Chúa Nhật IV Thường Niên B: Nói và hành động với thẩm quyền của Thiên Chúa
Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha
Ngày 31.1.2021, Chúa Nhật IV Thường Niên B
Vị tiên tri cuối cùng nói và hành động với thẩm quyền của
Thiên Chúa
Chuyển ngữ: G. Võ Tá Hoàng
WGPQN (31.1.2021) – Bài chia sẻ của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong buổi đọc Kinh Truyền
tin online, sáng Chúa nhật 31/01/2021 tại thư viện tông tòa Vatican.
Anh chị em thân mến,
Đoạn Tin mừng
hôm nay (Mc 1, 21-28), tường thuật lại một ngày tiêu biểu trong sứ vụ của Chúa
Giêsu, cụ thể đó là ngày thứ bảy, ngày dành để nghỉ ngơi và cầu nguyện, ngày mọi
người đến hội đường. Trong hội đường Capharnaum, Chúa Giêsu đọc và dẫn giải
Thánh Kinh. Những người hiện diện bị thu hút bởi cách nói của Ngài. Họ rất ngạc
nhiên vì Chúa Giêsu biểu lộ uy quyền của mình khác với các kinh sư (c.22).
Ngoài ra, Ngài còn cho thấy mình cũng có quyền trong mọi việc làm. Thật vậy, một
người trong hội đường quay sang chống lại Ngài bằng cách chất vấn Ngài với tư
cách là sứ giả của Thiên Chúa. Chúa Giêsu nhận ra ma quỷ, Ngài ra lệnh cho hắn
ra khỏi người đàn ông đó và xua đuổi hắn ra ngoài (c. 23-26).
Ở đây chúng ta thấy hai yếu tố đặc trưng trong
hành động của Chúa Giêsu: rao giảng và phép lạ chữa lành: rao giảng và chữa
lành. Cả hai khía cạnh này đều nổi bật trong Tin mừng của Thánh sử Marcô, nhưng
rõ nhất là khía cạnh rao giảng; trừ quỷ được trình bày như để xác nhận thẩm quyền
và giáo huấn của Ngài. Chúa Giêsu rao giảng với thẩm quyền của chính mình, như
một người sở hữu học thuyết bắt nguồn từ chính mình, không giống như các kinh
sư lấy lại truyền thống và luật lệ trước đây. Họ lặp lại từng lời, từng chữ, -
như ca sĩ vĩ đại Mina đã hát – Họ chỉ có vậy, chỉ bằng lời. Trái lại, nơi Chúa
Giêsu lời nói đầy uy quyền, Chúa có thẩm quyền. Và điều này chạm tới con tim.
Giáo huấn của Chúa Giêsu có chính thẩm quyền như Lời Chúa phán. Thật vậy, chỉ với
một mệnh lệnh Thiên Chúa dễ dàng giải thoát người bị quỷ ám khỏi kẻ ác và chữa
lành cho anh ta. Tại sao vậy? Bởi vì lời của Ngài làm những gì Ngài nói. Vì
Ngài là tiên tri sau cùng. Nhưng vì sao tôi nói Chúa Giêsu là vị tiên tri sau
cùng? Chúng ta nhớ lại lời hứa của Môsê rằng: “Sau tôi, một thời gian nữa, sẽ
xuất hiện một ngôn sứ như tôi” (Đnl 18,15). Môsê công bố Chúa Giêsu là vị tiên
tri cuối cùng. Vì thế, Chúa Giêsu nói không với thẩm quyền con người, nhưng với
thẩm quyền Thiên Chúa, vì Ngài có quyền của vị tiên tri sau cùng, tức là Con
Thiên Chúa, Đấng cứu rỗi chúng ta, chữa lành tất cả chúng ta.
Khía cạnh thứ hai là chữa lành, nó cho thấy lời
rao giảng của Chúa Kitô nhằm mục đích đánh bại sự dữ đang hiện diện nơi con người
và trên thế gian. Lời Chúa trực diện chống lại vương quốc của satan, khiến nó
rơi vào khủng hoảng và buộc phải rút lui khỏi thế gian. Trước mệnh lệnh của
Chúa, người đàn ông bị quỷ ám – bị chiếm hữu – được tự do và biến đổi thành một
người mới. Hơn nữa lời rao giảng của Chúa Giêsu thuộc về một logic trái ngược với
luận lý của thế gian và sự dữ: Lời của Ngài tự biểu lộ sự biến động của một trật
tự sai lầm mọi thứ. Ma quỷ hiện diện nơi người bị ám, hắn la lên khi đến gần
Chúa Giêsu: “Hỡi ông Giêsu Nadarét, có chuyện gì giữa chúng tôi và ông? Ông đến
để tiêu diệt chúng tôi sao” (c. 24). Những biểu hiện này ám chỉ toàn bộ tính chất
xa lạ giữa Chúa Giêsu và satan: Chúa và satan là cặp đôi hoàn toàn khác biệt,
không có điểm chung nào cho cả hai; người này chống lại người kia. Chúa Giêsu,
có thẩm quyền, Ngài lôi kéo mọi người bằng thẩm quyền của mình, và Ngài cũng là
tiên tri, giải phóng; vị tiên tri như đã hứa là Con Thiên Chúa, là Đấng chữa
lành. Chúng ta có nghe những lời đầy thẩm quyền của Chúa Giêsu không? Anh chị
em đừng quên mang theo cuốn Tin mừng trong túi, trong giỏ xách, để đọc hằng ngày,
để nghe được những lời đầy thẩm quyền của Chúa Giêsu. Và tiếp nữa, tất cả chúng
ta đều có những vấn đề, đều có tội, có những bất ổn về tâm linh. Chúng ta cầu
xin Chúa Giêsu: “Lạy Chúa Giêsu, Chúa là tiên tri, là Con Thiên Chúa, Đấng đã
được hứa ban để chữa lành chúng con. Xin Chúa chữa lành chúng con. Hãy xin Chúa
Giêsu chữa lành mọi tội lỗi và những bệnh tật của chúng ta.
Đức Trinh nữ Maria luôn tuân giữ lời và cử chỉ của
Chúa Giêsu trong lòng mình, Mẹ hoàn toàn sẵn sàng và luôn trung thành bước theo
Chúa. Xin Mẹ giúp chúng con biết lắng nghe và bước theo Chúa Giêsu, để trải
nghiệm được dấu chỉ của ơn cứu rỗi trong cuộc sống của chúng con
Nguồn: gpquinhon.org