Chạnh lòng thương (6.12.2014 – Thứ bảy Tuần 1 Mùa Vọng)
Chạnh lòng thương
Lời Chúa: Mt 9, 35 – 10, 1.5a.6-8
Ðức Giêsu đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong
các hội đường của họ, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn
tật nguyền. Khi thấy đám đông, Người chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất
vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng:
“Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ
ra gặt lúa về”.
Rồi Ðức Giêsu gọi mười hai môn đệ lại, ban cho các ông được
quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật
nguyền. Ðức Giêsu sai mười hai ông ấy đi
và chỉ thị rằng: “Hãy đến với các con chiên lạc nhà Ítraen. Dọc đường hãy rao
giảng rằng; Nước Trời đã đến gần. Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho
kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ. Anh em
đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy.”
Suy niệm:
Thiên
Chúa của Do Thái giáo là Thiên Chúa gần gũi với con người.
Thiên Chúa của Ítraen có thể trừng
phạt dân vì sự bất trung của họ,
nhưng Ngài cũng là Thiên Chúa giàu
lòng tha thứ.
Khi đọc bài đọc 1 của ngôn sứ
Isaia, chúng ta ngạc nhiên
khi thấy một Thiên Chúa tỉ mỉ quan
tâm đến hạnh phúc của con người.
Ngài nghe và đáp lại tiếng dân kêu
than, khóc lóc (c. 19).
Ngài dạy dỗ và chỉ đường cho người
lưỡng lự phân vân (c. 21).
Nhưng hơn nữa, Ngài còn để ý đến
đời sống vật chất của dân chúng.
Ngài làm cho mưa thuận gió hòa,
cho khe suối róc rách vì có dòng
nước chảy.
Nhờ đó hạt giống được gieo trở
thành lương thực,
súc vật chăn nuôi được gặm cỏ thỏa
thuê,
bò cầy ruộng sẽ được ăn cỏ khô trộn
muối (cc. 23-24).
Con người có đủ bánh ăn và nước
uống trong lúc ngặt nghèo.
Qua cuộc
sống của mình, Đức Giêsu cũng muốn cho ta thấy
một Thiên Chúa nhân từ bằng xương
bằng thịt,
một Thiên Chúa bị thu hút bởi con
người, mê say phục vụ con người.
Không rõ trong sứ vụ công khai,
trong gần ba năm rong ruổi,
Đức Giêsu đã đi bộ bao nhiêu cây số
của xứ Paléttin,
đôi chân dẻo dai của Ngài đã đến
với bao nhiêu làng mạc, thành phố.
đôi tay của Ngài đã chạm đến bao
nhiêu thương tích của nhân gian.
Chỉ biết trái tim của Ngài là trái
tim bằng thịt,
cứ nhói đau và chạnh thương trước
bể khổ của phận người.
Bệnh tật thân xác là gánh nặng kéo
con người xuống.
Đức Giêsu đã trở nên như vị lương y
đối diện với đủ thứ bệnh tật.
Mù lòa, câm điếc, bất toại, phong
hủi đều được Ngài chữa lành,
thậm chí Ngài còn hoàn sinh kẻ
chết.
Ma quỷ cũng là một mãnh lực làm con
người mất tự do.
Khử trừ ma quỷ và thần ô uế, là dấu
cho thấy Nước Trời đã đến.
Mọi sự
Đức Giêsu đã làm thì Ngài sai các môn đệ tiếp tục (cc. 6-8).
Hôm nay chúng ta cũng được sai để
tiếp tục việc của Ngài ngày xưa:
loan báo Tin Mừng Nước Trời, chữa
lành thế giới khỏi mọi bệnh tật,
giải phóng con người khỏi những
xích xiềng mới do chính họ tạo nên,
và loại trừ thần ô uế ra khỏi mọi
nơi con người sinh sống.
Công việc này thật bao la,
vì không giới hạn trong mảnh đất
Paléttin nhỏ hẹp.
Công việc này không dễ,
vì ta phải đối diện với sức đề
kháng mạnh mẽ của ác thần.
Nhưng với quyền năng Chúa ban, chúng
ta tin mình sẽ thắng (c. 1).
Lễ Giáng Sinh là lễ mừng ơn cứu độ
cho con người.
Chúng ta được mời nhìn thế giới hôm
nay bằng cái nhìn của Giêsu,
yêu thế giới bơ vơ hôm nay bằng
trái tim của Giêsu,
đến với thế giới xa xôi hôm nay
bằng đôi chân của Giêsu.
Ước gì tay chúng ta chạm đến người
nghèo, người yếu đau, sa ngã.
Và ước gì chúng ta cho không những
gì đã nhận được nhưng không.
Cầu nguyện:
Lạy Cha,
thế giới hôm nay cũng như hôm qua
vẫn có những người bơ vơ lạc hướng
vì không tìm được một người để tin;
vẫn có những người đã chết từ lâu
mà vẫn tưởng mình đang sống;
vẫn có những người bị ám ảnh bởi thần ô uế,
ô uế của bạc tiền, của tình dục, của tiếng tăm;
vẫn có những người mang đủ thứ bệnh hoạn,
bệnh hoạn trong lối nhìn, lối nghĩ, lối sống ;
vẫn có những người bị sống bên lề xã hội,
dù
không phải là người phong...
Xin Cha cho chúng con nhìn thấy họ
và biết chạnh lòng thương như Con Cha.
Nhưng trước hết,
xin cho chúng con
nhìn thấy chính bản thân chúng con.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ