Chàng rể ở với họ (4.9.2015 – Thứ sáu Tuần 22 Thường niên)
Chàng rể ở với họ
Lời Chúa:
Lc 5, 33-39
Khi ấy, những người Pharisêu và những kinh sư nói với Đức
Giêsu: “Môn đệ ông Gioan năng ăn chay cầu nguyện, môn đệ người Pharisêu cũng
thế, còn môn đệ ông thì ăn với uống!” Ðức Giêsu trả lời: “Chẳng lẽ các ông lại
có thể bắt khách dự tiệc cưới ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ? Sẽ có ngày
chàng rể bị đem đi; ngày đó, họ mới ăn chay.” Ðức Giêsu còn kể cho họ nghe dụ
ngôn này: “Chẳng ai xé áo mới lấy vải vá áo cũ, vì như vậy, không những họ xé
áo mới, mà miếng vải áo mới cũng không ăn với cũ. Không ai đổ rượu mới vào bầu
da cũ, vì như vậy, rượu mới sẽ làm hư bầu, rượu sẽ chảy ra và bầu cũng hư.
Nhưng rượu mới thì phải đổ vào bầu mới. Cũng không ai uống rượu cũ mà còn thèm
rượu mới. Vì người ta nói: Rượu cũ ngon hơn.”
Suy
niệm:
Sau khi
Lêvi, người thu thuế, được Thầy Giêsu mời gọi đi theo,
ông đã tổ chức bữa đại tiệc khoản
đãi Thầy và các môn đệ.
Ông còn mời các bạn đồng nghiệp đến
dùng bữa để từ giã.
Ăn uống vui vẻ, hòa đồng cả với
những người bị xã hội tránh xa,
đó là một nét đặc biệt của nhóm
Thầy Giêsu.
Đừng quên chính Thầy cũng bị mang
tiếng là tay ăn nhậu (Lc 7, 34).
Như thế nhóm của Thầy không có nét
khắc khổ,
như các nhóm môn đệ của Gioan hay
của người Pharisêu.
Các nhóm này thường hay ăn chay và
cầu nguyện.
“Còn môn đệ Thầy thì ăn với uống !”
(c. 33).
Các nhà lãnh đạo Do Thái giáo hỏi
Thầy về lý do có sự khác biệt đó.
Thầy trả
lời: vì bầu khí của nhóm Giêsu là bầu khí vui của tiệc cưới.
Chú rể chính là Thầy, còn các môn
đệ là những khách dự tiệc.
Chẳng ai dự tiệc cưới mà lại ăn
chay.
Chẳng ai buồn khi chàng rể còn đang
ở bên cạnh (c. 34).
Bởi đó thật là dễ hiểu nếu các môn
đệ không ăn chay một tuần hai lần,
nếu họ có nét mặt tươi tắn và sẵn
sàng chung vui với người khác.
Chuyện Thầy Giêsu ăn uống hồn nhiên
với những tội nhân
cho thấy Thiên Chúa không khinh,
nhưng quý họ và mời họ trở về.
Thầy cho thấy mình đang rao giảng
Tin Mừng, loan báo Tin Vui.
Đến với Thầy là gặp được niềm vui
cứu độ.
Thầy Giêsu và các môn đệ đều mời
gọi người ta hoán cải (Mc 1,15; 6,12)
Nhưng hoán cải ở đây không phải là
chuyện buồn, mà là chuyện vui,
bởi lẽ hoán cải là thay đổi tận căn
cái nhìn về Thiên Chúa và người khác.
Chẳng ai vui bằng người thoát ra
khỏi được cảnh nô lệ tội lỗi.
Cả thiên đàng cũng mừng vui khi một
người hoán cải (Lc 15, 7. 10).
Thầy
Giêsu đã trao cho các môn đệ niềm vui của chính mình.
Ba lần Ngài nói đến niềm vui
trọn vẹn (Ga 15,11; 16,24; 17,13).
Kitô giáo bắt nguồn từ niềm vui
phục sinh và sống mãi nhờ niềm vui ấy.
Các tông đồ bị đánh đòn mà lại vui,
bởi họ chịu vì Đức Giêsu (Cv 5,41).
Niềm vui là đặc nét của người Kitô
hữu qua mọi thách đố.
Niềm vui là quà tặng lớn của chúng
ta cho một thế giới muộn phiền.
Chàng rể Giêsu đang ở với chúng ta
cho đến tận thế và mãi mãi,
nên “anh em hãy vui luôn trong niềm
vui của Chúa” (Pl 4, 4).
Chúng ta chỉ có thể là sứ giả của
Tin Mừng nếu ta có niềm vui nội tâm.
Niềm vui này phải tỏa ra như hương
thơm làm mọi người ngây ngất.
Ông
Nietzsche một triết gia vô thần người Đức viết cho các Kitô hữu:
“Nếu niềm tin của các anh làm các
anh hạnh phúc,
thì hãy cho tôi thấy hạnh phúc ấy
trên khuôn mặt của các anh…
Nếu Tin Mừng của Sách Thánh được viết
trên khuôn mặt của các anh rồi,
thì các anh chẳng cần phải cố nhấn
mạnh đến giá trị của Sách ấy nữa.”
Nietzsche không tin một Kitô hữu
buồn, mà bảo mình tin vào sự phục sinh.
Chúng ta có bao giờ để ý soi khuôn
mặt Kitô hữu của mình không?
Cầu
nguyện:
Lạy Chúa
Giêsu,
có những ngày con cảm thấy
đời sống thật nặng nề;
có những lúc con muốn buông
trôi,
để mặc cho dòng đời đưa đẩy;
có những khoảng thời gian dài,
con như mảnh đất khô khan cằn
cỗi.
Xin cho con ánh sáng của Chúa
để con biết lối mà đi.
Xin cho con tấm bánh của Chúa
để con có sức mà dấn bước.
Xin cho con Lời của Chúa
để con vững một niềm tin.
Xin cho con sự sống của Chúa
để con lấy lại niềm hăng say và sự tươi tắn,
niềm vui và sáng tạo.
Lạy Chúa Giêsu,
con thấy mình cần Chúa
trong mỗi giây phút của cuộc đời.
Ước gì ai gặp con
cũng gặp được sự hiện diện của Chúa.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ