THÁNH SIMON VÀ GIUĐA, TÔNG ÐỒ


Ngày 28/10/2017

NGÀY 28.10 : THÁNH SIMON VÀ GIUĐA, TÔNG ÐỒ


Thánh SIMON Tông Đồ


Tân ước ngoài việc đặt thánh Simon vào danh sách nhóm 12, đã không cung ứng một chỉ dẫn trực tiếp nào liên quan đến vị tông đồ này. Ngài được phân biệt với Simon Phêrô bằng danh hiệu "nhiệt thành" (Lc 6,15; Cv 1,13), một danh hiệu không có ý nói rằng: Ngài là phần tử thuộc nhóm quá khích Do thái mang tên này, nhưng chỉ cho biết nhiệt tâm của Ngài đối với lề luật. Theo tiếng Aram, nhiệt thành là "Cana".


Điều này giải thích tại sao các thánh sử nhất lãm gọi Ngài là người xứ Cana (Mt 10,4; Mc 3,18). Có người cho rằng sinh quán của người là Galilêa. Một truyền thống còn nói thánh Simon là chàng rể phụ trong tiệc cưới tại Cana (Ga 2,1-12). Sách các thánh tử đạo kể rằng Simon sau khi chứng kiến phép lạ của Chúa Kitô, đã "bỏ rượu", bỏ lễ cưới để theo Chúa Kitô và được liệt vào số các tông đồ. Thực sự, chẳng có chứng cớ lịch sử nào nói tới việc này.


Cũng như thánh Giacôbê Hậu, có lẽ thánh Simon là một trong các "anh em của Chúa" (Mc 6,3). Nhưng người ta không thể đồng hóa thánh tông đồ với thánh Simon mà theo truyền thống là Đấng kế vị anh mình làm giám mục Giêrusalem.


Chúng ta không thu lượm được chi nhiều về hoạt động và cái chết của vị tông đồ. Có những tường thuật cho rằng: Ngài đi truyền giáo ở Phi Châu và các đảo Britania. Những tường thuật này không có nền tảng. Một truyền thống khác cho rằng Ngài đi truyền giáo ở Ai cập và cuối cùng ở Batư. Truyền thống này đáng tin hơn.


Nhiều nguồn tài liệu đồng ý cho rằng Ngài chịu tử đạo ở Batư. Một số ít hơn nói rằng Ngài cùng chịu tử đạo với thánh Giuda. Dầu vậy, vì không có tài liệu nào đủ tính cách cổ kính nên khó nói rõ về nơi chốn và hoàn cảnh thánh nhân qua đời.

 

Thánh GIUĐA Tông Đồ

 

Vị tông đồ này mang nhiều tên khác nhau như Tadêo (Mt 10,3; Mc 3,18) hay Giuda (Lc 6,16; Cv 1,13). Chính Ngài là vị tông đồ trong cuộc đàm luận sau bữa tiệc ly đã hỏi Chúa Giêsu: - Thưa Thày, tại sao Thày tỏ mình ra cho chúng con mà không cho thế gian ?


Chúng ta có thể đồng hóa Ngài với tác giả bức thư, trong đó có trình bày Ngài là : "Giuda, nô lệ của đức Giêsu Kitô, anh em với Giacobê" (Gl 1) không ? Thực sự tiếng Hy lạp phải đọc câu văn này như ở Lc 6,16 là: "Giuda, con của Giacôbê". Hơn nữa câu 17 của bức thư, tác giả như tách mình ra khỏi số 12. Dĩ nhiên, điều này không làm giảm giá sự chính lục của bức thư. Có thể nói, tác giả "anh em với Chúa" (Mc 6,3) không phải là tông đồ nhưng có thể giá trong Giáo hội sơ khai như Giacôbê (Cv 15,13). Thánh Giuda tông đồ, theo truyền thống, đã đi rao giảng Tin Mừng ở Mesopotamina và chịu tử đạo ở đó. Một thời Ngài được tôn kính như đấng bảo trợ cho các trường hợp "vô vọng". Lòng sùng kính này bị quên lãng, có lẽ vì Ngài trùng tên với Giuda phản bội.
 


Hạnh Tích Các Thánh

 

 28.10

 

Thánh Simon Và Giuđa, Tông Ðồ


Chúng ta đừng lầm thánh Simon tông đồ ngày hôm nay với thánh Simon Phêrô. Giáo Hội mừng kính hai thánh Simon và Giuđa cùng một ngày là vì có sự trùng hợp giữa hai ngài về cuộc đời truyền giáo cũng như khi tuyên xưng đức tin.


Thánh Simon còn được gọi là Simon người Cana, hay Simon Nhiệt Thành. Thánh Giuđa, có biệt danh là Tađêô, con của Giacôbê, anh em với Chúa Giêsu.


Theo thánh truyền thì hai ngài đi giảng Tin Mừng ở hai nơi khác nhau. Thánh Simon giảng tại Ai Cập, còn thánh Giuđa tại Mésopotamia. Sau khi thu lượm được nhiều kết quả tốt đẹp, hai ngài như được thôi thúc cùng đi sang Ba Tư. Chính tại nơi đây, hai ngài được diễm phúc lãnh nhận cái chết để tôn vinh Ðức Kitô như các anh em tông đồ khác. Chúng ta còn được biết thánh Giuđa đã biểu lộ sự trung thành với lời Chúa qua việc ngài chống lại những người trí thức có khuynh hướng khích bác Tin Mừng.


Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta đem nhiệt thành loan truyền ơn cứu độ trong niềm cậy trông và trung tín với giáo lý của Chúa.


 Châu Kiên Long

 

***


THÁNH SI-MON và THÁNH GIUÐA, TÔNG ÐỒ


(St. Simon và Jude)


Ngày 28/10


Lc 6,12-19


 Ðọc lại tiểu sử của các Vị Thánh,có thể mọi người sẽ cảm thấy thật bất ngờ vì Chúa chọn các Ngài vượt trên những tiêu chuẩn của người đời,vượt trên những suy nghĩ của con người.Môsê trong Cựu Ước là một con người ăn nói ngọng nghịu,không trôi chảy,không lưu loát .Ðavít,cậu bé có mái tóc hoe hoe vàng,thua sút anh em.Nhiều ngôn sứ cũng ấp a ấp úng khi được Thiên Chúa chọn lựa.Mười hai tông đồ trong Tân Ước cũng thế. Chúa Giêsu lựa chọn họ không phải vì họ xuất chúng.Ngài chọn lựa họ thật bất ngờ.


 THÁNH SI-MON và THÁNH GIUÐA

 

Thánh Simon Tông Ðồ


Hai Ðấng thánh này cũng đã được Chúa tuyển chọn sau nhiều giờ cầu nguyện,sau những phút giây Chúa Giêsu hỏi ý Thiên Chúa Cha.Việc cầu nguyện để nói lên tính cách quan trọng của sự chọn lựa.Vì không có Chúa,con người chả là gì cả,con người chỉ là không không.Ðiều nay đã cho nhân loại hiểu:Phêrô,vị lãnh đạo Giáo Hội cảm thấy sức mình quá yếu đuối khi chối Chúa ba lần dù rằng trước đó ông cương quyết yêu mến Chúa.Các môn đệ,thân tín của Chúa,nhưng đã sớm ca bài tẩu thoát khi Thầy mình gặp khốn khổ trong cuộc thương khó đi về núi Sọ.Giuđa đã hoàn toàn thất vọng khi cậy vào quyền lực và sức riêng của con người.Quả thực không có Chúa,con người không làm được gì cả. Thánh Simon sinh tại Cana,còn được gọi là Simon nhiệt thành. Thánh Giuđa,có biệt danh là Tađêô,con của Giacôbê,anh em với Chúa Giêsu.Thánh Simon đi rao giảng Tin Mừng tại Ai Cập,thánh Giuđa tại Mésopotamia.Hai thánh tông đồ đã gặt hái được rất nhiều kết quả trong việc rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa, đã đem được nhiều người quay trở về với Chúa Giêsu,với Giáo Hội.Ðược thúc đẩy bởi Chúa Thánh Thần,với lòng nhiệt tình truyền giáo,thánh Simon và thánh Giuđa đã ra đi loan báo Tin Mừng tại Ba Tư.Tại xứ sở Ba Tư,vì ghen ghét các Ngài,các Ngài đã như mọi tông đồ khác được phúc tử vì đạo để làm chứng cho Chúa Kitô.


 HAI THÁNH SI-MON và GIU-ÐA TUYÊN XƯNG DANH CHÚA

 

 Thánh Giuđa Tông Ðồ


Theo Thánh Truyền,thánh Giuđa đã cương quyết chống lại những nhà thông thái,trí thức chống báng Tin Mừng của Chúa Kitô. Ngài không hề sợ đau khổ,không hề sợ chết,với ơn Chúa ban,Ngài đã chiến thắng các người trí thức luôn khích bác Tin Mừng và Giáo Hội Chúa Kitô. Thánh Si-mon luôn trung thành với Giáo lý chân chính của Chúa Kitô. Vì sự cương quyết,lòng can đảm của hai tông đồ Simon và Giuđa,người ta đã âm mưu ám hại hai Ngài. Họ đã bắt bớ,đánh đòn và làm cho hai Ngài phải chết.Thánh Simon và thánh Giuđa đã can đảm đổ máu mình ra để tô điểm Giáo Hội. Chính dòng máu của các Ngài đã làm cho nền tảng Giáo Hội Chúa Kitô vững chắc ở trần gian này. Hai thánh Simon và Giuđa đã hân hạnh được lãnh nhận triều thiên nước trời.


 Xin Chúa ban cho mọi người chúng con lòng nhiệt thành loan báo Tin Mừng trong niềm tin,cậy,phó thác vào tình thương và vào giáo lý chân chính của Chúa.


 Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi

 

***

 

 Ngày 28 tháng 10


Thánh Simon và Thánh Giuđa Thađeô Tông đồ.


Palestina (thế kỉ I)


Thánh Simon


Thánh Simon thuộc nhóm “nhiệt thành” của người Dothái thời Chúa Giêsu . Gọi Simon thuộc nhóm Nhiệt thành để phân biệt với thánh Simon Phêrô. Nhiệt thành là một nhóm người Dothái tin rằng lời hứa về Đấng Cứu thế có nghĩa là nước Dothái sẽ được tự do, độc lập, không phải lệ thuộc, không phải nộp thuế cho người Rôma nữa. Một số người Nhiệt thành nghĩ rằng, phải giữ lý tưởng tôn giáo, nhưng những hành động nổi dậy, giết quân thù quốc gia…thì được phép. Thánh Simon đi rao giảng Tin Mừng tại Ai Cập, rồi qua Ba tư và chịu tử đạo tại đây.


 

Thánh Giuda Tadeo


Phù hộ những trường hợp tuyệt vọng: Thánh Giuđa, còn được gọi là Tađêô, anh em của tông đồ Giacôbê Thứ , các ngài là bà con với Chúa Giêsu. Thánh Giuđa sau khi lãnh ơn Chúa Thánh thần đã đi loan báo Tin Mừng tại Ba Tư (Persia), tức là nước Iran ngày nay.


Theo Thánh Truyền, thánh Giuđa đã cương quyết chống lại những nhà thông thái, trí thức chống báng Tin Mừng Chúa Kitô. Ngài không sợ đau khổ, không sợ chết. Vì ghen ghét, người ta đã giết Ngài .


Thánh Giuda đã viết một thư được xếp trước sách Khải huyền trong bộ Tân Ước. Trong thư ngài khuyên tín hữu đề phòng các thầy giáo giả, và khuyên”giữ mình sống trong tình yêu Chúa và chờ đợi lòng thương xót của Chúa Giêsu Kitô Đấng ban sự sống muôn đời”. Ngài cũng được coi như thánh cứu giúp những trường hợp khó khăn nhất, vô vọng nhất.


 xuanha.net