Thứ Ba sau Chúa Nhật XXIX Thường niên A
Ngày 22/10/2024
1Sau đó, Chúa chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. 2Người bảo các ông: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít”. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về. 3Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói.4Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường. 5Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: "Bình an cho nhà này! " 6Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em. 7Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. 8Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em. 9Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: "Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông."
Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói (Lc 10,3)
- “Sau đó Đức Giêsu chỉ định 72 người khác và sai các ông đi” : Theo tường thuật của Thánh Luca, Chúa Giêsu đã sai đi rao giảng không phải chỉ nhóm tông đồ mà còn cả nhóm môn đệ nữa. Luca muốn nhấn mạnh rằng không riêng gì các tông đồ, mà tất cả mọi người đều được Chúa Giêsu sai đi rao giảng Tin Mừng. Ý này lại được làm rõ thêm với con số 72. Đây là số dân của loài người mà St 10 đã liệt kê.
Luca đã ghi một bài sai truyền giáo nhắm đến nhóm 12 tông đồ (x. Lc 9,1-6). Bây giờ Luca lại ghi một bài sai truyền giáo khác nhắm đến 72 môn đệ. Theo St 10, con số 72 là số chỉ tất cả các dân trên trái đất. Như thế, việc truyền giáo là sứ mạng không riêng của các tông đồ mà còn của tất cả mọi tín hữu.
- “Từng nhóm hai người” : Việc loan Tin mừng không phải là việc của một cá nhân riêng lẻ, mà là việc của cộng đoàn, không phải là độc quyền của riêng ai, nhưng phải liên đới và liên kết với nhiều người khác.
- “Hãy cầu xin” : Việc đầu tiên mà nhà truyền giáo phải làm là “cầu xin”. Thiên Chúa là chủ mùa gặt, nhận ai vào Nước Thiên Chúa là quyền của Ngài và là ơn của Ngài. Chúa Giêsu bảo cầu xin là để các môn đệ ý thức rằng họ được gọi là nhờ ơn Chúa, và để có thêm nhiều người nữa nhận được ơn ấy.
- “Như chiên non vào giữa sói rừng” : Chúa Giêsu khuyến cáo các môn đệ về những hiểm nguy và sự thù nghịch mà có thể họ sẽ gặp phải.
- “Đừng chào ai dọc đường” : việc chào hỏi của người Phương Đông thường kéo theo những câu chuyện rề rà rất lâu. Trong khi sứ mạng loan Tin mừng đòi phải gấp.
- “Bình an cho nhà này” : đây vừa là một lời chúc vừa là một lời ban ơn bởi vì nó có sức tạo nên điều nó chúc (Is 45,23). Người rao giảng Tin Mừng phải là “con cái của sự bình an”. Họ phải có bình an trong mình và sau đó đem bình an ấy ban lại cho người khác. Nếu nhà nào đáng được hưởng ơn bình an thì được bình an, nếu không thì ơn bình an trở lại cho người chúc.
- “Cứ ở lại nhà ấy” : gặp nhà nào đầu tiên cho ở thì người môn đệ hãy ở đó. Đừng tìm hiểu nhà để so sánh chọn lựa nhà nào tiện nghi hơn. Điều quan trọng là loan báo Tin mừng Nước Thiên Chúa chứ không phải tiện nghi cho mình hoặc cách người ta tiếp rước mình.
- “Ăn uống của người ta cung cấp cho mình” : sứ mạng của môn đệ đừng để bị ảnh hưởng bởi những quan tâm có tính cách trần thế (đòi hỏi hoặc e ngại những gì của ăn uống người ta lo cho mình).
- “Thợ đáng trả lương” : đây là một nguyên tắc (1Tm 5,18 ; 1Cr 9,11). Nhưng người thừa sai cũng có thể tự ý từ chối (1Cr 9,14-18).
- “Người ta dọn thức gì cứ ăn thức ấy” : Người rao giảng Tin Mừng Chúa Giêsu không còn bị bận vướng bởi luật Môsê về sự phân loại thức ăn nào sạch, thức ăn nào dơ (1Cr 10,27).
- “Hãy chữa lành các bệnh nhân” : đây là dấu hiệu Nước Thiên Chúa gần đến. Việc làm chính của người truyền giáo là “chữa lành các bệnh tật”, nghĩa là làm giảm bớt đi những đau khổ tinh thần và vật chất của người ta.
“Anh em hãy ra đi. Đừng mang theo túi tiền, bao bị giày dép.(Lc 10,4). Người truyền giáo phải lưu ý: cái họ cần có hơn là ơn Chúa chứ không phải là những phương tiện vật chất (túi tiền, bao bị, giày dép…)
Nếu phải thực hiện một chuyến đi dài, tôi sẽ mang theo thứ gì ? Chắc chắn là những gì gọn nhất, nhẹ nhất, cần thiết nhất. Và hôm nay, trong lệnh truyền của Chúa Giêsu tôi đọc được nét nhẹ nhàng thanh thoát ấy trong bước chân của người môn đệ không giày dép, bao bị, tiền nong...
Và phải chăng cũng vang động trong tâm hồn tôi lời mời gọi “một cuộc lữ hành” ?
Lạy Chúa, trên hành trình tiến về nhà Chúa, xin giải thoát con khỏi những ràng buộc của bản thân, của lề thói xã hội, để biết trao ban cho anh em chính Chúa chứ không phải chính con. Xin cho con luôn sẵn sàng lên đường, dám lao mình vào nơi bất định; nhẹ nhàng và thanh thoát.