Bài học khiêm nhường


Ngày 03/11/2018
Thứ Bảy sau Chúa Nhật XXX Thường niên
Lời Chúa: 
 Lc 14,1.7-11

1Một ngày sabát kia, Đức Giêsu đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pharisêu để dùng bữa: họ cố dò xét Người. 7Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ dụ ngôn này: 8"Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, 9và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: "Xin ông nhường chỗ cho vị này. Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. 10Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: "Xin mời ông bạn lên trên cho. Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn. 11Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên."

Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên (Lc 14,11)

 
Suy niệm: 

Thời Chúa Giêsu cũng như thời nay biết bao người chưa hề một lần tự nhủ mình phải khiêm tốn, không nên kiêu căng tự mãn. Câu chuyện thánh Luca kể lại đã gồm tóm giáo lý của Chúa về sự khiêm nhường: Hễ ai nhấc mình lên sẽ bị hạ xuống, và ai hạ mình xuống sẽ được nhấc lên. Ngài đưa ra kết luận này nhân dịp đến dự một bữa tiệc tại nhà viên thủ lãnh các người Biệt phái khi thấy những người được mời chọn chỗ nhất. Các môn đệ của Chúa không được làm như thế nhưng phải học đến tận cùng mẫu gương khiêm nhượng thẳm sâu nơi Thầy mình. Thánh Phaolô trong thư Philipphê nói:

“Ngài, phận là phận của một vị Thiên Chúa nhưng Ngài đã không nghĩ phải giành cho được chức vị đồng hàng cùng Thiên Chúa. Song Ngài đã tự hủy mình ra không là lãnh lấy phận tôi đòi, trở thành giống hẳn người ta, đem thân đội lốt người phàm. Ngài đã tự hạ mình thấp hèn, trở thành vâng phục cho đến chết và là cái chết trên Thập Giá.”

Khiêm nhường trước hết hệ tại thái độ xác định vị trí khách quan của mình: tội lỗi trước Đấng Toàn Năng và Chí Thánh. Người khiêm nhường nhìn nhận rằng mọi sự mình có đều do lãnh nhận nơi Chúa, rằng mình là đầy tớ vô dụng, tự mình không là gì khác hơn là tội nhân. Nhưng kẻ khiêm nhường lại không thất vọng, ngã lòng, nhưng sẽ mở tâm hồn đón nhận ơn Chúa, đón nhận năng lực của ân sủng.

Mỗi khi ngắm nhìn Mẹ Maria, ta lại thấy Mẹ đáng yêu đáng kính đặc biệt vì Mẹ đã sống khiêm nhường. Lời XIN VÂNG biểu lộ sâu xa nhất tâm hồn khiêm nhường bao giờ cũng mang đặc tính nhìn nhận Thiên Chúa quyền phép. Để rồi ý thức mình chỉ là dụng cụ đơn hèn sẵn sàng tuân phục. Tuân phục ai thì bằng lòng để người ấy điều khiển mình. Đức Mẹ tuân phục Chúa nên Người đã đưa Mẹ vào chương trình cứu độ. Thiên Chúa vốn trọng những ai khiêm nhường thật sự. Chúng ta hãy dâng con người yếu đuối thấp hèn lên Chúa để quyền năng của Người biến đổi.

Dân Israel đã học hỏi sự khiêm nhường trước hết bằng kinh nghiệm về sự toàn năng của Chúa, Đấng cưú thoát họ. Họ giữ cho kinh nghiệm ấy được sống động bằng cách tưởng nhớ đến kỳ công của Thiên Chúa trong việc phụng tự của họ. Phụng tự đó là trường dạy khiêm nhường. Trong lúc ca tụng và tạ ơn Thiên Chúa, người Israel bắt chước gương vua Đavít khi nhảy múa trước hòm bia để tôn vinh Chúa... Rồi những nhục nhã, thất bại và lưu đày cũng cho họ ý thức về sự bất lực căn bản của con người.

Để sống khiêm nhường đích thực, chúng ta hãy ngắm nhìn Chúa Giêsu Thánh Thể, Đấng đã hạ mình xuống làm tội nhân chịu treo trên Thập Giá, đối với người đời đây đã là địa vị quá thấp hèn, nhưng Chúa còn muốn ẩn thân dưới hình Bánh hình Rượu, bề ngoài bất động, hầu cho ta được thấy sự tiêu hao mình đi vì lợi ích của đồng bào.

Một ngày năm 11 tuổi, tôi trở về nhà khóc vì chỉ được giao một việc nhỏ của chương trình Thiếu nhi tại nhà thờ, trong khi các bạn khác được phân công vai chính. Thản nhiên, mẹ tôi lấy chiếc đồng hồ của bà và đặt vào tay tôi.

- Con có thấy gì không?

- Một hộp vàng, mặt và những cây kim.

Rồi bà mở phía sau hộp và nhắc lại câu hỏi. Tôi nhìn thấy những bánh xe nhỏ và những đinh vít. Bà nói: “Chiếc đồng hồ này sẽ vô dụng nếu thiếu đi mỗi phần, ngay cả những phần con không thể nhìn thấy.”

Bài học của bà làm tôi vui sướng hơn tất cả.

Cầu nguyện: 

Lạy Chúa, giữa những thăng trầm của cuộc sống, xin giúp chúng con đừng quá bận tâm đi tìm danh vọng ở đời. Nhưng xin giúp chúng con biết chu toàn tốt bổn phận hằng ngày. Xin giúp chúng con biết nên thánh bằng việc chu toàn bổn phận của mình. Bổn phận của con dù nhỏ bé trước mặt người đời, dù chẳng được mấy ai quan tâm đến. Nhưng đó lại là công việc Chúa muốn con hoàn thành với một tình yêu lớn. Chính trong tình yêu và sự tuân phục giúp con cảm nhận được giá trị của công việc con làm. Amen