Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Video: Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 03/9 – 09/09/2015: Câu chuyện Thánh Augustinô.
09/09/2015 12:00:00 SA
1. Con tin Chúa là Thiên Chúa hằng sống, còn con chỉ là kẻ có tộiKhả năng nhận ra mình là kẻ tội lỗi đem lại cho chúng ta sự sửng sốt trong cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta sáng thứ Năm 3 tháng 9 lễ Thánh Grêgôriô Cả, Giáo Hoàng và Tiến Sĩ Hội Thánh.
Bài giảng Đức Thánh Cha Phanxicô đã tập trung vào bài Tin Mừng trong ngày kể về câu chuyện mẻ cá lạ. Sau khi làm việc suốt đêm mà không bắt được gì, thánh Phêrô, với niềm tin tưởng vào Chúa Giêsu, đã thả lưới xuống biển. Đức Thánh Cha sử dụng câu chuyện này để nói về đức tin như là một cuộc gặp gỡ với Chúa. Trước hết, ngài lưu ý cộng đoàn rằng Chúa Giêsu đã dành phần lớn thời gian của Ngài trên đường phố, với đám đông dân chúng; và rồi khi chiều tối, Ngài lui vào nơi thanh vắng để cầu nguyện – nhưng trước đó Ngài đã gặp dân chúng, đã tìm kiếm họ.
Trong cuộc gặp gỡ với Chúa, chúng ta có hai thái độ khác nhau. Thái độ thứ nhất là thái độ của Phêrô, của các Tông Đồ, và của đám đông dân chúng.
Đức Thánh Cha nói:
“Tin Mừng sử dụng cùng một từ để chỉ thái độ của dân chúng, của các Tông Đồ, và của Phêrô. Đó là ‘họ sửng sốt’. Sự kinh ngạc, trên thực tế, nắm lấy họ, và tất cả gì thuộc về họ khi cảm giác sửng sốt này ập đến.... Những người nghe Chúa Giêsu và những gì Ngài nói cảm thấy điều ngạc nhiên này là ‘Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư của họ’”
Thái độ thứ hai là thái độ của những nhóm người gặp gỡ Chúa Giêsu nhưng không cho phép sự ngạc nhiên này len lỏi vào con tim của họ.
Đức Thánh Cha đã nêu ra những ví dụ. Ngài nói:
“Các luật sĩ đã nghe Chúa Giêsu, nhưng họ tính toán trong bụng: ‘Ừ, ông ta thông minh đấy, ông ta là một con người nói những điều đúng, nhưng chúng ta không thể đồng ý với những điều này, không thể được. Họ đã tính toán, và họ đã quyết định giữ khoảng cách với Ngài.”
“Quỷ sứ cũng thế”, Đức Thánh Cha nói thêm, “Chúng cũng tuyên bố rằng Chúa Giêsu là ‘Con Thiên Chúa’, nhưng cũng như các luật sĩ và những người Pharisêu bất lương, họ không có khả năng ngạc nhiên, họ đã đóng cửa lòng mình trong sự tự mãn, và trong niềm tự hào của họ. Trái lại, Phêrô nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, nhưng ngay lúc đó ông tự nhận mình là kẻ có tội”.
“Bọn quỷ đến để nói sự thật về Ngài, nhưng chúng không hề nói gì về bản thân mình. Chúng không thể làm khác đi được. Niềm tự hào của chúng quá lớn đến mức ngăn cản chúng nói sự thật về mình. Các luật sĩ nói: ‘Đây là một con người thông minh, một giáo sĩ có khả năng đấy, còn biết làm phép lạ nữa kia!’ Nhưng họ không nói: ‘Chúng tôi là những kẻ rất tự phụ dù chúng tôi còn nhiều thiếu xót, chúng tôi đều là những kẻ có tội’. Không có khả năng nhận ra mình là kẻ tội lỗi khiến cho chúng ta không có được những lời thú nhận thật sự về Chúa Giêsu. Và đây là sự khác biệt.”
“Đó là sự khác biệt giữa sự khiêm tốn của người thu thuế, là người nhận ra mình là kẻ tội lỗi; và niềm tự hào của người Pharisêu là người đang huênh hoang nói tốt về chính mình.
Khả năng nói rằng chúng ta là những người tội lỗi mở ra trước chúng ta sự ngạc nhiên trong cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô, một cuộc gặp gỡ thật sự. Trong các giáo xứ, trong các cộng đoàn của chúng ta, ngay cả nơi những người thánh hiến: Có bao nhiêu người có khả năng nói rằng Chúa Giêsu là Chúa? Nhiều lắm! Nhưng thật khó biết bao để nói một cách chân thành rằng: ‘Tôi là kẻ có tội.’ Thật dễ dàng để nói về tội lỗi của người khác, phải không? Khi một người được ngồi lê đôi mách chuyện này, chuyện nọ, chuyện kia... Chúng ta tất cả đều là những bậc thầy về những chuyện như thế, không phải sao? Để đến với một cuộc gặp gỡ thực sự với Chúa Kitô một lời tuyên xưng gồm hai mặt như sau là cần thiết: ‘Ngài là Con Thiên Chúa, và tôi là kẻ có tội’ - nhưng không được nói chung chung mà phải rõ ràng rằng tôi là kẻ có tội vì điều này, vì điều nọ, vì điều kia, và vì những điều này nữa…”
Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng:
“Phêrô, sau đó đã quên đi sự ngạc nhiên trong cuộc gặp gỡ lần đầu với Chúa và đã chối Chúa. Nhưng vì ông khiêm tốn, ông đã được cho gặp Chúa, và khi ánh mắt họ gặp nhau, ông đã khóc, ông quay trở lại với lời xưng thú ‘Tôi là kẻ có tội.’”
Đức Thánh Cha Phanxicô đã kết luận bài giảng của ngài với lời nguyện “Xin Chúa ban cho chúng ta ơn để gặp Ngài, nhưng cũng để cho phép chính mình gặp Ngài. Xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng quá đẹp này, là biết kinh ngạc này trong cuộc gặp gỡ với Ngài. Và xin Chúa ban cho chúng ta ơn được tuyên xưng trong cuộc sống của chúng ta: ‘Lạy Chúa, Chúa thật là Con Thiên Chúa hằng sống; Con tin điều đó. Còn con chỉ là kẻ có tội; Con tin như thế.”
2. Gieo rắc bất hòa là căn bệnh trong Giáo Hội
Đức Thánh Cha Phanxicô nói gieo rắc chia rẽ và bất hòa là một căn bệnh trong Giáo Hội và mô tả một người thích đồn thổi như một tên khủng bố chuyên ném bom. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Sáu mùng 04 tháng Chín tại nhà nguyện Santa Marta.
Lấy cảm hứng từ bức thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu thành Côlôxê nơi Thánh Tông Đồ đã từng diễn thuyết về cách thế Chúa Kitô đã được Thiên Chúa sai đến để gieo những hạt giống của hòa bình và hòa giải giữa nhân loại, bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô là một sự suy tư về sự cần thiết phải kiến tạo hòa bình chứ không phải là những bất hòa trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Hãy tự hỏi lòng mình: Tôi đang gieo rắc hòa bình hay tôi đang gây mất đoàn kết?
Đức Thánh Cha nói nếu không có Chúa Giêsu thì không thể có hòa bình, và hoà giải. Nhiệm vụ của chúng ta là trở thành những người nam nữ của hòa bình và hòa giải giữa mịt mù những tin tức về chiến tranh và thù hận, ngay cả trong gia đình.
Ngài nói:
“Chúng ta cần mạnh mẽ tự hỏi chính mình: Tôi có gieo mầm hòa bình không? Chẳng hạn, khi tôi mở miệng nói, tôi đang kiến tạo hòa bình hay tôi đang gây mất đoàn kết? Đã bao nhiêu lần chúng ta nghe như thế này nói về một con người nào đó: Anh ấy hay cô ấy có miệng lưỡi rắn độc! Người ta nói thế bởi vì con người ấy luôn làm những gì con rắn đã từng làm với ông Adong và bà Eva, cụ thể là phá hoại hòa bình. Và đây là một sự ác, đây là một căn bệnh trong Giáo Hội của chúng ta: đó là gieo rắc chia rẽ, và hận thù, chứ không kiến tạo hòa bình. Vì vậy, một câu hỏi mà chúng ta nên tự hỏi lòng mình mỗi ngày: ‘Ngày hôm nay đây, tôi gieo rắc hòa bình hay tôi đã gây mất đoàn kết?’ Nhưng có người nói: ‘Thưa cha đôi khi, chúng ta cũng phải lên tiếng chớ, vì anh ta hay cô ta đã làm ra những chuyện này chuyện nọ ...’ Nhưng anh chị em phải nghĩ xem với một thái độ như thế, anh chị em đang gieo những gì?”
Ai kiến tạo hòa bình thì là thánh nhân, còn kẻ đồn thổi khác chi tên kẻ khủng bố
Đức Giáo Hoàng nói tiếp rằng Kitô hữu được mời gọi để nên giống Chúa Giêsu, là Đấng đã đến giữa chúng ta để mang lại hòa bình và hòa giải.
“Nếu một người trong cuộc sống mình chẳng có công trạng gì, nhưng mang lại hòa bình và hòa giải thì người ấy có thể được phong thánh: người ấy là một vị thánh. Chúng ta cần phải thăng tiến theo chiều hướng đó, chúng ta cần phải hoán cải: không bao giờ thốt lên một lời nào gây chia rẽ, không bao giờ, không bao giờ thốt lên một từ nào mà mang lại những cuộc chiến lớn nhỏ, không bao giờ tung tin đồn. Tôi đang suy nghĩ: những gì là tin đồn? Có người nói ồ có gì đâu – chẳng qua chỉ là những lời nói qua, nói lại chống người này người kia thôi. Chuyện nhỏ thôi mà. Không! Nói xấu cũng giống như chủ nghĩa khủng bố vì người tung tin đồn không khác gì một tên khủng bố chuyên ném bom rồi bỏ chạy, chuyên phá hủy với cái lưỡi của mình, và chẳng hề mang lại hòa bình. Nhưng những kẻ này là xảo quyệt lắm, phải không nào? Chẳng bao giờ những con người ấy là những kẻ đánh bom tự sát, không, không, những kẻ ấy chăm sóc tốt cho bản thân mình lắm.”
Hãy cắn lưỡi của chúng ta
Đức Thánh Cha Phanxicô đã kết luận bài giảng của mình bằng cách lặp đi lặp lại một gợi ý là các Kitô hữu thà cắn lưỡi mình còn hơn là đắm mình trong những tin đồn độc hại.
“Nếu ngày nào anh chị em cảm thấy bức rứt muốn nói điều gì đó gieo bất hòa và chia rẽ, anh chị em cảm thấy muốn nói xấu người khác ... thì hãy cắn lưỡi mình! Tôi có thể đảm bảo với anh chị em nếu anh chị em cắn lưỡi mình thay vì gieo bất hòa, thì vài lần đầu tiên những vết thương sẽ làm lưỡi của anh chị em sưng lên vì ma quỉ gây nên điều đó. Công việc của ma quỷ là gieo rắc chia rẽ mà”
“Do đó, lời cầu nguyện cuối cùng của tôi là: ‘Lạy Chúa, Chúa đã thí mạng sống mình vì chúng con, xin ban cho chúng con ân sủng để biết mang lại hòa bình và hòa giải. Lạy Chúa, Chúa đã đổ máu châu báu mình vì chúng con, thành ra có quan trọng gì đâu nếu lưỡi của chúng con bị sưng lên vì chúng con cắn nó để khỏi nói xấu người khác’”
3. Câu chuyện Thánh Augustinô
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Thánh Augustinô theo đạo vào năm 33 tuổi và 3 năm sau ngài trở thành linh mục, rồi năm 41 tuổi làm giám mục. Ngài biết Chúa và yêu Chúa tuy muộn màng nhưng thật nồng cháy. Trong cuốn “Tự Thú”, thánh nhân viết: “Con đã yêu mến Ngài quá muộn, ôi Đấng tốt đẹp rất cổ kính và rất tân kỳ! Con đã yêu mến Ngài quá muộn!
Thánh Augustinô, còn được gọi là thánh Âu Tinh, sinh ngày 13 tháng 11 năm 354, tại Algeria, một quốc gia ở phía Bắc Phi Châu. Cha ngài là một viên thị trưởng, thuộc gia tộc quyền quý và mẹ là Monica, một tín hữu Công Giáo, đạo hạnh, gương mẫu và giàu nhân đức. Mẹ Monica đã kiên trì cầu nguyện xin Chúa hướng dẫn và mở lòng người chồng và người con trai yêu quý tìm về nguồn Chân Thiện Mỹ.
Năm 16 tuổi ngài đã được cha mẹ cho theo học khoa hùng biện tại kinh thành Carthage. Năm 19 tuổi, Augustinô đã trở thành giáo sư triết học. Ở 29 tuổi, ngài ao ước sang Ý để lập nghiệp, nhưng ý định này không được mẹ tán thành. Tuy nhiên, ngài vẫn trốn mẹ mà đi sang Ý và leo dần lên những nấc thang danh vọng của cuộc đời. Ngài trở thành nhà hùng biện của triều đình. Nhưng cùng với những thành công trên con đường danh lợi, Augustinô ăn chơi trác táng.
Triều đình lợi dụng tài hùng biện của ngài để đàn áp dân chúng, giết hại người vô tội. Chứng kiến những thảm họa do tài hùng biện của mình gây ra, Augustinô sa đà hơn trong ăn chơi trác táng. Nhưng bồ đào mỹ tửu và những giai nhân xinh đẹp không dập tắt được cuộc khủng hoảng trong lòng ngài.
Giai đoạn khủng hoảng được chấm dứt khi ngài nghe bài giảng thật huyền nhiệm của thánh Giám mục Ambrôsiô. Ít lâu sau, đang khi phải chiến đấu dữ dội với những ham muốn của xác thịt, ngài đã nghe như có tiếng thúc bách từ nội tâm là hãy cầm sách Thánh lên để đọc. Ngài mở thư thánh Phaolô gửi cho giáo đoàn Rôma: “Chúng ta hãy ăn ở cho đúng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng” (Rm 13,13-14). Niềm vui và sự bình an khôn tả tràn ngập tâm hồn Augustinô và đã biến đổi cuộc đời của ngài hoàn toàn. Phục Sinh năm 387, Augustinô được Rửa tội tại Nhà thờ Milan.
Năm 388, ngài trở về Phi Châu thành lập đan viện để sống chiêm niệm. Ba năm sau, ngài được phong chức linh mục thành Hippo. Ngài đã viết rất nhiều sách để bác bỏ các lạc thuyết thời bấy giờ. Năm 395, ngài được phong làm Giám mục phụ tá thành Hippo. Và năm sau đó là Giám Mục thành này.
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Sau khi trở lại, thánh Augustinô sống nhưng không còn phải là ngài sống nữa, mà là Đức Kitô sống nơi ngài.
Sự khôn ngoan và thánh thiện của ngài đã giúp cho Giáo Hội Phi Châu tiến triển rất nhiều. Ngài còn để lại những bộ sách quý giá về thần học, minh giáo và chú giải Thánh Kinh. Ngài đã qua đời ngày 28 tháng 8 năm 430 tại Hippo. Ngài đã được phong thánh và được nâng lên hàng Tiến sĩ Hội Thánh vào năm 1303.
4. Một gia đình yêu mến Thiên Chúa sưởi ấm con tim của cả một thành phố.
Trong cuộc sống kitô, các tương quan gia đình được biến đổi và nới rộng, chẳng hạn như là quan hệ giữa con cái và cha mẹ thiêng liêng, tình anh chị em trong cộng đoàn các tín hữu, và đặc biệt là mối quan tâm đối với những người cần trợ giúp. Qua những quan hệ nới rộng ấy, chúng ta đem tình yêu của Thiên Chúa Cha tới cho thế giới. Như thế chúng ta trở thành một phước lành, một dấu chỉ của hy vọng cho việc canh tân mọi tương quan xã hội. Một gia đình yêu thương Thiên Chúa sưởi ấm cả một thành phố. Không có ngành kỹ sư kinh tế và chính trị nào có thể thay thế được sự đóng góp của các gia đình.
Kính thưa quý vị thính giả, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 20,000 tín hữu hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư mùng 2 tháng 9 năm 2015.
Trong bài huấn dụ Ðức Thánh Cha đã khai triển đề tài gia đình và việc rao giảng Tin Mừng. Ngài nói: trong đoạn cuối của lộ trình giáo lý về gia đình, hôm nay chúng ta duyệt xét xem gia đình phải sống trách nhiệm thông truyền đức tin bên trong và bên ngoài như thế nào. Trước tiên là vài kiểu diễn tả của Tin Mừng xem ra chống lại các dây liên lạc của gia đình và việc theo Chúa Giêsu. Chẳng hạn các lời mạnh mẽ mà tất cả chúng ta đều biết và đã nghe: “Ai yêu cha mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy”. (Mt 10,37-38).
Ðức Thánh Cha giải thích lời Chúa nói như sau:
Dĩ nhiên với điều này Chúa Giêsu không muốn xóa bỏ điều răn thứ tư, là điều răn lớn nhất đối với con người. Ba điều răn đầu nói về tương quan với Thiên Chúa, điều răn thứ tư này liên quan tới con người. Và chúng ta cũng không thể nghĩ rằng, sau khi đã làm phép lạ đầu tiên cho đôi tân hôn làng Cana, sau khi đã thánh hiến mối dây hôn nhân giữa một người nam và một ngưòi nữ, sau khi đã trả lại cho cuộc sống gia đình các con trai con gái bệnh tật qua đời, Chúa lại đòi hỏi chúng ta phải vô cảm đối với các mối dây liên lạc ấy! Ðây không phải là lời giải thích. Trái lại, khi Chúa Giêsu khẳng định quyền tối thượng của niềm tin vào Thiên Chúa, Ngài không tìm cách bác bỏ sự trìu mến gia đình. Và đàng khác, bên trong kinh nghiệm lòng tin và tình yêu của Thiên Chúa chính các liên hệ gia đình ấy được biến đổi, được tràn đầy một ý nghĩa lớn hơn và có khả năng vượt qua chính mình, để tạo dựng một chức làm cha làm mẹ rộng rãi hơn và tiếp nhận như anh chị em những người sống ngoài lề mọi thứ tương quan. Một ngày kia khi có người nói có mẹ và anh em Thầy tìm Thầy Chúa Giêsu chỉ các môn đệ Người và nói: “Ðây là mẹ và là anh em tôi! Bởi vì ai làm theo ý Thiên Chúa, người đó là anh em, là chị em và là mẹ của tôi” (Mc 3,34.35).
Tiếp tục bài huấn dụ Ðức Thánh Cha nói: Sự khôn ngoan của các trìu mến trong gia đình không mua được, cũng không bán được, chúng là của hồi môn tốt nhất của thiên tài gia đình. Chính trong gia đình chúng ta học lớn lên trong bầu khí khôn ngoan của các trìu mến. Văn phạm của chúng người ta học được ở đó, nếu không sẽ khó mà học được nó. Ðó chính là ngôn ngữ qua đó Thiên Chúa làm cho tất cả mọi người hiểu mình.
Lời mời gọi đặt để các tưong quan gia đình trong lãnh vực vâng phục của đức tin và giao ước với Chúa không hạ nhục chúng, trái lại, che chở chúng và cởi trói chúng khỏi sự ích kỷ, giữ gìn chúng khỏi suy đồi, cứu chúng an toàn cho cuộc sống không chết. Việc luân lưu của một kiểu gia đình trong các tương quan nhân bản là một phước lành đối với các dân tộc: nó đem lại niềm hy vọng trên trái đất. Khi các yêu thương gia đình để cho mình trở về với chứng tá của Tin Mừng, chúng sẽ có khả năng làm những điều không thể tưởng tuợng nổi, khiến cho chúng ta sờ mó được với đôi bàn tay các công trình Thiên Chúa, các công trình mà Thiên Chúa hoàn thành trong lịch sử, như các công trình Chúa Giêsu đã làm cho các người nam nữ, trẻ em mà Ngài đã gặp. Chỉ một nụ cười giật được một cách lạ lùng từ sự thất vọng của một trẻ em bị bỏ rơi, làm cho nó bắt đầu sống trở lại, giải thích hành động của Thiên Chúa trong thế giói hơn là hàng ngàn khảo luận thần học. Chỉ một người nam và một người nữ, có khả năng liều mình và hy sinh cho một đứa con của người khác, và không phải chỉ là cho con riêng mình, giải thích cho chúng ta biết các điều của tình yêu hơn nhiều nhà khoa học không hiểu chúng nữa. Và ở đâu có các yêu thương gia đình này, ở đó nảy sinh ra các cử chỉ này từ con tim, và chúng hùng hồn hơn các lời nói. Cử chỉ của tình yêu# Ðiều này khiến chúng ta phải suy nghĩ.
Gia đình đáp trả lại lời kêu mời của Thiên Chúa trả lại việc cai quản thế giới cho giao ước của người nam và người nữ với Thiên Chúa. Anh chị em hãy nghĩ tới sự phát triển này của chứng tá ngày nay. Ðức Thánh Cha giải thích tư tưởng của ngài như sau:
Chúng ta hãy tưởng tượng rằng bánh lái của lịch sử, của xã hội, của kinh tế, của chính trị, sau cùng được trao cho giao ước của người nam và người nữ, để họ cai quản nó với cái nhìn hướng tới thế hệ tưong lai. Các đề tài trái đất và nhà ở, kinh tế và công ăn việc làm sẽ chơi một điệu nhạc rất khác!
Nếu bắt đầu từ Giáo Hội chúng ta trao ban trở lại sự chủ động cho gia đình lắng nghe lời Chúa và thực hành lời Chúa, chúng tra sẽ trở thành rượu ngon của tiệc cưới Cana, chúng ta sẽ làm dậy men của Thiên Chúa!
Thật vậy, giao ưóc của gia đình với Thiên Chúa ngày nay được mời gọi chống lại sự sa mạc hóa của thành thị tân tiến. Nhưng các thành phố của chúng ta đã trở thành sa mạc vì thiếu tình yêu, vì thiếu nụ cuời. Biết bao nhiêu giải trí, biết bao nhiêu điều làm mất thì giờ, để làm cho cười, nhưng thiếu tình yêu. Nụ cười của một gia đình có khả năng chiến thắng sự sa mạc hóa các thành thị của chúng ta. Và đây là chiến thắng của tình yêu gia đình. Không có ngành kỹ sư kinh tế và chính trị nào có thể thay thế được sự đóng góp này của các gia đình. Dự án cái tháp Babel xây dựng các nhà chọc trời không có sự sống. Thần Khí của Thiên Chúa trái lại, làm nở hoa sa mạc (x, Is 32,15) Chúng ta phải ra khỏi các tháp ngà và các căn phòng bọc sắt của những người ưu tú, để giao du với các căn nhà và các khoảng trống rộng mở cho các đám đông, rộng mở cho tình yêu của gia đình.
Sự hiệp thông của các đặc sủng - các đặc sủng được ban cho Bí tích hôn nhân và các đặc sủng được ban cho sự thánh hiến vì Nước Thiên Chúa. Chúng ta hãy tiến tới trên con đường này, chúng ta đừng mất hy vọng. Nơi đâu có một gia đình sống tình yêu thương, gia đình đó có khả năng sưởi ấm con tim của tất cả một thành phố với chứng tá tình yêu của nó.
Xin anh chị em hãy cầu nguyện cho tôi, chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau, để có khả năng nhận biết và chịu đựng được các viếng thăm của Thiên Chúa. Thần Khí sẽ đem tới các xáo trộn tươi vui trong các gia đình kitô và thành phố của con người sẽ ra khỏi sự trầm cảm của nó!
5. Thiên Chúa không khép kín nơi mình, nhưng cởi mở và giao tiếp với nhân loại.
Nơi căn cội đời sống Kitô của chúng ta, trong phép rửa tội, có cử chỉ và lời nói của Chúa Giêsu: ‘Effata! Hãy mở ra!’ để chữa lành chúng ta khỏi bệnh điếc của tính ích kỷ, và bệnh câm của sự khép kín và tội lỗi, để chúng ta có thể lắng nghe Thiên Chúa nói với chúng ta và thông truyền Lời Chúa cho những người không bao giờ được nghe, hoặc cho những người đã quên lãng hay chôn vùi Lời ấy dưới những gai góc của lo âu và lừa đảo của thế gian.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 6 tháng 9 với hàng chục ngàn tín hữu và khách hành hương tại quảng trường Thánh Phêrô.
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Tin mừng hôm nay (Mc 7,31-37) kể lại Chúa Giêsu chữa lành một người câm điếc, một biến cố lạ lùng chứng tỏ cách thức Chúa Giêsu tái lập sự truyền thông trọn vẹn giữa con người với Thiên Chúa và với tha nhân. Phép lạ này diễn ra trong khung cảnh vùng Thập Tỉnh, nghĩa là ngay trong vùng đất của dân ngoại; vì thế người câm điếc ấy được dẫn đến Chúa Giêsu tượng trưng cho người không tín ngưỡng đang thực hiện một hành trình tiến về đức tin. Thực vậy, bệnh điếc của anh ta biểu lộ sự thiếu khả năng lắng nghe và thấu hiểu không những lời nói của con người, nhưng cả Lời Chúa nữa. Và thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta rằng “Đức tin nảy sinh từ sự lắng nghe lời giảng” (Rm 10,17).
Điều đầu tiên mà Chúa Giêsu làm, là đưa người ấy ra xa khỏi đám đông: Chúa không muốn quảng cáo cử chỉ Ngài sắp thực hiện, và cũng chẳng muốn lời của Ngài bị lấn át vì những tiếng ồn ào huyên náo truyện trò của đám đông chung quanh. Lời mà Chúa Kitô muốn thông truyền cho chúng ta là cần phải biết thinh lặng để có thể lắng nghe Lời Ngài như Lời chữa lành, Lời hòa giải, Lời tái lập sự cảm thông”.
Rồi có hai cử chỉ của Chúa Giêsu được làm nổi bật: Ngài động chạm đến đôi tai và lưỡi của người bị “bế tắc” trong truyền thông giữa mình và thế giới chung quanh, và Ngài khẩn cầu phép lạ từ trên cao, từ Chúa Cha; vì thế Ngài ngước mắt lên trời và truyền: 'Hãy mở ra!”. Và tai người điếc mở ra, giây ràng buộc lưỡi của anh cũng được tháo mở và anh bắt đầu nói được (cfr v.35).
Đức Thánh Cha nói: “giáo huấn mà chúng ta rút ra từ câu chuyện này là ‘Thiên Chúa không khép kín nơi mình, nhưng cởi mở và giao tiếp với nhân loại’. Trong lượng từ bi vô biên của Ngài, Ngài vượt lên trên vực thẳm của sự khác biệt vô biên giữa Ngài và chúng ta, và đến gặp chúng ta. Để thực hiện sự giao tiếp ấy với con người, Thiên Chúa đã xuống thế làm người: đối với Chúa, nói qua lề luật và ngôn sứ mà thôi vẫn chưa đủ, Ngài còn hiện diện nơi người Con của Ngài là Lời nhập thể làm người giữa chúng ta. Chúa Giêsu là nhà “đại bắc cầu”, kiến tạo nơi mình chiếc cầu lớn của tình hiệp thông trọn vẹn với Chúa Cha.
Nhưng bài Tin Mừng này cũng nói về chúng ta: “Nhiều khi chúng ta co cụm và khép kín vào mình, và chúng ta tạo ra bao nhiêu hòn đảo không tới được và đầy chướng khí. Thậm chí các quan hệ sơ đẳng nhất giữa con người đôi khi cũng tạo nên những thực tại không có khả năng cởi mở đối với nhau: vợ chồng khép kín với nhau, gia đình, các nhóm giáo xứ, và cả đất nước cũng khép kín.. và điều này không phải là do Thiên Chúa gây ra. Nó là do chúng ta, do tội lỗi của chúng ta”.
“Nơi căn cội đời sống Kitô của chúng ta, trong phép rửa tội, có cử chỉ và lời nói của Chúa Giêsu: ‘Effata! Hãy mở ra!’. Và phép lạ được hoàn thành: chúng ta được chữa lành khỏi bệnh điếc của tính ích kỷ, và bệnh câm của sự khép kín và tội lỗi, và chúng ta được tháp nhập vào đại gia đình của Giáo Hội; chúng ta có thể lắng nghe Thiên Chúa nói với chúng ta và thông truyền Lời Chúa cho những người không bao giờ được nghe, hoặc cho những người đã quên lãng hay chôn vùi Lời ấy dưới những gai góc của lo âu và lừa đảo của thế gian.
Và Đức Thánh Cha kết luận rằng: “Chúng ta hãy cầu xin Đức Trinh Nữ Thánh là người phụ nữ lắng nghe và vui mừng làm chứng, xin Mẹ nâng đỡ chúng ta trong quyết tâm tuyên xưng niềm tin của chúng ta và thông truyền những kỳ công của Chúa cho những người chúng ta gặp trên đường đời”.
CÁC TIN KHÁC:
- Nguy cơ diệt vong các cộng đoàn Kitô tại Iraq trước sự dửng dưng của thế giới
- Chia sẻ Phúc Âm Chúa Nhật 18 Thường niên Năm A
- Video: Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: Câu chuyện Người Samaritanô Nhân Lành
- Video: Tình cảnh các tín hữu Kitô Iraq
- Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 01-07/08/2014: Đức Hồng Y Edward Clancy ân nhân người Việt Công Giáo Sydney
- Video: Phỏng vấn Lm. Nhạc Sĩ Nguyễn Mộng Huỳnh về Nhóm Thánh Ca Mới
- Video: Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: 07-13/08/2014: Tám Mối Phúc Thật
- Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican: 8 – 14/08/2014 - Đức Thánh Cha tông du Hàn quốc, Tòa Thánh tố cáo những thế lực đằng sau thảm họa nhân đạo tại Iraq
- ĐÔI NÉT VỀ GIÁO XỨ VINH SƠN
- Video: Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: 14-20/08/2014 - Chúa Giêsu là ai đối với chúng ta?