Của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa (2.6.2015 – Thứ ba Tuần 9 Thường niên)
Của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa
Lời Chúa: Mc 12, 13-17
Khi
ấy, người ta cử mấy người Pharisêu và mấy người thuộc phe Hêrôđê đến cùng Đức
Giêsu để Người phải lỡ lời mà mắc bẫy. Những người này đến và nói: “Thưa Thầy,
chúng tôi biết Thầy là người chân thật. Thầy chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ
bề ngoài mà đánh giá người ta, nhưng theo sự thật mà dạy đường lối của Thiên
Chúa. Vậy có được phép nộp thuế cho Xêda hay không? Chúng tôi phải nộp hay
không phải nộp?” Nhưng Đức Giêsu biết họ giả hình, nên Người nói: “Tại sao các
người lại thử tôi? Đem một đồng bạc cho tôi xem!” Họ liền đưa cho Người. Người
hỏi: “Hình và danh hiệu này là của ai đây?” Họ đáp: “Của Xêda.” Đức Giêsu
bảo họ: “Của Xêda, trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.” Và họ hết
sức ngạc nhiên về Người.
Suy niệm:
Nhóm
Pharisêu và nhóm Hêrôđê không phải là hai nhóm hợp nhau.
Nhưng họ lại rất hợp nhất trong
việc muốn trừ khử Đức Giêsu (Mc 3, 6).
Ngài đã từng nhắc các môn đệ đề
phòng “men” của hai nhóm này (Mc 8, 15).
Trong bài Tin Mừng hôm nay, họ lại
liên minh với nhau để giăng bẫy.
Trước khi đưa Đức Giêsu vào bẫy, họ
đã lấy lòng bằng những lời ca ngợi.
Rồi cái bẫy được giăng ra, sắc như
một con dao hai lưỡi.
“Có được phép nộp thuế cho Xêda hay
không?” (c. 14).
Đã từng có những câu hỏi như thế.
“Có được phép chữa bệnh trong ngày
sa bát không?” (Mt 12, 10).
“Có được phép rẫy vợ vì bất cứ lý
do nào không?” (Mt 19, 3).
Được phép có nghĩa là không đi
ngược với Luật Môsê.
Từ năm
thứ sáu sau công nguyên,
khi Giuđê và Samari trở thành một
tỉnh của đế quốc Rôma,
mỗi người dân Do thái phải nộp một
thứ thuế thân cho những kẻ xâm lược.
Đã có những phong trào đứng lên
chống lại thứ thuế này.
“Có được phép nộp thuế cho Xêda
không?”
Nếu Đức Giêsu nói rõ là được phép nộp
thì đụng đến lòng ái quốc của dân,
và cũng đụng đến nhóm Pharisêu là
những người không chấp nhận
sự thống trị nhơ nhớp của ngoại
bang trên phần đất của Thiên Chúa.
Nếu Ngài nói rõ là không được phép
nộp thì Ngài sẽ gặp khó khăn với Rôma,
và sẽ đụng đến nhóm Hêrốt là nhóm
lãnh đạo dựa dẫm vào thế của đế quốc.
Dĩ nhiên
Đức Giêsu đã khôn ngoan không trực tiếp trả lời câu hỏi này.
Ngài không rơi vào bẫy, ngược lại,
có thể nói, Ngài giăng một cái bẫy khác.
“Đem cho tôi một đồng bạc để tôi
xem” (c. 15).
Đức Giêsu không mang trong mình thứ
tiền này, dùng để nộp thuế cho Rôma.
Nhưng kẻ thù của Ngài thì mang, và
đưa cho Ngài một đồng bạc.
Đồng bạc này mang hình của Xêda và
mang dòng chữ:
“Tibêriô Xêda, con của Augúttô thần
linh, Augúttô.”
Khi biết đó là đồng tiền bằng bạc
của Xêda, Đức Giêsu đã nói:
“Những thứ của Xêda, hãy trả lại
cho Xêda,
những thứ của Thiên Chúa, hãy trả
lại cho Thiên Chúa” (c. 17).
Câu trả lời này đã làm họ sững sờ,
không thể nào bắt bẻ được.
Đức Giêsu
có vẻ không chống lại chuyện nộp thuế thân cho Xêda.
Nhưng Ngài quan tâm đến một chuyện
quan trọng hơn nhiều.
Chuyện đối xử công bằng với Thiên
Chúa.
Trả lại cho Thiên Chúa mọi sự thuộc
về Thiên Chúa: đó là bổn phận.
Đồng tiền mang hình Xêda, nên chúng
ta phải trả cho Xêda.
Còn chúng ta là người mang hình ảnh
Thiên Chúa,
nên chúng ta phải dâng trả chính
bản thân mình cho Thiên Chúa.
Tên của Giêsu đã được ghi khắc
trong tim ta,
nên chúng ta không được quên mình
đã thuộc trọn về Giêsu.
Còn bao điều trong đời ta thuộc về
Thiên Chúa mà ta vẫn giữ cho mình!
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
xin nhận lấy trọn cả tự do, trí nhớ,
trí hiểu,
và trọn cả ý muốn của con,
cùng hết thảy những gì con có,
và những gì thuộc về con.
Mọi sự ấy, Chúa đã ban cho con,
lạy Chúa, nay con xin dâng lại cho
Chúa.
Tất cả là của Chúa,
xin Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa.
Chỉ xin ban cho con lòng mến Chúa và ân sủng.
Được như thế, con hoàn toàn mãn nguyện.
Amen.
(Kinh dâng
hiến của thánh I-Nhã)
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ