Nhận biết và phân định lời mời gọi từ Thiên Chúa



NHẬN BIẾT VÀ PHÂN ĐỊNH LỜI MỜI GỌI TỪ THIÊN CHÚA
(Suy tư Chúa nhật II Thường niên năm B)

Phêrô Phạm Văn Trung

WHĐ (14.1.2021)Lời mời gọi của Chúa Kitô, cũng là của Thiên Chúa, vẫn đang vang lên trong cuộc đời chúng ta và mong muốn biến đổi cuộc đời chúng ta thành chứng nhân cho sự bình an, niềm hân hoan và hy vọng, không chỉ về một “cõi sống muôn đời” mà ngay cả trên “cõi tạm” này, giữa muôn vàn rối loạn, u sầu và thất đảm, đặc biệt trong cơn đại dịch mà chưa ai biết khi nào mới chấm dứt “Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy. Tôi bảo trước cho mà biết, như tôi đã từng bảo: những kẻ làm các điều đó sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa. Còn hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (Galát 5; 19-22).

Lời mời gọi này (ơn gọi này) được dành cho mỗi người chúng ta chứ không chì dành riêng cho Samuen: Giavê đến và đứng đó mà gọi như các lần trước: "Samuen, Samuen!" Samuen thưa: "Xin Người phán dạy, vì tôi tớ Người đang nghe!” (1 Samuen 3: 10) hoặc cho Anrê hay Phêrô: “Ông Anrê, anh ông Simon Phêrô, là một trong hai người đã nghe ông Gioan nói và đi theo Đức Giêsu. Trước hết, ông gặp em mình là ông Simon và nói: "Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia" (nghĩa là Đấng Kitô). Rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giêsu. Đức Giêsu nhìn ông Simon và nói: "Anh là Simon, con ông Gioan, anh sẽ được gọi là Kêpha" (tức là Phêrô).” (Gioan 1: 40-42).

Tất cả những người đã chịu phép thánh tẩy đều được mời gọi trở nên tư tế, ngôn sứ và vương đế qua phép thánh tẩy của họ, và tất cả đều đã trở thành môn đệ của Chúa Kitô. Nhưng chỉ dừng lại chuyện được mời gọi thì chưa phải là ý nghĩa đích thực và đầy đủ của ơn gọi này, chúng ta còn phải biết cách nhận biết và phân định được lời mời gọi dành cho chúng ta. Đây là lý do tại sao động từ “mời gọi” được sử dụng nhiều nhất trong Tin Mừng của chúng ta, và không liên quan đến lời nói mà liên quan đến cách nhìn. Vấn đề là “nhìn ra”, “nhận ra” trong cuộc đời mình “ánh nhìn” mà Thiên Chúa đặt nơi chúng ta.

Hôm nay chúng ta được đề nghị suy niệm và thay đổi cái nhìn của mình, nhìn theo một cách khác để phân định lời kêu gọi mà Thiên Chúa dành cho chúng ta.

I/ Thay đổi cách nhìn của chúng ta về bản thân.

Thánh Phaolô mời gọi chúng ta trước hết hãy thay đổi cách nhìn về bản thân, và điều này đôi khi lại là điều khó khăn nhất. Để đáp lại lời mời gọi, chúng ta phải biết cách nhìn nhận mình là ai. Phaolô mời gọi tín hữu Côrintô thay đổi cách nhìn về bản thân của họ: “Nào anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là phần thân thể của Đức Kitô sao?” (1 Côrintô 6: 15)  và  “Hay anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao?”  (1 Côrintô 6: 19).

Chúng ta được kêu gọi tôn trọng thân xác của mình và thân xác của người khác. Thân xác không phải là một món hàng, thân xác không phải là một vật mà tôi có thể vứt bỏ khi tôi thấy không còn phù hợp. Những từ này vang lên cách kỳ lạ trong xã hội của chúng ta ngày nay, nơi chúng ta chỉ nghe thấy những kiểu lập luận này nọ để biện minh cho hành động giết người, phá thai, mang thai hộ hoặc bất kỳ thao tác sinh học nào khác. Đối với Kitô hữu, thân xác là thiêng liêng và cần được tôn trọng như chính thân thể của Chúa Kitô. Lời kêu gọi đầu tiên dành cho các tín hữu của Chúa Kitô không phải là đánh giá thấp thân xác của chúng ta, như một thứ linh đạo nào đó đã biếm họa nó, nhưng chúng ta phải coi nó như một ân huệ từ Thiên Chúa, kết hợp chúng ta vào trong thân thể của Chúa Kitô. Giáo lý Hội thánh Công giáo số 2258 viết: “Sự sống của con người là điều linh thánh, vì từ ban đầu sự sống này nằm trong quyền lực sáng tạo của Thiên Chúa và luôn liên kết với cứu cánh duy nhất của mình là chính Đấng Sáng Tạo. Từ khởi thủy cho đến cùng tận đời người, chỉ có Thiên Chúa là chủ sự sống : trong bất cứ hoàn cảnh nào, không ai được phép trực tiếp hủy hoại mạng sống người vô tội[1].

Nhưng chúng ta không chỉ là thân xác, là thuần vật chất. Con người là thân xác và linh hồn, gắn bó với nhau mật thiết làm nên một hữu thể nhân linh, ngôi vị, khác hẳn với mọi loài thụ tạo khác như các loài thực vật và động vật, và ngay cả khác với các thụ tạo thuần linh như các thiên thần. Con người là loài thụ tạo được chính tay (nói cách hình tượng) Thiên Chúa tạo dựng “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật. Rồi Đức Chúa là Thiên Chúa trồng một vườn cây ở Êđen, về phía đông, và đặt vào đó con người do chính mình nặn ra.” (Sáng Thế Ký 2: 7-8) và “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ. Thiên Chúa ban phúc lành cho họ…Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp!” (Sáng Thế Ký 1: 27-31). Thiên Chúa ban sự hiện hữu cách riêng cho con người. Đó là tiếng Chúa gọi: Chúa gọi con người từ chỗ hư vô sang hiện hữu.

Hơn nữa, mục đích và lẽ sống của mỗi người chúng ta – tính cứu cánh hiện sinh - là gì nếu không phải là sống sung mãn trong tình yêu của Thiên chúa. Thánh Phaolô diễn tả trong thư gửi Êphêsô “Thiên Chúa tuyển chọn ta trong Đức Kitô trước khi tạo thành vũ trụ, để ta được trở nên tinh tuyền thánh thiện” (Êphêsô 1,4) và “Thiên Chúa trung tín, Ðấng đã kêu gọi anh em đến chung phần hợp nhất với Con của Người, Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.” 1Côrintô 1,9).  Sách Giáo lý Công Giáo, trong Lời mở đầu, phần I, số 1 viết:  “Thiên Chúa là Đấng Toàn Thiện và Hạnh Phúc khôn lường. Theo ý định nhân hậu, Người đã tự ý tạo dựng con người, để họ được thông phần sự sống vĩnh phúc. Do đó, Người đã đến với con người. Thiên Chúa kêu gọi con người, giúp họ tìm kiếm, nhận biết và đem hết tâm lực yêu mến Người. Thiên Chúa triệu tập mọi người đã bị tội lỗi phân tán để hợp nhất thành gia đình của Người là Hội Thánh. Để thực hiện điều này, khi tới thời viên mãn, Người đã cử Chúa Con đến làm Đấng chuộc tội và cứu độ. Trong và nhờ Người Con ấy, Thiên Chúa kêu gọi loài người trở nên nghĩa tử trong Chúa Thánh Thần, và do đó, được thừa kế đời sống hạnh phúc của Ngài.”. Mọi suy nghĩ, lời nói, hành động và cảm xúc của chúng ta cần được uốn nắn theo ý hướng này, là ý muốn đầy yêu thương của Thiên Chúa, là lời kêu gọi mãi mãi của Ngài, vẫn vang lên trong tâm khảm mỗi người chúng ta. Đây là ơn gọi chung cho tất cả mọi người.

II / Thay đổi cách nhìn khác của chúng ta về người khác.

Chỉ thay đổi cách nhìn của chúng ta về bản thân thôi là chưa đủ mà còn phải thay đổi cách nhìn về người khác. Đây là điều mà thầy cả Êli phải làm với Samuen. Cách thầy cả Êli nhìn Samuen phải thay đổi. Không còn là đứa trẻ phục vụ đứng trước mặt ông, mà là người được Thiên Chúa kêu gọi, là người sẽ kế tục công việc của ông, thay vào chỗ của chính các con trai ông. Câu chuyện của thầy cả Êli thật đau đớn. Các con trai của ông đã không đi theo con đường của ông và ông có điểm yếu là cứ để mặc chuyện đó xảy ra “Này Ta sắp làm trong Ítraen một điều mà mọi kẻ nghe đến sẽ ù cả hai tai. Ngày ấy, Ta sẽ làm ứng nghiệm trên Êli mọi điều Ta đã phán về nhà nó, từ đầu chí cuối. Ta sẽ báo cho nó biết là Ta sẽ xét xử nhà nó mãi mãi vì nó đã biết con cái nó nguyền rủa Thiên chúa, mà nó đã chẳng sửa dạy chúng. Vì thế cho nên Ta thề với nhà Êli là tội nhà Êli sẽ không bao giờ lấy lễ tế hay cúng quảy mà khỏa lấp được” (1 Samuen 3: 11-14). Chính ông là người sẽ chấp nhận rằng trách nhiệm của mình được chuyển cho một người không thuộc về gia đình của mình, “Samuen đã thuật lại cho ông mọi sự, không giấu giếm điều gì. Êli nói: "Người là Giavê! Xin Người làm như Người xét là phải!” (1 Samuen 3: 18). Một người khác sẽ thế chỗ và người khác đó chính là người đã phục vụ ông. Tuy nhiên, chính ông là người giúp Samuen nhận ra tiếng Thiên Chúa, “Khi ấy Êli mới hiểu là chính Giavê đã gọi cậu bé. Êli bảo Samuen "Con cứ đi nằm! Và nếu có (tiếng) gọi con, con sẽ thưa: Lạy Giavê, xin Người phán, và tôi tớ Người đang nghe!” (1 Samuen 3: 8-9). Thầy cả Êli biết cách nhìn, ông biết cách nhìn xa hơn vẻ bề ngoài. Ông biết mỗi người được Thiên Chúa kêu gọi cách riêng – ơn gọi riêng. Mỗi người được Chúa ban riêng cho những nén vàng nào đó như khả năng trí tuệ, đầu óc tổ chức, năng khiếu nghệ thuật, v.v… để phục vụ cộng đồng: gia đình, đoàn thể, tổ chức, thiết chế xã hội… Theo nghĩa hẹp hơn, ơn gọi riêng là ơn gọi theo gương mẫu của Mẹ Maria và các thánh Tông đồ khi Chúa Giêsu gọi các môn đệ đi theo Người: “Hãy theo Ta!”  (Gioan 1; 43)  ngụ ý rằng họ phải rời bỏ môi trường nơi mình đang sinh sống để dấn thân phục vụ một kế hoạch mà Chúa vạch ra cho họ. Để đáp lại lời kêu gọi của Thiên Chúa, chúng ta cũng phải biết luôn luôn nhìn xa hơn vẻ bề ngoài và xa hơn lối lý luận thông thường.

III / Thay đổi cách nhìn của chúng ta về Chúa Kitô.

Các môn đệ đầu tiên đi trên con đường này, được hướng dẫn bởi tầm nhìn của Gioan Tẩy Giả. Họ không biết gì về Chúa Giêsu, một con người đã đến và đi trên đường, nhưng họ bắt đầu theo Ngài. Họ nhận ra Ngài là Đấng Mêsia, là Chúa Kitô. Không có lời nào trong tiếng gọi này, chỉ cần một cái nhìn thoáng qua: “Hãy đến mà xem” (Gioan 1: 39). Lời mời gọi này thật đáng lo ngại vì thiếu lời giải thích. Nhưng chỉ vậy thôi! Chúa Kitô muốn chúng ta đến xem lối sống của Ngài để cuộc đời chúng ta được biến đổi và mang một ý nghĩa mới. Chúng ta được kêu gọi thay đổi cái nhìn của chúng ta về Chúa Kitô, chúng ta cũng được kêu gọi để nhìn xa hơn vẻ bề ngoài, chúng ta cũng được kêu gọi để có tầm nhìn khác về bản thân và khả năng của mình. Chúng ta phải nhìn thấy và cũng phải chấp nhận bị nhìn thấy, chấp nhận cái nhìn của Chúa Giêsu để đáp lại tiếng gọi của Ngài. Cái nhìn này của Chúa Giêsu cũng nói với chúng ta: “Hãy đến mà xem.”

Đến đâu, xem cái gì ? Điều này vẫn là mầu nhiệm của ơn gọi, của tiếng gọi. Điều duy nhất chúng ta biết là chúng ta sẽ trở nên khác, được biến đổi, giống như Simon đã trở thành Phêrô, không chỉ là thay tên đổi tánh, mà còn là nhận lấy một sứ mạng “Anh là Simon, con ông Giôna, anh sẽ được gọi là Kêpha “ (Gioan 1: 42) và “Này anh Simon con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.” (Mátthêu 16: 17-19).

Sứ mạng của tất cả chúng ta, dù ở bất cứ cương vị nào của bất cứ ơn gọi nào, là phục vụ trong yêu thương theo gương mẫu của Chúa Kitô, Đấng đã hiến thân phục vụ con người. Chúa Kitô hẳn không muốn chúng ta:

“Thôi, gắng sống cho xong đời hết kiếp.
Đường trần gian dài ngắn có bao ngày!”

(Khuyết danh)

Quay cuồng như những chiếc tàu trên biển cả
bị bão đánh tan tành.

(Tv 48:8)

Ngài chắc chắn rất hiểu và cảm thông với nỗi niềm của chúng ta:

Đời như một giấc phù vân
Mùa đi bỏ lá tần ngần nhớ cây
Trăm năm một thoáng mây bay

…..

Đời ta cũng thế âm thầm mà đi
Bây chừ chỉ một bóng tôi
Thân vùi cát bụi hồn trôi biệt ngàn.

(Sương Anh, Đời như một giấc phù vân).

Thiên Chúa đã minh định với nhân loại: “Ngươi là bụi đất và sẽ trở về bụi đất” (St 3:19). Sinh ký, tử quy – sống gởi, chết về. Chắc chắn như vậy! Ca dao tục ngữ Việt Nam thật chí lý: “Dã tràng xe cát biển Đông – Nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì”. Vua Salômôn giàu sang phú quý và đầy quyền lực, nhưng ông vẫn xác định: “Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân” (Gv 1:2).

Sau khi nhìn thấy mọi công việc thực hiện dưới ánh mặt trời, tôi nhận ra: tất cả chỉ là phù vân, chỉ là công dã tràng xe cát” (Gv 1:14). Và ông còn cho biết thêm: “Nhìn vào hết mọi việc do chính tôi làm, và bao gian lao vất vả tôi phải chịu, tôi nhận thấy: tất cả chỉ là phù vân, chỉ là công dã tràng xe cát; dưới bầu trời, có lợi lộc gì đâu!” (Gv 2:11). “Tôi đâm ra chán ghét cuộc đời, vì đối với tôi, dưới ánh mặt trời, mọi việc làm ra đều xấu cả : quả thế, tất cả chỉ là phù vân, chỉ là công dã tràng xe cát. Bấy giờ tôi đâm ra thất vọng về bao gian lao vất vả tôi đã phải chịu dưới ánh mặt trời” (Gv 2:17 và 20).

Thời nay cũng không gì khác, vì đó đã là quy luật muôn đời:

Có điều gì gần như niềm tuyệt vọng
Rơi rất gần rơi xuống trong tôi
Có nhiều khi rơi xuống bên đời
Trong gian nan nên cất tiếng cười.

Đời sống mỗi khi đưa tiễn người
Là tôi lắng nghe lòng tôi rã rời
Có điều gì gần như niềm tuyệt vọng
Trong xuân thì thấy bóng trăm năm.

(Trịnh Công Sơn, Gần như niềm tuyệt vọng, 1973 ♯)

Lòng tôi có khi mơ hồ
Tưởng mình đang là cơn gió.
Về chân núi thăm nấm mồ
Giữa đường trưa có tôi bơ phờ
Chợt tôi thấy thiên thu là
Một đường không bến bờ.

(Trịnh Công Sơn, Lòng tôi có khi mơ hồ tưởng mình đang là cơn gió)[2]

Chính tác giả Thánh vịnh 39 cũng đã kêu lên:

“Lạy CHÚA, xin dạy cho con biết:
đời sống con chung cuộc thế nào,
ngày tháng con đếm được mấy mươi,
để hiểu rằng kiếp phù du là thế. 

Ấy tuổi đời con, Chúa đo cho một vài gang tấc,
kiếp sống này, Chúa kể bằng không.
Đứng ở đời, thật con người chỉ như hơi thở, 

thấp thoáng trên đường tựa bóng câu.
Công vất vả ngược xuôi: làn gió thoảng,
ky cóp mà chẳng hay ai sẽ hưởng dùng”.

Nhưng có thật là đời người chỉ là một “con thuyền không bến” vô vọng? Tin vào một Thiên Chúa nhập thể và nhập thế mang lại cho cuộc đời tôi ý nghĩa và sức mạnh gì?

Đức Kitô sống. Ngài là niềm hy vọng của chúng ta và là sự trẻ trung đẹp nhất của thế giới này. Tất những gì Ngài chạm đến đều trở nên trẻ, mới và đầy sức sống”. Đây là những lời mở đầu tông huấn “Christus vivit – Đức Kitô sống” hậu Thượng hội đồng về người trẻ, được Đức Thánh Cha Phanxicô ký ngày 25/3/2019 tại Loreto, gởi đến “người trẻ và toàn dân Chúa”.

Ba năm trước đó, vào ngày 25-10-2016, Đức Phanxicô cũng đã trình bày về thiên đàng như mục đích niềm hy vọng Kitô giáo.

“Trên đồi Canvê, trong ngày thứ sáu bi thảm và thánh thiêng ấy, Chúa Giêsu đi tới tột cùng cuộc nhập thể của Ngài, liên đới với chúng ta là những kẻ tội lỗi. Chính tại đó đã ứng nghiệm điều mà ngôn sứ Isaia đã nói về Người Tôi Tớ đau khổ: ”Người bị liệt vào số những kẻ gian ác” (53,12; xc Lc 22,37).

Tại đó, trên đồi Canvê, Chúa Giêsu đã có một cuộc hẹn cuối cùng với một tội nhân, để cũng mở toang cánh cửa Nước Ngài cho anh ta. Đó là lần duy nhất từ ”thiên đàng” xuất hiện trong các sách Tin Mừng. Chúa Giêsu đề nghị thiên đàng cho một ”kẻ khốn nạn” trên thập giá đã có can đảm ngỏ với Ngài lời khiêm tốn nhất: ‘Xin Ngài nhớ đến tôi khi vào trong nước của Ngài’” (Lc 23,42). Anh ta chẳng có những công việc lành để biểu dương, chẳng có gì cả, nhưng anh tín thác vào Chúa Giêsu, mà anh nhìn nhận là người vô tội, tốt lành, rất khác biệt với anh (v.41). Chỉ cần một lời khiêm tốn thống hối ấy ấy cũng đủ đánh động tâm hồn của Chúa Giêsu.”

ĐTC nhận xét rằng:

Người trộm lành nhắc nhở chúng ta về thân phận của ta trước Thiên Chúa: chúng ta là con cái của Ngài, Ngài cảm thương chúng ta, Ngài động lòng mỗi khi chúng ta biểu lộ sự nhớ nhung đối với tình thương của Ngài. Trong các phòng của bao nhiêu nhà thương hoặc các phòng ở nhà tù, phép lạ này tái diễn vô số lần: dù đã sống gian ác thế nào đi nữa, không có người nào chỉ còn lại nỗi tuyệt vọng, ơn thánh không bị ngăn cản đối với một ai.” (hết trích)[3].

Thật sự “Người đã cứu độ và kêu gọi chúng ta vào dân thánh của Người, không phải vì công kia việc nọ chúng ta đã làm, nhưng là do kế hoạch và ân sủng của Người.” (2 Timôthê 1:9).

Thiên Chúa muốn kéo dài tình yêu của Ngài trong đời sống của mỗi người chúng ta khi mời gọi chúng ta sử dụng  “Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác. Như vậy, anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa. Ai có nói, thì nói lời Thiên Chúa; ai phục vụ, thì phục vụ bằng sức mạnh Thiên Chúa ban.” (1Phêrô 4; 10-11) và làm cho con người “được sống và sống dồi dào” (Gioan 10, 1-10).

Chuyện kể rằng: Nhà không có điện thoại, anh Hai đi làm xa muốn hỏi thăm Mẹ phải gọi nhờ nhà hàng xóm. Người hàng xóm không vui lòng nhưng chẳng nói ra. Anh Hai ngại nên những cuộc gọi về cứ thưa dần.

Mẹ dành dụm tiền, nhà mắc được điện thoại. Cũng có khi do bận việc nên cả tuần anh Hai mới gọi về một lần. Từ ngày nhà có điện thoại Mẹ ít đi đâu, làm gì cũng loay hoay bên chiếc điện thoại. Có người hỏi lý do, Mẹ nói: "Sợ thằng Hai gọi về mà không gặp được".[4]

Chắc chắn, vì yêu thương, Thiên Chúa còn hơn tất cả các bà mẹ trên trần gian. Ngài đã gọi chúng ta vào đời, đã mời gọi chúng ta bước theo con đường “yêu thương và yêu thương đến cùng” của Ngài (Gioan 13,1), và bây giờ Thiên Chúa vẫn đang mong chờ những cuộc gọi của chúng ta đáp lại tình yêu của Ngài.

Lạy Chúa, không phải tình cờ mà Ngài sinh con ra trên trần gian trong thời đại này và đã cứu con. Xin cho con nhận ra khả năng và ân huệ Chúa đang đặt để trong con. Xin giúp con biết dâng chúng cho Chúa để phục vụ anh em con. Xin giúp con có thể đứng vững trong những chỗ sứt mẻ chia rẽ của gia đình con, của giáo xứ, giáo họ, của cộng đoàn và xóm làng của con.  Xin dùng con như một nhịp cầu nối kết hố thẳm ngăn cách. Xin dùng con như một ống máng để suối yêu thương, tha thứ, phục vụ của Chúa tuôn chảy đến mọi người mọi nơi chung quanh con, nhân Danh Chúa Giêsu Kitô. Amen.