Hài lòng về Người (16.7.2022 – Thứ Bảy Tuần 15 TN)
Lời Chúa: Mt 12, 14-21
Khi ấy, nhóm
Pharisêu bàn bạc để tìm cách giết Ðức Giêsu. Biết vậy, Ðức Giêsu lánh khỏi nơi
đó. Dân chúng theo Người đông đảo và Người chữa lành hết. Người còn cấm họ
không được tiết lộ Người là ai. Như thế là để ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia đã
nói:
“Ðây là người Tôi
Trung Ta đã tuyển chọn,
đây là người Ta yêu
dấu: Ta hài lòng về Người.
Ta cho Thần Khí Ta
ngự trên Người.
Người sẽ loan báo
công lý trước muôn dân.
Người sẽ không cãi
vã, không kêu to,
chẳng ai nghe thấy
Người lên tiếng giữa phố phường.
Cây lau bị giập,
Người không đành bẻ gãy,
tim đèn leo lét,
chẳng nỡ tắt đi,
cho đến khi Người
đưa công lý đến toàn thắng,
và muôn dân đặt
niềm hy vọng nơi danh Người.”
Suy niệm:
Chúng ta
đã từng thấy một Đức Giêsu đầy uy quyền
trong Bài Giảng trên núi và trong
các phép lạ (Mt 6-9).
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy một
Đức Giêsu ở vào thế yếu.
Khi biết nhóm Pharisêu tìm cách
giết mình thì Ngài lánh đi (c. 15).
Ngài đã lánh đi nhiều lần khi gặp
chống đối và đe dọa.
Ngài lánh đi khi nghe tin Gioan bị
nộp, rồi bị giết (Mt 4, 12; 14, 13).
Đức Giêsu không đối đầu với kẻ bách
hại như Ngài đã dạy môn đệ (Mt 10, 23).
Ngài chỉ đón lấy cái chết khi Cha
muốn.
Đức Giêsu
có tiếng tăm nhưng cũng rất âm thầm.
Ngài chữa bệnh cho đám đông theo
Ngài, nhưng lại muốn giữ kín (c. 16).
Ngài không muốn những phô trương
rầm rộ, những biểu dương hoành tráng.
Đây là chọn lựa của Ngài ngay từ
đầu sứ vụ
khi Ngài từ chối không nhảy xuống
từ nóc đền thờ để người ta vỗ tay.
Và Ngài đã sống sự âm thầm này đến
cuối đời
khi Ngài không bước xuống khỏi thập
giá để được kẻ thù tin kính.
Sự phục sinh của Ngài có thể nói
cũng là chuyện âm thầm,
vì Ngài chỉ hiện ra với các môn đệ
của Ngài (1 Cr 15, 5-8).
Ngài chẳng hiện ra để đòi mạng
Philatô, Caipha, Hêrốt…
Giáo hội nhỏ bé của Ngài cũng đã âm
thầm lớn lên sau hai mươi thế kỷ.
Giáo hội này vẫn từ chối dùng quyền
lực và bạo lực để xây dựng Nước Trời.
Các Kitô
hữu đầu tiên đã thấy khuôn mặt người Tôi Trung nơi Đức Giêsu.
Đức Giêsu đã làm trọn từng nét của
người Tôi Trung này (Is 42, 1-4).
Đây là người được Thiên Chúa yêu
mến, tuyển chọn và hài lòng,
là người có Thần Khí Thiên Chúa, để
được sai đến với muôn dân.
Người Tôi Trung này sẽ loan báo
công lý trước muôn dân,
và sẽ đưa công lý đến toàn thắng
(c. 20).
Tuy nhiên việc loan báo của người
Tôi Trung này lại không ồn ào.
“Người sẽ không cãi vã, không kêu
to,
chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng
giữa phố phường” (c. 19).
Đức Giêsu đã loan báo Tin Mừng như
một lời mời gọi.
Ngài không dùng quyền năng Cha ban
để đe dọa hay làm hại ai,
nhưng để phục vụ mọi người trong âm
thầm và khiêm hạ.
Không bẻ gẫy cây lau bị giập, không
làm tắt tim đèn leo lét (c. 20).
Nâng niu những gì còn có chút hy
vọng,
gìn giữ những sự sống mong manh và
khơi dậy những thiện chí còn ẩn giấu.
Đó là điều Đức Giêsu vẫn làm khi
đến với những người bị loại trừ,
những tội nhân và người thu thuế.
Đức Thánh
Cha Bênêđictô XVI đã nhắn nhủ các Đức Giám mục Việt
trong buổi triều yết ngày 27-6-2009
như sau:
“Trong tinh thần đối thoại và hợp tác tôn trọng nhau,
chỉ mong Giáo hội có thể góp phần xứng đáng vào sinh hoạt
quốc gia,
vào việc phục vụ tất cả người dân.”
Xin cho chúng ta biết sống phục vụ
như người Tôi Trung Giêsu
để “xây dựng một xã hội công bằng,
liên đới và bình đẳng.”
Cầu nguyện:
Lạy
Thầy Giêsu,
Thầy không gọi chúng con là tôi tớ,
Thầy cũng không chỉ coi chúng con là môn đệ.
Thầy còn coi chúng con như bạn hữu của Thầy,
vì Thầy đã thổ lộ cho chúng con
những điều riêng tư thầm kín nhất
trong tương quan giữa Thầy với Cha.
Hơn nữa, sau phục sinh,
Thầy đã gọi các môn đệ là anh em.
Mặc nhiên Thầy tự nhận mình là Anh Trưởng
đứng đầu một đoàn em đông đúc.
Xin cho chúng con
luôn thi hành ý muốn của Cha
để trở nên những người em
cùng huyết nhục với Thầy.
Lạy Thầy Giêsu, Thầy đã nâng chúng con lên
làm môn đệ, làm bạn, làm anh em của Thầy.
Còn Thầy lại hạ mình xuống
phục vụ chúng con như người tôi tớ,
rửa chân cho chúng con như một nô lệ
và chết thay cho chúng con trên thập giá.
Xin cho chúng con hiểu được tấm lòng của Thầy
và sống yêu thương mọi người như anh em. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.