Vì đã trót thề (1.8.2015 – Thứ bảy Tuần 17 Thường niên)
Vì
đã trót thề
Lời Chúa:
Mt 14, 1-12
Thời ấy, tiểu vương
Hêrôđê nghe danh tiếng Ðức Giêsu, thì nói với những kẻ hầu cận rằng: “Ðó chính
là ông Gioan Tẩy Giả; ông đã từ cõi chết trỗi dậy, nên quyền làm phép lạ mới
tác động nơi ông.” Số là vua Hêrôđê đã bắt trói ông Gioan và tống ngục vì bà
Hêrôđia, là vợ ông Philipphê, anh của nhà vua. Ông Gioan có nói với nhà vua:
“Ngài không được phép lấy bà ấy.” Vua muốn giết ông Gioan, nhưng lại sợ đám
đông, vì họ coi ông là ngôn sứ. Vậy, nhân ngày sinh nhật của vua Hêrôđê, con
gái bà Hêrôđia đã biểu diễn một vài điệu vũ trước mặt quan khách, làm cho nhà
vua vui thích. Bởi đó, vua thề là hễ cô xin gì, vua cũng ban cho. Nghe lời mẹ
xui bảo, cô thưa rằng: “Xin ngài ban cho con, ngay tại chỗ, cái đầu ông Gioan
tẩy Giả đặt trên mâm.” Nhà vua lấy làm buồn, nhưng vì đã trót thề trước khách
dự tiệc, nên truyền lệnh ban cho cô. Vua sai người vào ngục chặt đầu ông Gioan.
Người ta đặt đầu ông trên mâm, mang về trao cho cô, và cô ta đem đến cho mẹ.
Môn đệ ông đến lấy thi hài ông đem chôn, rồi đi báo cho Ðức Giêsu.
Suy niệm:
Theo các
sách Tin Mừng, Gioan bị giết trong khung cảnh một bữa tiệc.
Đó là tiệc mừng sinh nhật Hêrôđê
Antipas là tiểu vương vùng Galilê và Pêrê.
Nếu thế, bữa tiệc này hầu chắc diễn
ra ở Tiberias,
một thành gần hồ Galilê, nơi Hêrôđê
đặt trung tâm quyền lực của mình.
Gioan bị giết vì dám phản đối cuộc
hôn nhân bất hợp pháp
giữa Hêrôđê với bà Hêrôđia là vợ
của Philíp,
người anh cùng cha khác mẹ với
mình.
Chuyện
ngoại tình của Hêrôđê bị Gioan Tẩy giả kết án là có thể hiểu được.
“Ngài không được phép lấy bà ấy”
(c. 4).
Lấy vợ của người anh em là phạm đến
Luật Chúa (Lv 18, 16; 20, 21).
Gioan là một ngôn sứ không lùi bước
trước sự bất công.
Ông đã sẵn sàng bênh vực sự thật,
dù ông biết cái giá phải trả.
Hêrôđê đã dùng quyền lực để ép
Gioan phải im miệng.
Ông bắt Gioan, xiềng lại và tống
vào ngục.
Chỉ vì sợ phản ứng của dân chúng mà
Hêrôđê chưa muốn giết Gioan.
Bữa tiệc
sinh nhật của Hêrôđê hẳn có nhiều quan khách tham dự.
Chuyện cô công chúa như Salômê, con
bà Hêrôđia, múa cho quan khách xem,
là một chuyện lạ, nhưng vẫn có thể
đã xảy ra.
Không rõ vì cô xinh đẹp hay vì múa
giỏi mà Hêrôđê ngây ngất (c. 6).
Từ đó Hêrôđê không còn đủ sáng
suốt, tỉnh táo,
khi vội vã đưa ra một lời hứa kèm
theo lời thề với cô.
Cô muốn xin gì, nhà vua cũng thề
hứa ban cho (c. 7).
Chúng ta thấy Hêrôđê đã tự đưa mình
vào thế kẹt dại dột và nguy hiểm.
Ông đã không lường được hậu quả của
chuyện đó.
Hêrôđia chỉ chờ cơ hội này để thanh
toán kẻ dám phá hạnh phúc của bà.
Bà đã xúi con gái xin ngay thủ cấp
của Gioan, đặt trên mâm.
Hêrôđê
hẳn đã lặng người khi nghe cô bé xin điều ấy.
Ông lấy làm đau buồn vì đây thật là
chuyện không ngờ (c. 9).
Ông bị đặt trước một chọn lựa: giết
hay không giết Gioan.
Đám đông quan khách tạo một áp lực
vô hình trên ông.
Vì đã lỡ thề hứa trước mặt họ, nên
ông không dám rút lại.
Ông sợ rút lại sẽ bị mang tiếng là
nuốt lời, và sẽ bị mất uy tín.
Hêrôđê đã chọn mình, chọn danh dự
và cái ghế của mình hơn.
Ông hy sinh Gioan để giữ được tiếng
tăm và tình yêu với bà Hêrôđia.
Làm sao
chúng ta có can đảm nhận ra mình sai lầm và dừng lại?
Làm sao chúng ta không bị cuốn từ
tội này sang tội khác?
Rút lại một lời hứa có khi còn khó
hơn giữ lời hứa ấy.
Hêrôđê là người bị nô lệ bởi nỗi
sợ, sợ Gioan, sợ dân, sợ quan khách…
Đúng hơn là ông sợ mất chính mình,
sợ người ta nghĩ xấu về mình.
Có những lúc chợt tỉnh ngộ, tôi vẫn
ngần ngại không muốn nhận mình sai.
Tôi không dám nhận lỗi, vì tôi muốn
mình vẫn đúng.
Xin Chúa đưa tôi ra khỏi cơn mê
muội của tôi.
Cầu nguyện:
Như thánh Phaolô trên đường về Đamát,
xin cho con trở nên mù lòa
vì ánh sáng chói chang của Chúa,
để nhờ biết mình mù lòa mà con được
sáng mắt.
Xin cho con đừng sợ ánh
sáng của Chúa,
ánh sáng phá tan bóng tối trong con
và đòi buộc con phải hoán cải.
Xin cho con đừng cố chấp
ở lại trong bóng tối
chỉ vì chút tự ái cỏn con.
Xin cho con khiêm tốn
để đón nhận những tia sáng nhỏ
mà Chúa vẫn gửi đến cho con mỗi
ngày.
Cuối cùng, xin cho con
hết lòng tìm kiếm Chân lý
để Chân lý cho con được tự do.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ