Bên ngoài, bên trong (14.10.2014 – Thứ ba Tuần 28 Thường niên)
Bên ngoài, bên trong
Lời Chúa:
Lc 11, 37-41
Khi Ðức Giêsu đang
nói, thì có một ông Pharisêu mời Người đến nhà dùng bữa. Tới nơi, Người liền
vào bàn ăn. Thấy vậy, ông Pharisêu lấy làm lạ vì trước tiên Người không rửa tay
trước bữa ăn. Nhưng Chúa nói với ông ấy rằng: “Thật, nhóm Pharisêu các người,
bên ngoài chén đĩa, thì các người rửa sạch, nhưng bên trong các người thì đầy
những chuyện cướp bóc, gian tà. Ðồ ngốc! Ðấng làm ra cái bên ngoài lại đã không
làm ra cái bên trong sao? Tốt hơn, hãy bố thí những gì ở bên trong, thì bấy giờ
mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người.”
Suy niệm:
Một ông
Pharisêu mời Đức Giêsu đến dùng bữa.
Cử chỉ đó cho thấy thiện cảm của
ông đối với Ngài.
Đức Giêsu đã đáp lại lời mời, đã
đến nhà ông và liền ngồi vào bàn tiệc.
Ông chủ nhà bị sốc vì thấy khách
không rửa tay trước khi ăn.
Đối với ông đây là một thói quen
quan trọng, không thể thiếu.
Thế là Đức Giêsu đã giảng cho ông
một bài hẳn hoi.
Tuy nhiên, vì tế nhị, vì là khách
mời cho một bữa ăn,
nên chắc Ngài đã chẳng nặng lời đến
mức đó.
Bài Tin Mừng này thật ra phản ánh
sự căng thẳng từ sau năm 70,
giữa những người Pharisêu thuộc
giới lãnh đạo hội đường với các Kitô hữu.
Đức Giêsu
đã dùng hình ảnh một cái chén uống nước và cái đĩa.
Đối với Ngài, các người Pharisêu
chỉ lo lau rửa ở bên ngoài chén đĩa.
Chú trọng tỉ mỉ đến cái bên ngoài
là nét riêng của họ.
Lắm khi cái bên ngoài chỉ là những
cái phụ thuộc, không cần thiết.
Điều họ muốn mọi người tuân giữ lại
không phải là chính Luật Môsê,
nhưng chỉ là những lời giải thích
chi li Luật đó
được truyền miệng nơi các rabbi,
rồi sau này được viết lại thành sách.
Đức Giêsu cho thấy cái bên trong
của người Pharisêu,
cái bên trong của chén và đĩa mà họ
không để tâm lau rửa.
“Cái bên trong của các người thì
đầy chuyện cướp bóc, gian tà” (c. 39).
Như thế cái bên trong của chén đĩa
tượng trưng cho cái bên trong của
tâm hồn con người.
Rửa sạch cái bên ngoài của chén
đĩa, không đủ.
Cần phải rửa sạch cả cái lòng tham
lam chiếm đoạt và lòng độc ác gian tà.
Rửa sạch cái bên trong mới là điều
quan trọng hơn, cấp thiết hơn, khó hơn.
Có khi vì khó nên người ta né tránh
bằng cách làm cái dễ.
Đức Giêsu
bực bội về sự tương phản này nơi một số người Pharisêu,
tương phản giữa cái bên ngoài rất
sạch và cái bên trong rất dơ,
khiến nhiều người có thể bị ngộ
nhận.
Nhưng Thiên Chúa thì không.
Ngài thấy cả hai, vì ngài đã làm ra
cả cái bên ngoài lẫn cái bên trong (c. 40).
Đức Giêsu cho ta cách để tẩy rửa
cái bên trong nhơ uế, đó là bố thí (c. 41).
Trong tiếng Hy Lạp, bố thí có nghĩa
gốc là bày tỏ lòng thương xót.
“Bấy giờ mọi sự trở nên sạch cho
các người.”
Khi bố thí chia sẻ, người ta biến
đổi từ bên trong.
Tấm lòng tham lam ác độc trở nên
đầy tình bác ái xót thương.
Đức Giêsu
đưa chúng ta về với cái bên trong, cái cốt lõi của đời Kitô hữu.
Như người Pharisêu cách đây hai
ngàn năm,
chúng ta vẫn bị cám dỗ để dừng lại
và mãn nguyện với cái bên ngoài.
Làm sao để chúng ta thực sự trong
sạch dưới ánh mắt của Thiên Chúa?
Làm sao để cái bên ngoài của chúng
ta thực sự phản ánh cái bên trong?
Đời Kitô hữu chính là một nỗ lực đi
từ việc giữ đạo hời hợt, hình thức,
đến việc sống đạo từ trong máu thịt
mình.
Xin Chúa giúp ta rút ngắn khoảng
cách giữa cái bên ngoài và cái bên trong.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
khi đến với nhau,
chúng con thường mang những mặt nạ.
Chúng con sợ người khác thấy sự thật
về mình.
Chúng con cố giữ uy tín cho bộ mặt
dù đó chỉ là chiếc mặt nạ giả dối.
Khi đến với Chúa,
chúng con cũng thường mang mặt nạ.
Có những hành vi đạo đức bên ngoài
để che giấu cái trống rỗng bên
trong.
Có những lời kinh đọc trên môi,
nhưng không có chỗ trong tâm hồn,
và ngược hẳn với cuộc sống thực tế.
Lạy Chúa Giêsu,
chúng con cũng thường ngắm mình
trong gương,
tự ru ngủ và đánh lừa mình,
mãn nguyện với cái mặt nạ vừa vặn.
Xin giúp chúng con cởi bỏ mọi thứ mặt nạ,
đã ăn sâu vào da thịt chúng con,
để chúng con thôi đánh lừa nhau,
đánh lừa Chúa và chính mình.
Ước gì chúng con xây dựng bầu khí chân thành,
để chúng con được lớn lên trong bình
an.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ