Anh em thật có phúc (23.7.2015 – Thứ năm Tuần 16 Thường niên)
Anh em thật có phúc
Lời Chúa: Mt 13, 10-17
Khi ấy, các môn đệ
đến gần hỏi Ðức Giêsu rằng: “Sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với dân chúng?”
Người đáp: “Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ
thì không. Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì
ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất. Bởi thế, nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với
họ, là vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu. Thế là đối với
họ đã ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ Isaia, rằng:
‘Các ngươi có lắng
tai nghe cũng chẳng hiểu,
có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy.
Vì lòng dân này đã ra đần độn,
chúng đã nặng tai,
còn mắt thì chúng nhắm lại,
kẻo mắt chúng thấy,
tai chúng nghe,
và lòng hiểu được
mà hoán cải,
và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành.’
Còn anh em, mắt anh
em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe. Quả thế,
Thầy bảo thật anh em, nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi thấy
điều anh em đang thấy, mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe, mà không
được nghe.”
Suy niệm:
Tiền định
là một trong những vấn đề gây tranh cãi trong thần học.
Có người nhấn mạnh quá đến tác động
của ơn Chúa cần để được cứu độ,
đến nỗi coi nhẹ tự do và trách
nhiệm của con người.
Có người còn dám cho rằng Chúa đã
định sẵn từ vĩnh cửu
những ai phải vào hỏa ngục hay được
lên thiên đàng.
Thật ra Thiên Chúa muốn cho mọi
người được cứu độ (1 Tm 2, 4; 4, 10).
Kế hoạch của Ngài là cứu độ toàn
thế giới, chẳng trừ một ai.
Muốn được cứu thoát, con người phải
dùng tự do mình mà đón lấy ơn Chúa.
Ơn Chúa có tác động trên tự do con
người,
nhưng lại không áp đặt hay cưỡng ép
nó, vì nếu thế sẽ chẳng còn tự do.
Chính Thiên Chúa ban tự do cho con
người, và chính Ngài tôn trọng tự do ấy.
Thiên Chúa không thể tiền định lời
đáp của con người trước lời mời của ân sủng.
Trong bài
Tin Mừng hôm nay, có những câu cần được soi sáng.
“Bởi vì anh em thì được ơn hiểu
biết các mầu nhiệm Nước Trời,
còn họ thì không” (c. 11).
Câu này có thể bị hiểu lầm là Thiên
Chúa có sự phân biệt đối xử.
Các môn đệ thì được ơn hiểu biết,
còn đám đông thì không.
Thật ra Đức Giêsu chỉ muốn nói lên
sự kiện này,
các môn đệ là những người đã đáp
lại tiếng gọi của Ngài,
nên họ được ơn hiểu biết, ơn nắm
bắt được mầu nhiệm Nước Trời.
Còn đám đông những người từ chối
thì khó lòng hiểu được.
Một câu khác cũng cần được hiểu
đúng: “Người đã có lại được cho thêm,
còn ai không có, thì ngay cái đang
có, cũng sẽ bị lấy đi” (c. 12).
Ở đây Đức Giêsu chỉ muốn nói rằng
những ai đã mở lòng đón nhận
thì càng được Thiên Chúa ban cho sự
hiểu biết đức tin sâu xa hơn.
Còn những người đã khép lòng trí
lại, thì về mặt thiêng liêng sẽ bị nghèo đi.
Vào buổi
ban đầu, các môn đệ tin theo Đức Giêsu chỉ là nhóm nhỏ.
Còn một đám đông lớn người Do thái
không tin nhận Ngài.
Đức Giêsu giảng cho họ bằng những
dụ ngôn đơn sơ gần gũi.
Ngôn ngữ của dụ ngôn vừa dễ hiểu
đối với người mở lòng đón nhận,
vừa khó hiểu đối với những ai từ
chối và khép kín (c. 13).
Đức Giêsu không chơi khăm con người
khi giảng bằng dụ ngôn,
để khiến họ trố mắt nhìn mà không
thấy, lắng tai nghe mà không hiểu.
Nếu họ không hiểu được dụ ngôn, thì
không phải lỗi tại Ngài,
mà do quả tim họ đã ra chai đá, do
họ nhắm mắt, bịt tai .
Họ không hiểu vì không muốn hoán
cải và được chữa lành (c. 15).
Như các
môn đệ xưa, các Kitô hữu ngày nay cũng là người có phúc.
Chúng ta được thấy, được nghe nhiều
điều mà người khác không được.
Ước gì chúng ta tìm được thứ ngôn
ngữ thích hợp
để ai cũng có thể nghe được và hiểu
được sứ điệp cứu độ của Chúa.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ,
nhờ đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói,
dễ thấy Chúa hiện diện
và hoạt động trong đời con.
Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa và đe dọa,
xin cho con đừng trở nên cứng cỏi,
khép kín và nghi ngờ.
Xin dạy con sự hiền hậu
để con biết cảm thông và bao dung
với tha nhân.
Xin dạy con sự khiêm nhu
để con dám buông đời con cho Chúa.
Cuối cùng, xin cho con sự bình an sâu thẳm,
vui tươi đi trên con đường hẹp với
Ngài,
hạnh phúc vì được cùng Ngài chịu khổ
đau. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ