Người làm chứng (13.12.2020 – Chúa Nhật Tuần 3 Mùa Vọng, năm B)
Lời Chúa: Ga 1, 6-8.19-28
Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là
Gioan. Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà
tin. Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng.
Và đây là lời chứng của ông Gioan, khi người Do Thái từ
Giêrusalem cử một số tư tế và mấy thầy Lêvi đến hỏi ông: “Ông là ai?” Ông tuyên
bố thẳng thắn, ông tuyên bố rằng: “Tôi không phải là Ðấng Kitô”. Họ lại hỏi
ông: “Vậy thì thế nào? Ông có phải là ông Êlia không?” Ông nói: “Không phải.” –
“Ông có phải là vị ngôn sứ chăng?” Ông đáp: “Không.” Họ liền nói với ông: “Thế
ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những người đã cử chúng tôi đến? Ông
nói gì về chính ông?” Ông nói: “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa
đường cho thẳng để Ðức Chúa đi, như ngôn sứ Isaia đã nói”. Trong nhóm được cử
đi, có mấy người thuộc phái Pharisêu. Họ hỏi ông: “Vậy tại sao ông làm phép
rửa, nếu ông không phải là Ðấng Kitô, cũng không phải là ông Êlia hay vị ngôn
sứ?” Ông Gioan trả lời: “Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang
ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng
cởi quai dép cho Người.” Các việc đó đã xảy ra tại Bêtania, bên kia sông
Giođan, nơi ông Gioan làm phép rửa.
Suy niệm:
Trong bài Tin Mừng trên đây
cụm từ làm chứng được dùng đến bốn lần.
Lẽ sống
của Gioan là làm chứng.
Ông được
sai đến để làm chứng (x. c.6-7).
Cả câu
chuyện xảy ra ở Bêtania, bên kia sông Giođan,
cũng là
một lời chứng hùng hồn của ông (c.19).
Gioan
không làm chứng cho mình hay về mình,
bởi lẽ ông
không phải là Ánh Sáng.
Ông chỉ là
ngọn đèn (Ga 5,35)
giúp mọi
người tin vào Ánh Sáng thật là Ðức Kitô.
Sau khi nhiều người tuốn
đến chịu phép rửa,
tiếng tăm
của Gioan trở nên lừng lẫy.
Các nhà
lãnh đạo tôn giáo cử một phái đoàn
đến tìm
hiểu con người ông.
Khi được hỏi
lần thứ nhất: Ông là ai?
Gioan đã
đưa ra ba câu trả lời phủ định:
“Tôi không
phải là Ðức Kitô” – “Không phải” – "Không”.
Những
tiếng không dứt khoát và trung thực.
Ông không
nhận những danh hiệu người ta nghĩ về ông.
Ông chẳng
phải là một Êlia tái giáng
hay một vị
Ngôn Sứ phi thường như Môsê.
Gioan chỉ
sợ người ta đánh giá quá cao về mình
khiến Ðấng
ông giới thiệu bị che khuất.
Lần thứ
hai được hỏi: Ông là ai?
Gioan đã
định nghĩa mình là một tiếng hô trong hoang địa,
là lời mời
gọi con người sửa đường cho Ðức Kitô.
Ông biết
rõ mình là người đến trước
nhưng vị
đến sau lại có trước ông
và trổi
vượt hơn ông ngàn trùng (Ga 1,30).
“Tôi không
đáng cởi quai dép cho Người.”
Làm đầy tớ
cho Ðức Kitô, ông nhận mình không xứng.
Gioan tự xóa mình trước Ðức
Kitô.
Ông chẳng
sợ mất uy tín trước bao người ngưỡng mộ.
Ông nhìn
nhận phép rửa của ông chỉ nhằm chuẩn bị
cho một
phép rửa lớn hơn trong Thánh Thần.
Gioan
không ngại giới thiệu môn đệ mình theo Ðức Giêsu,
và ông
bình an khi người ta đổ xô đến với Ngài
để chịu
phép rửa (Ga 3,26).
Có ai siêu
thoát như Gioan?
Ông từ bỏ
trong niềm vui hồn nhiên.
Ông hạnh
phúc vì mình đã hoàn thành sứ mạng.
“Người
phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Ga 3,30).
Sự khiêm
hạ làm cho lời chứng của Gioan đáng tin hơn.
“Có một vị đang ở giữa các
ông
mà các ông
không biết.”
Hôm nay
Ðức Giêsu vẫn là Ðấng xa lạ với nhiều người.
Con người
vẫn khắc khoải đi tìm những nẻo đường cứu độ,
trong khi
Ðấng Cứu Ðộ đã đến từ 2000 năm.
Xin được
làm người chứng như Gioan,
giới thiệu
cho bạn bè Ðấng mà họ đang tìm kiếm.
Cầu nguyện:
Chỉ
mong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế Người là tất cả của tôi.
Chỉ mong ý muốn trong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế tôi cảm thấy Người ở mọi nơi,
đến với Người trong mọi sự,
và dâng Người tình yêu trong mọi lúc.
Chỉ mong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế tôi không bao giờ muốn tránh gặp Người.
Chỉ mong mọi ràng buộc trong tôi chẳng còn gì,
nhờ đó tôi gắn bó với ý muốn của Người
và thực hiện ý Người trong suốt đời tôi.
(R. Tagore)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.