Nước Hằng sống (23.5.2015 – Thứ bảy, Vọng Lễ Hiện xuống)
Lời chứng xác thực
Lời Chúa: Ga 21, 20-25
Khi ấy, ông Phêrô quay lại, thì thấy người môn
đệ Ðức Giêsu thương mến đi theo sau; ông này là người đã nghiêng mình vào ngực
Ðức Giêsu trong bữa ăn tối và hỏi: “Thưa Thầy, ai là kẻ nộp Thầy?” Vậy khi thấy
người đó, ông Phêrô nói với Ðức Giêsu: “Thưa Thầy, còn anh này thì sao?” Ðức
Giêsu đáp: “Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc
gì đến anh? Phần anh, hãy theo Thầy”. Do đó mới có tiếng đồn giữa anh em là môn
đệ ấy sẽ không chết. Nhưng Ðức Giêsu đã không nói với Phêrô là: “Anh ấy sẽ
không chết”, mà chỉ nói: “Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy
đến, thì việc gì đến anh?”
Chính môn đệ này làm chứng về những điều đó và đã viết ra.
Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực.
Còn có nhiều điều khác Ðức Giêsu đã làm. Nếu viết lại từng
điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết
ra.
Suy niệm:
Trong bài
Tin Mừng hôm nay, ngoài Đức Giêsu và Phêrô,
còn có người môn đệ được Đức Giêsu
thương mến.
Anh đã có mặt trong bữa Tiệc Ly
cùng với Phêrô, đã nằm gần Thầy,
và được Phêrô nhờ hỏi Thầy xem ai
là kẻ phản bội (13,23-25).
Anh đã đưa Phêrô vào dinh thượng tế
khi Đức Giêsu bị bắt (18,15-16).
Anh đã cùng với Phêrô chạy ra ngôi
mộ trống lúc ban mai,
nhưng anh chạy nhanh hơn, và tin
trước Phêrô (20,3-10).
Khi Phêrô chối Thầy ba lần và không
lộ diện nữa (18,17-18.25-27),
thì anh là môn đệ duy nhất đứng gần
thập giá Đức Giêsu,
và được Ngài trao Thân Mẫu của mình
để làm Mẹ của anh (19:25-27).
Trong lần Đức Giêsu tỏ mình bên bờ
hồ Galilê, sau mẻ cá lạ (21,4-7),
anh là người đầu tiên nhận ra Thầy,
và nói với Phêrô: “Chúa đó!”
Có vẻ hình ảnh người môn đệ được
Chúa thương nổi trội hơn Phêrô.
Dù sao
Simon Phêrô đã ba lần tuyên xưng tình yêu trước Thầy,
và ba lần Thầy giao cho anh chăm
sóc đoàn chiên như người mục tử.
Thầy còn tiên báo cái chết tử đạo
của anh,
và mời anh một lần nữa: “Hãy theo
Thầy” (21,19; x. 13,36-37).
Đó là đường đời của Phêrô, một môn
đệ và một mục tử.
Nhưng đâu là con đường tương lai
của người môn đệ kia?
Phêrô đi
theo Đức Giêsu, quay lại, thấy anh này cũng đang đi theo.
“Thưa Thầy, còn anh này thì sao?”
(c. 21).
Đức Giêsu đã không bảo là anh này
sẽ không chết,
hay anh còn sống mãi cho đến ngày
Ngài quang lâm (c. 23).
Khi cuốn Tin Mừng Thứ Tư được viết
xong vào cuối thế kỷ thứ nhất,
thì người môn đệ kia đã qua đời,
nhưng không được phúc tử đạo.
Như thế tiếng đồn về câu nói của
Đức Giêsu là sai sự thật (c. 22).
Những gì
anh để lại cho thế giới là cuốn Tin Mừng Thứ Tư.
“Chính môn đệ này làm chứng về
những điều đó và đã viết ra.
Chúng tôi biết rằng lời chứng của
người ấy là xác thực” (c. 24).
Người môn đệ này cho chúng ta một
lời chứng đáng tin,
vì anh là người đã sống bên Thầy
Giêsu, thật gần gũi.
Anh đã mắt thấy tai nghe, và có
kinh nghiệm thân thiết với Thầy.
Không hẳn anh đích thân cầm bút
viết cuốn Tin Mừng này,
nhưng anh lại chính là tác giả của
mọi điều được viết trong đó.
Tất cả là kinh nghiệm riêng tư anh
đã trải qua với Thầy Giêsu,
và những suy niệm lâu dài dưới ánh
sáng Phục sinh và Thánh Thần.
Người môn đệ này còn là người sáng
lập một cộng đoàn tín hữu.
Cộng đoàn ấy được ám chỉ qua đại từ
“chúng tôi” (c. 24; x. 1,14.16).
Một người trong cộng đoàn đã viết
chương cuối này (c. 25: “tôi”).
Ai là
người môn đệ được Đức Giêsu thương mến?
Nhiều người nghĩ anh là Gioan,
nhiều người lại nghĩ khác.
Dù sao anh thật là một môn đệ lý
tưởng cho chúng ta.
Điều anh để lại cho đời trong cuốn
Tin Mừng là điều anh xác tín.
Anh là nhân chứng đáng tin cậy của
Đức Kitô, Con Thiên Chúa.
Đúng anh là người được Thầy yêu và
là người đã hết lòng yêu Thầy.
Cầu nguyện:
Lạy Thiên Chúa của đời con,
chỉ trong tình yêu con mới tìm thấy Chúa.
Trong tình yêu, các cánh cửa hồn con mở tung,
để con được thở không khí tự do tươi mới
và quên đi cái tôi nhỏ mọn của mình.
Trong tình yêu, toàn bộ con người con vươn ra
khỏi
những ranh giới cứng nhắc của óc hẹp hòi
và của thái độ tự khẳng định đầy bất an
khiến con bị giam mình trong sự nghèo nàn và trống rỗng.
Trong tình yêu, mọi sức mạnh của hồn con tuôn
chảy về Chúa,
chẳng bao giờ còn muốn quay trở lại,
nhưng chỉ muốn mất mình trọn vẹn trong Chúa,
vì qua tình yêu, Chúa là trung tâm sâu nhất của lòng con,
Chúa gần con hơn cả chính con gần con.
Nhưng khi con yêu Chúa,
khi con tìm cách phá vỡ vòng vây chật hẹp của cái tôi, và
vứt bỏ sau lưng
nỗi khắc khoải không nguôi về những câu hỏi còn bỏ ngỏ,
khi đôi mắt mù lòa của con không còn chỉ nhìn từ xa và từ
bên ngoài
ánh rạng ngời không thể lại gần được của Chúa,
và hơn nữa, lạy Chúa là Đấng vô phương thấu hiểu,
khi qua tình yêu, Chúa trở nên trung tâm sâu nhất của đời
con,
khi ấy con mới có thể chôn mình hoàn toàn trong Chúa,
lạy Thiên Chúa nhiệm màu,
và chôn mọi câu hỏi của con cùng với con.
Karl Rahner, S.J.
– Vọng Lễ Hiện xuống –
Nước Hằng sống
Lời
Chúa: Ga 7, 37-39
Hôm ấy
là ngày bế mạc tuần lễ Lều, và là ngày long trọng nhất. Đức Giêsu đứng trong
Đền Thờ và lớn tiếng nói rằng: “Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy
đến mà uống! Như Kinh Thánh đã nói: Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước
hằng sống.” Đức Giêsu muốn nói về Thần Khí mà những kẻ tin vào Người sẽ lãnh
nhận. Thật thế, bấy giờ họ chưa nhận được Thần Khí, vì Đức Giêsu chưa được tôn
vinh.
Suy
niệm:
Nước là
một quà tặng lớn của Thiên Chúa cho con người.
Trái đất của chúng ta phần lớn là
nước.
Cơ thể của chúng ta phần lớn là
nước.
Nước cần cho sự sống còn hơn thức
ăn.
Nhiều quốc gia đánh nhau để giành
quyền trên một con sông.
Bài toán của thế giới hiện nay là
làm sao có đủ nước sạch cho mọi người.
Con Thiên
Chúa làm người đã có kinh nghiệm về khát nước.
“Chị cho tôi xin chút nước uống”
(Ga 4, 7).
Đức Giêsu mỏi mệt đã nói với người
phụ nữ xứ Samaria như vậy.
Khi bị treo trên thập giá, lúc máu
đã mất khá nhiều,
Ngài cũng kêu lên: “Tôi khát!” (Ga
19, 28).
Thật ra, Ngài không chỉ khát nước,
Ngài còn khát mong làm trọn ý Cha.
“Phúc cho những ai đói khát sự công
chính, vì họ sẽ được no thỏa” (Mt 5,6).
Vào ngày
bế mạc tuần lễ Lều, một đại lễ của người Do thái,
người ta không rước nước từ hồ
Silôam đem về rưới trên bàn thờ nữa.
Chính vào ngày này, Đức Giêsu đứng
lên và công bố trong Đền thờ:
“Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin
vào tôi hãy đến mà uống” (c. 37-38).
Ngài tự nhận mình là người trao ban
nước hằng sống,
thứ nước thần diệu mà Ngài đã hứa
với người phụ nữ Samaria,
“nước vọt lên đem lại sự sống đời
đời” (Ga 4, 14).
Nếu Môsê đã cho dân Do thái uống
nước từ tảng đá trong sa mạc,
thì Đức Giêsu cũng sẽ ban cho những
ai đến với Ngài và tin vào Ngài
“những dòng sông của nước hằng sống
chảy ra từ lòng Ngài” (c. 38).
Đức Giêsu
nhận mình là Bánh hằng sống,
nhưng Ngài không nhận mình là Nước
hằng sống.
Nước hằng sống mà Ngài sẽ ban chính
là Thần Khí.
Thần Khí là quà tặng của Thiên Chúa
sau khi Đức Giêsu được tôn vinh.
Khi Đức Giêsu chưa đi qua cái chết,
chưa được phục sinh và tôn vinh,
thì Thánh Thần chưa được ban xuống
(c. 39).
Bởi đó Thánh Thần cũng là quà tặng
của cả một đời Đức Giêsu phục vụ.
Hãy đến
với Trái tim Đức Giêsu để nhận được nguồn nước cho ta sự sống.
Hãy hưởng dòng nước vọt ra từ vết
thương của Ngài trên thập giá (Ga 19,34).
Hãy đón nhận Thần Khí mà Ngài trao
khi gục đầu tắt thở (Ga 19, 30).
Cuộc đời chúng ta có bao nỗi khao
khát thẳm sâu, chưa được lấp đầy.
Mong được mãn nguyện khi đến với
Giêsu.
Cầu
nguyện:
Lạy Chúa
Thánh Thần,
xin Ngài hãy đến như cơn gió mát
thổi vào đời con,
thổi vào Giáo Hội,
thổi vào thế giới,
để đem lại cho chúng con
sự tươi mới nhẹ nhàng, sự tự do
thanh thoát.
Xin Ngài hãy
đến như dòng nước trong
chảy vào đời con,
chảy vào Giáo Hội,
chảy vào thế giới,
để cuốn trôi đi mọi nhơ nhớp,
khô cằn, cứng cỏi,
và làm bật dậy
những mầm xanh sự sống nơi chúng
con.
Xin Ngài hãy
đến như ngọn lửa hồng
chiếu sáng đời con,
chiếu sáng Giáo Hội,
chiếu sáng thế giới,
để chúng con không còn đồng lõa
với tối tăm,
nhưng mang trong tim một ước mơ
nóng bỏng,
đó là làm cho vũ trụ này rực
sáng Tình yêu.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ