ĐẦY TỚ VÀ NÔ LỆ (18.10.2015 – Chúa nhật 29 Thường niên, Năm B)


ĐẦY TỚ VÀ NÔ LỆ
Lời Chúa: Mc 10, 35-45
Khi ấy, hai người con ông Dêbêđê là Giacôbê và Gioan đến gần Ðức Giêsu và nói: “Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây”. Người hỏi: “Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì?” Các ông thưa: “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang”. Ðức Giêsu bảo: “Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?” Các ông đáp: “Thưa được”. Ðức Giêsu bảo: “Chén Thầy uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy chịu, anh em cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã dọn sẵn cho ai thì kẻ ấy được”.
Nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Giacôbê và ông Gioan. Ðức Giêsu gọi các ông lại và nói: “Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì áp đặt trên họ quyền bá chủ, những người làm lớn thì áp đặt trên họ quyền hành của mình. Nhưng giữa anh em thì không phải như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”.
Suy nim:
Ghế tượng trưng cho địa vị, quyền lực và quyền lợi,
nên ghế là nỗi ám ảnh của nhiều người.
Ghế trưởng phòng, ghế giám đốc, ghế đại biểu...
Tất cả nỗ lực dồn vào việc có một ghế,
sau đó là giữ ghế, hay tìm cách lên ghế cao hơn.
Ngay cả những người đã bỏ mọi sự để theo Chúa
cũng bị ám ảnh bởi những chiếc ghế danh dự.
Chính lúc Ðức Giêsu nói đến cái chết gần kề của mình,
thì Gioan và Giacôbê lại xin được ngồi hai bên tả hữu.
Có vẻ họ không bắt được tần số của Thầy!
Thanh tẩy mình khỏi tội lỗi không khó lắm.
Nhưng thanh tẩy mình khỏi nhân đức và công trạng của mình
thì khó hơn bội phần.
Hai môn đệ đã từ bỏ những điều rất cao quý,
nhưng bây giờ lại muốn kiếm chút lợi lộc
từ chính sự từ bỏ và phục vụ của mình.
Họ dám lên tiếng đòi hỏi Ðức Giêsu:
“Chúng con muốn Thầy làm cho chúng con điều chúng con xin”.
Thái độ bực tức của mười môn đệ còn lại
có thể bắt nguồn từ một sự ganh tỵ ngấm ngầm.
Nhiều môn đệ cũng ước mơ hai ghế tả hữu.
Ðức Giêsu kéo hai ông ra khỏi tham vọng và đam mê
để đưa họ trở về với thực tại gai góc sắp đến.
Họ muốn được chung phần với Ngài trong vinh quang,
nhưng liệu họ có dám chia phần với Ngài trong đau khổ?
Uống chung chén đắng Thầy sắp uống,
chịu chung phép Rửa Thầy sắp chịu
là chấp nhận bị dìm sâu xuống dòng nước khổ đau.
Thật ra được ngồi hai bên tả hữu Thầy trong vinh quang
đâu phải là phần thưởng để trả công cho người bền chí.
Trung tín theo Chúa đến cùng đã là phần thưởng rồi.
Chúng ta không giữ đạo để đòi một chỗ thật cao,
nhưng mong được ban một chỗ thật gần bên Chúa.
Người đứng đầu, người làm lớn, người có quyền
thường dễ có thái độ thống trị, áp đặt, hống hách.
Chức vụ và quyền lực trở thành phương tiện phục vụ bản thân.
Ðó là lối lãnh đạo dễ thấy nơi người đời.
Ðức Giêsu không chấp nhận chuyện đó nơi Hội Thánh:
“Nơi anh em thì không như vậy”.
Ngài đề xướng một lối lãnh đạo mới.
Ai muốn làm lớn, làm đầu trong Hội Thánh
phải trở nên đầy tớ và nô lệ cho mọi người.
Ðức Giêsu mời chúng ta làm một cuộc cách mạng lớn,
không phải chỉ là đổi ngôi, mà là đổi lòng.
Tận diệt trong tim những tham vọng ăn trên ngồi trước.
Ðức Giêsu không ủng hộ một xã hội hay Giáo Hội vô tổ chức.
Nhưng Ngài coi lãnh đạo là khiêm nhường phục vụ.
Phục vụ là động từ tóm kết toàn bộ đời Ðức Giêsu.
Ngài đến trần gian để phục vụ, sống như người phục vụ,
và chết như dấu chứng lớn nhất của phục vụ trong yêu thương.
Cầu nguyn:

Lạy Thầy Giêsu,
Thầy không gọi chúng con là tôi tớ,
Thầy cũng không chỉ coi chúng con là môn đệ.
Thầy còn coi chúng con như bạn hữu của Thầy,
vì Thầy đã thổ lộ cho chúng con
những điều riêng tư thầm kín nhất
trong tương quan giữa Thầy với Cha.
Hơn nữa, sau phục sinh,
Thầy đã gọi các môn đệ là anh em.
Mặc nhiên Thầy tự nhận mình là Anh Trưởng
đứng đầu một đoàn em đông đúc.

Xin cho chúng con
luôn thi hành ý muốn của Cha
để trở nên những người em
cùng huyết nhục với Thầy.

Lạy Thầy Giêsu, Thầy đã nâng chúng con lên
làm môn đệ, làm bạn, làm anh em của Thầy.
Còn Thầy lại hạ mình xuống
phục vụ chúng con như người tôi tớ,
rửa chân cho chúng con như một nô lệ
và chết thay cho chúng con trên thập giá.

Xin cho chúng con hiểu được tấm lòng của Thầy
và sống yêu thương mọi người như anh em. Amen.
 
 
***
ANH EM LÀ CHỨNG NHÂN (Chúa nhật Truyền giáo)
Lời Chúa: Lc 24, 44-53
Khi hai môn đệ từ Emmau trở về còn đang nói với nhóm Mười Một, thì chính Ðức Giêsu đứng giữa các ông. Người bảo: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Môsê, Các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm.” Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh và bảo: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Ðấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại, và phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân của những điều này. Và đây, chính Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống.” Sau đó, Người dẫn các ông tới gần Bêtania, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được rước lên trời. Bấy giờ các ông bái lạy người, rồi trở lại Giêrusalem, lòng đầy hoan hỉ, và hằng ở trong Ðền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa.
Suy nim:
Sau khi phục sinh, Chúa Giêsu đã làm một điều quan trọng,
đó là đào tạo những chứng nhân.
Hội Thánh tương lai phải được xây nền vững chắc
trên những con người có kinh nghiệm cá nhân
về cái chết và sự phục sinh của Ngài.
Chính vì thế Ngài đã hiện ra cho Simon,
cho hai môn đệ về Emmau, cho các tông đồ.
Ngài cho họ xem chân tay và Ngài đã ăn bánh
để họ đừng nghi Ngài là ma.
Hơn nữa Ngài còn soi sáng cho họ
để họ hiểu những lời Kinh Thánh nói về Ngài.
Các môn đệ đã là chứng nhân, đã tử đạo
để làm chứng cho điều mình xác tín.
Mỗi năm Hội Thánh dành một ngày Chúa Nhật
để nhắc chúng ta nhớ đến bổn phận của mình,
bổn phận truyền giáo cho thế giới.
“Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân”
Chúng ta phải tiếp tục sứ mạng của các tông đồ,
vinh dự đứng vào hàng ngũ các chứng nhân.
Ðể truyền giáo, chúng ta phải quen thân với Chúa Giêsu,
có kinh nghiệm gặp gỡ Ngài thật sâu lắng,
sống cái chết của Ngài mỗi ngày
và nếm được niềm vui phục sinh Ngài ban tặng.
Ðể truyền giáo cần có nhiều tình yêu:
tình yêu đối với Chúa Giêsu và đối với con người.
Chính vì mến yêu Ngài
mà ta muốn Ngài được mọi người nhận biết.
Chính vì mến yêu mọi người
mà ta muốn chia sẻ hạnh phúc mình đang hưởng.
Thế giới hôm nay đầy lạc thú và hưởng thụ,
nhưng vẫn là một thế giới buồn.
Buồn vì nạn phá thai, ly dị, tự tử;
buồn vì hận thù, thất vọng và lo âu.
Nhiều bạn trẻ tìm quên trong vui chơi, nghiện ngập,
vì không thấy cuộc sống có ý nghĩa.
Như thế truyền giáo là loan báo tin vui
cho một thế giới buồn.
Ðức Thánh Cha đã nhắn nhủ giới trẻ:
“Hội Thánh ủy thác cho giới trẻ nhiệm vụ hô to lên
cho thế giới biết niềm vui vì gặp được Ðức Kitô...
Hãy đi rao giảng Tin Mừng giải thoát.
Hãy là những điều ấy với tâm hồn hân hoan.”
Chúng ta không thể là những chứng nhân buồn.
Chính cuộc sống của ta phải đầy ắp niềm vui,
sự lạc quan và sự sống của Chúa Phục Sinh.
Chỉ như thế chúng ta mời hy vọng đáp ứng
những đòi hỏi gay gắt của thế giới
đang bước vào đệ tam thiên niên kỷ.
Cầu nguyn:

Lạy Cha,
Cha muốn cho mọi người được cứu độ
và nhận biết chân lý,
chân lý mà Cha đã bày tỏ nơi Đức Giêsu, Con Cha.
Xin Cha nhìn đến hàng tỉ người
chưa nhận biết Đức Giêsu,
họ cũng là những người đã được cứu chuộc.
Xin Cha thôi thúc nơi chúng con
khát vọng truyền giáo,
khát vọng muốn chia sẻ niềm tin và hạnh phúc,
niềm vui và bình an của mình cho tha nhân,
và khát vọng muốn giới thiệu Đức Giêsu cho thế giới.
Chúng con thấy mình nhỏ bé và bất lực
trước sứ mạng đi đến tận cùng trái đất
để loan báo Tin Mừng.
Chúng con chỉ xin đến
với những người bạn gần bên,
giúp họ quen biết Đức Giêsu và tin vào Ngài,
qua đời sống yêu thương cụ thể của chúng con.
Chúng con cũng cầu nguyện
cho tất cả những ai đang xả thân lo việc truyền giáo.
Xin Cha cho những cố gắng của chúng con
sinh nhiều hoa trái. Amen.
 
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ