của Thiên Chúa làm cho gia đình trở thành một cộng đoàn đặc biệt của sự sống và tình yêu thương. Ở đây chúng ta học biết rằng mỗi nhân tố gia đình kitô được mời gọi là “Giáo Hội tại gia”, để rạng ngời lên các nhân đức tin mừng và trở thành men sự thiện trong xã hội. Các nét dặc thù của Thánh Gia Thất là: tiếp đón và cầu nguyện, hiểu biết và tôn trọng nhau, tinh thần hy sinh, lao động và liên đới.
Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ: Từ gương sáng và chứng tá của Thánh Gia Thất, mọi gia đình có thể rút tỉa ra các chỉ dẫn quý báu cho kiểu sống và các lựa chọn trong cuộc sống, và có thể kín múc sức mạnh và sự khôn ngoan cho con đường cuộc sống mọi ngày. Đức Mẹ và thánh Giuse dậy tiếp nhận con cái như món quà của Thiên Chúa, sinh ra chúng, giáo dục chúng, cộng tác một cách tuyệt vời với công trình sáng tạo của Đấng Tạo Hoá, và trao ban cho thế giới một nụ cuời qua mỗi trẻ em. Chính trong gia đình hiệp nhất mà con cái làm cho cuộc sống của chúng trưởng thành, bằng cách sống kinh nghiệm ý nghĩa và hữu hiệu của tình yêu thương nhưng không, của lòng hiền dịu, của sự tôn trọng lẫn nhau, hiểu biết nhau, của sự tha thứ và niềm vui.
Tôi muốn dừng lại nhất là trên niềm vui. Niềm vui đích thật, mà người ta kinh nghiệm trong gia đình, không phải là một cái gì tình cờ. Nhưng nó là một niềm vui kết quả của sự hoà hợp sâu thẳm giữa các con người với nhau, làm cho người ta nếm hưởng được vẻ đẹp của việc sống chung với nhau, nâng đỡ nhau trên con đường cuộc sống. Nhưng ở nền tảng của niềm vui luôn luôn có sự hiện diện của Thiên Chúa, tình yêu tiếp đón thương xót và kiên nhẫn của Ngài đối với tất cả mọi người. Nếu không mở rộng cửa gia đình cho sự hiện diện của Thiên Chúa và tình yêu của Ngài, gia đình mất đi sự hoà hợp, các khuynh hướng duy cá nhân thắng thế và niềm vui bị dập tắt. Trái lại gia đình sống niềm vui, niềm vui của sự sống, niềm vui của đức tin, thông truyền nó một cách tự phát, thì là muối đất và ánh sáng thế gian, là men cho toàn xã hội.
Xin Chúa Giêsu, Mẹ Maria và cha thánh Giuse chúc lành và che chở tất cả mọi gia đình trên thế giới, để trong đó ngự trị sự thanh thản và niềm vui, công lý và hoà bình, mà Chúa Kitô đã đem tới như món quà cho nhân loại khi Ngài sinh ra.
14. Khủng bố Hồi Giáo cấm Kitô hữu không được cử hành lễ Giáng Sinh vì trùng vào ngày “đản sinh” của Muhammad!
Lần đầu tiên kể từ năm 1558, Mawlid- tức là ngày “đản sinh” của tiên tri Muhammad, người sáng lập Hồi Giáo - trùng với ngày Lễ Giáng Sinh của Chúa Kitô. Thế giới Hồi Giáo đã cử hành lễ Mawlid trong 2 ngày 24 và 25 tháng 12.
Vì thế, bọn khủng bố Hồi Giáo IS ra lệnh cấm dân chúng không được cử hành, thậm chí không được nhắc đến lễ Giáng Sinh trong các vùng rộng lớn do chúng kiểm soát bao gồm 60% diện tích Iraq và một nửa nước Syria.
Thông tấn xã Công Giáo AsiaNews cho biết quân khủng bố Hồi Giáo IS tại Mosul đã cảnh cáo sẽ trừng phạt nặng bất cứ ai cử hành lễ Giáng Sinh dưới bất cứ hình nào.
Đức Hồng Y Louis Sako Raphael, là Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Chanđê cho biết người Công Giáo Iran vẫn tổ chức mừng Chúa Giáng Sinh bất chấp những hăm dọa của quân khủng bố Hồi Giáo IS.
“Ngày Lễ Chúa Giáng Sinh là một trong những lễ lớn được cử mừng bởi hàng tỉ người Kitô hữu trên toàn thế giới, Iraq cũng không là một ngoại lệ dù cho năm nay Kitô hữu Iraq phải tổ chức lễ Giáng sinh trong những hoàn cảnh tồi tệ, một mặt là vì tình trạng chung đất nước của chúng tôi đang xấu đi về mọi phương diện, và, mặt khác, vì sự phân biệt và loại trừ mà chúng tôi phải gánh chiụ trong tư cách là các Kitô hữu”
“Nhân dịp này, chúng tôi muốn được rất thẳng thắn nói thêm một lần nữa: chúng tôi sẽ không khuất phục bất công. Ngược lại, chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục gắn bó số phận mình với đất nước, và sẽ tiếp tục thể hiện tình yêu đối với đồng bào của chúng tôi, đơn giản chỉ vì họ là anh chị em của chúng tôi.”
15. Rabbi Do Thái nổi điên đòi cấm cử hành lễ Giáng Sinh tại Bethlehem, và gọi người Công Giáo là Ma Cà Rồng
Trong bản tin ngày 23 tháng 12, thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc cho biết Hội Đồng Các Đấng Bản Quyền Công Giáo tại Thánh Địa đã bày tỏ “sự thất vọng” và ngay lập tức lên án một tuyên bố chống Kitô giáo được phổ biến gần lễ Giáng Sinh của Rabbi Bentzi Gopstein, là một nhân vật có tầm ảnh hưởng rất lớn tại Do Thái.
Các Giám Mục thất vọng rằng một tuyên bố như thế lại được đưa ra bối cảnh kỷ niệm lần thứ năm mươi công bố Tuyên Ngôn Nostra Aetate, là văn kiện mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ giữa người Do Thái và Giáo Hội Công Giáo.
Rabbi Benzi Gopstein là người khét tiếng với những lập trường cực đoan và là nhà lãnh đạo của phong trào Lehava, một tổ chức được hình thành với mục đích phản đối cuộc hôn nhân giữa những người Do Thái và những người không phải là Do Thái.
Trong những ngày gần đây, ông ta đưa ra một tuyên bố vận động việc cấm cử hành tất cả các ngày lễ Kitô giáo, bắt đầu với lễ Giáng Sinh. Ông ta cũng đòi trục xuất tất cả các Kitô hữu khỏi Israel, “trước khi những con ma cà rồng này uống máu của chúng ta”.
Trong một tuyên bố của Tòa Thượng phụ Latinh Giêrusalem, Hội Đồng Các Đấng Bản Quyền Công Giáo tại Thánh Địa lên án “những lời vô trách nhiệm do Rabbi Gopstein đưa ra”, và gọi đó là “một sự xúc phạm đến tinh thần đối thoại”.
Các Giám Mục Công Giáo tại Thánh Địa, trước đây đã nhiều lần lên án các hành động khiêu khích của các giáo sĩ cực đoan, đã thỉnh cầu nhà chức trách Israel có biện pháp cụ thể trước những kích động bạo lực loại này. Các ngài lưu ý rằng các tuyên bố kích động hận thù tương tự “cho thấy một mối đe dọa thực sự cho sự cùng tồn tại hòa bình tại Israel”, và vì thế chính quyền phải có “các biện pháp cần thiết vì lợi ích của tất cả các công dân “.
Rabbi Gopstein đã nhiều lần xúi giục và biện minh cho các cuộc tấn công và đốt phá các nhà thờ Kitô Giáo và các đền thờ Hồi giáo tại Do Thái và coi đó là những nỗ lực hợp pháp để thanh tẩy vùng đất Israel khỏi các giáo phái tôn thờ ngẫu tượng.
Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/1000.htm
- Nguy cơ diệt vong các cộng đoàn Kitô tại Iraq trước sự dửng dưng của thế giới
- Chia sẻ Phúc Âm Chúa Nhật 18 Thường niên Năm A
- Video: Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: Câu chuyện Người Samaritanô Nhân Lành
- Video: Tình cảnh các tín hữu Kitô Iraq
- Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 01-07/08/2014: Đức Hồng Y Edward Clancy ân nhân người Việt Công Giáo Sydney
- Video: Phỏng vấn Lm. Nhạc Sĩ Nguyễn Mộng Huỳnh về Nhóm Thánh Ca Mới
- Video: Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: 07-13/08/2014: Tám Mối Phúc Thật
- Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican: 8 – 14/08/2014 - Đức Thánh Cha tông du Hàn quốc, Tòa Thánh tố cáo những thế lực đằng sau thảm họa nhân đạo tại Iraq
- ĐÔI NÉT VỀ GIÁO XỨ VINH SƠN
- Video: Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: 14-20/08/2014 - Chúa Giêsu là ai đối với chúng ta?