Suy niệm CN Lễ Lá Năm B: Chúng ta có thể cùng đồng hành với nhau



SUY NIỆM CHÚA NHẬT LỄ LÁ

CHÚA GIÊSU ĐÃ CHẾT VÀ SỐNG LẠI, CHÚNG TA CÓ THỂ CÙNG ĐỒNG HÀNH VỚI NHAU
(Is 50, 4-7; Pl 2, 6-11; Mc 14, 1 - 15. 47)

Tác giả: Jaime L. Waters
Chuyển ngữ: ĐCV Sao Biển
Từ: americamagazine.org (18.02.2021) 

WGPNT (23.03.2021) - Một số nhóm và cá nhân là những chất liệu hữu ích để suy niệm trong tuần này, đó là: đám đông rước Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem, người phụ nữ xức dầu cho Chúa Giêsu, viên đại đội trưởng công bố thiên tính của Chúa Giêsu, những người phụ nữ chứng kiến cảnh đóng đinh và ông Giuse quê thành Animathia táng xác Chúa Giêsu.

Bài Tin mừng được công bố vào đầu Thánh lễ trích từ Tin mừng Máccô hoặc Gioan mô tả cảnh rải những cành lá cọ trên con đường Chúa Giêsu đi qua, được cử hành vào Chúa nhật Lễ Lá hôm nay. Dân chúng trải lá và áo choàng để chào đón Chúa Giêsu khải hoàn vào thành, chứng tỏ tầm quan trọng khi Ngài xuất hiện. Họ hô lên “Hosanna”, nghĩa là “Xin cứu chúng tôi”, báo hiệu rằng công trình của Chúa Giêsu tại Giêrusalem là mang đến ơn cứu độ.

Trong những ngày sau cùng, Chúa Giêsu được một phụ nữ xức dầu tại Bêtania. Cô dùng loại dầu thơm đắt tiền xức lên đầu Chúa Giêsu ngay cả khi có một số người quở trách vì cho rằng việc làm của cô là lãng phí.

Người phụ nữ không chỉ phục vụ Chúa Giêsu mà hành động của cô còn báo trước cái chết và việc táng xác của Ngài. Điều quan trọng là cô tuyên bố một cách rõ ràng rằng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, nghĩa là Đấng được xức dầu. Chúa Giêsu khen ngợi sự ân cần và phục vụ của cô đối với Ngài, kêu mời phải ghi nhớ việc làm của cô.

Sau khi bị Giuđa phản bội, Chúa Giêsu bị bắt và chịu đóng đinh. Theo Tin mừng Máccô, Ngài bị đánh đập, bị chế giễu và đội mão gai trước khi bị đóng đinh, bị tổn thương thân xác và tình cảm trên đường đi trước khi chết. Sau cùng, khi Ngài chịu đóng đinh, Máccô đã miêu tả cách sầu thảm cảnh tang tóc trên địa cầu, bóng tối bao trùm khắp mặt đất. Sau khi Chúa Giêsu trút hơi thở cuối cùng trên thập giá, viên đội trưởng Rôma tuyên bố rằng: “Quả thật người này là Con Thiên Chúa!”

Lời tuyên xưng của viên đại đội trưởng được sắp xếp cẩn thận trong bối cảnh rộng hơn của bài Tin mừng. Như được đề cập nhiều lần trong Tin mừng Máccô, Chúa Giêsu đã cố gắng giữ bí mật danh tính của mình, và cho đến thời điểm này, không một ai trong Tin mừng Máccô có thể tôn vinh Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Khi chịu phép rửa, Thiên Chúa Cha đã tuyên bố Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa (Mc 1,11), và trong một lần trừ quỷ, thần ô uế đã hét lên rằng ông Giêsu là Con Thiên Chúa (Mc 3,11). Chúa Giêsu liền quở trách nó vì Ngài không muốn tiết lộ danh tính của mình vào lúc đó. Cuối cùng, khi Chúa chết thì lời khẳng định mang tính thần học này được bày tỏ cho thấy rằng Chúa Giêsu- Con Thiên Chúa chịu chết trên thập giá là mẫu mực tột đỉnh tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại. Đẹp thay, sau bao đợi chờ, thánh Máccô lại dùng một người dân ngoại sống bên ngoài cộng đoàn để công bố mặc khải tột đỉnh này, xác tín rằng cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là ơn cứu độ cho tất cả mọi người.

Trong khi nhiều người chứng kiến tỏ ra đối kháng với Chúa Giêsu thì các bà Maria Mađalêna, Salomê, Maria mẹ của Giacôbê và Giuse cùng những người phụ nữ khác ở lại bên Chúa Giêsu, trung thành ủng hộ Ngài trong khi những người khác đã bỏ trốn. Các phụ nữ này là chứng nhân của việc cứu chuộc, và thánh Máccô đã nhấn mạnh sự trung thành của họ trước thập giá và trong suốt cuộc hành trình của Chúa Giêsu.

Ở phần cuối của bài Tin mừng, một thành viên thượng hội đồng quê thành Arimathia tên là Giuse đến với Philatô xin lấy xác Chúa Giêsu. Có rất ít thông tin về ông, mặc dù thánh Mátthêu và Gioan nói rằng ông Giuse là một môn đệ. Ông Giuse dâng một ngôi mộ cho Chúa Giêsu, thể hiện sự quảng đại và quan tâm để việc chôn cất được đàng hoàng.

Trong tuần cuối cùng của Mùa Chay này, chúng ta được mời gọi suy gẫm về tầm vóc cao cả việc hy sinh của Chúa Giêsu và ý nghĩa của sự hy sinh đó như hành động cứu rỗi của tình yêu thương Thiên Chúa. Cũng vậy, hãy suy gẫm về những con người, trong đó có nhiều người không được nêu tên trong Tin mừng, đã bước đi với Chúa Giêsu. Những người ủng hộ Chúa Giêsu cho chúng ta những hình mẫu để sống như những chứng nhân Kitô hữu đích thực. Đám đông đã chào đón Chúa Giêsu và tuyên xưng quyền năng cũng như tầm quan trọng của Ngài. Người phụ nữ làng Bêtania đã quan tâm đến nhu cầu thể lý của Chúa Giêsu trước khi chết, còn ông Giuse thì quan tâm đến thân xác của ngài sau khi chết. Viên đại đội trưởng Rôma đã tuyên xưng Chúa Giêsu đích thực là Con Thiên Chúa, và truyền bá Tin mừng cho toàn dân. Những người phụ nữ dù có nêu tên hay không nêu tên đều là những nhân chứng Kitô giáo, những người luôn ủng hộ Chúa Giêsu ngay cả khi Ngài chịu chết. Mỗi người trong số những người này đều tự nguyện phục vụ Chúa Kitô, và họ nhắc chúng ta rằng phục vụ trung thành là trọng tâm của đời sống người môn đệ.

Nguồn: giaophannhatrang.org