Lễ Mồng 2 Tết: Đừng tính toán với Thiên Chúa, với mẹ cha!
Lễ Mồng 2
Tết Tân Sửu (Kính Nhớ Tổ Tiên)
ĐỪNG TÍNH TOÁN VỚI THIÊN CHÚA, VỚI MẸ CHA!
Giuse Phạm
Đình Ngọc SJ
WHĐ (12.2.2021) – Ngồi trong
xe trên đường về nhà, câu chuyện của
chúng tôi xoay quanh câu hỏi: “Con người có nên tính thiệt hơn với Thiên Chúa?”
Số là có nhiều người tính làm sao để đi lễ mà không tốn nhiều giờ. Họ căn thời
gian làm sao để “cha vừa bước ra là mình vào nhà thờ, cha vừa vào phòng áo là
mình ra khỏi nhà thờ.” Đại khái là mình “khôn ngoan” để thánh lễ không thiếu,
không thừa phút nào. (Thật tội cho họ vì nghĩ đến thời gian mà quên mất Thiên
Chúa là chúa tể thời gian!)
Anh bạn chuyển sang đề tài về
chuyện nhiều người mẹ mới sinh, không biết luật Giáo hội cho phép họ khỏi phải
đến nhà thờ đến khi nào; hoặc con lên mấy tháng tuổi thì phải đưa trẻ đến nhà
thờ? Nhiều người tính toán để làm sao mình không phạm luật Giáo hội. Tệ hơn, có
người còn chê trách những ai đưa con đi nhà thờ từ thuở còn thơ! Ở nhà có phải
sướng hơn cho mình và cho con không? Vả lại, Thiên Chúa đâu đòi “bà mẹ bỉm sữa”
phải đi nhà thờ!
Cắt ngang câu chuyện trên, một
linh mục kể cho nhóm câu chuyện thú vị liên quan đến người anh của mình. Chuyện
xảy ra trong những năm cha mẹ vị ấy ở tuổi gần đất xa trời, cần người chăm sóc.
Vì sứ mạng, linh mục này không thể về nhà chăm sóc cho cha mẹ mình được. Những
người con khác thì nại vào công ăn việc làm, và thực ra họ cũng không đủ quảng
đại để phục vụ cha mẹ già nua trong những năm tháng còn lại. Chỉ có bác Hai là
người can đảm nhận phần vụ này.
Thực ra lúc đầu bác Hai cũng
trăn trở nhiều lắm, phần vì bác phải nuôi sống gia đình, phần vì bản thân phải
chăm lo mấy mẫu cà phê. Làm sao vừa chu toàn được nhiệm vụ gia đình, vừa đảm nhận
việc phụng dưỡng cha mẹ? Sau nhiều ngày suy nghĩ, bác Hai đã quyết định bán rẫy
cà phê để có nhiều thời gian ở bên cha mẹ hơn. Đó là một quyết định mạo hiểm vì
nó ảnh hưởng đến đời sống kinh tế gia đình bác. Về sau, bác giải thích là:
“Mình không thể tính toán thiệt hơn với cha mẹ được. Cha mẹ sinh ra mình, con
cái trách nhiệm với cha mẹ là điều đương nhiên.”
Thực ra đó chỉ là lý do bên
ngoài. Trong sâu thẳm, bác Hai tin rằng Thiên Chúa có đủ quyền năng để sắp xếp
những phần còn lại. Nếu mình sống hiếu thảo thì ông bà tổ tiên cũng sẽ cầu nguyện
cho mình trước mặt Chúa. Bác ý thức rất rõ: “Hiếu thảo là luật Chúa dạy con người
phải yêu mến, vâng phục và có trách nhiệm với cha mẹ về vật chất lẫn tinh thần.”[1]
Bác đã cầu nguyện rất nhiều và xác tín vào lựa chọn của mình. Trong cương vị
người con, bác tìm được niềm vui khi ở bên mẹ yếu cha già. Trong cương vị người
Kitô hữu, bác được Thiên Chúa mời gọi chu toàn điều răn thứ tư (thảo kính cha mẹ).
Đối với bác thì yêu mến cha mẹ không phải là từ ngữ nói trên môi miệng, nhưng
là hành động cụ thể. Nhờ đó, bác chưa bao giờ tính toán thiệt hơn với cha mẹ của
mình. Dòng họ nhìn vào, Thiên Chúa nhìn xuống, các con nhìn lên, ai cũng thấy
bác là người tuyệt vời trong nhân đức lẫn việc làm.
Có lẽ món quà lớn nhất mà
Thiên Chúa trao cho bác chính là hạnh phúc từ những người con. Trước đây, các
con của bác không hẳn là những người ngoan hiền chăm chỉ hoặc đạo hạnh giỏi
giang. Tuy vậy, với tấm gương sống động của bố, tâm hồn các con được biến đổi
theo năm tháng. Các con sửa nết đổi tính, quyết chí làm ăn. Mỗi đứa đều học
theo tấm gương của bố mà bước vào đời. Bây giờ đứa nào cũng thành đạt, hạnh
phúc bên gia đình và tiếp tục nhìn bố với sự ngưỡng mộ.
Có lần bác chia sẻ: “Nếu ngày
ấy tôi không bán rẫy về chăm sóc cho ba mẹ, chưa chắc tôi có được những người
con, người cháu như ngày hôm nay! Tất cả là hồng ân!” – Bác nói trong xúc động.
Đúng là “Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người ta sẽ đong cho
anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em.” (Lc
6,38) Bác đã có lý khi xác tín rằng: “Thiên Chúa chưa bao giờ thua lòng quảng đại
của con người. Ngài cũng chẳng quên những gì con người làm cho Chúa, cho tha
nhân. Đừng tính toán thiệt hơn với Thiên Chúa.”
Bạn thân mến,
Vài câu chuyện trên đây cho
chúng ta thấy một chân lý này: “Nếu làm điều tốt lành, Thiên Chúa luôn ban lại
nhiều hồng ân.” Chúng ta tin Thiên Chúa là người cha nhân hậu, là Đấng Toàn
Năng quan phòng mọi sự. Dù bất cứ suy nghĩ hoặc hành động nào của chúng ta,
Ngài đều thấy rõ, đều nhớ hết. Xin đừng qua mặt Chúa hoặc giành phần tốt nhất về
cho mình theo kiểu thế gian! Nếu chúng ta dành cho Chúa thêm vài phút trước và
sau thánh lễ, chắc chắn Thiên Chúa cũng sẽ dành cho chúng ta thêm nhiều thời
gian hạnh phúc cho mình và cho gia đình mình. Nếu ai can đảm lựa chọn điều đẹp
lòng Thiên Chúa, hẳn là Thiên Chúa hằng ở với người ấy trọn đời. Nếu ai quảng đại
với Thiên Chúa và với con người, cuộc sống người ấy sẽ được biến đổi. Nếu người
nào sống hào sảng, cho đi mà không tính toán, rộng lượng với người khác, thì
Thiên Chúa ban cho họ rất nhiều điều không thể lượng định bằng tiền.
Thi hào Tagore kể lại một câu
chuyện đầy ý nghĩa như sau. Có lần nhà vua đi qua làng nọ, thấy anh hành khất
ngồi bên đường. Nhà vua bước xuống xe để xin người hành khất bố thí. Anh này ngạc
nhiên hết sức, bởi vì anh là người cần phải xin nhà vua bố thí, đằng này nhà
vua lại ngửa tay xin anh. Anh móc trong túi một hạt thóc và trịnh trọng đặt nó
vào tay Đức Vua. Chiều đến, khi về tới nhà, người hành khất mới mở chiếc bị của
mình ra. Lạ lùng thay, giữa muôn hạt thóc, anh nhận ra một viên vàng ròng óng
ánh có kích cỡ và hình dạng đúng bằng hạt thóc anh đã cho Đức Vua trước đó. Lúc
bấy giờ, người hành khất mới khóc nức nở hối tiếc: “Phải chi ta đã cho Đức Vua
tất cả những gì ta có...!”
Quảng đại là dám cho đi những
gì mình có, thậm chí là những điều quý giá nhất đối với mình. Đó là nhân đức
giúp người ta biết bao dung đón nhận, sẵn sàng sẻ chia và thành tâm giúp đỡ người
khác. Với nhiều người, đó là mất mát hay thiệt thòi có thể thấy được trước mắt.
Nhưng họ đâu biết rằng đằng sau đó là biết bao ân sủng Thiên Chúa âm thầm trao
ban lại cho người sống quảng đại.
Để kết thúc, không biết bạn
có đồng ý với tôi điều này không, đó là nếu cứ tính toán giành phần hơn về cho
mình, có khi chúng ta sẽ được lợi trong ngắn hạn, nhưng chắc chắn sẽ mất mát
trong dài hạn. Ngược lại, nếu chấp nhận dâng cho Chúa những mất mát trước mắt để
chọn làm theo ý Chúa thì người ta sẽ nhận lại được gấp trăm gấp ngàn. Điều quan
trọng nhất đó là món quà của Thiên Chúa sẽ theo họ đến suốt đời. Nếu cha mẹ sống
nhân đức, tin yêu nơi Chúa, thì đời con cháu sẽ hưởng phần gia nghiệp lớn lao.
Đó là đạo hiếu, là lời dạy của ông bà, là nét đẹp truyền thống của người Việt[2],
vốn được Thiên Chúa khuyến khích, khuyên răn: thảo kính cha mẹ.
Lạy Thiên Chúa hằng yêu thương con người, Ngài dạy chúng con thảo kính cha mẹ. Thật may cho dân Việt chúng con là tinh thần ấy đã thấm đượm trong văn hóa Việt. Do đó, trong những này năm mới này, chúng con cùng với Chúa Xuân hướng về ông bà tổ tiên, về cha mẹ. Xin giúp chúng con đừng bao giờ tính toán thiệt hơn với ông bà cha mẹ, với Thiên Chúa! Được như thế, chúng con luôn có mùa xuân hạnh phúc trong cuộc đời bên Chúa và bên gia đình. Amen.