Chúa nhật 30 Thường niên năm A
Ngày 25/10/2020
Chúa nhật 30 Thường niên năm A
30th Sunday in Ordinary Time
Reading I: Exodus 22:20-26 II: 1 Thessalonians 1:5-10
Chúa Nhật 30 Thường Niên
Bài Đọc I: Xuất hành 22:20-26 II: 1Thêxalônica 1:5-10
--------o0o--------
Gospel
Matthew 22:34-40
34 But when the Pharisees heard that he had silenced the Sad'ducees, they came together.
35 And one of them, a lawyer, asked him a question, to test him.
36 "Teacher, which is the great commandment in the law?"
37 And he said to him, "You shall love the Lord your God with all your heart, and with all your soul, and with all your mind.
38 This is the great and first commandment.
39 And a second is like it, You shall love your neighbor as yourself.
40 On these two commandments depend all the law and the prophets."
Phúc Âm
Matthêu 22:34-40
34 Khi nghe tin Đức Giêsu đã làm cho nhóm Xađốc phải câm miệng, thì những người Pharisêu họp nhau lại.
35 Rồi một người thông luật trong nhóm hỏi Đức Giêsu để thử Người rằng:
36 "Thưa Thầy, trong sách Luật Môsê, điều răn nào là điều răn lớn nhất?
37 Đức Giêsu đáp: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi.
38 Đó là điều răn lớn nhất và điều răn đứng đầu.
39 Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi hãy yêu người thân cận như chính mình.
40 Tất cả Luật Mô sê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy".
Interesting Details
• There were 613 prescriptions in the Jewish Law. Although they were to be observed equally, the Jewish scholars often debate their relative importance and classified them as "heavies" or "lights".
• The two commandments that Jesus quoted are from Deuteronomy 6:5, and Levitus 19:18. Jesus must be the first to put these two commandments together, and made them becoming one. He put God first however, and men second; men only become lovable when we love God. Jesus reminded the listeners that God's commandments are meant to put men in relation with God.
• Deuteronomy 6:5 is the basic and essential creed of Judaism, the sentence with which every Jewish service still opens, and the first text that every Jewish child commits to memory. It means that to God, we must give a total love, a love that dominates our emotions, a love that directs our thoughts, and a love that is the motivation of our actions.
• In the Mediterranean culture at the time of Jesus, to love means to be totally attached.
Chi Tiết Hay
• Luật Do-thái có tất cả 613 điều răn. Tất cả đều phải tuân giữ, nhưng các thầy rabi thường tranh luận với nhau đến bất tận về tầm mức quan trọng của mỗi luật để chia ra thành điều răn "lớn" và điều răn "nhỏ".
• Hai điều răn Đức Giêsu trích dẫn là từ sách Thứ Luật 6:5 và sách Lêvi 19:18. Có thể suy ra là Ngài là người đầu tiên liên kết hai điều răn này với nhau. Ngài đặt kính yêu Thiên Chúa trước tiên, và sau đó là thương người; chúng ta chỉ có thể thương người khi chúng ta kính yêu Thiên Chúa. Ngài nhắc nhở rằng các điều răn Thiên Chúa truyền ban là để cho con người kết hợp với Thiên Chúa.
• Thứ Luật 6:5 là điều răn căn bản và chính yếu của Do-thái giáo. Cho tới bây giờ, điều răn này được dùng để mở đầu mỗi buổi lễ của người Do thái, và đây cũng là luật đầu tiên các trẻ em Do thái phải nhớ. Lòng kính yêu Thiên Chúa phải là hoàn toàn, bao gồm mọi suy xét, cảm kích, và là nguyên động cho cuộc sống.
• Theo văn hóa của người vùng Địa trung hải, yêu thương là hoàn toàn quyến luyến với nhau.
One Main Point
The greatest commandment is duty to God and duty to men: to love God, and then to love men whom God made in His own image.
Một Điểm Chính
Điều răn trọng nhất là phận sự đối với Thiên Chúa và nhân loại: kính yêu Thiên Chúa, và rồi thương người là tạo vật Thiên Chúa đã dựng nên theo hình ảnh Ngài.
Reflections
1. Before we start loving God, He loves us first. As always, He is longing our love for Him in return. Look back at the experiences in our life, how would the love of God that we allow to grow in our heart enable us to love other people, even those that we would despise? Loving God, is that the key to our spiritual life? Loving men, is that a necessary action to discern how true our love for God is?
2. Is it easier to love God than our neighbors? Meditate the teaching: "It is love of God first and love of man second".
3. Contemplate the love that you have for God. How do we respond to God? Test your love for God by checking your tendency to respond to God's love - the way you want to do, or the way God wants you to do.
4. Jesus teaches us a way to love our neighbor: "This is the truth I tell you - whatever you did it to one of these least brothers of mine, you did it for me" (Mt. 25:40). How would we be able to see Jesus in our neighbors, even in those that we would despise?
Suy Niệm
1. Trước khi thương ngưòi chúng ta phải kính yêu Thiên Chúa. Từ muôn đời Thiên Chúa đã thương yêu con người, và Ngài ao ước chúng ta đáp lại. Nhìn lại những kinh nghiệm sống của chúng ta, khi chúng ta mở lòng cho tình yêu Thiên Chúa phát triển, thì tình yêu ấy giúp chúng ta thế nào để thương người chung quanh, kể cả những người chúng ta không mấy ưa thích? Kính yêu Thiên Chúa là điều chính yếu cho đời sống nội tâm? Thương người có phải là tác động cần thiết để đo lường sự trung thực của lòng kính yêu Thiên Chúa của chúng ta?
2. Kính yêu Thiên Chúa có dễ dàng hơn thương người không? Suy niệm lời giảng dạy: "Kính yêu Thiên Chúa trước tiên, rồi thương người".
3. Suy niệm về lòng kính yêu Thiên Chúa của chúng ta. Phân tách lòng kính yêu Thiên Chúa bằng cách nhận định cách chúng ta thường đáp lại tình yêu của Thiên Chúa - theo ý ta hay theo ý Chúa?
4. Đức Giêsu dạy chúng ta một cách để thương người: "Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần làm như thế cho một trong những người anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy" (Mt. 25:40). Làm thế nào chúng ta có thể tìm thấy Chúa Giêsu trong các người chung quanh, kể cả những người chúng ta không ưa thích?
Nghe audio:
MỤC LỤC
1. Mến Chúa và yêu người
2. Mến Chúa
3. Trò chơi hòa bình
4. Luật yêu mến – ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
5. Giới răn tối thượng – Lm Trần Ngà
6. Tại sao Thiên Chúa làm người – Achille Degeest
7. Khi hai mặt của đồng tiền bằng nhau
8. Hàng ngàn giới răn?
9. Mến Chúa yêu người
------------o0o-----------
Nhóm Sađốc chất vấn Chúa về sự sống lại đã bị Chúa bẻ gẫy không dám hỏi nữa. Nghe vậy bọn biệt phái muốn tấn công lại, cho nên một nhà thông luật đã đưa ra vấn đề để thử Chúa: Thưa Thầy, trong lề luật, giới răn nào trọng nhất. Luật Do Thái gồm cả thảy 613 điều được chia thành 248 điều phải làm và 365 điều phải tránh. Đồng thời có những điều nặng và những điều nhẹ. Phạm những điều nhẹ thì chịu phạt đền tội, còn phạm những điều nặng, có thể bị án tử hình. Các nhà thông luật thường tranh luận với nhau xem điều luật nào quan trọng nhất.
Trước vấn nạn được đưa ra, Chúa Giêsu đã trả lời một cách rõ ràng và xác đáng: Ngươi hãy kính mến Chúa hết lòng. Đó là giới răn quan trọng nhất. Nhưng giới răn thứ hai cũng quan trọng như giới răn thứ nhất, đó là yãy yêu thương anh em như chính mình. Chúa đem điều luật yêu người đặt ngang hàng với luật mến Chúa, đó là điểm đặc sắc trong những lời giảng của Người.
Lời xác quyết của Chúa thật minh bạch. Đi theo chiều hướng ấy, các tông đồ cũng nhấn mạnh, chẳng hạn thánh Gioan đã viết: Thiên Chúa là tình yêu. Ai ở trong tình yêu là ở trong Thiên Chúa. Rồi thánh Phaolô cũng căn dặn: Anh em hãy mặc lấy đức ái, đó là giềng mối của sự trọn lành. Như vậy mến Chúa hết lòng và yêu anh em như chính mình, đó là đỉnh cao của sự thánh thiện và đó cũng là việc chúng ta cần thực hiện trong cuộc sống trần gian.
Nên thánh không phải là làm phép lạ, vì có vị thánh suốt đời chẳng làm một phép lạ nào cả. Nên thánh cũng không phải là không phạm tội bao giờ, vì có nhiều vị thánh đã sa ngã nặng nề như thánh Phaolô, thánh Augustinô. Nên thánh cũng không phải chỉ là ăn chay đánh tội, thức khuya dậy sớm, làm mòn mỏi thân xác. Thực hiện được những hy sinh to lớn ấy là điều đáng khen, đáng ca ngợi, nhưng không phải là điều cốt yếu của sự thánh thiện. Nên thánh cũng không hệ tại việc đọc kinh dài, xem lễ rước lễ hằng ngày và cầu nguyện lâu giờ. Những việc đạo đức này thật tốt, song chỉ là những phương tiện giúp chúng ta nên thánh chứ không phải là bản chất của sự thánh thiện.
Vì thế, sự thánh thiện cốt tại lòng mến Chúa và yêu người. Bất kỳ những gì, dù nhỏ bé, kín đáo, tầm thường đến đâu, song được làm vì lòng mến Chúa và yêu người, thì nó sẽ trở nên thánh thiện cho chúng ta. Bởi vậy, thánh Augustinô đã nói: Ama et fac quod vis, hãy yêu mến rồi làm gì cũng được.
Rất tiếc có những người đã uổng công xây căn nhà đạo đức thánh thiện của mình không đúng cách vì không có được lòng mến Chúa yêu người làm nền tảng, cho nên không bao lâu chiếc mặt nạ đạo đức bị rớt xuống, và họ chỉ là những kẻ giả hình, gian dối mà thôi. Chúa không kể thời gian lâu mau. Chúa không xét việc làm to nhỏ. Chúa không coi việc làm vất vả hay nhẹ nhàng, nhưng Chúa đo mọi hành vi chúng ta làm bằng tình yêu, Người dùng mức độ tình yêu để đánh giá và ấn định công trạng đời sống chúng ta. Bởi đó, yêu nhiều là làm nhiều, và làm nên công nghiệp của mình trước mặt Thiên Chúa.
Có một chứng bệnh mỗi ngày một trở nên trầm trọng trong xã hội ngày nay, đó là chứng bệnh cô đơn. Thực vậy, giữa thời buổi kinh tế thị trường, người ta đổ xô về thành phố. Thế nhưng, dân số thành phố càng gia tăng thì chứng bệnh cô đơn lại càng trầm trọng. Người ta sống cách nhau chỉ một bức tường mà không hề biết đến tên tuổi của nhau. Trong một chung cư, kẻ ở lầu trên, ra vào cùng một lối mà chẳng biết đến kẻ ở lầu dưới. Mỗi người trở thành như một hòn đảo, một pháo đài biệt lập. Đời sống càng xô bồ chen chúc, thì con người lài càng cảm thấy cô đơn. Mặt trời dường như mỗi ngày một thêm nóng bức và oi ả, mà lòng người thì mỗi ngày một thêm lạnh lùng và băng giá. Thiên hạ đối xử với nhau ngày càng thêm hờ hững và xa lạ. Vậy đâu là phương thuốc trị liệu cho chứng bệnh cô đơn này?
Theo tôi nghĩ chúng ta không có một phương thuốc nào hiệu nghiệm cho bằng hãy mến Chúa và yêu người. Hay như Chúa Giêsu đã phán qua đoạn Tin Mừng hôm nay: Giới răn thứ nhất là hãy kính mến Thiên Chúa hết lòng, còn giới răn thứ hai cũng quan trọng như giới răn thứ nhất, đó là hãy yêu thương tha nhân như chính mình. Tuy nhiên, đây không phải là hai giới răn riêng biệt, nhưng chỉ là một giới răn duy nhất. Yêu người chỉ là sự biểu lộ và hậu quả tất nhiên của lòng mến Chúa. Có yêu người thì mới có thể mến Chúa. Và ngược lại, có mến Chúa thì mới có thể yêu người.
Từ đó chúng ta suy ra: nguyên nhân sâu xa nhất tạo nên chứng bệnh cô đơn, chínhy là vì con người đã xa lìa Thiên Chúa. Thực vậy, cùng với những thành quả của khoa học, con người đã muốn truất phế Thiên Chúa, họ muốn nói lên như dân Do Thái ngày xưa: Chúng tôi không muốn nó cai trị trên chúng tôi. Hẳn chúng ta còn nhớ khi phi thuyền Spoutnick được phóng lên không gian và trở về địa cầu, phi hành gia Gargarine đã tuyên bố với báo chí: Từ nay sẽ không còn ai dám nói rằng có một Thiên Chúa điều khiển trăng sao nữa. Thế nhưng, nếu suy nghĩ chúng ta sẽ thấy dăm ba chiếc phi thuyền nhỏ xíu di chuyện trong một khoảng thời gian nào đó trên không trung, làm sao có thể sánh ví với hàng triệu triệu vì sao quay cuồng trên bầu trời, không bằng một hạt cát trong sa mạc, không bằng một giọt nữa giữa biển khơi. Chính vì thế, Carnégie đã nói: Về phương diện khoa học kỹ thuật, loài người đã tiến được những bước khá cao, nhưng về phương diện tinh thần và tôn giáo, họ vẫn còn dậm chân trong một tình trạng ấu trĩ. Chúng ta có tiền nhiều, có áo tốt, có nhà cao, có xe xịn…nhưng lại thiếu bồi dưỡng về tình thần vì con người thời nay đã mất niềm tin vào Thiên Chúa. Niềm tin sẽ là như khí trời, thiếu nó chúng ta sẽ bị ngột ngạt và căng thẳng. Không tin vào Thiên Chúa là nguồn mạch mọi tình thương, chúng ta cũng không thể nào tin vào tình người một cách chân thành và bền bỉ. Vì lòng yêu người chỉ là hoa trái của tình mến Chúa mà thôi.
Bởi đó, ngày nay hơn bao giờ hết, con người phải quay trở về cùng Thiên Chúa, như lời bác học Von Braun đã tuyên bố: Nhờ những hiểu biết về không gian, nhiều người ngày nay cho rằng chúng ta cần phải tin có Thiên Chúa hơn cả những người sống trong thời trung cổ. Bởi đó, những kẻ coi khoa học là chủ tể của con người, thì chỉ biểu lộ sự nông cạn, hẹp hòi của mình mà thôi. Chính vì thế, Pascal đã nói: Khoa học nông cạn làm cho con người xa lìa Thiên Chúa, nhưng khoa học khôn ngoan sẽ dẫn đưa con người tới gần Ngài.
Một khi đã trở về cùng Thiên Chúa, một khi đã tới gần Ngài, chúng ta sẽ không còn cô đơn và tuyệt vọng, nhưng sẽ tràn đầy niềm hy vọng như lời Thánh Vịnh 17 đã diễn tả: Dù có đi giữa bóng tối hãi hùng của sự chết, tôi không còn lo sợ, vì Chúa ở cùng tôi. Hơn thế nữa, một khi đã trở về cùng Thiên Chúa, một khi đã tới gần Ngài, chúng ta mới tìm thấy được cái nền tảng vững chắc, cũng như những giá trị siêu nhiên cho vệc yêu người. Thực vậy, tại sao chúng ta lại phải yêu thương người khác? Vì có chung một Thiên Chúa là Cha, nên chúng ta là anh em. Bởi đó phải yêu thương nhau. Ngoài ra những hành động bác ái và yêu thương còn có một giá trị vĩnh cửu, bởi vì khi giúp đỡ người khác là chúng ta đã giúp đỡ cho chính Chúa vậy. Trong ngày phán xét, Ngài sẽ tra hỏi chúng ta về vấn đề này, và rồi dựa vào đó mà ấn định số phận đời đời của mỗi người chúng ta.
3. Trò chơi hòa bình (Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)
Ngày kia, ông Macsa, một nhà văn người Nga, đi ngang qua một sân chơi, ông dừng lại quan sát một đám trẻ em trạc tuổi lên 6 lên 7 đang chơi với nhau. Thấy chúng chơi trò gì là lạ, ông cất tiếng hỏi:
- Này các cháu, các cháu đang chơi trò gì thế?
Đám trẻ nhốn nháo trả lời:
- Chúng cháu chơi trò đánh nhau.
Nghe thế ông Macsa hơi cau mày, rồi gọi các em đến, ông ôn tồn giải thích:
- Tại sao các cháu chỉ chơi trò đánh nhau mãi. Các cháu biết chứ, đánh nhau hay chiến tranh có gì là đẹp đâu. Các cháu hãy chơi trò hòa bình xem nào.
Ông vừa dứt lời, một em bé reo lên:
- Phải rồi, tụi mình thử chơi trò hòa bình một lần xem sao.
Thế là cả bọn kéo nhau ra sân, chụm đầu vào nhau bàn tán. Thấy chúng chấp nhận ý kiến của mình, nhà văn hài lòng mỉm cười tiếp tục đi.
Nhưng chưa được mấy bước ông nghe có tiếng chân chạy theo. Và chưa kịp quay lại, ông đã nghe giọng của một em bé hỏi:
- Ông ơi, trò chơi hòa bình làm sao? Chúng cháu không biết.
Thưa anh chị em, làm sao trẻ em biết chơi trò hòa bình, khi người lớn cứ chơi trò chiến tranh? Làm sao trẻ em biết chơi hòa bình, khi trong nhà, cha mẹ, anh chị lớn bất hòa, cãi cọ… khi ngoài xóm ngõ người lớn chửi bới, đánh nhau…? Làm sao trẻ em biết chơi trò hòa bình, khi chúng vẫn thấy trên Tivi, báo chí, những cảnh chiến tranh khốc liệt, khủng bố và chém giết dã man?
Dường như thế giới ngày nay chỉ muốn giải quyết những tranh chấp, những xung đột lan tràn bằng bạo động, bằng vũ khí giết người. Mặc dù thế giới đang có trong tay sức mạnh vạn năng của tình yêu, nhưng chỉ một ít người biết sử dụng:
- Mục sư Luther King, người da đen, đã sử dụng khí giới của tình yêu. Ông đã ngã gục, nhưng hàng triệu người da đen đã được đứng lên làm người như những người da trắng.
- Đức Giám Mục Đêmông Tutu, người Nam Phi, cũng đã đi theo vết chân của Ganđi và Luther King.
- Mẹ Têrêsa thành Calcutta cũng đang dùng khí giới của tình yêu để những người không nhà không cửa, những người hấp dẫn hối đầu đường xó chợ được sống và chết như những con người.
Tất cả những tấm gương đó trên đây chỉ là phản bội của một Tình Yêu trọn vẹn hơn. Đó là tình yêu của Đấng đã chịu chết cho người mình yêu. Chính Ngài đã dạy chúng ta điều luật của trò chơi hòa bình. Đó là tình yêu: Yêu Chúa và yêu người. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã đáp lại vấn nạn của nhà thông luật Pharisêu về điều luật trọng nhất, bằng cách ghép lại hai điều luật của tình yêu: “Yêu Chúa với tất cả trái tim (Đnl 6,5) và yêu người như yêu mình” (Lv 19,18). Chúa Giêsu đã không đưa ra một điều gì mới mẻ. Nhưng cái độc đáo của Ngài đã cho thấy đâu là cái cốt yếu, cái quan trọng nhất của Luật Môsê: yêu Chúa hết lòng và yêu người như chính mình, cả hai điều luật đều có tầm quan trọng như nhau. Như thế, Ngài đã giải phóng con người khỏi một khối lượng lớn các điều răn (613 điều: 365 điều cấm làm, 248 điều phải làm), để rồi tập trung vào việc tuân giữ hai điều luật chủ yếu: Mến Chúa- Yêu người. Giữ được hai điều luật ấy là chu toàn tất cả pháp luật. Yêu người là thước đo lòng yêu mến Chúa. “Ai không yêu người anh em mình thấy trước mắt, tất cả cũng không thể yêu mến Thiên Chúa mà mắt mình không thấy được” (1Ga 4,20).
Thế nhưng, trong thực tế hằng ngày, có lẽ chúng ta thường quen tách rời Thiên Chúa ra khỏi yêu người; coi như hai điều luật hoàn toàn không liên hệ gì với nhau. Do đó, chúng ta có thái độ mâu thuẫn rõ rệt: làm việc gọi là đạo đức để yêu mến Chúa, nhưng đồng thời cũng làm những việc ám hại tha nhân để trục lợi hoặc ít ra cũng dửng dưng với những nhu cầu cấp bách của người khác. Chúng ta chỉ chú trọng đến việc gọi là mến Chúa mà không tha thiết gì đến việc thương người. Có khi chỉ mến Chúa yêu người vì có thể trục lợi được, chứ không phải vì đó là ý Chúa muốn, là bổn phận của con cái Chúa và vì là anh em với nhau. Mến Chúa bằng cách yêu tha nhân, yêu tha nhân là cách thế tỏ lòng yêu mến Chúa, đó là đều chúng ta phải qua tâm và áp dụng thực hành.
Tuy nhiên, chúng ta đừng quên: “Tình yêu tha nhân phải được nền trên tình yêu Thiên Chúa. Khi trái tim tôi thuộc trọn về Thiên Chúa thì ngay lúc ấy nó cũng thuộc trọn về tha nhân. Người ta chỉ có khả năng yêu tha nhân đến vô cùng khi được tình yêu Chúa chiếm hữu” (Rm 5,5). Trong Chúa, tôi bắt gặp tha nhân là anh em tôi. Trong Chúa, tôi cảm nhận được phẩm giá đích thực và trọn vẹn của một con người, dù đó là một người bệnh tật hay già yếu, một phạm nhân, một người mất trí, một thai nhi còn trong bụng mẹ, một thiếu nữ lầm lỡ, một người mắc bệnh Sida… Trong Chúa, tôi yêu mến họ và nhận ra chính khuôn mặt của Chúa Giêsu đang đau khổ, đói khát, trần trụi, yếu đau, ở tù, cô thế cô thân… (x.Mt 25,35-36).
Tình yêu đích thực đối với Thiên Chúa thì đưa tôi về với anh em. Tình yêu đối với anh em lại đòi tôi phải trở về với Thiên Chúa, nguồn mạch tình yêu, để múc lấy ở đó sức mạnh hầu tiếp tục trao hiến. Đó là nhịp sống bình thường của người Kitô hữu: cứ đong đưa giữa hai tình yêu. Chính nhờ sự đong đưa này mà trái tim tôi được dần dần mở ra và trở nên giống như trái tim Chúa Giêsu trên Thập giá.
Anh chị em thân mến,
Chúng ta chỉ là Kitô hữu đích thực khi sống bằng chính sức sống và tình yêu của Đấng đã sống và chết vì yêu thương ta. Chừng nào thế giới của người lớn chúng ta biết sống quảng đại yêu thương, biết giải quyết những tranh chấp không thể tránh được bằng đường lối ôn hòa, thông cảm và tha thứ, chừng đó thế giới trẻ thơ mới biết trò chơi hòa bình, mới triển nở được trong bầu khí hồn nhiên tươi sáng, hứa hẹn một tương lai huy hoàng cho gia đình, xã hội và thế giới.
4. Luật yêu mến – ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
Người Do Thái có quá nhiều luật lệ. Họ lại có thái độ duy Lề Luật. Nên tỉ mỉ tuân giữ tất cả mọi điều. Không còn biết điều nào là chính điều nào là phụ nữa. Hôm nay, nhân một câu hỏi. Chúa Giêsu đã cho ta biết chỉ có một điều luật quan trọng: LUẬT YÊU MẾN. Luật này có 2 khía cạnh.
1) Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn. Nghĩa là yêu mến hết khả năng, hết sức lực. Ta phải yêu mến Chúa như thế thật hợp tình hợp lý.
Vì Chúa đáng yêu đáng mến vô cùng. Chúa là nguồn mạch mọi sự thiện hảo. Ngài là toàn chân, toàn thiện, toàn mỹ. Nơi Ngài không có một tì vết, khuyết điểm nào. Trong đời sống ai cũng yêu thích những gì tốt đẹp. Chúa là Đấng vô cùng tốt đẹp. Yêu mến Ngài là điều tự nhiên. Ai hiểu biết cũng đều yêu mến Chúa.
Hơn nữa Chúa còn là Đấng sinh thành ra ta. Chính Chúa ban cho ta tất cả. Ta có mặt ở đời này là do ý định của Chúa. Tất cả nhừng gì chúng ta có và chúng ta là đều bởi Chúa. Chúa là vị ân nhân lớn nhất của ta. Yêu mến Chúa là việc làm không những tự nhiên mà còn là bổn phận nữa.
2) Yêu người thân cận như chính mình. Đó là điều răn thứ hai mà Chúa Giêsu nói cũng giống như điều răn thứ nhất. Thực ra đó chỉ là một điều răn vì những lý do sau:
Yêu Chúa và yêu người là hai khía cạnh của một tình yêu. Tình yêu chân thật là tình yêu không có giới hạn, không có loại trừ. Vì thế đã yêu Chúa thì phải yêu người. Nếu tình yêu bị giới hạn, có loại trừ thì sẽ trở thành giả tạo.
Tình yêu đối với tha nhân kiểm chứng tình yêu đối với Thiên Chúa. Thánh Gioan Tông đồ đã nói: “Nếu ai nói: Tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy. Đây là điều răn mà chúng ta nhận được từ nơi Người: Ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình” (1Ga 4,20-21).
Còn hơn thế nữa. Ai yêu anh em là yêu chính Chúa. Vì Chúa ở trong anh em. Hơn thế nữa, Chúa ẩn thân trong những anh em bé mọn nhất. Vì thế trong ngày phán xét Chúa nói với ta rằng: “Ta bảo thật cho các người: mỗi lần các người làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các người đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25-40).
Tất cả mọi điều răn khác đều quy về hai điều răn này. Nếu ta giữ trọn vẹn giới răn này, không những ta chu toàn Lề Luật mà còn góp phần xây dựng một thế giới mới, thế giới chan hòa yêu thương, chan hòa tình người. Và đó chính là khởi điểm của thiên đàng mai sau.
GỢI Ý CHIA SẺ
1) Yêu mến Chúa hết tâm hồn, hết trí khôn. Bạn thấy điều này có hợp tình hợp lý không?
2) Tại sao ta phải yêu tha nhân?
3) Bạn có cảm nghiệm được niềm vui khi ta yêu thương không?
4) Bạn nghĩ thế nào về một thế giới trong đó chỉ có những người yêu thương nhau.
5. Giới răn tối thượng – Lm Trần Ngà
Người Do Thái ngày xưa bị trói buộc bởi 613 khoản luật, gồm 365 luật buộc và 248 luật cấm. Tuân giữ bấy nhiêu khoản luật là một ách nặng không ai mang nổi, và giữa một rừng luật lệ như thế, việc tìm cho ra đâu là giới luật quan trọng hàng đầu mà mỗi người phải ưu tiên thực hiện là vấn đề không dễ. Đây cũng chính là vấn nạn mà một người thông luật đặt ra với Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, trong sách Luật Môsê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?"
Chúa Giêsu đáp: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình."
1. Giới răn yêu thương, tuy hai mà một
Nhiều người vẫn tưởng rằng giới răn mến Chúa và giới răn yêu người là hai giới răn khác biệt, nhắm về hai đối tượng khác nhau: điều răn mến Chúa quy về Thiên Chúa và điều răn yêu người quy về con người.
Thực ra, hai giới răn nầy cùng đều quy về một mối: đó là yêu mến Thiên Chúa đang hiện diện nơi những con người đang sống chung quanh, hay nói khác đi, yêu thương phục vụ những người chung quanh là phụng sự Thiên Chúa.
Qua Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu xác nhận hai giới răn nầy không khác biệt nhau khi Người nói: "điều răn thứ nhất là ngươi phải yêu mến Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy là ngươi phải yêu người thân cận như chính mình" (Mt 22, 39).
Qua dụ ngôn về "cuộc phán xét cuối cùng", Chúa Giêsu đồng hoá giới răn yêu người với giới răn mến Chúa: những ai cho những kẻ đói khát vất vưởng đầu đường xó chợ một bữa ăn thì Chúa Giêsu nói là họ cho Người ăn; những ai cho những kẻ rách rưới hay mình trần một vài tấm áo thì Chúa Giêsu tuyên bố là họ đã cho Người mặc; những kẻ giúp đỡ những người phiêu cư, lang bạt không nhà có chỗ trọ qua đêm thì Chúa Giêsu gọi họ là đã cho Người trú ngụ... (Mt 25, 35-36) và những người đó được Chúa Giêsu khen ngợi là "những kẻ được Cha Ta chúc phúc" và được Người mời "đến thừa hưởng Vương Quốc đã dọn sẵn cho họ từ thuở tạo thiên lập địa" (Mt 25, 34).
Chúa Giêsu cũng long trọng khẳng định rằng khi người ta làm bất cứ điều gì cho những anh em chung quanh là làm cho chính Người. (Mt 25,40)
Thế nên, hai giới răn nầy không khác biệt nhau, vì thực thi giới răn yêu người (giới răn thứ hai) cũng là hoàn thành giới răn mến Chúa (giới răn thứ nhất). Vậy thì tuy được kể là hai, nhưng hai giới răn nầy cũng quy về một mối: tuy hai mà một.
Trong thư gửi tín hữu Rôma, thánh Phaolô tái khẳng định điều đó: "Ai yêu thương người (điều răn thứ hai) thì đã chu toàn Lề Luật" (tức là đã giữ trọn tất cả các điều răn, kể cả điều răn thứ nhất là mến Chúa) (Rm 13, 8).
2. Giới răn yêu thương là trung tâm của các giới răn khác
Hai giới răn nầy là trung tâm của mọi giới răn, vì tất cả các giới răn khác đều quy hướng về hai giới răn quan trọng nầy; đồng thời đây cũng là giới răn tối thượng bao trùm hết mọi giới răn khác. Vì thế, ai giữ trọn giới răn nầy thì được xem là đã giữ tròn tất cả các điều răn khác.
Thánh Phaolô khẳng định như thế trong thư gửi tín hữu Rôma: "Thật thế, các điều răn như: Ngươi không được ngoại tình, không được giết người, không được trộm cắp, không được ham muốn, cũng như các điều răn khác, đều tóm lại trong lời nầy: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại; yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy" (Rm 13, 9-10)
Và Chúa Giêsu, qua trang Tin Mừng hôm nay, cũng xác nhận như thế: "Tất cả Luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy". (Mt 22, 40)
Xưa kia, đang khi quân binh Israel và quân binh Phi-li-tinh giàn binh bố trận để giao chiến với nhau, thì Gô-li-át, một chiến sĩ khổng lồ vô địch trong hàng ngũ Phi-li-tinh đứng ra thách thức với toàn chiến binh Israel: "Các ngươi hãy chọn lấy người khoẻ nhất ra đây giao chiến tay đôi với ta, (không cần hai phe phải dốc toàn quân giao chiến làm gì cho hao binh tổn tướng). Nếu nó hạ được ta thì chúng tao sẽ làm nô lệ chúng bây. Còn nếu ta hạ được nó, thì chúng bây sẽ làm nô lệ hầu hạ chúng tao" (I Samuen 17, 9-10)
Sau đó, Đavít đã thay mặt toàn quân Israel chiến đấu tay đôi với Gô-li-át và đã hạ sát được y ngay từ phút đầu bằng một phát ná bắn đá rồi giật lấy gươm của y mà chặt đầu y. Thắng được tên Gô-li-át là chiến thắng toàn thể quân binh Phi-li-tinh.
Sự kiện này minh họa cho vấn đề này là: nếu chúng ta chu toàn giới răn chủ chốt là giới răn yêu thương thì chúng ta đã giữ tròn các giới răn khác.
Muốn chế ngự rắn độc, phải cố tóm cho được cái đầu.
Muốn chinh phục toàn quân thì phải chiếm được bộ chỉ huy.
Muốn giữ tròn lề luật, hãy bắt đầu tuân giữ giới răn yêu người, vì "yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy" (Rm 13, 10).
6. Tại sao Thiên Chúa làm người – Achille Degeest (Trích trong ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’)
Vào thời Chúa Giêsu có 2 phong trào đối địch cố gắng nắm lấy uy thế lãnh đạo dân Do thái, đó là phái sa-đốc và biệt phái. Những người sa-đốc đã bị Thày chí thánh khóa miệng, đến lượt những người Biệt phái tìm cách gây khó cho Ngài; nếu thành công họ sẽ được hai cái lợi: qua mặt người sa-đốc và tiêu hủy uy tín của Chúa Giêsu. Họ hội họp nhau trong ý định ấy và thỏa thuận gởi một người trong bọn họ, chuyên gia về Lề luật, đến gặp Chúa Giêsu để hỏi Người về vấn đề tranh luận bất tận trong giới ký lục và luật sĩ. Thực vậy họ đã mổ xẻ lề luật và đã chia lề luật làm 613 huấn giới, 365 điều cấm, 48 chỉ thị. Trước một toàn bộ như thế, một số người Do thái bỏ hết thời giờ xem xét cách sống của mình để sao cho phù hợp với lề luật, một số thì chịu. Do đó một số mới tự hào xem mình là công chính và một số khác sinh lo âu thấy mình là kẻ phạm luật. Cả 2 đều không biết đến sự tự do tinh thần của tình yêu. Vì thế hiểu được có nhu cầu tổng hợp và đơn giản hóa lề luật. Các người Biệt phái chất vấn Chúa Giêsu về vấn đề tế nhị này. Ngài tổng hợp ra sao, Ngài đơn giản theo nguyên tắc nào? Câu trả lời của Chúa Giêsu không muốn mới mẻ và đề ra cái độc đáo. Chỉ có thể nằm trong đường hướng nguyên thủy của một bản luật do Thiên Chúa ban truyền. Câu trả lời chỉ nhắc lại. Thái độ vụ luật tỉ mỉ chi li của người Biệt phái hay khiến họ quên điều chính yếu của lề luật: do Thiên Chúa ban truyền. Luật thánh nhằm nối kết con người với Thiên Chúa. Chúa Giêsu nhắc lại ngọn nguồn và ý nghĩa của lề luật là gì. Lề luật nhằm tạo tương quan yêu thương với Thiên Chúa là Tình thương; bởi đó tình yêu đồng đều Thiên Chúa ban phát cho mỗi người phải liên kết người ta lại với nhau bằng một phản ảnh của tình yêu ấy. Giới răn thứ nhất là kính mến Thiên Chúa và giới răn thứ hai giống như vậy yêu mến người lân cận.
1) Người ta có thể yêu mến Tuyệt đối được không? Có thể yêu mến Đấng xưng mình bằng danh “Ta có” không? Thờ phượng Ngài thì được, nhưng yêu mến Ngài? Thế nhưng tôn giáo Israel và Kinh thánh không ngừng diễn tả một tác động của tâm hồn phải gọi là tình yêu mến. Như vậy có nghĩa là mạc khải ban cho dân Thiên Chúa, khác hẳn các tôn giáo khác. Thông thường các dân chọn và tạo lấy cho mình các huyền thoại, các thần thánh. Trong trường hợp Israel, chúng ta thấy chính Thiên Chúa đã chọn lấy một dân, hành động khởi đầu do từ Thiên Chúa đến và là một hành động yêu mến. Israel được kêu mời yêu mến một Thiên Chúa không phải trừu tượng xa vời, nhưng là sống động và có mặt điều khiển lịch sử của dân. Hiểu cho đúng, lề luật đã khơi động tiềm lực của trái tim. Ta sẽ đặt Luật Ta vào đáy lòng chúng và sẽ viết lên trái tim chúng (Gr 31,33). Phải, người ta có thể yêu mến Tuyệt đối khi Tuyệt đối mang tên Thiên Chúa Israel. Do đó Chúa Giêsu quả quyết rằng giới răn thứ nhất là yêu mến Thiên Chúa.
2) Nhưng Thiên Chúa Israel đã có mặt và tích cực hoạt động trong lịch sử một dân tộc và trong tâm hồn các tín hữu, còn muốn hơn nữa, Con Thiên Chúa khi làm người ước ao được người ta yêu mến bằng tất cả tiềm năng của trái tim loài người. Yêu mến Đấng “Hằng có” được mạc khải cho Môi-sê là một giai đoạn đáng kể của quá trình nhân loại vươn lên tới Thiên Chúa, nhưng chưa phải là trình độ của Phúc âm. Từ Nhập thể Thiên Chúa đã làm người. Ngài có thể làm đối tượng cho toàn thể tác động thâm sâu bao gồm trí khôn, ý chí, cảm xúc, tóm gọn trong chữ “yêu mến” và tác động ấy đặt vào một ai có thể đến gần. Con Thiên Chúa đã đích thân đặt mình vào chỗ khả năng yêu mến của con người có thể tới. Một sự kiện đầy ý nghĩa. Chúng ta đều biết tầm quan trọng của tên người mà mình yêu trong khi yêu. Vậy mà Israel có lề luật tóm tắt trong việc yêu mến đã đánh mất cách đọc chân thật tên Thiên Chúa mình. Người ta không biết danh hiệu “Giavê” có phù hợp với cách đọc nguyên thủy của tên Thiên Chúa hay không. Từ Phúc âm thì không còn như thế nữa. Giáo hội (nghĩa là những người con ưu tú nhất của Giáo Hội) yêu mến Chúa mình là Đức Kitô đến nỗi sẽ không bao giờ quên Tên mà chỉ đọc lên đã làm vui thỏa các thánh. Tên cực trọng Giêsu.
7. Khi hai mặt của đồng tiền bằng nhau (Trích trong ‘Mở Ra Những Kho Tàng’ – Charles E. Miller)
Nếu một cuộc trưng cầu dân ý được hỏi ý kiến của mọi người xem ai là người đá banh hay nhất trong mọi thời, hoặc ai là diễn viên giỏi nhất, hoặc ai là nhà soạn nhạc giỏi nhất, thì sẽ có rất nhiều ý kiến. Vì hôm nay những người đương thời với Chúa Giêsu đặt ra câu hỏi: điều nào trong lề luật là cao trọng nhất? Điều đó có một câu trả lời đơn giản hiển nhiên cho bất cứ một ngươi Do thái sốt sắng nào. Dù cho lề luật của người Do thái rất nhiều những không có gì ngạc nhiên khi Chúa Giêsu trả lời: “Các người hãy yêu mến Thiên Chúa là Thiên Chúa của các ngươi với hết tâm hồn, hết trái tim, hết trí khôn ngươi”. Những điều đáng ngạc nhiên là Chúa Giêsu đã nhấn mạnh thêm: “Các người sẽ yêu mến người láng giềng của các người như chính mình”. Câu hỏi: “Lề luật nào là cao trọng nhất?” chỉ có một câu trả lời: Chúa Giêsu đã cho hai câu:
- Câu trả lời đầu tiên được trích từ sách Đệ Nhị Luật đoạn 6 câu 2
- Câu trả lời thứ hai từ sách Lêvi đoạn 19 câu 18.
Chúa Giêsu không nói một điều gì mới. Sự góp phần độc nhất của Người là nối kết hai điều luật, trong hai sách tách biệt của Thánh Kinh và làm chúng nên một. Sự nhấn mạnh của người là không thể có tình yêu thật, tình yêu Thiên Chúa thật, nếu không có tình yêu người láng giềng, tình yêu tha nhân, và không có tình yêu tha nhân nếu không có tình yêu Thiên Chúa.
Hầu hết mọi người có ý ngay lành đều thường nghĩ dễ dàng hơn hoặc ít đòi hỏi hơn, để yêu mến Thiên Chúa thì dễ hơn yêu mến con người. Sau hết chúng ta biết rằng Thiên Chúa là hoàn hảo. Nếu như chúng ta cảm thấy rằng Thiên Chúa không làm đúng bằng chúng ta, thì những lỗi nằm trong sự thất bại của chúng ta, chúng ta dễ hiễu vì chúng ta không phải là Thiên Chúa. Không thể nói về sự liên hệ của chúng ta với con người cách tương tự. Ngay cả những người mà chúng ta yêu mến cũng có thể làm phiền chúng ta lúc chúng ta đang tìm kiếm một chút bình an và thinh lặng, cản trở chúng ta khi chúng ta đang nói chuyện, hoặc khi chúng ta đang dò các kênh của TV, để tìm một chương trình đặc biệt, lời lẽ hùng biện của chính trị có thể khiến chúng ta chống lại những người mẹ không kết hôn đang phải nhờ vào trợ cấp an ninh xã hội, hay là những người tự mãn có thể ảnh hưởng chúng ta trong việc coi rẽ, khinh thường, những người không có việc làm và những người vô gia cư, và ý kiến chung có thể chuyển chúng ta tới một sự coi thường nền tảng sự sống con người qua việc phá thai, chết êm dịu, án tử hình.
Nếu tôn giáo của chúng ta nhấn mạnh không gì hơn là đến nhà thờ cám ơn Chúa vì những đặc ân Ngài ban và để cầu nguyện xin Ngài trợ giúp, điều đó sẽ hầu như luôn luôn là một sự thích thú và một kinh nghiệm dễ dàng. Nhưng ngay trong thánh lễ, chúng ta được kêu gọi để diễn tả tình yêu của chúng ta cho anh em đồng loại thấp kém hơn.
Sau bài giảng chúng ta cất tiếng nài xin cho những dự định quảng đại được thực hiện. Chúng ta thường cầu nguyện cho những nhu cầu của Giáo hội, cho nhà cầm quyền, cho sự cứu độ của thế giới, cho những người bị bất công, bị cướp mất những nhu cầu, cho cộng đoàn địa phương của chúng ta. Lời cầu nguyện này là một phần hợp pháp trong sự thờ lạy Thiên Chúa giúp chúng ta làm viên mãn lề luật yêu thương tha nhân, chúng ta trao cho nhau những dấu chỉ chúc bình an, và điều này thật sự là một lời cầu nguyện khiến chúng ta có thể hoàn tất sự hợp nhất và bình an với những người khác mà Chúa Giêsu trong Thánh Thể đã dự định dành cho chúng ta.
Sự cám dỗ là tách biệt tình yêu Thiên Chúa ra khỏi tình yêu tha nhân. Chúa Giêsu sẽ không nghe những lời nguyện ấy. Lề luật yêu mến Thiên Chúa và lề luật yêu mến tha nhân tuy đã được giới thiệu trong hai sách riêng biệt của Thánh Kinh, nhưng chúng không được tách riêng trong trái tim của chúng ta, trong hành động của chúng ta.
Một lần nữa những người Pharisêu muốn giăng bẫy Chúa Giêsu, kiểm tra giáo lý của Ngài, dồn Ngài vào chân tường, dẫn Ngài vào trong sự rắc rối của hàng ngàn luật lệ. Người ta sắp thấy điều Ngài biết, sắp thấy Ngài có dạy dỗ tốt điều cần phải dạy dỗ hay không.
Chúa Giêsu thoát ra khỏi cái bẫy với một sự tự do, một sự trong sáng và một sức mạnh sáng tạo làm cho những người Pharisêu không nói được một lời nào. Ngài trích dẫn hai câu cổ điển: “Ngươi phải yêu mến Thiên Chúa... Ngươi phải yêu thương anh em ngươi...”. Đây là câu trả lời đơn giản của học trò giỏi, nhưng Ngài rút ra từ đó hai điều mới lạ.
Điều thứ nhất, Ngài đưa hai điều luật tới gần nhau bằng cách cho hai điều luật đó có tầm quan trọng như nhau. Kể từ giây phút này tình yêu thương anh em được nâng lên gần với tình yêu thương Thiên Chúa và sẽ không rời ra nữa.
Điều thứ hai, Ngài làm cho viên ngọc duy nhất nay sáng lên bằng cách để cho nó ngự trị trên toàn bộ những điều chúng ta nghĩ và làm: tất cả đều tuỳ thuộc vào tình yêu. Việc kể ra nhiều những điều phải làm hoặc không được làm, làm phát sinh hàng ngàn câu trả lời cho một câu hỏi: tôi có thể yêu thương như thế nào?
Chúa Giêsu nói tất cả những gì chứa đựng trong Kinh Thánh, lề luật và các tiên tri, và do đó tất cả những gì Thiên Chúa chờ đợi nơi chúng ta, phát xuất từ hai điều răn gắn với nhau này. Những người chẻ sợi tóc làm tư đã hỏi Ngài nay bị buộc quay về điều cốt lõi: “Hãy yêu thương”.
Chúng ta cũng thế, chúng ta cảm thấy rằng tuân giữ hoàn toàn hai giới răn lớn này là một cách thức triệt để, nhưng có tính cách bó buộc đến nỗi chúng ta thích đi quanh co ở giữa hàng ngàn điều qui định. Đàng khác, những qui định này là cần thiết, “yêu thương” thì quá mơ hồ, phải hun đúc yêu thương bằng những bó buộc khác nhau. Tôi phải biết rằng tôi thật sự yêu mến Thiên Chúa và anh em của tôi nếu tôi làm điều này điều kia.
Nhưng thế rồi nổi lên một nguy cơ muôn đời: làm mất tác dụng sự bó buộc yêu thương bằng việc cứ nhắm mắt tuân thủ bó buộc đó. Với ít nhiều ý thức chúng ta lý luận theo cách này: nếu tôi làm tất cả những gì được yêu cầu thì đã yêu thương rồi đó. Không đâu. Điều đó chưa đúng, bởi vì điểm xuất phát thì xấu. Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng tất cả trước tiên tùy thuộc vào dự kiến triệt để đó là yêu thương. Chúng ta đừng bao giờ bắt đầu bằng hàng ngàn điều phải làm nhưng là bằng xác tín mà tất cả đều tuỳ thuộc vào đó: tôi phải yêu thương.
Theo Tin Mừng, bí mật của cuộc sống là: trước hết phải thực hành yêu thương điều gì đó một cách hoàn toàn vô điều kiện. Thế rồi ý thức muốn yêu thương này sẽ dần dần hóa thân vào trong tất cả các biến cố, các cuộc gặp gỡ và các sự tuân phục –nhưng không đắm chìm vào trong đó. Sẽ là bất hạnh nếu lại rơi vào trong sự âu lo và sự nô lệ hàng ngàn giới răn, sau khi đã nhận được từ Chúa điều răn ngắn nhất và tự do nhất trong số các điều răn của cuộc sống: Tôi có yêu thương hay không?
Qua đoạn Tin Mừng sáng hôm nay, Chúa Giêsu đã cho chúng ta thấy giới răn thứ nhất đó là hãy kính mến Thiên Chúa hết lòng. Còn giới răn thứ hai cũng quan trọng như giới răn thứ nhất, đó là hãy yêu thương anh em như chính mình vậy.
Tuy nhiên đọc lại Phúc âm, chúng ta có cảm tưởng dường như Chúa Giêsu đặc biệt nhấn mạnh tới giới răn thứ hai. Ngài đã coi việc yêu người là cách thức để biểu lộ tình mến Chúa. Thực vậy có lần Ngài đã phán: Mỗi khi lên đền thờ dâng của lễ mà sực nhớ người anh em có điều chi bất bình với ngươi thì hãy để của lễ đó, trở về làm hoà với người anh em mình trước đã rồi mới tới mà dâng của lễ sau. Hơn nữa mỗi hành động bác ái yêu thương chúng ta thực hiện cho người anh em là chúng ta thực hiện cho chính Chúa. Thế nhưng đặc điểm của lòng yêu người là gì? Tôi xin thưa: đó là tinh thần phục vụ. Phục vụ một cách nhưng không, một cách vô vị lợi, không cần đền ơn báo đáp, không mưu cầu danh vọng địa vị hay được bù lỗ cách này cách khác. Chính Chúa Giêsu đã từng làm gương cho chúng ta: Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng đến để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người. Tình yêu Ngài dành cho chúng ta thật cao cả, bởi vì Ngài đã hiến mạng sống Ngài cho chúng ta. Hơn thế nữa, Ngài còn đòi hỏi các môn đệ, những kẻ bước theo Ngài cũng phải sống tinh thần phục vụ như thế. Trong bữa Tiệc Ly, sau khi đã quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ, thì Ngài đã nói với các ông: Nếu Thầy đã rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau.
Từ những điều vừa trình bày chúng ta đi vào một vấn đề thời sự nóng bỏng trong giáo xứ, đó là vấn đề bầu ban hành giáo. Khi thi hành chức vụ của ban hành giáo, thì một trật chúng ta thể hiện tinh thần phục vụ đối với Chúa cũng như đối với người khác tại cộng đồng giáo xứ. Trong những ngày qua, tôi rất xúc động vì có những bà mẹ, những bà vợ, biết mình không thể ra ban hành giáo được, cho nên đã tích cực động viên chồng con của mình. Một bà vợ thì nói: Tôi rất mừng khi thấy ông ra ứng cử, bởi vì khi đã vào ban hành giáo, ông sẽ đạo đức hơn và chừa bỏ được những thói hư tật xấu của mình. Một bà mẹ thì bảo: Mẹ cho con ăn học và mong con sẽ làm được một cái gì lợi ích cho đời. Thế nhưng dưới một góc độ khác, chúng ta không khỏi lo âu và băn khoăn, vì suốt hơn hai tháng cổ động mà hiện giờ, khu vực Thánh đường Vô Nhiễm vẫn còn khiếm khuyết một ứng cử viên. Trong giáo xứ rất nhiều người hội đủ điều kiện, có dư thiện chí và tinh thần phục vụ, nhưng vì hoàn cảnh, vì lý do này lý do khác, đã không thể ra được. Chúng ta hoàn toàn thông cảm với những anh em có lý do chính đáng. Thế nhưng cũng có những người mạnh miệng tuyên bố, nhưng rồi khi đến việc lại chẳng thấy đâu, cho nên sự thể có những tên gọi vừa khôi hài lại vừa chua chát, chẳng hạn như: chánh lặn, chánh chuồn, chánh né… Như thế xem ra phục vụ bằng mồm thì dễ hơn phục vụ bằng hành động, bằng việc làm. Một trong những lý do thường được đưa ra để chuồn, để lặn, để né đó là bà xã. Thực sự thì hiện nay, gia đình nào mà chẳng có những khó khăn, đã ra gánh vác việc chung thì thế nào cũng phải chấp nhận hy sinh một phần công việc nhà. Mà các bà thì vốn tham lam, muốn độc quyền, không muốn ông xã của mình bị chia sẻ, bị hy sinh, cho nên đã ngáng chân, đã làm kỳ đà cản mũi, để ông xã đừng ra. Bởi vì nếu ông xã mà ra, sợ ông ấy quá siêng năng việc chung mà bê trễ việc riêng, nhất là những khi mùa màng dồn dập, cho nên khi có người đến vận động thì tay chân dãy lên đành đạch và miệng thì chối bai bải. Hành động như thế, chứng tỏ chúng ta thiếu tinh thần phục vụ, thiếu trách nhiệm chung, cũng như thiếu tin tưởng vào Chúa, bởi vì Chúa sẽ không bao giờ bỏ rơi những kẻ phục vụ Ngài. Bằng chứng cụ thể là rất nhiều vị chánh, vị phó, vị trùm, vị quản trong những năm phục vụ giáo xứ, kinh tế gia đình vẫn không bị suy giảm, mà hơn nữa lại còn tậu đất, sắm tivi cassette, mua máy bơm, máy suốt cũng như máy cày, như vậy cũng vẫn ăn nên làm ra, cả về tiền bạc cũng như về con cháu.
Để kết luận tôi xin mượn lời kinh hoà bình của thánh Phanxicô Assie: Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người.