Lòng tin chữa khỏi cùi


Ngày 11/11/2020
Thứ Tư Tuần thứ 32 Thường Niên
Lời Chúa: 
 Lc 17, 11-19

11Trên đường lên Giêrusalem, Đức Giêsu đi qua biên giới giữa hai miền Samari và Galilê. 12Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa 13và kêu lớn tiếng: "Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi!"14Thấy vậy, Đức Giêsu bảo họ: "Hãy đi trình diện với các tư tế." Đang khi đi thì họ được sạch. 15Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. 16Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giêsu mà tạ ơn. Anh ta lại là người Samari. 17Đức Giêsu mới nói: "Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? 18Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?" 19Rồi Người nói với anh ta: "Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh."

Lòng tin của anh đã cứu chữa anh (Lc 17,19)

 
Suy niệm: 

1. Lòng tin chữa khỏi cùi

Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa và kêu lớn tiếng: “Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi!” (Lc. 17, 12-13)

Vẫn còn trên đường đi Giêrusalem, Đức Giêsu đi qua làng biên giới Samari, Người gặp những kẻ bị loại ra khỏi xã hội vì mắc bệnh ngoài da, người ta gọi là phong cùi. Một thứ bệnh mất hết vẻ đẹp.

Những người cùi hủi đứng đàng xa đón gặp Người. Họ kêu lớn tiếng: “Lạy Thầy Giêsu.” Như thế họ đã nhận biết Đức Giêsu là Đấng tỏ quyền phép và lòng thương xót của Thiên Chúa. Họ xin Người thương xót. Người không thể từ chối trước lời van xin này, vì Người đến để giải thoát những kẻ bị ngược đãi, áp bức bởi bệnh tật và xã hội.

Đức Giêsu nhìn họ với ánh mắt bốc lửa tình yêu và đầy thương cảm. Người bảo họ: “Hãy đi trình diện với các tư tế, để chứng nhận cho họ đã sạch như luật buộc. Trong khi đi thì họ được lành bệnh.”

Chín người là Do Thái, rất thỏa thích vì họ đã lại được thuộc về dân tuyển chọn của Thiên Chúa. Họ cho mình là đáng được Thiên Chúa trả công. Sự lành bệnh của họ đã trả lại quyền cho họ. Nhưng chỉ có một người được hưởng niềm vui nhất trong tâm hồn.
Chỉ có người thứ mười là dân Samari thấy mình được khỏi, là kẻ tội lỗi đáng thương, bị Do Thái khinh tởm, anh thấy mình được lành sạch nhất là trong tâm hồn mình, anh ý thức Thiên Chúa đang ngự trong con tim anh, vì anh đã nhận được sứ điệp tình yêu của Đức Giêsu. Anh trở lại và sấp mình xuống chân Người mà tạ ơn, vì Thiên Chúa đang hiện diện trước mặt anh. Gặp gỡ được Thiên Chúa, lòng anh xúc động khôn tả, ăn sâu vào tận căn tính của anh, tận bản chất hữu thể của anh, anh chỉ có thể tôn vinh Thiên Chúa bằng cất cao lời xin thương xót tha thứ tội lỗi của anh với hết lòng khiêm tốn. Đó là một bài ca giải phóng, một bài ca trong sáng phát ra từ đáy con tim. “Anh đứng dậy đi về! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.” Lòng tin nhờ lời Người gọi anh, nhờ ánh mắt Người nhìn anh làm bừng dậy đức tin này. Đức tin này đã cứu chữa anh cả thân xác lẫn tâm hồn anh.

2. Thể hiện của tự do thực sự

Trong suốt nhiều thế kỷ, người Do Thái đã phải còng lưng dưới sức nặng của lao động khổ sai bên Ai Cập. Dưới sự lãnh đạo của Môsê, Thiên Chúa đã giải phóng họ và đưa họ vào vùng đất tự do. Ðể đánh dấu cuộc giải phóng khỏi các thứ khổ sai đó, Thiên Chúa đã thiết lập một ngày trong tuần như ngày Hưu Lễ. Ðó là lý do tại sao người Do Thái đã trân trọng tuân giữ ngày Hưu lễ. Nó chính là biểu trưng của tự do, bởi vì thời nô lệ, bẩy ngày trên bẩy ngày, người Do Thái không thể có được một ngày nghỉ ngơi. Như vậy, nghỉ ngơi là dấu chỉ của tự do, và đó là ý nghĩa nguyên thủy của ngày Hưu lễ.

Thế nhưng, dần dà qua dòng thời gian các nhà thần học Do Thái đã thay đổi ý nghĩa ấy của ngày Hưu lễ: thay vì là biểu tượng của tự do, họ đã biến ngày Hưu lễ thành một gánh nặng đầy đọa và trói buộc con người; họ đã kéo dài ngày Hưu lễ thành một bản kê khai tỉ mỉ những gì không được phép làm trong ngày Hưu lễ và như vậy dấu chỉ của tự do giờ đây chỉ còn là một hình thức nô lệ mới đối với người Do Thái: thay vì là dấu chỉ của tự do đưa con người vào gặp gỡ với Thiên Chúa, ngày Hưu lễ đã trở thành một gánh nặng chồng chất trên vai con người, nhất là làm cho con người xa cách Thiên Chúa.

Ðó cũng là tình trạng của lề luật nói chung thời Chúa Giêsu. Luật lệ không còn là vì con người, nghĩa là giải phóng con người, mà trở thành gánh nặng đè bẹp con người và tách lìa con người khỏi Thiên Chúa; con người chú tâm thi hành lề luật hơn là yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân. Thái độ của 9 người phong cùi người Do Thái trong Tin Mừng hôm nay phản ánh tâm thức chung của người Do Thái thời đó. Chúa Giêsu chữa lành 10 người phong cùi, trong đó chỉ có một người Samari không phải tuân hành luật Do Thái. Theo đúng đòi hỏi của lề luật, Chúa Giêsu đã yêu cầu 9 người Do Thái đến trình diện các tư tế để được xác nhận là đã khỏi bệnh, riêng người Samari không phải tuân giữ điều đó, nhưng đây lại là người duy nhất trở lại cám ơn Chúa Giêsu và ngợi khen Thiên Chúa.

Câu truyện trên cho chúng ta thấy luật lệ đã cản trở con người đến gặp gỡ Chúa Giêsu và cảm tạ Thiên Chúa. Người Samari vì không bị chi phối bởi lề luật, nên đã được tự do để nói lên tình cảm chân thật của mình, người này gần với tôn giáo đích thực bởi vì ông có tự do hơn. Thiên Chúa thi ân một cách nhưng không thì con người cũng phải đáp trả một cách tự do. Một tương quan như thế không thể có được trong một xã hội lề luật, trong đó con người chỉ biết tính toán theo thứ công bình hoán đổi. Người Do Thái vốn quen thuộc với tâm thức ấy, họ tính toán chi ly về công đức của mình, họ lượng giá phần thưởng dựa trên công nghiệp của mình. Chúa Giêsu đã đánh đổ một quan niệm như thế về tương quan giữa con người và Thiên Chúa: ơn cứu rỗi mà Ngài loan báo và thực hiện là ơn cứu rỗi nhưng không, đến độ con người chỉ được cứu độ nhờ lòng tin vào lòng từ bi của Thiên Chúa, đến độ những kẻ tội lỗi là những người đầu tiên được vào Nước Chúa.

Ngày nay, có lẽ nhiều người chúng ta cũng giống như 9 người phong cùi Do Thái trong Tin Mừng hôm nay. Họ đã bị lề luật giam hãm trong Ðền thờ để không còn có thể nói lên lời tạ ơn đối với Ðấng đã thi ân cho mình; họ xem lề luật trọng hơn điều thiết yếu của niềm tin là lòng biết ơn và niềm tín thác. Cũng như họ, có lẽ chúng ta đã tỏ ra trung thành một cách chi ly với luật Hội Thánh, nhưng nhiều lúc chúng ta vẫn còn tự hỏi: Tôi phải đọc bao nhiêu kinh? Tôi phải lần bao nhiêu chuỗi? Tôi phải ăn chay bao nhiêu lần? Tôi phải bố thí cho bao nhiêu người nghèo khó? Tính toán như thế là quên rằng Thiên Chúa như Chúa Giêsu mạc khải là Thiên Chúa Tình Yêu. Ngài ban ơn cho chúng ta hơn cả những gì chúng ta chờ đợi và tính toán. Một Thiên Chúa như thế, con người không thể có một tâm tình nào xứng hợp hơn là lòng tri ân, niềm tín thác. Ðó là sự thể hiện của một tâm hồn tự do đích thực, nhờ đó con người có thể vượt qua bốn bức tường nhà thờ để không ngừng gặp gỡ Chúa trong cuộc sống mỗi ngày.

Cầu nguyện: 

Lạy Chúa Giêsu, với lòng cảm mến tri ân, chúng con xin nghiêng mình thờ lạy, ngợi khen Chúa là Thiên Chúa, là Đấng ban phát mọi ơn lành. Chúa đã ban cho chúng con sự sống và muôn vàn hồng ân khác. Chúa đã ban cho chúng con niềm vui qua tha nhân, bạn bè luôn yêu thương, nâng đỡ chúng con. Xin giúp chúng con biết sống đền đáp ân tình của Chúa, bằng việc dâng lời tạ ơn Chúa và sống theo giáo huấn của Chúa.

Lạy Chúa Giêsu mến yêu, hai chữ cám ơn nhau thật cần thiết cho tương quan giữa người với người. Hai chữ cám ơn nối kết người cho và người nhận nên một niềm vui ngọt ngào của hoa trái yêu thương. Nhưng Chúa ơi, sao chúng con lại hẹp hòi hai tiếng cám ơn với những người thân của chính mình. Chúng con ngại cám ơn về những vất vả ngược xuôi, cùng bao mưa nắng trong đời mà cha mẹ dành cho chúng con. Chúng con vô tâm trước những hy sinh, cống hiến của cha mẹ, của vợ chồng, anh em bè bạn đang hy sinh vì chúng con. Chúng con xem đó là bổn phận mà quên rằng bổn phận đó họ đã làm vì yêu mến chúng con. Xin dạy chúng con biết tri ân nhau ngay trong những điều nhỏ nhất, biết cám ơn nhau ngay trong những việc tầm thường hằng ngày. Xin cho chúng con luôn mau mắn nói lời cám ơn với những ai đang hy sinh vì chúng con.

Và trên hết, xin cho chúng con đừng bao giờ lãng quên tình Chúa, nhưng luôn biết tri ân và cảm tạ tình yêu Chúa trong suốt cuộc đời chúng con. Xin cho cuộc đời chúng con luôn là bài ca dâng hiến để tạ ơn về những ơn lành Chúa ban. Amen

Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền

Nguồn: http://tgpsaigon.net/suy-niem/20101109/7410