Hoán cải đích thực


Ngày 17/11/2020
Thứ Ba sau Chúa Nhật XXXIII Thường niên A
Lời Chúa: 
 Lc 19,1-10

1Sau khi vào Giêrikhô, Đức Giêsu đi ngang qua thành phố ấy. 2Ở đó có một người tên là Dakêu; ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có. 3Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giêsu là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn. 4Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giêsu, vì Người sắp đi qua đó. 5Khi Đức Giêsu tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: "Này ông Dakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông! " 6Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người. 7Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: "Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ! " 8Ông Dakêu đứng đó thưa với Chúa rằng: "Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn." 9Đức Giêsu mới nói về ông ta rằng: "Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Ápraham. 10Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất." 

Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất (Lc 19,10)

 

 
Suy niệm: 

Gặp gỡ Chúa Giêsu là một biến cố hồng phúc cho con người, nếu người đó không lo sợ hoặc tránh né cuộc gặp gỡ này.

Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và ông Giakêu. Chúng ta có thể ghi nhận hai thái độ trong cuộc gặp gỡ này. Trước hết là thái độ của những kẻ tự cho mình là công chính mà khinh dễ kẻ khác, không muốn cho kẻ khác đến gặp Chúa và nhận lãnh ơn lành của Chúa. Ðó là thái độ của những kẻ lẩm bẩm trách Chúa đã niềm nở đón tiếp những người tội lỗi và ăn uống với họ, bởi vì đối với Chúa không có ai xấu xa tội lỗi đến độ không đáng được hưởng lòng nhân từ tha thứ của Chúa. Liệu chúng ta có thái độ của những kẻ tự cho mình là công chính và khinh dễ người khác không?

Thái độ thứ hai là thái độ của ông Giakêu, người thu thuế trưởng và giàu có. Ðối với người Do thái, người thu thuế là kẻ tội lỗi công khai: đó là tội phản bội quê hương cộng tác với ngoại bang, và tội gian lận tiền thuế quá mức qui định. Giakêu là người thu thuế trưởng và giàu có, sự giầu có này theo lý luận của người Do thái, chứng tỏ ông có những hành vi bất chính để làm giàu: thu nhiều, nộp ít, và như vậy ông là một người tội lỗi. Ðối với người đồng hương với Giakêu, thì tội của ông không thể tha thứ được; nhưng đối với Chúa Giêsu, Ðấng đến tìm và cứu những gì đã hư mất, thì đây là dịp để thể hiện tình thương nhân từ của Thiên Chúa.

Nơi con người tội lỗi Giakêu vẫn còn một khát vọng hướng về Chúa: ông muốn nhìn xem Chúa Giêsu đi qua, và đây là yếu tố căn bản để được Chúa thi ân. Từ một khát khao gặp Chúa đến việc ăn năn trở lại không có khoảng cách không vượt qua được, vì Chúa Giêsu có thể vượt qua khoảng cách này một khi con người đã có sẵn thái độ chờ mong Ngài đến. Thái độ của Giakêu có thể khuyến khích chúng ta trở về với Chúa. Ông đã thể hiện sự trở lại của mình bằng một hành động cụ thể thiết thực: phân chia nửa phần tài sản cho người nghèo và đền bù gấp bốn cho những thiệt hại ông đã gây ra cho kẻ khác.

Ông Giakêu đã trở thành gương mẫu cho những người đón nhận ơn tha thứ bằng việc thực hành ăn năn sám hối; bằng việc xưng thú tội lỗi của mình và bằng việc quyết tâm đền bù những lầm lỗi đó. Ông là gương mẫu cho chúng ta mỗi lần đi xưng tội. Vì muốn xưng tội nên, muốn được tha tội, chúng ta phải xét mình, ăn năn, dốc lòng, xưng tội và đền tội. Bí tích Giải tội là một hồng ân Thiên Chúa ban cho chúng ta, là phương thế giao hòa chúng ta với Chúa, với Giáo hội và với anh em; ban lại cho chúng ta sự bình an tâm hồn và thêm sức mạnh cho tuong lai.

Ước gì Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta thể hiện một cách cụ thể sự hoán cải của mình. Xin cho chúng ta đừng bao giờ đùa giỡn hay lạm dụng lòng nhân từ của Chúa, nhưng luôn biết cộng tác với ơn Chúa và thành tâm trở về với Chúa.

 

Cầu nguyện: 

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho Giakêu niềm vui được sống bên Chúa. Chúa còn cho Giakêu cơ hội tìm thấy niềm vui qua sự chia sẻ cơm bánh cho những người nghèo đói. Xin cho chúng con biết nắm lấy chìa khóa của sự bình an là lòng quảng đại, để chúng con biết sống bác ái với tha nhân, biết tìm niềm vui qua những nghĩa cử yêu thương mà chúng con dành cho nhau. Xin cho chúng con siêng năng lãnh nhận Bí tích Hòa giải để tìm được ơn bình an; cảm nghiệm được tình thương tha thứ của Chúa. Xin giúp chúng con biết hoán cải mình mỗi ngày nên hoàn thiện trong tình nghĩa với Chúa.  

http://tgpsaigon.net/suy-niem/20111114/13438