Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 17/9 – 23/09/2015: Đức Thánh Cha tông du Cuba và Hoa Kỳ
24/09/2015 12:00:00 SA
1. Đức Thánh Cha kêu gọi cứu trợ các nạn nhân chiến tranh Iraq và Syria.Đức Thánh Cha kêu gọi củng cố sự cộng tác bên trong Giáo Hội Công Giáo với các Giáo Hội Kitô khác, và các tổ chức nhân đạo quốc tế trong việc cứu trợ các nạn nhân chiến tranh Iraq và Syria.
Đức Thánh Cha đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến các thành viên đại hội do Hội Đồng Toà Thánh Cor Unum tổ chức về “cuộc khủng hoảng nhân đạo Syria và Iraq”. Tham dự đại hội đã có các Giám Mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân thuộc các tổ chức bác ái hoạt động trong vùng Trung Đông. Đề cập tới thảm cảnh của toàn vùng Đức Thánh Cha nói: một trong các thảm cảnh nhân đạo nặng nề nhất trong các thập niên qua là các hậu qủa của các xung đột bên Syria và Iraq, đè nặng trên các thường dân cũng như gia tài văn hóa của hai nước này. Hàng triệu người đang phải sống trong tình trạng thiếu thốn lo âu, bị bó buộc bỏ nhà cửa quê hương chạy trốn chiến tranh. Các nưóc Libăng, Giordania và Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang mang gánh nặng của hàng triệu người tỵ nạn, mà họ đã quảng đại tiếp đón. Cộng đoàn quốc tế xem ra không có khả năng tìm ra các câu trả lời thích đáng cho quang cảnh chiến tranh xung khắc này, trong khi các kẻ buôn vũ khí tiếp tục kiếm lời.
Tuy nhiên, ngày nay khác với quá khứ, các xung khắc này bao gồm các tàn ác và vi phạm nhân quyền chưa từng có, đuợc các phương tiện truyền thông phổ biến tức thì cho toàn thế giới chứng kiến. Không ai có thể giả bộ không trông thấy. Tất cả mọi người đều ý thức rằng cuộc chiến này ngày càng không thể hịu đựng đuợc trên vai của dân nghèo. Cần phải tìm ra giải pháp, không phải giải pháp bạo lực, vì bạo lực chỉ tạo ra thêm các vết thương mà thôi.
Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Tôi khích lệ anh chị em đặc biệt chú ý tới các nhu cầu vật chất và tinh thần của những người yếu đuối và không đuợc bệnh đỡ nhất: tôi đặc biệt nghĩ tới các gia đình, người già, người bệnh và các trẻ em. Các trẻ em và người trẻ, hy vọng của tương lai, bị lấy mất đi các quyền căn bản là được lớn lên trong thanh bình của gia đình, được yêu thương săn sóc, chơi đùa và học hành. Với chiến cuộc tiếp diễn, hàng triệu trẻ em mất đi quyền được giáo dục, và hậu qủa là tương lại mờ mịt của chúng. Anh chị em đừng thiếu dấn thân trong lãnh vực sinh tử này.
Có biết bao nhiêu là nạn nhân của xung khắc: tôi nghĩ tới tất cả và cầu nguyện cho tất cả. Nhưng tôi không thể im lặng trước sự thiệt hại nặng nề, mà các cộng đoàn kitô bên Syria và Iraq phải gánh chịu, nơi nhiều anh chị em bị xúc phạm vì đức tin của họ, bị đuổi khỏi đất đai nhà cửa, bị cầm tù hay cả bị giết. Trong bao nhiêu thế kỷ các cộng đoàn kitô và các cộng đoàn hồi giáo đã sống chung trong các vùng đất này, dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau. Nhưng ngày nay, cả tính cách hợp pháp sự hiện diện của các kitô hữu và các nhóm tôn giáo thiểu số cũng bị chối bỏ, nhân danh một chủ trương cuồng tín bạo lực đòi có gốc rễ tôn giáo. Nhưng Giáo Hội đáp trả lại bao nhiêu tấn kích và bách hại phải chịu tại các nước này, bằng cách can đảm làm chứng cho Chúa Kitô, qua sự hiện diện khiêm tốn và sốt mến của mình, qua việc đối thoại chân thành và phục vụ quảng đại mọi người không phân biệt ai.
Bên Syria và Iraq đang có sự phá hủy các dinh thự và cơ cấu hạ tầng, nhưng nhất là phá hủy lương tâm con người. Nhân danh Chúa Giêsu đã tới trần gian để chữa lành các vết thương của nhân loại, Giáo Hội đáp trả lại sự dữ với sự thiện, bằng cách thăng tiến sự phát triển toàn vẹn của con người và lo lắng cho mọi người. Để đáp lại lời mời gọi khó khăn này, các tín hữu Công Giáo cần củng cố sự cộng tác với nhau, với các Giáo Hội kitô khác, cũng như với các tổ chức nhân dạo quốc tế và mọi người thiện chí. Tôi khích lệ anh chị em hãy tiếp tục bước đi trên con đường cộng tác và chia sẻ đó. Xin đừng bỏ rơi các nạn nhân của cuộc khủng hoảng này, cả khi thế giới có giảm sự lưu tâm tới họ đi nữa.
2. Đức Thánh Cha khích lệ các hoạt động mục vụ cho trẻ bụi đời và phụ nữ mại dâm
Đức Thánh Cha khích lệ mọi nhân viên hoạt động trong lãnh vực mục vụ đường phố kiên trì trong sứ mệnh trợ giúp các phụ nữ và trẻ em phải sống trên đường phố và bị khai thác bóc lột.
Ngài đã đưa ra lời mời gọi trên đây trong buổi tiếp kiến các tham dự viên đại hội quốc tế mục vụ đường phố, do Hội Đồng Toà Thánh về Mục vụ cho người di cư và lưu động tổ chức tại Rôma trong các ngày vừa qua. Đức Thánh Cha nói: các thực tại nhiều khi rất buồn thương, mà anh chị em gặp, bị gây ra bởi sự thờ ơ, nạn nghèo túng, bạo lực gia đình và xã hội, và nạn buôn người. Thêm vào đó là nỗi đớn đau của các chia lìa hôn nhân, việc sinh con ngoài hôn nhân, khiến cho trẻ em và người trẻ phải sống lang thang. Các phụ nữ và trẻ em đường phố là các bản vị có tên tuổi, gương mặt, và một căn tính, do Thiên Chúa ban cho từng người.
Không có trẻ em nào tự lựa chọn sống trên đường phố. Rất tiếc cả trong thế giới tân tiến và toàn cầu, cũng có biết bao nhiêu trẻ em bị cướp mất tuổi thơ, quyền lợi và tương lai. Việc thiếu các luật lệ và các cơ cấu thích hợp khiến cho tình trạng sống thiếu thốn của các em trầm trọng hơn. Mỗi một trẻ em bị bỏ rơi hay bị bó buộc sống trên đường phố trở thành mồi của các tổ chức tội phạm, là một tiếng kêu lên tới Thiên Chúa, là Đấng đã tạo dựng người nam và người nữ giống hình ảnh Ngài; là một tiếng kêu tố cáo hệ thống xã hội, mà chúng ta chỉ trích nhiều thập niên qua, nhưng vất vả trong việc thay đổi nó theo các tiêu chuẩn của công lý.
Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói thật đáng lo âu, khi thấy gia tăng số các thanh thiếu niên và phụ nữ bị bó buộc kiếm sống trên đường phố, bằng cách bán thân xác mình, bị khai thác bởi các tổ chức tội phạm, và đôi khi bởi chính cha mẹ và người thân. Thực tại ấy là một hổ nhục cho các xã hội của chúng ta, khoe khoang là tân tiến và đã đạt các mức độ văn hóa và phát triển cao. Nạn gian tham hối lộ lan tràn và việc tìm kiếm lợi nhuận bằng mọi cách lấy mất đi của các người vô tội và không phương thế tự vệ khả thể có một cuộc sống xứng với nhân phẩm, dưỡng nuôi nạn tội phạm buôn người và các bất công khác đè nặng trên vai họ. Không ai có thể bất động trước sự cấp thiết cứu vớt phẩm giá của phụ nữ, bị đe đọa bởi các yếu tố văn hóa và kinh tế.
Tôi xin anh chị em đừng đầu hàng trước các thách đố khó khăn gọi hỏi xác tín của anh chị em, được dưỡng nuôi bởi niềm tin nơi Chúa Kitô, là Đấng đã chứng minh cho tới tột đỉnh với cái chết trên thập giá, tình yêu ưu tiên Thiên Chúa Cha dành cho những người yếu đuối và bị gạt bỏ ngoài lề nhất. Giáo Hội không thể im lặng, các cơ cấu của Giáo Hội không thể nhắm mắt trước hiện tượng xấu xa trẻ em và phụ nữ đường phố. Cần huy động các thành phần khác nhau của cộng đoàn kitô trong các nước để loại bỏ các lý do bắt buộc trẻ em và phụ nữ phải sống trên đường phố…
Tôi cầu chúc anh chị em có một sứ mệnh phong phú trên quê hương của anh chị em trong mục vụ đường phố và việc giải thoát những người giòn mỏng và yếu đuối nhất, một sứ mệnh phong phú trong nỗ lực thăng tiến và cứu vớt căn tính và phẩm giá của họ.
3. Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến các Bộ trưởng môi sinh của các nước Liên Hiệp Âu châu
Sáng ngày 16 tháng 9, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến các Bộ trưởng môi sinh của các nước Liên Hiệp Âu châu. Ngài kêu gọi thực thi ba nguyên tắc: liên đới, công bằng và chia sẻ.
Đức Thánh Cha khẳng định rằng môi sinh là thiện ích chung và là gia tài của toàn nhân loại. Vì thế mọi người đều có nhiệm vụ cộng tác với nhau để bảo vệ và gìn giữ nó cho thiện ích chung. Nhưng trước các tai ương môi sinh người nghèo phải đau khổ nhất, vì các hậu quả to lớn của chúng.
Tình liên đới đòi buộc phải sử dụng các dụng cụ hữu hiệu, có khả năng hiệp nhất việc chống lại nạn môi sinh đồi tệ với cuộc chiến chống nạn nghèo đói: bằng cách phát triển và di chuyển các kỹ thuật thích hợp, có khả năng sử dụng các tài nguyên nhân bản và thiên nhiên, xã hội và kinh tế, tới các địa phương.
Sự công bằng đỏi hỏi các nước giầu miền bắc bán cầu trả “món nợ môi sinh” cho các nước nghèo miền nam bán cầu, đặc biệt vài nước đã khai thác các tài nguyên thiên nhiên quá độ tạo ra các mất thăng bằng thương mại, để lại các hệ lụy tiêu cực trên môi sinh. Các nước giầu được mời gọi góp phần giải quyết món nợ đó và làm gương hạn chế việc tiêu thụ năng lượng không thể canh tân, đem tài nguyên tới các nước cần được trợ giúp để thăng tiến các đường lối chính trị và chương trình phát triển có thể chịu đựng được, sử dụng các hệ thống quản trị liên quan tới rừng, việc vận chuyển, rác, hiện tượng phung phí thực phẩm, hầu cải tiến kinh tế và khích lệ người dân có các cung cách sống khác có trach nhiệm hơn. Sau cùng là việc tham dự của tất cả các phần tử liên hệ, nhất là những người đã không hề có tiếng nói trong các quyết định liên quan tới thiện ích chung.
4. Cửa thánh thứ Năm tại Rôma được mở tại một cư xá cho những người vô gia cư
Trong một cử chỉ đầy biểu tượng, giáo phận Rôma thông báo sẽ mở thêm cửa thánh thứ năm ngay bên trong một cư xá dành cho 180 người vô gia cư tại Rôma do Caritas giáo phận điều hành.
Đức Hồng Y Agostino Vallini, giám quản của giáo phận Rôma, đã thông báo rằng đích thân Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chính thức mở Cửa Thánh tại Caritas Hostel vào ngày 18 tháng 12, tức là 10 ngày sau khi khai mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót.
Một Cửa Thánh khác sẽ được đặt tại đền thánh Đức Mẹ của Tình Yêu Thiên Chúa, trên đường Via Ardeatina: một nơi tôn nghiêm rất thân thiết với Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.
Trong Năm Thánh, ơn toàn xá được ban cho những người hành hương đi qua Cửa Thánh. Đức Thánh Cha sẽ mở cửa thánh tại Đền Thờ Thánh Phêrô vào ngày thứ Ba 8 tháng 12, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, cũng là ngày khai mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót.
Chúa Nhật tiếp theo, ngày 13 tháng 12, là Chúa Nhật thứ Ba Mùa Vọng, cửa thánh sẽ được mở tại Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô và tại tất cả các giáo phận trên thế giới.
Ngày 1 tháng Giêng năm 2016, cửa thánh sẽ được mở tại Đền Thờ Đức Bà Cả, và ngày 25 tháng Giêng, Lễ Thánh Phaolô Trở Lại, nhân bế mạc tuần hiệp nhất Kitô Giáo, Đức Thánh Cha sẽ mở cửa thánh tại Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành.
5. Giám Mục thành Aleppo lo ngại cộng đoàn của ngài sẽ biến mất hoàn toàn
Dân số Kitô hữu tại Aleppo, thành phố lớn thứ hai của Syria, đã thiệt mất hai phần ba trong năm năm qua, và vị Giám Mục của thành phố này thừa nhận “một nỗi sợ hãi thực sự là cộng đoàn của chúng tôi có thể biến mất hoàn toàn.”
Đức Cha Antoine Audo đã nói như trên với các phóng viên tại Rôma trong một cuộc họp báo hôm 16 tháng 9 do tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ và Hiệp hội báo chí nước ngoài của Italia đồng bảo trợ.
Đức Cha cho biết trước khi xảy ra cuộc nội chiến tại Syria, giáo phận Aleppo của ngài có 150,000 tín hữu. Đến nay, 100,000 người đã di tản khỏi Aleppo. Đức Cha cho biết về tình hình hiện nay như sau: “Một phần của thành phố được kiểm soát bởi chính phủ, trong khi phần còn lại nằm trong tay của các nhóm cực đoan đang không ngừng tấn công các khu vực do quân đội Syria kiểm soát, là nơi mà phần lớn người Kitô hữu sinh sống.”
Aleppo là một thành phố đặc biệt dễ bị tổn thương, vì theo Đức Cha, nó nằm gần Thổ Nhĩ Kỳ, một đất nước mà ngài cáo buộc là “đang tiếp tục cung cấp vũ khí và hoan nghênh các nhóm cực đoan.”
Bình luận về sự di cư hàng loạt của những người tị nạn từ Syria, Đức Giám Mục Audo nói rằng hy vọng đang nhanh chóng tàn lụi trong lòng người dân Syria. Những thanh niên trẻ và gia đình của họ “sợ hãi khi bị gọi thi hành quân dịch và không muốn tham gia vào một cuộc chiến tranh vô nghĩa.”
Đức Cha Audo nói rằng các Kitô hữu Syria “muốn ở lại trên ở trên mảnh đất quê hương.” Nhưng tình hình quá ảm đạm, bởi vì “có vẻ như là cái cộng đồng quốc tế này mong muốn thấy cuộc chiến tiếp tục giằng dai tại quê hương chúng tôi trong một chiến lược quân sự nhằm gieo rắc bạo lực trên toàn khu vực, nhằm kích động chia rẽ và bán vũ khí”.
Trở lại với tình trạng nhân đạo ở Aleppo, Đức Tổng Giám mục Audo cho biết sau bốn năm rưỡi chiến tranh, mọi thứ đã trở nên “khốn cùng” đối với người dân. “Những người giàu có đã bỏ đi, tầng lớp trung lưu đã trở thành người nghèo và những người nghèo đang sống trong đau khổ đến mức cùng khốn.” Hơn 80 phần trăm dân số là người thất nghiệp và thành phố đã không có điện và nước trong hơn hai tháng qua. Đức Tổng Giám Mục nói “nhà thờ của chúng tôi có những giếng nước và chúng tôi cố gắng để phân phối nước cho người dân hết mức có thể. Trong các đường phố, đâu đâu cũng thấy các trẻ nhỏ và thanh thiếu niên mang theo những chai rỗng lang thang đi tìm nước.”
Kể từ khi cuộc khủng hoảng tại Syria bùng nổ dạo tháng 3 năm 2011, tổ chức Trợ Giúp các Giáo Hội đau khổ đã trợ giúp ngân khoản trên 8 triệu euro cho người dân nước này trong nhiều dự án khác nhau. Tổ chức đặc biệt chú ý đến những thành phố bị thiệt hại nặng nề nhất, chẳng hạn như Homs, Aleppo và Damasco. Tại Aleppo, tổ chức Trợ giúp các Giáo Hội đau khổ bảo trợ nhiều chương trình nhân đạo.
Ngay từ đầu cuộc khủng hoảng, Đức Cha Audo đã không ngừng kêu gọi thế giới chú ý đến những điều kiện khốn khổ của các tín hữu Mossul. Đức Cha khẳng định: Ngày nay, các tín hữu Aleppo lo âu, sợ phải chịu chung số phận với các anh chị em đồng đạo đã bị đuổi đi khỏi Mossul hồi năm ngoái. Tiếp sau việc Âu châu nỗ lực đón tiếp người tỵ nạn Syria, Đức Cha nhiều lần mời gọi các chính quyền Âu châu góp phần tìm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng trong nước. Ngài nói: Chúng tôi thật lòng biết ơn vì những trợ giúp đã nhận lãnh. Nhưng chúng tôi, là người Kitô Syria, chúng tôi muốn được ở lại quê hương.
6. Cuộc họp báo của Đức Thánh Cha Phanxicô trên chuyến bay Rôma - Havana
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Khi chúng tôi thu hình chương trình này, Đức Thánh Cha đã bước sang phần thứ hai trong chuyến tông du quốc tế lần thứ 10 của ngài đến thăm Cuba và Hoa Kỳ. Ngài đã từ giã Cuba và đặt chân đến phi trường Andrews tại Hoa Thịnh Đốn.
Chúng tôi đã nhanh chóng tường thuật với quý vị về diễn tiến các biến cố. Thảo Ly chỉ xin bổ túc thêm về cuộc họp báo trên Rôma – Havana của Đức Thánh Cha Phanxicô.
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Đức Thánh Cha đã rời Rôma lúc 10 giờ 35 phút sáng thứ Bẩy 19 tháng 9 trên chuyến bay đặc biệt của hãng hàng không Alitalia.
Tháp tùng Đức Thánh Cha trên máy bay Airbus A330-200 của hãng Alitalia, có 76 ký giả quốc tế, không kể đoàn tùy tùng của ngài khoảng 30 người, đứng đầu là Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, Đức TGM Phụ tá Quốc vụ khanh Angelo Becciu, và lần này đặc biệt có thêm Đức TGM ngoại trưởng Paul Gallagher, người Anh, xét vì khía cạnh ngoại giao được nhấn mạnh hơn trong chuyến đi ngày của Đức Thánh Cha.
Ngay sau khi máy bay cất cánh, Đức Thánh Cha đã chào đón 76 nhà báo đồng hành với ngài trên chuyến bay. Cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh nhận xét rằng các phương tiện truyền thông sẽ tường thuật về chuyến đi này một cách đặc biệt hơn bình thường. Trong một bầu không khí rất thân thiện, Đức Thánh Cha hỏi thăm các ký giả về gia đình và công việc của họ. Ngài đã nhận được những món quà khác nhau từ các ký giả, kể cả một chiếc bánh empanada, là một thứ bánh truyền thống của Á Căn Đình. Ngài đã chia cho mọi người có mặt cùng ăn.
Đức Thánh Cha nói:
“Cảm ơn về sự đón tiếp của anh chị em. Tôi cầu chúc cho anh chị em một chuyến đi tốt lành. Nếu tôi không nhầm, thì đây là chuyến đi dài nhất mà tôi đã thực hiện. ... Cha Lombardi vừa nhắc đến hòa bình. Vâng, hôm nay thế giới đang khao khát hòa bình. Thế giới chúng ta đang có chiến tranh, những người nhập cư, những người chạy trốn bạo lực. Làn sóng nhập cư như hệ quả của chiến tranh, để thoát khỏi cái chết và tìm kiếm sự sống có thể được cảm nhận tại Âu Châu này. Hôm nay tôi rất hạnh phúckhi được chào đón tại giáo xứ Thánh Anna một trong hai gia đình cư trú tại Vatican. Họ là những người tị nạn Syria. Anh chị em có thể thấy những đau khổ trên khuôn mặt của họ. ... Tôi cảm ơn tất cả anh chị em trong công việc xây dựng những nhịp cầu. Có thể chỉ là những nhịp cầu nhỏ nhưng tất cả cùng nhau sẽ tạo thành những cây cầu lớn của hòa bình. Chúc anh chị em một chuyến đi tốt lành và thành công trong công việc. Hãy cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn anh chị em”
7. Thông điệp video của Đức Thánh Cha gởi người dân Cuba
Trong một diễn biến đáng khích lệ, các phương tiện truyền thông của nhà nước Cuba đã truyền đi một thông điệp bằng video của Đức Thánh Cha Phanxicô vào tối thứ Năm 17 tháng 9, tức là hai ngày trước khi Đức Thánh Cha đặt chân đến đảo quốc này.
Trong thông điệp gởi người dân Cuba, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài vui mừng được đến thăm đất nước của họ để chia sẻ niềm tin và hy vọng của dân chúng nước này. Ngài cũng cảm thấy khích lệ khi nghĩ đến lòng trung thành của họ với Chúa Kitô, lòng can đảm của họ khi phải đối mặt với những khó khăn hàng ngày, cũng như tình yêu mà họ dành cho nhau khi giúp đỡ và hỗ trợ lẫn nhau trong những nẻo đường của cuộc sống.
Đức Thánh Cha nói thông điệp của ngài rất đơn giản, nhưng có một điều quan trọng và cần thiết. Đó là, Chúa Giêsu yêu thương anh chị em rất nhiều, Chúa Giêsu hoàn toàn yêu thương anh chị em.
Đức Thánh Cha nói tiếp rằng Chúa yêu thương anh chị em từ trái tim của Ngài.
“Ngài biết rõ hơn ai hết những gì mọi người cần, khát vọng của anh chị em là gì, mong muốn sâu xa nhất của anh chị em là gì. Ngài không bao giờ bỏ rơi chúng ta, và ngay cả khi chúng ta không hành động như Ngài mong đợi nơi chúng ta, Chúa Giêsu vẫn luôn ở bên cạnh chúng ta, sẵn sàng chào đón chúng ta, an ủi chúng ta, mang đến cho chúng ta một niềm hy vọng mới, một cơ hội mới, một cuộc sống mới.”
Cám ơn những người Cuba về những lời cầu nguyện của họ trước chuyến tông du của ngài, Đức Thánh Cha Phanxicô nói ngài muốn đến giữa họ như một nhà truyền giáo của lòng thương xót, và nói thêm rằng “tôi cũng khuyến khích anh chị em trở thành những nhà truyền giáo loan truyền tình yêu vô biên của Thiên Chúa.”
Đức Thánh Cha bày tỏ vui mừng được đến thăm Đền Thánh Đức Mẹ Bác Ái Mỏ Đồng tại Santiago de Cuba, nơi ngài hằng ao ước được đến thăm. Ngài trao phó cuộc hành trình tông đồ này cho Đức Mẹ.
Đức Thánh Cha Phanxicô thăm Cuba từ 19 đến 22 tháng Chín.
8. Liên Hội Ðồng Giám Mục Âu Châu kết thúc Ðại Hội Khoáng Ðại tại Thánh Ðịa.
Ngày 16 tháng 9 năm 2015 Liên Hội Ðồng Giám Mục Âu châu đã kết thúc phiên họp khoáng đại tại Thánh Ðịa với thánh lễ đồng tế tại Vương cung thánh đường Mộ Chúa Giêsu.
Trong các ngày nhóm họp, các Giám Mục âu châu đã thảo luận nhiều vấn đề trong đó có tình hình Trung Ðông và sự cần thiết dấn thân của Giáo Hội tại các nước âu châu trợ giúp các kitô hữu Thánh Ðịa. Liên quan tới các vấn đề của lục địa Âu châu già nua có các thách đố chủng tộc, việc thăng tiến giá trị gia đình, và tiếp nhận người di cư tỵ nạn.
Sau thánh lễ các Giám Mục đã hội kiến với tổng thống Israel ông Reuven Rivlin. Ðức Hồng Y Péter Erdoe, Tổng Giám Mục Esztergom Budapest, Chủ tịch Liên Hội Ðồng Giám Mục Âu châu, dã khẳng định rằng các lý tưởng truyền thống của gia tài văn hóa do thái kitô vẫn còn đáng kể và quý báu đối với toàn nhân loại. Ðức Hồng Y cũng bầy tỏ âu lo đối với các cuộc bách hại kitô hữu trên thế giới, đặc biệt trong vùng Trung Ðông hiện nay. Ngài cầu mong sự hiểu biết và thông cảm lẫn nhau giúp tái lập các tương quan xây dựng và hoà bình giữa các dân tộc, các nền văn hóa và tôn giáo khác nhau. Ðức Hồng Y cũng cầu mong chính quyền Israel tìm ra giải pháp thích hợp cho các trường học kitô tại Israel và cầu chúc thịnh vượng và hoà bình cho Thánh Ðịa và toàn vùng Trung Ðông.
Ðáp lời Ðức Hồng Y, tổng thống Rivlin nhấn mạnh rằng Israel không có chiến tranh với Hồi giáo, không có ai chống lại Kitô giáo, tất cả mọi người phải cùng nhau chống lại khuynh hướng qúa khích và chủ trương cuồng tín. Tổng thống tâm sự rằng ngay từ ngày còn bé kinh nghiệm không thể nghe thổi kèn Sofar tại Bức Tường phía Tây Giêrusalem đã khiến cho ông hứa sẽ chiến đấu với hết mọi khả năng của mình, để không một tín hữu do thái, hồi giáo, kitô hay tín hữu tôn giáo nào phải sợ hãi bầy tỏ niềm tin của mình.
Dân tộc Do thái biết dấu kín niềm tin của mình và sợ mất mạng sống là gì. Mọi người đều phải lên án chủ trương bài do thái, chống Sion và mọi hình thức thù ghét kỳ thị chủng tộc khác. Ông thừa nhận rằng trong các năm qua các cộng đoàn kitô Trung Ðông đã phải trả giá mắc mỏ cho niềm tin của họ. Chính quyền Israel mạnh mẽ lên án các hành động phá phách các nợi thờ tự kitô. Vì việc tấn công bất cứ nơi thờ tự nào là tấn công tất cả chúng ta. Chính quyền Israel không chỉ là một nơi trú ẩn chắc chắn cho cộng đoàn kitô, mà muốn rằng cộng đoàn kitô có thể phát triển và giữ một vai trò quan trọng trong xã hội Israel.
Phái đoàn của các Giám Mục Liên Hiệp Âu châu cũng đã hội kiến với tổng thống Palestin Abu Abbas và đề cập đến nhiều vấn đề trong đó có các quyền của người Palestin và một nước Palestina độc lập.
9. Một giám mục Brazil chỉ trích các phương tiện truyền thông tạo ra một vị Giáo Hoàng giả khi bóp méo các tin tức từ Vatican
Các phương tiện truyền thông chính mạch tại Brazil đang bóp méo và gây ngộ nhận cho độc giả của họ về những động thái gần đây của Đức Thánh Cha Phanxicô trong việc cải cách quy trình tuyên bố hôn nhân vô hiệu và những điều khoản đặc biệt liên quan đến việc xưng tội trong Năm Thánh Lòng Thương Xót.
Đức Cha Henrique Soares da Costa của giáo phận Palmares đã cảnh báo như trên và nhận định rằng theo đà này những gì thế giới truyền thông muốn là “trở thành những người hướng dẫn đức tin cho người Công Giáo, bằng cách là tạo ra một vị giáo hoàng giả.”
Đức Cha nói “một số phương tiện truyền thông đã tường thuật các sự kiện trong đời sống Giáo Hội theo kiểu bóp méo và thêm thắt một cách đáng hổ thẹn.”
Liên quan đến việc cải cách quy trình tuyên bố hôn nhân vô hiệu được Tòa Thánh công bố hôm 08 tháng 9, Đức Cha Soares giải thích rằng trái với những gì đã được giới truyền thông Brazil đề cập, Giáo Hội chẳng có khả năng hay thẩm quyền để kết thúc một cuộc hôn nhân, nhưng vấn đề chỉ giới hạn trong việc nghiên cứu xem liệu một cuộc hôn nhân có phải là vô hiệu ngay từ đầu hay không.
Ngài nói rằng các tiêu đề giật gân như “Đức Giáo Hoàng đơn giản quá trình kết thúc một cuộc hôn nhân”, “Tiến trình cải cách của Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho phép một cuộc hôn nhân được kết thúc trong 45 ngày”, hay “Đức Giáo Hoàng Phanxicô tạo thuận lợi và giảm chi phí kết thúc một cuộc hôn nhân trong Giáo Hội” đều là sai lạc và cố tình bóp méo sự thật.
Đức Cha Soares nhấn mạnh rằng “Giáo Hội không thể kết thúc một cuộc hôn nhân. Đức Kitô đã không ban cho Giáo Hội thẩm quyền đó.” Đức Cha nói thêm là các biện pháp được ban hành bởi Đức Thánh Cha Phanxicô chỉ nhằm đơn giản hóa quá trình công bố một cuộc hôn nhân là vô hiệu ngay từ đầu chứ không ảnh hưởng gì đến tính bất khả phân ly của hôn nhân.
“Tóm tắt lại, Đức Giáo Hoàng không làm điều gì bất thường hay trái ngược với đức tin của Giáo Hội”, ngài nói.
Đức Cha Soares cũng chỉ trích các phương tiện truyền thông đã xuyên tạc thư của Đức Thánh Cha gởi cho Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng, theo đó, trong năm thánh Lòng Thương Xót, ngài ban cho tất cả các linh mục năng quyền được giải tội phá thai cho những người đã gây ra nếu họ thành tâm thống hối xin tha thứ.”
“Đầu tiên, tôi nhận thấy có những ý tưởng điên rồ được đăng tải trên các mặt báo cho rằng phá thai bây giờ sẽ là một tội ít nghiêm trọng với người Công Giáo. Phá thai là một tội nặng nhất, đó là một tội trọng dẫn đến vạ tuyệt thông tức khắc. Luôn luôn là như vậy.”
“Bình thường, việc tha vạ này có thể được giải bởi Đức Giám Mục bản quyền và những linh mục mà ngài chỉ định. Riêng trong năm Lòng Thương Xót, Đức Giáo Hoàng cho phép bất cứ linh mục nào cũng được tha vạ này.”
“Đây là một cử chỉ rất đẹp về phần Đức Giáo Hoàng, và diễn tả cách tuyệt vời sự tha thứ của Chúa cho những ai ăn năn một tội tày trời như vậy”.
10. Wall Street Journal: Vatican bất bình trước thái độ khiếm nhã của Obama
Các quan chức Vatican bất bình trước việc Tòa Bạch Cung đã mời một số nhân vật bất đồng Công Giáo tham dự một buổi tiếp tân dành cho Đức Thánh Cha Phanxicô, tờ Wall Street Journal hôm 17 tháng 9 cho biết như trên.
Trích dẫn các quan chức Vatican nhưng không nêu rõ tên, Francis Rocca của tờ Wall Street Journal nói rằng các nhà lãnh đạo Giáo Hội cảm thấy bị xúc phạm trước một danh sách khách mời bao gồm một số cá nhân công khai chống đối giáo huấn Công Giáo, trong đó có một nữ tu phò phá thai, một phụ nữ đổi giống và một giám mục công khai sống đồng tính thuộc Giáo Hội Trưởng Lão, cùng hai nhà hoạt động đồng tính Công Giáo. Những nhân vật khét tiếng này được tổng thống Obama mời dự buổi tiếp đón Đức Phanxicô tại Tòa Bạch Cung vào lúc 9h15 sáng ngày thứ Tư 23 tháng chín tới đây.
Chính quyền Obama, có một lịch sử lâu dài trong việc thúc đẩy những người Công Giáo chống lại những giáo huấn của Giáo Hội, đã công bố một danh sách khách mời bao gồm đại diện của các nhóm như Dignity USA và Network – là nhóm của nữ tu Simone Campbell mà lập trường về đồng tính luyến ái và phá thai thường xuyên tạo ra những căng thẳng với Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ và Tòa Thánh. Sơ Simone Campbell, là một luật sư thường được giới truyền thông thế tục Hoa Kỳ khen ngợi là một người phụ nữ thông minh, và tranh cãi rất quyết liệt.
Ký giả Francis Rocca cho biết các quan chức Vatican bày tỏ lo ngại rằng những bức ảnh chụp trong buổi tiếp tân tại sân cỏ phía Nam của Tòa Bạch Cung, có thể bị lợi dụng để tuyên truyền rằng Đức Thánh Cha hỗ trợ quan điểm cho những gương mặt nổi bật trong những hoạt động tấn Công Giáo Hội.
Trong buổi họp báo hôm 18 tháng 9, khi được hỏi về nhận định của tờ Wall Street Journal. Tùy viên báo chí phủ tổng thống là Josh Earnest phủ nhận điều này và nói có tới 15,000 người sẽ được mời tại buổi lễ chào đón.
Cho tới nay, Vatican đã không đưa ra bất kỳ tuyên bố chính thức nào liên quan tới bài báo của tờ Wall Street Journal. Bên cạnh đó, cha Thomas Rosica, một linh mục Canada, giám đốc mạng Salt & Light, một người làm việc chặt chẽ với văn phòng báo chí Tòa Thánh, cho biết trên account Twitter của mình rằng: “Vatican không bao giờ bình luận về những khách mời của vị nguyên thủ quốc gia.”
Một tờ báo lớn và có uy tín như tờ Wall Street Journal có lẽ không dựng đứng câu chuyện này lên. Do đó nhiều nhà quan sát cho rằng chính thức thì Tòa Thánh không muốn lên tiếng về việc này nhưng một số viên chức Vatican đã không hài lòng và thấy cần cẩn thận trước diễn biến này.
11. Xin đừng khuyến khích các Kitô hữu rời khỏi Trung Đông, Đức Thượng Phụ Canđê khẩn nài.
Trong khi kêu gọi các quốc gia Châu Âu không nên chỉ dành ưu tiên cho những người tị nạn Kitô giáo, Đức Thượng Phụ Canđê Louis Raphael I Sako đã cảnh báo trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng “hiện nay có một nguy cơ rất thực của Trung Đông, Iraq và Syria, đó là mất tất cả các Kitô hữu của mình.”
“Các nước châu Âu phải cung cấp nơi trú ẩn cho tất cả những người thực sự cần, bất kể họ thuộc tôn giáo nào”, Đức Thượng Phụ đã nói như trên với ấn bản Vatican Insider của tờ La Stampa, chuyên đưa các tin thời sự về Giáo Hội.
“Tôi có thể xác nhận rằng đây không chỉ đơn giản là chuyện di dời những người đang chạy trốn.”
Đức Thượng Phụ nói thêm:
“Các linh mục cũng cho tôi biết là có những người không hề gặp khó khăn gì về mặt tài chính, ví dụ những người làm việc tại các ngân hàng. Nhưng họ cũng bỏ chạy mặc dù họ là những người không cần phải di tản. Họ không thực sự phải đi đâu hết cả. Nhưng họ cảm thấy rằng một cánh cửa cơ hội đã mở ra, và họ sợ cánh cửa này sẽ sớm đóng lại. Do đó, họ tận dụng thời cơ này.”
12. Nhà thờ bị cướp phá, đốt cháy ở Yemen
Một nhà thờ tại Aden, Yemen, đã bị cướp phá và đốt cháy, có thể do các thành viên Al-Qaeda ở địa phương này gây ra, thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc đã cho biết như trên trong bản tin ngày 17 tháng 9.
Theo thống kê của Tòa Thánh, Yemen chỉ có bốn giáo xứ với 3,000 người Công Giáo trong một quốc gia đa số dân theo Hồi giáo với tổng số lên đến 25.4 triệu người. Cuộc nội chiến tại Yemen đã bột phát vào tháng Ba vừa qua.
13. Đức Hồng Y Robert Sarah: Các nghị phụ Châu Phi sẽ không nhượng bộ một mili mét nào
“Chính Châu Phi, và qua đó là Giáo Hội, sẽ cứu các gia đình”, Đức Hồng Y Robert Sarah cho biết như trên trong một cuộc phỏng vấn với National Catholic Register.
Đức Hồng Y Sarah, năm nay 70 tuổi, người gốc Guinea, là Tổng Trưởng Thánh Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, nói tiếp:
“Hôn nhân giữa một người nam và một người nữ cũng là cuộc hôn nhân giữa con người và Giáo Hội, là hiền thê của Chúa Kitô. Phá hủy kết hiệp thứ nhất là cũng hủy diệt kết hiệp thứ hai. Do đó, Châu Phi sẽ không nhượng bộ một mili mét nào về chuyện này.”
Đức Hồng Y Sarah sẽ có một bài phát biểu tại Hội nghị thế giới về gia đình ở Philadelphia vào tuần tới. Ngài nói rằng mặc dù gia đình phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng trong thế giới ngày nay, “Tôi tin rằng những người nam nữ, đặc biệt là những người trẻ tuổi, đều mong muốn những điều cao cả. Giáo Hội, cần giúp các tín hữu theo đuổi sự thánh thiện và không bỏ cuộc vì những dấn thân cho lý tưởng đó quá cam go”.
Về những lời kêu gọi thay đổi giáo huấn Giáo Hội về hôn nhân, Đức Hồng Y Sarah nói rằng tín lý không thể được hiểu đơn giản như là một tập hợp các quy tắc, nhưng phải được hiểu là lề luật của Thiên Chúa. “Những linh mục, giám mục nào, kể cả các nghị phụ của Thượng Hội đồng xem xét tín lý như thể đang nhìn qua cửa sổ một cửa hàng đồ cổ chứ không phải là đang quan sát một cơ thể sống động, thì tôi sợ rằng họ đang phản bội lại ơn gọi của mình.”
CÁC TIN KHÁC:
- Nguy cơ diệt vong các cộng đoàn Kitô tại Iraq trước sự dửng dưng của thế giới
- Chia sẻ Phúc Âm Chúa Nhật 18 Thường niên Năm A
- Video: Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: Câu chuyện Người Samaritanô Nhân Lành
- Video: Tình cảnh các tín hữu Kitô Iraq
- Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 01-07/08/2014: Đức Hồng Y Edward Clancy ân nhân người Việt Công Giáo Sydney
- Video: Phỏng vấn Lm. Nhạc Sĩ Nguyễn Mộng Huỳnh về Nhóm Thánh Ca Mới
- Video: Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: 07-13/08/2014: Tám Mối Phúc Thật
- Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican: 8 – 14/08/2014 - Đức Thánh Cha tông du Hàn quốc, Tòa Thánh tố cáo những thế lực đằng sau thảm họa nhân đạo tại Iraq
- ĐÔI NÉT VỀ GIÁO XỨ VINH SƠN
- Video: Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: 14-20/08/2014 - Chúa Giêsu là ai đối với chúng ta?