Là anh em với nhau (20.8.2022 – Thứ bảy Tuần 20 TN - Thánh Bênađô, Viện phụ)
Là anh em với nhau
Lời Chúa: Mt 23, 1-12
Một hôm, Ðức Giêsu nói với dân chúng và các môn đệ Người rằng: “Các kinh sư và các người pharisêu ngồi trên tòa ông Môsê mà giảng dạy. Vậy, những gì họ nói thì anh em hãy làm, hãy giữ; nhưng đừng theo hành động của họ mà làm, vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là “rápbi”. Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là “rápbi”, vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Ðức Kitô. Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.
Suy niệm:
Nửa sau của bài Tin Mừng hôm nay
có thể làm chúng ta bị sốc.
Ðức Giêsu bảo ta đừng để ai gọi mình là thầy,
vì chỉ có một Thầy, một vị lãnh đạo là chính Ngài;
cũng đừng gọi ai là cha,
vì chỉ có một Cha là Thiên Chúa trên trời.
Vậy mà chúng ta vẫn gọi nhiều vị trong Hội Thánh
là cha, là Ðức Thánh Cha,
là giáo phụ, thượng phụ, viện phụ...
Chúng ta có làm sai lời Chúa dạy không?
Ta có phải hiểu theo nghĩa đen lời của Ðức Giêsu không?
Hội Thánh sơ khai đã không hề hiểu theo nghĩa đen.
Thánh Phaolô đã coi mình là cha sinh ra các tín hữu,
đã gọi họ là con (1Cr 4,14-17; Gl 4,19).
Hội Thánh cũng có những thầy dạy (Cv 13,1; 1Cr 12,28),
và những vị lãnh đạo (Cv 15,22; Rm 12,8)
Vậy đâu là điều Ðức Giêsu muốn nhắn nhủ chúng ta?
Chắc chắn Ngài không hề muốn phá bỏ
những cơ cấu cần thiết cho thân thể Hội Thánh,
Ngài cũng không loại bỏ phẩm trật và quyền hành.
Ngài chỉ muốn chúng ta đừng quên:
mọi quyền bính trong Hội Thánh
đều bắt nguồn từ Thiên Chúa và phải quy về Thiên Chúa.
Nếu có ai làm thầy, làm người lãnh đạo,
thì vì họ được chia sẻ quyền làm Thầy của Ðức Giêsu.
Nếu họ được gọi là cha,
thì vì họ được chia sẻ quyền làm Cha của Thiên Chúa.
Dù có chức vụ hay chức vị gì trong Hội Thánh,
tôi cũng không được quên chân lý này:
còn tất cả anh em đều là anh em với nhau,
con một Cha trên trời.
Chỉ có một vị Thầy là Ðức Giêsu.
Nhưng Thầy Giêsu lại sống như bạn của các môn đệ,
như anh em với họ (Ga 15,14; Mt 12,49-50),
và nhất là như tôi tớ phục vụ họ (Mt 20,28).
Ðức Giêsu mãi mãi là gương cho các nhà lãnh đạo.
Quyền lãnh đạo chính là để phục vụ con người.
Phần đầu của bài Tin Mừng cho thấy sự giả hình
của một số người pharisêu, có quyền giảng dạy Lề Luật.
Giả hình là không làm điều mình dạy người khác,
là dễ dãi với chính mình,
nhưng khắt khe với tha nhân.
Giả hình là biến việc thờ phượng Chúa thành thờ mình,
làm việc tốt để người ta thấy và thán phục.
Khi nhìn khuôn mặt của người pharisêu giả hình,
tôi thấy tôi: háo danh, khoa trương, ích kỷ,
dám “đốc” chứ không dám làm...
Có những đoạn Tin Mừng làm chúng ta nhức nhối,
vì mở cho chúng ta những chân trời xa,
cho chúng ta thấy những điều cần làm, phải làm,
nhưng chưa làm.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
khi đến với nhau,
chúng con thường mang những mặt nạ.
Chúng con sợ người khác thấy sự thật về mình.
Chúng con cố giữ uy tín cho bộ mặt
dù đó chỉ là chiếc mặt nạ giả dối.
Khi đến với Chúa,
chúng con cũng thường mang mặt nạ.
Có những hành vi đạo đức bên ngoài
để che giấu cái trống rỗng bên trong.
Có những lời kinh đọc trên môi,
nhưng không có chỗ trong tâm hồn,
và ngược hẳn với cuộc sống thực tế.
Lạy Chúa Giêsu,
chúng con cũng thường ngắm mình trong gương,
tự ru ngủ và đánh lừa mình,
mãn nguyện với cái mặt nạ vừa vặn.
Xin giúp chúng con cởi bỏ mọi thứ mặt nạ,
đã ăn sâu vào da thịt chúng con,
để chúng con thôi đánh lừa nhau,
đánh lừa Chúa và chính mình.
Ước gì chúng con xây dựng bầu khí chân thành,
để chúng con được lớn lên trong bình an.