Sử dụng tốt tiền của


Ngày 05/11/2022
Thứ Bảy Tuần thứ 31 Thường Niên
Lời Chúa: 
 Lc 16,9-15
9"Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu. 10Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn. 11Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng tiền của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em?12Và nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em? 13"Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được."14Người Pharisêu vốn ham hố tiền bạc, nên nghe các điều ấy, thì cười nhạo Đức Giêsu.15Người bảo họ: "Các ông là những kẻ làm ra bộ công chính trước mặt người đời, nhưng Thiên Chúa thấu biết lòng các ông, bởi vì điều cao trọng đối với người đời lại là điều ghê tởm trước mặt Thiên Chúa.”

Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được (Lc 16,13)

Suy niệm: 

Phân tích

Những điểm đáng chú ý trong lời Chúa Giêsu dạy về tiền của:

- Ngài đánh giá tiền của là “gian dối”;
- Ngài khuyên dùng tiền của đời này để mua lấy những giá trị đời sau;
- Phải coi tiền của là đấy tớ phục vụ mình, chứ đừng coi chúng là ông chủ mà mình phải làm nô lệ;
- Chính những người được coi là đạo đức như biệt phái mà cũng mang tính tham lam.

Suy Gẫm

1. “Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được”: Qua câu này, chính Chúa Giêsu cho biết:
- Tiền của có thể biến người sở hữu nó trở thành nô lệ cho nó;
- Tiền của có thể được người ta tôn lên ngang hàng với Thiên Chúa, thậm chí cao hơn Thiên Chúa nữa!

2. Tôi thử xét lại liên hệ của tôi với tiền của xem tôi đang làm chủ nó hay làm nô lệ nó?

- Tôi vẫn còn làm chủ nó: khi tôi dám đem nó đi cho người khác, dám đưa nó cho người khác mượn, dám bỏ nó, khi tôi mất nó mà không đến nỗi như mất hồn…

- Tôi đã thành nô lệ nó khi ngày đêm tôi nghĩ tới nó, khi tôi trọng nó hơn tất cả mọi người khác, khi tôi sợ mất nó, khi vì nó mà tôi dám làm điều xấu…

3. Mạnh Thường Quân nhà giàu, cho vay mượn nhiều. Một hôm ông sai Phùng Nguyên sang đất Tiết đòi nọ. Khi đi, Phùng Nguyên hỏi:

- Ngài có định mua gì về không?

- Xem thứ gì nhà ta chưa có thì mua.

Khi đến đất Tiết, Phùng Nguyên cho gọi dân tới bảo rằng: “Các ngươi nợ bao nhiêu, Mạnh Thường Quân đều cho cả!” Rồi chẳng tính gì gốc lãi, đem đống văn tự ra đốt sạch.

Khi trở về, Phùng Nguyên nói với Mạnh Thường Quân rằng:

- Nhà ngài không thiếu thứ gì, có lẽ chỉ thiếu ơn nghĩa. Tôi đã trộm phép mua ở đất Tiết cho ngài rồi. Tôi chắc là đẹp ý ngài.

Về sau, Mạnh Thường Quân bị bãi quan, về ở đất Tiết. Dân ở đây nhớ ơn xưa ra đón rước đầy đường. Mạnh thường Quân ngoảnh lại bảo Phùng Nguyên:

- Đó hẳn là cái ơn nghĩa mà ông đã mua cho tôi ngày trước.

4. Chúa Giêsu trong Tin mừng hôm nay đưa ra một đòi hỏi: “Hãy chọn lựa giữa Thiên Chúa và tiền của”, bởi vì không ai có thể làm tôi hai chủ được. Tiền của tự nó không phải là điều xấu, nó chỉ xấu khi con người tôn thờ nó như cùng đích cuộc sống. Thật ra, không có tiền của xấu, mà chỉ có cách tìm kiếm, sử dụng xấu của con người mà thôi. Cách tìm kiếm, sử dụng trở thành xấu là khi con người bóp nghẹt tiếng nói lương tâm, chối bỏ chính mình, khước từ người anh em, chối bỏ Thiên Chúa. Kẻ tham lam là người ích kỷ, chỉ nghĩ đến mình, nhưng thực ra, họ cũng là kẻ đang tự hủy, chối bỏ cùng đích của cuộc sống.

Cầu nguyện: 

Lạy Chúa, trong khi mưu cầu cho cuộc sống, xin Chúa cho chúng con biết tìm kiếm và xây dựng giá trị Nước Trời. Xin cho chúng con biết nhìn xa hơn về của cải vật chất, biết ra khỏi chính mình để gặp Chúa qua những chia sẻ, cảm thông đối với tha nhân.

Cha Carôlô

Nguồn: http://tgpsaigon.net/suy-niem/20091108/2954