Đi bước trước
Ngày 28/10/2024
10Ngày sabát kia, Đức Giêsu giảng dạy trong một hội đường. 11Ở đó, có một phụ nữ bị quỷ làm cho tàn tật đã mười tám năm. Lưng bà còng hẳn xuống và bà không thể nào đứng thẳng lên được. 12Trông thấy bà, Đức Giêsu gọi lại và bảo: "Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền!" 13Rồi Người đặt tay trên bà, tức khắc bà đứng thẳng lên được và tôn vinh Thiên Chúa. 14Ông trưởng hội đường tức tối vì Đức Giêsu đã chữa bệnh vào ngày sabát. Ông lên tiếng nói với đám đông rằng: "Đã có sáu ngày để làm việc, thì đến mà xin chữa bệnh những ngày đó, đừng có đến vào ngày sabát!" 15Chúa đáp: "Những kẻ đạo đức giả kia! Thế ngày sabát, ai trong các người lại không cởi dây, dắt bò lừa rời máng cỏ đi uống nước? 16Còn bà này, là con cháu ông Ápraham, bị Xatan trói buộc đã mười tám năm nay, thì chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày sabát sao?" 17Nghe Người nói thế, tất cả những kẻ chống đối Người lấy làm xấu hổ, còn toàn thể đám đông thì vui mừng vì mọi việc hiển hách Người đã thực hiện.
Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền! (Lc 13,12)
Người ta thường quan niệm để thành công cần phải hội đủ ba điều kiện: thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Theo bài Tin Mừng hôm nay, Đức Kitô dường như thiếu hẳn yếu tố: nhân hòa. Phúc âm kể: nhân ngày hưu lễ, Chúa Giêsu đến giảng dạy trong một hội đường. Ở đó có một người đàn bà bị quỉ ám đã 18 năm, bị khòm lưng không đứng lên được Đức Giêsu thấy bà, liền gọi đến và bảo: “Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền!” Rồi Ngài đặt tay trên bà ấy, tức thì bà đứng thẳng lên và tôn vinh Thiên Chúa. Điều ấy khiến ông trưởng hội đường tức giận, vì cứ theo như luật, thì trường hợp này đã vi phạm. Ông này có lý không? Và Đức Giêsu xử trí thế nào?
Phục vụ hạnh phúc con người là điều đáng được quan tâm trước hết đối với Chúa Giêsu. Con người có giá trị vượt xa mọi định chế, mọi cơ cấu. Ngài từng phán dạy: ngày hưu lễ vì con người, chứ con người không phải vì ngày hưu lễ. Phép lạ kể lại đây nói rõ lòng nhân từ dịu hiền của Thiên Chúa. Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người, đã từng hứng chịu đau khổ của loài người. Người không đợi cho người đàn bà còng lưng, tàn tật cất tiếng kêu xin, nhưng đọc được sự thầm kín ước mong nơi bà; Người chữa bà lành bệnh. Chúng ta thấy lòng thương xót của Chúa Giêsu đối với những người nghèo hèn. Và đây là trường hợp của một người phụ nữ bị còng lưng, nghĩa là bà ta không thể duỗi thẳng cái lưng để có thể đứng thẳng được, để có thể nhìn những người khác trong một tư thế bình đẳng được.
Chúa Giêsu đã thấu hiểu sự đau khổ của bà, đau khổ của một con người luôn luôn cảm thấy thấp bé và thua kém kẻ khác, đau khổ của một con người phải luôn luôn nhìn xuống đất, không bao giờ dám nhìn mặt của những người đối thoại, cũng như hoàn toàn không có khả năng để nhìn lên trời cao. Và Tin Mừng kể tiếp: khi nhìn thấy bà, Chúa Giêsu đã gọi bà lại. Không để người phụ nữ tật nguyền và bất hạnh này kịp đưa ra một lời kêu xin, Chúa Giêsu đã có sáng kiến trước. Ngài gọi bà lại và đặt tay trên cái lưng còng của bà. Và bà đã được khỏi bệnh, bà đã đứng thẳng được. Nghĩa là Chúa Giêsu vừa làm một phép lạ để xua đuổi con ma bệnh đã làm khổ người phụ nữ này suốt 18 năm. Giờ đây bà đã được giải thoát.
Qua phép lạ cứu chữa cho người phụ nữ bị còng lưng này, Chúa Giêsu muốn chứng tỏ rằng Ngài là Đấng cứu thế. Ngài đến để giải thoát con người khỏi sự thống trị quyền lực của satan, ma quỉ và xác thịt.
Thế là người trưởng hội đường bực mình. Ông thuộc về nhóm người Do Thái đã coi ngày hưu lễ là tuyệt đối. Lúc đó Chúa Giêsu phản ứng lại, tố giác lòng giả hình tồi tệ nhất vì đặt lợi ích vật chất lên trên những giá trị nhân bản.
Bình thường mà xét, vị trưởng hội đường đã hành xử một cách tương đối đúng đắn. Ông bị chi phối bởi sự chấp hành cách khắt khe lề luật. Ông giữ theo hình thức và tuyệt đối đúng luật. Ông không muốn có một vi phạm nào làm cho sự tuân giữ lề luật bị sứt mẻ. Thế còn vấn đề Đức Giêsu là ai? Ngài siêu việt trên lề luật thế nào lại là vấn đề khác. Chúng ta không trách ông trưởng hội đường trong thái độ bảo vệ tính cách duy luật nhưng không vì thế mà coi cách hành xử như vậy là mẫu mực; phải nhìn lên thái độ của Đức Giêsu như là lý tưởng: Chúa đã làm gì trong ngày hưu lễ khi đứng trước một người tàn tật lâu năm?
Sau phản ứng của Chúa Giêsu có một câu hỏi được đặt ra cho chúng ta: đâu là điều ta phải chọn lựa? Ta dành ưu tiên cho cái gì? – Chỉ có câu trả lời của tình yêu mới giải đáp được câu hỏi ấy. Mà tình yêu ấy phải bắt nguồn từ Thiên Chúa và ai muốn đón nhận tình yêu đó phải sống xứng đáng làm con cái Thiên Chúa. Thánh Thần sẽ thực hiện điều này là giải thoát con người. Người phụ nữ 18 năm bị satan cột trói, được Đức Kitô tháo xích xiềng buộc trói trong ngày hưu lễ. Thánh Thần trong mọi thời đại vẫn thực hiện một sự giải phóng những kẻ nô lệ cho xác thịt. Để từ đây những ai sống theo Thánh Thần Thiên Chúa thì là con cái Thiên Chúa, vì không phải chúng ta nhận lãnh tinh thần nô lệ trong sợ hãi, nhưng là trong tinh thần nghĩa tử, trong tinh thần ấy chúng ta kêu Thiên Chúa là Cha.
Lạy Chúa, xin cho chúng con hiểu rằng cái cốt lõi của đạo chính là tình thương. Xin cho những lời kinh, những việc tuân giữ luật lệ của chúng con không chỉ là những cái vỏ hình thức bên ngoài, mà phải dẫn chúng đến những hành động cụ thể của tình yêu. Xin cho chúng con luôn xác tín rằng sống cho tình yêu là được sống trong Chúa. Amen.